Doanh nghiệp có thể được hỗ trợ thêm về tài chính

Ngày đăng : 17/04/2012 - 10:54 AM

 

Ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ có thể sẽ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội (tại Kỳ họp thứ 3) thêm một số giải pháp về tài chính nhằm giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn.

Thưa Bộ trưởng, trước những khó khăn của nền kinh tế, Bộ Tài chính có động thái gì để hỗ trợ DN?

Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan của Bộ, như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan… theo dõi sát sao tình hình sản xuất - kinh doanh, tập hợp số liệu cụ thể về DN tạm ngừng hoạt động, ngừng hoạt động hoàn toàn, thành lập mới, giải thể, phá sản trong 3 tháng đầu năm. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ có đánh giá chung về sức khỏe của DN, xem DN hoạt động trong lĩnh vực nào gặp khó khăn để có giải pháp hỗ trợ cụ thể.

Khi nào Bộ Tài chính có thể đưa ra các giải pháp hỗ trợ?

Bộ Tài chính đang triển khai Nghị định 101/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 08/2011/QH13 ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân; Quyết định 54/2011/QĐ-TTg về việc gia hạn nộp thuế thu nhập DN năm 2011 của DN sử dụng nhiều lao động trong một số ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, trước những khó khăn hiện nay của DN, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để trình Chính phủ, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành thêm một số giải pháp về tài chính nhằm hỗ trợ kịp thời cho DN vượt qua khó khăn hiện nay.

Hiện tại, Bộ Tài chính mới có số liệu quyết toán thuế 2 tháng đầu năm. Theo quy định, phải sau ngày 20/4 mới có số liệu quyết toán thuế tháng 3 và 3 tháng đầu năm. Từ số liệu quyết toán thuế này, chúng tôi sẽ tiến hành phân tích, đánh giá để xác định DN thuộc khu vực nào thực sự gặp khó khăn, khó khăn ở mức độ nào, khó khăn do đâu, lĩnh vực nào cần ưu tiên… để đưa ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể.

Trong khi chờ Chính phủ, Quốc hội ban hành các giải pháp hỗ trợ, thì số lượng DN giải thể, phá sản tiếp tục tăng lên?

Số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản năm nay đúng là nhiều hơn những năm trước, nhưng trong số đó, cũng có không ít DN ảo, tức là những DN lập ra không nhằm mục đích sản xuất - kinh doanh.  

DN gặp khó khăn ai cũng biết, nhưng khó khăn đến cỡ nào, khó khăn ở đâu, khó khăn vì lý do gì thì phải có số liệu, có cơ sở khoa học mới đánh giá một cách khách quan được. Chỉ khi nào có đánh giá, nhận định khách quan, khoa học mới có thể đưa ra giải pháp hữu hiệu để giải quyết.

Bộ trưởng có nghĩ rằng, các thủ tục hành chính liên quan đến thuế hiện còn phiền hà?

Tôi không nghĩ như vậy, vì Luật Quản lý thuế đã cho phép người nộp thuế được quyền tự tính, tự khai, tự nộp thuế và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế.

Tuy nhiên, để tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, trong Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, chúng tôi đề xuất giảm tần suất kê khai thuế từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, DN nhỏ và vừa; rút ngắn thời gian hoàn thuế từ 15 ngày xuống còn 6 ngày đối với trường hợp hậu kiểm và từ 60 ngày xuống còn 40 ngày đối với trường hợp tiền kiểm; bỏ “chứng từ nộp thuế” trong hồ sơ hoàn thuế…

Theo Mạnh Bôn

Baodautu

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Nợ công châu Âu bước vào giai đoạn khủng hoảng mới?

Ngày đăng : 16/04/2012 - 4:17 PM

 

 

Sau khi thị trường tài chính quốc tế được xoa dịu bởi động thái tái cơ cấu nợ thành công của Hy Lạp, một lần nữa cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lại trở thành vấn đề nhức nhối với những biến động đến từ Tây Ban Nha và Italy. 

Cho tới gần đây, tâm lý u ám về tình hình tại châu Âu dường như đã được tháo gỡ với kết luận về gói cứu trợ lần hai dành cho Hy Lạp và tác động ổn định đối với khu vực tài chính của chương trình ưu đãi tín dụng từ ngân hàng Trung ương châu Âu.

Nhưng sự nhảy vọt trong chi phí vay nợ của Tây Ban Nha và Italy trong tuần trước đã phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng vấn đề của khu vực đồng tiền chung châu Âu còn xa mới được giải quyết.

