Sang tuổi 13, TTCK sẽ tái cấu trúc mạnh mẽ
"12 năm qua, tuy kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, nhưng TTCK đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ…”.
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trong cuộc trao đổi với phóng viên ĐTCK.
Thưa Bộ trưởng, đâu là những kết quả đáng khích lệ mà TTCK Việt Nam đạt được sau 12 năm phát triển?
Sau 12 năm hình thành, TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong suốt thời kỳ 2000 - 2005, mức vốn hóa thị trường chỉ đạt trên dưới 1% GDP, nhưng năm 2007 đã đạt đến mức 47% GDP và trên 30% GDP trong những năm gần đây. 12 năm qua, TTCK đã huy động gần 650.000 tỷ đồng cho nền kinh tế (trong đó, riêng từ 2005 đến nay huy động gần 550.000 tỷ đồng).
Hệ thống tổ chức niêm yết liên tục gia tăng, từ chỗ chỉ có 2 công ty niêm yết, đến nay đã có 705 công ty. Quy mô các công ty niêm yết không ngừng được mở rộng, hình thành các công ty, ngân hàng và tập đoàn lớn nhờ huy động vốn qua TTCK.
Hệ thống NĐT cũng vậy, số lượng và kiến thức ngày càng gia tăng. Từ chỗ chỉ có 2.900 tài khoản, đến nay đã tăng lên gần 1,2 triệu tài khoản, thu hút gần 10 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Khuôn khổ pháp lý và cơ sở hạ tầng từng bước được củng cố, mở rộng. Công tác quản lý, giám sát TTCK ngày càng được hoàn thiện. Thị trường ngày càng minh bạch hơn...
Còn những tồn tại và hạn chế của TTCK là gì?
Bên cạnh những thành tựu trên đây, TTCK Việt Nam vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, cơ sở hàng hóa chưa đa dạng, chất lượng phát hành, niêm yết và hiệu quả sử dụng vốn chưa cao. Thị trường còn có nhiều biến động, tính thanh khoản và cung cầu trong một số thời điểm có nhiều hạn chế.
Số lượng các tổ chức kinh doanh chứng khoán nhiều so với quy mô còn nhỏ của thị trường, chất lượng cũng như khả năng quản trị rủi ro còn thấp. Cấu trúc và cơ sở hạ tầng TTCK ngày càng được hoàn thiện, nhưng vẫn còn những điểm bất cập trước xu thế phát triển và hội nhập trong thời gian tới.
Để khắc phục những tồn tại trên, trong thời gian tới, Bộ Tài chính, UBCK tập trung vào những giải pháp chiến lược nào, thưa Bộ trưởng?
Để tiếp tục thúc đẩy TTCK phát triển một cách bền vững, Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020, đồng thời Bộ Tài chính đang trình Chính phủ Đề án tái cấu trúc TTCK và các DN bảo hiểm, trong đó tập trung vào tái cấu trúc 4 trụ cột chính.
Thứ nhất, nâng cao chất lượng hàng hóa kết hợp với việc đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ chứng khoán, bảo hiểm; nâng cao chất lượng quản trị DN, quản trị rủi ro tại các tổ chức phát hành; bảo đảm tính công khai, minh bạch; từng bước áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Thứ hai, thu hẹp số lượng tổ chức tài chính trung gian; kiện toàn mô hình hoạt động các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo thông lệ quốc tế.
Thứ ba, đa dạng hóa cơ sở NĐT, phát triển hệ thống NĐT tổ chức; khuyến khích dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn, đồng thời tăng cường công tác quản lý, giám sát, có giải pháp phù hợp, kịp thời để chủ động đối phó với biến động của dòng vốn này.
Thứ tư, tái cấu trúc tổ chức thị trường, các Sở GDCK theo các mục tiêu phát triển dài hạn của TTCK Việt Nam, bảo đảm thị trường hoạt động lành mạnh, ổn định, vững chắc, được quản lý, giám sát chặt chẽ; cơ cấu quản trị điều hành minh bạch, chuyên nghiệp; cơ cấu sản phẩm đa dạng, hoàn chỉnh; hoạt động thanh toán bù trừ an toàn.
Đâu là những giải pháp trước mắt mà Bộ Tài chính, UBCK ưu tiên triển khai nhằm thúc đẩy TTCK sớm trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế?
Trước mắt, Bộ Tài chính, UBCK tập trung giải quyết một số nhiệm vụ chính: triển khai tích cực Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, trong đó chú trọng các giải pháp về thuế, đầu tư, giá cả, các giải pháp kích thích tiêu dùng, an sinh xã hội, xử lý vấn đề nợ…, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và từ đó tác động tốt đến TTCK.
Tiếp tục thúc đẩy và minh bạch hóa công tác cổ phần hóa, tạo thêm hàng hóa chất lượng cho TTCK, đồng thời thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế. Cải thiện thanh khoản của TTCK, thông qua các giải pháp kéo dài thời gian giao dịch, điều chỉnh biên độ, áp dụng các nghiệp vụ giao dịch mới, rà soát lại chính sách thuế đối với TTCK.
Cùng với đó, tiến hành nâng cao tiêu chuẩn niêm yết tại các Sở GDCK trên cơ sở sắp xếp lại bước đầu hàng hóa trên 2 Sở. Rà soát, phân loại và xử lý các tổ chức kinh doanh yếu kém, hướng tới việc nâng cao chất lượng quản trị và an toàn tài chính. Giảm bớt các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài, cụ thể hóa các quy định nhằm thực hiện cam kết WTO.
Theo UBCK, đến hết tháng 6/2012, có tổng cộng 1.690 công ty đại chúng, trong đó 705 công ty đã niêm yết, 130 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Sau 12 năm phát triển, hiện TTCK có 105 CTCK với 135 chi nhánh và 73 phòng giao dịch. Quy mô vốn điều lệ của tất cả các CTCK tính đến tháng 5/2012 là 35.941 tỷ đồng (không đổi so với cuối năm 2011). Tổng cộng có 1,2 triệu tài khoản, tăng thêm gần 12.000 tài khoản so với cuối năm 2011.
Toàn thị trường có 47 công ty quản lý quỹ, với số vốn điều lệ là 2.600 tỷ đồng, quản lý tổng tài sản khoảng 98.000 tỷ đồng. Có 23 quỹ đầu tư chứng khoán (17 quỹ thành viên, 6 quỹ đại chúng) và 29 văn phòng đại diện đang hoạt động.
|
Theo Hữu Hòe
ĐTCK