Vinalines nợ hơn 43.000 tỉ đồng

Ngày đăng : 15/06/2012 - 8:49 AM

 

 

Nợ được đầu tư vào tàu biển và các dự án cảng biển (chủ yếu là cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải), kho bãi và sửa chữa tàu là 34.552 tỉ đồng. Nợ quá hạn của Vinalines là 207 tỉ đồng.

 

Tình hình Vinalines

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về Vinalines. Theo đó, hiện nay tình hình tài chính của Vinalines rất khó khăn. Đến cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu là 9.411 tỉ đồng, tổng tài sản là 55.853 tỉ đồng, nợ phải trả là 43.135 tỉ đồng (nợ ngắn hạn 9.309 tỉ đồng, nợ dài hạn 33.826 tỉ đồng). 

Trong đó, nợ được đầu tư vào tàu biển và các dự án cảng biển (chủ yếu là cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải), kho bãi và sửa chữa tàu là 34.552 tỉ đồng. Nợ quá hạn của Vinalines là 207 tỉ đồng.

 

Báo cáo cho hay Vinalines vay khá nhiều vốn để đầu tư nhưng chưa phát huy được hiệu quả, dẫn đến chi phí cao, nợ nhiều... Trong giai đoạn suy thoái, Vinalines vẫn tiếp tục đầu tư đội tàu, mở rộng quy mô, đầu tư mạnh trong lĩnh vực cảng biển, trong khi nguồn lực cần thiết không đáp ứng yêu cầu... Công tác giám sát, hậu kiểm ở cấp bộ và tổng công ty trong thời gian qua chưa được chú trọng, chưa hỗ trợ hoạt động điều hành và quản trị của toàn tổng công ty.

 

Tổ chức sản xuất chưa hợp lý, một số doanh nghiệp vận tải biển thành lập quá nhiều đầu mối, đầu tư sang lĩnh vực khác (Công ty cổ phần Vận tải dầu khí thành lập nhiều công ty con/cháu, công ty mẹ đầu tư vào bất động sản, chứng khoán không đem lại hiệu quả).

 

Nội bộ mất đoàn kết kéo dài và sai phạm, tiêu cực trong quản lý, sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo Vinalines không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đầu tư xây dựng dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, gây thiệt hại về kinh tế... Về dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép Vinalines được triển khai lập báo cáo đầu tư xây dựng (bằng nguồn vốn tự huy động) theo đúng các quy định hiện hành... Tổng công ty không thực hiện đúng chỉ đạo này.

 

Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Vinalines xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu toàn diện tổng công ty, tập trung vào ba nhóm kinh doanh chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ; xác định quy mô hợp lý đối với từng nhóm phù hợp với điều kiện của tổng công ty và thị trường.

 

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng báo cáo dù cung cấp nhiều thông tin nhưng thông tin mà đại biểu quan tâm nhất là về những sai phạm trong triển khai các dự án, trách nhiệm của các cá nhân, biện pháp xử lý và khắc phục những sai phạm ở Vinalines đều không có hoặc chưa rõ ràng. “Nhất là việc mua ụ nổi, rõ ràng là có sai phạm từ khâu lọc đến khâu tổ chức thực hiện. Thế nhưng báo cáo lại hầu như không đề cập. Báo cáo như vậy là chưa rõ và chưa thể làm cử tri hài lòng”. Theo ông Hùng. những sai phạm này phải được nói rõ hơn, đồng thời Chính phủ phải đề ra những biện pháp xử lý và khắc phục để nhân dân thấy rõ hơn quyết tâm của Chính phủ trong vụ việc này.

 

Theo V.V.Thành - Viễn Sự

Tuổi trẻ

 

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Bộ trưởng có xót tiền Nhà nước?

Ngày đăng : 14/06/2012 - 8:44 AM

 

 

Đó là câu hỏi của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TPHCM) đối với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khi đề cập những thất thoát mà một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gây ra trong thời gian gần đây

 

Phiên trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường chiều 13-6 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh tiếp tục “nóng” với hàng loạt câu hỏi về quản lý, giám sát các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; quản lý và sử dụng vốn viện trợ ODA; cơ chế xin-cho trong đầu tư công; tái cơ cấu nền kinh tế; thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội...

