Sau khi thị trường tài chính quốc tế được xoa dịu bởi động thái tái cơ cấu nợ thành công của Hy Lạp, một lần nữa cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lại trở thành vấn đề nhức nhối với những biến động đến từ Tây Ban Nha và Italy.
Cho tới gần đây, tâm lý u ám về tình hình tại châu Âu dường như đã được tháo gỡ với kết luận về gói cứu trợ lần hai dành cho Hy Lạp và tác động ổn định đối với khu vực tài chính của chương trình ưu đãi tín dụng từ ngân hàng Trung ương châu Âu.
Nhưng sự nhảy vọt trong chi phí vay nợ của Tây Ban Nha và Italy trong tuần trước đã phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng vấn đề của khu vực đồng tiền chung châu Âu còn xa mới được giải quyết.
“Căng thẳng tài chính tại châu Âu đã được xoa dịu kể từ tháng 12 năm ngoái”, bà Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF phát biểu, “Tuy nhiên, những sự kiện hồi tuần trước đã nhắc nhở chúng ta rằng thị trường vẫn còn hết sức mong manh và bước ngoặt không bao giờ là dễ dàng.”
Sự tập trung hướng vào Tây Ban Nha, vẫn dưới áp lực lớn của Liên minh châu Âu trong việc thu hẹp thâm hụt ngân sách và dọn dẹp hệ thống ngân hàng sau sự đổ vỡ của bong bóng nhà đất, ngay cả khi quốc gia này đang trượt vào suy thoái, với khoảng cứ 4 người ở độ tuổi lao động thì có 1 người rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha kỳ hạn 10 năm đã lần đầu tiên trong 4 tháng trở lại đây chạm mức đáng lo ngại, gần 6% trong hôm thứ Tư tuần trước và kết thúc tuần ở gần mức đỉnh cao đó. Đồng thời, các nhà đầu tư lại tìm tới tài sản trú ngụ an toàn, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm xuống mức thấp gần kỷ lục 1,6%.
Lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha có thể tiếp tục leo thang trong tuần này nếu hai đợt đấu thầu trái phiếu diễn ra vào thứ Ba và thứ Năm tới đây, diễn ra không thành công.
Italy, quốc gia có mức nợ công lớn hơn và vẫn còn một khoảng cách xa mới đạt được mục tiêu huy động ngân sách cần thiết, cũng đang rơi vào tình trạng căng thẳng tương tự.
Cả Tây Ban Nha và Italy đều khó có thể đạt được mức cắt giảm thâm hụt ngân sách mục tiêu mà hai quốc gia này đã đồng thuận với Liên minh châu Âu, đặc biệt nếu sự suy giảm diễn ra sâu rộng hơn.
Kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ được lập thành những kế hoạch ngân sách chi tiết trong trung hạn mà mỗi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đều sẽ phải cam kết tại Brussels trong hội nghị cuối tháng 4. Tiến trình được dự kiến sẽ kéo các nước châu Âu khỏi con đường đã dẫn các quốc gia này tới cuộc khủng hoảng hiện nay.
Kế hoạch này sẽ được dựa trên những chỉ báo chính thức về tình hình tài khóa của khu vực cũng như tình trạng sức khỏe của các nền kinh tế, sẽ được cung cấp trong vài tuần tới, bao gồm số liệu nợ công và thâm hụt ngân sách trong năm 2011 của các quốc gia châu Âu cùng với dự báo kinh tế của Ủy ban châu Âu EC về tăng trưởng, lạm phát, thâm hụt và nợ công, dự kiến công bố trong ngày 11/5.
Các quốc gia có ngân sách không đáp ứng được yêu cầu sẽ khó có thể tránh được đòi hỏi thực thi những động thái điều chỉnh. Tuy nhiên, triển vọng này dường như chắc chắn sẽ làm dấy lên những tranh luận mới về việc liệu các nền kinh tế đang đứng trước bờ vực suy thoái có thể tránh tham gia một chu kỳ thắt chặt mới.
