Cú sốc lớn và hai chữ “uy tín” của HSBC

Ngày đăng : 19/07/2012 - 6:50 PM

 

Cú sốc lớn và hai chữ “uy tín” của HSBC 

Một lần nữa, vấn đề uy tín của ngành ngân hàng trong việc ngăn chặn nạn rửa tiền lại được gióng lên.

 

Ban giám đốc Ngân hàng HSBC đã nhận lỗi trước Quốc hội Mỹ về việc biến chi nhánh tại nước này thành nơi lưu chuyển tiền cho các trùm ma túy Mexico lẫn những thế lực ở Iran và Syria. Một lần nữa, vấn đề uy tín của ngành ngân hàng trong việc ngăn chặn nạn rửa tiền lại được gióng lên.

 

Tại phiên điều trần hôm 17/7 trước Thượng viện Mỹ, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành HSBC tại Mỹ, bà Irene Dorner thừa nhận rằng ngân hàng này đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Ban lãnh đạo HSBC cũng cho biết, ngân hàng chấp nhận các cáo buộc và nỗ lực hết sức để giải quyết hậu quả. Và như để trả giá cho sai phạm này, Giám sát trưởng HSBC toàn cầu David Bagley, tuyên bố từ chức.

 

Ông Bagley là một trong 6 lãnh đạo của HSBC phải ra điều trần trước Ủy ban Điều tra thường trực của Thượng viện Mỹ, sau khi cơ quan này đưa ra báo cáo điều tra dài 335 trang, mô tả những thất bại về tuân thủ trong suốt 10 năm của ngân hàng HSBC. Trọng tâm của cuộc điều tra là các hoạt động của chi nhánh HSBC tại Mỹ, có trụ sở chính tại thành phố New York.

 

Theo kết quả điều tra, HSBC đã cung cấp đường dẫn cho các hệ thống rửa tiền của các trùm ma túy và một số quốc gia hiện đang bị Mỹ áp đặt cấm vận và trừng phạt. Ủy ban điều tra của Thượng viện Mỹ phát hiện tình trạng kiểm soát yếu kém tại HSBC đã cho phép các nhóm tội phạm tuồn hàng tỷ USD từ nhiều nước vào Mỹ qua ngân hàng này.

 

Các nhà lập pháp đã thẳng thừng chỉ trích lãnh đạo HSBC và các quan chức Bộ Tài chính Mỹ vì không thể kiểm soát hoạt động rửa tiền. Điều nghiêm trọng hơn là, ngân hàng này đã phớt lờ lệnh cấm vận của Mỹ với Iran. Các lãnh đạo cấp cao của HSBC đều biết về “các giao dịch bị che đậy với Iran” ngay từ năm 2001 nhưng vẫn để cho việc này diễn ra đến tận năm 2007 với hàng nghìn giao dịch thực hiện trót lọt.

 

Trong các giao dịch này, thông tin liên quan đến Iran trên chứng từ đều bị xóa sạch. Số liệu thống kê cho thấy HSBC đã thực hiện gần 25.000 giao dịch chuyển tiền USD với Iran thông qua các ngân hàng nước ngoài không phải của Iran. Theo đó những khoản tiền đáng ngờ được chuyển từ nước ngoài về Mỹ sau đó được chuyển ngược trở lại ra nước ngoài.

 

Báo cáo của Thượng viện Mỹ cũng kết luận rằng Ủy ban Lập pháp ngân hàng Mỹ, cơ quan kiểm định tiền tệ của nước này, đã thất bại trong việc kiểm soát HSBC. Phát biểu tại buổi điều trần, ông David Bagley thừa nhận thất bại trong việc thực thi những quy định chống rửa tiền. “Tôi thừa nhận chúng tôi đã thất bại trong một số lĩnh vực", ông này nói.

 

Còn theo lời Chủ tịch HSBC tại Mỹ Irene Dorner, "chúng tôi cảm thấy hối tiếc sâu sắc và xin lỗi vì HSBC đã không thể đáp ứng những yêu cầu của cơ quan quản lý, các khách hàng, nhân viên và công chúng nói chung”.

 

Chủ tịch Ủy ban Điều tra thường trực của Thượng viện Mỹ, Carl Levin, hoan nghênh những nỗ lực sửa sai của lãnh đạo HSBC. Tuy nhiên, ông cho rằng sai lầm mang tính hệ thống của ngân hàng khổng lồ này có thể ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống ngân hàng Mỹ. “Những lời xin lỗi và cam kết củng cố lại quy định giao dịch hoàn toàn được khuyến khích. Tuy nhiên, uy tín, cái quan trọng nhất, đã bị đánh mất”, ông nói.

