Tìm động lực tăng trưởng kinh tế

Ngày đăng : 19/04/2012 - 3:46 PM

 

 Hôm nay 19-4, Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến. Đề án sẽ trình bày những thành tựu và yếu kém chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua. 

 

Vậy đâu là giải pháp để đưa thành tựu này tiến nhanh và sớm khắc phục yếu kém?

 

Đâu là dòng vốn tạo ra tăng trưởng?

 

Yếu kém đầu tiên được chỉ ra trong đề án là “tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục thiên về chiều rộng, dựa chủ yếu vào sự gia tăng số lượng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên…”. Nghĩa là, tái cấu trúc nền kinh tế sẽ đưa ra những giải pháp để khắc phục điểm yếu này.

 

Thực ra dòng vốn đầu tư đến từ chi tiêu công, đầu tư khu vực tư nhân (dựa vào vốn tín dụng ngân hàng là chủ yếu), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là những nguồn vốn chủ yếu tạo ra sự tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng thời gian qua. Việc đầu tư công đã đưa tỷ lệ nợ quốc gia đang gia tăng và chạm đến ngưỡng nợ mà chuẩn mực quốc tế đã đề cập.

 

Chính vì vậy, giải pháp cho chính sách tài khóa thời gian tới sẽ giảm bội chi ngân sách về mức 3-3,5% theo đề án; quản lý nợ công phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế trong 5-10 năm tới của nền kinh tế Việt Nam không còn dựa vào nguồn vốn ngân sách đầu tư.

 

Về dòng vốn đầu tư tư nhân, thời gian qua dòng vốn này liên tục gia tăng và đẩy dòng vốn tín dụng cũng tăng trưởng khá mạnh. Trung bình tín dụng ngân hàng tăng trưởng trên 30%/ năm. Chính sách mở rộng cung tiền trong nền kinh tế đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Nói cách khác, chính sách tiền tệ thời gian qua lấy tăng trưởng kinh tế là mục tiêu. Định hướng chính sách tiền tệ trong đề án nhằm chuyển dịch sang mục tiêu kiềm chế lạm phát, thực hiện theo lạm phát mục tiêu trong khoảng 4-6% trong trung và dài hạn. Ở đây có 2 vấn đề cần quan tâm:

 

Thứ nhất, chuyển dịch mục tiêu điều hành của chính sách tiền tệ sang kiềm chế lạm phát sẽ phù hợp với xu hướng, tạo sự ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này đồng nghĩa cung tiền sẽ giảm mạnh trong giai đoạn tới. Việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp trong nền kinh tế sẽ không còn thuận lợi như trước đây.

 

Để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ cần có một lượng dự trữ đủ mạnh, trong khi đó mức dự trữ này chỉ bằng 2/3 mức an toàn của tiêu chuẩn thế giới (12 tuần nhập khẩu). Muốn đủ mạnh, mức dự trữ ngoại tệ này cần gia tăng xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu để chuyển dịch sang hướng xuất siêu trong giai đoạn tái cấu trúc thay vì nhập siêu cao trong thời gian qua.

 

Như vậy, dòng vốn tiết kiệm của dân cư và doanh nghiệp cần gia tăng và được động viên vào đầu tư sản xuất để thay thế dòng vốn tín dụng ngân hàng. Nhưng làm sao động viên dòng vốn này thì đề án chưa có giải pháp để có dòng tiền đầu tư thay thế.

 

Thứ hai, nếu lạm phát mục tiêu là 4-6%, lãi suất trong nền kinh tế chỉ vào khoảng 5-7%. Ở góc độ nền kinh tế ai cũng mong chờ mức lãi suất này để gia tăng đầu tư chi tiêu. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong những nền kinh tế mà đồng tiền không được chuyển đổi thì còn tồn tại các loại ngoại tệ mạnh.

 

Nhu cầu nắm giữ ngoại tệ mạnh không chỉ đến từ khu vực dân cư mà thậm chí trong nền kinh tế để đáp ứng nhu cầu thanh toán nước ngoài. Như vậy, với mức lãi suất VNĐ như trên lãi suất của ngoại tệ mạnh (như USD) sẽ là bao nhiêu? Giả sử lấy mức 2% hiện nay thì chênh lệch lãi suất VNĐ và USD chỉ ở mức 3%.

