FDI: Sao phải giữ bằng mọi giá?

Ngày đăng : 28/06/2012 - 9:42 AM

 

 

Đang có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Việt Nam sang những nước khác, do một số lợi thế cạnh tranh NHƯ nhân công rẻ, các ưu đãi về thuế, đất đai đang dần hết tác dụng.

 

FDI là khu vực đóng góp khá lớn cho nền kinh tế Việt Nam và vì thế, theo một số ý kiến, sự ra đi của dòng vốn này rất đáng báo động.

 

Thế nhưng, nhìn lại những gì Việt Nam có được sau 25 năm thu hút FDI, Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng nên chấp nhận sự ra đi của một số nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí là tạo điều kiện để họ ra đi.

 

Việt Nam đã được những gì sau 25 năm thu hút FDI?

 

Từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987) đến nay, Việt Nam đã thu hút trên 200 tỉ USD vốn đăng ký, hơn 90 tỉ USD vốn thực hiện. Dòng vốn này đã đóng góp 56% cho xuất khẩu, trên 1/4 tổng sản phẩm quốc nội và tạo ra hơn 2 triệu việc làm.

 

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy có tới 67% doanh nghiệp FDI đầu tư vào những ngành có giá trị gia tăng thấp. Phần lớn họ đều có trình độ công nghệ thấp, tập trung khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, sử dụng lao động giá rẻ, ít kỹ năng.

 

Đó là chưa kể đến việc không ít doanh nghiệp FDI trốn thuế hoặc chuyển giá và đặc biệt là từ 30-50% doanh nghiệp FDI báo lỗ. Liệu có tình trạng lỗ giả, lãi thật hay không thì còn phải xem xét thêm. Nhưng đã thấy có chuyện họ khai thác tài nguyên bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường như vụ việc của Vedan, Miwon hay TungKuang.

 

Trong khi đó, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp FDI là hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Foxconn; 5% số dự án khác thuộc ngành dịch vụ, khoa học công nghệ; 3,5% thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.

 

Nhìn chung, sau 25 năm, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược thu hút FDI tạo sự lan tỏa cho nền kinh tế.

 

Đây có phải là nguyên nhân khiến dòng vốn FDI đang chảy sang những nước khác trong khu vực?

 

Lý do các chuyên gia kinh tế đưa ra là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm sụt giảm đầu tư FDI trên bình diện toàn cầu. Vì thế, dòng vốn vào Việt Nam cũng bị sụt giảm. Tuy nhiên, số liệu thống kê cuối năm 2011 cho thấy FDI trên toàn cầu đã phục hồi trở lại ở mức trước khủng hoảng là 1.500 tỉ USD. Trong khi đó, vốn vào Việt Nam lại giảm khá nhanh và liên tục từ năm 2011 đến nay.

 

Một thực tế là chúng ta chưa tận dụng tốt dòng vốn FDI để có công nghệ hiện đại và quản lý tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều đó cho thấy chính sách thu hút FDI của Việt Nam tương đối dễ dãi và đặc biệt là thiếu chọn lọc. Nghịch lý ở chỗ, đó chính là nguyên nhân giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài ở lại Việt Nam nhằm tiếp tục khai thác tài nguyên, đất đai giá rẻ, lao động rẻ. Vì thế, chúng ta cũng không nên quá lo ngại về việc dòng vốn FDI có trình độ công nghệ và quản lý thấp chuyển sang những nước khác.

 

Vấn đề là ở chỗ chúng ta có tạo được lợi thế cạnh tranh mới, nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia để thu hút dòng vốn FDI có công nghệ cao hơn, trình độ quản lý tiên tiến hơn hay không. Việc thay máu FDI sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch lên mắt xích cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng khu vực và toàn cầu.

 

Có vẻ một số nước như Myanmar, Campuchia, Bangladesh đã rút được kinh nghiệm từ Việt Nam và đang cải cách mạnh mẽ để tranh thủ dòng FDI?