 

Theo các nguồn tin quốc tế, ngân hàng HSBC sẽ bị Bộ Tư pháp Mỹ tiếp tục điều tra và có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt khổng lồ. Con số này sẽ lớn hơn nhiều so với 619 triệu USD tiền phạt mà một ngân hàng Hà Lan phải trả tháng trước vì mắc phải những sai phạm tương tự. Một số chuyên gia nhận định, khoản tiền phạt mà HSBC phải gánh có thể sẽ lên tới 1 tỷ USD.

 

Chuyên gia phân tích Mike Trippitt tại Hãng chứng khoán Oriel cho hay, khoản tiền phạt 1 tỷ USD tương đương 5% lợi nhuận trước thuế dự kiến của HSBC năm 2012 và chắc chắn sẽ làm giảm đáng kể giá cổ phiếu ngân hàng này. Đáng chú ý, vụ bê bối của HSBC xảy ra chỉ vài tuần sau khi Barclays bị phạt kỷ lục vì thao túng lãi suất và cựu CEO Robert Diamond bị thẩm vấn tại Anh.

 

Theo Hoài An

VnEconomy

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Hà Nội: CPI tháng 7 tiếp tục giảm 0,29% so với tháng trước

Ngày đăng : 19/07/2012 - 6:32 PM

 

Hà Nội: CPI tháng 7 tiếp tục giảm 0,29% so với tháng trước

 

Đây là tháng thứ 3 trong năm chỉ số giá tiêu dùng giảm so tháng trước và cũng là tháng có mức giảm cao nhất từ đầu năm đến nay.

 

Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tiếp tục giảm so với tháng trước, giảm 0,29% so tháng trước và tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 3 trong năm chỉ số giá tiêu dùng giảm so tháng trước và cũng là tháng có mức giảm cao nhất từ đầu năm đến nay.

Tháng này có 8 nhóm hàng tăng so tháng trước, tăng cao nhất là nhóm hàng may mặc, mũ nón, giầy dép (tăng 1,09%) và thiết bị đồ dùng gia đình (tăng 0,81%) 6 nhóm hàng còn lại tăng nhẹ.

Có 3 nhóm hàng giảm đã làm chỉ số giá chung giảm là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,21%); nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vât liệu xây dựng (giảm 1,2%), giảm mạnh nhất là nhóm hàng giao thông (giảm 2,9%) do giá xăng dầu giảm liên tục 2 lần trong thời gian vừa qua. Cụ thể:

Lương thực: Các mặt hàng lương thực giảm nhẹ, giá gạo tiếp tục giảm đã làm nhóm lương thực giảm 1,51% so tháng trước.

Thực phẩm: Giá thực phẩm giảm 0,57% so tháng trước, trong đó: giá thịt lợn giảm 5.000 – 7.000 đ/kg, các mặt hàng thịt bò, cá, hải sản, các loại rau... giá ổn định, một số loại quả do nhu cầu tiêu dùng trong dịp nắng đã tăng trở lại như: Cam sành và quýt miền nam ...

Một số mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giấy dép mùa hè, bát đĩa, xà phòng ... có xu hướng tăng nhẹ.

Giá gas: Từ đầu tháng, giá gas lại tiếp tục giảm từ 25.000 – 30.000 đ/bình 12 kg, hiện giá gas trên thị trường có giá dao động từ 310.000 – 320.000 đ/bình tùy hãng.

Khánh Linh

Theo TTVN/Cục thống kê Hà Nội


Kiểm toán nhà nước: DATC đối mặt nguy cơ mất vốn, thanh khoản kém

Ngày đăng : 19/07/2012 - 12:03 AM

 

Kiểm toán nhà nước: DATC đối mặt nguy cơ mất vốn, thanh khoản kém

  

Hệ số bảo toàn vốn năm 2010 (vốn chủ sở hữu năm 2010/vốn chủ sở hữu năm 2009) là 1,04%, rất thấp so với lạm phát năm 2010 (11,75%).

 

Sáng nay (ngày 17/7/2012) Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đang tổ chức họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2011.

Trong phần đánh giá báo cáo tóm tắt kết quả kiểm toám tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tổ chức tài chính ngân hàng, KTNN cho biết: Vẫn còn tình trạng tại nhiều đơn vị trong nhiều tháng không đạt mức tỷ lệ an toàn tối thiểu theo quy định của NHNN.

