Ngày đăng :
17/07/2012 - 12:49 PM
Các ngân hàng Khu vực đồng euro sẽ bị ECB giám sát
Đây là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Christian Noyer công bố trên nhật báo "Handeslblatt" của Đức ra ngày 17/7.
Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể nhanh chóng thực hiện một cải cách quan trọng là giám sát các hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn trong Khu vực đồng euro.
Đây là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Christian Noyer công bố trên nhật báo "Handeslblatt" của Đức ra ngày 17/7.
Theo ông Noyer, ECB là một thể chế đáng tin cậy, có khả năng đảm nhận vai trò nói trên và có thể thực hiện vai trò này một cách nhanh chóng. Ông nhấn mạnh "nếu kế hoạch này được nhất trí ngày hôm nay thì nó có thể có hiệu lực ngay trong ngày mai". Tuy nhiên, ông Noyer cho rằng tất cả những gì Khu vực đồng euro đang cần là một kế hoạch giám sát toàn diện các ngân hàng trong khu vực, vì không chỉ những ngân hàng lớn nhất và có vai trò quan trọng nhất, mà cả những ngân hàng hạng vừa và nhỏ, cũng chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực này.
Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tháng 6 vừa qua, tổ chức này đã nhất trí thành lập một cơ quan điều phối ngân hàng tập trung quyền lực mới, chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động cải cách và tái cấp vốn cho các ngân hàng trong khu vực.
Cơ quan này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngân hàng, thay vì thông qua các chính phủ, nhằm tránh gia tăng gánh nợ vốn đã quá tải của các ngân hàng. Theo kế hoạch, cơ quan điều phối mới sẽ bắt đầu hoạt động từ cuối năm nay, song các chi tiết liên quan thể chế này còn phải được thông qua, trong khi hầu hết các nước EU ủng hộ ECB đảm nhận vai trò giám sát các ngân hàng hơn là thành lập cơ quan điều phối mới.
Tại Đức, Ngân hàng trung ương nước này "Deutsche Bank" ngày 16/7 đã hạ dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2012 và 2013, chủ yếu do cuộc khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng euro. Theo đó, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 3,5% trong năm kế tiếp, thấp hơn mức dự báo trước đó lần lượt 0,3% và 0,4%.
"Deutsche Bank" cho rằng triển vọng kinh tế của Khu vực đồng euro và Mỹ giảm nhiều hơn mức trung bình trên toàn cầu, do tác động từ sự bất trắc ngày càng gia tăng liên quan đồng euro. Khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể sẽ là nền kinh tế duy nhất trên thế giới rơi vào suy thoái trong năm nay và gần như suy thoái trong năm 2013. "Deutsche Bank" cũng xác định một số nhân tố khác khiển thể chế này hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bao gồm tình trạng eo hẹp tài chính nhanh hơn dự kiến ở Mỹ và sự đình trệ trên thị trường lao động.
"Deutsche Bank" cũng hạ mức dự báo tăng trưởng đối với một số nền kinh tế mới nổi trên thế giới do chính sách siết chặt chi tiêu và các chính sách kích thích kinh tế "rụt rè."
Cũng trong ngày 16/7, Bộ trưởng Kinh tế và Cạnh tranh Tây Ban Nha Luis de Guindos cho biết Chính phủ nước này sẽ thực hiện những biện pháp cứng rắn trong thời gian trước mắt nhằm thúc đẩy tăng trưởng về trung và dài hạn.
Ông Guindos cho biết Tây Ban Nha cần cải thiện năng lực cạnh tranh và tất cả những biện pháp mới về lâu dài sẽ cải thiện được tình hình kinh tế ở "Xứ sở Bò Tót". Ông Guindos thừa nhận đã có một số sai sót trong quá trình cho ra đời đồng euro, song ông ca ngợi các quyết định mới đây nhất của lãnh đạo EU về thiết lập liên minh ngân hàng và tài chính giữa các nước thành viên của tổ chức này.
Tây Ban Nha đã cam kết cải cách khu vực ngân hàng và chấp nhận sự giám sát của EU đối với quá trình cải cách trên để được giải ngân phần cứu trợ đầu tiên trị giá 30 tỷ euro, trong gói cứu trợ 100 tỷ euro, vào cuối tháng này./.
Theo TTXVN
|
Ngày đăng :
16/07/2012 - 9:44 PM
Thống đốc Ngân hàng sẽ giải trình về nợ xấu
Tại kỳ họp tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình và 3 Bộ trưởng khác dự kiến sẽ tham gia trả lời chất vấn về những vấn đề cử tri quan tâm.