 

Chuyện dịch chuyển chắc chắn sẽ xảy ra khi lợi thế cạnh tranh giảm đi và Campuchia, Myanmar, Bangladesh chắc chắn sẽ tận dụng cơ hội khi chúng xuất hiện. Hiện nay, khi Việt Nam tụt hạng về môi trường kinh doanh nói chung và về thị trường tài chính, thị trường bán lẻ nói riêng, đặc biệt là khi kinh tế vĩ mô vẫn chưa phục hồi thì các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có lý do để cân nhắc chuyển vốn sang nước khác.

 

Nghĩa là chúng ta chấp nhận sự dịch chuyển này?

 

Giống như một cuộc đua thuyền buồm, người đi sau sẽ rút kinh nghiệm để không phạm sai lầm của người đi trước. Trong trường hợp này, các nước nói trên có thể rút kinh nghiệm từ Việt Nam để rút ngắn quá trình thu hút vốn đầu tư nhằm phục vụ công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa nước họ.

 

Như đã nói, không nên và cũng không thể kìm hãm sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài. Và chúng ta không thể mãi cạnh tranh bằng giá nhân công rẻ, bằng ưu đãi đất đai, tài nguyên môi trường. Vì thế, cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện sự dịch chuyển đó.

 

Vậy chúng ta phải làm gì để có thể thu hút dòng vốn FDI mới?

 

Trong cuộc đua này, có thể những nước đi trước cũng bị mất đi lợi thế một cách nhanh chóng. Do đó, về dài hạn, chúng ta phải tạo ra những ưu thế cạnh tranh cao hơn, vượt trội hơn, thông qua việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp nguồn nhân lực. Còn trong ngắn hạn thì cần ổn định tình hình vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công. Đặc biệt cụ thể hơn là cải cách đất đai, tiền lương, cải cách hành chính và an sinh xã hội.

 

Một điều nữa là cần tránh cấp phép FDI một cách thiếu chọn lọc, tràn lan, hạ thấp chuẩn mực mà Việt Nam cần phải có trong tương lai để nâng cao tầm vóc của mình.

 

Theo Vũ Dũng

NCĐT

 

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

“Vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam có thể sắp tăng trở lại”

Ngày đăng : 27/06/2012 - 9:08 AM

 

 

Tiến trình đàm phán thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam có thể mở đường cho hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) của EU vào Việt Nam tăng trở lại.

 

Đây là thông tin mà Đại sứ Franz Jessen, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin tài chính Bloomberg. Theo ông Jessen, hôm nay (26/6), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ có cuộc gặp với Cao ủy thương mại EU Karrel De Gucht ở Brussels để công bố về cuộc đàm phán.

Việc các công ty từ EU quan tâm trở lại thị trường Việt Nam có thể chặn đà suy giảm của vốn FDI vào Việt Nam suốt từ năm 2008. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI cam kết vào Việt Nam đã giảm 26% trong năm 2011 so với năm 2010. Trong 5 tháng đầu năm nay, lượng vốn FDI cam kết giảm thêm 32% do ảnh hưởng của suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các nỗ lực chống lạm phát của Việt Nam khiến tăng trưởng đi xuống. Trong quý 1 năm nay, GDP của Việt Nam chỉ tăng 4%, mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Ông Jessen cho rằng, Hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể sẽ đảo ngược xu hướng giảm của vốn FDI vào Việt Nam, “vì nếu tiến trình đàm phán diễn ra nhanh chóng, các công ty sẽ điều chỉnh theo”.

EU là nhà đầu tư lớn thứ tư vào Việt Nam trong năm 2011, với vốn FDI cam kết đạt 1,77 tỷ USD, chiếm hơn 12% tổng vốn cam kết vào Việt Nam năm ngoái - theo số liệu từ EU. Nhà sản xuất xe máy Piaggio từ Italy và hãng điện thoại Nokia của Phần Lan là hai trong số những công ty đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Theo ông Jessen, các điều kiện đầu tư ở Việt Nam cũng sẽ là một chủ đề trong các cuộc đàm phán FTA giữa hai bên. Trong đó, minh bạch môi trường kinh doanh là một yếu tố có thể ảnh hưởng tới quyết định của các công ty.

