Ngày đăng :
02/08/2012 - 9:30 PM
Tìm “đường đi” cho Quỹ hưu trí vào TTCK
Qũy Hưu trí dự kiến cho phép thí điểm thành lập Quỹ từ năm 2013. Từ đây, mở ra cơ hội tạo thêm dòng tiền mới cho TTCK.
Trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu Quỹ hưu trí bổ sung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang xây dựng khung pháp lý cho sự ra đời của Quỹ, với dự kiến cho phép thí điểm thành lập Quỹ từ năm 2013. Từ đây, mở ra cơ hội tạo thêm dòng tiền mới cho TTCK.
Thí điểm lập quỹ từ năm 2013
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết, Quỹ hưu trí bổ sung (quỹ hưu trí tự nguyện) là quỹ do các DN, tổ chức tự nguyện đóng góp thêm (ngoài tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc) cho người lao động, để sử dụng vào mục đích kinh doanh nhằm chia lợi tức, đảm bảo cho CBCNV một khoản thu nhập về hưu (ngoài lương hưu do bảo hiểm xã hội chi trả) cao hơn mức lương hưu hiện tại.
Cũng theo bà Nga, Bộ LĐTB&XH đang khẩn trương dự thảo khung pháp lý cho việc ra đời của Quỹ hưu trí bổ sung. Lộ trình xây dựng và hoạt động của Quỹ đã được Bộ đề xuất. Theo đó, dự kiến giai đoạn 1 (2012 - 2015) sẽ hình thành khung pháp lý, tổ chức thí điểm đối với một số tập đoàn, DN trong nước và nước ngoài.
Trong năm 2013, một số đơn vị sẽ thí điểm thực hiện Quỹ hưu trí bổ sung. Giai đoạn 2 (2015 - 2020) có nhiệm vụ chính là hoàn thiện khung pháp lý, mở rộng đối tượng tham gia đóng góp vào Quỹ.
Giai đoạn 3 (sau năm 2020), tập trung nghiên cứu chuyển đổi mô hình Quỹ hưu trí bổ sung từ hình thức tự nguyện sang bắt buộc... Để sớm hiện thực hóa lộ trình này, Bộ LĐTB&XH tiếp tục lắng nghe đóng góp, đề xuất của các nhà chuyên môn, DN, để đảm bảo tính khả thi cho khung pháp lý khi được ban hành.
Phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ lớn, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trên TTCK Việt Nam cho biết, theo thông lệ quốc tế, Quỹ hưu trí bắt buộc và Quỹ hưu trí bổ sung được đa dạng hóa đầu tư, trong đó chủ yếu vào 3 mảng chính là: cổ phiếu, trái phiếu và đầu tư trên thị trường tiền tệ… theo các tỷ lệ khác nhau, nhằm giảm thiểu rủi ro, đồng thời mang lại một khoản lợi nhuận khá ổn định cho Quỹ.
Tại nước ta, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, thì trên thực tế một phần tiền từ Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc đã được đầu tư vào TTCK thông qua mua trái phiếu, tín phiếu, đồng thời một phần vốn từ quỹ này cũng đã đầu tư vào thị trường tiền tệ. Câu hỏi còn lại đặt ra là sắp tới khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội và xây dựng hành lang pháp lý cho sự ra đời của Quỹ hưu trí bổ sung, cơ chế dẫn vốn từ Quỹ đầu tư vào thị trường cổ phiếu sẽ như thế nào?
Dẫn vốn vào thị trường cổ phiếu, cách nào?
Trả lời câu hỏi trên, bà Nga cho hay, theo thông lệ quốc tế, ngoài khắc phục tính đơn lẻ của hệ thống bảo hiểm xã hội hiện nay, Quỹ hưu trí bổ sung sẽ góp phần phát triển thị trường vốn. Trong quá trình thiết kế quy định pháp lý về hoạt động của Quỹ, Bộ LĐTB&XH đang tiếp tục tham vấn ý kiến của các chuyên gia, DN, để có chọn mô hình Quỹ sẽ đầu tư vào thị trường cổ phiếu hay không, nếu có thì tỷ lệ đầu tư cụ thể là bao nhiêu...
“Vấn đề trên đang được Bộ LĐTB&XH nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm vừa đảm bảo tính khả thi cho việc lập Quỹ, đồng thời tạo ra những cơ chế giúp cho Quỹ sinh lời với tỷ lệ hợp lý nhưng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động đầu tư, qua đó mang lại nguồn lợi nhuận khả quan cho người lao động”, bà Nga chia sẻ.