Đáng chú ý là Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ chính là mua bán nợ và đầu tư dài hạn tái cấu trúc cho doanh nghiệp, sử dụng vốn hiệu quả thấp; tiền gửi và cho vay không đúng chức năng nhiệm vụ, thanh khoản kém và có nguy cơ mất vốn.

Hệ số bảo toàn vốn năm 2010 (vốn chủ sở hữu năm 2010/vốn chủ sở hữu năm 2009) là 1,04%, rất thấp so với lạm phát năm 2010 (11,75%); tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu là 5,48% (thấp hơn năm trước), trong đó tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư vào công ty con là 5,2%, công ty liên doanh liên kết là 0,06%, đầu tư dài hạn khác là 2,8%.

KTNN cũng đánh giá, hoạt động mua bán nợ và tiếp nhận bàn giao tại DATC còn rất nhiều tồn tại.

Điển hình, DATC gửi tiền tại Công ty Cho thuê tài chính II Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ALC II) 110 tỷ đồng, cho vay công ty cà phê Ia Châm 27,39 tỷ đồng, cho vay CTCP Xây dựng Công trình 675 là 6 tỷ đồng… đến ngày 31/12/2011, các hợp đồng tiền gửi tại ALCII đã quá hạn trên 2 năm nhưng chỉ thu được 12,68 tỷ đồng tiền lãi, nguy cơ mất vốn ước tính trên 70 tỷ đồng.

Hay như việc DATC sử dụng nợ phải thu và tài sản tồn đọng đã mua để góp vốn thành lập CTCP Xi măng Bắc Kạn – DATC nhưng không thuê thẩm định giá, không xử lý tài chính đối với các khoản nợ và tài sản tồn đọng đã mua trước khi góp vốn. Trong khi đó, thực tế DATC cùng CTCP Xây dựng Thái Nguyên và Công ty Khoáng sản và Xây dựng Hà Nội định giá trị nợ và tài sản đảm bảo của CTCP Xây dựng Thái Nguyên do DATC do DATC đã mua làm căn cứ để DATC góp vốn 21,8 tỷ đồng, giảm so với giá trị sổ sách là 62,18 tỷ đồng.

Tại thời điểm tháng 3/2011 DATC đã xóa nợ 26,96 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Xây dựng Công trình 134 không căn cứ vào báo cáo tài chính năm 2010 là không đúng quy định về chức năng hoạt động của DATC.

Khánh Linh

Theo TTVN


Ngân hàng Khu vực đồng euro sẽ bị ECB giám sát

Ngày đăng : 17/07/2012 - 12:49 PM

 

Các ngân hàng Khu vực đồng euro sẽ bị ECB giám sát

  

Đây là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Christian Noyer công bố trên nhật báo "Handeslblatt" của Đức ra ngày 17/7.

 

Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể nhanh chóng thực hiện một cải cách quan trọng là giám sát các hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn trong Khu vực đồng euro.

 

Đây là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Christian Noyer công bố trên nhật báo "Handeslblatt" của Đức ra ngày 17/7.

 

Theo ông Noyer, ECB là một thể chế đáng tin cậy, có khả năng đảm nhận vai trò nói trên và có thể thực hiện vai trò này một cách nhanh chóng. Ông nhấn mạnh "nếu kế hoạch này được nhất trí ngày hôm nay thì nó có thể có hiệu lực ngay trong ngày mai". Tuy nhiên, ông Noyer cho rằng tất cả những gì Khu vực đồng euro đang cần là một kế hoạch giám sát toàn diện các ngân hàng trong khu vực, vì không chỉ những ngân hàng lớn nhất và có vai trò quan trọng nhất, mà cả những ngân hàng hạng vừa và nhỏ, cũng chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực này.

 

Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tháng 6 vừa qua, tổ chức này đã nhất trí thành lập một cơ quan điều phối ngân hàng tập trung quyền lực mới, chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động cải cách và tái cấp vốn cho các ngân hàng trong khu vực. 

 

Cơ quan này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngân hàng, thay vì thông qua các chính phủ, nhằm tránh gia tăng gánh nợ vốn đã quá tải của các ngân hàng. Theo kế hoạch, cơ quan điều phối mới sẽ bắt đầu hoạt động từ cuối năm nay, song các chi tiết liên quan thể chế này còn phải được thông qua, trong khi hầu hết các nước EU ủng hộ ECB đảm nhận vai trò giám sát các ngân hàng hơn là thành lập cơ quan điều phối mới.

