TS. Lê Xuân Nghĩa: “Cuối quý III, TTCK sẽ lên điểm”
Nhiều khả năng TTCK khởi sắc trở lại, bắt đầu từ cuối quý III/2012, bởi sẽ nhận được ít nhất 3 yếu tố hỗ trợ cơ bản.
“Với chuyển động của chính sách vĩ mô hiện tại, cũng như dự báo diễn biến từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng, từ cuối quý III/2012, TTCK sẽ khởi sắc trở lại”, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia dự báo khi trao đổi với ĐTCK
Theo ông, đâu là tâm điểm chính sách có tác động lớn đến “sức khỏe” của các DN, cũng như tình hình kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm?
Đó là tiến độ giải quyết nợ xấu của khối NHTM. Nếu như quá trình này sớm phát đi những tín hiệu khả quan, thì sẽ có tác động lan tỏa tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, cũng như làm cho tình hình kinh tế vĩ mô trở nên lành mạnh hơn. Trong trường hợp ngược lại,
nền kinh tế tiếp tục đối mặt với một “căn bệnh” rất nguy hiểm đang tồn tại là suy kiệt vốn và đóng băng tín dụng, sản xuất đình đốn, sức cầu suy yếu.
Do nợ xấu hiện nay quá lớn, có thể lớn hơn con số trên 200.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, nên nếu không có sự can thiệp của Chính phủ bằng việc cho phép thành lập công ty mua bán nợ ngân hàng, thì không thể giải quyết hiệu quả nợ xấu. Vì quyền lợi của mình, các NHTM sẽ khó có thể tự giải quyết được khoản nợ xấu khổng lồ hiện tại. Ngay cả khi có sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý, mà không thành lập công ty mua bán nợ ngân hàng, thì ước tính cũng phải mất 5 - 7 năm nữa, các NHTM mới giải quyết được nợ xấu. Khi đó, không chỉ DN, mà cả nền kinh tế cũng đã “chết”.
Đã có không ít ý kiến tỏ ý nghi ngờ về tính hiệu quả của giải pháp thành lập công ty mua bán nợ ngân hàng. Quan điểm của ông về giải pháp này là gì?
Đến thời điểm này, thế giới chỉ có 3 cách để xử lý nợ xấu: một là, Nhà nước bơm tiền cho ngân hàng, từ đó ngân hàng cho DN vay; hai là, thành lập công ty mua bán nợ ngân hàng; ba là, quốc hữu hóa các ngân hàng yếu kém.
Trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng điều kiện thực tế tại Việt Nam, tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia mới đây, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sử dụng biện pháp thành lập công ty mua bán nợ ngân hàng.
Việc chọn cách này hay hai cách còn lại sẽ khó tránh khỏi những ý kiến nghi ngờ rằng, ai được lợi, ai bị thiệt, liệu có nhóm lợi ích nào chi phối để trục lợi…? Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại Nhật Bản cách đây vài chục năm.
Do thời gian tranh cãi về lựa chọn giải pháp xử lý nợ xấu kéo dài gần 2 năm, nên Nhật Bản phải trả một cái giá rất đắt là nền kinh tế suốt 17 năm liền rơi vào tình trạng trì trệ. Bài học này đòi hỏi Việt Nam cần sớm cho phép thành lập công ty mua bán nợ ngân hàng, để xử lý nợ xấu hiệu quả, bởi đây là chuyện hệ trọng quốc gia, chứ không phải vì lợi ích của nhóm này hay nhóm khác.
Nhưng lấy đâu ra hàng trăm nghìn tỷ đồng để tài trợ vốn cho công ty này hoạt động như dự tính, thưa ông?
Con số hàng trăm nghìn tỷ đồng để đảm bảo vốn cho công ty này hoạt động mới chỉ nêu ra như vậy, chứ chưa có một tính toán cụ thể nào. Theo kiến nghị của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia gửi Thủ tướng Chính phủ, thì cần khoảng 4 tỷ USD để giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, mức vốn ban đầu cho công ty mua bán nợ ngân hàng hoạt động chỉ cần khoảng 10.000 - 20.000 tỷ đồng.