Sáng 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII họp phiên thứ 9 nhằm xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ ba kết thúc cuối tháng 6 để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng kỳ họp thứ 4 diễn ra vào cuối năm. Đồng thời, theo Tờ trình của Ban Công tác đại biểu, dự kiến có thêm 4 thành viên Chính phủ tiếp tục tham gia trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 10 sắp tới.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khai mạc phiên họp thứ 9 Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN.
|
4 Bộ trưởng được ban công tác dự kiến là Chánh án TAND Tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, trong đó phần trả lời của người đứng đầu ngành ngân hàng được đặc biệt quan tâm.
Về nội dung chất vấn, phần trả lời của Thống đốc Bình sẽ tập trung vào việc điều chỉnh lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khắc phục và giảm dần nợ xấu, chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn... Vấn đề cơ cấu lại hệ thống ngân hàng trong Đề án tái cấu trúc nền kinh tế cũng nằm trong nội dung dự kiến sẽ chất vấn người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước.
Câu chuyện nợ xấu ngân hàng đang được đặc biệt quan tâm khi mỗi báo cáo lại đưa ra một tỷ lệ khác nhau. Cuối năm 2011, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng là 3,39%. Báo cáo gần đây của các tổ chức tín dụng cho biết, đến ngày 31/5, nợ xấu là 4,47%. Tổ chức quốc tế - Fitch Rating cho rằng, con số nợ hiện là 13%. Ngày 7/6, tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra tỷ lệ 10%. Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2012, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - quyền Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 31/3 là 8,6% tương đương 202.000 tỷ đồng.
Cùng tham gia với Thống đốc, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh dự kiến cũng sẽ có phần phát biểu để làm rõ một số nội dung liên quan. Tại kỳ họp thứ 3 vừa qua của Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình không nằm trong danh sách đăng đàn trực tiếp nhưng cũng đã có phần trả lời để làm rõ một số nội dung liên quan đến chính sách tiền tệ.
Với các vị Bộ trưởng còn lại, nội dung chất vấn dự kiến trong phiên họp thứ 10 sẽ xoay quanh việc giải quyết các vụ án tồn đọng kéo dài, tình trạng chậm khắc phục án oan sai, hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách tại tập đoàn, tổng công ty, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật trong quản lý và thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, giải pháp thực hiện chính sách xã hội hóa lĩnh vực bảo trợ xã hội…
Riêng tại kỳ họp lần này, do chỉ diễn ra trong 2 ngày 16-17/7, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ xin chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; xây dựng lực lượng kiểm ngư, công tác nhân sự Kiểm toán Nhà nước...
Về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, diễn ra vào cuối năm, Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nên cần căn cứ vào tình hình trong nước, quốc tế để có đánh giá chính xác kết quả hai năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2010-2015. Kỳ họp này cũng có lượng lớn chương trình, dự án luật cần phải hoàn thành, đặc biệt là việc cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Đất đai - dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt cần được chuẩn bị thật tốt ngay từ thời điểm này.
Đề cập đến tầm quan trọng của việc cho ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng và việc chuẩn bị Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ phận liên quan cần tổng hợp tốt các nội dung, chuẩn bị kỹ lưỡng, có đánh giá tổng thể để các báo cáo đạt chất lượng cao.
Về việc cho ý kiến lần đầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 tại kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là công việc hết sức hệ trọng cần được thực hiện đúng kế hoạch tiến độ đề ra; trong đó thực hiện tốt việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Theo VNexpress
|
Ngày đăng :
12/07/2012 - 8:51 AM
Khi nói về tác động của việc tăng giá điện, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng, sẽ không có tác động nhiều, vì doanh nghiệp nào sử dụng nhiều điện nhất, điện cũng chỉ chiếm 10% giá thành.
Nếu tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất, doanh nghiệp sẽ bù đắp được tác động từ giá điện.
Tuy nhiên, cách lý giải này, theo nhiều ông chủ doanh nghiệp, chỉ hợp lý trong bối cảnh thị trường đang diễn biến tích cực. Còn như hiện nay, doanh nghiệp đã có quá nhiều cái khó do tác động lạm phát liên miên, lãi suất cao, khó tiếp cận vốn, hàng hóa tồn kho lớn.
