Sau IPO, giá cổ phiếu BIDV sẽ giảm?

Ngày đăng : 28/12/2011 - 10:34 AM

Hôm nay (28.12) là ngày đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 84,75 triệu cổ phần của ngân hàng BIDV.

 

 

Tân, nhân viên tín dụng của BIDV, đã đặt cọc mua cổ phần ngân hàng mà mình làm việc trong suốt mười năm nay, mặc cho không ít người chê giá cao và chọn cách đứng ngoài.

Đây là đợt IPO có khối lượng chào bán lớn nhất trong năm 2011 và có số lượng nhà đầu tư đăng ký lớn thứ hai tại Việt Nam từ trước tới nay. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, đã có 16.238 nhà đầu tư đăng ký đặt cọc đấu giá, với tổng khối lượng bằng 166% số lượng chào bán (84.754.146 cổ phần). Trong đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm áp đảo khi đăng ký và đặt cọc mua hơn 100 triệu cổ phiếu, chiếm 120% tổng khối lượng chào bán. Có 129 nhà đầu tư tổ chức đăng ký và đặt cọc mua 39.066.000 cổ phiếu, tương đương 46%.

Lo cán bộ nhân viên bán ra

Tân, cùng những cán bộ nhân viên của BIDV, khi tham gia mua cổ phần cũng mong muốn trở thành người chủ nhỏ của ngân hàng lớn nhất nhì trong nước mà mình gắn bó. Hơn nữa, theo quy định cổ phần hoá, cán bộ công nhân viên BIDV sẽ được chiết khấu 60% giá trúng bình quân. Giả sử, giá trúng cũng là mức giá khởi điểm 18.500 đồng, thì giá bán cho công nhân viên BIDV là khoảng 11.100 đồng/cổ phần.

Với mức giá chiết khấu này, các nhà đầu tư trên thị trường, với bài học từ sau hai cuộc IPO của hai ngân hàng Vietcombank (VCB) và Vietinbank (CTG), dự đoán rằng giá cổ phiếu BIDV rồi cũng đi xuống, bởi không ít nhân viên BIDV sẽ bán ra để hưởng chênh lệch. Chẳng hạn, nhân viên bán với giá 14.000 – 15.000 đồng/cổ phần thì nhà đầu tư cũng mua được rẻ hơn khi đấu giá. Đó là một lý do khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức không tham gia cuộc đấu giá này. Thêm nữa, họ không muốn bị chết vốn, bởi dự kiến sáu tháng sau IPO, BIDV mới niêm yết, mà trong bối cảnh hiện nay, đến cổ phiếu trên sàn bán còn khó khăn huống hồ cổ phiếu OTC khi cần thanh khoản.

Nhà đầu tư nước ngoài không ưa chuộng?


Hệ thống ngân hàng đang chịu sức ép bởi lạm phát cao, doanh nghiệp hoạt động khó khăn dẫn đến nợ quá hạn, chất lượng tài sản của ngân hàng giảm mạnh. Cùng với sự sụt giảm của thị trường, yếu tố này được phản ánh qua các đánh giá sụt điểm ngân hàng và giá cổ phiếu cũng giảm mạnh. Theo đó, cổ phiếu ngân hàng Quân đội (MBB) đã giảm 15% từ khi niêm yết trên sàn vào đầu tháng 11, VCB còn 19.400 đồng, CTG tính đến ngày 27.12 là 16.600 đồng, STB còn 15.800 đồng…

Theo BIDV, sau cổ phần hoá, Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất của BIDV. Với tư cách là một ngân hàng thương mại lớn, BIDV tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các chính sách tiền tệ của Nhà nước, đóng góp trong việc ổn định và phát triển bền vững thị trường tài chính tiền tệ. Như vậy, theo một chuyên gia tài chính, BIDV sẽ khó thể có lợi nhuận đột biến vì còn nặng gánh thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao. Chẳng hạn, trước mắt BIDV vừa là “đốc công” vừa là chủ nợ của ba ngân hàng hợp nhất. Và trong khi người gửi tiền được bảo vệ, thì nhà đầu tư chưa biết BIDV sẽ xử lý nợ liên ngân hàng của ba ngân hàng này như thế nào. Ngoài ra, lý do quan trọng khiến nhiều nhà đầu tư tổ chức muốn đầu tư dài hạn e ngại, là họ hầu như không có cơ hội có tiếng nói trong quản trị khi BIDV chỉ bán ra 3% vốn.