Theo một số công ty quản lý quỹ, theo thông lệ quốc tế, đa dạng hóa các kênh đầu tư là nhu cầu tất yếu của Quỹ hưu trí bắt buộc và Quỹ hưu trí bổ sung.
Để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận bền vững cho Quỹ, cũng như thiết thực hỗ trợ TTCK phát triển, khi thiết kế khung pháp lý cho sự ra đời của Quỹ, các nước thường quy định cụ thể tỷ lệ đầu tư mà Quỹ được phép đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau như: cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư vào thị trường tiền tệ.
Ở nhiều nước, ngoài cho phép đầu tư vào thị trường cổ phiếu trong nước, Quỹ còn được đầu tư mua cổ phiếu trên TTCK nước ngoài. Tùy trình độ phát triển của Quỹ, cũng như quy mô phát triển của TTCK mà tỷ lệ này được linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển Quỹ và TTCK mà cơ quan quản lý đề ra.
Theo Hữu Đạo
ĐTCK
|
Ngày đăng :
29/07/2012 - 12:00 AM
Các tỷ phú thế giới đút túi thêm 15,2 tỷ USD trong tuần qua
Những người giàu nhất thế giới vừa bổ sung thêm vào quỹ tài sản tổng cộng 15,2 tỷ USD nhờ sắc xanh hồi phục tại hầu khắp các thị trường chứng khoán.
Amancio Ortega
“Kiếm” được nhiều nhất trong tuần này là ông trùm bán lẻ Tây Ban Nha Amancio Ortega, cho thêm vào quỹ số tài sản 3 tỷ USD sau khi Inditex – hãng bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm hậu cần có tổng diện tích lên tới 753.000 foot vuông (tương đương 7 hecta) ở Guadalajara, Tây Ban Nha. Kế hoạch kinh doanh mới đầy hấp dẫn khiến giá cổ phiếu Inditex tăng mạnh 3,8% trong tuần.
Thương vụ bạc tỷ này của Ortega đến trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha lên cao kỷ lục 24,6%. Hiện tại giá trị tài sản ròng của tỷ phú 76 tuổi này là 43,5 tỷ USD, giàu nhất châu Âu và đứng thứ 4 trong bảng tổng sắp các tỷ phú giàu nhất thế giới của Bloomberg.
Eike Batista
Eike Batista, tỷ phú giàu nhất tại Brazil vừa kiếm thêm 795 triệu USD trong tuần này nhờ đà hồi phục tích cực của thị trường cổ phiếu.
Tập đoàn dầu khí của tỷ phú giàu thứ 22 thế giới này có tên OGX Petroleo (OGXP3) & Gas Participacoes SA vừa tăng 12,8% giá trị thị trường sau 4 ngày giá dầu thế giới tăng tốc. Trong khi đó, một cỗ máy in tiền khác của Batista là công ty đóng tàu OSX Brasil SA (OSXB3) cũng tăng mạnh 11,2% giá cổ phiếu trong ngày hôm qua (26/7) sau khi giám đốc điều hành của công ty cho biết vừa chốt được một hợp đồng mới cung cấp giàn khoan dầu. Giá trị tài sản ròng của Batista hiện vào khoảng 21,3 tỷ USD.
Slim, Gates, Buffett và Bezos
Carlos Slim, 72 tuổi, vẫn là người giàu nhất thế giới khi tổng tài sản tăng thêm 1,4 tỷ USD trong tuần này bất chấp việc tập đoàn America Movil SAB (AMXL) - nhà cung cấp dịch vụ không dây lớn nhất châu Mỹ tính theo số lượng thuê bao - công bố giảm lợi nhuận trong quý II năm nay.
Bill Gates – tỷ phú giàu thứ 2 thế giới, hiện sở hữu khối tài sản chỉ kém Slim 12,7 tỷ USD sau khi tăng thêm 600 triệu USD trong tuần qua.
Đứng thứ 3 thế giới là huyền thoại đầu tư Warren Buffett, năm nay bước sang tuổi 82 tuổi, đang nắm trong tay 45,7 tỷ USD và quyền điều hành quỹ đầu tư Berkshire Hathaway Inc.