Hãy lấy một ví dụ: một doanh nghiệp sản xuất có số thuế giá trị gia tăng phải nộp mỗi tháng là 2 tỉ đồng. Nhờ chính sách giãn thuế giá trị gia tăng của Chính phủ, doanh nghiệp dùng 2 tỉ đồng tiền thuế chậm nộp ấy để bổ sung vốn lưu động và không phải vay 2 tỉ đồng từ ngân hàng nữa. Khi đó, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được 25 triệu đồng tiền lẽ ra phải trả lãi ngân hàng (nếu lãi suất là 15%/năm).
Cũng doanh nghiệp này, trước đây mỗi tháng dùng hết 2 tỉ đồng tiền điện. Với mức tăng giá điện 5%, mỗi tháng họ phải chi thêm 100 triệu đồng. Như vậy, trong khi giải pháp giãn thuế giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 25 triệu đồng/tháng, thì giá điện tăng khiến họ tốn thêm 100 triệu đồng/tháng. Tất nhiên đây chỉ là một so sánh tương đối, vì mỗi doanh nghiệp có lượng điện sử dụng khác nhau.
Tưởng có lý mà lại không
Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty thép ở Vĩnh Phúc (không muốn nêu tên) bức xúc với việc tăng giá điện lúc này. “Các mặt hàng điện, than, xăng, dầu là đầu vào quan trọng của sản xuất, nên cần đồng điệu theo chủ trương của Chính phủ. Nếu không, hầu hết con số khác đều giảm để cứu doanh nghiệp, nhưng chỉ cần một hai con số đi ngược lại thì không tạo hiệu ứng tâm lý tốt”, ông nói.
Ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sản phẩm xanh Việt Nam, cũng lo âu khi sản phẩm không bán được mà giá điện lại tăng. “Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất. Việc ngành điện thua lỗ đã xảy ra từ lâu nay, nếu chờ thêm một thời gian nữa hãy tăng giá bù lỗ cho ngành điện cũng không sao”, ông Lưu nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng thời điểm này tăng giá điện là rất không hợp lý. Nghị quyết 13 đã đưa ra các giải pháp miễn giảm, giãn thuế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm lãi suất. Nhưng doanh nghiệp chưa kịp hưởng lợi, vì các chính sách này có độ trễ, thì đã phải chịu tác động ngay lập tức từ tăng giá điện. Bà Lan cũng nhấn mạnh đến việc người tiêu dùng đã chịu tác động của lạm phát cao, nên sức mua đã xuống thấp.
Nếu nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng qua chỉ tăng 2,52%, có thể việc tăng giá điện được xem là hợp lý. Thế nhưng, tưởng vậy mà lại không phải vậy. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc giảm chỉ số giá cả liên tục từ tháng 3 đến hết tháng 6 là do tổng cầu của nền kinh tế giảm, chứ không phải là do giảm chi phí.
Ông Lưu cũng đồng tình với quan điểm lạm phát giảm do cầu giảm chứ không hẳn do giảm giá. Ông cho biết, hiện nay, doanh số bán hàng quá thấp, nên để đủ chi phí điện, xăng, tiền thuê mặt bằng, doanh nghiệp không thể giảm giá bán hàng. Đó là lý do tại sao chỉ số giá tiêu dùng giảm mà không thấy giá hàng hóa giảm trên thực tế.
Giá điện sẽ còn tăng
Ông Lưu cho rằng vẫn còn dư địa để không tăng giá điện, miễn là kiểm soát được giá thành, chống được thất thoát, chứ không thể cứ nói lỗ là tăng giá. Điều cốt lõi theo ông Lưu là cần giải quyết bài toán cạnh tranh của ngành điện giống như ngành viễn thông trước đây. “Chúng ta đã giải quyết bài toán viễn thông rất giỏi. Người dân phải cảm ơn ông Mai Liêm Trực và ông Đỗ Trung Tá. Vậy tại sao điện và xăng dầu cứ nhùng nhằng độc quyền. Vấn đề là do Bộ trưởng. Không phải là khó mà là có muốn làm hay không”, ông nhận xét.
Một thông tin rất đáng chú ý là trong cơ cấu tính giá thành điện, thì tổn thất điện năng vẫn lên đến 10%. Đây là mức khá cao, mà nếu tiết giảm, sẽ giảm đáng kể chi phí giá thành điện.
Nhưng đó chỉ là cách suy luận của người tiêu dùng. Còn thực tế, có vẻ như giá điện sẽ vẫn tăng. Bởi mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương đã cảnh báo trước thời điểm tăng giá điện, đó là từ ngày 1.7 bắt đầu thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, nhưng có nguy cơ giá điện sẽ tăng. Lý do là các doanh nghiệp phát điện đều có xu hướng tăng giá chào bán điện, vì họ khó khăn về tài chính.