 

Nếu tính mức điều chỉnh tỷ giá những năm vừa qua trung bình là 5%, nắm giữ USD sẽ có lợi cho cả doanh nghiệp và người dân thay vì VNĐ. Nếu giữ được biến động tỷ giá dưới 1% và lãi suất tiền USD của nền kinh tế thế giới trong 5-10 năm tới không tăng như hiện nay, dự trữ ngoại tệ của nền kinh tế hiện nay (khoảng 17 tỷ USD) không đủ đáp ứng. Vậy làm sao để thực hiện được mục tiêu của giải pháp này mà đề án đề cập.

 

Mâu thuẫn cơ cấu ngành, sản phẩm

 

Một trong những vấn đề lớn của tăng trưởng kinh tế là sự đóng góp của các ngành, sản phẩm. Đề án đã chỉ ra tỷ trọng các ngành trong GDP đã có sự chuyển dịch: nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 20%, công nghiệp và xây dựng chiếm 41% và dịch vụ chiếm 39%. Ở đây, chúng tôi nhận thấy có sự mâu thuẫn trong sự định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

 

Ngành nông, lâm, ngư nghiệp được xem là lợi thế kinh tế của Việt Nam và đã mang lại nguồn ngoại tệ cho nền kinh tế thời gian qua như đề án đã ghi nhận. Định hướng tái cơ cấu kinh tế cũng xác định đây là ngành có lợi thế cạnh tranh cần tiếp tục duy trì. Tuy nhiên lại không đề cập các giải pháp giúp cho ngành, sản phẩm này phát triển mạnh hơn.

 

Việc lựa chọn các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển để xây dựng năng lực cạnh tranh lại được xác định từ các ngành: Luyện kim, hóa dầu, đóng tàu và các phương tiện vận tải khác, điện tử…

 

Đề án đã chỉ ra ngành công nghiệp phần lớn còn ở dạng gia công, lắp ráp và chủ yếu dựa vào nhập khẩu và sản phẩm trung gian bên ngoài. Nếu tiếp tục chọn ngành này ưu tiên thì không phải thực hiện xây dựng cho giai đoạn 2016-2020 mà cần thực hiện ngay từ bây giờ. Điều này mới thật sự cần tái cấu trúc.

 

 

Thực trạng thu hút FDI vào Việt Nam thời gian qua chủ yếu vào lĩnh vực thâm dụng lao động, bất động sản và tài nguyên. Việc tái cấu trúc nền kinh tế sẽ khắc phục điểm yếu này, nghĩa là dòng vốn FDI sẽ không còn khuyến khích trong lĩnh vực trên. Định hướng này là đúng, nhưng làm sao thu hút dòng vốn nước ngoài chuyển dịch sang ngành nghề khác? Những ngành, sản phẩm trong định hướng phát triển sản xuất của đề án lại không phải là ngành, sản phẩm mà dòng vốn FDI tham gia đầu tư thời gian qua. Đề án cũng không cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy được triển vọng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới nên sẽ khó thu hút dòng vốn này trong những ngành, sản phẩm ưu tiên.

Như vậy liệu những ngành mà đề án ưu tiên phát triển có giúp Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh không? Đề án đã xác định những ngành, sản phẩm này không phải lợi thế cạnh tranh quốc gia, là ngành tiêu tốn nhiều nguồn lực của quốc gia và gia tăng nhập khẩu cao trong khi sản phẩm tạo ra không giúp cho quá trình xuất khẩu.

 

 

Như vậy tiếp tục thực hiện chiến lược ngành, sản phẩm này sẽ gây ra áp lực ngoại tệ cho nền kinh tế khá lớn. Như chúng tôi đã phân tích trên, chiến lược ngành này đã đẩy chính sách tiền tệ vào thế khó, tỷ giá thường xuyên biến động tăng.

