Tái cơ cấu DNNN không phải là bán lấy tối đa

Ngày đăng : 12/01/2012 - 8:40 AM

Có thể thừa nhận là hiện nay tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam là rất thấp, cả DNNN và tư nhân. Đó là điều gây cản trở phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

 

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), có một số quan điểm sai lầm khi cho rằng thời điểm khó khăn hiện nay không phải lúc thích hợp để bán các DNNN bởi giá sẽ rất thấp.

Ông khẳng định, mục tiêu tái cơ cấu DNNN không phải bán lấy tối đa mà là để tạo ra một hệ thống quản trị tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải hôm 11-1 đã có cuộc đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn lớn, các học giả có uy tín, tại hội nghị kinh tế đối ngoại Việt Nam do tạp chí The Economist tổ chức ở Hà Nội.

Ông cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động và khó dự báo như hiện nay, Việt Nam không chủ quan và không đánh giá thấp rủi ro cho nền kinh tế, nhưng cũng lạc quan về triển vọng phát triển đất nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh năm 2012 sẽ là năm bản lề của tái cấu trúc kinh tế, trong đó tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là DNNN.

TBKTSG lược ghi trao đổi của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và ông Charles Goddard – Tổng biên tập, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bộ phận thông tin kinh tế Economist xung quanh vấn đề tái cơ cấu DNNN.

Ông Charles Goddard: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên nền kinh tế vẫn chưa hẳn đã ổn định, lạm phát vẫn cao, thâm hụt cán cân thương mại vẫn lớn. Chính phủ thể hiện quyết tâm thế nào trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn như hiện nay?

- Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Khi Chính phủ nói sẽ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, các doanh nghiệp muốn thấy kết quả ngay, nhưng quá trình ổn định kinh tế vĩ mô cần có thời gian. Nhìn vào những giải pháp mà Chính phủ đã thực hiện trong thời gian vừa qua và kết quả thực tế có thể thấy, Chính phủ đã từng bước ổn định được kinh tế vĩ mô.

Nhìn số liệu cả năm 2011 thì lạm phát trên 18% nhưng nếu nhìn 6 tháng cuối năm thì tỷ lệ lạm phát đã giảm dần. Cán cân thanh toán đã chuyển từ âm sang dương dù còn khiêm tốn, đạt khoảng 2,5 tỉ đến 3 tỉ đô la. Dự trữ ngoại tệ cũng như vậy. Nhập siêu cũng đã giảm dần.

Tất nhiên, các giải pháp căn cơ hơn để giảm nhập siêu cần phải được thực hiện trong những năm tới. Quốc gia nào cũng mong muốn mình là quốc gia xuất siêu. Trong những giải pháp mà Việt Nam triển khai trong thời gian tới không thể thiếu được sự tham gia của cộng đồng các doanh nghiệp quốc tế. Ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam thì các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào nền kinh tế sẽ là động lực quan trọng trong việc giúp giảm nhập siêu. Tôi muốn khẳng định lần nữa cam kết của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, không lấy mục tiêu tăng trưởng làm ưu tiên.

Tất nhiên, Việt Nam vẫn phải quan tâm đến tăng trưởng bởi vì điều này liên quan đến vấn đề việc làm, hiệu quả đồng vốn, hiệu quả các doanh nghiệp.

Ông Charles Goddard: Việc giảm số lượng DNNN là quan trọng, nhưng làm sao giảm sự chi phối quá lớn của DNNN trong nền kinh tế còn quan trọng hơn?

Số DNNN từ 12.000 xuống 6.000 và đến năm 2011 còn 1.069. Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch là tiếp tục cổ phần hóa, đổi mới DNNN và đưa số này xuống còn 650 vào năm 2015 và sẽ tiếp tục triển khai tiếp vào năm 2020.

Mục tiêu của cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN là làm cho họ hoạt động có hiệu quả hơn, tạo môi trường bình đẳng hơn trong việc phát huy hiệu quả của các doanh nghiệp. Thực tế đứng từ góc độ DNNN thì họ cũng mong muốn có môi trường bình đẳng để được vận hành y hệt các doanh nghiệp tư nhân..Đây không chỉ là mong muốn của Chính phủ mà còn của khối DNNN.

