"Cơ cấu lại TTCK tập trung vào bốn trụ cột"

Ngày đăng : 08/01/2012 - 9:43 PM

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã đề cấp đến 2 nội dung lớn (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng). Thị trường chứng khoán liên quan đến cả hai nội dung này.

 

 

Thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi mà các doanh nghiệp (DN) tiến hành huy động vốn chủ yếu, nhất là vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển. Do TTCK mới ra đời, việc huy động vốn trên thị trường này thời gian gần đây gặp khó khăn, nên các DN phải phụ thuộc tới 90% vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra: “TTCK thiếu chiều sâu, chưa trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đang dồn gánh nặng lên thị trường tín dụng, làm cho thị trường này rất dễ bị tổn thương”. “Chiều sâu” ở đây là chất lượng, là tính bền vững, chứ không chỉ là sự tăng lên nhất thời, là ở số lượng công ty niêm yết, công ty chứng khoán, số nhà đầu tư,…

Ở nước ta, TTCK ra đời tính đến nay đã được hơn 11 năm, nếu so với các nền kinh tế phát triển, thì thời gian đó là rất ngắn ngủi. Vì vậy, TTCK Việt Nam khó tránh khỏi  hạn chế, bất cập, cần phải cơ cấu lại để phát triển.

Hiện ở Việt Nam có 2 Sở giao dịch chứng khoán (GDCK); trên 2 Sở GDCK có 3 thị trường cổ phiếu (2 thị trường niêm yết tại 2 Sở GDCK và 1 thị trường cổ phiếu chưa niêm yết tại sở GDCK Hà Nội); bên cạnh đó còn có hình thức chuyển quyền sở hữu cho các chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (hoặc chưa đăng ký giao dịch). Tình hình đó làm TTCK bị chia cắt, không thống nhất trong việc quản lý thị trường, đặc biệt là công tác quản trị công ty, công bố thông tin của các DN, làm tăng chi phí xã hội.

Số DN niêm yết đã liên tục tăng lên qua các năm (nếu năm 2005 mới có 41, thì năm 2010 đạt 632, năm 2011 đạt 825 DN). Tuy nhiên, một mặt so với tổng số DN đang hoạt động thì số DN niêm yết còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chỉ có khoảng 51,8% số công ty niêm yết và đăng ký giao dịch có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng; chất lượng của các công ty niêm yết đăng ký giao dịch chưa cao, nhất là về mặt quản trị DN và tính minh bạch.

Số tài khoản của nhà đầu tư tăng nhanh (nếu năm 2008 có 538.500 thì năm 2010 đạt hơn 1 triệu) nhưng phần lớn trong số đó là các nhà đầu tư cá nhân, tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức còn ít. Chính vì thế, việc đầu tư mang nặng tính phong trào, đầu tư theo đám đông, chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý, đầu tư ngắn hạn với sự rủi ro cao, hiện tượng đầu cơ, làm giá còn nhiều.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường/GDP từ chỗ còn rất thấp (năm 2005 mới đạt 1,2%), đã tăng lên, có năm đã đạt tỷ lệ khá (năm 2007 đạt 40%, năm 2009 đạt 48%,…), nhưng ước năm 2011 chỉ còn khoảng 26%, vừa giảm so với mấy năm trước, vừa ở mức thấp.

Lượng vốn huy động qua TTCK nhìn chung đã tăng lên (từ 7.100 tỷ đồng năm 2005 lên 110.000 tỷ đồng năm 2010), nhưng năm 2011 ước chỉ đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, mức thấp nhất tính từ 2006 đến nay.

Số công ty chứng khoán đã lên đến 105, với 47 công ty quản lý quỹ, 23 quỹ đầu tư.

Chỉ số chứng khoán bị sụt giảm. VN-Index hiện chỉ còn khoảng 350 điểm, giảm gần 28% so với cuối năm 2010, giảm tới 70% so với đỉnh điểm đạt được vào 12/3/2007…

Những bất cập nói trên chính là sự cần thiết phải cơ cấu lại TTCK.

Cơ cấu lại TTCK cần tập trung vào 4 trụ cột

Một, cơ cấu lại hàng hoá trên TTCK, thực chất là cơ cấu lại DN niêm yết.

Đó là rà soát lại danh sách để xếp hạng các DN niêm yết theo các loại: ngừng giao dịch, bị kiểm soát, cảnh báo và số còn lại được giao dịch bình thường. Đây là việc làm thường xuyên, nhưng trước khi cơ cấu lại cần tổng rà soát.

Nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện phát hành chứng khoán, đặc biệt là điều kiện về lợi nhuận, thời gian hoạt động và quản trị công ty theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Yêu cầu các DN niêm yết thực hiện tốt hơn việc công khai, minh bạch hoạt động và thông tin, trên cơ sở chuẩn hoá nội dung, kỳ hạn và phương thức công bố thông tin. Các DN phải thiết lập website theo mẫu thống nhất và tất cả thông tin của DN phải được công bố trên website đó.

