Ngày đăng :
19/06/2012 - 9:31 AM
Chiều 18/6, sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, Quốc hội đã thông qua 5 dự án luật, bộ luật với đa số phiếu tán thành.
Theo đó, 5 dự luật, gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi (92,99% tán thành), Luật Phòng, chống rửa tiền (93,19% tán thành), Luật Giáo dục đại học (84,57%) và hai dự khác là Luật phòng, chống tác hại của thuốc là và Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng đã được Quốc hội thông qua.
Trước đó, trong phần báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với hai dự luật Phòng chống rửa tiền và Bảo hiểm tiền gửi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, sau khi trình lấy ý kiến các đại biểu, cơ quan soạn thảo, thẩm tra hai dự luật trên đã tiếp thu nghiêm túc những ý kiến đóng góp xác đáng của các đại biểu.
Đối với Luật Bảo hiểm tiền gửi, có ba nội dung quan trọng của dự thảo luật đã được Quốc hội thông qua, gồm: đối tượng được bảo hiểm tiền gửi là tiền gửi của cá nhân. Đối với loại tiền được bảo hiểm, Quốc hội đã thống nhất chỉ bảo hiểm đối với các khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam như quy định như trong dự thảo.
Với một số nội dung khác như mô hình của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, mức phí và hạn mức chi trả bảo hiểm, Quốc hội đã thống nhất giao cho Thủ tướng quy định, quyết định cả 3 nội dung trên, trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với Luật Bảo hiểm tiền gửi, có hai nội dung quan trọng đã được thông qua, đó là “mức giá trị giao dịch phải báo cáo” và “giao dịch đáng ngờ”.
Cả hai nôi dung này cũng đã được Quốc hội thống nhất giao Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ. Riêng với “giao dịch đáng ngờ” sẽ căn cứ yêu cầu của công tác phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 điều 22 của Luật.
Nội dung đáng chú ý Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được thông qua là nâng thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ từ 4 lên 6 tháng trước và sau khi sinh. Các quy định về tuổi nghỉ hưu, số giờ lao động trong tuần... vẫn được giữ nguyên như quy định hiện hành.
Đối với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quốc hội đã thống nhất xử lý hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm công cộng, trong đó có quy định trách nhiệm của ngành công an trong xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thống nhất phương án Quỹ hình thành từ khoản đóng góp bắt buộc của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá. Cùng với đó là lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ tăng và phải chiếm 60-80% giá bán lẻ (hiện nay mới chỉ 45%).
Theo Bảo Anh
VnEconomy
|
Ngày đăng :
18/06/2012 - 10:13 AM
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, từ nay đến cuối năm, NSNN sẽ rót vào nền kinh tế khoảng 21.000 tỷ đồng/ tháng
Kinh tế - Chính Trị - Xã Hội:
- Sau 5 năm thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương, giai đoạn 2008-2012, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu, tăng 233% nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu.
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, nợ đọng Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) đang ở mức báo động: nợ BHXH hơn 6.491 tỷ đồng và nợ BHYT hơn 2.171 tỷ đồng.
- Trong 6 tháng đầu năm nay, TPHCM có gần 2.500 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh mà không khai báo với cơ quan thuế. Những trường hợp này được xem như là bỏ trốn hoặc mất tích.
- Từ vị trí hấp dẫn nhất thế giới năm 2008, Việt Nam “rớt hạng” liên tục trong mấy năm qua và đến năm 2012 đã ra khỏi Top 30 bảng xếp hạng thị trường bán lẻ hấp dẫn
- Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng nhìn nhận, Việt Nam cần khoảng 7 tỷ USD để mua lại nợ xấu như phương án thứ nhất của Mỹ.
Nếu để ngân hàng tự bán nợ xấu sẽ gây thiệt hại thêm bởi với chất lượng nợ như vậy, tỷ lệ chiết khấu rất cao, có thể lên tới 80%-90%.
- Theo phân tích của các chuyên gia tại VCBS, lạm phát đến cuối quý II/2012 so với cùng kỳ quanh mức 8%. Nếu cung tiền cuối Quý 2.2012 chỉ tăng khoảng 10%, thì lạm phát hết quý III dự báo sẽ chỉ tăng khoảng 5,2% so với cùng kỳ.
- Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) rà soát số tiền lãi từ hoạt động dầu khí, bởi có dấu hiệu PVN đã “bỏ quên” tới trên 19.000 tỉ đồng phải nộp vào ngân sách.
- Kết thúc 2,5 ngày chất vấn, trả lời chất vấn, trong chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội thứ ba. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý vấn đề đầu tiên đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư là tập trung mọi nguồn lực của cả nước.
Phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý.
+ Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về Vinalines, hiện nay tình hình tài chính của Vinalines rất khó khăn, nợ phải trả là 43.135 tỉ đồng (nợ ngắn hạn 9.309 tỉ đồng, nợ dài hạn 33.826 tỉ đồng).
+ Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, từ nay đến cuối năm, NSNN sẽ rót vào nền kinh tế khoảng 21.000 tỷ đồng/ tháng.
+ GDP năm 2012 được Bộ Kế hoạch-Đầu tư dự báo là 5-5,5%
+ Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về xóa bỏ sự độc quyền của ngành xăng dầu và điện trong thời gian qua. Bộ trưởng Nguyễn Huy Hoàng trả lời, không có cơ sở để kết luận có sự tác động của nhóm lợi ích trong ngành xăng dầu.
Đầu tư:
- Đến nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Bắc đã thu hút trên 3.000 dự án trong và ngoài nước, đạt hơn 40 tỷ USD.
- TP.Cần Thơ đang đầu tư 90,3 triệu USD thực hiện tiểu dự án nâng cấp đô thị tại địa phương, trong tổng vốn đầu tư có 69,9 triệu USD vay từ Ngân hàng thế giới, vốn đối ứng của Chính phủ là 20,4 triệu USD.
- Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả - Quốc lộ 1 được xây dựng theo hình thức BOT và BT với chiều dài 13,4km và tổng mức đầu tư là 15.603 tỷ đồng.
Hồng Cúc
Theo TTVN
|
Ngày đăng :
15/06/2012 - 8:49 AM
Nợ được đầu tư vào tàu biển và các dự án cảng biển (chủ yếu là cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải), kho bãi và sửa chữa tàu là 34.552 tỉ đồng. Nợ quá hạn của Vinalines là 207 tỉ đồng.
Tình hình Vinalines
Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về Vinalines. Theo đó, hiện nay tình hình tài chính của Vinalines rất khó khăn. Đến cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu là 9.411 tỉ đồng, tổng tài sản là 55.853 tỉ đồng, nợ phải trả là 43.135 tỉ đồng (nợ ngắn hạn 9.309 tỉ đồng, nợ dài hạn 33.826 tỉ đồng).
Trong đó, nợ được đầu tư vào tàu biển và các dự án cảng biển (chủ yếu là cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải), kho bãi và sửa chữa tàu là 34.552 tỉ đồng. Nợ quá hạn của Vinalines là 207 tỉ đồng.
Báo cáo cho hay Vinalines vay khá nhiều vốn để đầu tư nhưng chưa phát huy được hiệu quả, dẫn đến chi phí cao, nợ nhiều... Trong giai đoạn suy thoái, Vinalines vẫn tiếp tục đầu tư đội tàu, mở rộng quy mô, đầu tư mạnh trong lĩnh vực cảng biển, trong khi nguồn lực cần thiết không đáp ứng yêu cầu... Công tác giám sát, hậu kiểm ở cấp bộ và tổng công ty trong thời gian qua chưa được chú trọng, chưa hỗ trợ hoạt động điều hành và quản trị của toàn tổng công ty.
Tổ chức sản xuất chưa hợp lý, một số doanh nghiệp vận tải biển thành lập quá nhiều đầu mối, đầu tư sang lĩnh vực khác (Công ty cổ phần Vận tải dầu khí thành lập nhiều công ty con/cháu, công ty mẹ đầu tư vào bất động sản, chứng khoán không đem lại hiệu quả).