BIDV dự kiến huy động 1.568 tỉ đồng trong đợt đấu giá này. Theo một báo cáo của công ty chứng khoán Kim Eng Việt Nam, cả VCB và CTG đều nằm trong danh mục giới thiệu đầu tư của hai quỹ đầu tư chỉ số ETFs trên thị trường Việt Nam do Van Eck và Deutsche Bank quản lý. Hai quỹ này nhắm đến khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi ở các ngân hàng cổ phần niêm yết như ACB, STB, EIB, nhà đầu tư luôn mua mạnh và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thường xuyên được lấp đầy, thì ở ngược lại, luôn sẵn có một lượng lớn cổ phiếu VCB và CTG trên thị trường, mà theo Kim Eng Việt Nam, có hai lý do. Một là nhà đầu tư nước ngoài không ưa chuộng chúng, hai là lượng vốn hoá thị trường của những ngân hàng này lớn hơn nhiều lần của các ngân hàng cổ phần. Liệu BIDV có được ưa thích hơn?

 

Theo Hồng Sương

 SGTT

 


 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Cổ phiếu BĐS: Có còn là 'điềm báo' cho nhà đất?

Ngày đăng : 28/12/2011 - 10:07 AM

Tuyệt đại đa số cổ phiếu BĐS giảm giá 60-80% và chưa có tín hiệu nào khởi sắc. Sự phục hồi của thị trường nhà đất liệu có thể trông đợi vào những tín hiệu từ chứng khoán hay chọn một con đường độc lập.


 

 Số phận của "điềm báo"

Hoàn toàn không khác với thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc, tình cảnh nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) trên TTCK Việt Nam đã đáng được gọi là một năm thất bại ngoài sức tưởng tượng.

Hệ quả từ câu chuyện sụt giảm doanh thu đến 50% của rất nhiều doanh nghiệp BĐS ở Thượng Hải, Thẩm Quyến, Phúc Kiến... đã khiến cho nhóm cổ phiếu BĐS của các doanh nghiệp BĐS niêm yết trên 13 sàn giao dịch của Trung Quốc trở thành đầu tàu lôi chỉ số chứng khoán Trung Quốc xuống khu vực thấp nhất trong năm nay, chỉ còn cách đáy khủng hoảng năm 2008 vài chục phần trăm.

Trong khi chỉ số tổng hợp Shanghai Composite của sàn chứng khoán Thượng Hải mất gần 40% trong năm, thì nhiều cổ phiếu BĐS đã lao dốc gấp rưỡi tỷ lệ sụt giảm chung. Trong khi đó, hy vọng về việc được chính phủ trung ương nới lỏng tín dụng BĐS vẫn còn là một khả năng xa vời.

Trong thực tế, bong bóng nhà đất Trung Quốc đã bắt đầu xì hơi mạnh tại ít nhất 50% trên tổng số 70 thành phố trọng điểm về thị trường BĐS của quốc gia này.

Với Việt Nam, hình ảnh còn tệ hơn  Trung Quốc. 2011 là một năm thê thảm cho hầu hết các doanh nghiệp BĐS, đến mức cuối năm nhiều doanh nghiệp đã không biết tìm đâu ra kinh phí để lo thưởng Tết.

Theo những thông tin được công bố gần nhất thì vào thời điểm cuối năm 2011, chỉ có 3 trên tổng số 64 mã cổ phiếu BĐS niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX đạt được mức tăng giá: VPL tăng 84,8%; ASM tăng 14% và VIC tăng 4,2%. Những cổ phiếu BĐS còn lại đều giảm từ 60-80%.

Tỷ lệ đại hạ giá của tuyệt đại đa số cổ phiếu BĐS cho thấy điều gì?