 

Tại Đức, Ngân hàng trung ương nước này "Deutsche Bank" ngày 16/7 đã hạ dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2012 và 2013, chủ yếu do cuộc khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng euro. Theo đó, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 3,5% trong năm kế tiếp, thấp hơn mức dự báo trước đó lần lượt 0,3% và 0,4%.

 

"Deutsche Bank" cho rằng triển vọng kinh tế của Khu vực đồng euro và Mỹ giảm nhiều hơn mức trung bình trên toàn cầu, do tác động từ sự bất trắc ngày càng gia tăng liên quan đồng euro. Khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể sẽ là nền kinh tế duy nhất trên thế giới rơi vào suy thoái trong năm nay và gần như suy thoái trong năm 2013. "Deutsche Bank" cũng xác định một số nhân tố khác khiển thể chế này hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bao gồm tình trạng eo hẹp tài chính nhanh hơn dự kiến ở Mỹ và sự đình trệ trên thị trường lao động.

 

"Deutsche Bank" cũng hạ mức dự báo tăng trưởng đối với một số nền kinh tế mới nổi trên thế giới do chính sách siết chặt chi tiêu và các chính sách kích thích kinh tế "rụt rè."

 

Cũng trong ngày 16/7, Bộ trưởng Kinh tế và Cạnh tranh Tây Ban Nha Luis de Guindos cho biết Chính phủ nước này sẽ thực hiện những biện pháp cứng rắn trong thời gian trước mắt nhằm thúc đẩy tăng trưởng về trung và dài hạn.

 

Ông Guindos cho biết Tây Ban Nha cần cải thiện năng lực cạnh tranh và tất cả những biện pháp mới về lâu dài sẽ cải thiện được tình hình kinh tế ở "Xứ sở Bò Tót". Ông Guindos thừa nhận đã có một số sai sót trong quá trình cho ra đời đồng euro, song ông ca ngợi các quyết định mới đây nhất của lãnh đạo EU về thiết lập liên minh ngân hàng và tài chính giữa các nước thành viên của tổ chức này.

 

Tây Ban Nha đã cam kết cải cách khu vực ngân hàng và chấp nhận sự giám sát của EU đối với quá trình cải cách trên để được giải ngân phần cứu trợ đầu tiên trị giá 30 tỷ euro, trong gói cứu trợ 100 tỷ euro, vào cuối tháng này./.

 

Theo TTXVN


Thống đốc Ngân hàng sẽ giải trình về nợ xấu

Ngày đăng : 16/07/2012 - 9:44 PM

Thống đốc Ngân hàng sẽ giải trình về nợ xấu

Tại kỳ họp tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình và 3 Bộ trưởng khác dự kiến sẽ tham gia trả lời chất vấn về những vấn đề cử tri quan tâm.


Sáng 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII họp phiên thứ 9 nhằm xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ ba kết thúc cuối tháng 6 để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng kỳ họp thứ 4 diễn ra vào cuối năm. Đồng thời, theo Tờ trình của Ban Công tác đại biểu, dự kiến có thêm 4 thành viên Chính phủ tiếp tục tham gia trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 10 sắp tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khai mạc phiên họp thứ 9 Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

 

4 Bộ trưởng được ban công tác dự kiến là Chánh án TAND Tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, trong đó phần trả lời của người đứng đầu ngành ngân hàng được đặc biệt quan tâm.

Về nội dung chất vấn, phần trả lời của Thống đốc Bình sẽ tập trung vào việc điều chỉnh lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khắc phục và giảm dần nợ xấu, chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn... Vấn đề cơ cấu lại hệ thống ngân hàng trong Đề án tái cấu trúc nền kinh tế cũng nằm trong nội dung dự kiến sẽ chất vấn người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước.

Câu chuyện nợ xấu ngân hàng đang được đặc biệt quan tâm khi mỗi báo cáo lại đưa ra một tỷ lệ khác nhau. Cuối năm 2011, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng là 3,39%. Báo cáo gần đây của các tổ chức tín dụng cho biết, đến ngày 31/5, nợ xấu là 4,47%. Tổ chức quốc tế - Fitch Rating cho rằng, con số nợ hiện là 13%. Ngày 7/6, tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra tỷ lệ 10%. Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2012, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - quyền Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 31/3 là 8,6% tương đương 202.000 tỷ đồng.