 

Điều này nói lên chính sách tiền tệ không thể thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát khi tỷ giá bất ổn, lãi suất VNĐ sẽ tăng cao, khu vực kinh tế tư nhân khó có thể thực hiện đầu tư dài hạn vào các ngành công nghiệp này. Thực trạng chính sách lãi suất cao thời gian qua đã tạo ra một rào cản lớn trong đầu tư dài hạn và nhất là đầu tư công nghiệp.

 

Cơ cấu vốn vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng hiện nay rất thấp và tỷ trọng cho vay ngành, sản phẩm công nghiệp càng nhỏ. Đó là một minh chứng cho việc đầu tư vào ngành công nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế, chỉ có đầu tư của dòng vốn nhà nước vào ngành, sản phẩm này là chủ yếu. Như vậy làm sao để huy động được khu vực tư nhân vào ngành, sản phẩm này thì đề án cũng không đề cập các giải pháp.

 

Tìm hướng ra cho tái cấu trúc

 

Nhìn từ thực trạng nền kinh tế, chiến lược phát triển ngành, sản phẩm phải phục vụ gia tăng tiềm lực tài chính cho nền kinh tế để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, tăng sức mạnh cho các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, động viên nguồn lực trong đầu tư phát triển.

 

Trên cơ sở đó, tại sao chúng ta không đặt vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chọn lựa các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh từ gia tăng xuất khẩu và lựa chọn các ngành sản phẩm ưu tiên. Đó là những ngành, sản phẩm mà đầu ra của nó phải hướng đến xuất khẩu chứ không phải tiêu dùng nội địa.

 

Nghĩa là, dù ngành, sản phẩm đó có hàm lượng hàng nhập khẩu lớn nhưng có giá trị xuất khẩu cao. Việc nhập khẩu chỉ là một công đoạn trong quy trình hoàn thiện sản phẩm để xuất khẩu. Qua đó, Việt Nam có thể tìm thấy sự gia tăng giá trị trong sản phẩm gia công và thu về ngoại tệ cho đất nước.

 

Thực hiện chiến lược này giúp cho việc cân đối xuất nhập khẩu và tiến tới sự thặng dư ngoại tệ. Sự thặng dư ngoại tệ giúp Việt Nam ổn định trong chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Qua đó chính sách tiền tệ mới có thể thực hiện theo mục tiêu kiềm chế lạm phát mục tiêu 4-6%.

 

Việc kiềm chế được lạm phát mục tiêu sẽ giúp kích thích đầu tư, tiêu dùng. Ở đây, Chính phủ định hướng khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu sẽ giúp khu vực tư nhân tham gia để thay thế dòng tiền đầu tư từ khu vực nhà nước.

 

Về tiêu dùng, chính sách hạn chế dùng hàng ngoại, khuyến khích dùng hàng nội bằng nhiều chính sách thuế khóa… Khi thực hiện được chính sách tiền tệ mục tiêu cần sự phối kết hợp với chính sách tài khóa, chính sách lãi suất của trái phiếu chính phủ, tránh sự mâu thuẫn với nền kinh tế và chính sách tiền tệ.

 

Thiết nghĩ, một định hướng phát triển ngành, sản phẩm nên hướng đến gia tăng xuất khẩu trên cơ sở lợi thế cạnh tranh Việt Nam, đừng để chiến lược phát triển ngành, sản phẩm tách rời chính sách tài chính, tiền tệ để rồi an ninh tài chính bị phá vỡ trong nguy cơ của hội nhập.

 

TS. Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TPHCM

 SGĐT

 

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Việt Nam – Cơ hội kiếm tiền đến từ những yếu tố khác biệt

Ngày đăng : 18/04/2012 - 1:36 PM

 

Dòng tiền đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển, hướng đến châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông.

Suốt hơn 1 thập kỷ qua, nhà đầu tư đã quan tâm đến Trung Quốc và cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chắc hẳn khi bạn biết rõ mình đang quan tâm đến cái gì bạn sẽ nắm rõ về nó. Thế nhưng cơ hội sẽ còn lớn hơn nếu bạn biết tìm đến nơi mà không nhiều người chú ý, ngoại trừ người Trung Quốc. Trung Quốc đối đầu với một cuộc khủng hoảng lao động. Đó không phải cái bạn nghĩ. 