Nội bộ mất đoàn kết kéo dài và sai phạm, tiêu cực trong quản lý, sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo Vinalines không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đầu tư xây dựng dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, gây thiệt hại về kinh tế... Về dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép Vinalines được triển khai lập báo cáo đầu tư xây dựng (bằng nguồn vốn tự huy động) theo đúng các quy định hiện hành... Tổng công ty không thực hiện đúng chỉ đạo này.
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Vinalines xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu toàn diện tổng công ty, tập trung vào ba nhóm kinh doanh chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ; xác định quy mô hợp lý đối với từng nhóm phù hợp với điều kiện của tổng công ty và thị trường.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng báo cáo dù cung cấp nhiều thông tin nhưng thông tin mà đại biểu quan tâm nhất là về những sai phạm trong triển khai các dự án, trách nhiệm của các cá nhân, biện pháp xử lý và khắc phục những sai phạm ở Vinalines đều không có hoặc chưa rõ ràng. “Nhất là việc mua ụ nổi, rõ ràng là có sai phạm từ khâu lọc đến khâu tổ chức thực hiện. Thế nhưng báo cáo lại hầu như không đề cập. Báo cáo như vậy là chưa rõ và chưa thể làm cử tri hài lòng”. Theo ông Hùng. những sai phạm này phải được nói rõ hơn, đồng thời Chính phủ phải đề ra những biện pháp xử lý và khắc phục để nhân dân thấy rõ hơn quyết tâm của Chính phủ trong vụ việc này.
Theo V.V.Thành - Viễn Sự
Tuổi trẻ
|
Ngày đăng :
14/06/2012 - 8:44 AM
Đó là câu hỏi của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TPHCM) đối với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khi đề cập những thất thoát mà một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gây ra trong thời gian gần đây
Phiên trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường chiều 13-6 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh tiếp tục “nóng” với hàng loạt câu hỏi về quản lý, giám sát các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; quản lý và sử dụng vốn viện trợ ODA; cơ chế xin-cho trong đầu tư công; tái cơ cấu nền kinh tế; thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội...
Không nắm được sai phạm tại Vinalines
Mở đầu, đại biểu (ĐB) Lê Thị Nga (Thái Nguyên) chỉ rõ “địa chỉ” trách nhiệm của Bộ KH-ĐT, Tài chính và một số bộ liên quan trong công tác quản lý, giám sát việc sử dụng tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. ĐB Lê Thị Nga chất vấn thẳng về trách nhiệm của bộ khi các sai phạm của các “ông lớn” như Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đều do Thanh tra Chính phủ hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận: “Về nguyên tắc, trong các vụ việc này, chúng tôi cũng thấy có trách nhiệm”. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Luật Doanh nghiệp đã trao quyền tự quyết và chịu trách nhiệm cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Vì thế, trên thực tế, các đơn vị này không báo cáo với các bộ quản lý Nhà nước. “Các vụ Vinashin và Vinalines, Bộ TN-MT không nắm được vì không có báo cáo” - ông Vinh phân trần. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong các dự án đầu tư có sai phạm, Vinalines chỉ báo cáo đại diện chủ sở hữu mà không báo cáo với các bộ - ngành quản lý. Thậm chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương đến mà họ còn không tiếp. “Trách nhiệm thì chúng tôi nhận nhưng cụ thể là khó” - ông Vinh nói. San sẻ với người đồng cấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: “Trong sai phạm ở Vinalines, Thanh tra Chính phủ đã kết luận rõ ràng, trách nhiệm chính là của chủ tịch tập đoàn và giám đốc các đơn vị thành viên. Không có câu nào nói đến trách nhiệm của Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính”.
