Quốc hội thảo luận giải pháp ‘cứu’ doanh nghiệp

Ngày đăng : 12/06/2012 - 8:42 AM

 

 

Quyết định được chờ đợi nhất sau buổi thảo luận sáng nay là khả năng giảm 30% thuế thu nhập cho các DN để giảm bớt khó khăn. Ngoài ra, việc miễn giảm thuế khoán VAT, thu nhập cá nhân cũng sẽ được xem xét.
 
Sáng nay, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012. Nghị quyết này được xây dựng sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo về gói giải pháp được thực hiện theo Nghị quyết 13 công bố hồi đầu tháng 5. 
 
Thêm vào đó, Nghị quyết của Chính phủ cũng được coi là chưa đầy đủ, do cơ quan hành pháp chỉ có thẩm quyền giãn - hoãn các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng (VAT), chứ chưa thể công bố việc miễn giảm, vốn được coi là thiết thực hơn đối với doanh nghiệp.
 
Những vấn đề Chính phủ xin ý kiến Quốc hội sẽ bao gồm giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm các đối tượng doanh nghiệp loại trừ nói trên). Cùng với đó là các quyết định miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh, chăm sóc trông giữ trẻ, hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân… Điều kiện đi kèm với các ưu đãi này là giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.
 
Trước đó, tại Nghị quyết 13, Chính phủ đã trình bày 5 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm việc hạ dần mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
 
Bên cạnh đó, cơ quan thực hiện trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước sẽ có các các biện pháp cơ cấu nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ...) và các giải pháp khác cần thiết, phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là đối với những doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính. Ngân hàng Nhà nước cũng cần có biện pháp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, xử lý ngân hàng yếu kém.
 
Về các giải pháp tài chính, Chính phủ đã cho phép gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của quý II/2012 đối với 2 nhóm doanh nghiệp nhỏ - vừa (không hoạt động trong lĩnh vực xổ số, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty) và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
 
Cơ quan chức năng cũng cho phép gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách cho các đối tượng trên, miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối.
 
Chính phủ cũng quyết nghị giảm 50% tiền thuê đất của năm 2012 đối với tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. Nội dung này giao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định thời gian gia hạn cụ thể cho từng dự án, nhóm dự án.
 
Về đầu tư, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cường thu hút, đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...
 
Cơ quan chức năng dự kiến sẽ huy động 2.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn. Chính phủ cũng cho phép mua sắm theo quy định đối với khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn nhưng chưa sử dụng vì thực hiện theo quy định của Nghị quyết 11 và đã được chuyển sang năm 2012.
 
Gói giải pháp này được cơ quan quản lý đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn do chịu “hiệu ứng phụ” của các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát (kinh tế tăng trưởng thấp, chỉ 4% trong quý một, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, tồn kho lớn…). Các giải pháp này kể từ khi được công bố ngày 4/5 và chính thức hóa bằng văn bản ngày 11/5, đã phần nào phát huy được hiệu quả. Cụ thể là mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm dần (trần huy động từ 14% về 9%), chỉ số sản xuất công nghiệp tăng dần qua các tháng.
 
Tại phiên thảo luận hôm nay, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trình bày tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trước khi thảo luận trong toàn bộ thời lượng buổi sáng. Nghị quyết dự kiến sẽ được thông qua trong những phiên cuối kỳ họp lần này.
 
Theo Nhật Minh
 
VnExpress
 

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Tổng hợp kinh tế vĩ mô tuần từ 04/06 – 10/06

Ngày đăng : 11/06/2012 - 8:31 AM

 

 

Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, thuế TNDN và VAT sẽ được cân nhắc giảm một cách có chọn lọc, nếu không thu ngân sách nhà nước có thể hụt hơn 100.000 tỷ đồng.
  
Kinh tế - Chính Trị - Xã Hội:
 
Trong hai ngày 7/6 và 8/6, Quốc hội dành trọn để thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách, đề án tái cơ cấu nền kinh tế với những vấn đề đang rất nóng.
 
