Ngày đăng :
27/12/2011 - 8:07 PM
Tình hình chứng khoán năm nay nghe chừng tệ hơn cả thời 2008-2009 nên cũng có nhiều tâm tư trăn trở của lãnh đạo doanh nghiệp cũng như của nhà đầu tư. Năm nay, có lẽ chưa bao giờ các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết lại phải dùng nhiều “thư tay” gửi cổ đông đến vậy.
Phát cáu với thị trường khi không phát hiện ra giá trị thực của cổ phiếu doanh nghiệp mình là “bệnh” phổ biến của lãnh đạo. Mặc dù khi cổ phiếu tăng giá quá lố, liên tục thì các văn bản giải trình cứ đổ riệt cho thị trường quá “hỗn” chứ doanh nghiệp chẳng có tội gì. Đến khi giá cổ phiếu giảm quá thì cũng lại tại thị trường không có… mắt.
Trước đây, đã từng có vị chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng “nổ” tới mức đòi thị trường phải trả cho cổ phiếu doanh nghiệp mình tới “chấm nọ chấm kia”. Khi giá không được như ý thì đích thị nhà đầu tư không hiểu được giá trị thực. Hãy bán hết các cổ phiếu khác, chỉ mua cổ phiếu của doanh nghiệp tôi, mua nhanh kẻo hết là những lời hô hào như bán rau ngoài chợ chỉ khiến nhà đầu tư cảm thấy tức cười.
Đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp lãi cả ngàn tỷ đồng mà họ không hưởng được mức cổ tức tiền mặt cao hơn lãi suất ngân hàng, không được hưởng lợi từ giá thị trường thì cũng không được xem trọng bằng những mã “nhỏ” nhưng quanh năm dậy sóng.
Giá cổ phiếu giảm khiến liên tục gần đây xuất hiện nhiều những lời trần tình của lãnh đạo doanh ngiệp lẫn lời than vãn của cổ đông. Cứu giá hay không, cứu bằng cách nào là câu hỏi được đá đi đá lại giữa hai bên. Lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết giấu tên xót xa cho rằng “người nên cứu là chính chúng tôi vì chúng tôi là những người bị tổn thương nhiều nhất khi cổ phiếu mất giá”.
Ngược lại, không ít ý kiến từ phía cổ đông, đa phần là cổ đông nhỏ lẻ, lại cho rằng hội đồng quản trị, ban lãnh đạo công ty niêm yết mà không có những hành động thiết thực là “mang tội với cổ đông”. Nói trắng ra là cổ đông đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp phải cứu giá, chẳng hạn mua lại cổ phiếu quỹ chứ không nên dừng lại ở lời kêu gọi.
Thực tế của thị trường đã cho thấy nhưng bức “tâm thư” hầu như không có tác dụng.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HBC từng “than”: “Lẽ nào một công ty có tài sản cũng như doanh số hơn 100 triệu USD chỉ có giá trị thị trường chưa đầy 20 triệu USD?”. Chủ tịch Hội đồng Quản trị SBA từ khi cổ phiếu giá 5.900 đồng đã kêu gọi cổ đông đừng bán rẻ và nỗ lực giúp cổ đông bằng cách chưa có tiền lệ: cổ đông có thể ủy thác cho doanh nghiệp bán giúp cổ phiếu giá 10.000 đồng. Đến giờ SBA đã về dưới 4.000 đồng mà chưa rõ kế hoạch tiến triển đến đâu.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị SAM cuối tháng 11 cũng than rằng giá SAM 5.000 đồng là quá vô lý, rồi giá HPC quá thấp so với giá trị thực. Thế nhưng giải pháp nào “cứu giá” thì cũng chỉ là nâng cao hiệu quả hoạt động, cố gắng không lỗ năm nay.
Bất ngờ hơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SMC lại cho rằng mua cổ phiếu quỹ lúc giá thấp là “thu lãi trên lưng cổ đông”. Có lẽ nhà đầu tư sẽ choáng khi nhận thấy sự hảo tâm này. Ngay cả việc bỏ tiền thực ra mua cổ phiếu quỹ còn chưa biết hiệu quả đến đâu, thì những lời kêu gọi hay trần tình càng lạc lõng.