Trung Quốc có nguồn nhân công rất dồi dào. Một số có kỹ năng tốt, số khác được giáo dục tốt. Thế nhưng người làm trong các nhà máy thực ra chẳng có cái gì để sở hữu ngoài kỹ năng làm việc họ đang có. Mức lương của họ thấp đến nỗi họ sẽ không bao giờ có tiền để mua chính những chiếc ví họ đang may hay xe đạp họ lắp ráp. Mọi chuyện đang dần thay đổi và các nhà máy tại Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn. Rõ ràng, Trung Quốc không có nhiều nhà máy có lợi nhuận biên cao. 

Trung Quốc thành công bởi đã tự biến mình thành nhà sản xuất hàng hóa chi phí thấp nhất trên thế giới, bán hàng ở mức lợi nhuận biên cực thấp để cạnh tranh. Nhờ vậy, Trung Quốc trở thành cường quốc về sản xuất nhưng lại phải chịu hậu quả không mong muốn: lạm phát. 

Trung Quốc nằm trong nhóm ít nước mới nổi không đưa ra nhiều chương trình trợ cấp. Ví dụ như giá xăng, giá một gallong xăng tại Trung Quốc hiện tính ra đến hơn 5USD, mức giá này cao hơn Mỹ và thậm chí hơn hẳn so với Ấn Độ, nước đang áp dụng chính sách trợ cấp nhiên liệu. 

Tại Trung Quốc, giá cả mọi mặt hàng đang tăng cao vì vậy người lao động đòi mức lương cao hơn, mọi chuyện cũng không quá khó hiểu. 

Người lao động nhận lương cao hơn, lợi nhuận của nhóm chủ các nhà máy vốn đã gặp quá nhiều khó khăn với tình trạng suy giảm kinh tế khiến người tiêu dùng tại nhiều thị trường xuất khẩu không muốn chi tiêu. 

Việt Nam – Cơ hội đằng sau những điều bất ngờ 

Từ năm 1991 đến 1999, tổng giá trị các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ khoảng 120 triệu USD. 

Đến năm 2010, con số đã lên mức 3 tỷ USD. Và nếu tính cả tổng tiền đầu tư vào Việt Nam qua đường Hồng Kông, con số này tăng hơn 4 lần lên đến 15 tỷ USD. Lượng tiền mặt tăng cao thời kỳ đầu những năm 2000 đã khiến cổ phiếu trên thị trường Việt Nam tăng điểm nhảy vọt. 

Thế nhưng giống như nhiều thị trường mới nổi khác, khi bong bóng vỡ, thị trường Việt Nam đã mất đến 70% giá trị và lập mức đáy vào đầu năm 2011. "Tôi đã từng đến Việt Nam vào năm 2011, thực hiện rất nhiều nghiên cứu tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Và tôi đã rất ngạc nhiên. Việt Nam mang đến cơ hội không thể bỏ qua"-ông Karim Rahemtulla, tác giả bài báo (*) nhận định. 

Trên thực tế, giữa những gì đang diễn ra và cái được phản ánh vào giá cổ phiếu, mối liên hệ không thực sự rõ ràng. 

Ngoài ra, Trung Quốc chẳng có lựa chọn nào ngoài việc mở rộng sản xuất sử dụng người lao động lương thấp tại Việt Nam. Nếu tính cả hai yếu tố trên, Việt Nam mang đến cơ hội mà nhiều thị trường mới nổi khác không có được. 

Việt Nam là một đất nước năng động. Phần đông dân số dưới tuổi 45. Họ quan tâm rất nhiều đến học vấn và làm việc chăm chỉ. Họ đã quá quen với việc ban ngày làm việc cả ngày và đi học thêm buổi tối. Người Việt Nam luôn muốn trở nên giỏi hơn. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hồi phục. Và từ chuyến đi đến Việt Nam của tôi đến nay, thị trường đã có mức tăng điểm tốt hơn phần lớn thị trường trên thế giới, hơn 20%. Và thị trường sẽ còn tiếp tục lên điểm. 