+ Theo quyết định 239/TB-BTC của Bộ Tài chính, các mặt hàng xăng dầu đồng loạt giảm giá, xăng giảm 800 đồng/lít, dầu hoả và dầu diesel giảm 700 đồng/lít, dầu mazút giảm 650 đồng/kg. Xem thêm
 
+ Bắt đầu từ ngày 11/6 trần lãi suất huy động giảm xuống còn 9% và bỏ trần lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng. Xem thêm
 
+ Thúc giục quốc hội giảm thuế cứu DN “Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20% là việc trước sau cũng phải làm. Nhưng làm vào thời điểm này thì hiệu quả đạt được là lớn nhất”.
 
+ Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, thuế TNDN và VAT sẽ được cân nhắc giảm một cách có chọn lọc, nếu không thu ngân sách nhà nước có thể hụt hơn 100.000 tỷ đồng. Xem thêm
 
+ 4 tháng đầu năm đã có trên 17.700 doanh nghiệp làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng 9,5% so với cùng kỳ và cập nhật đến 31/5 đã có 21.800 DN thuộc diện khó khăn này. Xem thêm
 
- Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ hy vọng từ nay đến cuối năm có thể được giải ngân khoảng 21 ngàn tỷ đồng mỗi tháng. Xem thêm
 
- Với báo cáo chỉ số PMI của ngân hàng HSBC, hoạt động sản xuất tại Việt Nam tiếp tục giảm trong tháng 5, HSBC dự báo tốc độ tăng trưởng trong quý II/2012 khó vượt mức 5%.
 
- Trong lúc các tổ chức Nghiên cứu kinh tế uy tín thế giới dự báo về lạm phát Việt Nam năm 2012 chỉ quanh mốc 9%, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành lại đưa ra con số khá sốc là 6,2%. Xem thêm
 
- Bộ Công thương cho biết 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Nhật đạt khoảng 5,5 tỉ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 48,14%.
 
- Chuẩn bị cho việc vận hành thị trường điện cạnh tranh bắt đầu vào ngày 1/7/2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký hợp đồng mua điện của một số nhà máy điện với giá tăng 5% so với năm 2011.
 
Đầu tư:
 
- Dự kiến ngày 15/06/2012 công bố kết luận sơ bộ việc dừng 3 dự án ODA
 
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định về việc tạm phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án thủy điện Sơn La với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 60.195,928 tỉ đồng.
 
Và phê duyệt kế hoạch phát triển TCty đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012-2015 với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng gần 200 tỷ đồng
 
- Tập đoàn Điện lực (EVN) đã ký hợp đồng tổng thầu EPC với nhà thầu Trung Quốc xây dựng cảng biển của Trung tâm điện lực Duyên Hải trị giá 180,96 triệu đô la Mỹ. Xem thêm
 
- Công ty TNHH Robert Bosch Vietnam vừa chính thức công bố gia tăng đầu tư thêm 130 triệu Euro, cho nhà máy sản xuất dây truyền lực dùng cho ô tô tại Long Thành(Đồng Nai). Xem thêm
 
Hồng Cúc
 
Theo TTVN
 

 


Thêm 4.100 doanh nghiệp đóng cửa trong tháng 5

Ngày đăng : 08/06/2012 - 8:47 AM

 

 

4 tháng đầu năm đã có trên 17.700 doanh nghiệp làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng 9,5% so với cùng kỳ và cập nhật đến 31/5 đã có 21.800 DN thuộc diện khó khăn này.
 
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều nay (7/6), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhắc lại con số 4 tháng đầu năm đã có trên 17.700 doanh nghiệp làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng 9,5% so với cùng kỳ và cho biết, cập nhật đến 31/5 đã có 21.800 doanh nghiệp thuộc diện khó khăn này.
 
Con số này cũng chính xác với ước tính được ông Cao Viết Sinh, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp Ủy ban Kinh tế vào giữa tháng 5. Là "nếu cứ đà này trung bình một tháng sẽ có từ 4 đến 4,5 nghìn doanh nghiệp giải thể, thì chắc chắn năm nay con số sẽ xấp xỉ năm ngoái, dự báo khoảng 50 nghìn doanh nghiệp sẽ giải thể, ngừng hoạt động".
 
