Bao nhiêu công ty chứng khoán là đủ?

Ngày đăng : 10/01/2012 - 12:04 PM
Khi đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán vừa được công bố theo hướng thu hẹp số lượng các công ty chứng khoán (không phân biệt công ty lớn hay bé), một câu hỏi được đặt ra là với quy mô thị trường hiện nay, bao nhiêu công ty chứng khoán là đủ? Câu trả lời thực sự rất khó vào lúc này là 20, 30, 40 hay 60, 70... ?
 
Năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào hoạt động với 6 công ty chứng khoán  làm “nòng cốt” là BVSC, BSC, SSI, FSI, TLS, ACBS. Đến cuối 2006, đầu 2007, cùng với sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán theo kỳ vọng WTO, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào nhiều, doanh nghiệp đăng ký lên sàn hàng loạt, số lượng công ty chứng khoán tăng lên đột biến và đến thời điểm này, tổng số công ty chứng khoán được cấp phép và hoạt động tại Việt Nam lên tới 105 công ty. 
 
Sự phát triển quá nhanh của các công ty chứng khoán trong một thời gian ngắn khiến cho khối này đang bộc lộ nhiều bất cập. Một số công ty chứng khoán không đảm bảo hiệu quả hoạt động, gây rủi ro tiềm ẩn. Năng lực về nghiệp vụ, nhân sự và tài chính của các công ty chứng khoán còn hạn chế, đặc biệt là năng lực về tài chính. Tính tuân thủ pháp luật của các công ty chứng khoán đã được cải thiện, song có một số công ty chứng khoán đã có hành vi vi phạm phải xử lý, như chế độ báo cáo, công bố thông tin, cung cấp dịch vụ chưa đúng quy định pháp luật.
 
Chỉ trong vài ba tháng gần đây, tái cấu trúc công ty chứng khoán được nêu lên như là nhu cầu tất yếu để chấn chỉnh hoạt động của khối doanh nghiệp này. Số công ty chứng khoán đã tăng lên “theo lẽ tự nhiên” khi thị trường chứng khoán phát triển chắc chắn sẽ phải “giảm theo lẽ tự nhiên” khi thị trường chứng khoán khó khăn, tức là để họ “tự nguyện” sáp nhập, giải thể hay phá sản giống như ngân hàng.
 
Trên thực tế, việc giảm bớt số lượng công ty chứng khoán không hề đơn giản chút nào. Đối với những công ty chứng khoán nhỏ nhưng “sạch”, không làm chui làm bậy, hệ số an toàn tài chính thừa sức trên 200%, chỉ có điều là vốn không thật sự lớn và mới đang phục vụ cho... các cổ đông chính công ty đó là chủ yếu. 
 
Những công ty chứng khoán này nếu buộc họ phải tăng vốn điều lệ, chắc chắn họ sẽ tăng được ngay và vì thế cũng không buộc sáp nhập hay phá sản được. Những công ty chứng khoán được thành lập theo trào lưu năm 2006 - 2007 bởi các cổ đông sáng lập là các đại gia tài chính, có vốn điều lệ lớn, hệ thống phần mềm và nhân lực tốt, tình hình tài chính sạch sẽ... nhưng nói chung là chưa làm gì mấy mà vẫn đang chờ thời tới giờ và loại này chắc chắn không sáp nhập giải thể. 
 
Năm 2011, thị trường chứng khoán khó khăn đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của các công ty chứng khoán. Đến thời điểm này, toàn thị trường có tới 71 công ty chứng khoán lỗ lũy kế, trong đó có cả những công ty lớn. Nhiều công ty chứng khoán khó khăn, tình hình tài chính rất xấu nên buộc phải làm bậy, nhưng đến giờ mới chỉ có 12 công ty chứng khoán bị nêu tên trong danh sách các công ty có hệ số an toàn tài chính thấp và chưa có quá 5 cái tên được nêu vì làm bậy ngoài SME, Hà Thành hay Tràng An. 
 