Bình luận về cảnh báo này, bà Phạm Chi Lan cho rằng cơ quan Nhà nước không nên nói giúp doanh nghiệp điện là họ khó khăn tài chính. Vì khó khăn tài chính là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay. “Nếu chỉ ngành điện được tăng giá do khó khăn tài chính thì các doanh nghiệp khác có khó khăn tài chính, ai sẽ là người gánh chịu. Chẳng lẽ các ngành đều đổ dồn giá tăng lên xã hội”, bà Lan nói.
Bên cạnh đó, bà Lan cho rằng thị trường điện cạnh tranh như hiện nay mang tính nửa vời. Bởi lẽ, cạnh tranh chỉ có ở khâu phát điện và làm gì có chuyện thị trường điện cạnh tranh khi vẫn chỉ có một người mua là Tập đoàn Điện lực. Từ góc nhìn này, bà Lan cho rằng chủ trương kéo dài đến năm 2022 mới có thị trường điện cạnh tranh để duy trì độc quyền chỉ làm lợi cho Tập đoàn Điện lực.
Theo Vũ Dũng
Nhipcaudautu
|
Ngày đăng :
10/07/2012 - 8:51 AM
Có 71,43% doanh nghiệp được hỏi tin rằng trong 12 tháng tới nền kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn, chỉ có 3,09% lo lắng về tương lai của nền kinh tế trong năm 2012.
Công ty Dịch vụ Thông tin Tài Chính WVB Việt Nam (WVB FISL) vừa công bố kết quả cuộc khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh WVB cho Quý II năm 2012.
Đây là cuộc khảo sát được tiến hành hàng Quý do công ty WVB Việt Nam tổ chức. Đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp đứng đầu cả nước về thương hiệu, tổng tài sản, tổng doanh thu và số lượng nhân viên. Cuộc khảo sát kéo dài từ ngày 15/6 đến tuần đầu tháng 7/2012 đã thu hút sự tham gia của 154 doanh nghiệp thuộc 11 lĩnh vực ngành nghề chủ chốt của Việt Nam. Hơn một nửa trong số đó là các doanh nghiệp đại diện cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo kết quả điều tra, Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) Quý II năm 2012 tăng 7 điểm so với Quý I năm 2012 (113 điểm) và tăng 20 điểm so với lần thực hiện đầu tiên vào Quý III năm 2008 (100 điểm).
Chỉ số BCI Quý II năm 2012 tăng nhẹ so với Quý I năm 2012 cho thấy phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn lạc quan nhiều hơn số doanh nghiệp bi quan và phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng hiện tại nền kinh tế Việt đã tốt hơn 12 tháng trước và trong thời gian tới có triển vọng phát triển tốt hơn nữa.
Kết quả điều tra 6 cấu phần xây dựng nên Chỉ số niềm tin kinh doanh Quý II năm 2012 có những điểm nổi bật sau:
Về tình hình kinh tế chung của Việt Nam hiện nay: Có 44,16% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng nền kinh tế chung của Việt Nam hiện nay đã tốt hơn so với 12 tháng trước, 35,71% cho rằng điều kiện kinh tế của Việt Nam vẫn giữ nguyên và 20.13% cho rằng điều kiện kinh tế có phần kém hơn so với 12 tháng trước.
Dự đoán tình hình kinh tế Việt Nam 12 tháng tiếp theo: 71,43% doanh nghiệp tin rằng trong vòng 12 tháng tới nền kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn. Chỉ có 3,09% lo lắng về tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012.
Kế hoạch sử dụng nhân viên: Có 35,06% doanh nghiệp dự tính sẽ tăng thêm nguồn nhân lực, 50,65% doanh nghiệp dự tính sẽ giữ nguyên và 14,29% doanh nghiệp giảm số nhân lực trong thời gian tới.
Kế hoạch đầu tư cho tài sản cố định: 41,56% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự định giữ nguyên chi phí đầu tư cho tài sản cố định; 47,40% doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư thêm và 11,04% doanh nghiệp có kế hoạch giảm chi phí đầu tư vào tài sản cố định trong 12 tháng tới.
Niềm tin vào sự tăng trưởng doanh thu: 72,73% doanh nghiệp tham gia khảo sát tự tin rằng doanh thu của doanh nghiệp sẽ tăng, 19,48% doanh nghiệp cho rằng doanh thu của mình sẽ giữ nguyên và chỉ có 7,79% doanh nghiệp lo ngại về con số doanh thu của mình trong 12 tháng tới.