Xung quanh những con số mà không ít ý kiến cho rằng có thể chưa phản ánh đầy đủ thực trạng "bi đát" của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Vinh cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho Tổng cục Thống kê, Cục Đăng ký kinh doanh và Cục phát triển doanh nghiệp thực hiện tại 63 tỉnh thành phố. Nên số liệu gửi báo cáo chính phủ có đầy đủ tới từng địa bàn một, từng tỉnh một có bao nhiêu doanh nghiệp được thành lập mới, bao nhiêu giải thể, khó khăn, chậm nộp thuế, trong lĩnh vực nào, mảng nào, tính từ 1/1/2011 đến 30/4/2012. 
 
"Đây là số liệu dầy và chi tiết, là số liệu gốc của tất cả các báo cáo, không có số liệu nào khác ngoài số liệu của Bộ hết", ông Vinh khẳng định.
 
Cũng theo Bộ trưởng, để đánh giá một cách hết sức công tâm trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn giao Tổng cục Thống kê gửi phiếu phỏng vấn tới hơn 10.000 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để đánh giá xem họ đang khó khăn thế nào, mắc cái gì, để  xuất cơ chế tháo gỡ ra làm sao, từ đó có báo cáo gửi tới Chính phủ, rất đầy đủ. 
 
Có thực trạng là chắc chắn doanh nghiệp khó khăn, không thể nói là không khó khăn được. Nhìn vào chỉ tiêu tín dụng tăng hơn 33% của năm 2010, đến 2011 là 14% và những tháng đầu năm nay lại tăng trưởng âm 0,83% thì có thể thấy doanh nghiệp khó khăn thế nào khi một lượng vốn rất lớn không được đưa ra thị trường.
 
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đánh giá số doanh nghiệp khó khăn, giải thể phải nhìn theo hai mặt, một cách bình tĩnh. Trong số các doanh nghiệp khó khăn đó, rất nhiều doanh nghiệp bị giải thể là doanh nghiệp mới thành lập. Doanh nghiệp mới thành lập ở các nước tỷ lệ giải thể rất nhiều, không chỉ ở Việt Nam. Thường thì ở các nước từ khi doanh nghiệp đăng ký cho tới khi đi vào hoạt động thì tỷ lệ tồn tại chỉ là 70%. Ở Việt Nam trên 70-80% là bình thường thôi. 
 
Phải nhìn nhận là trong số các doanh nghiệp phải giải thể vừa qua cũng có nhiều doanh nghiệp thuộc diện mới thành lập, không thể tồn tại được thì phải giải thể. Loại thứ hai là doanh nghiệp yếu kém, quản trị kém, kinh doanh mặt hàng không phù hợp… nên khó khăn và phải giải thể, đình hoãn. Những trường hợp giải thể như vậy có thể coi là sự sàng lọc tự nhiên trong cơ chế thị trường. Trong khó khăn sẽ loại đi doanh nghiệp yếu kém để những doanh nghiệp nào mạnh khỏe thì tồn tại, đó là sự chọn lọc tốt.  Trong đề án tái cơ cấu thì chúng ta cũng mong muốn doanh nghiệp này phải giải thể đi, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Thừa nhận thực tế là có những doanh nghiệp thực sự kinh doanh tốt, định hướng lâu dài có thể phát triển được,  cần duy trì thì họ đang khó khăn, thiếu nguồn vốn, do giá đầu vào rất cao, tiêu thụ khó khăn, thị trường xuất khẩu giảm…, ông Vinh cho rằng cần hỗ trợ cho mảng doanh nghiệp này trên cơ sở chọn lọc đối tượng, lĩnh vực. 
 
"Doanh nghiệp khó khăn là điều không ai phủ nhận, vì có số liệu rõ hết rồi. nhưng trong đó có tỷ lệ doanh nghiệp phải thải loại theo quy luật tư nhiên, nhưng chúng ta cần có hỗ trợ đúng cho những doanh nghiệp mang lại giá trị tốt cho xã hội. Đấy chính là bước đầu tái cơ cấu trong giai đoạn khó khăn này" ông nhấn mạnh
 
Với câu hỏi đề nghị đánh giá về liều lượng của gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng mới đây, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng đây không phải là gói cứu trợ mà chỉ là những chính sách miễn, hoãn, giảm thuế thôi. "Nhưng cái đó rõ ràng có tác động tới một số doanh nghiệp, những doanh nghiệp không có doanh thu thì lấy đâu mà giảm mà miễn. Song chủ yếu mới ở mức độ hỗ trợ một phần thôi chứ không phải tháo gỡ khó khăn. Cái doanh nghiệp cần lúc này chính là hỗ trợ nguồn vốn".
 