Khoản tiền này được thu xếp từ nhiều nguồn, chứ không phải tất cả dồn lên Ngân sách Nhà nước. Ngoài phát hành trái phiếu do Chính phủ hoặc NHNN đứng ra bảo lãnh, có thể huy động vốn bằng cách NHNN bán tín phiếu cho các NHTM
Như phân tích của ông, thì bức tranh vĩ mô 6 tháng cuối năm không mấy lạc quan, do việc xử lý nợ xấu đang đối mặt với nhiều khó khăn?
Đúng là việc xử lý nợ xấu đang gặp không ít thách thức, nhưng kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm có một số điểm sáng, nên sẽ hỗ trợ DN, cũng như TTCK.
Theo công bố của các NHTM, thì hiện có khoảng 67.000 tỷ đồng được họ trích lập dự phòng rủi ro. Nếu sử dụng hiệu quả số tiền này, cùng với sự nỗ lực giải quyết nợ xấu cả từ phía ngân hàng lẫn DN, thì “cục máu đông” trong hệ thống ngân hàng sẽ tan dần. Điều này có nghĩa là không phải đợi thành lập công ty mua bán nợ ra đời mới tiến hành xử lý nợ xấu.
Thực tế, từ kết quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu nợ, trong đó có giải quyết nợ xấu, mà các NHTM đang tiếp tục giảm thêm lãi suất, trong đó giảm cả các khoản cho vay cũ. Điều này đang góp phần dần khơi thông dòng vốn cho DN. Theo tính toán, nếu từ nay đến cuối năm, tín dụng tăng trưởng đạt 1%/tháng, thì GDP tăng trưởng khoảng 4,9 - 5,1% và lạm phát của 5 tháng sau đó sẽ dưới 0,5%/tháng.
Tốc độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư đang được đẩy mạnh, nên sẽ dần cải thiện tổng cầu của nền kinh tế, qua đó kích thích gia tăng tiêu dùng, sản xuất. Theo ước tính, từ nay đến cuối năm, nguồn vốn FDI sẽ giải ngân trung bình 18.000 - 20.000 tỷ đồng/tháng. Tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công cũng đang tăng trở lại từ tháng 6 đến nay. Nếu nỗ lực giải ngân đạt kế hoạch mà Quốc hội phê chuẩn, thì tổng vốn giải ngân trung bình sẽ tăng gấp đôi so với 6 tháng đầu năm, ước đạt 24.000 tỷ đồng/tháng.
Những tín hiệu tích cực trên sẽ hỗ trợ TTCK. Ông có nhận định gì về TTCK từ nay đến cuối năm?
Nhiều khả năng TTCK khởi sắc trở lại, bắt đầu từ cuối quý III/2012, bởi sẽ nhận được ít nhất 3 yếu tố hỗ trợ cơ bản.
Thứ nhất, sau khi khá sôi động trong quý I/2012, trong quý II vừa qua, TTCK liên tục giảm điểm và xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này phản ánh khá sát diễn biến vĩ mô, nhất là kết quả kinh doanh quý II/2012 của các DN không mấy khả quan, bởi vẫn khó tiếp cận vốn, hàng tồn kho chưa giảm. Điều này tạo ra mặt bằng giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn.
Thứ hai, giá cổ phiếu hấp dẫn sẽ được cộng hưởng bởi bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn trong thời gian tới: đầu tư công tiếp tục tăng, DN đang tiếp cận được vốn với lãi suất thấp hơn… Điều này sẽ hỗ trợ TTCK khởi sắc trở lại.
Thứ ba, kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU… đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Đáng chú ý, tổng giá trị của dòng vốn đầu tư toàn cầu không hề suy giảm, ước đạt 1.500 - 1.700 tỷ USD trong năm nay. Sau khi có xu hướng chảy mạnh vào thị trường Mỹ trong những tháng đầu năm, thì hiện dòng vốn này có xu hướng dịch chuyển khá mạnh sang các thị trường châu Á, với việc khởi động nhiều dự án lớn. Kinh tế thế giới bớt bất ổn hơn sẽ là điều kiện thuận lợi để kinh tế Việt Nam dần lấy lại đà tăng trưởng bền vững, qua đó hỗ trợ cho DN và TTCK khỏe lên.
Theo Hữu Hòe
ĐTCK