Jeff Bezos, chủ sở hữu Amazon.com Inc (AMZN), nhà bán lẻ dịch vụ Internet lớn nhất thế giới trong tuần qua cũng tăng thêm 820 triệu USD trong tổng tài sản nhờ cổ phiếu hãng này vừa ghi nhận mức tăng cao nhất trong vòng 3 tháng.
Mark Zuckerberg
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg tuần này tiếp tục trở thành đề tài nóng trong giới chứng khoán khi giá cổ phiếu của mạng xã hội lớn nhất thế giới rơi xuống mức thấp thảm hại, chỉ bằng một nửa giá trị thị trường thời điểm IPO cách đây 10 tuần. Tổng tài sản của tỷ phú 28 tuổi này bốc hơi mất 2,5 tỷ USD trong tuần, và hiện chỉ còn 12,1 tỷ USD.
Việc giới đầu tư tin rằng chủ tịch Ngân hàng Trung Ương châu Âu Mario Draghi sẽ sớm thúc đẩy các bước đi cụ thể trong kế hoạch giảm bớt thiệt hại do khủng hoảng nợ công gây ra, cùng với đó thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố sự ràng buộc trách nhiệm sâu sắc của 2 cường quốc châu Âu để giữ cho khu vực đồng Euro còn nguyên vẹn, và họ sẽ làm tất cả mọi thứ cần thiết để bảo vệ đồng tiền chung khiến những lo ngại bấy lâu như được gỡ bỏ.
Hồng Liên
Theo TTVN/Bloomberg
|
Ngày đăng :
27/07/2012 - 9:49 PM
Warren Buffett: Đầu tư luôn cần một cái đầu lạnh
50 năm sau lời khuyên của Buffett, tài chính thế giới lại đang trong một cơn bão mới, nặng nề hơn và dai dẳng hơn. Và lời khuyên đó chưa bao giờ sai.
Warren Buffett – huyền thoại đầu tư của phố Wall, không giống như các tỷ phú đầu tư khác, rất ít khi tuyên bố công khai các dự đoán hay nhận định thị trường.
Ít nhưng chất, những lời ông từng chia sẻ với các nhà đầu tư cách đây vừa tròn nửa thế kỷ vẫn tồn tại như một kim chỉ nam cho những ai muốn gia nhập và tồn tại trong thế giới cổ phiếu.
Buffet khẳng định, 3 hành trang quan trọng nhất mà nhà đầu tư cần là: “tích lũy kiến thức trước khi đầu tư”, “giữ một cách đầu lạnh” và “tham lam khi đám đông sợ hãi, sợ hãi khi đám đông tham lam”. Bên cạnh đó, công thức vàng cho những ai đầu tư dài hạn đó là “mua giá rẻ - nắm giữ - và kiểm soát”.
Đã là quy luật, điều quan tâm nhất của bất cứ nhà đầu tư nào khi quyết định dấn thân là tiền của họ sẽ được dùng như thế nào, ai dùng chúng và lợi nhuận do nó đem lại là bao nhiêu. Bản tính tâm lý con người là e ngại rủi ro và coi trọng việc bảo toàn vốn. Tuy nhiên, nhà đầu tư muốn thành công cần chiến thắng tâm lý đó.
Hãy nhớ, luôn giữ một “cái đầu lạnh” trước mọi áp lực bởi giữa những rủi ro sẽ tiềm ẩn cơ hội. Ngoài ra, tính kiên nhẫn không bao giờ là thừa nếu bạn muốn có được một thương vụ ưng ý.
Dĩ nhiên, thị trường bao giờ cũng tràn ngập rủi ro.
Năm 1962, khủng hoảng tên lửa Cuba và chiến tranh lạnh 2 cực Nga –Mỹ khiến giới đầu tư sợ hãi, chỉ số Dow Jones trong một thời gian ngắn ngủi mất 23% giá trị, xóa sổ toàn bộ thành quả của cả thị trường 1 năm trước đó. 29/5 năm 1962, Dow Jones trong một ngày giảm 6% khiến cả thế giới chao đảo. Bức thư của Buffet ra đời trong hoàn cảnh đó.
50 năm sau ngày đó, tài chính thế giới lại đang trong một cơn bão mới, nặng nề hơn và dai dẳng hơn.