Cùng tham gia với Thống đốc, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh dự kiến cũng sẽ có phần phát biểu để làm rõ một số nội dung liên quan. Tại kỳ họp thứ 3 vừa qua của Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình không nằm trong danh sách đăng đàn trực tiếp nhưng cũng đã có phần trả lời để làm rõ một số nội dung liên quan đến chính sách tiền tệ.

Với các vị Bộ trưởng còn lại, nội dung chất vấn dự kiến trong phiên họp thứ 10 sẽ xoay quanh việc giải quyết các vụ án tồn đọng kéo dài, tình trạng chậm khắc phục án oan sai, hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách tại tập đoàn, tổng công ty, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật trong quản lý và thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, giải pháp thực hiện chính sách xã hội hóa lĩnh vực bảo trợ xã hội…

Riêng tại kỳ họp lần này, do chỉ diễn ra trong 2 ngày 16-17/7, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ xin chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; xây dựng lực lượng kiểm ngư, công tác nhân sự Kiểm toán Nhà nước...

Về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, diễn ra vào cuối năm, Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nên cần căn cứ vào tình hình trong nước, quốc tế để có đánh giá chính xác kết quả hai năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2010-2015. Kỳ họp này cũng có lượng lớn chương trình, dự án luật cần phải hoàn thành, đặc biệt là việc cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Đất đai - dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt cần được chuẩn bị thật tốt ngay từ thời điểm này.

Đề cập đến tầm quan trọng của việc cho ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng và việc chuẩn bị Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ phận liên quan cần tổng hợp tốt các nội dung, chuẩn bị kỹ lưỡng, có đánh giá tổng thể để các báo cáo đạt chất lượng cao.

Về việc cho ý kiến lần đầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 tại kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là công việc hết sức hệ trọng cần được thực hiện đúng kế hoạch tiến độ đề ra; trong đó thực hiện tốt việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

 Theo VNexpress


Điện sao tăng giá lúc này

Ngày đăng : 12/07/2012 - 8:51 AM

 

 

Khi nói về tác động của việc tăng giá điện, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng, sẽ không có tác động nhiều, vì doanh nghiệp nào sử dụng nhiều điện nhất, điện cũng chỉ chiếm 10% giá thành.

 

Nếu tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất, doanh nghiệp sẽ bù đắp được tác động từ giá điện.

 

Tuy nhiên, cách lý giải này, theo nhiều ông chủ doanh nghiệp, chỉ hợp lý trong bối cảnh thị trường đang diễn biến tích cực. Còn như hiện nay, doanh nghiệp đã có quá nhiều cái khó do tác động lạm phát liên miên, lãi suất cao, khó tiếp cận vốn, hàng hóa tồn kho lớn.

 

Hãy lấy một ví dụ: một doanh nghiệp sản xuất có số thuế giá trị gia tăng phải nộp mỗi tháng là 2 tỉ đồng. Nhờ chính sách giãn thuế giá trị gia tăng của Chính phủ, doanh nghiệp dùng 2 tỉ đồng tiền thuế chậm nộp ấy để bổ sung vốn lưu động và không phải vay 2 tỉ đồng từ ngân hàng nữa. Khi đó, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được 25 triệu đồng tiền lẽ ra phải trả lãi ngân hàng (nếu lãi suất là 15%/năm).

 

Cũng doanh nghiệp này, trước đây mỗi tháng dùng hết 2 tỉ đồng tiền điện. Với mức tăng giá điện 5%, mỗi tháng họ phải chi thêm 100 triệu đồng. Như vậy, trong khi giải pháp giãn thuế giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 25 triệu đồng/tháng, thì giá điện tăng khiến họ tốn thêm 100 triệu đồng/tháng. Tất nhiên đây chỉ là một so sánh tương đối, vì mỗi doanh nghiệp có lượng điện sử dụng khác nhau.

 

Tưởng có lý mà lại không

 

Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty thép ở Vĩnh Phúc (không muốn nêu tên) bức xúc với việc tăng giá điện lúc này. “Các mặt hàng điện, than, xăng, dầu là đầu vào quan trọng của sản xuất, nên cần đồng điệu theo chủ trương của Chính phủ. Nếu không, hầu hết con số khác đều giảm để cứu doanh nghiệp, nhưng chỉ cần một hai con số đi ngược lại thì không tạo hiệu ứng tâm lý tốt”, ông nói.