 

Không nắm được sai phạm tại Vinalines

 

Mở đầu, đại biểu (ĐB) Lê Thị Nga (Thái Nguyên) chỉ rõ “địa chỉ” trách nhiệm của Bộ KH-ĐT, Tài chính và một số bộ liên quan trong công tác quản lý, giám sát việc sử dụng tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. ĐB Lê Thị Nga chất vấn thẳng về trách nhiệm của bộ khi các sai phạm của các “ông lớn” như Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đều do Thanh tra Chính phủ hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra.

 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận: “Về nguyên tắc, trong các vụ việc này, chúng tôi cũng thấy có trách nhiệm”. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Luật Doanh nghiệp đã trao quyền tự quyết và chịu trách nhiệm cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Vì thế, trên thực tế, các đơn vị này không báo cáo với các bộ quản lý Nhà nước. “Các vụ Vinashin và Vinalines, Bộ TN-MT không nắm được vì không có báo cáo” - ông Vinh phân trần. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong các dự án đầu tư có sai phạm, Vinalines chỉ báo cáo đại diện chủ sở hữu mà không báo cáo với các bộ - ngành quản lý. Thậm chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương đến mà họ còn không tiếp. “Trách nhiệm thì chúng tôi nhận nhưng cụ thể là khó” - ông Vinh nói. San sẻ với người đồng cấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: “Trong sai phạm ở Vinalines, Thanh tra Chính phủ đã kết luận rõ ràng, trách nhiệm chính là của chủ tịch tập đoàn và giám đốc các đơn vị thành viên. Không có câu nào nói đến trách nhiệm của Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính”.

 

“Tôi rất xót xa và trăn trở”

 

Nhắc lại chuyện cách đây 2 năm, người tiền nhiệm của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và một ủy viên Ủy ban Thường vụ QH đã tranh luận ngay tại hội trường khi nói Bộ KH-ĐT vô can trong sai phạm xảy ra tại các tập đoàn Nhà nước, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) chất vấn: “Bộ KH-ĐT đứng ngoài, vô can trong vụ Vinalines và Vinashin? Toàn bộ là do HĐQT, tổng giám đốc các đơn vị? Làm tham mưu cho Chính phủ, bộ trưởng có xót xa khi đồng tiền của nhân dân được các tập đoàn đó sử dụng, chi tiêu như là tiền riêng không? Trước sự bức xúc này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đáp: “Tôi rất xót xa và trăn trở”. Tuy nhiên, ông cũng nhắc tới “lỗ hổng luật pháp” khi cho rằng trong những luật này, luật kia về cơ bản chưa thật hoàn thiện và có thể mỗi một kỳ QH lại nhìn nhận vấn đề một cách khác nhau.

 

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, những sai phạm vừa qua phần lớn liên quan đến con người. “Người ta biết là sai phạm nhưng vẫn cố tình làm. Việc tích cực hoàn thiện thể chế như vừa nêu còn phải quan tâm đến phẩm chất đội ngũ cán bộ, những người trực tiếp đụng chạm đến tiền - hàng” - ông Vinh kiến nghị.

 

Trước câu hỏi về quan điểm của Bộ KH-ĐT trong việc giao vốn Nhà nước quá lớn cho các tập đoàn, tổng công ty, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định không thể buông được. “Vốn chủ sở hữu là do Nhà nước cấp, kể cả vốn đi vay thì cũng là của Nhà nước. Vì vậy, khi doanh nghiệp Nhà nước đổ bể thì Nhà nước lại bảo lãnh, không buông như tư nhân được”. Theo bộ trưởng, các dự án lớn đều phải báo cáo, không thể tự quyết được. “Không thể nào trao quyền tự quyết cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Tất nhiên, luật thì đã quy định rồi nhưng theo tôi, cơ chế sẽ phải thay đổi, chúng tôi đang kiến nghị theo hướng này” - người đứng đầu Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.