Có nhiều thị trường mà cách đây 20 năm tôi cũng không đầu tư, nay cũng vậy. Một số thị trường khác sẽ mãi mãi chỉ là mới nổi. Thế nhưng dòng tiền đang dịch chuyển, tiền mặt hướng đến châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông. Tại đất nước mà tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp 5 lần so với Mỹ hay châu Âu, tăng trưởng ở mức đó sẽ chuyển thành lợi nhuận cao nếu bạn tìm ra được hướng đầu tư đúng. 

Tác giả bài viết là ông Karim Rahemtulla, nhà báo thuộc MoneyMorning – Mỹ.

Đình Hảo

 

Theo TTVN/MoneyMorning

 


Doanh nghiệp có thể được hỗ trợ thêm về tài chính

Ngày đăng : 17/04/2012 - 10:54 AM

 

Ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ có thể sẽ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội (tại Kỳ họp thứ 3) thêm một số giải pháp về tài chính nhằm giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn.

Thưa Bộ trưởng, trước những khó khăn của nền kinh tế, Bộ Tài chính có động thái gì để hỗ trợ DN?

Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan của Bộ, như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan… theo dõi sát sao tình hình sản xuất - kinh doanh, tập hợp số liệu cụ thể về DN tạm ngừng hoạt động, ngừng hoạt động hoàn toàn, thành lập mới, giải thể, phá sản trong 3 tháng đầu năm. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ có đánh giá chung về sức khỏe của DN, xem DN hoạt động trong lĩnh vực nào gặp khó khăn để có giải pháp hỗ trợ cụ thể.

Khi nào Bộ Tài chính có thể đưa ra các giải pháp hỗ trợ?

Bộ Tài chính đang triển khai Nghị định 101/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 08/2011/QH13 ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân; Quyết định 54/2011/QĐ-TTg về việc gia hạn nộp thuế thu nhập DN năm 2011 của DN sử dụng nhiều lao động trong một số ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, trước những khó khăn hiện nay của DN, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để trình Chính phủ, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành thêm một số giải pháp về tài chính nhằm hỗ trợ kịp thời cho DN vượt qua khó khăn hiện nay.

Hiện tại, Bộ Tài chính mới có số liệu quyết toán thuế 2 tháng đầu năm. Theo quy định, phải sau ngày 20/4 mới có số liệu quyết toán thuế tháng 3 và 3 tháng đầu năm. Từ số liệu quyết toán thuế này, chúng tôi sẽ tiến hành phân tích, đánh giá để xác định DN thuộc khu vực nào thực sự gặp khó khăn, khó khăn ở mức độ nào, khó khăn do đâu, lĩnh vực nào cần ưu tiên… để đưa ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể.

Trong khi chờ Chính phủ, Quốc hội ban hành các giải pháp hỗ trợ, thì số lượng DN giải thể, phá sản tiếp tục tăng lên?

Số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản năm nay đúng là nhiều hơn những năm trước, nhưng trong số đó, cũng có không ít DN ảo, tức là những DN lập ra không nhằm mục đích sản xuất - kinh doanh.  

DN gặp khó khăn ai cũng biết, nhưng khó khăn đến cỡ nào, khó khăn ở đâu, khó khăn vì lý do gì thì phải có số liệu, có cơ sở khoa học mới đánh giá một cách khách quan được. Chỉ khi nào có đánh giá, nhận định khách quan, khoa học mới có thể đưa ra giải pháp hữu hiệu để giải quyết.

Bộ trưởng có nghĩ rằng, các thủ tục hành chính liên quan đến thuế hiện còn phiền hà?

Tôi không nghĩ như vậy, vì Luật Quản lý thuế đã cho phép người nộp thuế được quyền tự tính, tự khai, tự nộp thuế và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế.