Buffet năm nay đã 82 tuổi, nhưng vẫn nguyên phong độ cùng sự nhạy cảm nghề nghiệp, vẫn sát cánh cùng diễn biến thị trường theo đúng cách mà ông thường làm: tập trung vào những món đầu tư dài hạn có chất lượng dựa trên phân tích sâu.
ĐP
Theo TTVN/Marketwatch
|
Ngày đăng :
26/07/2012 - 12:26 PM
Sang tuổi 13, TTCK sẽ tái cấu trúc mạnh mẽ
"12 năm qua, tuy kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, nhưng TTCK đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ…”.
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trong cuộc trao đổi với phóng viên ĐTCK.
Thưa Bộ trưởng, đâu là những kết quả đáng khích lệ mà TTCK Việt Nam đạt được sau 12 năm phát triển?
Sau 12 năm hình thành, TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong suốt thời kỳ 2000 - 2005, mức vốn hóa thị trường chỉ đạt trên dưới 1% GDP, nhưng năm 2007 đã đạt đến mức 47% GDP và trên 30% GDP trong những năm gần đây. 12 năm qua, TTCK đã huy động gần 650.000 tỷ đồng cho nền kinh tế (trong đó, riêng từ 2005 đến nay huy động gần 550.000 tỷ đồng).
Hệ thống tổ chức niêm yết liên tục gia tăng, từ chỗ chỉ có 2 công ty niêm yết, đến nay đã có 705 công ty. Quy mô các công ty niêm yết không ngừng được mở rộng, hình thành các công ty, ngân hàng và tập đoàn lớn nhờ huy động vốn qua TTCK.
Hệ thống NĐT cũng vậy, số lượng và kiến thức ngày càng gia tăng. Từ chỗ chỉ có 2.900 tài khoản, đến nay đã tăng lên gần 1,2 triệu tài khoản, thu hút gần 10 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Khuôn khổ pháp lý và cơ sở hạ tầng từng bước được củng cố, mở rộng. Công tác quản lý, giám sát TTCK ngày càng được hoàn thiện. Thị trường ngày càng minh bạch hơn...
Còn những tồn tại và hạn chế của TTCK là gì?
Bên cạnh những thành tựu trên đây, TTCK Việt Nam vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, cơ sở hàng hóa chưa đa dạng, chất lượng phát hành, niêm yết và hiệu quả sử dụng vốn chưa cao. Thị trường còn có nhiều biến động, tính thanh khoản và cung cầu trong một số thời điểm có nhiều hạn chế.
Số lượng các tổ chức kinh doanh chứng khoán nhiều so với quy mô còn nhỏ của thị trường, chất lượng cũng như khả năng quản trị rủi ro còn thấp. Cấu trúc và cơ sở hạ tầng TTCK ngày càng được hoàn thiện, nhưng vẫn còn những điểm bất cập trước xu thế phát triển và hội nhập trong thời gian tới.
Để khắc phục những tồn tại trên, trong thời gian tới, Bộ Tài chính, UBCK tập trung vào những giải pháp chiến lược nào, thưa Bộ trưởng?
Để tiếp tục thúc đẩy TTCK phát triển một cách bền vững, Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020, đồng thời Bộ Tài chính đang trình Chính phủ Đề án tái cấu trúc TTCK và các DN bảo hiểm, trong đó tập trung vào tái cấu trúc 4 trụ cột chính.
Thứ nhất, nâng cao chất lượng hàng hóa kết hợp với việc đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ chứng khoán, bảo hiểm; nâng cao chất lượng quản trị DN, quản trị rủi ro tại các tổ chức phát hành; bảo đảm tính công khai, minh bạch; từng bước áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Thứ hai, thu hẹp số lượng tổ chức tài chính trung gian; kiện toàn mô hình hoạt động các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo thông lệ quốc tế.
Thứ ba, đa dạng hóa cơ sở NĐT, phát triển hệ thống NĐT tổ chức; khuyến khích dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn, đồng thời tăng cường công tác quản lý, giám sát, có giải pháp phù hợp, kịp thời để chủ động đối phó với biến động của dòng vốn này.
Thứ tư, tái cấu trúc tổ chức thị trường, các Sở GDCK theo các mục tiêu phát triển dài hạn của TTCK Việt Nam, bảo đảm thị trường hoạt động lành mạnh, ổn định, vững chắc, được quản lý, giám sát chặt chẽ; cơ cấu quản trị điều hành minh bạch, chuyên nghiệp; cơ cấu sản phẩm đa dạng, hoàn chỉnh; hoạt động thanh toán bù trừ an toàn.