 

Vẫn chưa đồng tình, ĐB Trần Du Lịch cho rằng vụ Vinashin cho thấy có lỗ hổng về pháp lý. “Một vụ việc như vậy mà các bộ liên quan như Tài chính, KH-ĐT không có trách nhiệm gì hết. Tất cả dồn vào Thủ tướng và Thủ tướng phải nhận trách nhiệm trước QH. Đó là lỗ hổng pháp lý” - ông Lịch bức xúc. Theo ĐB Trần Du Lịch, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nên xem lại việc xác định trách nhiệm trong các vụ việc này. Cơ chế hiện nay không thể loại bỏ trách nhiệm của 3 bộ là KH-ĐT, Tài chính và bộ quản lý ngành. 

 

Trước chất vấn gay gắt này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định Chính phủ đang quyết tâm làm rõ chủ thể đại diện chủ sở hữu ở doanh nghiệp là ai và cũng phân rõ bộ chủ quản chuyên ngành sẽ là người chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các đơn vị trực thuộc. “Bây giờ phải có người chịu trách nhiệm chính, có quyền kiểm soát, thanh tra, tiếp cận với doanh nghiệp và thường xuyên được báo cáo, xin ý kiến, chứ không phải tiền của Nhà nước tiêu như tiền của tư nhân” - ông Vinh nói.

 

Nhà nước chỉ định hướng tái cơ cấu kinh tế

 

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) chất vấn: “Tái cơ cấu nền kinh tế cần nguồn lực song nguồn lực này lấy ở đâu? Nếu lấy từ ngân sách Nhà nước thì Chính phủ có bảo đảm?”. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định tái cơ cấu nền kinh tế chắc chắn cần nguồn lực. Tuy nhiên, đây là đề án tổng thể, định hướng quan điểm, mục tiêu, giải pháp cho các đề án thành phần. Sau khi QH cho ý kiến, Chính phủ sẽ hoàn chỉnh và giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện các dự án thành phần. 

 

“Chính phủ đã có 4 dự án thành phần, gồm: tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống tài chính, chứng khoán và tái cấu trúc doanh nghiệp. Những dự án này có thể tính được tiền để tái cấu trúc nhưng chưa tính được cụ thể. Tới đây, cộng với đề án chi tiết, ta có thể hình thành từng bước tổng nhu cầu là bao nhiêu... Tôi nghĩ rằng đến thời điểm này, chúng ta chọn lựa vấn đề chính yếu cốt lõi, trọng tâm chứ không chọn tất cả các lĩnh vực để tính chi phí” - ông Vinh nói.

 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng trấn an rằng sẽ không có chuyện Nhà nước bỏ ra gói “bao nhiêu ngàn tỉ đồng” để tái cơ cấu nền kinh tế. Thay vào đó, theo ông, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng chính sách để các bộ phận trong nền kinh tế thấy lợi mà làm theo. Ví dụ, các ngành nghề chuyển từ công nghệ kém, ô nhiễm, không tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu mà chuyển sang công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì Nhà nước có định hướng và ưu đãi như miễn giảm, hỗ trợ công nghệ nguồn… “Khi có chính sách như vậy thì sẽ xuất hiện nguồn lực” - ông Vinh tin tưởng.

 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho rằng tái cơ cấu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề lao động và việc làm. Do đó, Nhà nước sẽ phải quan tâm hơn đến các chính sách an sinh xã hội, đào tạo, chuyển nghề, có quỹ hỗ trợ thất nghiệp.

 

Theo Phạm Dương


NLĐ

 

 


Quốc hội thảo luận giải pháp ‘cứu’ doanh nghiệp

Ngày đăng : 12/06/2012 - 8:42 AM

 

 

Quyết định được chờ đợi nhất sau buổi thảo luận sáng nay là khả năng giảm 30% thuế thu nhập cho các DN để giảm bớt khó khăn. Ngoài ra, việc miễn giảm thuế khoán VAT, thu nhập cá nhân cũng sẽ được xem xét.
 