Tuy nhiên, để tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, trong Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, chúng tôi đề xuất giảm tần suất kê khai thuế từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, DN nhỏ và vừa; rút ngắn thời gian hoàn thuế từ 15 ngày xuống còn 6 ngày đối với trường hợp hậu kiểm và từ 60 ngày xuống còn 40 ngày đối với trường hợp tiền kiểm; bỏ “chứng từ nộp thuế” trong hồ sơ hoàn thuế…

Theo Mạnh Bôn

Baodautu


Nợ công châu Âu bước vào giai đoạn khủng hoảng mới?

Ngày đăng : 16/04/2012 - 4:17 PM

 

 

Sau khi thị trường tài chính quốc tế được xoa dịu bởi động thái tái cơ cấu nợ thành công của Hy Lạp, một lần nữa cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lại trở thành vấn đề nhức nhối với những biến động đến từ Tây Ban Nha và Italy. 

Cho tới gần đây, tâm lý u ám về tình hình tại châu Âu dường như đã được tháo gỡ với kết luận về gói cứu trợ lần hai dành cho Hy Lạp và tác động ổn định đối với khu vực tài chính của chương trình ưu đãi tín dụng từ ngân hàng Trung ương châu Âu.

Nhưng sự nhảy vọt trong chi phí vay nợ của Tây Ban Nha và Italy trong tuần trước đã phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng vấn đề của khu vực đồng tiền chung châu Âu còn xa mới được giải quyết.

“Căng thẳng tài chính tại châu Âu đã được xoa dịu kể từ tháng 12 năm ngoái”, bà Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF phát biểu, “Tuy nhiên, những sự kiện hồi tuần trước đã nhắc nhở chúng ta rằng thị trường vẫn còn hết sức mong manh và bước ngoặt không bao giờ là dễ dàng.”

Sự tập trung hướng vào Tây Ban Nha, vẫn dưới áp lực lớn của Liên minh châu Âu trong việc thu hẹp thâm hụt ngân sách và dọn dẹp hệ thống ngân hàng sau sự đổ vỡ của bong bóng nhà đất, ngay cả khi quốc gia này đang trượt vào suy thoái, với khoảng cứ 4 người ở độ tuổi lao động thì có 1 người rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha kỳ hạn 10 năm đã lần đầu tiên trong 4 tháng trở lại đây chạm mức đáng lo ngại, gần 6% trong hôm thứ Tư tuần trước và kết thúc tuần ở gần mức đỉnh cao đó. Đồng thời, các nhà đầu tư lại tìm tới tài sản trú ngụ an toàn, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm xuống mức thấp gần kỷ lục 1,6%.

Lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha có thể tiếp tục leo thang trong tuần này nếu hai đợt đấu thầu trái phiếu diễn ra vào thứ Ba và thứ Năm tới đây, diễn ra không thành công.

Italy, quốc gia có mức nợ công lớn hơn và vẫn còn một khoảng cách xa mới đạt được mục tiêu huy động ngân sách cần thiết, cũng đang rơi vào tình trạng căng thẳng tương tự.

Cả Tây Ban Nha và Italy đều khó có thể đạt được mức cắt giảm thâm hụt ngân sách mục tiêu mà hai quốc gia này đã đồng thuận với Liên minh châu Âu, đặc biệt nếu sự suy giảm diễn ra sâu rộng hơn.

Kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ được lập thành những kế hoạch ngân sách chi tiết trong trung hạn mà mỗi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đều sẽ phải cam kết tại Brussels trong hội nghị cuối tháng 4. Tiến trình được dự kiến sẽ kéo các nước châu Âu khỏi con đường đã dẫn các quốc gia này tới cuộc khủng hoảng hiện nay.

Kế hoạch này sẽ được dựa trên những chỉ báo chính thức về tình hình tài khóa của khu vực cũng như tình trạng sức khỏe của các nền kinh tế, sẽ được cung cấp trong vài tuần tới, bao gồm số liệu nợ công và thâm hụt ngân sách trong năm 2011 của các quốc gia châu Âu cùng với dự báo kinh tế của Ủy ban châu Âu EC về tăng trưởng, lạm phát, thâm hụt và nợ công, dự kiến công bố trong ngày 11/5.