“Tôi rất xót xa và trăn trở”
Nhắc lại chuyện cách đây 2 năm, người tiền nhiệm của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và một ủy viên Ủy ban Thường vụ QH đã tranh luận ngay tại hội trường khi nói Bộ KH-ĐT vô can trong sai phạm xảy ra tại các tập đoàn Nhà nước, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) chất vấn: “Bộ KH-ĐT đứng ngoài, vô can trong vụ Vinalines và Vinashin? Toàn bộ là do HĐQT, tổng giám đốc các đơn vị? Làm tham mưu cho Chính phủ, bộ trưởng có xót xa khi đồng tiền của nhân dân được các tập đoàn đó sử dụng, chi tiêu như là tiền riêng không? Trước sự bức xúc này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đáp: “Tôi rất xót xa và trăn trở”. Tuy nhiên, ông cũng nhắc tới “lỗ hổng luật pháp” khi cho rằng trong những luật này, luật kia về cơ bản chưa thật hoàn thiện và có thể mỗi một kỳ QH lại nhìn nhận vấn đề một cách khác nhau.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, những sai phạm vừa qua phần lớn liên quan đến con người. “Người ta biết là sai phạm nhưng vẫn cố tình làm. Việc tích cực hoàn thiện thể chế như vừa nêu còn phải quan tâm đến phẩm chất đội ngũ cán bộ, những người trực tiếp đụng chạm đến tiền - hàng” - ông Vinh kiến nghị.
Trước câu hỏi về quan điểm của Bộ KH-ĐT trong việc giao vốn Nhà nước quá lớn cho các tập đoàn, tổng công ty, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định không thể buông được. “Vốn chủ sở hữu là do Nhà nước cấp, kể cả vốn đi vay thì cũng là của Nhà nước. Vì vậy, khi doanh nghiệp Nhà nước đổ bể thì Nhà nước lại bảo lãnh, không buông như tư nhân được”. Theo bộ trưởng, các dự án lớn đều phải báo cáo, không thể tự quyết được. “Không thể nào trao quyền tự quyết cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Tất nhiên, luật thì đã quy định rồi nhưng theo tôi, cơ chế sẽ phải thay đổi, chúng tôi đang kiến nghị theo hướng này” - người đứng đầu Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.
Vẫn chưa đồng tình, ĐB Trần Du Lịch cho rằng vụ Vinashin cho thấy có lỗ hổng về pháp lý. “Một vụ việc như vậy mà các bộ liên quan như Tài chính, KH-ĐT không có trách nhiệm gì hết. Tất cả dồn vào Thủ tướng và Thủ tướng phải nhận trách nhiệm trước QH. Đó là lỗ hổng pháp lý” - ông Lịch bức xúc. Theo ĐB Trần Du Lịch, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nên xem lại việc xác định trách nhiệm trong các vụ việc này. Cơ chế hiện nay không thể loại bỏ trách nhiệm của 3 bộ là KH-ĐT, Tài chính và bộ quản lý ngành.
Trước chất vấn gay gắt này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định Chính phủ đang quyết tâm làm rõ chủ thể đại diện chủ sở hữu ở doanh nghiệp là ai và cũng phân rõ bộ chủ quản chuyên ngành sẽ là người chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các đơn vị trực thuộc. “Bây giờ phải có người chịu trách nhiệm chính, có quyền kiểm soát, thanh tra, tiếp cận với doanh nghiệp và thường xuyên được báo cáo, xin ý kiến, chứ không phải tiền của Nhà nước tiêu như tiền của tư nhân” - ông Vinh nói.
Nhà nước chỉ định hướng tái cơ cấu kinh tế
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) chất vấn: “Tái cơ cấu nền kinh tế cần nguồn lực song nguồn lực này lấy ở đâu? Nếu lấy từ ngân sách Nhà nước thì Chính phủ có bảo đảm?”. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định tái cơ cấu nền kinh tế chắc chắn cần nguồn lực. Tuy nhiên, đây là đề án tổng thể, định hướng quan điểm, mục tiêu, giải pháp cho các đề án thành phần. Sau khi QH cho ý kiến, Chính phủ sẽ hoàn chỉnh và giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện các dự án thành phần.