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) mới đây có lời kêu gọi doanh nghiệp niêm yết đưa ra giải pháp “an ủi” cổ đông để năm nay có gì đó mà… ănttết. Cổ tức tiền mặt là giải pháp tốt vì nếu doanh nghiệp thực sự có giá trị, làm ăn tốt, tiền mặt nhiều, cớ sao cứ “đùn” giấy cho cổ đông?
Điều tréo ngoe là dù lãnh đạo cho rằng giá cổ phiếu thấp vô lý, nhưng tiền mặt trả cổ tức lại không có, hoặc quá thấp. Phong trào tìm kiếm cổ phiếu có tỉ lệ cổ tức tiền mặt trên thị giá cao hơn lãi suất ngân hàng đang đi vào ngõ cụt vì số doanh nghiệp xin hoãn hoặc ngâm cổ tức vì thiếu nguồn. Rõ ràng quy mô doanh nghiệp, lợi nhuận tiền tỷ không có nghĩa là cổ đông sẽ được hưởng một cách trọn vẹn.
Đầu tư dàn trải, mơ mộng một quy mô doanh nghiệp hoành tráng lúc thị trường hưng phát là điểm chung của rất nhiều lãnh đạo. Huy động vốn ồ ạt nhưng hiệu quả của đồng vốn đầu tư không tương xứng thì cổ phiếu tất yếu bị thị trường định giá lại. Đó là hành động bình thường chứ không phải thị trường đang tỏ ra vô lý một cách mù quáng.
Một điểm dễ thấy là nếu doanh nghiệp chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, sử dụng vốn cổ đông một cách hiệu quả, dòng tiền mặt dồi dào, sẵn sàng trả cổ tức tiền mặt tốt hơn lãi suất ngân hàng thì làm sao thị trường lại có thể định giá cổ phiếu quá thấp?
“Giá cổ phiếu xuống, cổ đông đã vô tình "tặng" những thành quả của mình cho người đến sau một cách rẻ mạt. Còn chúng tôi hoàn toàn có thể đối diện với nguy cơ xa rời doanh nghiệp… Khi đại chúng hóa công ty, chúng tôi đã kỳ vọng rằng, đó sẽ là cơ hội để huy động được nhiều vốn hơn, để có tiền biến những giấc mơ của doanh nghiệp thành hiện thực. Nhưng… giấc mơ chưa thành thì có thể chúng tôi đã mất doanh nghiệp”. Tâm tư của một lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết giấu tên nói trên cũng là “bệnh” phổ biến của những lãnh đạo muốn níu giữ quyền lực đối với doanh nghiệp. Lãnh đạo một công ty đại chúng có thể mất chức nhưng không có nghĩa là mất trắng doanh nghiệp, vì sở hữu vốn cổ phần vẫn nằm trong tay họ. Cái mất đi chỉ là quyền lực.
Tuy nhiên, nếu đã chọn con đường của một công ty đại chúng thì điều đó là bình thường. Lãnh đạo doanh nghiệp chỉ là một cổ đông trong công ty - dù có thể là cổ đông lớn. Nhưng nếu lãnh đạo đó không đem lại lợi nhuận cho cổ đông thì cổ đông có thể lựa chọn người lãnh đạo khác. Chỉ có những người ham mê quyền lực mới đánh đồng việc giữ quyền lãnh đạo với việc sở hữu doanh nghiệp.
Theo Thiện Ý
VnEconomy
|
Ngày đăng :
27/12/2011 - 6:57 PM
Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đăng ký mua vào 5 triệu CP kể từ ngày 30/12/2011.
Tên người thực hiện giao dịch: Đoàn Nguyên Đức
Mã chứng khoán: HAG
Chức vụ hiện nay tại tổ chức niêm yết: Chủ tịch HĐQT
Số lượng cổ phiếu nắm giữ trước khi giao dich: 222.987.226 CP, tỷ lệ 47,72%
Số lượng cổ phiếu đăng ký mua: 5.000.000 CP
Số lượng cổ phiếu nắm giữ sau khi thực hiện giao dịch: 272.987.226 CP, tỷ lệ 47,72%
Mục đích thực hiện giao dịch: Đầu tư
Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch: từ ngày 30/12/2011 đến ngày 29/2/2012.