Nếu xem lại toàn bộ hệ thống ra quyết định của các DNNN thì mặc dù đã được cải cách rất nhiều so với trước đây nhưng mà rõ ràng là họ vẫn bị hạn chế bởi quyền được quyết định một cách có hiệu quả và được chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Bài học trong những năm vừa qua có thể giúp chúng tôi nhận rõ hơn vai trò của công tác tái cơ cấu DNNN và chúng tôi cam kết triển khai mạnh vấn đề này.

Có một số ý kiến khác nhau trong thời gian qua khiến cho quá trình cổ phần hóa DNNN bị chậm và chúng tôi đã rút kinh nghiệm. Chẳng hạn, khi kinh tế suy giảm, nhiều người cho rằng giờ mà bán thì giá DNNN sẽ rất thấp cho nên không muốn bán. Chúng tôi thấy suy nghĩ như vậy là không đúng. Mục tiêu tái cơ cấu DNNN không phải bán lấy tối đa mà là để tạo ra một hệ thống quản trị tốt hơn hiệu quả hơn và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Nền kinh tế sẽ không phát triển được nếu DNNN không nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình và đấy là việc mà Chính phủ phải thấy là mục tiêu cuối cùng.

Không phải Chính phủ cần phải nắm “ông nọ ông kia” mà là “ông đó” bước ra ngoài có cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác hay không. Có thể thừa nhận là hiện nay tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam là rất thấp, cả DNNN và tư nhân. Đó là điều gây cản trở phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

Chúng tôi biết hiện nay còn nhiều lĩnh vực độc quyền và độc quyền tự nhiên. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục xây dựng thể chế luật pháp để giảm dần các lĩnh vực độc quyền đó. Ngay cả những lĩnh vực mang tính độc quyền tự nhiên, những lĩnh vực hết sức khó trong việc đưa xã hội hay tư nhân tham gia vào, nhưng cũng có những mô hình vận hành tốt trên thế giới. Chúng tôi sẽ áp dụng các mô hinh đó và xây dựng những lộ trình để tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường.

Ông Charles Goddard: Các DNNN thường có quyền lực lớn và có gắn bó lợi ích với các cơ quan Chính phủ. Đâu là khó khăn lớn nhất khi thực hiện các giải pháp tái cơ cấu?

Đúng là DNNN thường có quan hệ với các cơ quan của Chính phủ. Điều đó liên quan tới thói quen và tư duy từ thời nền kinh tế tập trung. Mỗi lần giải quyết vấn đề gì đó, Chính phủ với các bộ ngành có vẻ tự tin hơn khi xử lý cơ chế chính sách cho DNNN bởi vì họ tin rằng đó là vốn nhà nước, ngân sách nhà nước, không đi đâu mà thiệt.

Thực tế, thái độ này đã được thay đổi trong nhiều năm qua. Chính phủ và các bộ ngành đã dần thay đổi nếp, dù vẫn còn, về tính nhất quán trong chính sách. Chúng tôi nhận thức rằng cần phải đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp thất bại, bất kể đó là doanh nghiệp nhà nước, hay tư nhân, thì Chính phủ thất bại. Tư duy đó đang được triển khai xuống tới từng địa phương để có được sự nhất quán. Có như vậy mới đạt được mục tiêu cải cách mà Chính phủ mong muốn.

Ví dụ, gần đây, đích thân Thủ tướng, Phó thủ tướng, các bộ trưởng đã xuống làm việc với các doanh nghiệp lớn như Samsung, Intel… để giải quyết ngay các chính sách cụ thể của từng doanh nghiệp.

Về lợi ích, tôi hiểu ông muốn nói đến lợi ích cá nhân, tham nhũng, tiêu cực. Điều này thì doanh nghiệp nào cũng phải chống. Chính phủ cũng đã có các chương trình phòng chống tham nhũng, các chương trình cải cách pháp luật, minh bạch hóa để hạn chế tiêu cực.

Vụ Vinashin là bài học thất bại

Trong quá trình quản lý DNNN, chúng tôi học được nhiều bài học thành công và thất bại. Vụ Vinashin, là một trong những trường hợp có thể nói là thất bại trong quản lý DNNN. Từ năm ngoái đến nay, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo mạnh mẽ đối với vụ Vinashin. Vụ này xảy ra đồng thời với việc cả ngành đóng tàu và vận tải biển của thế giới bị suy thoái.