Mặc dù vẫn có một số doanh nghiệp BĐS báo lãi về cuối năm, nhưng trong thực tế ngay cả số lãi này cũng rất mong manh.

Từ giữa năm 2011, sau thời hạn mà các ngân hàng thương mại phải kéo giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất về mức 22% theo chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước, tình thế đã trở nên khốn khó đối với phần lớn doanh nghiệp BĐS. Trước dó, trong suốt quý 1 và 2/2011, hệ số tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là loại căn hộ trung cấp và cao cấp, gần như bằng không.

Tình hình quý 3 năm nay lại còn tồi tệ hơn cả hai quý trước đó. Những doanh nghiệp đã vượt qua được thời điểm ngày 30/6 từ động thái "hỗ trợ" của ngân hàng thương mại, những tưởng đã có thể "đẩy sóng" nhằm thoát hàng, nhưng nỗi ê ẩm là ngay cả một số doanh nghiệp đại gia như Hoàng Anh Gia Lai, Phát Đạt cũng không thể bán nổi vài phần trăm căn hộ đang tồn.

Lượng tồn kho hàng hóa vì thế cũng tăng cao chưa từng thấy. Nằm trong bối cảnh chung ứ đọng sản phẩm của nhiều lĩnh vực sản xuất, BĐS cũng có đến ít ra vài ba chục ngàn tỷ đồng "không đến tay người dân". Ngay cả Hoàng Anh Gia Lai cũng không tránh khỏi thân phậm hẩm hiu với giá trị tồn đọng sản phẩm lên đến 3.000 tỷ đồng.

Với những doanh nghiệp BĐS ít vốn và ít tiềm lực hơn, việc trả lãi vay cuối kỳ đã trở thành một "vấn nạn". Các chỉ số về rủi ro tài chính tăng dần và tăng cao, liên quan đến những khoản vay ngắn hạn. Nếu cả đến Vincom ở phía Bắc cũng phải tìm cách sang nhượng một tòa cao ốc của họ, thì có thể hiểu triển vọng kinh doanh BĐS của ông Đoàn Nguyên Đức ở phía Nam u ám đến thế nào.

Ngoại trừ cổ phiếu VIC và VPL - vốn cùng "họ", cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai cùng rất nhiều mã BĐS khác chỉ có giảm và lao dốc mà không nhìn thấy bất cứ ánh sáng le lói nào trong đường hầm chứng khoán.

"Điềm báo" sẽ vẫn bị bỏ rơi?

Mối quan hệ song hành giữa TTCK và thị trường BĐS đã biểu hiện khá rõ từ những năm 2006 - 2007 cho đến nay. Vào những giai đoạn chỉ số chứng khoán tăng mạnh như cuối 2006, đầu 2007, hoặc vào quý 2 - 3/2009, nhóm cổ phiếu BĐS luôn trở thành tiêu điểm săn lùng của giới đầu tư chứng khoán.

Cùng cộng hưởng, thị trường BĐS cũng tăng trưởng mạnh trong những khoảng thời gian trên.

Thậm chí, thị trường BĐS đã tạo nên độ trễ pha với TTCK. Vào năm 2007, sau khi TTCK lập đỉnh với chỉ số VNI đạt đến 1.170 điểm và đi dần vào suy giảm sau đó, giá nhà đất ở TP.HCM và một số khu vực khác vẫn tiếp tục tăng cho đến đầu năm 2008.

Dòng tiền tương hỗ giữa hai thị trường cũng đã được xác nhận là có thực. Vào năm 2009, chính dòng tiền nóng chốt lãi từ TTCK đã thúc đẩy cho sự phục hồi rất mạnh của thị trường BĐS Hà Nội. Tuy nhiên, 2011 lại là năm thoái trào mạnh của nhà đất khu vực Thủ đô. Từ cuối năm 2010, nhóm cổ phiếu BĐS đã có dấu hiệu phá những ngưỡng kỹ thuật quan trọng phía dưới. Hẳn đó là một "điềm báo" cho tình trạng kém khả quan của thị trường nhà đất.