Trên các báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán, ngoài mấy khoản mục lãi âm, cũng chưa thấy công ty chứng khoán nào thuyết minh âm hết vốn liếng, mất trắng vì tự doanh hay không còn trả được nợ. Tất nhiên không loại trừ thể loại "báo cáo láo", nhưng một phần cũng do hệ thống kế toán có vấn đề, còn thiếu sót, còn có lỗ hổng.
 
Phương án tái cấu trúc công ty chứng khoán chủ yếu dựa trên hai chỉ tiêu quy định trong Luật Chứng khoán và Thông tư 226/2010/TT-BTC là: vốn khả dụng/tổng rủi ro và tỷ lệ lỗ lũy kế/vốn điều lệ. Trên cơ sở hai chỉ tiêu quan trọng này, Ủy ban Chứng khoán sẽ phân loại các công ty chứng khoán thành 3 nhóm theo mức độ rủi ro giảm dần, để có biện pháp ứng xử với từng loại, từ việc yêu cầu các công ty yếu phải cắt giảm chi phí, tái cấu trúc nợ, quản trị công ty, cho đến việc mua bán sáp nhập, thậm chí có thể là khuyến nghị công ty chứng khoán rút bớt nghiệp vụ.
 
Trong thời gian tới, khi đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán chính thức được thực hiện, thị trường hy vọng rằng cơ quan quản lý sẽ buộc tất cả công ty chứng khoán phải tính đúng, tính đủ mọi khoản lãi lỗ và rủi ro, từ đó sẽ phân loại rõ ràng, minh bạch công ty tốt xấu và để thị trường tự quyết công ty nào sống, công ty nào phải “chết”. Có như vậy, công cuộc tái cấu trúc công ty chứng khoán sẽ hiệu quả và đúng người đúng việc.
 
Theo Hoàng Nam
VnEconomy

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Cần ngay giải pháp “cấp cứu” cho thị trường chứng khoán!

Ngày đăng : 08/01/2012 - 9:51 PM

Báo giới có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính về những giải pháp và khó khăn của TTCK Việt Nam.

 

 

Thị trường chứng khoán (TTCK) giảm điểm liên tục, thậm chí nhiều cổ phiếu sắp mất hết giá trị, nên các doanh nghiệp không thể huy động vốn từ việc bán cổ phiếu. Đồng thời, chủ trương thắt chặt tiền tệ, đi kèm với tình trạng lãi suất cao khiến các doanh nghiệp không thể vay vốn để duy trì các hoạt động sản xuất hàng hóa.

Báo giới có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính về những giải pháp và khó khăn này.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thực hiện tái cơ cấu lại hệ thống Ngân hàng (NH) trên quan điểm tách bạch và cân bằng hai thị trường vốn ngắn hạn và trung dài hạn. Theo đó, NH sẽ chỉ là nơi cung cấp vốn ngắn hạn, còn vốn trung và dài hạn phải trông cậy vào TTCK, trái phiếu... Tuy nhiên, TTCK đang vô cùng khó khăn với sự rút lui của các nhà đầu tư, khiến thị trường chỉ còn hoạt động "thoi thóp”. Ông có nhận xét gì về thực tế này?

- Tôi cho rằng với bối cảnh TTCK hiện nay chiến lược này chưa thể thực hiện trong vài năm trước mắt. Vì vậy, chỉ có những doanh nghiệp mạnh thì mới thực hiện được yêu cầu này, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chưa thể.

Tuy nhiên, NHNN đưa ra định hướng tái cấu trúc ngân hàng cần bổ sung thêm những giải pháp để hệ thống NH dễ huy động được vốn cổ phần. chẳng hạn như tăng tỷ lệ từ 30 -35% cho các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phiếu không quyền biểu quyết. Bên cạnh đó NH cũng phải tích lũy vốn tự có, huy động vốn dài hạn bằng phát hành trái phiếu.

