Ngày đăng :
21/06/2012 - 9:35 AM
306/361 đại biểu Quốc hội qua phiếu xin ý kiến đã tán thành việc miễn thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 trong 6 tháng cuối năm nay.
Chiều 21/6, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012.
Đây là nội dung đã được thảo luận tại tổ và hội trường, với quan điểm còn khác nhau giữa Chính phủ, cơ quan thẩm tra và đại biểu ở một số nội dung cụ thể.
Tại báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết vừa được gửi đến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, với đề nghị giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 cho một số đối tượng của Chính phủ, đa số ý kiến tán thành.
Đề nghị miễn thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012 đối với các đối tượng do Chính phủ đề xuất cũng được đa số ý kiến thuận, dù cơ quan thẩm tra không đồng ý.
Không có trong đề xuất của Chính phủ, song nhiều ý kiến của các vị đại biểu đã đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế này ở bậc 1 trong 6 tháng cuối năm 2012. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, không nên vì người có thu nhập tới mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 không phải là đối tượng khó khăn nhất, cần hỗ trợ hiện nay. Nếu miễn thuế cho các đối tượng này trong 6 tháng cuối năm 2012 sẽ giảm thu ngân sách nhà nước từ 1.900 - 2.000 tỷ đồng. Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng luôn ở mức thấp, đồng thời từ tháng 5/2012, mức lương tối thiểu của người lao động đã được điều chỉnh tăng.
Để có thêm căn cứ xem xét, quyết định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã lấy phiếu xin ý kiến và chỉ có 55/361 đại biểu (chiếm 15,24%) không tán thành việc miễn thuế.
Tiếp thu ý kiến của đa số, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, trong bối cảnh hiện nay, nên miễn thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 trong 6 tháng cuối năm 2012 vì: mặc dù mức lương tối thiểu của người lao động đã được điều chỉnh tăng, song trên thực tế, vẫn còn ở mức rất thấp. Mặt khác, giá cả nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn ở mức cao và đời sống của các đối tượng thuộc diện nộp thuế đang gặp nhiều khó khăn. Việc cắt giảm tối đa chi tiêu đã đẩy nền kinh tế đứng trước tình trạng thiểu phát, sản xuất ngưng trệ. Vì vậy, giải pháp miễn thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Mặt khác, theo ước tính, nếu miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế này ở bậc 1 trong 6 tháng cuối năm thì chỉ giảm thu khoảng 1.900 - 2.000 tỷ đồng, song việc miễn thuế sẽ tạo động lực kích thích tiêu dùng, qua đó góp phần tăng thu từ các khoản thuế khác, từ sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn bù đắp số hụt thu.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, việc miễn thuế thu nhập cá nhân, bên cạnh góp phần giải quyết một phần khó khăn về kinh tế còn mang ý nghĩa động viên lớn đối với người dân; thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước trong việc cùng góp sức giúp người lao động vượt qua khó khăn.
Vì vậy, Ủy ban đề nghị thực hiện việc miễn thuế thu nhập đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế ở bậc 1 từ 1/7/2012 đến hết ngày 31/12/2012. Trường hợp do miễn thuế thu nhập cá nhân dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước so với dự toán năm 2012 mà vẫn phải bảo đảm chi theo dự toán đã được Quốc hội quyết định thì Chính phủ báo cáo Quốc hội theo Luật Ngân sách.
Theo Nguyên Thảo
VnEconomy
|
Ngày đăng :
20/06/2012 - 8:47 AM
Dự kiến 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch nhập khẩu giảm 8,6%, trong đó nhập khẩu địa phương giảm 4,4%.
Theo Cục thống kê Hà Nội, tháng 6/2012 so tháng trước, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 3,4%, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 2,4%.
Tuy nhiên, so với cùng tháng năm trước, thì kim ngạch xuất khẩu tháng Sáu năm 2012 giảm 1,8%.
Dự kiến 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 9,2%.
Có 8/11 ngành hàng trong tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2012 tăng so cùng kỳ là: linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (tăng 34,5%), dây điện và dây cáp điện (tăng 32,6%), hàng thủ công mỹ nghệ (tăng 26,9%), xăng dầu (tăng 23,8%), hàng điện tử (tăng 23,2%), thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh (tăng 5%)...
Có 3 nhóm ngành xuất khẩu giảm là: hàng nông sản (giảm 18,4%), giày dép và sản phẩm từ da (giảm 16%), than đá (giảm 37,9%).
Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tháng 6/2012 tăng 0,6% so tháng trước, trong đó, nhập khẩu địa phương giảm 0,4%.
Dự kiến 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch nhập khẩu giảm 8,6%, trong đó nhập khẩu địa phương giảm 4,4%.
Kim ngạch nhập khẩu giảm ở tất cả các khu vực kinh tế, trong đó giảm mạnh nhất ở khu vực nhà nước (giảm 11,1%), khu vực ngoài nhà nước giảm 7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,8%.