Năm nay tình hình còn xấu nữa. Diễn biến xấu đó tác động không chỉ đến Vinashin mà đến toàn bộ các doanh nghiệp trong ngành đó. Nhưng quay lại vấn đề năng lực doanh nghiệp, thường các doanh nghiệp nào quản trị tốt, quản lý rủi ro tốt thì vượt qua được khó khăn. Vinashin không thuộc nhóm doanh nghiệp quản trị tốt nên chúng tôi đã chịu thất bại rất lớn.

 

Theo Chiến Thắng
 TBKTSG

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Quý 1, dự kiến phát hành 25.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Ngày đăng : 12/01/2012 - 8:35 AM

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa thông báo lịch biểu phát hành các loại trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước trong quý 1/2012.

 

 

Cụ thể, đấu thầu tín phiếu qua Ngân hàng Nhà nước kỳ hạn 364 ngày, khối lượng 1.000 tỷ đồng/phiên. Thời gian vào thứ Hai hàng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ và ngày 30/1)       

Đấu thầu trái phiếu qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội kỳ hạn 2 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm khối lượng 1.000 - 2.000 tỷ đồng/phiên/1 loại kỳ hạn.

Thời gian đấu thầu vào thứ Năm hàng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ và ngày 19/1). Tổng khối lượng dự kiến phát hành trong quý 1 là 25.000 tỷ đồng

 

Theo NDHMoney


 


Trung Quốc, “cọc bám” hay “cá gỗ”?

Ngày đăng : 11/01/2012 - 10:34 AM
“Các dự báo hiện nay cho rằng đáy khủng hoảng là 2012, nhưng đó là khi kinh tế thế giới không rơi vào suy thoái kép và khu vực đồng Euro không đổ vỡ”, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành lưu ý như vậy.
 
 
Hàng loạt bài phát biểu của nhiều diễn giả tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức tại Hà Nội ngày 10/1, cho thấy bức tranh kinh tế toàn cầu năm nay đầy những bất ổn, từ suy thoái kinh tế Mỹ chưa dễ vượt qua, đến khủng hoảng nợ công châu Âu có khả năng làm tan rã khối đồng tiền chung Euro…
 
“Nhưng có một chút điểm sáng”, ông Thành nói. “Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Đông Á vẫn là cực tăng trưởng của thế giới, vẫn là khu vực có hệ thống tài chính tương đối lành mạnh hơn châu Âu, vẫn là khu vực dư thừa tiền, dự trữ ngoại hối của khu vực lên tới 6.500 tỷ USD, riêng Trung Quốc là 3.300 tỷ USD”. 
 
Cho nên, vị chuyên gia đến từ CIEM cho rằng, trong chu kỳ suy giảm kinh tế thế giới này, quốc gia láng giềng phía Bắc là một trong những đối tác có thể trở thành “cọc bám” cho nền kinh tế Việt Nam, và “còn khai thác được”.
 
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho biết, việc Trung Quốc “hưởng lợi” từ hai cuộc khủng hoảng 1997 và 2009 để vươn lên vị thế quốc gia số 2 về kinh tế ngay trong năm 2010, trước dự kiến khoảng 10 năm, đưa đến nhiều đoán định rằng quốc gia này có thể lại vẫn đối phó được với suy thoái lần này.
 
“Thế giới cũng không thể để Trung Quốc thất bại được, bởi vì nếu thất bại thì có thể ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn việc làm tại Mỹ”, ông Mại lập luận thêm. Nhắc lại một kết quả nghiên cứu trước đây, vị này cũng khẳng định rằng, đối tác từ trước tới nay, và về sau của Việt Nam vẫn là Trung Quốc. 
 
Về mặt con số thực tế, ông Thành nhấn mạnh rằng trong năm 2011, góp vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu lên tới 33% so với năm trước đó, hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc tăng tới 50%. 
 
Theo con số chính thức của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu với quốc gia hơn 1 tỷ dân đã tăng thêm khoảng 3,4 tỷ USD trong 11 tháng năm 2011, lên mức gần 9,7 tỷ USD, thuộc số thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam có mức tăng trưởng cao năm qua.
 
Tổng cục Thống kê cũng tính toán rằng, xuất khẩu năm 2011 đóng góp 9,62% vào GDP. Với các dự báo đầu tư trong nước tiếp tục giảm, tiêu dùng trừ yếu tố giá đang tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng sản lượng của nền kinh tế…, xuất khẩu có thể là điểm tựa cho GDP năm nay hay không chưa thể khẳng định, nhưng cũng đáng quan tâm.
 