Niềm tin vào sự tăng trưởng lợi nhuận: 70,78% doanh nghiệp tin rằng lợi nhuận sẽ tăng lên trong năm tới. 24,68% doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận sẽ giữ nguyên và 4,55% doanh nghiệp lo ngại về sự suy giảm lợi nhuận trong 12 tháng tới.
Thủ tục về tín dụng và thuế còn nhiều rắc rối
Nhóm khảo sát doanh nghiệp của WVB FISL cũng khảo sát về những vấn đề như khó khăn trong nước mà các DN đang gặp phải. Đa số câu trả lời đều cho rằng thủ tục cho vay tín dụng và chính sách thuế là khó khăn lớn nhất mà hầu hết các DN đều vướng mắc, bên cạnh đó chất lượng hàng giả, hàng nhái cũng là vấn đề mà các DN quan tâm vì nó làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản phẩm cũng như uy tín của các DN.
Phần lớn các DN đều cho rằng giải pháp tốt nhất để tháo gỡ khó khăn cho các DN trong bối cảnh kinh tế hiện nay là phải kích cầu để tăng sức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ (chiếm 30.12%), các ngân hàng phải hạ lãi suất cho vay, tái cơ cấu nợ cũng như hỗ trợ DN tiếp cận vốn. ðể tiếp cận được nguồn vốn một cách dễ dàng thì phần lớn các DN nghiệp được phỏng vấn đều cho rằng NHNN nên tiếp tục giảm lãi suất cho vay, điều kiện cho vay mở, cải tiến quy trình thủ tục cho vay vốn…
Câu hỏi về gói giải pháp hỗ trợ DN do Bộ Tài Chính đề xuất có tác động tài chính ước tính khoảng 29.000 tỷ đồng (giãn thuế, miễn giảm thuế, hoãn thu phí,,,,) có cải thiện được đáng kể tình hình khó khăn chung hiện nay không? Có đến 68.83% quan điểm chung của các chủ DN đều cho là có.
Cũng theo đó, giá xăng dầu trong nước gần đây liên tục được điều chỉnh tăng giảm, và hơn nửa các DN được phỏng vấn đều cho rằng giá xăng dầu trong nước cũng vẫn sẽ điều chỉnh giảm tiếp trong vòng 3 tháng tới. Nhận định về những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong vòng 6 tháng cuối năm thì quan điểm chung của các chủ DN đều là lạm phát, bất ổn kinh tế, khó khăn trong huy động vốn nhu cầu tiêu dùng đang trên đà suy giảm là những nhân tố tác động mạnh mẽ đến hoạt động SXKD của DN.
Tuy nhiên, BCI tăng điểm nhẹ trong quý này cho thấy niềm tin của các chủ doanh nghiệp nói riêng và giới kinh doanh nói chung cũng đã thiện rõ rệt sau sự giảm điểm quý trước./.
Theo Vũ Hạnh
VOV online
|
Ngày đăng :
09/07/2012 - 9:43 AM
Giai đoạn 2006 – 2009 Việt Nam đã huy động một lượng lớn vốn TPCP phục vụ đầu tư, nhưng có chênh lệch dương khá lớn giữa số huy động và giải ngân.
Trong tuần qua, Bộ Tài Chính Việt Nam đã cảnh báo về khả năng ngân sách nhà nước sẽ thất thu do tình trạng trì trệ của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục đưa ra thông điệp sẽ giải ngân khoảng 22.000 tỷ đồng/tháng vốn ngân sách phục vụ đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2012. Rõ ràng, xét về mặt bản chất có thể xem Việt Nam đi theo hướng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ - điều thường thấy ở các quốc gia phát triển hay, các nước có tài chính quốc gia lành mạnh.
Nhưng với tình trạng dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp, tốn kém, lãng phí, thiếu đồng bộ trong đầu tư công và thâm hụt ngân sách ở mức cao những năm vừa qua, đặt ra quan ngại về khả năng tái lạm phát, bất ổn vĩ mô trong thời gian tới. Dù cho nhiều thành viên Chính phủ khẳng định rằng, việc giải ngân 22.000 tỷ đồng/tháng hoàn toàn nằm trong kế hoạch mà Chính phủ đã dự liệu từ trước, không lo lạm phát, thì hoài nghi khác về khả năng bất ổn vĩ mô đến từ thâm hụt ngân sách, nợ công cao và vốn đầu tư không mang lại giá trị đóng góp thu cho tương lai là khó tránh khỏi.