Kim ngạch nhập khẩu giảm so cùng kỳ cũng do nguyên nhân việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa phục hồi hoàn toàn.
Theo TTVN/Cục thống kê TP. Hà Nội
|
Ngày đăng :
19/06/2012 - 9:31 AM
Chiều 18/6, sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, Quốc hội đã thông qua 5 dự án luật, bộ luật với đa số phiếu tán thành.
Theo đó, 5 dự luật, gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi (92,99% tán thành), Luật Phòng, chống rửa tiền (93,19% tán thành), Luật Giáo dục đại học (84,57%) và hai dự khác là Luật phòng, chống tác hại của thuốc là và Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng đã được Quốc hội thông qua.
Trước đó, trong phần báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với hai dự luật Phòng chống rửa tiền và Bảo hiểm tiền gửi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, sau khi trình lấy ý kiến các đại biểu, cơ quan soạn thảo, thẩm tra hai dự luật trên đã tiếp thu nghiêm túc những ý kiến đóng góp xác đáng của các đại biểu.
Đối với Luật Bảo hiểm tiền gửi, có ba nội dung quan trọng của dự thảo luật đã được Quốc hội thông qua, gồm: đối tượng được bảo hiểm tiền gửi là tiền gửi của cá nhân. Đối với loại tiền được bảo hiểm, Quốc hội đã thống nhất chỉ bảo hiểm đối với các khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam như quy định như trong dự thảo.
Với một số nội dung khác như mô hình của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, mức phí và hạn mức chi trả bảo hiểm, Quốc hội đã thống nhất giao cho Thủ tướng quy định, quyết định cả 3 nội dung trên, trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với Luật Bảo hiểm tiền gửi, có hai nội dung quan trọng đã được thông qua, đó là “mức giá trị giao dịch phải báo cáo” và “giao dịch đáng ngờ”.
Cả hai nôi dung này cũng đã được Quốc hội thống nhất giao Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ. Riêng với “giao dịch đáng ngờ” sẽ căn cứ yêu cầu của công tác phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 điều 22 của Luật.
Nội dung đáng chú ý Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được thông qua là nâng thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ từ 4 lên 6 tháng trước và sau khi sinh. Các quy định về tuổi nghỉ hưu, số giờ lao động trong tuần... vẫn được giữ nguyên như quy định hiện hành.
Đối với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quốc hội đã thống nhất xử lý hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm công cộng, trong đó có quy định trách nhiệm của ngành công an trong xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thống nhất phương án Quỹ hình thành từ khoản đóng góp bắt buộc của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá. Cùng với đó là lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ tăng và phải chiếm 60-80% giá bán lẻ (hiện nay mới chỉ 45%).
Theo Bảo Anh
VnEconomy
|
Ngày đăng :
18/06/2012 - 10:13 AM
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, từ nay đến cuối năm, NSNN sẽ rót vào nền kinh tế khoảng 21.000 tỷ đồng/ tháng
Kinh tế - Chính Trị - Xã Hội:
- Sau 5 năm thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương, giai đoạn 2008-2012, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu, tăng 233% nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu.
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, nợ đọng Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) đang ở mức báo động: nợ BHXH hơn 6.491 tỷ đồng và nợ BHYT hơn 2.171 tỷ đồng.
- Trong 6 tháng đầu năm nay, TPHCM có gần 2.500 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh mà không khai báo với cơ quan thuế. Những trường hợp này được xem như là bỏ trốn hoặc mất tích.
- Từ vị trí hấp dẫn nhất thế giới năm 2008, Việt Nam “rớt hạng” liên tục trong mấy năm qua và đến năm 2012 đã ra khỏi Top 30 bảng xếp hạng thị trường bán lẻ hấp dẫn
- Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng nhìn nhận, Việt Nam cần khoảng 7 tỷ USD để mua lại nợ xấu như phương án thứ nhất của Mỹ.
Nếu để ngân hàng tự bán nợ xấu sẽ gây thiệt hại thêm bởi với chất lượng nợ như vậy, tỷ lệ chiết khấu rất cao, có thể lên tới 80%-90%.
- Theo phân tích của các chuyên gia tại VCBS, lạm phát đến cuối quý II/2012 so với cùng kỳ quanh mức 8%. Nếu cung tiền cuối Quý 2.2012 chỉ tăng khoảng 10%, thì lạm phát hết quý III dự báo sẽ chỉ tăng khoảng 5,2% so với cùng kỳ.
- Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) rà soát số tiền lãi từ hoạt động dầu khí, bởi có dấu hiệu PVN đã “bỏ quên” tới trên 19.000 tỉ đồng phải nộp vào ngân sách.
- Kết thúc 2,5 ngày chất vấn, trả lời chất vấn, trong chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội thứ ba. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý vấn đề đầu tiên đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư là tập trung mọi nguồn lực của cả nước.
Phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý.
+ Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về Vinalines, hiện nay tình hình tài chính của Vinalines rất khó khăn, nợ phải trả là 43.135 tỉ đồng (nợ ngắn hạn 9.309 tỉ đồng, nợ dài hạn 33.826 tỉ đồng).
+ Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, từ nay đến cuối năm, NSNN sẽ rót vào nền kinh tế khoảng 21.000 tỷ đồng/ tháng.
+ GDP năm 2012 được Bộ Kế hoạch-Đầu tư dự báo là 5-5,5%
+ Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về xóa bỏ sự độc quyền của ngành xăng dầu và điện trong thời gian qua. Bộ trưởng Nguyễn Huy Hoàng trả lời, không có cơ sở để kết luận có sự tác động của nhóm lợi ích trong ngành xăng dầu.
Đầu tư:
- Đến nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Bắc đã thu hút trên 3.000 dự án trong và ngoài nước, đạt hơn 40 tỷ USD.
- TP.Cần Thơ đang đầu tư 90,3 triệu USD thực hiện tiểu dự án nâng cấp đô thị tại địa phương, trong tổng vốn đầu tư có 69,9 triệu USD vay từ Ngân hàng thế giới, vốn đối ứng của Chính phủ là 20,4 triệu USD.
- Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả - Quốc lộ 1 được xây dựng theo hình thức BOT và BT với chiều dài 13,4km và tổng mức đầu tư là 15.603 tỷ đồng.
Hồng Cúc
Theo TTVN
|
Ngày đăng :
15/06/2012 - 8:49 AM
Nợ được đầu tư vào tàu biển và các dự án cảng biển (chủ yếu là cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải), kho bãi và sửa chữa tàu là 34.552 tỉ đồng. Nợ quá hạn của Vinalines là 207 tỉ đồng.
Tình hình Vinalines
Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về Vinalines. Theo đó, hiện nay tình hình tài chính của Vinalines rất khó khăn. Đến cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu là 9.411 tỉ đồng, tổng tài sản là 55.853 tỉ đồng, nợ phải trả là 43.135 tỉ đồng (nợ ngắn hạn 9.309 tỉ đồng, nợ dài hạn 33.826 tỉ đồng).
Trong đó, nợ được đầu tư vào tàu biển và các dự án cảng biển (chủ yếu là cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải), kho bãi và sửa chữa tàu là 34.552 tỉ đồng. Nợ quá hạn của Vinalines là 207 tỉ đồng.
Báo cáo cho hay Vinalines vay khá nhiều vốn để đầu tư nhưng chưa phát huy được hiệu quả, dẫn đến chi phí cao, nợ nhiều... Trong giai đoạn suy thoái, Vinalines vẫn tiếp tục đầu tư đội tàu, mở rộng quy mô, đầu tư mạnh trong lĩnh vực cảng biển, trong khi nguồn lực cần thiết không đáp ứng yêu cầu... Công tác giám sát, hậu kiểm ở cấp bộ và tổng công ty trong thời gian qua chưa được chú trọng, chưa hỗ trợ hoạt động điều hành và quản trị của toàn tổng công ty.
Tổ chức sản xuất chưa hợp lý, một số doanh nghiệp vận tải biển thành lập quá nhiều đầu mối, đầu tư sang lĩnh vực khác (Công ty cổ phần Vận tải dầu khí thành lập nhiều công ty con/cháu, công ty mẹ đầu tư vào bất động sản, chứng khoán không đem lại hiệu quả).
Nội bộ mất đoàn kết kéo dài và sai phạm, tiêu cực trong quản lý, sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo Vinalines không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đầu tư xây dựng dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, gây thiệt hại về kinh tế... Về dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép Vinalines được triển khai lập báo cáo đầu tư xây dựng (bằng nguồn vốn tự huy động) theo đúng các quy định hiện hành... Tổng công ty không thực hiện đúng chỉ đạo này.
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Vinalines xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu toàn diện tổng công ty, tập trung vào ba nhóm kinh doanh chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ; xác định quy mô hợp lý đối với từng nhóm phù hợp với điều kiện của tổng công ty và thị trường.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng báo cáo dù cung cấp nhiều thông tin nhưng thông tin mà đại biểu quan tâm nhất là về những sai phạm trong triển khai các dự án, trách nhiệm của các cá nhân, biện pháp xử lý và khắc phục những sai phạm ở Vinalines đều không có hoặc chưa rõ ràng. “Nhất là việc mua ụ nổi, rõ ràng là có sai phạm từ khâu lọc đến khâu tổ chức thực hiện. Thế nhưng báo cáo lại hầu như không đề cập. Báo cáo như vậy là chưa rõ và chưa thể làm cử tri hài lòng”. Theo ông Hùng. những sai phạm này phải được nói rõ hơn, đồng thời Chính phủ phải đề ra những biện pháp xử lý và khắc phục để nhân dân thấy rõ hơn quyết tâm của Chính phủ trong vụ việc này.
Theo V.V.Thành - Viễn Sự
Tuổi trẻ
|