Phản ảnh một cách trung thực với sự tệ hại của nhóm cổ phiếu BĐS, cả hai thị trường nhà đất ở Hà Nội và TP.HCM đều "trầm cảm" nặng về tính thanh khoản. Nhưng con bệnh nặng nhất vẫn là Hà Nội, khi mặt bằng giá đất nền và căn hộ tại đây lao dốc theo chu kỳ các quý 3 và quý 4 năm 2011.

Điềm báo ấy cũng có thể dắt dây sang năm 2012, thậm chí đến năm 2013. Mối tương quan giữa nhóm cổ phiếu BĐS với hiện trạng và triển vọng của các doanh nghiệp BĐS vẫn còn đó. Từ kinh nghiệm của quá khứ, điều có thể rút ra sơ bộ là chừng nào cổ phiếu BĐS vẫn chưa lấy lại được sức mạnh của chúng trên bảng điện chứng khoán, thị trường BĐS vẫn khó có khả năng nhìn thấy tương lai.

Tuy vậy, vẫn có hy vọng cho thị trường BĐS đổi chiều, khi mối quan hệ tương hỗ trên cũng đổi chiều theo. Sự đổi chiều này liên quan mật thiết đến khả năng thị trường nào sẽ có cơ hội khởi động trước, với thời gian được tính cho năm 2012.

Nếu lặp lại đúng tiền lệ của quá khứ với TTCK phục hồi trước, tùy vào mức độ phục hồi của chỉ số chứng khoán và giá cổ phiếu mà thị trường BĐS sẽ tăng trưởng giao dịch và giá. Nhưng ít nhất, giao dịch sẽ hình thành, sản phẩm sẽ bán được dù chỉ với mức giá khiêm tốn. Trong trường hợp này, nhóm cổ phiếu BĐS sẽ lại một lần nữa làm nên đình đám.

Nhưng không loại trừ khả năng thị trường BĐS có thể phục hồi một cách độc lập tương đối mà không phụ thuộc vào vận động của TTCK. Điều đó cũng có nghĩa là quy luật song ánh của dĩ vãng sẽ có thể được thay thế bằng tương quan "đường ai nấy đi", hay nói chính xác hơn là "thân ai nấy lo".

Khi đó, bất chấp việc thị trường BĐS có phục hồi được bao nhiêu chăng nữa, thân phận nhóm cổ phiếu BĐS trên sàn chứng khoán vẫn hoàn toàn mong manh. Nếu chỉ số chứng khoán duy trì được thế đi ngang, một số mã BĐS sẽ có cơ hội tăng trưởng. Nhưng nếu chứng khoán vẫn tiếp tục bị bỏ rơi, cổ phiếu BĐS sẽ tạo nên một khác biệt cơ bản với doanh nghiệp BĐS với thực chất nó chỉ là một thứ chất liệu giấy vụn chứ không được đo đếm có ý nghĩa hơn thông qua đơn vị tiền tệ.

 

Theo VEF


 


Cổ phiếu ngân hàng diễn biến theo 3 nhóm

Ngày đăng : 28/12/2011 - 9:59 AM

Trước thời điểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thực hiện IPO, giới đầu tư đang tập trung theo dõi diễn biến của các cổ phiếu ngân hàng.

 

 

Hiện tại, trên cả 2 sàn giao dịch chứng khoán có 9 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) niêm yết, gồm Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB), Ngân hàng Nhà Hà Nội (HBB), Ngân hàng Nam Việt (NVB), Ngân hàng  Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB), Ngân hàng Quân đội (MBB) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Bà Trần Thị Thu Thanh, Phó giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận xét, với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi xem xét biến động về giá của 1 cổ phiếu nào đó cần phải nhìn vào biến động của giá cổ phiếu trong mối tương quan với các cổ phiếu khác cùng loại (của các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực) và so với diễn biến chung của thị trường.

Trong những phiên giao dịch vừa qua, dựa theo diễn biến, có thể chia các cổ phiếu ngân hàng thành 3 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất gồm một số cổ phiếu giữ giá ổn định, hầu như không có nhiều biến động; nhóm thứ hai gồm một số cổ phiếu lại có sự ngược dòng khá ngoạn mục trước đà suy thoái chung của thị trường. Trong khi đó, nhóm còn lại chịu sự giảm giá chung của thị trường.