Nợ công của Việt Nam hiện đang là bao nhiêu?
Rõ ràng đây là câu hỏi khó trả lời. Bởi trong khi các tổ chức quốc tế uy tín cho rằng nợ công Việt Nam năm 2010 đang ở mức khoảng 51% GDP, trong khi đó Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết nợ công ở mức 57,3% GDP, nợ Chính phủ 47,5% GDP...
Năm
|
2003
|
2004
|
2005
|
2006
|
2007
|
2008
|
2009
|
2010
|
Nợ công/GDP (%)
|
40,4%
|
42,3%
|
43,7%
|
45,4%
|
48,9%
|
48,9%
|
51%
|
51,7%
|
Nợ nước ngoài khu vực công/GDP
|
N/a
|
29,9%
|
27,8%
|
26,7%
|
28,2%
|
25,1%
|
29,3%
|
31,1%
|
Nợ công Việt Nam qua các năm. Nguồn EIU
Tuy nhiên, 51% hay 57,3% đều phản ánh một tình trạng chung đó là nợ công Việt Nam đang tăng khá nhanh. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì năm 2007 nợ công Việt Nam ở mức 33%GDP, đến 2010 nợ công ở mức khoảng 56,7% GDP.
Liệu việc chi mạnh tay cho đầu tư công trong quá khứ sẽ còn ảnh hưởng như thế nào đến tương lai?
Theo báo cáo quyết toán hàng năm của Bộ Tài chính, chi đầu tư phát triển nếu chỉ tính trong NSNN sẽ không có vấn đề. Vấn đề là vốn đầu tư được sử dụng như thế nào, quản lý và triển khai dự án. Bởi, thu từ thuế, phí, lệ phí hàng năm lớn hơn chi thường xuyên và tạo ra khoản thặng dư lớn tài trợ cho chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên tăng lên hàng năm.
Tuy nhiên, ngân sách nhà nước vẫn phải chi trả cho các khoản chi đầu tư nguồn trái phiếu Chính phủ. Vì vậy, nếu tính cả khoản chi này, ngân sách đã dành tỷ trọng tương đối lớn cho đầu tư. Bình quân giai đoạn 2003 – 2010 chi đầu tư khoảng 10,91% GDP trong đó bình quân chi đầu tư giai đoạn 2003 – 2006 là 10,1% GDP; giai đoạn 2007 – 2010 là 11,72% GDP.
Huy động TPCP phục vụ đầu tư phát triển xã hội là cần thiết. Nhưng có chênh lệch lớn giữa số vốn được huy động và giải ngân vốn đầu tư hàng năm. Dù cho rằng huy động vốn qua phát hành TPCP trong nước không làm tăng gánh nặng nợ nần cho các thế hệ tương lai, việc bố trí, giải ngân vốn thừa công suất lớn sẽ gây lãng phí, gánh nặng ngân sách do trả lãi TPCP cũng tăng lên.
Nguồn: Số liệu Bộ Tài Chính, Kiểm toán Nhà nước
Bên cạnh đó, từ năm 2006 huy động vốn TPCP của Việt Nam gặp thuận lợi hơn đã đẩy số vốn huy động quy đổi sang đồng Việt Nam tăng khá mạnh; TPCP huy động chủ yếu kỳ hạn 5 năm và 10 năm. Kỳ trả nợ gốc của các khoản vay giai đoạn 2006 bắt đầu từ năm 2011. Điều này cho thấy, tiềm ẩn nguy cơ tăng thâm hụt ngân sách từ năm 2011 do chi trả nợ gốc tăng, và nợ Chính phủ vẫn duy trì ở mức cao.
Như vậy, với bối cảnh hiện nay, giải ngân vốn phục vụ đầu tư xây dựng cơ bản đối với Chính phủ là hết sức thận trọng nhằm đảm bảo vốn đầu tư vào các dự án không thâm dụng vốn, sẽ mạng lại nguồn thu trong tương lai gần. Bởi nguy cơ thâm hụt ngân sách cao do chi trả nợ gốc đến từ việc chi mạnh tay cho đầu tư và giải ngân vốn thừa công suất lớn trong quá khứ cũng như nguồn thu bị đe dọa do doanh nghiệp và người dân khó để vượt qua tình trạng trì trệ của nền kinh tế một cách nhanh chóng.
Q. Nguyễn
Theo TTVN
|