FDI giảm sút, nhìn từ những lĩnh vực “đặc thù”

Ngày đăng : 26/06/2012 - 2:01 PM

 

 

Dòng vốn FDI trên toàn cầu đang giảm sút đáng kể, khiến cho các nước tiếp nhận phải thay đổi chính sách tiếp nhận nếu không muốn “tụt hậu”, nhất là trong những lĩnh vực đặc thù.

 

Nhiều năm nay, Việt Nam vẫn liên tục kêu gọi đầu tư nước ngoài vào ngành điện, một ngành được coi là “đặc thù” của Việt Nam. Kết quả đạt được không nhiều, dẫu cho trong năm 2011, đã có hai dự án quan trọng được cấp phép là nhiệt điện Mông Dương II và nhiệt điện Hải Dương.

Những hồ hởi từ hai dự án này rõ ràng không thể che đậy một thực tế là đầu tư nước ngoài vào ngành điện rất hạn chế, mặc dù theo Tổng sơ đồ phát triển điện quốc gia 7 cho giai đoạn 2011-2020, tổng vốn đầu tư cần thiết cho giai đoạn 2011-2030 ước tính khoảng 2.359 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 123,8 tỷ USD, một con số nằm ngoài khả năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Các nhà đầu tư trong nước khác thì không phải ai cũng có tiềm năng. “Máu mặt” nhất là Petro Việt Nam thì gần đây đã nhận được chỉ đạo từ Chính phủ về việc “tập trung vào nhiệm vụ chính”, hơn nữa bản thân tập đoàn này cũng không sẵn vốn trong bối cảnh hiện nay.

Vấn đề là, ngay cả khi Việt Nam có muốn kêu gọi đầu tư nước ngoài, thì tình hình kinh tế ở châu Âu và những khó khăn khác của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng châu Âu, sẽ giảm quy mô tín dụng dành cho các dự án ở châu Á.

“Theo một trong những ngân hàng tài trợ dự án hàng đầu cho biết, nhiều khả năng mỗi năm sẽ có thể chỉ có một một dự án điện được họ cấp vốn ở châu Á”, ông Tony Foster, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực điện ở Việt Nam, nói.

Chuyên gia này cho rằng, Việt Nam muốn là nước có được dự án này thì phải có những đề án hấp dẫn về mặt thương mại với nhà đầu tư, nhà tài trợ nước ngoài. Để đạt mục tiêu đó, các dự án sẽ phải đảm bảo mức lợi nhuận chấp nhận được và sự ổn định pháp lý cho các nhà đầu tư, tài trợ nước ngoài. 

Hơn bao giờ hết, chi phí đầu tư là thứ đang được đặt lên bàn cân. Hiện tại, hình thức BOT đang được các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện “yêu thích”, và mặc dù theo quy chế về dự án BOT, các doanh nghiệp BOT không phải trả tiền thuê đất. Tuy nhiên, dự án BOT vẫn phải chịu một số loại chi phí đáng kể liên quan đến đất đai, trong đó “nặng” nhất là chi phí giải phóng mặt bằng.

Dự án nhiệt điện Mông Dương II của Tập đoàn AES là một trường hợp khá đặc biệt khi được cấp đất đã giải phóng mặt bằng. Nhưng không phải ai cũng được may mắn như Mông Dương II. Thông thường, những dự án điện khác phải tự chịu chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí này có thể lên tới trên 50 triệu USD.

Một vấn đề khác là đa số các nhà máy nhiệt điện than có trong danh sách Tổng sơ đồ điện 7 được dự kiến sẽ sử dụng than nhập khẩu. Do lệ thuộc vào than nhập khẩu nền các nhà máy điện tương lai của Việt Nam sẽ chịu sự ảnh hưởng của biến động giá than.

Trong bối cảnh đang có tin đồn về việc chính phủ Inđonesia hạn chế xuất khẩu than, việc vận hành nhiều nhà máy trong số 45 nhà máy điện ở danh sách trên sẽ trở nên không kinh tế nếu giá than trên thị trường quốc tế tăng mạnh.