Theo HSX
|
Ngày đăng :
27/12/2011 - 12:26 PM
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo Bộ Tài chính, UBCK khẩn trương triển khai các giải pháp tái cấu trúc TTCK, để sớm đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho nền kinh tế.
Nhận diện thực trạng TTCK
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2012 của Bộ Tài chính diễn ra ngày 24/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, thể chế đối với hoạt động TTCK đã có sự hoàn thiện một bước, nhưng những cải cách về thể chế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động như trong giai đoạn vừa qua.
Về hàng hoá, mục tiêu trong giai đoạn đầu phát triển TTCK là thu hút nhiều hàng hoá niêm yết, vì vậy đã có sự giảm nhẹ trong điều kiện và tiêu chuẩn đối với việc phát hành, niêm yết cũng như yêu cầu về quản trị công ty. Về cơ sở các nhà đầu tư, thị trường hiện chưa có chính sách phù hợp để mở rộng nhà đầu tư có tổ chức như các công ty đầu tư chứng khoán, quỹ mở, quỹ hưu trí...
Về các tổ chức kinh doanh chứng khoán, điều kiện thành lập và hoạt động đã được nâng cao, nhưng so với chuẩn mực quốc tế còn thấp, yêu cầu về quản trị rủi ro đặc biệt là an toàn tài chính chưa được chú trọng. Mặt khác, do sự phát triển nhanh của thị trường nên nhiều tổ chức, cá nhân đã đổ vốn thành lập CTCK, công ty bảo hiểm làm cho có sự gia tăng về số lượng, song năng lực tài chính và nguồn nhân lực chưa đảm bảo.
Về tổ chức thị trường, Bộ trưởng cho rằng, để tạo điều kiện cho TTCK phát triển, trong thời gian qua đã duy trì hoạt động của 2 Sở GDCK. Xét về mặt thể chế không có gì vướng mắc, song cách thức tổ chức thị trường như hiện nay đã tạo ra sự thiếu hiệu quả, gây lãng phí chi phí và nguồn nhân lực. Trong khi đó, xu hướng quốc tế hiện nay là hợp nhất, sáp nhập các sở GDCK để tạo lập thị trường lớn hơn, có sức hấp dẫn lớn hơn.
Theo Bộ trưởng, môi trường đầu tư kinh doanh chưa hoàn thiện, yếu tố cung cầu trên TTCK chưa phản ánh thực chất, mà còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý, đầu tư theo phong trào, đầu tư ngắn hạn với sự rủi ro cao, cá biệt còn có hiện tượng đầu cơ, làm giá trên TTCK.
Hoạt động của các CTCK, công ty niêm yết không ổn định, lúc lãi, lúc lỗ phụ thuộc quá nhiều vào diễn biến thị trường, bên cạnh đó công tác quản trị công ty, công khai minh bạch của các công ty chứng khoán, công ty niêm yết chưa cao đã ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng đầu tư. Hiện tượng đầu tư kém hiệu quả, các tài sản đầu tư kém tính thanh khoản làm cho khả năng tài chính của các CTCK trở nên không an toàn.
Sự liên thông giữa các khối thị trường ở trong nước như tín dụng ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, cũng như sự liên thông giữa thị trường trong nước, nước ngoài còn yếu đã làm cho TTCK bị sự ảnh hưởng, thậm chí có thể gây rủi ro tiềm ẩn trong an toàn hệ thống tài chính.
Công tác quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính, UBCK) đã được tăng cường, tuy nhiên do tính phức tạp, nhạy cảm của thị trường nên công tác này còn khó khăn; thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, đã xử lý, song chế tài chưa đủ mạnh để cưỡng chế thực thi.