Trong khi đó, một “lý thuyết” lâu nay vẫn cho rằng, nếu duy trì được ổn định vĩ mô trong nước thì vốn đầu tư trực tiếp sẽ đổ vào Việt Nam nhiều hơn. Cho nên, con số 3.300 tỷ USD dự trữ của Trung Quốc được nhìn nhận là một cơ hội.
 
Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Nội thông tin thêm, trong năm nay Trung Quốc có thể sẽ “nhảy lên” trong thứ tự đối tác lớn đầu tư vào Việt Nam, do được cấp chứng nhận đầu tư dự án khủng lên đến gần 2 tỷ USD.
 
Nhưng, lý thuyết có thể không như thực tế. 
 
Ông Nguyễn Mại cảnh báo, năm 2012 Việt Nam sẽ cùng với 4 nước còn lại trong khu vực ASEAN “mở toang cửa” với Trung Quốc. “Mình chưa mở toang cửa đã tràn ngập hàng Trung Quốc như vậy, đấu thầu thì 80% là nhà thầu Trung Quốc thắng, thương gia Trung Quốc mua nông sản Việt Nam từ trong Nam cho đến ngoài Bắc”, ông nói.
 
“Đồng tiền Việt Nam được định giá quá cao so với USD, trong khi Nhân dân tệ lại mất giá so với ngoại tệ này, bao nhiêu thì chưa có tính toán chính thức nhưng tương quan như thế làm gì chẳng nhập siêu”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị thế giới Võ Đại Lược lưu ý thêm.
 
Một chi tiết liên quan được báo cáo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2012-2013” đề cập. Đó là theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến tháng 9/2011, chỉ số tỷ giá thực song phương giữa VND và USD đạt 78,8. Cơ quan này cho rằng, đồng nội tệ đang được định giá cao hơn 21,2% so với bạc xanh.
 
Ông Mại cũng lưu ý rằng, trong khi tốc độ tăng trưởng thương mại hai chiều với Trung Quốc đều tăng mạnh trong năm 2011, Việt Nam vẫn là nước nhập siêu tới 12 tỷ USD, lớn hơn mức nhập siêu của cả nước cùng năm chỉ khoảng 9,5 tỷ USD. 
 
Và khi nhập siêu lớn hơn, đóng góp của ngoại thương vào tăng trưởng sẽ giảm. Kéo theo đó là rủi ro tỷ giá xuất hiện, là tiêu dùng tiết kiệm của quốc gia khác dẫn đến vay nợ nhiều hơn… Suy luận theo lý thuyết cho kết quả như vậy.
 
Nhưng đáng chú ý hơn là 3.300 tỷ USD dự trữ của Trung Quốc có thể chỉ là “cá gỗ”. Ông Nội lưu ý rằng, nếu loại trừ dự án điện gần 2 tỷ USD nói trên, đầu tư của Trung Quốc chưa vào nhiều. Nhìn về triển vọng đầu tư ở phía trước, vị nọ nói thẳng: “Tôi chưa nhìn thấy cơ hội rõ ràng”.
 
Hơn 86 triệu dân với thói quen tiêu dùng từ hàng “xịn” đẳng cấp thế giới đến đồ rẻ tiền, trong quan điểm của ông Nội, có thể không nằm trong lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư bên kia biên giới.
 
“Bây giờ, giao thương thuận lợi nên nhà sản xuất Trung Quốc hoàn toàn có thể bán rẻ vào Việt Nam, không những thế còn xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nữa, tránh thuế”, ông Nội nói. “Để vào thị trường Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc không nhất thiết phải sản xuất ở trong nước”.
 
Theo Anh Quân
VnEconomy

"Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng 4,7% trong năm 2012"

Ngày đăng : 11/01/2012 - 10:28 AM
Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) dẫn nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy kịch bản xấu nhất cho tăng trưởng chỉ là 4,7%.
 
 
Trong khi đó, các chuyên gia trong nước nhìn về cột mốc 5,5%, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ.
 
Chiều nay 10/1, “Diễn đàn Kinh tế Việt nam: Dự báo kinh tế 2012 – 2015” với sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chuỗi hội thảo phân tích, “mổ xẻ” về những cơ hội thách thức cho bức tranh vĩ mô thời gian tới.
 
Tại Diễn đàn, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tếTrung ương (CIEM) công bố dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2012 trong bối cảnh kinh tế thế giới còn lúng túng với việc xử lý “bong bóng tài chính”.
 