Trong khi đó, với lĩnh vực công nghệ cao, các nhà đầu tư cũng đang bày tỏ những lo lắng nhất định. Chẳng hạn dự án của First Solar tại Thành phố Hồ Chí Minh buộc phải bỏ dở vì giá trên toàn cầu của loại tấm thu điện năng lượng mặt trời mà dự án dự kiến sản xuất giảm từ 90 USD xuống còn 30 USD một tấm trong vòng vài tháng, do trợ cấp từ các nước xuất khẩu. 

Theo lý giải của nhà đầu tư, điều này đã làm mất đi tính khả thi của dự án và dự án đã bị bỏ dở. 

First Solar hẳn cũng đã rất tiếc nuối vì trên thực tế họ cũng đã bỏ ra khá nhiều công sức và tiền bạc để thúc đẩy dự án quan trọng này, và việc phải dừng dự án cũng là chuyện chẳng đặng đừng.

Không tuyên bố rõ ràng như First Solar, song sự chần chừ của tập đoàn Foxconn, một trong những “niềm hy vọng” của lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam trong việc triển khai các dự án mới cũng được giới đầu tư đặc biệt chú ý.

5 năm trước, khi bắt đầu vào Việt Nam, Foxconn tuyên bố đầu tư ít nhất 5 tỷ USD vào một chuỗi dự án công nghệ cao và ngay sau tuyên bố đó là hàng loạt thỏa thuận được ký kết với các tỉnh thành.

Nhưng cho đến nay, ngoài nhà máy tại Bắc Ninh đang hoạt động, thì tại các tỉnh thành khác như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Định… các hoạt động của Foxconn vẫn cầm chừng và quy mô các dự án đã được cắt giảm đáng kể. Dường như sự thay đổi của thị trường các sản phẩm công nghệ đã và đang khiến nhà đầu tư này “nghĩ lại”.

Thời gian gần đây, Chính phủ liên tục nhận được các đề xuất “vượt khung” từ các nhà đầu tư công nghệ cao, như trường hợp Samsung và Nokia mới đây. Tuy nhiên, làm gì để hài hòa giữa vấn đề thu hút đầu tư và lợi ích thực tế mà Việt Nam nhận được vẫn đang là bài toán khó cho các cấp quản lý.

Theo Hoài Ngân
VnEconomy

 

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

JPMorgan Chase “ngạc nhiên” với lạm phát của Việt Nam

Ngày đăng : 25/06/2012 - 6:02 PM

 

Ngân hàng JPMorgan Chase của Mỹ cho rằng, những con số thống kê lạm phát mới nhất của Việt Nam là “đáng ngạc nhiên theo hướng tích cực”.

Trong một báo cáo vừa ra, ngân hàng này cho biết, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong tháng 6 vừa qua là thấp hơn dự kiến. Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước, CPI của Việt Nam tăng 6,9%, so với mức dự báo 7,1% của JPMorgan Chase và mức 7,5% của giới chuyên gia nói chung.

Theo dự báo của JPMorgan Chase, với tốc độ tăng trưởng GDP đi vào ổn định thì các áp lực lạm phát cũng có thể sớm quay đầu tăng nhẹ sau một thời gian suy giảm. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng, trong trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục giảm, thì tốc độ lạm phát của Việt Nam hoàn toàn có thể giảm thêm.

JPMorgan Chase dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ giảm về mức 4,2% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 10 tới đây, rồi dần tăng trở lại. Tính cả năm, JPMorgan Chase cho rằng, lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 8,1%, so với mức 18,1% của năm 2011.

Chuyên gia của JPMorgan Chase cho rằng, lạm phát giảm tốc sẽ đem lại hai hiệu ứng tích cực.

Thứ nhất là chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng thêm, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đang yếu. Do lạm phát giảm nhanh, lãi suất thực tế ở Việt Nam đang ở mức cao nhất trong mấy năm, bất chấp lãi suất cơ bản giảm 400 điểm phần trăm trong vài tháng qua. Theo số liệu mà báo cáo đưa ra, lãi suất repo (trên thị trường mở) thực tế hiện đang thực dương 2,9%, thay vì mức âm 7,3% vào tháng 8 năm ngoái, trong khi lãi suất repo hiện là 10% so với mức 14% vào tháng 8 năm ngoái.