Các quốc gia có ngân sách không đáp ứng được yêu cầu sẽ khó có thể tránh được đòi hỏi thực thi những động thái điều chỉnh. Tuy nhiên, triển vọng này dường như chắc chắn sẽ làm dấy lên những tranh luận mới về việc liệu các nền kinh tế đang đứng trước bờ vực suy thoái có thể tránh tham gia một chu kỳ thắt chặt mới.

Trong khi những tranh cãi về chương trình thắt chặt lại bùng lên, mối quan ngại về nỗ lực của chính phủ Italy và Tây Ban Nha trong việc tìm kiếm nguồn tài chính để trang trải cho các khoản nợ đáo hạn trong năm nay ngày càng gia tăng áp lực.

Italy, cho tới thời điểm này trong năm, mới chỉ huy động được hơn 1/3 nguồn ngân sách cần thiết trong năm nay, khoảng 215 tỷ EUR (281 tỷ USD). Trong khi đó, Tây Ban Nha vẫn còn một nửa ngân sách cần thiết phải huy động trong năm nay. Theo kế hoạch ngân sách 2012, nước này sẽ phải phát hành khoảng 186 tỷ EUR (243 tỷ USD) trái phiếu.

Ngân hàng Trung ương châu Âu đã xoa dịu thị trường bằng một lượng tín dụng ưu đãi khổng lồ được bơm vào hệ thống ngân hàng châu Âu trong tháng 12 năm ngoái và tháng 2 năm nay. Nhiều ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng thuộc Nam Âu như của Tây Ban Nha và Italy đã sử dụng lượng tín dụng ưu đãi nhận được để mua trái phiếu chính phủ mình.

Một số ít nhà phân tích kỳ vọng ngân hàng trung ương ECB sẽ tiếp tục chương trình hỗ trợ một lần nữa, đặc biệt do những động thái gần đây đã bắt đầu có những hệ quả không lường trước. Trong khi chương trình tín dụng ưu đãi được đưa ra nhằm giải quyết những vấn đề tài chính cho các ngân hàng, kết quả là chúng đẩy các ngân hàng tiến gần hơn tới kết cục tương tự như các chính phủ, Jacques Cailloux, kinh tế trưởng về châu Âu tại Royal Bank of Scotland, London nhận định.

Theo ông, khi lợi suất trái phiếu tăng, các ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn từ lượng tài sản trái phiếu cũng như sự sụt giảm trong giá chứng khoán.

Nhiều nhà kinh tế cho biết Tây Ban Nha vẫn cần giải quyết tận gốc tác động của bong bóng nhà đất bùng vỡ năm 2008 trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhiều người sở hữu nhà đang chật vật thực hiện các nghĩa vụ trả nợ. Giá nhà đất sẽ tiếp tục sụt giảm, đòi hỏi các ngân hàng phải xóa nợ nhiều hơn nữa.

Thống đốc ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha Miguel Ángel Fernández Ordóñez, thừa nhận rằng các ngân hàng Tây Ban Nha có thể cần nhiều vốn hơn nếu nền kinh tế tiếp tục đi xuống.

Deutsche Bank ước tính các ngân hàng Tây Ban Nha có thể cần thêm 50 tỷ EUR vốn bổ sung – lớn hơn nhiều con số các ngân hàng có thể tự huy động được trong điều kiện thị trường hiện nay, và cao hơn khả năng tài chính của chính phủ Tây Ban Nha.

Điều này sẽ khiến Liên minh châu Âu phải thiết lập một quỹ cứu trợ dành cho Tây Ban Nha, theo đó, có thể cho vay trực tiếp đối với các ngân hàng Tây Ban Nha nhằm tránh gia tăng nợ chính phủ.

Italy, không phải đối mặt với bong bóng nhà đất hay mức nợ tư nhân cao như Tây Ban Nha, nhưng quốc gia này có tình trạng nợ công cao hơn Tây Ban Nha, mức tăng trưởng yếu ớt tương tự và thị trường việc làm đóng băng.