Đâu là những giải pháp trước mắt mà Bộ Tài chính, UBCK ưu tiên triển khai nhằm thúc đẩy TTCK sớm trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế?
Trước mắt, Bộ Tài chính, UBCK tập trung giải quyết một số nhiệm vụ chính: triển khai tích cực Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, trong đó chú trọng các giải pháp về thuế, đầu tư, giá cả, các giải pháp kích thích tiêu dùng, an sinh xã hội, xử lý vấn đề nợ…, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và từ đó tác động tốt đến TTCK.
Tiếp tục thúc đẩy và minh bạch hóa công tác cổ phần hóa, tạo thêm hàng hóa chất lượng cho TTCK, đồng thời thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế. Cải thiện thanh khoản của TTCK, thông qua các giải pháp kéo dài thời gian giao dịch, điều chỉnh biên độ, áp dụng các nghiệp vụ giao dịch mới, rà soát lại chính sách thuế đối với TTCK.
Cùng với đó, tiến hành nâng cao tiêu chuẩn niêm yết tại các Sở GDCK trên cơ sở sắp xếp lại bước đầu hàng hóa trên 2 Sở. Rà soát, phân loại và xử lý các tổ chức kinh doanh yếu kém, hướng tới việc nâng cao chất lượng quản trị và an toàn tài chính. Giảm bớt các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài, cụ thể hóa các quy định nhằm thực hiện cam kết WTO.
Theo UBCK, đến hết tháng 6/2012, có tổng cộng 1.690 công ty đại chúng, trong đó 705 công ty đã niêm yết, 130 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Sau 12 năm phát triển, hiện TTCK có 105 CTCK với 135 chi nhánh và 73 phòng giao dịch. Quy mô vốn điều lệ của tất cả các CTCK tính đến tháng 5/2012 là 35.941 tỷ đồng (không đổi so với cuối năm 2011). Tổng cộng có 1,2 triệu tài khoản, tăng thêm gần 12.000 tài khoản so với cuối năm 2011.
Toàn thị trường có 47 công ty quản lý quỹ, với số vốn điều lệ là 2.600 tỷ đồng, quản lý tổng tài sản khoảng 98.000 tỷ đồng. Có 23 quỹ đầu tư chứng khoán (17 quỹ thành viên, 6 quỹ đại chúng) và 29 văn phòng đại diện đang hoạt động.
|
Theo Hữu Hòe
ĐTCK
|
Ngày đăng :
26/07/2012 - 11:32 AM
Vốn ngoại, 12 năm ở Việt Nam
Giai đoạn năm 2013 - 2014 là thời hạn giải thể của một số quỹ đầu tư ngoại, vấn đề giữ chân dòng vốn ngoại càng trở nên có tính thời sự.
Trong lịch sử non trẻ củaTTCK Việt Nam, nhiều thời điểm vốn ngoại đóng vai trò tích cực, tạo ra những cú huých để thị trường thăng hoa. Tuy nhiên, cũng không ít lần dòng vốn ngoại tạo hiệu ứng ngược khiến chứng khoán nội địa chao đảo.
Giai đoạn năm 2013 - 2014 sắp tới là thời hạn giải thể của một số quỹ đầu tư ngoại, vấn đề giữ chân dòng vốn ngoại hiện càng trở nên có tính thời sự.
Hai thế hệ quỹ đầu tư
Vào cuối quý III tới đây, định kỳ 2 năm một lần, ĐHCĐ thường niên của các quỹ do Dragon Capital quản lý sẽ biểu quyết thông qua việc thoái vốn hay tiếp tục đầu tư tại TTCK Việt Nam.
Cần nhắc lại rằng, năm 2010, sự kiện lần đầu tiên Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý đã đứng trước nguy cơ giải thể trở thành sự kiện đình đám thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, vượt qua sức ép nặng nề, VEIL vẫn duy trì hoạt động tại Việt Nam.
Thành lập vào năm 1995, VEIL là quỹ đầu tư thuộc thế hệ thứ nhất (giai đoạn 1991 - 1997) hiếm hoi còn hoạt động tại TTCK Việt Nam.