Thứ hai, lạm phát giảm tốc sẽ cải thiện cân bằng kinh tế vĩ mô và ổn định cán cân thanh toán của Việt Nam. Áp lực đối với cán cân thanh toán của Việt Nam thường xuất phát từ các dòng vốn ngắn hạn vốn dĩ rất nhạy cạm với lạm phát vì người dân dễ dàng dịch chuyển vốn giữa USD, VND và vàng. Nếu lạm phát thấp, các dòng vốn sẽ tiếp tục chảy vào các tài sản VND. Theo các tuyên bố chính thức, thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm nay đã lần đầu tiên tăng sau nhiều năm. JPMorgan Chase dự báo mức dự trữ này còn tiếp tục tăng thêm.

Theo An Huy 
VnEconomy


Quốc hội muốn miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1

Ngày đăng : 21/06/2012 - 9:35 AM

 

306/361 đại biểu Quốc hội qua phiếu xin ý kiến đã tán thành việc miễn thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 trong 6 tháng cuối năm nay.

 

Chiều 21/6, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012.



Đây là nội dung đã được thảo luận tại tổ và hội trường, với quan điểm còn khác nhau giữa Chính phủ, cơ quan thẩm tra và đại biểu ở một số nội dung cụ thể.



Tại báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết vừa được gửi đến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  cho biết, với đề nghị giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 cho một số đối tượng của Chính phủ, đa số ý kiến tán thành. 



Đề nghị miễn thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012 đối với các đối tượng do Chính phủ đề xuất cũng được đa số ý kiến thuận, dù cơ quan thẩm tra không đồng ý.



Không có trong đề xuất của Chính phủ, song nhiều ý kiến của các vị đại biểu đã đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế này ở bậc 1 trong 6 tháng cuối năm 2012. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, không nên vì người có thu nhập tới mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 không phải là đối tượng khó khăn nhất, cần hỗ trợ hiện nay. Nếu miễn thuế cho các đối tượng này trong 6 tháng cuối năm 2012 sẽ giảm thu ngân sách nhà nước từ 1.900 - 2.000 tỷ đồng. Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng luôn ở mức thấp, đồng thời từ tháng 5/2012, mức lương tối thiểu của người lao động đã được điều chỉnh tăng.



Để có thêm căn cứ xem xét, quyết định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã lấy phiếu xin ý kiến và chỉ có 55/361 đại biểu (chiếm 15,24%) không tán thành việc miễn thuế.  



Tiếp thu ý kiến của đa số, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, trong bối cảnh hiện nay, nên miễn thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 trong 6 tháng cuối năm 2012 vì: mặc dù mức lương tối thiểu của người lao động đã được điều chỉnh tăng, song trên thực tế, vẫn còn ở mức rất thấp. Mặt khác, giá cả nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn ở mức cao và đời sống của các đối tượng thuộc diện nộp thuế đang gặp nhiều khó khăn. Việc cắt giảm tối đa chi tiêu đã đẩy nền kinh tế đứng trước tình trạng thiểu phát, sản xuất ngưng trệ. Vì vậy, giải pháp miễn thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. 



Mặt khác, theo ước tính, nếu miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế này ở bậc 1 trong 6 tháng cuối năm thì chỉ giảm thu khoảng 1.900 - 2.000 tỷ đồng, song việc miễn thuế sẽ tạo động lực kích thích tiêu dùng, qua đó góp phần tăng thu từ các khoản thuế khác, từ sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn bù đắp số hụt thu. 



Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, việc miễn thuế thu nhập cá nhân, bên cạnh góp phần giải quyết một phần khó khăn về kinh tế còn mang ý nghĩa động viên lớn đối với người dân; thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước trong việc cùng góp sức giúp người lao động vượt qua khó khăn. 



Vì vậy, Ủy ban đề nghị thực hiện việc miễn thuế thu nhập đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế ở bậc 1 từ 1/7/2012 đến hết ngày 31/12/2012. Trường hợp do miễn thuế thu nhập cá nhân dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước so với dự toán năm 2012 mà vẫn phải bảo đảm chi theo dự toán đã được Quốc hội quyết định thì Chính phủ báo cáo Quốc hội theo Luật Ngân sách.