Trước mắt để thực hiện còn khó khăn, chẳng hạn như hiện nay chúng ta đang xem ngành xuất khẩu công nghệ cao là ngành mũi nhọn, được miễn thuế, nhưng chứng khoán lại không được. Nếu muốn khơi thông nguồn vốn này cần phải có chính sách cụ thể, bởi dù có khó khăn thì NH cũng huy động dễ dàng hơn nguồn vốn dài hạn trên TTCK.

Thực tế này của TTCK báo hiệu những khó khăn gì trong năm 2012, kể cả đối với bản thân TTCK cũng như các doanh nghiệp?

- Khó khăn của TTCK về khách quan thì theo tôi đã bộc lộ rõ nét rồi. Lạm phát mình đã kiểm soát được. Đã có nhiều điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất huy động cũng như cho vay. Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề hiện tại là củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Tái cấu trúc công ty chứng khoán việc cần thực hiện là loại ngay những công ty niêm yết không đủ điều kiện. Nhà đầu tư đầu cơ vào những cổ phiếu thua lỗ cả. Nếu nói tái cấu trúc thì phải thực hiện ngay.
Vậy, theo ông cần có giải pháp cấp bách gì để vực dậy TTCK đang trầm lắng như hiện nay, để tháo gỡ những khó khăn cho các thị trường này cũng là để giúp tháo gỡ nguồn vốn cho doanh nghiệp, sản xuất để đáp ứng mục tiêu cân bằng hai thị trường tiền tệ và thị trường vốn?


- Hiện nay có tình trạng đầu tư trên thị trường đang bị định hướng sai, nhưng cơ quan quản lý không có động thái gì. Dòng tiền nhàn rỗi cứ lao vào cổ phiếu "tồi”, khiến giá cổ phiếu blue chip giảm. Cổ phiếu "tồi” phải bị loại bỏ nhưng vì sao lại chưa loại được, tôi cho rằng đó là do cơ chế xin cho.

Nhà đầu tư trông chờ những giải pháp khả thi và mang tính tức thời, áp dụng ngay cho thị trường tiền tệ và chứng khoán. Điều này lại nằm trong tầm tay nhà quản lý. Chẳng hạn như chưa cần nới lỏng tín dụng nhưng NH có thể đưa ra việc áp trần lãi suất cho vay xuống còn 17 – 18%, không ảnh hưởng cung tiền, hay sớm ban hành nghị định quản lý kinh doanh vàng.. chứ không nên chỉ dừng ở lời hứa, hẹn.(!).

Rõ ràng để thúc đẩy TTCK thoát khỏi trầm lắng thì ai cũng hiểu phải nới lỏng van tín dụng. Theo ông thời điểm nào nên thực hiện việc nới lỏng này đối với TTCK?

- Tín dụng chặt chẽ cũng có mặt tốt, nó làm cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Nới lỏng để rồi cho vay vô tội vạ, thì cũng làm ảnh hưởng đến thị trường. Nếu thực hiện được chính sách tín dụng tốt thì nguồn cung tốt, lãi suất sẽ hạ nhanh và doanh nghiệp cũng làm ăn nghiêm túc hơn.

Giải pháp cơ bản là kiện toàn nhân sự đối với các bộ phận quản lý nhất là trong lĩnh vực tiền tệ, chứng khoán. Đây là giải pháp mang tính chất "cấp cứu”, nhưng hiện nay những giải pháp này chưa có (!).

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Phương Linh

Đại đoàn kết

 


"Cơ cấu lại TTCK tập trung vào bốn trụ cột"

Ngày đăng : 08/01/2012 - 9:43 PM

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã đề cấp đến 2 nội dung lớn (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng). Thị trường chứng khoán liên quan đến cả hai nội dung này.