Từ 2012: sẽ cải tổ toàn diện TTCK
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, Đề án tái cấu trúc thị trường vốn, trong đó có TTCK và thị trường bảo hiểm đã được Bộ hoàn tất và trình Chính phủ xem xét thông qua. Trên cơ sở đó, việc tái cấu trúc TTCK sẽ được triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn 2012 - 2015. Việc tái cấu trúc TTCK sẽ tập trung vào 4 trụ cột: hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ; cơ sở NĐT; hệ thống hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán và tái cấu trúc tổ chức quản lý, vận hành thị trường.
Với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, sẽ triển khai theo hướng nâng cao năng lực tài chính, chất lượng dịch vụ và phòng ngừa rủi ro. Hiện tại, Bộ Tài chính, UBCK đang hoàn thiện quy định đánh giá xếp hạng, phân loại hoạt động của CTCK theo thông lệ quốc tế. Xây dựng hệ thống chấm điểm rủi ro và quy trình hoạt động của CTCK; áp dụng cơ chế kiểm tra, giám sát theo mức độ rủi ro.
Trong việc tái cấu trúc hàng hóa, Bộ trưởng cho biết, sẽ nâng cao tiêu chí phát hành, niêm yết chứng khoán, đặc biệt là tiêu chí về lợi nhuận, thời gian hoạt động và quản trị công ty theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phân loại hàng hoá theo tiêu chí để cơ cấu lại thị trường. Việc cơ cấu lại sẽ theo hướng phân khu vực niêm yết cho các DN lớn, DN vừa và nhỏ và công ty đại chúng chưa niêm yết. Bên cạnh đó, sẽ đưa vào giao dịch một số loại chứng khoán phái sinh theo lộ trình, trước mắt là chứng khoán phái sinh chỉ số.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, đa số công ty niêm yết, đăng ký giao dịch là các DN vừa và nhỏ. Trong số 710 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch chỉ có 368 DN có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng. Chất lượng của các công ty niêm yết chưa cao, đặc biệt là ở khía cạnh quản trị DN và tính minh bạch.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là sẽ tái cấu trúc cơ sở NĐT. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ xây dựng thể chế cho phép thành lập và hoạt động của các công ty đầu tư chứng khoán, quỹ mở, quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư mạo hiểm. Bộ trưởng cho biết, sẽ nghiên cứu lộ trình tăng tỷ lệ sở hữu của các NĐT nước ngoài trên TTCK theo các cam kết quốc tế. Rà soát, sửa đổi chính sách thuế đối với NĐT theo hướng bình đẳng, minh bạch, không khuyến khích đầu tư ngắn hạn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, tái cấu trúc TTCK trước mắt cần đặt trọng tâm vào CTCK, công ty quản lý quỹ, theo hướng phát triển lành mạnh, an toàn, hướng đến mục tiêu xây dựng TTCK thành một kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế.
Lịch trình thực hiện tái cấu trúc ngành chứng khoán
Bộ Tài chính cho biết, sẽ hoàn thành cơ bản việc tái cấu trúc TTCK trong giai đoạn 2012 - 2015 với các nội dung sau:
Bước 1: Xây dựng đề án tái cấu trúc TTCK trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin ý kiến về chủ trương: thực hiện trong năm 2011.
Bước 2: Xây dựng đề án chi tiết trên cơ sở đánh giá kỹ thực trạng và rà soát các quy định pháp luật liên quan đến quá trình tái cấu trúc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: thực hiện trong quý I/2012.
Bước 3: Tập trung tái cấu trúc các định chế tài chính (bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm) theo các mục tiêu và giải pháp nêu trong đề án: thực hiện trong năm 2012 - 2013.
Bước 4: Thực hiện tái cấu trúc thị trường giao dịch chứng khoán, bao gồm cả tái cấu trúc các Sở GDCK, phân định khu vực thị trường cổ phiếu, trái phiếu, sản phẩm phái sinh: thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2015.
Bước 5: Tái cấu trúc hàng hoá, cơ sở các nhà đầu tư, các sản phẩm dịch vụ mới: thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2015, trong đó năm 2012 sẽ thí điểm thành lập công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư dạng mở, phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu; mở rộng các hàng hoá, dịch vụ mới (như sản phẩm phái sinh, quỹ hưu trí...) theo lộ trình của đề án.