“Các công ty châu Âu hoạt động dưới các quy định ngặt nghèo về chống tham nhũng và đi theo những quy tắc rất chặt chẽ. Điều tôi muốn nói ở đây là nếu chúng ta muốn kích thích đầu tư vào Việt Nam, một trong những việc phải làm là đảm bảo một môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh”, ông Jessen phát biểu.

Bên cạnh những vấn đề thương mại tự do mang tính “tiêu chuẩn” như giảm hàng rào thuế quan, thuận lợi hóa thương mại và thủ tục hải quan sẽ nằm trong số những lĩnh vực “thú vị” được đem ra đàm phán trong cuộc đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam, ông Jessen cho hay. Ngoài ra, bảo vệ quyền sở hữu cũng là một “vấn đề lớn” của cuộc đàm phán.

Ông Jessen cũng cho biết, EU có kế hoạch mở trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tại Hà Nội và Tp.HCM vào năm nay và đầu năm tới để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, EU cũng sẽ mở các trung tâm tương tự ở Indonesia, MalaysiaPhilippines.

Việt Nam là thành viên thứ ba của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia đàm phán FTA với EU, sau SingaporeMalaysia.

Theo An Huy
VnEconomy

 

 


FDI giảm sút, nhìn từ những lĩnh vực “đặc thù”

Ngày đăng : 26/06/2012 - 2:01 PM

 

 

Dòng vốn FDI trên toàn cầu đang giảm sút đáng kể, khiến cho các nước tiếp nhận phải thay đổi chính sách tiếp nhận nếu không muốn “tụt hậu”, nhất là trong những lĩnh vực đặc thù.

 

Nhiều năm nay, Việt Nam vẫn liên tục kêu gọi đầu tư nước ngoài vào ngành điện, một ngành được coi là “đặc thù” của Việt Nam. Kết quả đạt được không nhiều, dẫu cho trong năm 2011, đã có hai dự án quan trọng được cấp phép là nhiệt điện Mông Dương II và nhiệt điện Hải Dương.

Những hồ hởi từ hai dự án này rõ ràng không thể che đậy một thực tế là đầu tư nước ngoài vào ngành điện rất hạn chế, mặc dù theo Tổng sơ đồ phát triển điện quốc gia 7 cho giai đoạn 2011-2020, tổng vốn đầu tư cần thiết cho giai đoạn 2011-2030 ước tính khoảng 2.359 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 123,8 tỷ USD, một con số nằm ngoài khả năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Các nhà đầu tư trong nước khác thì không phải ai cũng có tiềm năng. “Máu mặt” nhất là Petro Việt Nam thì gần đây đã nhận được chỉ đạo từ Chính phủ về việc “tập trung vào nhiệm vụ chính”, hơn nữa bản thân tập đoàn này cũng không sẵn vốn trong bối cảnh hiện nay.

Vấn đề là, ngay cả khi Việt Nam có muốn kêu gọi đầu tư nước ngoài, thì tình hình kinh tế ở châu Âu và những khó khăn khác của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng châu Âu, sẽ giảm quy mô tín dụng dành cho các dự án ở châu Á.

“Theo một trong những ngân hàng tài trợ dự án hàng đầu cho biết, nhiều khả năng mỗi năm sẽ có thể chỉ có một một dự án điện được họ cấp vốn ở châu Á”, ông Tony Foster, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực điện ở Việt Nam, nói.

Chuyên gia này cho rằng, Việt Nam muốn là nước có được dự án này thì phải có những đề án hấp dẫn về mặt thương mại với nhà đầu tư, nhà tài trợ nước ngoài. Để đạt mục tiêu đó, các dự án sẽ phải đảm bảo mức lợi nhuận chấp nhận được và sự ổn định pháp lý cho các nhà đầu tư, tài trợ nước ngoài. 