“Căng thẳng tài chính tại châu Âu đã được xoa dịu kể từ tháng 12 năm ngoái”, bà Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF phát biểu, “Tuy nhiên, những sự kiện hồi tuần trước đã nhắc nhở chúng ta rằng thị trường vẫn còn hết sức mong manh và bước ngoặt không bao giờ là dễ dàng.”

Sự tập trung hướng vào Tây Ban Nha, vẫn dưới áp lực lớn của Liên minh châu Âu trong việc thu hẹp thâm hụt ngân sách và dọn dẹp hệ thống ngân hàng sau sự đổ vỡ của bong bóng nhà đất, ngay cả khi quốc gia này đang trượt vào suy thoái, với khoảng cứ 4 người ở độ tuổi lao động thì có 1 người rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha kỳ hạn 10 năm đã lần đầu tiên trong 4 tháng trở lại đây chạm mức đáng lo ngại, gần 6% trong hôm thứ Tư tuần trước và kết thúc tuần ở gần mức đỉnh cao đó. Đồng thời, các nhà đầu tư lại tìm tới tài sản trú ngụ an toàn, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm xuống mức thấp gần kỷ lục 1,6%.

Lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha có thể tiếp tục leo thang trong tuần này nếu hai đợt đấu thầu trái phiếu diễn ra vào thứ Ba và thứ Năm tới đây, diễn ra không thành công.

Italy, quốc gia có mức nợ công lớn hơn và vẫn còn một khoảng cách xa mới đạt được mục tiêu huy động ngân sách cần thiết, cũng đang rơi vào tình trạng căng thẳng tương tự.

Cả Tây Ban Nha và Italy đều khó có thể đạt được mức cắt giảm thâm hụt ngân sách mục tiêu mà hai quốc gia này đã đồng thuận với Liên minh châu Âu, đặc biệt nếu sự suy giảm diễn ra sâu rộng hơn.

Kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ được lập thành những kế hoạch ngân sách chi tiết trong trung hạn mà mỗi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đều sẽ phải cam kết tại Brussels trong hội nghị cuối tháng 4. Tiến trình được dự kiến sẽ kéo các nước châu Âu khỏi con đường đã dẫn các quốc gia này tới cuộc khủng hoảng hiện nay.

Kế hoạch này sẽ được dựa trên những chỉ báo chính thức về tình hình tài khóa của khu vực cũng như tình trạng sức khỏe của các nền kinh tế, sẽ được cung cấp trong vài tuần tới, bao gồm số liệu nợ công và thâm hụt ngân sách trong năm 2011 của các quốc gia châu Âu cùng với dự báo kinh tế của Ủy ban châu Âu EC về tăng trưởng, lạm phát, thâm hụt và nợ công, dự kiến công bố trong ngày 11/5.

Các quốc gia có ngân sách không đáp ứng được yêu cầu sẽ khó có thể tránh được đòi hỏi thực thi những động thái điều chỉnh. Tuy nhiên, triển vọng này dường như chắc chắn sẽ làm dấy lên những tranh luận mới về việc liệu các nền kinh tế đang đứng trước bờ vực suy thoái có thể tránh tham gia một chu kỳ thắt chặt mới.

Trong khi những tranh cãi về chương trình thắt chặt lại bùng lên, mối quan ngại về nỗ lực của chính phủ Italy và Tây Ban Nha trong việc tìm kiếm nguồn tài chính để trang trải cho các khoản nợ đáo hạn trong năm nay ngày càng gia tăng áp lực.

Italy, cho tới thời điểm này trong năm, mới chỉ huy động được hơn 1/3 nguồn ngân sách cần thiết trong năm nay, khoảng 215 tỷ EUR (281 tỷ USD). Trong khi đó, Tây Ban Nha vẫn còn một nửa ngân sách cần thiết phải huy động trong năm nay. Theo kế hoạch ngân sách 2012, nước này sẽ phải phát hành khoảng 186 tỷ EUR (243 tỷ USD) trái phiếu.

Ngân hàng Trung ương châu Âu đã xoa dịu thị trường bằng một lượng tín dụng ưu đãi khổng lồ được bơm vào hệ thống ngân hàng châu Âu trong tháng 12 năm ngoái và tháng 2 năm nay. Nhiều ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng thuộc Nam Âu như của Tây Ban Nha và Italy đã sử dụng lượng tín dụng ưu đãi nhận được để mua trái phiếu chính phủ mình.