Theo Hữu Hòe
ĐTCK
|
Ngày đăng :
26/12/2011 - 7:58 PM
Sau khi thành cổ đông lớn từ ngày 19/12/2011, PVX đănng ký mua và bán lượng cổ phiếu trên từ 28/12/2011 đến 27/2/2012.
Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) thông báo sở hữu và giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn.
Theo đó, Market Vectors ETF Trust – Market Vectors – Vietnam ETF đã mua 312.300 cổ phiếu nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên 12.568.818 đơn vị tương đương tỷ lệ 5,028%. Ngày trở thành cổ đông lớn là 19/12/2011.
Sau khi trở thành cổ đông lớn, Market Vectors ETF Trust– Market Vectors – Vietnam ETF đăng ký mua 13.750.000 CP, đăng ký bán 12.568.818 CP nâng lượng cổ phiếu nắm giữ từ 12.568.818 đơn vị lên 13,75 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 28/12/2011 đến 27/2/2012.
Theo Hải An
TTVN/HNX
|
Ngày đăng :
26/12/2011 - 7:36 PM
Tiền trong tài khoản NH cũng như tài khoản CK của khách hàng đều được cam kết bảo đảm tuyệt đối an toàn. Vậy mà tại CTCK Artex, đã có NĐT bị “bốc hơi” mất hơn 6 tỉ đồng.
Tuy nhiên, phía CTCK Artex đang cố tình phủi tay chối bỏ trách nhiệm của họ đối khoản tiền mà NĐT để trong tài khoản của Cty này.
Hơn 6 tỉ đồng không thể… thu hồi
Báo Lao động nhận được đơn tố cáo của bà Hoàng Kiều Trang - một NĐT tại CTCK Artex (cũ), nay là CTCK FLC. Qua xác minh thì được biết, từ cuối tháng 8.2010 đến đầu tháng 9.2010, bà Trang đã 6 lần nộp tiền vào tài khoản mở tại CTCK Artex, với tổng số tiền lên tới 9,66 tỉ đồng. Do thị trường sụt giảm, bà Trang không giao dịch CK mà rút tiền ra khỏi tài khoản.
Trong khi số dư tài khoản còn 9,66 tỉ đồng, nhưng bà Trang chỉ mới rút được 3,6 tỉ đồng, số tiền hơn 6 tỉ đồng còn lại không lấy ra được bởi đã bị CTCK Artex phong tỏa. Sao kê tài khoản CK cho thấy, không hề có giao dịch nào trên tài khoản của bà Trang dẫn đến việc “biến mất” hơn 6 tỉ đồng nói trên.
Vụ việc đã được cơ quan công an điều tra xác minh và làm rõ nguyên nhân là do tài khoản của bà Trang đã bị CTCK Artex “phù phép” theo hình thức được phía Artex gọi là “liên thông tài khoản”. Cụ thể của việc “liên thông” này là do nhân viên Phòng dịch vụ CK của Artex là Đặng Thị Mai đã “ký thay” bà Trang, để cùng với bà Tổng GĐ và ông Trưởng phòng dịch vụ CK thực hiện chủ trương được phía CTCK gọi là nghiệp vụ liên thông tài khoản (tức là lấy tiền trong tài khoản của NĐT để giao dịch CK mà chủ tài khoản không biết - PV).
Để làm được việc phong toả tiền trong tài khoản của NĐT, đã có sự đồng loã của cả hệ thống cán bộ, nhân viên trong CTCK Artex. Khi sự việc vỡ lở, xác minh chữ ký cho thấy, chữ ký trên cột đồng ý liên thông tài khoản ký ngày 22.9.2010 không phải là của bà Trang và theo thông báo của cơ quan điều tra, đó là hành vi giả mạo chữ ký của chủ tài khoản. Điều này cũng có nghĩa rằng, tại CTCK Artex đã có sự đồng loã theo cả hệ thống để sử dụng tiền trong tài khoản của NĐT, dẫn đến sự thất thoát tiền của khách hàng đến nay không thu hồi được.