Sáng nay, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012. Nghị quyết này được xây dựng sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo về gói giải pháp được thực hiện theo Nghị quyết 13 công bố hồi đầu tháng 5. 
 
Thêm vào đó, Nghị quyết của Chính phủ cũng được coi là chưa đầy đủ, do cơ quan hành pháp chỉ có thẩm quyền giãn - hoãn các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng (VAT), chứ chưa thể công bố việc miễn giảm, vốn được coi là thiết thực hơn đối với doanh nghiệp.
 
Những vấn đề Chính phủ xin ý kiến Quốc hội sẽ bao gồm giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm các đối tượng doanh nghiệp loại trừ nói trên). Cùng với đó là các quyết định miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh, chăm sóc trông giữ trẻ, hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân… Điều kiện đi kèm với các ưu đãi này là giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.
 
Trước đó, tại Nghị quyết 13, Chính phủ đã trình bày 5 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm việc hạ dần mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
 
Bên cạnh đó, cơ quan thực hiện trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước sẽ có các các biện pháp cơ cấu nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ...) và các giải pháp khác cần thiết, phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là đối với những doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính. Ngân hàng Nhà nước cũng cần có biện pháp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, xử lý ngân hàng yếu kém.
 
Về các giải pháp tài chính, Chính phủ đã cho phép gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của quý II/2012 đối với 2 nhóm doanh nghiệp nhỏ - vừa (không hoạt động trong lĩnh vực xổ số, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty) và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
 
Cơ quan chức năng cũng cho phép gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách cho các đối tượng trên, miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối.
 
Chính phủ cũng quyết nghị giảm 50% tiền thuê đất của năm 2012 đối với tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. Nội dung này giao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định thời gian gia hạn cụ thể cho từng dự án, nhóm dự án.
 
Về đầu tư, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cường thu hút, đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...
 
Cơ quan chức năng dự kiến sẽ huy động 2.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn. Chính phủ cũng cho phép mua sắm theo quy định đối với khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn nhưng chưa sử dụng vì thực hiện theo quy định của Nghị quyết 11 và đã được chuyển sang năm 2012.
 
Gói giải pháp này được cơ quan quản lý đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn do chịu “hiệu ứng phụ” của các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát (kinh tế tăng trưởng thấp, chỉ 4% trong quý một, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, tồn kho lớn…). Các giải pháp này kể từ khi được công bố ngày 4/5 và chính thức hóa bằng văn bản ngày 11/5, đã phần nào phát huy được hiệu quả. Cụ thể là mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm dần (trần huy động từ 14% về 9%), chỉ số sản xuất công nghiệp tăng dần qua các tháng.
 
Tại phiên thảo luận hôm nay, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trình bày tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trước khi thảo luận trong toàn bộ thời lượng buổi sáng. Nghị quyết dự kiến sẽ được thông qua trong những phiên cuối kỳ họp lần này.
 
Theo Nhật Minh
 
VnExpress
 

 


Tổng hợp kinh tế vĩ mô tuần từ 04/06 – 10/06

Ngày đăng : 11/06/2012 - 8:31 AM

 

 

Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, thuế TNDN và VAT sẽ được cân nhắc giảm một cách có chọn lọc, nếu không thu ngân sách nhà nước có thể hụt hơn 100.000 tỷ đồng.
  
Kinh tế - Chính Trị - Xã Hội:
 
Trong hai ngày 7/6 và 8/6, Quốc hội dành trọn để thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách, đề án tái cơ cấu nền kinh tế với những vấn đề đang rất nóng.
 
+ Theo quyết định 239/TB-BTC của Bộ Tài chính, các mặt hàng xăng dầu đồng loạt giảm giá, xăng giảm 800 đồng/lít, dầu hoả và dầu diesel giảm 700 đồng/lít, dầu mazút giảm 650 đồng/kg. Xem thêm
 
+ Bắt đầu từ ngày 11/6 trần lãi suất huy động giảm xuống còn 9% và bỏ trần lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng. Xem thêm
 
+ Thúc giục quốc hội giảm thuế cứu DN “Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20% là việc trước sau cũng phải làm. Nhưng làm vào thời điểm này thì hiệu quả đạt được là lớn nhất”.
 
+ Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, thuế TNDN và VAT sẽ được cân nhắc giảm một cách có chọn lọc, nếu không thu ngân sách nhà nước có thể hụt hơn 100.000 tỷ đồng. Xem thêm
 
+ 4 tháng đầu năm đã có trên 17.700 doanh nghiệp làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng 9,5% so với cùng kỳ và cập nhật đến 31/5 đã có 21.800 DN thuộc diện khó khăn này. Xem thêm
 
- Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ hy vọng từ nay đến cuối năm có thể được giải ngân khoảng 21 ngàn tỷ đồng mỗi tháng. Xem thêm
 
- Với báo cáo chỉ số PMI của ngân hàng HSBC, hoạt động sản xuất tại Việt Nam tiếp tục giảm trong tháng 5, HSBC dự báo tốc độ tăng trưởng trong quý II/2012 khó vượt mức 5%.
 
- Trong lúc các tổ chức Nghiên cứu kinh tế uy tín thế giới dự báo về lạm phát Việt Nam năm 2012 chỉ quanh mốc 9%, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành lại đưa ra con số khá sốc là 6,2%. Xem thêm
 
- Bộ Công thương cho biết 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Nhật đạt khoảng 5,5 tỉ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 48,14%.
 
- Chuẩn bị cho việc vận hành thị trường điện cạnh tranh bắt đầu vào ngày 1/7/2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký hợp đồng mua điện của một số nhà máy điện với giá tăng 5% so với năm 2011.
 
Đầu tư:
 
- Dự kiến ngày 15/06/2012 công bố kết luận sơ bộ việc dừng 3 dự án ODA
 
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định về việc tạm phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án thủy điện Sơn La với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 60.195,928 tỉ đồng.
 
Và phê duyệt kế hoạch phát triển TCty đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012-2015 với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng gần 200 tỷ đồng
 
- Tập đoàn Điện lực (EVN) đã ký hợp đồng tổng thầu EPC với nhà thầu Trung Quốc xây dựng cảng biển của Trung tâm điện lực Duyên Hải trị giá 180,96 triệu đô la Mỹ. Xem thêm
 
- Công ty TNHH Robert Bosch Vietnam vừa chính thức công bố gia tăng đầu tư thêm 130 triệu Euro, cho nhà máy sản xuất dây truyền lực dùng cho ô tô tại Long Thành(Đồng Nai). Xem thêm
 
Hồng Cúc
 
Theo TTVN
 

 


Thêm 4.100 doanh nghiệp đóng cửa trong tháng 5

Ngày đăng : 08/06/2012 - 8:47 AM

 

 

4 tháng đầu năm đã có trên 17.700 doanh nghiệp làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng 9,5% so với cùng kỳ và cập nhật đến 31/5 đã có 21.800 DN thuộc diện khó khăn này.
 
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều nay (7/6), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhắc lại con số 4 tháng đầu năm đã có trên 17.700 doanh nghiệp làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng 9,5% so với cùng kỳ và cho biết, cập nhật đến 31/5 đã có 21.800 doanh nghiệp thuộc diện khó khăn này.
 
Con số này cũng chính xác với ước tính được ông Cao Viết Sinh, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp Ủy ban Kinh tế vào giữa tháng 5. Là "nếu cứ đà này trung bình một tháng sẽ có từ 4 đến 4,5 nghìn doanh nghiệp giải thể, thì chắc chắn năm nay con số sẽ xấp xỉ năm ngoái, dự báo khoảng 50 nghìn doanh nghiệp sẽ giải thể, ngừng hoạt động".
 