Hơn bao giờ hết, chi phí đầu tư là thứ đang được đặt lên bàn cân. Hiện tại, hình thức BOT đang được các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện “yêu thích”, và mặc dù theo quy chế về dự án BOT, các doanh nghiệp BOT không phải trả tiền thuê đất. Tuy nhiên, dự án BOT vẫn phải chịu một số loại chi phí đáng kể liên quan đến đất đai, trong đó “nặng” nhất là chi phí giải phóng mặt bằng.

Dự án nhiệt điện Mông Dương II của Tập đoàn AES là một trường hợp khá đặc biệt khi được cấp đất đã giải phóng mặt bằng. Nhưng không phải ai cũng được may mắn như Mông Dương II. Thông thường, những dự án điện khác phải tự chịu chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí này có thể lên tới trên 50 triệu USD.

Một vấn đề khác là đa số các nhà máy nhiệt điện than có trong danh sách Tổng sơ đồ điện 7 được dự kiến sẽ sử dụng than nhập khẩu. Do lệ thuộc vào than nhập khẩu nền các nhà máy điện tương lai của Việt Nam sẽ chịu sự ảnh hưởng của biến động giá than.

Trong bối cảnh đang có tin đồn về việc chính phủ Inđonesia hạn chế xuất khẩu than, việc vận hành nhiều nhà máy trong số 45 nhà máy điện ở danh sách trên sẽ trở nên không kinh tế nếu giá than trên thị trường quốc tế tăng mạnh.

Trong khi đó, với lĩnh vực công nghệ cao, các nhà đầu tư cũng đang bày tỏ những lo lắng nhất định. Chẳng hạn dự án của First Solar tại Thành phố Hồ Chí Minh buộc phải bỏ dở vì giá trên toàn cầu của loại tấm thu điện năng lượng mặt trời mà dự án dự kiến sản xuất giảm từ 90 USD xuống còn 30 USD một tấm trong vòng vài tháng, do trợ cấp từ các nước xuất khẩu. 

Theo lý giải của nhà đầu tư, điều này đã làm mất đi tính khả thi của dự án và dự án đã bị bỏ dở. 

First Solar hẳn cũng đã rất tiếc nuối vì trên thực tế họ cũng đã bỏ ra khá nhiều công sức và tiền bạc để thúc đẩy dự án quan trọng này, và việc phải dừng dự án cũng là chuyện chẳng đặng đừng.

Không tuyên bố rõ ràng như First Solar, song sự chần chừ của tập đoàn Foxconn, một trong những “niềm hy vọng” của lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam trong việc triển khai các dự án mới cũng được giới đầu tư đặc biệt chú ý.

5 năm trước, khi bắt đầu vào Việt Nam, Foxconn tuyên bố đầu tư ít nhất 5 tỷ USD vào một chuỗi dự án công nghệ cao và ngay sau tuyên bố đó là hàng loạt thỏa thuận được ký kết với các tỉnh thành.

Nhưng cho đến nay, ngoài nhà máy tại Bắc Ninh đang hoạt động, thì tại các tỉnh thành khác như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Định… các hoạt động của Foxconn vẫn cầm chừng và quy mô các dự án đã được cắt giảm đáng kể. Dường như sự thay đổi của thị trường các sản phẩm công nghệ đã và đang khiến nhà đầu tư này “nghĩ lại”.

Thời gian gần đây, Chính phủ liên tục nhận được các đề xuất “vượt khung” từ các nhà đầu tư công nghệ cao, như trường hợp Samsung và Nokia mới đây. Tuy nhiên, làm gì để hài hòa giữa vấn đề thu hút đầu tư và lợi ích thực tế mà Việt Nam nhận được vẫn đang là bài toán khó cho các cấp quản lý.

Theo Hoài Ngân
VnEconomy

 

 


JPMorgan Chase “ngạc nhiên” với lạm phát của Việt Nam

Ngày đăng : 25/06/2012 - 6:02 PM

 

Ngân hàng JPMorgan Chase của Mỹ cho rằng, những con số thống kê lạm phát mới nhất của Việt Nam là “đáng ngạc nhiên theo hướng tích cực”.