Theo Nguyên Hà
VnEconomy
 

 


QH nóng hai ngày với những bức xúc kinh tế, xã hội

Ngày đăng : 07/06/2012 - 8:38 AM

 

Trong hai ngày 7/6 và 8/6, Quốc hội dành trọn để thảo luận về kinh tế - xãhội và ngân sách, đề án tái cơ cấu nền kinh tế với những vấn đề đang rất nóng.
 
Hy sinh chỉ tiêu tăng trưởng?
 
Báo cáo kinh tế - xã hội đầu kỳ họp của Chính phủ với nhận định đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế khiến các ĐB hết sức quan ngại. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (5,57%) và năm 2010 (5,84%). Trong đó công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 2,94%.
 
Các chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nhưng để lại hệ quả là làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
 
Lãi suất vay ngân hàng cao, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận và hấp thụ vốn; chi phí đầu vào lớn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho cao, dẫn đến quy mô sản xuất phải thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, lao động mất việc làm tăng.
 
Trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có trên 17,7 nghìn doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ.
 
Sự mất cân đối giữa khả năng hồi phục của các doanh nghiệp và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng khiến nhiều ĐB đặt câu hỏi liệu có hay không nguy cơ nền kinh tế đang bị các nhóm lợi ích chi phối.
 
Trước thực trạng thất nghiệp tăng, đời sống người dân khó khăn, các ĐB trong các phiên họp đã nhấn mạnh cần những chính sách hỗ trợ đời sống nhân dân để dân yên tâm, tin tưởng đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
 
Cử tri và ĐB cũng đặc biệt không khỏi lo lắng trước những vụ việc phức tạp ở Tiên Lãng, Văn Giang…, bộc lộ những mâu thuẫn tiềm ẩn trong xã hội liên quan đến đất đai nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ để lại những hệ quả khó lường.

Cần tư duy mạnh dạn
 
Đề án tái cơ cấu nền kinh tế kiên định với ba lĩnh vực trọng tâm là thị trường tài chính, đầu tư và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Để thực hiện tái cơ cấu có thể phải hy sinh tăng trưởng để đạt mục tiêu đưa nền kinh tế phát triển bền vững theo chiều sâu.
 
Tuy đã qua nhiều lần thảo luận ở Thường vụ QH, đề án này khi trình bày vẫn bị đa số ĐB đánh giá là chung chung và chưa có đột phá. 
 
 
Vụ việc xảy ra ở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), và trước đó là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tiếp tục đặt ra một loạt lo ngại về quản lý vốn nhà nước và nhân sự tại các DNNN.
 
Các ĐB đều nhấn mạnh để DNNN giữ và phát huy được vai trò trụ cột của nền kinh tế, cần một tư duy thực sự mạnh dạn để các doanh nghiệp này cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.
 
Những thông tin mới về việc Đan Mạch hoãn tài trợ ODA cho Việt Nam do nghi vấn gian lận ở một số dự án cũng dấy lên các câu hỏi về quản lý ODA nói riêng và các nguồn vốn đầu tư xã hội nói chung.
 
Bàn về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách hay tái cơ cấu, các ĐB đều nhấn mạnh nhìn thẳng vào sự thật để bắt đúng bệnh, bốc đúng thuốc tìm giải pháp tạo đà cho kinh tế vượt qua khó khăn và tăng trưởng bền vững.
 
Phiên họp diễn ra trong hai ngày được phát thanh, truyền hình trực tiếp VTV và VOV.
 
Theo Chung Hoàng
Vietnamnet
 


ODA và sáu năm lặng tắt

Ngày đăng : 06/06/2012 - 8:46 AM


 

Thời gian có lẽ đã quá đủ, không phải cho lời hô hào chống tham nhũng hay những hội nghị hoặc bàn tròn về việc rút kinh nghiệm.

Cái đủ đó chỉ đến khi người ta nhận ra rằng một đất nước vẫn có thể tồn tại và phát triển mà không cần đến ODA, nhất là khi đất nước ấy chưa có gì bảo đảm để chính thức chấm dứt nạn tham nhũng.  

"Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam đã đến mức báo động, các nhà tài trợ đang trông chờ những hành động cụ thể từ Chính phủ. Vốn ODA trong giai đoạn mới sẽ phụ thuộc vào hành động thực tế đó của Việt Nam" - Đói là thông điệp chính từ các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ diễn ra cách đây đúng 6 năm, vào ngày 9/6/2006 tại Nha Trang.

Hội nghị trên diễn ra ngay sau khi vụ tham nhũng PMU 18 bị phát giác. Cũng trong hội nghị này, trong khi bà Anna Lindstedt - đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng một trong những biện pháp chống tham nhũng hiệu quả là công khai, minh bạch thông tin cho báo chí, thì báo chí lại không được tiếp cận ngay cả khu vực hành lang trước phòng hội nghị...

Đã tròn 6 năm lặng tắt kể từ sự kiện sóng gió PMU18. Trong 6 năm ấy, không biết nhận định "Việt Nam là một trong những nước sử dụng vốn ODA hiệu quả nhất" đã được thực chứng như thế nào, chỉ biết rằng đã không có thêm bất kỳ một vụ scandal nào về ODA được lộ ra từ phía cơ quan chức năng Việt Nam. Có chăng, chỉ là vài "con sâu" như PCI - đại lộ Đông Tây xảy ra vào năm 2008 và mới đây nhất là câu chuyện người Đan Mạch đã quyết định dừng 3 dự án ODA viện trợ cho Việt Nam. Và những vụ việc ấy, đều chỉ được biết đến và làm rõ từ những người mang quốc tịch nước ngoài.

Một lần nữa, thể diện quốc gia lại bị đe dọa. Một lần nữa, ODA lại không hoàn thành chức trách nhiệm vụ đối với các nhu cầu sử dụng bức thiết ở Việt Nam, khi nguồn tài trợ này có nguy cơ bị xem xét lại - từ phía những cơ quan viện trợ quốc tế đang phải chịu búa rìu dư luận của những người dân có trách nhiệm đóng thuế cho chính phủ.

Từ năm 2006, khi vụ án PMU 18 nổ ra với hệ thống chứng cứ do phía Nhật Bản cung cấp, người ta đã phải nêu lại một triết lý then chốt và phù hợp nhất với nền tảng đạo lý: ODA không phải là tiền từ trên trời rơi xuống, mà đó là tiền đóng thuế của người dân các nước phát triển để dành cho người dân các nước đang và kém phát triển. Vì thế đương nhiên mối quan hệ giao tiếp về ODA không chỉ là giữa các chính phủ với nhau, mà thực chất nhất, đó chính là mối quan hệ trực tiếp giữa các cộng đồng nhân dân của các quốc gia. Chính người dân mới là đối tượng thụ hưởng và có toàn quyền kiểm soát đối với việc tiếp nhận và sử dụng nguồn tài trợ này.

Thế nhưng thực tế tiếp nhận và quản lý, sử dụng nguồn viện trợ ODA ở Việt Nam lại không có sự tham gia của các hội đoàn nhân dân. Ngay cả đại biểu Quốc hội - những người có chức trách đại diện cho cộng đồng nhân dân, cũng chỉ được biết đến kết quả sử dụng ODA qua các báo cáo, trong các cuộc họp thường kỳ.

Nhận thức thế nào thì hành xử thế đó. Thực tế quản lý vốn ODA đã chỉ được xếp khá xa sau phần hành quản lý vốn ngân sách. Hệ quả là đất nước phải trả giá với những hiện tượng "chi tiêu sai mục đích"... như thông tin về các dự án mà Đan Mạch tài trợ.

Điều khác là, lần này, DANIDA đã có riêng cho mình một cơ quan kiểm toán. Kết quả mà cơ quan kiểm toán công bố với dư luận quốc tế và xã hội Việt Nam đã nêu bằng chứng cho những đồn đoán trước đó về thất thoát trong ODA: trong số 49 tỷ dồng mà dự án ODA chuyển cho phía Việt Nam, có đến 11 tỷ đã "bốc hơi", chiếm đến 23%.

Cái giá của tham nhũng

Phía trước, con đường của ODA vẫn còn dài, và có thể còn quá đậm đà cho những ai quan tâm đến nó theo chiều kích "miếng ăn không phải là miếng nhục".