Các quỹ đầu tư nước ngoài giai đoạn đó đều khá giống nhau ở quy mô khiêm tốn, đầu tư mang tính mạo hiểm, tìm kiếm cơ hội ở khối DNNN cổ phần hóa và sự ra đời của TTCK. Tuy nhiên, cuộc khủng khoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998 tràn qua nhiều quốc gia và khu vực.
Nền kinh tế Việt Nam khi đó dù có độ mở khá thấp nhưng cũng không thoát khỏi vòng ảnh hưởng tiêu cực. Cả 7 quỹ đầu tư thuộc thế hệ thứ nhất chịu nhiều thử thách, phải tự thích ứng và lựa chọn các hướng đi rất khác nhau.
Nếu như Templetion Vietnam Opportunities Fund và Vietnam Lazard Fund chọn cách đóng quỹ vào năm 1997 thì Bata Vietnam Fund, Vietnam Investment Fund chọn cách giảm vốn. Một số quỹ khác kiên định cầm cự, nhưng không lâu sau đó cũng phải ra đi như Vietnam Fund (2001), Vietnam Frontier Fund (2004).
Thời kỳ kế tiếp, giai đoạn 1997 - 2000, không có quỹ đầu tư nước ngoài mới nào được thành lập. Dấu ấn dòng vốn ngoại trong giai đoạn này chỉ là hình ảnh dòng người Hoa theo hình thức du lịch đổ bộ xuống một số sàn chứng khoán trước và sau khi tiếng cồng khai trương TTCK vang lên.
Bắt đầu từ năm 2001, các NĐT tổ chức mới manh nha xuất hiện như Indochina Capital (2001), Mekong Capital (2002), Vina Capital (2003), PXP (2005). Sau này, chính họ trở thành các tay chơi tầm cỡ trên thị trường.
Hiệp định thương mại Việt - Mỹ được ký kết cuối năm 2001, cộng với chuyển động chính sách trong việc góp vốn, mua cổ phần của khối ngoại tại các DN Việt Nam được xem là nhân tố thúc đẩy làn sóng quỹ thứ hai hình thành.
Tuy nhiên, đỉnh cao của làn sóng quỹ đầu tư thứ hai là giai đoạn 2006 - 2007 khi Việt Nam vào WTO. Một loạt gương mặt mới tinh xuất hiện huy động vốn để đầu tư vào Việt Nam: Korea Investment Trust Management (KITM), Tongkang, Golden Bridge, Prudential Plc, Bank Invest…
Trong số các quỹ đầu tư thế hệ thứ nhất, một số cũng quay trở lại như Templeton. Nếu so với tổng tài sảnkhoảng 400 triệu USD của quỹ đầu tư thứ nhất, làn sóng thứ hai ấn tượnghơn hẳn khi riêng năm 2007, vốn đầu đầu tư gián tiếp hơn 7 tỷ USD.
Các tay chơi lớn như Dragon Capital, Indochina Capital, VinaCapital chỉ mất vài tuần để gọi số vốn hàng trăm triệu USD từ các NĐT quốc tế, khi hai chữ Việt Nam như"thỏi nam châm" có sức hút rất mạnh.
Sóng sau xô sóng trước
Không lâu sau khi hiệu ứng vốn ngoại tạo nên sự tăng trưởng thần kỳ cho TTCK Việt, giới đầu tư nội địa đã nếm vị đắng khi vốn ngoại chảy ngược. Lần đầu vào cuối năm 2008 dưới tác động khủng khoảng kinh tế thế giới, một loạt quỹ đầu tư khu vực đã tháo chạy khỏi TTCK Việt Nam.
Không lâu sau đó là sự kiện quỹ đầu tư cổ phiếu của Indochina Capital trở thành mục tiêu bị tấn công của giới đầu cơ quốc tế rồi thông qua quyết định giải thể. Cùng chung số phận buồn này là một quỹ đầu tư cổ phiếu đến từ Hàn Quốc.
Giai đoạn sau năm 2008 là một khoảng thời gian khó khăn với các quỹ đầu tư thế hệ thứ hai. Hầu hết các quỹ đã giải ngân khi TTCK bùng nổ và mắc kẹt với lượng lớn cổ phiếu giá cao trong tổng danh mục.
Đa phần thua lỗ nặng nề. Các quỹ lớn hầu hết đều niêm yết chứng chỉ quỹ và giới đầu tư quốc tế dành cho chứng chỉ quỹ một mức chiết khấu trung bình từ 20 - 50% tùy thời điểm. NĐT góp vốn ban đầu vào quỹ thua lỗ kép. Hệ quả tất yếu là không quỹ ngoại nào gọi vốn thành công vài năm qua. Các gương mặt mới xuất hiện thưa thớt và mờ nhạt.