Là năm mở đầu cho kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế, mục tiêu Chính phủ đặt ra đã được Quốc hội thông qua là đạt được mức tăng trưởng 6-6,5% (cao hơn so kết quả đạt được năm 2011 là 5,89%).
 
Trong khi đó, giảm chi đầu tư cho phát triển xuống còn 33,5% GDP. Xuất khẩu tăng 13%, kiểm soát nhập siêu trong khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu (phấn đấu dưới 10%).
 
Phía nhà điều hành chính sách hy vọng, với các chỉ tiêu trên, số việc làm tăng thêm đạt 1,6 triệu lao động , tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị chỉ 4%.
 
Tuy nhiên, dưới con mắt đánh giá của các chuyên gia kinh tế CIEM, trong khi có thể kiềm lạm phát ở một con số (tức chỉ bằng 1 nửa mức lạm phát của năm vừa qua là 18,58%) thì cái giá đánh đổi sẽ là mức tăng trưởng GDP bị sụt giảm.
 
CIEM dẫn một số dự báo của các tổ chức quốc tế nhận định về GDP Việt Nam trong năm nay. Theo đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay thậm chí bị hạ xuống còn 4,7%. Với cái nhìn khả quan hơn, GDP có thể đạt 6,5%.
 
Ngày hôm qua, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam cũng vừa công bố 3 kịch bản cho kinh tế năm 2012. Trường hợp xấu nhất, GDP sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 5,2-5,5% song như vậy cũng là cao so với mức tăng GDP của các nước đang phát triển chỉ dưới 4%.
 
Về phía CIEM, Phó Viện trưởng Võ Trí Thành cho biết: "Chúng tôi nghiêng về kịch bản thấp hơn, GDP năm nay sẽ vào khoảng 5,5%". Ông cũng bình luận,
 
Các chuyên gia tại CIEM phân tích, chỉ tiêu lạm phát có thể đạt được do khả năng có các cú sốc giá đáng kể từ bên ngoài tác động lên cung trong năm nay là thấp.
 
Tuy nhiên, việc giảm mạnh CPI đặt trong mục tiêu song song là phải làm thế nào không “bóp nghẹt” sản xuất kinh doanh để đảm bảo đạt tăng trưởng ít nhất 6% không phải là một bài toán dễ dàng.
 
Cùng với đó, trong khi đầu tư giảm, thị trường xuất khẩu co hẹp, chính sách vĩ mô tiếp tục chặt chẽ, cải cách quyết liệt 3 khu vực đầu tư công – doanh nghiệp nhà nước – tài chính ngân hàng.
 
“Đây sẽ là năm yêu cầu sự tài ba, giỏi giang, uyển chuyển trong nghệ thuật điều hành của Chính phủ trong thực thi chính sách tiền tệ, tài khóa và tỉ giá”- TS Thành nhận định. Ông dí dỏm: “Nếu có 5 đồng đưa cho tôi thì chỉ có đi uống rượu, nhưng cũng 5 đồng đó đưa cho bà vợ sẽ có rau, có tép ăn”.
 
Trao đổi với Dân trí sau buổi Tọa đàm “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2012-2013” UBGSTC tổ chức sáng 9/1, Chủ tịch Uỷ ban, ông Vũ Viết Ngoạn nói: Thách thức trước mắt có nhiều, nhưng chỉ lo rằng Chính phủ không nhìn thấy. Khi Chính phủ đã nhìn thấy, có quyết tâm, có sự chuẩn bị thì kinh tế nước ta sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
 
Theo Bích Diệp
Dân trí

Thời kỳ “vàng” của các thị trường mới nổi chấm dứt

Ngày đăng : 10/01/2012 - 6:10 PM
Năm 2011, chính phủ các nước cố gắng hạn chế lạm phát ngay cả khi thị trường chứng khoán bị bán tháo mạnh và tăng trưởng kinh tế ở mức thấp.
 
Điều ngạc nhiên lớn nhất đối với nhà đầu tư chứng khoán năm 2011 không phải bởi việc các thị trường châu Âu chịu tác động từ khủng hoảng nợ đi xuống mà chính là việc thị trường chứng khoán nhóm nước mới nổi giảm điểm tồi tệ.
 