Xung quanh những con số mà không ít ý kiến cho rằng có thể chưa phản ánh đầy đủ thực trạng "bi đát" của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Vinh cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho Tổng cục Thống kê, Cục Đăng ký kinh doanh và Cục phát triển doanh nghiệp thực hiện tại 63 tỉnh thành phố. Nên số liệu gửi báo cáo chính phủ có đầy đủ tới từng địa bàn một, từng tỉnh một có bao nhiêu doanh nghiệp được thành lập mới, bao nhiêu giải thể, khó khăn, chậm nộp thuế, trong lĩnh vực nào, mảng nào, tính từ 1/1/2011 đến 30/4/2012. 
 
"Đây là số liệu dầy và chi tiết, là số liệu gốc của tất cả các báo cáo, không có số liệu nào khác ngoài số liệu của Bộ hết", ông Vinh khẳng định.
 
Cũng theo Bộ trưởng, để đánh giá một cách hết sức công tâm trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn giao Tổng cục Thống kê gửi phiếu phỏng vấn tới hơn 10.000 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để đánh giá xem họ đang khó khăn thế nào, mắc cái gì, để  xuất cơ chế tháo gỡ ra làm sao, từ đó có báo cáo gửi tới Chính phủ, rất đầy đủ. 
 
Có thực trạng là chắc chắn doanh nghiệp khó khăn, không thể nói là không khó khăn được. Nhìn vào chỉ tiêu tín dụng tăng hơn 33% của năm 2010, đến 2011 là 14% và những tháng đầu năm nay lại tăng trưởng âm 0,83% thì có thể thấy doanh nghiệp khó khăn thế nào khi một lượng vốn rất lớn không được đưa ra thị trường.
 
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đánh giá số doanh nghiệp khó khăn, giải thể phải nhìn theo hai mặt, một cách bình tĩnh. Trong số các doanh nghiệp khó khăn đó, rất nhiều doanh nghiệp bị giải thể là doanh nghiệp mới thành lập. Doanh nghiệp mới thành lập ở các nước tỷ lệ giải thể rất nhiều, không chỉ ở Việt Nam. Thường thì ở các nước từ khi doanh nghiệp đăng ký cho tới khi đi vào hoạt động thì tỷ lệ tồn tại chỉ là 70%. Ở Việt Nam trên 70-80% là bình thường thôi. 
 
Phải nhìn nhận là trong số các doanh nghiệp phải giải thể vừa qua cũng có nhiều doanh nghiệp thuộc diện mới thành lập, không thể tồn tại được thì phải giải thể. Loại thứ hai là doanh nghiệp yếu kém, quản trị kém, kinh doanh mặt hàng không phù hợp… nên khó khăn và phải giải thể, đình hoãn. Những trường hợp giải thể như vậy có thể coi là sự sàng lọc tự nhiên trong cơ chế thị trường. Trong khó khăn sẽ loại đi doanh nghiệp yếu kém để những doanh nghiệp nào mạnh khỏe thì tồn tại, đó là sự chọn lọc tốt.  Trong đề án tái cơ cấu thì chúng ta cũng mong muốn doanh nghiệp này phải giải thể đi, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Thừa nhận thực tế là có những doanh nghiệp thực sự kinh doanh tốt, định hướng lâu dài có thể phát triển được,  cần duy trì thì họ đang khó khăn, thiếu nguồn vốn, do giá đầu vào rất cao, tiêu thụ khó khăn, thị trường xuất khẩu giảm…, ông Vinh cho rằng cần hỗ trợ cho mảng doanh nghiệp này trên cơ sở chọn lọc đối tượng, lĩnh vực. 
 
"Doanh nghiệp khó khăn là điều không ai phủ nhận, vì có số liệu rõ hết rồi. nhưng trong đó có tỷ lệ doanh nghiệp phải thải loại theo quy luật tư nhiên, nhưng chúng ta cần có hỗ trợ đúng cho những doanh nghiệp mang lại giá trị tốt cho xã hội. Đấy chính là bước đầu tái cơ cấu trong giai đoạn khó khăn này" ông nhấn mạnh
 
Với câu hỏi đề nghị đánh giá về liều lượng của gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng mới đây, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng đây không phải là gói cứu trợ mà chỉ là những chính sách miễn, hoãn, giảm thuế thôi. "Nhưng cái đó rõ ràng có tác động tới một số doanh nghiệp, những doanh nghiệp không có doanh thu thì lấy đâu mà giảm mà miễn. Song chủ yếu mới ở mức độ hỗ trợ một phần thôi chứ không phải tháo gỡ khó khăn. Cái doanh nghiệp cần lúc này chính là hỗ trợ nguồn vốn".
 