 

 

Thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi mà các doanh nghiệp (DN) tiến hành huy động vốn chủ yếu, nhất là vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển. Do TTCK mới ra đời, việc huy động vốn trên thị trường này thời gian gần đây gặp khó khăn, nên các DN phải phụ thuộc tới 90% vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra: “TTCK thiếu chiều sâu, chưa trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đang dồn gánh nặng lên thị trường tín dụng, làm cho thị trường này rất dễ bị tổn thương”. “Chiều sâu” ở đây là chất lượng, là tính bền vững, chứ không chỉ là sự tăng lên nhất thời, là ở số lượng công ty niêm yết, công ty chứng khoán, số nhà đầu tư,…

Ở nước ta, TTCK ra đời tính đến nay đã được hơn 11 năm, nếu so với các nền kinh tế phát triển, thì thời gian đó là rất ngắn ngủi. Vì vậy, TTCK Việt Nam khó tránh khỏi  hạn chế, bất cập, cần phải cơ cấu lại để phát triển.

Hiện ở Việt Nam có 2 Sở giao dịch chứng khoán (GDCK); trên 2 Sở GDCK có 3 thị trường cổ phiếu (2 thị trường niêm yết tại 2 Sở GDCK và 1 thị trường cổ phiếu chưa niêm yết tại sở GDCK Hà Nội); bên cạnh đó còn có hình thức chuyển quyền sở hữu cho các chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (hoặc chưa đăng ký giao dịch). Tình hình đó làm TTCK bị chia cắt, không thống nhất trong việc quản lý thị trường, đặc biệt là công tác quản trị công ty, công bố thông tin của các DN, làm tăng chi phí xã hội.

Số DN niêm yết đã liên tục tăng lên qua các năm (nếu năm 2005 mới có 41, thì năm 2010 đạt 632, năm 2011 đạt 825 DN). Tuy nhiên, một mặt so với tổng số DN đang hoạt động thì số DN niêm yết còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chỉ có khoảng 51,8% số công ty niêm yết và đăng ký giao dịch có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng; chất lượng của các công ty niêm yết đăng ký giao dịch chưa cao, nhất là về mặt quản trị DN và tính minh bạch.

Số tài khoản của nhà đầu tư tăng nhanh (nếu năm 2008 có 538.500 thì năm 2010 đạt hơn 1 triệu) nhưng phần lớn trong số đó là các nhà đầu tư cá nhân, tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức còn ít. Chính vì thế, việc đầu tư mang nặng tính phong trào, đầu tư theo đám đông, chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý, đầu tư ngắn hạn với sự rủi ro cao, hiện tượng đầu cơ, làm giá còn nhiều.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường/GDP từ chỗ còn rất thấp (năm 2005 mới đạt 1,2%), đã tăng lên, có năm đã đạt tỷ lệ khá (năm 2007 đạt 40%, năm 2009 đạt 48%,…), nhưng ước năm 2011 chỉ còn khoảng 26%, vừa giảm so với mấy năm trước, vừa ở mức thấp.

Lượng vốn huy động qua TTCK nhìn chung đã tăng lên (từ 7.100 tỷ đồng năm 2005 lên 110.000 tỷ đồng năm 2010), nhưng năm 2011 ước chỉ đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, mức thấp nhất tính từ 2006 đến nay.

Số công ty chứng khoán đã lên đến 105, với 47 công ty quản lý quỹ, 23 quỹ đầu tư.

Chỉ số chứng khoán bị sụt giảm. VN-Index hiện chỉ còn khoảng 350 điểm, giảm gần 28% so với cuối năm 2010, giảm tới 70% so với đỉnh điểm đạt được vào 12/3/2007…

Những bất cập nói trên chính là sự cần thiết phải cơ cấu lại TTCK.

Cơ cấu lại TTCK cần tập trung vào 4 trụ cột

Một, cơ cấu lại hàng hoá trên TTCK, thực chất là cơ cấu lại DN niêm yết.

Đó là rà soát lại danh sách để xếp hạng các DN niêm yết theo các loại: ngừng giao dịch, bị kiểm soát, cảnh báo và số còn lại được giao dịch bình thường. Đây là việc làm thường xuyên, nhưng trước khi cơ cấu lại cần tổng rà soát.

Nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện phát hành chứng khoán, đặc biệt là điều kiện về lợi nhuận, thời gian hoạt động và quản trị công ty theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Yêu cầu các DN niêm yết thực hiện tốt hơn việc công khai, minh bạch hoạt động và thông tin, trên cơ sở chuẩn hoá nội dung, kỳ hạn và phương thức công bố thông tin. Các DN phải thiết lập website theo mẫu thống nhất và tất cả thông tin của DN phải được công bố trên website đó.

Đẩy mạnh công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nhất là các Tổng công ty, Tập đoàn lớn để có các hàng hóa tốt và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Hai, cơ cấu lại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ (CTCK) để đạt được các mục đích: cơ cấu lại số lượng theo hướng thu hẹp số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tái chính, quản trị DN và khả năng kiểm soát rủi ro; cơ cấu lại thành phần góp vốn trong CTCK bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng cường khả năng, hiệu quả quản lý, giám sát đối với hoạt động của CTCK.

Cơ cấu lại các CTCK với các nguyên tắc, quan điểm là cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, nhưng không làm thay các CTCK. Thực hiện có lộ trình, bảo đảm lợi ích của khách hàng; Xử lý tốt mối quan hệ giữa CTCK, ngân hàng thương mại, tổ chức bảo hiểm, bảo đảm nguyên tắc quan trị rủi ro.

Cơ cấu lại CTCK: dựa trên 2 tiêu chí la vốn khả dụng/ tổng rủi ro và tỷ lệ lỗ luỹ kế/vốn điều lệ để phân các CTCK thành 3 nhóm: Nhóm 1- Bình thường; Nhóm 2- Kiểm soát; Nhóm 3- Kiểm soát đặc biệt.

Ba, đối với nhà đầu tư, việc cơ cấu lại nhằm mục tiêu là tăng tính chuyên nghiệp, tăng tài khoản của các tổ chức (các công ty đầu tư chứng khoán, quỹ mở, quỹ hưu trí,…).

Bốn, cơ cấu lại tổ chức quản lý, vận hành thị trường về thanh toán, lưu ký chứng khoán, như về rút ngắn thời gian giao dịch xuống T + 2, về phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu, đơn giản hoá thủ tục cấp mã số giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. Cần xem xét việc hợp nhất 2 sở giao dịch chứng khoán.

TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế. Khi kinh tế còn gặp khó khăn, thì TTCK cũng không tránh khỏi khó khăn. Với việc cơ cấu lại TTCK và việc thoát ra khỏi khó khăn của nền kinh tế, kỳ vọng nửa cuối năm 2012 TTCK sẽ khá lên.

 

Theo Lâm Ngọc

 Chinh phủ


 


ANZ bán cổ phần tại Sacombank: “Các điều khoản là bảo mật”

Ngày đăng : 06/01/2012 - 9:58 AM

Sau thông tin từ Sacombank, Eximbank, đến lượt ANZ chính thức lên tiếng về kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại Sacombank.
 

 

 

Ngày 5/1/2012, Ngân hàng ANZ Việt Nam cũng đã phát đi thông cáo về việc chuyển nhượng cổ phần tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

ANZ cho biết đã nhận được phê duyệt cho phép bán toàn bộ 9,6% cổ phần trong kế hoạch nói trên; và việc chuyển nhượng hy vọng sẽ được hoàn tất vào đầu tháng 1/2012 này.

“Giao dịch này không ảnh hưởng đến cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường Việt Nam của ANZ và các điều khoản của giao dịch này là bảo mật”, thông cáo nhấn mạnh.

Hiện các bên liên quan đến giao dịch này đều từ chối tiết lộ mức giá chuyển nhượng cụ thể. Tuy nhiên, được biết mức giá giao dịch cổ phiếu STB của Sacombank trên sàn HOSE sẽ có giá trị tham chiếu nhất định. Đóng cửa phiên ngày 5/1/2012, STB ở mức 15.800 đồng/cổ phiếu.