Nhóm thứ nhất, gồm 3 cổ phiếu lớn như CTG, VCB và MBB. Cụ thể là, cổ phiếu CTG chỉ dao động loanh quanh mốc 17.000 đồng/cổ phiếu, còn cổ phiếu VCB chỉ xê dịch trong khoảng 20.000 - 21.000 đồng/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu MBB hầu như luôn duy trì ở mức giá ổn định trên dưới 11.000 đồng/cổ phiếu.

Ở nhóm này, 2 cổ phiếu CTG hay VCB luôn được nhà đầu tư chú ý hơn cả, nhất là trước khi BIDV đấu giá cổ phiếu, bởi 3 ngân hàng này có khá nhiều nét tương đồng. Thời gian qua, cả CTG và VCB đều bán được cổ phần của mình cho nhà đầu tư nước ngoài, với giá cao hơn giá giao dịch trên thị trường. Theo đó, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) đã mua 10% cổ phần của CTG, trong khi Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản đã đầu tư để sở hữu 15% cổ phần của VCB.

Ở nhóm thứ 2, nhiều cổ phiếu ngân hàng có quy mô trung bình lại tăng giá khá ấn tượng, bất chấp giai đoạn này vẫn nằm trong chu kỳ suy thoái chung của toàn thị trường. Chẳng hạn, cổ phiếu EIB được coi là một trong số những cổ phiếu chiến thắng thị trường thời gian qua, bởi nếu như cách đây nửa tháng, giá cổ phiếu này chỉ vào khoảng 13.000 đồng/cổ phiếu thì đến hết phiên giao dịch ngày 26/12, giá EIB đã là 14.200 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu STB cũng có được đà đi lên khá tốt, khi đầu tháng 12 vừa qua, giá cổ phiếu này vẫn chỉ ở mức xung quanh 14.000 đồng/cổ phiếu, nhưng đến nay, giá đã là 15.300 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu STB ít nhiều có được sự hỗ trợ từ việc STB và Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, hai bên thỏa thuận sẽ hợp tác trên cơ sở tạo quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ để cùng phát triển. Trên nền tảng của sự hợp tác này, STB có thêm điều kiện để phát triển những sản phẩm - dịch vụ ngân hàng hiện đại và tối ưu hơn để cung ứng cho thị trường.

Trong khi đó, cổ phiếu ACB trong tháng 12 cũng đã tăng từ mốc hơn 19.000 đồng/cổ phiếu lên mức  hơn 21.000 đồng/cổ phiếu hiện nay. Mới đây, HĐQT Ngân hàng này đã nhất trí thông qua việc tạm ứng cổ tức năm 2011 đợt 1 bằng tiền mặt với tỷ lệ tới 20% mệnh giá, thời gian chốt danh sách cổ đông sẽ là ngày 5/1/2012.

Các cổ phiếu ngân hàng nằm trong nhóm giảm giá có cổ phiếu HBB, SHB. HBB đã giảm từ khoảng 5.400 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 12, xuống chỉ còn 4.200 đồng/cổ phiếu hiện nay. Tương tự, cùng trong thời gian trên, cổ phiếu SHB cũng giảm từ khoảng 6.500 đồng/cổ phiếu  xuống mức 5.400 đồng/cổ phiếu vào phiên giao dịch 26/12.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc giảm giá của một số cổ phiếu ngân hàng cũng không quá xấu, vì việc giảm hoàn toàn nằm trong bối cảnh chung của thị trường. Cụ thể, chỉ số VN-Index đầu tháng 12 ở mốc trên 380 điểm, nhưng đến ngày 26/12, chỉ còn 352,68 điểm.

 

 

Theo Chí Tín

 Báo Đầu tư


 


Quỹ đầu tư ‘gặp hạn’ năm 2011: Tệ nhất là quỹ ETF

Ngày đăng : 27/12/2011 - 8:20 PM

Năm 2011, các quỹ đầu tư cổ phiếu tại thị trường Việt Nam đều “gặp hạn”, tuy nhiên so với năm 2008 vẫn còn “hạnh phúc” hơn.