Theo Nguyên Hà
VnEconomy
 

 


QH nóng hai ngày với những bức xúc kinh tế, xã hội

Ngày đăng : 07/06/2012 - 8:38 AM

 

Trong hai ngày 7/6 và 8/6, Quốc hội dành trọn để thảo luận về kinh tế - xãhội và ngân sách, đề án tái cơ cấu nền kinh tế với những vấn đề đang rất nóng.
 
Hy sinh chỉ tiêu tăng trưởng?
 
Báo cáo kinh tế - xã hội đầu kỳ họp của Chính phủ với nhận định đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế khiến các ĐB hết sức quan ngại. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (5,57%) và năm 2010 (5,84%). Trong đó công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 2,94%.
 
Các chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nhưng để lại hệ quả là làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
 
Lãi suất vay ngân hàng cao, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận và hấp thụ vốn; chi phí đầu vào lớn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho cao, dẫn đến quy mô sản xuất phải thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, lao động mất việc làm tăng.
 
Trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có trên 17,7 nghìn doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ.
 
Sự mất cân đối giữa khả năng hồi phục của các doanh nghiệp và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng khiến nhiều ĐB đặt câu hỏi liệu có hay không nguy cơ nền kinh tế đang bị các nhóm lợi ích chi phối.
 
Trước thực trạng thất nghiệp tăng, đời sống người dân khó khăn, các ĐB trong các phiên họp đã nhấn mạnh cần những chính sách hỗ trợ đời sống nhân dân để dân yên tâm, tin tưởng đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
 
Cử tri và ĐB cũng đặc biệt không khỏi lo lắng trước những vụ việc phức tạp ở Tiên Lãng, Văn Giang…, bộc lộ những mâu thuẫn tiềm ẩn trong xã hội liên quan đến đất đai nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ để lại những hệ quả khó lường.

Cần tư duy mạnh dạn
 
Đề án tái cơ cấu nền kinh tế kiên định với ba lĩnh vực trọng tâm là thị trường tài chính, đầu tư và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Để thực hiện tái cơ cấu có thể phải hy sinh tăng trưởng để đạt mục tiêu đưa nền kinh tế phát triển bền vững theo chiều sâu.
 
Tuy đã qua nhiều lần thảo luận ở Thường vụ QH, đề án này khi trình bày vẫn bị đa số ĐB đánh giá là chung chung và chưa có đột phá. 
 
 
Vụ việc xảy ra ở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), và trước đó là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tiếp tục đặt ra một loạt lo ngại về quản lý vốn nhà nước và nhân sự tại các DNNN.
 
Các ĐB đều nhấn mạnh để DNNN giữ và phát huy được vai trò trụ cột của nền kinh tế, cần một tư duy thực sự mạnh dạn để các doanh nghiệp này cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.
 
Những thông tin mới về việc Đan Mạch hoãn tài trợ ODA cho Việt Nam do nghi vấn gian lận ở một số dự án cũng dấy lên các câu hỏi về quản lý ODA nói riêng và các nguồn vốn đầu tư xã hội nói chung.
 
Bàn về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách hay tái cơ cấu, các ĐB đều nhấn mạnh nhìn thẳng vào sự thật để bắt đúng bệnh, bốc đúng thuốc tìm giải pháp tạo đà cho kinh tế vượt qua khó khăn và tăng trưởng bền vững.
 
Phiên họp diễn ra trong hai ngày được phát thanh, truyền hình trực tiếp VTV và VOV.
 
Theo Chung Hoàng
Vietnamnet
 


 

Tin mới cập nhật