Cụm từ tái cơ cấu danh mục đầu tư xuất hiện thường trực khi các gương mặt cũ đăng ký mua bán cùng loại cổ phiếu, tranh thủ lướt trên từng con sóng nhỏ của thị trường.
Khi đa phần các quỹ đầu tư truyền thống tỏ ra thất thế thì thị trường chứng kiến sự lên ngôi của quỹ đầu tư chỉ số (ETF).
Bắt đầu hiện diện từ nửa cuối năm 2010 cho đến nay, chính các tên tuổi như FTSE Vietnam Index, The Market Vector Vietnam trở nên quen thuộc với giới đầu tư nội địa, trở thành các định chế tài chính giữ nhịp cho thị trường.
Ngoài hai tên tuổi đã biết, giới quản lý quỹ cho biết, còn có khoảng một chục quỹ đầu tư ở quy mô nhỏ hơn nhưng cũng thường xuyên giao dịch theo VN-Index. Với đặc điểm đầu tư mô phỏng theo Index nên các ETF là hình thức đầu tư có độ phân tán rủi ro khá tốt.
Mặt khác, với cơ chế hoạt động là một quỹ mở, đặc thù của ETF khiến chứng chỉ quỹ theo sát giá trị tài sản ròng, khắc phục được yếu điểm của các quỹ đầu tư đóng truyền thống. Hiện tại, trong số các quỹ đại chúng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, hai quỹ ETF là ngoại lệ hiếm hoi khi có giá chứng chỉ quỹ cao hơn giá trị tài sản ròng.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của các ETF gần đây giảm sút thì giới đầu tư lại có lý do để kỳ vọng khi iShare - một công ty quản lý quỹ đầu tư danh tiếng xin thành lập một ETF mới để giải ngân vào thị trường cổ phiếu Việt Nam.
Thế hệ quỹ thứ 2: ở lại hay ra đi?
Nhìn lại tổng thể thời gian qua, có thể nhận thấy dòng chảy vốn ngoại vào Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào các yếu tố khách quan như tình hình kinh tế thế giới. Các chính sách thu hút dòng vốn FDI là điều kiện cần, nhưng không phải là điều kiện đủ để Việt Nam là điểm đến ưa thích của giới đầu tư quốc tế khi vẫn được xếp trong nhóm các thị trường cận biên.
Các chỉ số định giá rẻ của chứng khoán thu hút dòng vốn cơ hội, chứ không phải dòng vốn đầu tư lâu dài.
Các nhân tố chiều sâu mang sức hấp dẫn lâu dài với các định chế tài chính trung gian bao gồm: tăng trưởng kinh tế, sự ổn định của các yếu tố vĩ mô, quy mô và chất lượng hàng hóa trên thị trường… Vì vậy, nhìn từ góc độ lịch sử, khó có thể kỳ vọng có sự đột biến về vốn ngoại thời gian tới.
Trong khi đó, với vòng đời 5 - 7 năm, thế hệ quỹ đầu tư thứ hai đã gần đến giai đoạn thoái vốn vào năm 2013 - 2014. Một số quỹ tới hạn sớm như KITMC, Tongkang hết hạn vào cuối năm ngoái đã chuyển đổi sang mô hình quỹ mở thành công.
Tuy nhiên, sự tái cơ cấu mang tính đơn lẻ cũng đã khiến TTCK chao đảo trong quý IV/2011. Thử thách trong vòng 6 - 18 tháng nữa với TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, không ít các ý kiến của giới chuyên gia nước ngoài lại tỏ ra bình tĩnh.
Ông Fiachera Mac Cana, Trưởng bộ phận phân tích của CTCK HSC nhìn nhận thuần túy đây là một vấn đề mang tín kỹ thuật, vì khi một quỹ cũ kết thúc vòng đời thì sẽ có một quỹ mới sinh ra. Còn ông Marc Djandji, cựu Giám đốc Khối nghiên cứu, CTCK Bản Việt nhật xét, xu thế chuyển đổi quỹ đóng thành quỹ mở sẽ diễn ra phổ biến tại Việt Nam như các quỹ của Hàn Quốc.
Theo Giang Thanh
ĐTCK
|