Theo báo cáo của Rothschilds, hiệu quả đầu tư năm 2011 của các quỹ đầu tư trong nước, nước ngoài tại Việt Nam đều cho kết quả tệ hại, với NAV giảm trung bình gần 24%, song hành với diễn biến không thể xấu hơn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong số 17 quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hai quỹ ETF là FTSE Vietnam Index ETF (XFVT- sàn London) và Market Vectors Vietnam ETF (VNM-NY) có NAV giảm mạnh nhất, khi lần lượt giảm 48,4% và 40,8% (tính đến 19/12).

Kế đến là quỹ Vietnam Emerging Equity Fund với NAV giảm tới 30%; Vietnam Azalea Fund giảm 29,2% tính đến cuối tháng 11; các qũy khác NAV giảm từ gần 20% đến gần 30%.

Đáng chú ý, tính đến ngày 30/11, VinaCapital Vietnam Opportunity Fd (VOF) được xem có kết quả khả quan nhất khi NAV chỉ giảm có 8,5%. Tuy nhiên, việc đánh giá lại giá trị tài sản chính xác theo giá thị trường chưa, trong bối cảnh giá bất động sản lao dốc, vẫn còn là câu hỏi ngỏ mà nhiều quỹ đầu tư dành cho VOF.

Các so sánh trên còn chưa cập nhật đến hết năm 2011, và mọi chuyện chắc chắn sẽ tệ hơn khi thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm trong tháng cuối năm nay.

Còn nhớ năm 2010, với con sóng tăng điểm cuối năm, các quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đã có một năm không khó khăn như dự kiến, dù NAV giảm mạnh nhất là 22,7% (Vietnam Emerging Market Fund), trong khi các quỹ khác hiệu quả đầu tư còn đạt được mức tăng trưởng như Vietnam Growth Fund (10,1%), Vietnam Azalea Fund (10,5%), Market Vectors Vietnam ETF (1,8%).

NAV giảm mạnh khiến giá chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tệ cũng giảm sâu. Điều này khiến tỷ lệ chiết khấu NAV so với giá chứng chỉ quỹ nới rộng hơn. Trong đó, giá chứng chỉ quỹ của DWS Vietnam Fund thấp hơn NAV 47,1% (tính đến 30/11), Vietnam Equity Holding (-49,4%), Vietnam Infrastructure Ltd (-59,1%), VinaCapital Vietnam Opportunity Fd (-40,9%).

Với 4 quỹ đầu tư trong nước có mức sụt giảm NAV trung bình 29,5%, trong đó NAV của MAFPF1 giảm 24% (tính đến 11/12), PRUBF1 (-14,1%), VFMVF1 (-41,1%), VFMVF4 (-38,9%). Tỷ lệ chiết khấu NAV so với giá chứng chỉ quỹ của 4 quỹ trên từ 38,8-49,6%, tính đến giữa tháng 12/2011.

Có 2 quỹ chuyên mua bán cổ phần chưa niêm yết (Private Equity) gồm PCA Vietnam Segregated Portfolio và Vietnam Resource Investments có NAV giảm rất thấp, với mức giảm 5,2% và 4%. Tuy nhiên, tỷ lệ chiết khấu giữa NAV với giá chứng quỹ lên tới 47,5%, tính đến tháng 11 qua.

Tóm lại, năm 2011 này, các quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam đều “gặp hạn”, tuy nhiên so với năm 2008 vẫn còn “hạnh phúc” hơn khi năm đó NAV của một quỹ giảm tới 73,6%.



Theo NDHMoney


Cổ phiếu mất giá vì thị trường… không có mắt?

Ngày đăng : 27/12/2011 - 8:07 PM

Tình hình chứng khoán năm nay nghe chừng tệ hơn cả thời 2008-2009 nên cũng có nhiều tâm tư trăn trở của lãnh đạo doanh nghiệp cũng như của nhà đầu tư. Năm nay, có lẽ chưa bao giờ các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết lại phải dùng nhiều “thư tay” gửi cổ đông đến vậy.