Trong khi những tranh cãi về chương trình thắt chặt lại bùng lên, mối quan ngại về nỗ lực của chính phủ Italy và Tây Ban Nha trong việc tìm kiếm nguồn tài chính để trang trải cho các khoản nợ đáo hạn trong năm nay ngày càng gia tăng áp lực.
Italy, cho tới thời điểm này trong năm, mới chỉ huy động được hơn 1/3 nguồn ngân sách cần thiết trong năm nay, khoảng 215 tỷ EUR (281 tỷ USD). Trong khi đó, Tây Ban Nha vẫn còn một nửa ngân sách cần thiết phải huy động trong năm nay. Theo kế hoạch ngân sách 2012, nước này sẽ phải phát hành khoảng 186 tỷ EUR (243 tỷ USD) trái phiếu.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã xoa dịu thị trường bằng một lượng tín dụng ưu đãi khổng lồ được bơm vào hệ thống ngân hàng châu Âu trong tháng 12 năm ngoái và tháng 2 năm nay. Nhiều ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng thuộc Nam Âu như của Tây Ban Nha và Italy đã sử dụng lượng tín dụng ưu đãi nhận được để mua trái phiếu chính phủ mình.
Một số ít nhà phân tích kỳ vọng ngân hàng trung ương ECB sẽ tiếp tục chương trình hỗ trợ một lần nữa, đặc biệt do những động thái gần đây đã bắt đầu có những hệ quả không lường trước. Trong khi chương trình tín dụng ưu đãi được đưa ra nhằm giải quyết những vấn đề tài chính cho các ngân hàng, kết quả là chúng đẩy các ngân hàng tiến gần hơn tới kết cục tương tự như các chính phủ, Jacques Cailloux, kinh tế trưởng về châu Âu tại Royal Bank of Scotland, London nhận định.
Theo ông, khi lợi suất trái phiếu tăng, các ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn từ lượng tài sản trái phiếu cũng như sự sụt giảm trong giá chứng khoán.
Nhiều nhà kinh tế cho biết Tây Ban Nha vẫn cần giải quyết tận gốc tác động của bong bóng nhà đất bùng vỡ năm 2008 trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhiều người sở hữu nhà đang chật vật thực hiện các nghĩa vụ trả nợ. Giá nhà đất sẽ tiếp tục sụt giảm, đòi hỏi các ngân hàng phải xóa nợ nhiều hơn nữa.
Thống đốc ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha Miguel Ángel Fernández Ordóñez, thừa nhận rằng các ngân hàng Tây Ban Nha có thể cần nhiều vốn hơn nếu nền kinh tế tiếp tục đi xuống.
Deutsche Bank ước tính các ngân hàng Tây Ban Nha có thể cần thêm 50 tỷ EUR vốn bổ sung – lớn hơn nhiều con số các ngân hàng có thể tự huy động được trong điều kiện thị trường hiện nay, và cao hơn khả năng tài chính của chính phủ Tây Ban Nha.
Điều này sẽ khiến Liên minh châu Âu phải thiết lập một quỹ cứu trợ dành cho Tây Ban Nha, theo đó, có thể cho vay trực tiếp đối với các ngân hàng Tây Ban Nha nhằm tránh gia tăng nợ chính phủ.
Italy, không phải đối mặt với bong bóng nhà đất hay mức nợ tư nhân cao như Tây Ban Nha, nhưng quốc gia này có tình trạng nợ công cao hơn Tây Ban Nha, mức tăng trưởng yếu ớt tương tự và thị trường việc làm đóng băng.
Thủ tướng Italy, Mario Monti đã đổ lỗi cho những vấn đề từ Tây Ban Nha làm tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Italy trong khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chỉ trích Mandrid bởi lý do Pháp cuối cùng có thể rơi vào kết cục như Tây Ban Nha nếu người dân Pháp bỏ phiếu cho đảng đối lập trong cuộc bầu cử sắp tới.
Theo đó, Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Mariano Rajoy đã phản pháo và kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu nên “thận trọng hơn trong những phát biểu của mình”.
Anh Đặng
NYT