Trong một báo cáo vừa ra, ngân hàng này cho biết, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong tháng 6 vừa qua là thấp hơn dự kiến. Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước, CPI của Việt Nam tăng 6,9%, so với mức dự báo 7,1% của JPMorgan Chase và mức 7,5% của giới chuyên gia nói chung.

Theo dự báo của JPMorgan Chase, với tốc độ tăng trưởng GDP đi vào ổn định thì các áp lực lạm phát cũng có thể sớm quay đầu tăng nhẹ sau một thời gian suy giảm. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng, trong trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục giảm, thì tốc độ lạm phát của Việt Nam hoàn toàn có thể giảm thêm.

JPMorgan Chase dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ giảm về mức 4,2% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 10 tới đây, rồi dần tăng trở lại. Tính cả năm, JPMorgan Chase cho rằng, lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 8,1%, so với mức 18,1% của năm 2011.

Chuyên gia của JPMorgan Chase cho rằng, lạm phát giảm tốc sẽ đem lại hai hiệu ứng tích cực.

Thứ nhất là chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng thêm, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đang yếu. Do lạm phát giảm nhanh, lãi suất thực tế ở Việt Nam đang ở mức cao nhất trong mấy năm, bất chấp lãi suất cơ bản giảm 400 điểm phần trăm trong vài tháng qua. Theo số liệu mà báo cáo đưa ra, lãi suất repo (trên thị trường mở) thực tế hiện đang thực dương 2,9%, thay vì mức âm 7,3% vào tháng 8 năm ngoái, trong khi lãi suất repo hiện là 10% so với mức 14% vào tháng 8 năm ngoái.

Thứ hai, lạm phát giảm tốc sẽ cải thiện cân bằng kinh tế vĩ mô và ổn định cán cân thanh toán của Việt Nam. Áp lực đối với cán cân thanh toán của Việt Nam thường xuất phát từ các dòng vốn ngắn hạn vốn dĩ rất nhạy cạm với lạm phát vì người dân dễ dàng dịch chuyển vốn giữa USD, VND và vàng. Nếu lạm phát thấp, các dòng vốn sẽ tiếp tục chảy vào các tài sản VND. Theo các tuyên bố chính thức, thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm nay đã lần đầu tiên tăng sau nhiều năm. JPMorgan Chase dự báo mức dự trữ này còn tiếp tục tăng thêm.

Theo An Huy 
VnEconomy


Quốc hội muốn miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1

Ngày đăng : 21/06/2012 - 9:35 AM

 

306/361 đại biểu Quốc hội qua phiếu xin ý kiến đã tán thành việc miễn thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 trong 6 tháng cuối năm nay.

 

Chiều 21/6, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012.



Đây là nội dung đã được thảo luận tại tổ và hội trường, với quan điểm còn khác nhau giữa Chính phủ, cơ quan thẩm tra và đại biểu ở một số nội dung cụ thể.



Tại báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết vừa được gửi đến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  cho biết, với đề nghị giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 cho một số đối tượng của Chính phủ, đa số ý kiến tán thành. 



Đề nghị miễn thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012 đối với các đối tượng do Chính phủ đề xuất cũng được đa số ý kiến thuận, dù cơ quan thẩm tra không đồng ý.



Không có trong đề xuất của Chính phủ, song nhiều ý kiến của các vị đại biểu đã đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế này ở bậc 1 trong 6 tháng cuối năm 2012. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, không nên vì người có thu nhập tới mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 không phải là đối tượng khó khăn nhất, cần hỗ trợ hiện nay. Nếu miễn thuế cho các đối tượng này trong 6 tháng cuối năm 2012 sẽ giảm thu ngân sách nhà nước từ 1.900 - 2.000 tỷ đồng. Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng luôn ở mức thấp, đồng thời từ tháng 5/2012, mức lương tối thiểu của người lao động đã được điều chỉnh tăng.