Thị trường chứng khoán Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc sụt giảm còn tồi tệ hơn cả thị trường chứng khoán Bồ Đào Nha, Italy, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Nếu tính theo giá trị USD, nhóm thị trường BRIC sụt giảm đến 26% trong khi các thị trường tồi tệ ở khu vực đồng tiền chung hạ khoảng 23%.
 
 
Trong khi nhóm nền kinh tế phát triển gặp khó khăn trong việc tìm được động lực tăng trưởng, nhóm nền kinh tế mới nổi đối đầu với vấn đề ngược lại. Chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đã dẫn đến bong bóng bất động sản và tình trạng khan hiếm lao động. Năm 2011, chính phủ các nước cố gắng hạn chế lạm phát ngay cả khi thị trường chứng khoán bị bán tháo mạnh và tăng trưởng kinh tế ở mức thấp.
 
Nay, tác động của các biện pháp thắt chặt đã rõ ràng, các nhà hoạch định chính sách không sớm thì muộn cũng sẽ phải nới lỏng chính sách. Thông thường, khi chính sách bắt đầu được nới lỏng, thời kỳ thị trường tăng trưởng kém sẽ chấm dứt.
 
Tuy nhiên có lý do để tin lần này mọi chuyện sẽ không diễn biến theo chu kỳ như vậy. Thời kỳ vàng của đầu tư vào nhóm nước mới nổi có thể đã qua.
 
Việc xì hơi bong bóng tài sản không hề dễ làm. Có thể lấy ví dụ từ thị trường chứng khoán Trung Quốc. Khi chỉ số Shanghai Composite của TTCK Trung Quốc lên mức đỉnh cao vào năm 2007, tỷ lệ P/B cao hơn cao hơn so nhiều so với chỉ số Nikkei năm 1989 và Nasdaq năm 2000.
 
Dù sau này, chính phủ Trung Quốc bơm tiền ồ ạt, nhưng thị trường cũng chỉ như “mèo chết dựng dậy”. Thị trường Trung Quốc chỉ phục hồi được đến khoảng một nửa mức cao trước đây và sau đó lại để mất phần lớn thành quả tăng điểm.
 
Bong bóng trên TTCK Trung Quốc đã xì hơi được một thời gian thế nhưng quá trình “xì hơi” của bong bóng bất động sản Trung Quốc mới đang ở giai đoạn đầu. Quá trình tiềm ẩn khả năng gây ra tác động đến toàn nền kinh tế và có thể đẩy mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư của Trung Quốc đến hồi “cáo chung” nhanh hơn.
 
Nếu kinh tế Trung Quốc đi theo mô hình của Nhật cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, quá trình suy giảm từ tăng trưởng GDP 2 con số sẽ diễn ra nhanh chóng mặt chứ không phải dần dần, lương thực tế tăng khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm.
 
Sau cuộc khủng hoảng tại châu Á vào cuối thập niên 1990, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhóm nước mới nổi ở mức rẻ, không được nhiều nhà đầu tư mua và đồng tiền của họ có khả năng cạnh tranh cao. Những gì diễn ra trong thập kỷ qua đã đảo ngược mọi chuyện, trong khi lợi thế cạnh tranh của các nước mát đi do lạm phát và sự lên giá của đồng tiền. Sẽ phải mất một cuộc khủng hoảng nữa, có thể mọi chuyện mới trở lại như cũ.
 
Theo Minh Ngọc
TTVN

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2012

Ngày đăng : 10/01/2012 - 12:39 PM
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa phát hành báo cáo “Triển vọng kinh tế 2012-2013”, trong đó đáng chú ý là 3 kịch bản tăng trưởng dự kiến cho năm nay.
 
 
Dựa trên những phân tích về tình hình kinh tế vĩ mô thời gian qua, đánh giá những nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng và lạm phát trong thời gian tới, Ủy ban này cho rằng tăng trưởng GDP năm 2012 ở mức trên 6% là khó đạt, trong khi các mức thấp hơn sẽ giúp cho tăng trưởng không vượt quá sản lượng tiềm năng, dễ gây lạm phát.
 
Đề cập đến một số nét chủ đạo, báo cáo cho rằng nền kinh tế sẽ có dấu hiệu khả quan hơn vào nửa sau năm 2012 nhờ hiệu ứng của việc cải thiện ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dự báo sẽ còn gặp không ít khó khăn trong những tháng đầu năm 2012; các thị trường bất động sản, chứng khoán tiếp tục trầm lắng trong những quý đầu năm. 
 