Một số ít nhà phân tích kỳ vọng ngân hàng trung ương ECB sẽ tiếp tục chương trình hỗ trợ một lần nữa, đặc biệt do những động thái gần đây đã bắt đầu có những hệ quả không lường trước. Trong khi chương trình tín dụng ưu đãi được đưa ra nhằm giải quyết những vấn đề tài chính cho các ngân hàng, kết quả là chúng đẩy các ngân hàng tiến gần hơn tới kết cục tương tự như các chính phủ, Jacques Cailloux, kinh tế trưởng về châu Âu tại Royal Bank of Scotland, London nhận định.

Theo ông, khi lợi suất trái phiếu tăng, các ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn từ lượng tài sản trái phiếu cũng như sự sụt giảm trong giá chứng khoán.

Nhiều nhà kinh tế cho biết Tây Ban Nha vẫn cần giải quyết tận gốc tác động của bong bóng nhà đất bùng vỡ năm 2008 trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhiều người sở hữu nhà đang chật vật thực hiện các nghĩa vụ trả nợ. Giá nhà đất sẽ tiếp tục sụt giảm, đòi hỏi các ngân hàng phải xóa nợ nhiều hơn nữa.

Thống đốc ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha Miguel Ángel Fernández Ordóñez, thừa nhận rằng các ngân hàng Tây Ban Nha có thể cần nhiều vốn hơn nếu nền kinh tế tiếp tục đi xuống.

Deutsche Bank ước tính các ngân hàng Tây Ban Nha có thể cần thêm 50 tỷ EUR vốn bổ sung – lớn hơn nhiều con số các ngân hàng có thể tự huy động được trong điều kiện thị trường hiện nay, và cao hơn khả năng tài chính của chính phủ Tây Ban Nha.

Điều này sẽ khiến Liên minh châu Âu phải thiết lập một quỹ cứu trợ dành cho Tây Ban Nha, theo đó, có thể cho vay trực tiếp đối với các ngân hàng Tây Ban Nha nhằm tránh gia tăng nợ chính phủ.

Italy, không phải đối mặt với bong bóng nhà đất hay mức nợ tư nhân cao như Tây Ban Nha, nhưng quốc gia này có tình trạng nợ công cao hơn Tây Ban Nha, mức tăng trưởng yếu ớt tương tự và thị trường việc làm đóng băng.

Thủ tướng Italy, Mario Monti đã đổ lỗi cho những vấn đề từ Tây Ban Nha làm tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Italy trong khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chỉ trích Mandrid bởi lý do Pháp cuối cùng có thể rơi vào kết cục như Tây Ban Nha nếu người dân Pháp bỏ phiếu cho đảng đối lập trong cuộc bầu cử sắp tới.

Theo đó, Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Mariano Rajoy đã phản pháo và kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu nên “thận trọng hơn trong những phát biểu của mình”.

Anh Đặng

 NYT

 


Tăng trưởng của Việt Nam trong ngắn hạn là đáng lo ngại

Ngày đăng : 13/04/2012 - 1:34 PM

 

 

Việt Nam được chọn trong top 3 thị trường có tăng trưởng cao nhất châu Á Thái Bình Dương – đạt khoảng 7,1% sau Trung Quốc (dự báo GDP tăng 8,6%), Ấn Độ (8,5%).
 

Ngày 12.4, tại Hà Nội, công ty kiểm toán Ernst & Young, cho biết công ty này và trung tâm Oxford Economics vừa hoàn thành bản đánh giá chung “dự báo triển vọng các thị trường tăng trưởng nhanh”. 

 

Theo báo cáo này, Việt Nam được chọn trong top 3 thị trường có tăng trưởng cao nhất châu Á Thái Bình Dương – đạt khoảng 7,1% sau Trung Quốc (dự báo GDP tăng 8,6%), Ấn Độ (8,5%). 

 

Cũng theo dự báo trên, về trung hạn, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi và vượt mục tiêu 6,5% khi khủng hoảng nợ công ở châu Âu lắng xuống. Tuy nhiên, rủi ro với tăng trưởng với Việt Nam trong ngắn hạn vẫn còn đáng lo ngại.

Theo Ngọc Lâm

SGTT

 


Luật sư của Vinashin xác nhận chủ nợ rút đơn kiện

Ngày đăng : 11/04/2012 - 3:48 PM

 

Luật sư của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vừa lên tiếng xác nhận với hãng tin Bloomberg về việc quỹ đầu cơ Elliott Advisers đã rút đơn kiện Vinashin tại Anh.