 

Theo Nguyên Thảo
VnEconomy

 


Tp. Hà Nội: Xuất khẩu 6 tháng tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước

Ngày đăng : 20/06/2012 - 8:47 AM

 

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch nhập khẩu giảm 8,6%, trong đó nhập khẩu địa phương giảm 4,4%.

 

Theo Cục thống kê Hà Nội, tháng 6/2012 so tháng trước, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 3,4%, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 2,4%.

 

Tuy nhiên, so với cùng tháng năm trước, thì kim ngạch xuất khẩu tháng Sáu năm 2012 giảm 1,8%.

 

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 9,2%.

 

Có 8/11 ngành hàng trong tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2012 tăng so cùng kỳ là: linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (tăng 34,5%), dây điện và dây cáp điện (tăng 32,6%), hàng thủ công mỹ nghệ (tăng 26,9%), xăng dầu (tăng 23,8%), hàng điện tử (tăng 23,2%), thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh (tăng 5%)...

 

Có 3 nhóm ngành xuất khẩu giảm là: hàng nông sản (giảm 18,4%), giày dép và sản phẩm từ da (giảm 16%), than đá (giảm 37,9%).

 

Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tháng 6/2012 tăng 0,6% so tháng trước, trong đó, nhập khẩu địa phương giảm 0,4%.

 

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch nhập khẩu giảm 8,6%, trong đó nhập khẩu địa phương giảm 4,4%.

 

Kim ngạch nhập khẩu giảm ở tất cả các khu vực kinh tế, trong đó giảm mạnh nhất ở khu vực nhà nước (giảm 11,1%), khu vực ngoài nhà nước giảm 7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,8%.

 

Kim ngạch nhập khẩu giảm so cùng kỳ cũng do nguyên nhân việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa phục hồi hoàn toàn.

Theo TTVN/Cục thống kê TP. Hà Nội

 


Quốc hội thông qua 5 dự luật quan trọng

Ngày đăng : 19/06/2012 - 9:31 AM

 

 

Chiều 18/6, sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, Quốc hội đã thông qua 5 dự án luật, bộ luật với đa số phiếu tán thành.

Theo đó, 5 dự luật, gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi (92,99% tán thành), Luật Phòng, chống rửa tiền (93,19% tán thành), Luật Giáo dục đại học (84,57%) và hai dự khác là Luật phòng, chống tác hại của thuốc là và Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng đã được Quốc hội thông qua.

Trước đó, trong phần báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với hai dự luật Phòng chống rửa tiền và Bảo hiểm tiền gửi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, sau khi trình lấy ý kiến các đại biểu, cơ quan soạn thảo, thẩm tra hai dự luật trên đã tiếp thu nghiêm túc những ý kiến đóng góp xác đáng của các đại biểu.

Đối với Luật Bảo hiểm tiền gửi, có ba nội dung quan trọng của dự thảo luật đã được Quốc hội thông qua, gồm: đối tượng được bảo hiểm tiền gửi là tiền gửi của cá nhân. Đối với loại tiền được bảo hiểm, Quốc hội đã thống nhất chỉ bảo hiểm đối với các khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam như quy định như trong dự thảo.

Với một số nội dung khác như mô hình của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, mức phí và hạn mức chi trả bảo hiểm, Quốc hội đã thống nhất giao cho Thủ tướng quy định, quyết định cả 3 nội dung trên, trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với Luật Bảo hiểm tiền gửi, có hai nội dung quan trọng đã được thông qua, đó là “mức giá trị giao dịch phải báo cáo” và “giao dịch đáng ngờ”.

Cả hai nôi dung này cũng đã được Quốc hội thống nhất giao Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ. Riêng với “giao dịch đáng ngờ” sẽ căn cứ yêu cầu của công tác phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 điều 22 của Luật.

Nội dung đáng chú ý Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được thông qua là nâng thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ từ 4 lên 6 tháng trước và sau khi sinh. Các quy định về tuổi nghỉ hưu, số giờ lao động trong tuần... vẫn được giữ nguyên như quy định hiện hành.