Thủ tướng Italy, Mario Monti đã đổ lỗi cho những vấn đề từ Tây Ban Nha làm tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Italy trong khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chỉ trích Mandrid bởi lý do Pháp cuối cùng có thể rơi vào kết cục như Tây Ban Nha nếu người dân Pháp bỏ phiếu cho đảng đối lập trong cuộc bầu cử sắp tới.

Theo đó, Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Mariano Rajoy đã phản pháo và kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu nên “thận trọng hơn trong những phát biểu của mình”.

Anh Đặng

 NYT

 


Tăng trưởng của Việt Nam trong ngắn hạn là đáng lo ngại

Ngày đăng : 13/04/2012 - 1:34 PM

 

 

Việt Nam được chọn trong top 3 thị trường có tăng trưởng cao nhất châu Á Thái Bình Dương – đạt khoảng 7,1% sau Trung Quốc (dự báo GDP tăng 8,6%), Ấn Độ (8,5%).
 

Ngày 12.4, tại Hà Nội, công ty kiểm toán Ernst & Young, cho biết công ty này và trung tâm Oxford Economics vừa hoàn thành bản đánh giá chung “dự báo triển vọng các thị trường tăng trưởng nhanh”. 

 

Theo báo cáo này, Việt Nam được chọn trong top 3 thị trường có tăng trưởng cao nhất châu Á Thái Bình Dương – đạt khoảng 7,1% sau Trung Quốc (dự báo GDP tăng 8,6%), Ấn Độ (8,5%). 

 

Cũng theo dự báo trên, về trung hạn, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi và vượt mục tiêu 6,5% khi khủng hoảng nợ công ở châu Âu lắng xuống. Tuy nhiên, rủi ro với tăng trưởng với Việt Nam trong ngắn hạn vẫn còn đáng lo ngại.

Theo Ngọc Lâm

SGTT

 


Luật sư của Vinashin xác nhận chủ nợ rút đơn kiện

Ngày đăng : 11/04/2012 - 3:48 PM

 

Luật sư của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vừa lên tiếng xác nhận với hãng tin Bloomberg về việc quỹ đầu cơ Elliott Advisers đã rút đơn kiện Vinashin tại Anh.

 

Theo Bloomberg, công ty luật Mayer Brown đại diện cho Vinashin tuyên bố trong một e-mail ngày 10/4 rằng, Vinashin “đã được luật sư của Elliott thông báo về việc Elliott muốn kết thúc vụ kiện”. Tuy nhiên, “Elliott không cho Vinashin biết lý do của việc rút đơn kiện”. 

Cách đây một tuần, báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận cho biết, Elliott đã chấm dứt vụ kiện Vinashin tại Anh. Vào tháng 11/2011, đơn kiện Vinashin được Elliott nộp lên tòa thượng thẩm ở Anh nhằm đòi số tiền 13,2 triệu USD cả gốc lẫn lãi mà Vinashin bị cho là nợ quỹ này. Đây là số tiền nằm trong khoản vay quốc tế 600 triệu USD mà ngân hàng Credit Suisse làm đầu mối để một số chủ nợ quốc tế, trong đó có Elliott, cho Vinashin vay hồi năm 2007.

Bloomberg đã liên lạc với công ty luật Bingham McCutchen ở London, đại diện của Elliott, nhưng các luật sư ở đây từ chối bình luận về vụ việc.

Cũng liên quan tới Vinashin, Seatrade Communications Limited, một công ty truyền thông có trụ sở ở Anh chuyên về các ấn phẩm trong lĩnh vực thương mại và giao thông đường biển, cho biết, Vinashin có thể sẽ phát hành trái phiếu với sự bảo lãnh của Chính phủ để trả nợ.

Seatrade cho biết, một chủ nợ giấu tên của Vinashin tiết lộ, các chủ nợ của tập đoàn này có thể sẽ được hoàn trả 25% số nợ đã cho Vinashinvay dưới dạng trái phiếu.

Ngoài ra, cũng theo nguồn này, phía Việt Nam có thể sẽ trả thêm cho các chủ nợ 30% khoản nợ trong vòng 3 năm tới, nhưng chưa có chi tiết cụ thể về kế hoạch này.

Theo An Huy

VnEconomy


 

Tin mới cập nhật