 



Phát cáu với thị trường khi không phát hiện ra giá trị thực của cổ phiếu doanh nghiệp mình là “bệnh” phổ biến của lãnh đạo. Mặc dù khi cổ phiếu tăng giá quá lố, liên tục thì các văn bản giải trình cứ đổ riệt cho thị trường quá “hỗn” chứ doanh nghiệp chẳng có tội gì. Đến khi giá cổ phiếu giảm quá thì cũng lại tại thị trường không có… mắt.

Trước đây, đã từng có vị chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng “nổ” tới mức đòi thị trường phải trả cho cổ phiếu doanh nghiệp mình tới “chấm nọ chấm kia”. Khi giá không được như ý thì đích thị nhà đầu tư không hiểu được giá trị thực. Hãy bán hết các cổ phiếu khác, chỉ mua cổ phiếu của doanh nghiệp tôi, mua nhanh kẻo hết là những lời hô hào như bán rau ngoài chợ chỉ khiến nhà đầu tư cảm thấy tức cười.

Đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp lãi cả ngàn tỷ đồng mà họ không hưởng được mức cổ tức tiền mặt cao hơn lãi suất ngân hàng, không được hưởng lợi từ giá thị trường thì cũng không được xem trọng bằng những mã “nhỏ” nhưng quanh năm dậy sóng.

Giá cổ phiếu giảm khiến liên tục gần đây xuất hiện nhiều những lời trần tình của lãnh đạo doanh ngiệp lẫn lời than vãn của cổ đông. Cứu giá hay không, cứu bằng cách nào là câu hỏi được đá đi đá lại giữa hai bên. Lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết giấu tên xót xa cho rằng “người nên cứu là chính chúng tôi vì chúng tôi là những người bị tổn thương nhiều nhất khi cổ phiếu mất giá”.

Ngược lại, không ít ý kiến từ phía cổ đông, đa phần là cổ đông nhỏ lẻ, lại cho rằng hội đồng quản trị, ban lãnh đạo công ty niêm yết mà không có những hành động thiết thực là “mang tội với cổ đông”. Nói trắng ra là cổ đông đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp phải cứu giá, chẳng hạn mua lại cổ phiếu quỹ chứ không nên dừng lại ở lời kêu gọi.

Thực tế của thị trường đã cho thấy nhưng bức “tâm thư” hầu như không có tác dụng.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HBC từng “than”: “Lẽ nào một công ty có tài sản cũng như doanh số hơn 100 triệu USD chỉ có giá trị thị trường chưa đầy 20 triệu USD?”. Chủ tịch Hội đồng Quản trị SBA từ khi cổ phiếu giá 5.900 đồng đã kêu gọi cổ đông đừng bán rẻ và nỗ lực giúp cổ đông bằng cách chưa có tiền lệ: cổ đông có thể ủy thác cho doanh nghiệp bán giúp cổ phiếu giá 10.000 đồng. Đến giờ SBA đã về dưới 4.000 đồng mà chưa rõ kế hoạch tiến triển đến đâu.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị SAM cuối tháng 11 cũng than rằng giá SAM 5.000 đồng là quá vô lý, rồi giá HPC quá thấp so với giá trị thực. Thế nhưng giải pháp nào “cứu giá” thì cũng chỉ là nâng cao hiệu quả hoạt động, cố gắng không lỗ năm nay.

Bất ngờ hơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SMC lại cho rằng mua cổ phiếu quỹ lúc giá thấp là “thu lãi trên lưng cổ đông”. Có lẽ nhà đầu tư sẽ choáng khi nhận thấy sự hảo tâm này. Ngay cả việc bỏ tiền thực ra mua cổ phiếu quỹ còn chưa biết hiệu quả đến đâu, thì những lời kêu gọi hay trần tình càng lạc lõng.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) mới đây có lời kêu gọi doanh nghiệp niêm yết đưa ra giải pháp “an ủi” cổ đông để năm nay có gì đó mà… ănttết. Cổ tức tiền mặt là giải pháp tốt vì nếu doanh nghiệp thực sự có giá trị, làm ăn tốt, tiền mặt nhiều, cớ sao cứ “đùn” giấy cho cổ đông?