Sau khi có kết luận điều tra, phía Công an Hà Nội đã có văn bản gửi CTCK Artex (ngày 28.9.2011), yêu cầu CTCK Artex tổ chức kiểm điểm, xử lý vi phạm của cán bộ, nhân viên có liên quan; chấn chỉnh công tác quản lý. Đồng thời, cơ quan công an cùng yêu cầu CTCK Artex tổ chức làm việc với NĐT để giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây phức tạp tình hình và uy tín của Cty.
Mặc dù đã có kết luận của cơ quan điều tra, nhưng cho đến nay, khoản tiền hơn 6 tỉ đồng bị phong tỏa của bà Trang vẫn chưa được CTCK Artex giải quyết. Trước khiếu kiện của NĐT gửi UBCK vì bị chiếm đoạt tiền một cách vô cớ nêu trên, trong công văn gửi bà Trang ngày 2.12.2011 của UBCK, Vụ Thanh tra, UBCK cũng chỉ có thể tiếp tục chuyển sự việc này trở lại... cơ quan điều tra.
Những lỗ hổng lớn?
Sự việc của NĐT Trang khiến những NĐT quan tâm phải lo lắng và đặt ra câu hỏi: Trách nhiệm gây ra vụ việc nêu trên là do cá nhân hay pháp nhân? Trong tình huống đang diễn ra, phía CTCK Artex đang “đổ vấy” trách nhiệm cho các cá nhân gây ra vụ việc để hòng “phủi tay với NĐT.
Ở đây cần xác định rõ mối quan hệ giữa NĐT với CTCK (pháp nhân), và CTCK với nhân viên của mình. Nếu nói rằng, lỗi nêu trên là do cá nhân (nhân viên) gây ra thì cá nhân phải chịu trách nhiệm với NĐT. Đây là lập luận mà phía CTCK Artex nêu ra để chối bỏ trách nhiệm.
Nếu lý giải nêu trên được chấp nhận, điều đó sẽ khiến các NĐT cảm thấy không hề được pháp luật bảo vệ khi họ mở tài khoản (thực chất là gửi tiền) tại CTCK. Bởi vì, nếu không phải chỉ là 6 tỉ đồng, nếu số dư tiền gửi lên tới hàng trăm tỉ đồng của các NĐT lớn, mà CTCK vẫn phó mặc trách nhiệm cho nhân viên của mình, thì khi xảy ra vấn đề, liệu nhân viên đó có đủ khả năng khắc phục hậu quả?
Trong trường hợp đưa ra những biện pháp cứng rắn mang tính răn đe đối với nhân viên của CTCK (trong trường hợp này là nhân viên Mai) chỉ là biện pháp mang tính răn đe và hơn thế, bản chất việc xử lý cá nhân sẽ là việc chuyển hóa quan hệ giữa NĐT với CTCK trở thành quan hệ giữa NĐT với cá nhân nhân viên của CTCK.
Hệ lụy từ việc chuyển hóa quan hệ đó sẽ là một giải pháp hoán đổi - nhằm trốn tránh trách nhiệm của pháp nhân CTCK Artex và tuyệt đối không phải là biện pháp đảm bảo lợi ích hợp pháp của NĐT cũng như các giải pháp được áp dụng và cam kết với khách hàng khi mở tài khoản giao dịch tại các CTCK. Cần phải nhấn mạnh, đó là lợi ích hoàn toàn hợp pháp.
Mặt khác, để xảy ra việc chiếm dụng tiền vô tội vạ của khách hàng giao dịch CK như vụ việc nêu trên, không thể không nói tới vai trò của CTCK. Bởi một nhân viên không thể thực hiện nghiệp vụ liên thông tài khoản để sử dụng tiền trong tài khoản của khách hàng. Đã vậy, câu chuyện “liên thông tài khoản” có được coi là nghiệp vụ hợp pháp hay không?
Chưa bàn tới tính hợp pháp của nghiệp vụ này, thì liệu nếu không có sự chấp thuận của lãnh đạo CTCK, liệu quyết định của một nhân viên trong CTCK có thể hoàn toàn tự mình thực hiện nghiệp vụ như thế?
Theo Công Thắng
Lao động
|