Đối với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quốc hội đã thống nhất xử lý hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm công cộng, trong đó có quy định trách nhiệm của ngành công an trong xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thống nhất phương án Quỹ hình thành từ khoản đóng góp bắt buộc của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá. Cùng với đó là lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ tăng và phải chiếm 60-80% giá bán lẻ (hiện nay mới chỉ 45%).

Theo Bảo Anh
VnEconomy

 


Tổng hợp kinh tế vĩ mô tuần từ 11/06 – 17/06

Ngày đăng : 18/06/2012 - 10:13 AM

 

 

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, từ nay đến cuối năm, NSNN sẽ rót vào nền kinh tế khoảng 21.000 tỷ đồng/ tháng

 

Kinh tế - Chính Trị - Xã Hội:

 

-  Sau 5 năm thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương, giai đoạn 2008-2012, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu, tăng 233% nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu.

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, nợ đọng Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) đang ở mức báo động: nợ BHXH hơn 6.491 tỷ đồng và nợ BHYT hơn 2.171 tỷ đồng.

 

- Trong 6 tháng đầu năm nay, TPHCM có gần 2.500 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh mà không khai báo với cơ quan thuế. Những trường hợp này được xem như là bỏ trốn hoặc mất tích.

 

- Từ vị trí hấp dẫn nhất thế giới năm 2008, Việt Nam “rớt hạng” liên tục trong mấy năm qua và đến năm 2012 đã ra khỏi Top 30 bảng xếp hạng thị trường bán lẻ hấp dẫn

 

- Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng nhìn nhận, Việt Nam cần khoảng 7 tỷ USD để mua lại nợ xấu như phương án thứ nhất của Mỹ.

 

Nếu để ngân hàng tự bán nợ xấu sẽ gây thiệt hại thêm bởi với chất lượng nợ như vậy, tỷ lệ chiết khấu rất cao, có thể lên tới 80%-90%. 

 

- Theo phân tích của các chuyên gia tại VCBS, lạm phát đến cuối quý II/2012 so với cùng kỳ quanh mức 8%. Nếu cung tiền cuối Quý 2.2012 chỉ tăng khoảng 10%, thì lạm phát hết quý III dự báo sẽ chỉ tăng khoảng 5,2% so với cùng kỳ

 

- Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) rà soát số tiền lãi từ hoạt động dầu khí, bởi có dấu hiệu PVN đã “bỏ quên” tới trên 19.000 tỉ đồng phải nộp vào ngân sách.

 

- Kết thúc 2,5 ngày chất vấn, trả lời chất vấn, trong chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội thứ ba. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý vấn đề đầu tiên đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư là tập trung mọi nguồn lực của cả nước.

 

Phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý.

 

+ Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về Vinalines, hiện nay tình hình tài chính của Vinalines rất khó khăn, nợ phải trả là 43.135 tỉ đồng (nợ ngắn hạn 9.309 tỉ đồng, nợ dài hạn 33.826 tỉ đồng) 

 

+ Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, từ nay đến cuối năm, NSNN sẽ rót vào nền kinh tế khoảng 21.000 tỷ đồng/ tháng. 

 

GDP năm 2012 được Bộ Kế hoạch-Đầu tư dự báo là 5-5,5%


Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về xóa bỏ sự độc quyền của ngành xăng dầu và điện trong thời gian qua. Bộ trưởng Nguyễn Huy Hoàng trả lời, không có cơ sở để kết luận có sự tác động của nhóm lợi ích trong ngành xăng dầu. 

 

Đầu tư:

 

- Đến nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Bắc đã thu hút trên 3.000 dự án trong và ngoài nước, đạt hơn 40 tỷ USD.

 

TP.Cần Thơ đang đầu tư 90,3 triệu USD thực hiện tiểu dự án nâng cấp đô thị tại địa phương, trong tổng vốn đầu tư có 69,9 triệu USD vay từ Ngân hàng thế giới, vốn đối ứng của Chính phủ là 20,4 triệu USD.

 

- Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả - Quốc lộ 1 được xây dựng theo hình thức BOT và BT với chiều dài 13,4km và tổng mức đầu tư là 15.603 tỷ đồng.

Hồng Cúc

Theo TTVN

 

 


 

Tin mới cập nhật