Về lạm phát, các tính toán cho thấy chỉ tiêu này sẽ được kiểm soát khá tốt (dưới 10%), cùng với tỷ lệ nhập siêu được kiềm chế (dưới 10% kim ngạch xuất khẩu), tạo điều kiện để giảm sức ép tỷ giá, cân bằng cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối. Ủy ban dự báo tỷ giá VND sẽ được điều chỉnh trong khoảng 5-6%. 
 
Trong khi đó, ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn về thanh khoản và nợ xấu trong suốt những tháng đầu năm 2012. Nhưng nếu vấn đề thanh khoản sớm được giải quyết, lãi suất ngân hàng sẽ giảm được khoảng 4% (lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm khoảng 11% và lãi suất cho vay dao động khoảng 14%).
 
Đối với hoạt động ngoại thương, do thương mại toàn cầu được dự báo giảm về khối lượng và giá cả, Ủy ban cho rằng kế hoạch tăng kim ngạch xuất khẩu 12-13% của Việt Nam sẽ là thách thức không nhỏ. 
 
Tuy nhiên, ảnh hưởng của thương mại thế giới sẽ tác động đến cả xuất khẩu và nhập khẩu, đồng thời chính sách kiểm soát nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục được duy trì trong năm 2012 nên xuất khẩu ròng của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện. Nhờ vậy, nhập siêu dự báo sẽ ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu.
 
Kịch bản tốt: Tăng trưởng vượt 6% khó khả thi
 
Với tình hình kinh tế thế giới khả quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự báo tăng từ 12-13%; trong khi kim ngạch nhập khẩu dự báo tăng 13-14%; tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu đạt khoảng 11-12% vào năm 2012, tăng so với tỷ lệ 9,9% năm 2011.
 
Khi nền kinh tế toàn cầu duy trì được mức tăng trưởng, nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam được dự báo duy trì ở mức tương đương năm 2011. Vốn FDI dự kiến chiếm khoảng 23% tổng mức đầu tư toàn xã hội, tương đương khoảng 230 nghìn tỷ đồng. 
 
Tổng hợp các yếu tố cấu phần GDP như tiêu dùng nội địa, xuất nhập khẩu và đầu tư, với giả định các nhân tố khác không đổi, tính toán cho thấy với tổng mức đầu tư toàn xã hội tương đương 33,5-33,9% GDP (mức kế hoạch đã được phê chuẩn), tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 có thể đạt từ 6-6,3% nếu hiệu suất đầu tư của nền kinh tế có sự cải thiện đáng kể. 
 
Nhưng, nếu không có sự thay đổi về công nghệ để tăng năng suất, hiệu quả thì cần tăng tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế dân doanh từ 35,2% năm 2011 lên khoảng 43% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012 và giảm tỷ lệ đầu tư khu vực kinh tế nhà nước từ mức 38,9% năm 2011 xuống còn 34% tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào năm 2012.
 
Với tốc độ tăng trưởng GDP từ 6-6,3%, lạm phát duy trì ở mức 8-10% và mức bội chi ngân sách được thông qua cho năm 2012 ở mức 4,8% GDP, theo tính toán của Ủy ban giám sát, nợ công Việt Nam năm 2012 dự kiến đạt mức 58,2-58,8% GDP.
 
Tuy nhiên ở kịch bản này, Ủy ban cho rằng để điều chỉnh cơ cấu đầu tư như trên là một thách thức rất lớn. Bởi vì, muốn tăng tỷ trọng đầu tư của khu vực dân doanh từ 35,2% của năm 2011 lên tới 43% tổng đầu tư toàn xã hội vào năm 2012, theo tính toán của Ủy ban, tăng trưởng tín dụng cần đạt trên 25%, cao hơn nhiều so với định mức tăng tín dụng từ 15-17% để kiểm soát lạm phát từ 8-10%. 
 
Trong khi đó, để đảm bảo an sinh xã hội và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế giai đoạn sau, Việt Nam cần tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, khó có thể giảm tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước từ mức 38,9% tổng đầu tư toàn xã hội năm 2011 xuống chỉ còn 34% ngay trong năm 2012. 
 
“Như vậy, trong điều kiện chưa tạo được bước đột phá công nghệ để tăng năng suất, hiệu quả đầu tư kinh tế, nếu năm 2012 không có những đột biến về nguồn huy động vốn sản xuất thông qua nguồn huy động vốn khác ngoài kênh tín dụng, vốn tự có của doanh nghiệp, thì khả năng tăng trưởng GDP ở mức 6-6,3% là khó đạt được”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhìn nhận. 
 