Về kế hoạch chuyển nhượng nói trên, ông Alex Thursby, Tổng giám đốc ANZ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và châu Mỹ nói rằng: “Chúng tôi đã thiết lập quan hệ hợp tác với Sacombank từ năm 2005. Mối quan hệ này đã mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên trong suốt 6 năm qua. Tuy nhiên, giờ đây hoạt động kinh doanh của chính ANZ tại Việt Nam đã tăng trưởng hơn rất nhiều sau khi chúng tôi thành lập ngân hàng con tại Việt Nam năm 2008 và mua lại mảng ngân hàng bán buôn của Royal Bank of Scotland tại Việt Nam năm 2009”.

“Việc tập trung hơn nữa vào phát triển kinh doanh hữu cơ của ngân hàng và bán cổ phần của chúng tôi tại Sacombank là hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển chung của ngân hàng ANZ tại Việt Nam”, ông Thursby nói thêm.

 

Theo VnEconomy.vn


Khi tay chơi chính cùng kiệt

Ngày đăng : 04/01/2012 - 9:46 PM

Liệu thị trường chứng khoán có khởi sắc trong năm 2012 khi các công ty chứng khoán - những tay chơi chính trên thị trường - đã kiệt sức sau một năm đầy thương tích?

 

 

11h40 ngày 30.12.2011 trên sàn chứng khoán Thăng Long ở đường Kim Mã, Hà Nội, chuyên viên môi giới Trần Đông Phong ngồi lặng lẽ nhìn bảng điện tử dù phiên giao dịch cuối cùng của năm đã đóng cách đó 40 phút. Anh đang hồi tưởng lại một năm chiến đấu vừa qua. Không nói cũng rõ, lỗ là đương nhiên.

Chốt lại ngày giao dịch cuối cùng của năm 2011, cả 2 sàn đều tăng điểm nhưng năm qua là một năm mất mát của thị trường chứng khoán. VN-Index đã mất 133,11 điểm, giảm 27,46%, trong khi HNX-Index bốc hơi 55,5 điểm, giảm 48,58% so với ngày 31.12.2010, mức sụt giảm được đánh giá là chỉ đứng sau chỉ số chứng khoán của Hy Lạp và Cộng hòa Síp (Cyprus) trong năm 2011. Thử nghĩ ai có thể lội ngược dòng trong những tháng ngày gian khó như vậy?

Năm 2010, thị trường chứng khoán cũng suy giảm, song những đợt sóng lên xuống vẫn tạo được hưng phấn nhất định cho nhà đầu tư. Nam phụ lão ấu vẫn chịu khó đến sàn, hoặc chí ít cũng đến chờ cơ hội để mua bán. Còn năm qua, từng đợt nhà đầu tư ít ỏi còn lại lần lượt ra đi không kèn không trống. Những người còn ngồi lại trên sàn hầu hết là các nhân viên môi giới làm tại công ty chứng khoán.

Các nhà môi giới thua lỗ chính là hình ảnh thu nhỏ cho một bộ phận quan trọng hơn của sân chơi chứng khoán: các định chế môi giới trên thị trường, mà ở đây cụ thể là công ty chứng khoán. Thống kê sơ bộ cho thấy năm 2011, thanh khoản của thị trường sụt giảm mạnh. Giá trị giao dịch bình quân chỉ bằng khoảng 40% mức bình quân của thị trường năm 2010. Giá trị giao dịch mỗi phiên chỉ đạt 500-600 tỉ đồng, trong khi ở thời kỳ đỉnh điểm, con số này có thể lên đến trên 5.000 tỉ đồng/phiên. Điều này đồng nghĩa với hiệu quả hoạt động môi giới của khối công ty chứng khoán giảm sút nghiêm trọng.