“Chính phủ đã có 4 dự án thành phần, gồm: tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống tài chính, chứng khoán và tái cấu trúc doanh nghiệp. Những dự án này có thể tính được tiền để tái cấu trúc nhưng chưa tính được cụ thể. Tới đây, cộng với đề án chi tiết, ta có thể hình thành từng bước tổng nhu cầu là bao nhiêu... Tôi nghĩ rằng đến thời điểm này, chúng ta chọn lựa vấn đề chính yếu cốt lõi, trọng tâm chứ không chọn tất cả các lĩnh vực để tính chi phí” - ông Vinh nói.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng trấn an rằng sẽ không có chuyện Nhà nước bỏ ra gói “bao nhiêu ngàn tỉ đồng” để tái cơ cấu nền kinh tế. Thay vào đó, theo ông, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng chính sách để các bộ phận trong nền kinh tế thấy lợi mà làm theo. Ví dụ, các ngành nghề chuyển từ công nghệ kém, ô nhiễm, không tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu mà chuyển sang công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì Nhà nước có định hướng và ưu đãi như miễn giảm, hỗ trợ công nghệ nguồn… “Khi có chính sách như vậy thì sẽ xuất hiện nguồn lực” - ông Vinh tin tưởng.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho rằng tái cơ cấu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề lao động và việc làm. Do đó, Nhà nước sẽ phải quan tâm hơn đến các chính sách an sinh xã hội, đào tạo, chuyển nghề, có quỹ hỗ trợ thất nghiệp.
Theo Phạm Dương
NLĐ
|
Ngày đăng :
12/06/2012 - 8:42 AM
Quyết định được chờ đợi nhất sau buổi thảo luận sáng nay là khả năng giảm 30% thuế thu nhập cho các DN để giảm bớt khó khăn. Ngoài ra, việc miễn giảm thuế khoán VAT, thu nhập cá nhân cũng sẽ được xem xét.
Sáng nay, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012. Nghị quyết này được xây dựng sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo về gói giải pháp được thực hiện theo Nghị quyết 13 công bố hồi đầu tháng 5.
Thêm vào đó, Nghị quyết của Chính phủ cũng được coi là chưa đầy đủ, do cơ quan hành pháp chỉ có thẩm quyền giãn - hoãn các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng (VAT), chứ chưa thể công bố việc miễn giảm, vốn được coi là thiết thực hơn đối với doanh nghiệp.
Những vấn đề Chính phủ xin ý kiến Quốc hội sẽ bao gồm giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm các đối tượng doanh nghiệp loại trừ nói trên). Cùng với đó là các quyết định miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh, chăm sóc trông giữ trẻ, hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân… Điều kiện đi kèm với các ưu đãi này là giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.
Trước đó, tại Nghị quyết 13, Chính phủ đã trình bày 5 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm việc hạ dần mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, cơ quan thực hiện trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước sẽ có các các biện pháp cơ cấu nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ...) và các giải pháp khác cần thiết, phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là đối với những doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính. Ngân hàng Nhà nước cũng cần có biện pháp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, xử lý ngân hàng yếu kém.
Về các giải pháp tài chính, Chính phủ đã cho phép gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của quý II/2012 đối với 2 nhóm doanh nghiệp nhỏ - vừa (không hoạt động trong lĩnh vực xổ số, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty) và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Cơ quan chức năng cũng cho phép gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách cho các đối tượng trên, miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối.
Chính phủ cũng quyết nghị giảm 50% tiền thuê đất của năm 2012 đối với tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. Nội dung này giao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định thời gian gia hạn cụ thể cho từng dự án, nhóm dự án.
Về đầu tư, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cường thu hút, đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...
Cơ quan chức năng dự kiến sẽ huy động 2.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn. Chính phủ cũng cho phép mua sắm theo quy định đối với khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn nhưng chưa sử dụng vì thực hiện theo quy định của Nghị quyết 11 và đã được chuyển sang năm 2012.
Gói giải pháp này được cơ quan quản lý đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn do chịu “hiệu ứng phụ” của các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát (kinh tế tăng trưởng thấp, chỉ 4% trong quý một, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, tồn kho lớn…). Các giải pháp này kể từ khi được công bố ngày 4/5 và chính thức hóa bằng văn bản ngày 11/5, đã phần nào phát huy được hiệu quả. Cụ thể là mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm dần (trần huy động từ 14% về 9%), chỉ số sản xuất công nghiệp tăng dần qua các tháng.
Tại phiên thảo luận hôm nay, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trình bày tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trước khi thảo luận trong toàn bộ thời lượng buổi sáng. Nghị quyết dự kiến sẽ được thông qua trong những phiên cuối kỳ họp lần này.
Theo Nhật Minh
VnExpress
|