Kịch bản trung bình: GDP có thể đạt 5,6-5,9%
 
Ở kịch bản trung bình, giả định đặt ra là sản lượng nền kinh tế thế giới giảm khoảng 1%, tác động làm thương mại giảm khoảng 3-4% so với 2011. Ảnh hưởng đến Việt Nam, tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu của nước ta năm 2012 dự báo đạt tương ứng 8-9% và 7-8%, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu theo đó đạt từ 7-8%. 
 
Trong khi đó, lượng vốn FDI vào Việt Nam dự báo sẽ thấp hơn một chút so với kịch bản tốt, chỉ chiếm từ 22-22,5% tổng mức đầu tư toàn xã hội. 
 
Với các dữ liệu trên, cùng với cơ cấu đầu tư khu vực kinh tế nhà nước chiếm 36,5-37% và khu vực kinh tế dân doanh chiếm 40,5-41% tổng đầu tư toàn xã hội, mô hình tính toán của Ủy ban cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 có thể đạt từ 5,6-5,9%.
 
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, đây là kịch bản có nhiều khả năng nhất và các chỉ số, các cân đối cũng mang tính khả thi nhất, mức tăng trưởng này cũng tương đối sát với mức sản lượng tiềm năng hiện tại của Việt Nam.
 
Ở kịch bản này, mô hình tính toán về quan hệ giữa tăng trưởng GDP, bội chi ngân sách và nợ công cho kết quả, với tỷ lệ bội chi ngân sách ở mức 4,8% GDP, nợ công Việt Nam năm 2012 sẽ đạt mức 58,8-59,2% GDP.
 
Kịch bản xấu: GDP chỉ đạt 5,2-5,5%
 
Nhưng với giả định trường hợp xấu nhất, kinh tế thế giới có khả năng rơi vào suy thoái và đạt mức tăng trưởng dưới 2,4%; thương mại thế giới tăng ở mức dưới 3% về khối lượng và giá cả có thể giảm sâu hơn mức dự báo 10% sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế cũng như tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. 
 
Dự báo trong trường hợp này, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng từ 5-6% so với năm 2011. Trong khi đó, nhiều khả năng Chính phủ sẽ phải điều chỉnh chính sách vĩ mô, tăng đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ngăn chặn suy giảm kinh tế, nên chính sách có phần nới lỏng hơn và vì thế nhập khẩu dự báo tăng 5-6%. Theo đó, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu vào khoảng 9-10%. 
 
Tương ứng, nguồn vốn FDI vào Việt Nam ước chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD, tương đương khoảng 21% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Lạm phát dự báo sẽ giảm còn 8-9%.
 
Ủy ban lưu ý rằng, trường hợp suy thoái kinh tế thế giới như tại kịch bản xấu có thể khuếch đại những điểm yếu nội tại của nền kinh tế Việt Nam, như đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008-2009. 
 
Bởi vậy, khi khả năng này xảy ra, Ủy ban khuyến nghị cần duy trì đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế, giảm tối đa những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Theo đó, tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cần duy trì ở mức tương đương năm 2011 (38,9%), tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế dân doanh khoảng 40%.
 
Với những giả định như trên, tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt từ 5,2-5,5%.
 
Kết hợp với tỷ lệ bội chi ngân sách của năm 2012 được thông qua là 4,8% GDP, tính toán của cho thấy, nợ công của Việt Nam năm 2012 sẽ ở mức 59,8-60,4% GDP.
 
“Trưởng hợp kinh tế thế giới diễn biến bất lợi và thật sự rơi vào suy thoái sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam không chỉ năm 2012 mà cả trong những năm tiếp theo... Việt Nam cần có biện pháp để chủ động đối phó với nguy cơ này”, Ủy ban lưu ý.
 
Các giải pháp cụ thể, theo Ủy ban, là cần thay đổi định hướng chính sách theo hướng linh hoạt hơn nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tăng an sinh xã hội; nghiên cứu khả năng triển khai gói kích thích kinh tế với những tính toán kỹ lưỡng về quy mô, liều lượng, đối tượng thụ hưởng…
 
Theo Anh Quân
VnEconomy

 

Tin mới cập nhật