Cùng với đó là thua lỗ từ mảng tự doanh. Tuy phải đến ngày 15.1.2012 các báo cáo tài chính mới đến hạn phải công bố lên 2 sở giao dịch chứng khoán, nhưng theo thống kê chưa đầy đủ, có tới gần 80% công ty chứng khoán thua lỗ trong năm 2011.

Vụ Công ty Chứng khoán SME và Công ty Chứng khoán Tràng An bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cảnh cáo vì mất khả năng thanh toán cho các giao dịch là đỉnh điểm của nỗi ê chề đối với các công ty chứng khoán trong năm qua. Nhiều công ty đã rơi vào tình trạng lỗ ăn vào cả vốn chủ sở hữu.

Để cắt giảm chi phí hoạt động, không ít đơn vị phải bỏ một số nghiệp vụ, trong đó có mảng môi giới, một trong những nghiệp vụ cơ bản nhất của một công ty chứng khoán. Mới đây nhất là việc Công ty Cổ phần Chứng khoán Hà Nội quyết định dừng nghiệp vụ môi giới chứng khoán kể từ ngày 9.12.2011. Hàng loạt công ty chứng khoán cũng đã phải dẹp bớt chi nhánh hoặc chuyển trụ sở từ khu vực trung tâm về nơi xa xôi ngóc ngách hơn.

Có thể thấy những tay chơi lớn ngày nào từng góp phần làm thay đổi cục diện thị trường nay đang chật vật xoay xở để có thể tồn tại, chờ ngày thái lai mà không biết bao giờ mới đến. Công ty chứng khoán là một trong những nhân tố quan trọng nhất của thị trường chứng khoán, nhưng nay nhân tố ấy đã suy kiệt cả thể xác lẫn tâm hồn. Với thể xác và tinh thần ấy, liệu có thể hy vọng họ sẽ dẫn dắt một lối chơi có sinh khí hơn cho năm 2012? E rằng rất khó, nếu không có một cú hích thực sự nào từ bên ngoài.

“Sẽ khó có ai cứu được các công ty chứng khoán. Họ sẽ phải tự xoay xở để tồn tại. Lượng công ty chứng khoán hiện nay là quá nhiều và có lẽ cơ quan chức năng muốn nhân dịp này dọn dẹp bớt, chỉ để lại một số công ty thực sự mạnh”, lãnh đạo một công ty chứng khoán (không muốn nêu tên) nhận xét.

Số lượng hơn 100 công ty chứng khoán của Việt Nam được cho là quá nhiều so với quy mô thị trường. Một số ý kiến cho rằng chỉ một nửa, thậm chí ít hơn, là đủ. Trung Quốc trước đây có đến 2.000 công ty chứng khoán, nhưng nay giảm xuống còn khoảng hơn 100 công ty. Thái Lan cũng chỉ có hơn 50 công ty chứng khoán so với trên 200 công ty trước đây.

 

Theo Hồng Quý

Nhịp cầu đầu tư


 


STB: Mua thành công 100 triệu cổ phiếu quỹ

Ngày đăng : 04/01/2012 - 9:36 PM

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) thông báo đã mua thành công 100 triệu cổ phiếu nâng số CP quỹ Ngân hàng từ 0 CP lên 100 triệu.

 

 

Mã chứng khoán: STB

Mệnh giá: 10.000 đồng/CP

Số lượng cổ phiếu quỹ đăng ký mua lại: 100.000.000 CP

Số lượng CP đã mua: 100.000.000 CP

Thời gian thực hiện: từ ngày 16/11/2011 đến ngày 3/1/2012

Số lượng cổ phiếu quỹ trước khi đăng ký: 0 CP

Số lượng cổ phiếu quỹ sau khi thực hiện giao dịch: 100.000.000 CP

Nguồn vốn mua lại: Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần của STB

Phương thức thực hiện giao dịch: Khớp lệnh và thỏa thuận

 

Theo HOSE

 


 

Tin mới cập nhật