Trong năm 2012, vẫn còn hơn 7 tỷ USD mà các đối tác nước ngoài đã cam kết giải ngân ODA cho Việt Nam. Xa hơn nữa về những năm tới, con số giải ngân còn có thể lên tới 20-30 tỷ USD, gần bằng một phần ba toàn bộ GDP của Việt Nam. 

Nhưng ODA, như điều đã được mô tả là "cái giá của sự phát triển", lại bao gồm một phần rất lớn - 90% hoặc hơn - là vốn cho vay chứ không phải là vốn viện trợ không hoàn lại. Cuộc chơi rút ruột nguồn vốn này sẽ để lại một món nợ tiềm tàng, từ đời này sang đời khác và trong không biết bao nhiêu năm nữa, cho con cháu của họ.

Đó chính là cái giá của tham nhũng.

Ở phía trước, vẫn còn không ít công trình giao thông sử dụng vốn ODA khủng như dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dự án Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án xây dựng Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, dự án xây dựng Đường vành đai III Hà Nội giai đoạn 2. Mỗi dự án đó đều tương đương đến từ 5.000 đến 10.000 tỷ đồng hoặc hơn thế...

Thời gian có lẽ đã quá đủ, không phải cho lời hô hào chống tham nhũng hay những hội nghị hoặc bàn tròn về việc rút kinh nghiệm. Cái đủ đó chỉ đến khi người ta nhận ra rằng một đất nước vẫn có thể tồn tại và phát triển mà không cần đến ODA, nhất là khi đất nước ấy chưa có gì bảo đảm để chính thức chấm dứt nạn tham nhũng. 

Theo Dũng Hà

Vietnamnet

 

Bộ trưởng Bộ KH & ĐT: Sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm tại 3 dự án ODA của Đan Mạch

Ngày đăng : 05/06/2012 - 1:30 PM

 

 

Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là sẽ xem xét một cách nghiêm túc những vấn đề này để có đánh giá đúng. Nếu sai phạm ở mức độ nào sẽ xử lý nghiêm minh ở mức độ đó.
 
Trước thông tin Đan Mạch dừng cấp ODA cho 3 dự án liên quan đến chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam do nghi ngờ sai phạm, bên lề Hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG2012) đang diễn ra tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi đã có cuộc trao đổi bên lề với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ông Bùi Quang Vinh về vấn đề này.
 
Trước hết, ông Vinh bày tỏ tiếc nuối khi có thông tin không tích cực này. Tuy nhiên, ông Vinh cũng khẳng định rằng, những thông tin này được Chính phủ Đan Mạch tuyên bố rằng mới chỉ tạm dừng để xem xét chứ không phải cắt giảm hoàn toàn. Bên cạnh đó, những kiểm chứng của các cơ quan độc lập cũng chỉ là đánh giá bước đầu.
 
Hiện nay, các cơ quan quản lý của Việt Nam, đặc biệt là những cơ quan chủ quản có liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, chủ các Dự án này thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với các tổ chức nước ngoài để xem xét cụ thể những sai phạm đó như thế nào.
 
Không loại trừ trường hợp, có cái hạch toán khác nhau giữa Việt Nam và nước ngoài. Chúng tôi chưa có bất kỳ một kết luận nào, xong để xảy ra tình trạng này cũng là một điều đáng tiếc – ông Vinh nói.
 
Theo ông Vinh, quan điểm của Chính phủ Việt Nam là sẽ xem xét một cách nghiêm túc những vấn đề này để có đánh giá đúng. Nếu sai phạm ở mức độ nào sẽ xử lý nghiêm minh ở mức độ đó, nhằm lấy lại niềm tin cho các nhà tài trợ rằng Việt Nam rất trân trọng từng đồng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
 
“Chúng tôi tin tưởng rằng, với những lỗ lực đó sẽ được cộng đồng các nhà tài trợ chia sẻ và thông cảm. Thực tế tại Hội nghị CG lần này, không có nhà tài trợ nào nêu vấn đề này ra tại các phiên họp”.
 
Trả lời câu hỏi cần thời gian bao lâu cho việc xem xét, điều tra này? Ông Vinh cho biết mọi việc đang được tiến hành hết sức khẩn trương và sẽ sớm có kết quả trong thời gian tới.
 
Khánh Linh
 
Theo TTVN
 

 


 

Tin mới cập nhật