Để có thêm căn cứ xem xét, quyết định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã lấy phiếu xin ý kiến và chỉ có 55/361 đại biểu (chiếm 15,24%) không tán thành việc miễn thuế.  



Tiếp thu ý kiến của đa số, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, trong bối cảnh hiện nay, nên miễn thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 trong 6 tháng cuối năm 2012 vì: mặc dù mức lương tối thiểu của người lao động đã được điều chỉnh tăng, song trên thực tế, vẫn còn ở mức rất thấp. Mặt khác, giá cả nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn ở mức cao và đời sống của các đối tượng thuộc diện nộp thuế đang gặp nhiều khó khăn. Việc cắt giảm tối đa chi tiêu đã đẩy nền kinh tế đứng trước tình trạng thiểu phát, sản xuất ngưng trệ. Vì vậy, giải pháp miễn thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. 



Mặt khác, theo ước tính, nếu miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế này ở bậc 1 trong 6 tháng cuối năm thì chỉ giảm thu khoảng 1.900 - 2.000 tỷ đồng, song việc miễn thuế sẽ tạo động lực kích thích tiêu dùng, qua đó góp phần tăng thu từ các khoản thuế khác, từ sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn bù đắp số hụt thu. 



Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, việc miễn thuế thu nhập cá nhân, bên cạnh góp phần giải quyết một phần khó khăn về kinh tế còn mang ý nghĩa động viên lớn đối với người dân; thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước trong việc cùng góp sức giúp người lao động vượt qua khó khăn. 



Vì vậy, Ủy ban đề nghị thực hiện việc miễn thuế thu nhập đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế ở bậc 1 từ 1/7/2012 đến hết ngày 31/12/2012. Trường hợp do miễn thuế thu nhập cá nhân dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước so với dự toán năm 2012 mà vẫn phải bảo đảm chi theo dự toán đã được Quốc hội quyết định thì Chính phủ báo cáo Quốc hội theo Luật Ngân sách.

 

Theo Nguyên Thảo
VnEconomy

 


Tp. Hà Nội: Xuất khẩu 6 tháng tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước

Ngày đăng : 20/06/2012 - 8:47 AM

 

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch nhập khẩu giảm 8,6%, trong đó nhập khẩu địa phương giảm 4,4%.

 

Theo Cục thống kê Hà Nội, tháng 6/2012 so tháng trước, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 3,4%, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 2,4%.

 

Tuy nhiên, so với cùng tháng năm trước, thì kim ngạch xuất khẩu tháng Sáu năm 2012 giảm 1,8%.

 

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 9,2%.

 

Có 8/11 ngành hàng trong tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2012 tăng so cùng kỳ là: linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (tăng 34,5%), dây điện và dây cáp điện (tăng 32,6%), hàng thủ công mỹ nghệ (tăng 26,9%), xăng dầu (tăng 23,8%), hàng điện tử (tăng 23,2%), thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh (tăng 5%)...

 

Có 3 nhóm ngành xuất khẩu giảm là: hàng nông sản (giảm 18,4%), giày dép và sản phẩm từ da (giảm 16%), than đá (giảm 37,9%).

 

Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tháng 6/2012 tăng 0,6% so tháng trước, trong đó, nhập khẩu địa phương giảm 0,4%.

 

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch nhập khẩu giảm 8,6%, trong đó nhập khẩu địa phương giảm 4,4%.

 

Kim ngạch nhập khẩu giảm ở tất cả các khu vực kinh tế, trong đó giảm mạnh nhất ở khu vực nhà nước (giảm 11,1%), khu vực ngoài nhà nước giảm 7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,8%.

 

Kim ngạch nhập khẩu giảm so cùng kỳ cũng do nguyên nhân việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa phục hồi hoàn toàn.

Theo TTVN/Cục thống kê TP. Hà Nội

 


 

Tin mới cập nhật