Điều tréo ngoe là dù lãnh đạo cho rằng giá cổ phiếu thấp vô lý, nhưng tiền mặt trả cổ tức lại không có, hoặc quá thấp. Phong trào tìm kiếm cổ phiếu có tỉ lệ cổ tức tiền mặt trên thị giá cao hơn lãi suất ngân hàng đang đi vào ngõ cụt vì số doanh nghiệp xin hoãn hoặc ngâm cổ tức vì thiếu nguồn. Rõ ràng quy mô doanh nghiệp, lợi nhuận tiền tỷ không có nghĩa là cổ đông sẽ được hưởng một cách trọn vẹn.

Đầu tư dàn trải, mơ mộng một quy mô doanh nghiệp hoành tráng lúc thị trường hưng phát là điểm chung của rất nhiều lãnh đạo. Huy động vốn ồ ạt nhưng hiệu quả của đồng vốn đầu tư không tương xứng thì cổ phiếu tất yếu bị thị trường định giá lại. Đó là hành động bình thường chứ không phải thị trường đang tỏ ra vô lý một cách mù quáng.

Một điểm dễ thấy là nếu doanh nghiệp chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, sử dụng vốn cổ đông một cách hiệu quả, dòng tiền mặt dồi dào, sẵn sàng trả cổ tức tiền mặt tốt hơn lãi suất ngân hàng thì làm sao thị trường lại có thể định giá cổ phiếu quá thấp?

“Giá cổ phiếu xuống, cổ đông đã vô tình "tặng" những thành quả của mình cho người đến sau một cách rẻ mạt. Còn chúng tôi hoàn toàn có thể đối diện với nguy cơ xa rời doanh nghiệp… Khi đại chúng hóa công ty, chúng tôi đã kỳ vọng rằng, đó sẽ là cơ hội để huy động được nhiều vốn hơn, để có tiền biến những giấc mơ của doanh nghiệp thành hiện thực. Nhưng… giấc mơ chưa thành thì có thể chúng tôi đã mất doanh nghiệp”. Tâm tư của một lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết giấu tên nói trên cũng là “bệnh” phổ biến của những lãnh đạo muốn níu giữ quyền lực đối với doanh nghiệp. Lãnh đạo một công ty đại chúng có thể mất chức nhưng không có nghĩa là mất trắng doanh nghiệp, vì sở hữu vốn cổ phần vẫn nằm trong tay họ. Cái mất đi chỉ là quyền lực.

Tuy nhiên, nếu đã chọn con đường của một công ty đại chúng thì điều đó là bình thường. Lãnh đạo doanh nghiệp chỉ là một cổ đông trong công ty - dù có thể là cổ đông lớn. Nhưng nếu lãnh đạo đó không đem lại lợi nhuận cho cổ đông thì cổ đông có thể lựa chọn người lãnh đạo khác. Chỉ có những người ham mê quyền lực mới đánh đồng việc giữ quyền lãnh đạo với việc sở hữu doanh nghiệp.

Theo Thiện Ý
VnEconomy

 


HAG: Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 5 triệu CP

Ngày đăng : 27/12/2011 - 6:57 PM

Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đăng ký mua vào 5 triệu CP kể từ ngày 30/12/2011.


Tên người thực hiện giao dịch: Đoàn Nguyên Đức

Mã chứng khoán: HAG

Chức vụ hiện nay tại tổ chức niêm yết: Chủ tịch HĐQT

Số lượng cổ phiếu nắm giữ trước khi giao dich: 222.987.226 CP, tỷ lệ 47,72%

Số lượng cổ phiếu đăng ký mua: 5.000.000 CP

Số lượng cổ phiếu nắm giữ sau khi thực hiện giao dịch: 272.987.226 CP, tỷ lệ 47,72%

Mục đích thực hiện giao dịch: Đầu tư

Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch: từ ngày 30/12/2011 đến ngày 29/2/2012.

 

Theo HSX

 


 

Tin mới cập nhật