 

Ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sản phẩm xanh Việt Nam, cũng lo âu khi sản phẩm không bán được mà giá điện lại tăng. “Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất. Việc ngành điện thua lỗ đã xảy ra từ lâu nay, nếu chờ thêm một thời gian nữa hãy tăng giá bù lỗ cho ngành điện cũng không sao”, ông Lưu nói.

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng thời điểm này tăng giá điện là rất không hợp lý. Nghị quyết 13 đã đưa ra các giải pháp miễn giảm, giãn thuế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm lãi suất. Nhưng doanh nghiệp chưa kịp hưởng lợi, vì các chính sách này có độ trễ, thì đã phải chịu tác động ngay lập tức từ tăng giá điện. Bà Lan cũng nhấn mạnh đến việc người tiêu dùng đã chịu tác động của lạm phát cao, nên sức mua đã xuống thấp.

 

Nếu nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng qua chỉ tăng 2,52%, có thể việc tăng giá điện được xem là hợp lý. Thế nhưng, tưởng vậy mà lại không phải vậy. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc giảm chỉ số giá cả liên tục từ tháng 3 đến hết tháng 6 là do tổng cầu của nền kinh tế giảm, chứ không phải là do giảm chi phí.

 

Ông Lưu cũng đồng tình với quan điểm lạm phát giảm do cầu giảm chứ không hẳn do giảm giá. Ông cho biết, hiện nay, doanh số bán hàng quá thấp, nên để đủ chi phí điện, xăng, tiền thuê mặt bằng, doanh nghiệp không thể giảm giá bán hàng. Đó là lý do tại sao chỉ số giá tiêu dùng giảm mà không thấy giá hàng hóa giảm trên thực tế.

 

Giá điện sẽ còn tăng

 

Ông Lưu cho rằng vẫn còn dư địa để không tăng giá điện, miễn là kiểm soát được giá thành, chống được thất thoát, chứ không thể cứ nói lỗ là tăng giá. Điều cốt lõi theo ông Lưu là cần giải quyết bài toán cạnh tranh của ngành điện giống như ngành viễn thông trước đây. “Chúng ta đã giải quyết bài toán viễn thông rất giỏi. Người dân phải cảm ơn ông Mai Liêm Trực và ông Đỗ Trung Tá. Vậy tại sao điện và xăng dầu cứ nhùng nhằng độc quyền. Vấn đề là do Bộ trưởng. Không phải là khó mà là có muốn làm hay không”, ông nhận xét.

 

Một thông tin rất đáng chú ý là trong cơ cấu tính giá thành điện, thì tổn thất điện năng vẫn lên đến 10%. Đây là mức khá cao, mà nếu tiết giảm, sẽ giảm đáng kể chi phí giá thành điện.

 

Nhưng đó chỉ là cách suy luận của người tiêu dùng. Còn thực tế, có vẻ như giá điện sẽ vẫn tăng. Bởi mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương đã cảnh báo trước thời điểm tăng giá điện, đó là từ ngày 1.7 bắt đầu thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, nhưng có nguy cơ giá điện sẽ tăng. Lý do là các doanh nghiệp phát điện đều có xu hướng tăng giá chào bán điện, vì họ khó khăn về tài chính.

 

Bình luận về cảnh báo này, bà Phạm Chi Lan cho rằng cơ quan Nhà nước không nên nói giúp doanh nghiệp điện là họ khó khăn tài chính. Vì khó khăn tài chính là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay. “Nếu chỉ ngành điện được tăng giá do khó khăn tài chính thì các doanh nghiệp khác có khó khăn tài chính, ai sẽ là người gánh chịu. Chẳng lẽ các ngành đều đổ dồn giá tăng lên xã hội”, bà Lan nói.

 

Bên cạnh đó, bà Lan cho rằng thị trường điện cạnh tranh như hiện nay mang tính nửa vời. Bởi lẽ, cạnh tranh chỉ có ở khâu phát điện và làm gì có chuyện thị trường điện cạnh tranh khi vẫn chỉ có một người mua là Tập đoàn Điện lực. Từ góc nhìn này, bà Lan cho rằng chủ trương kéo dài đến năm 2022 mới có thị trường điện cạnh tranh để duy trì độc quyền chỉ làm lợi cho Tập đoàn Điện lực.

Theo Vũ Dũng

Nhipcaudautu

 

 


 

Tin mới cập nhật