 

Theo Bloomberg, công ty luật Mayer Brown đại diện cho Vinashin tuyên bố trong một e-mail ngày 10/4 rằng, Vinashin “đã được luật sư của Elliott thông báo về việc Elliott muốn kết thúc vụ kiện”. Tuy nhiên, “Elliott không cho Vinashin biết lý do của việc rút đơn kiện”. 

Cách đây một tuần, báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận cho biết, Elliott đã chấm dứt vụ kiện Vinashin tại Anh. Vào tháng 11/2011, đơn kiện Vinashin được Elliott nộp lên tòa thượng thẩm ở Anh nhằm đòi số tiền 13,2 triệu USD cả gốc lẫn lãi mà Vinashin bị cho là nợ quỹ này. Đây là số tiền nằm trong khoản vay quốc tế 600 triệu USD mà ngân hàng Credit Suisse làm đầu mối để một số chủ nợ quốc tế, trong đó có Elliott, cho Vinashin vay hồi năm 2007.

Bloomberg đã liên lạc với công ty luật Bingham McCutchen ở London, đại diện của Elliott, nhưng các luật sư ở đây từ chối bình luận về vụ việc.

Cũng liên quan tới Vinashin, Seatrade Communications Limited, một công ty truyền thông có trụ sở ở Anh chuyên về các ấn phẩm trong lĩnh vực thương mại và giao thông đường biển, cho biết, Vinashin có thể sẽ phát hành trái phiếu với sự bảo lãnh của Chính phủ để trả nợ.

Seatrade cho biết, một chủ nợ giấu tên của Vinashin tiết lộ, các chủ nợ của tập đoàn này có thể sẽ được hoàn trả 25% số nợ đã cho Vinashinvay dưới dạng trái phiếu.

Ngoài ra, cũng theo nguồn này, phía Việt Nam có thể sẽ trả thêm cho các chủ nợ 30% khoản nợ trong vòng 3 năm tới, nhưng chưa có chi tiết cụ thể về kế hoạch này.

Theo An Huy

VnEconomy


Ngân hàng Nhà nước: 'Trần huy động sẽ về 12% một năm'

Ngày đăng : 06/04/2012 - 12:03 PM

Ngân hàng Nhà nước: 'Trần huy động sẽ về 12% một năm'

 

 
Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất sẽ giảm theo lộ trình. Cuối năm, lãi suất huy động  sẽ giảm về quanh mức 10%.
 

Bà Đỗ Thị Nhung, Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động về 12% một năm. Cơ sở của quyết định này là những điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tăng chậm, thanh khoản ngân hàng đang tốt lên, vốn cho tín dụng dồi dào.

 

Bà Nhung cho hay, chính sách tiền tệ vẫn được điều hành linh hoạt. Lãi suất sẽ giảm theo lô trình, mỗi quý giảm 1% lãi suất. Cuối năm, lãi suất huy động sẽ giảm về quanh 10% một năm.

 

Trước đó, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, từ 13/3, lãi suất huy động cao nhất của các ngân hàng sẽ là 13% một năm, thay vì 14% hiện tại cho kỳ hạn từ 1 tháng trở lên.

 

Riêng kỳ hạn dưới 1 tháng, mức lãi suất tối đa ngân hàng được áp dụng là 5% một năm, thay cho 6% trước kia.

 

Theo Tuệ Minh

Vnexpress


FT: Lạm phát có thể “ăn mòn” lợi thế chi phí lao động

Ngày đăng : 14/03/2012 - 9:01 PM

FT: Lạm phát có thể “ăn mòn” lợi thế chi phí lao động của Việt Nam

 

Ngoài ra, độ tuổi trung bình của lao động Việt Nam cũng đang tăng lên, một yếu tố hết sức bất lợi.

 

Mức lương tăng cao có thể khiến nhiều công ty sản xuất và chính phủ Trung Quốc lo lắng thế nhưng với người như anh Ngô Trường Chinh tại Việt Nam, đó thực là điều tuyệt vời.

 

Gần đây, ông Chinh đã lên làm quản lý chất lượng tại một nhà máy mà XP Power, công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Anh, mới mở ở tỉnh Bình Dương, một tỉnh quy tụ nhiều khu công nghiệp gần thành phố Hồ Chí Minh.

 

Ông Chinh nói: “Chi phí lao động tại Việt Nam thấp hơn nhưng kỹ năng của người lao động vẫn tốt. Đó là lý do tại sao các công ty sản xuất đang đầu tư vào Việt Nam.”

 

XP Power chỉ là một trong số nhiều công ty sản xuất cố gắng đang cố gắng đa dạng hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tận dụng lợi thế lương lao động thấp và giảm thiểu rủi ro từ việc tập trung quá nhiều vào một địa điểm sản xuất – mối nguy hại mà các công ty sản xuất đã quá thấm thía sau trận lụt tại Thái Lan; sóng thần và động đất tại Nhật năm 2011.

 

Với lực lượng lao động giàu kinh nghiệm, chuỗi cung ứng phát triển trình độ cao và có quy mô lớn, rất ít người tin rằng vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc chịu đe dọa.

 

Thế nhưng lương lao động Trung Quốc tăng ngày một cao đã khiến hàng loạt công ty sản xuất buộc phải tính đến chuyển sang nước có chi phí lao động thấp hơn như Bangladesh, Indonexia hay Việt Nam.

 

Công nhân có tay nghề ở Việt Nam thường nhận được mức lương khoảng từ 100 đến 150USD/tháng so với mức lương 300USD/tháng ở trung tâm sản xuất các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Và dù cơ sở hạ tầng tại Việt Nam không thể sánh được với Trung Quốc, các quản lý nhà máy khẳng định họ có thể đối đầu với tình trạng cắt điện và chậm trễ tại một số khu cảng chưa mấy phát triển ở Trung Quốc.

 

Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hàng tỷ USD hàng hóa như giầy, quần áo và đồ gỗ sang châu Âu và Mỹ. Năm 2010, Việt Nam vượt Trung Quốc để trở thành nơi sản xuất nhiều sản phẩm nhất cho thương hiệu Nike.

 

Việc hàng loạt công ty nước ngoài như XP Power, chuyên sản xuất hàng hóa công nghiệp, sẽ có thể coi như phép thử về việc liệu Việt Nam có đủ nhân lực và cơ sở hạ tầng cần thiết để thu hút thêm nhiều công ty sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng có công nghệ cao.

 

Đã có một số tên tuổi nổi tiếng đi đầu như Intel, Samsung, Nokia.

 

Ông S. Kesavan, người đứng đầu Jabil Circuit, một công ty sản xuất thiết bị điện tử, nhận xét: “Năng suất lao động tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Thế nhưng chi phí tại Trung Quốc leo cao khiến chúng tôi phải chuyển địa điểm để có thể cạnh tranh tốt hơn.”

 

Ông Jabil có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động tại nhà máy ở thành phố Hồ Chí Minh từ 1 nghìn lao động lên 3 nghìn lao động trong 2 năm tới.

 

Thế nhưng trong khi lạm phát đang tăng cao, ngay cả sau khi đã hạ nhiệt trong tháng 2/2012, lợi thế chi phí thấp của Việt Nam sẽ không thể kéo dài mãi. Độ tuổi lao động trung bình của lao động Việt Nam khoảng 27,4 tuổi, thấp hơn mức 35,2 tuổi của lao động Trung Quốc, nhưng thực tế lao động Việt Nam đang già đi từng ngày (theo nhận định của McKinsey, một công ty tư vấn. Sự phân chia nhân khẩu học của Việt Nam đang thay đổi.

 

Các chuyên gia phân tích khẳng định Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào mô hình sản xuất chi phí thấp để giảm biến động kinh tế và thực hiện lời hứa về tăng trưởng kinh tế.

 

Nhiều công ty sản xuất đang phàn nàn về tình trạng thiếu lao động. McKinsey khẳng định Việt Nam cần tăng được năng suất lao động khoảng hơn 50% mới bù lại được việc lực lượng lao động tăng trưởng chậm lại nếu muốn tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng từ 7 – 8%/năm từ nay đến năm 2020.

 

Công ty ScanCom International, một trong những công ty xuất khẩu sản phẩm gỗ sử dụng ngoài trời hàng đầu thế giới, đang cố gắng tăng cao chuỗi giá trị tại Việt Nam. Sản lượng bình quân tính trên mỗi người lao động trong số 4 nghìn công nhân tại nhà máy ở Bình Dương đã tăng được gấp đôi, biến được phế thải thành sản phẩm mới và cải thiện hoạt động đào tạo. Công ty muốn tăng gấp đôi năng suất lao động trong 2 năm tới bằng cách trang bị thêm máy móc hiện đại, ví như máy khoan có thể làm công việc của khoảng 50 người dưới sự giám sát của chỉ 1 người.

 

Ông khẳng định: “Nếu Việt Nam hấp dẫn công ty nước ngoài chỉ bằng lương, các công ty sẽ sớm chuyển sang Campuchia hay Myanmar.”

 

Ngọc Diệp

Theo TTVN/FT

 


 

Tin mới cập nhật