Đẩy mạnh công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nhất là các Tổng công ty, Tập đoàn lớn để có các hàng hóa tốt và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Hai, cơ cấu lại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ (CTCK) để đạt được các mục đích: cơ cấu lại số lượng theo hướng thu hẹp số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tái chính, quản trị DN và khả năng kiểm soát rủi ro; cơ cấu lại thành phần góp vốn trong CTCK bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng cường khả năng, hiệu quả quản lý, giám sát đối với hoạt động của CTCK.

Cơ cấu lại các CTCK với các nguyên tắc, quan điểm là cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, nhưng không làm thay các CTCK. Thực hiện có lộ trình, bảo đảm lợi ích của khách hàng; Xử lý tốt mối quan hệ giữa CTCK, ngân hàng thương mại, tổ chức bảo hiểm, bảo đảm nguyên tắc quan trị rủi ro.

Cơ cấu lại CTCK: dựa trên 2 tiêu chí la vốn khả dụng/ tổng rủi ro và tỷ lệ lỗ luỹ kế/vốn điều lệ để phân các CTCK thành 3 nhóm: Nhóm 1- Bình thường; Nhóm 2- Kiểm soát; Nhóm 3- Kiểm soát đặc biệt.

Ba, đối với nhà đầu tư, việc cơ cấu lại nhằm mục tiêu là tăng tính chuyên nghiệp, tăng tài khoản của các tổ chức (các công ty đầu tư chứng khoán, quỹ mở, quỹ hưu trí,…).

Bốn, cơ cấu lại tổ chức quản lý, vận hành thị trường về thanh toán, lưu ký chứng khoán, như về rút ngắn thời gian giao dịch xuống T + 2, về phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu, đơn giản hoá thủ tục cấp mã số giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. Cần xem xét việc hợp nhất 2 sở giao dịch chứng khoán.

TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế. Khi kinh tế còn gặp khó khăn, thì TTCK cũng không tránh khỏi khó khăn. Với việc cơ cấu lại TTCK và việc thoát ra khỏi khó khăn của nền kinh tế, kỳ vọng nửa cuối năm 2012 TTCK sẽ khá lên.

 

Theo Lâm Ngọc

 Chinh phủ


 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

ANZ bán cổ phần tại Sacombank: “Các điều khoản là bảo mật”

Ngày đăng : 06/01/2012 - 9:58 AM

Sau thông tin từ Sacombank, Eximbank, đến lượt ANZ chính thức lên tiếng về kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại Sacombank.
 

 

 

Ngày 5/1/2012, Ngân hàng ANZ Việt Nam cũng đã phát đi thông cáo về việc chuyển nhượng cổ phần tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

ANZ cho biết đã nhận được phê duyệt cho phép bán toàn bộ 9,6% cổ phần trong kế hoạch nói trên; và việc chuyển nhượng hy vọng sẽ được hoàn tất vào đầu tháng 1/2012 này.

“Giao dịch này không ảnh hưởng đến cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường Việt Nam của ANZ và các điều khoản của giao dịch này là bảo mật”, thông cáo nhấn mạnh.

Hiện các bên liên quan đến giao dịch này đều từ chối tiết lộ mức giá chuyển nhượng cụ thể. Tuy nhiên, được biết mức giá giao dịch cổ phiếu STB của Sacombank trên sàn HOSE sẽ có giá trị tham chiếu nhất định. Đóng cửa phiên ngày 5/1/2012, STB ở mức 15.800 đồng/cổ phiếu.

Về kế hoạch chuyển nhượng nói trên, ông Alex Thursby, Tổng giám đốc ANZ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và châu Mỹ nói rằng: “Chúng tôi đã thiết lập quan hệ hợp tác với Sacombank từ năm 2005. Mối quan hệ này đã mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên trong suốt 6 năm qua. Tuy nhiên, giờ đây hoạt động kinh doanh của chính ANZ tại Việt Nam đã tăng trưởng hơn rất nhiều sau khi chúng tôi thành lập ngân hàng con tại Việt Nam năm 2008 và mua lại mảng ngân hàng bán buôn của Royal Bank of Scotland tại Việt Nam năm 2009”.

“Việc tập trung hơn nữa vào phát triển kinh doanh hữu cơ của ngân hàng và bán cổ phần của chúng tôi tại Sacombank là hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển chung của ngân hàng ANZ tại Việt Nam”, ông Thursby nói thêm.

 

Theo VnEconomy.vn


Khi tay chơi chính cùng kiệt

Ngày đăng : 04/01/2012 - 9:46 PM

Liệu thị trường chứng khoán có khởi sắc trong năm 2012 khi các công ty chứng khoán - những tay chơi chính trên thị trường - đã kiệt sức sau một năm đầy thương tích?

 

 

11h40 ngày 30.12.2011 trên sàn chứng khoán Thăng Long ở đường Kim Mã, Hà Nội, chuyên viên môi giới Trần Đông Phong ngồi lặng lẽ nhìn bảng điện tử dù phiên giao dịch cuối cùng của năm đã đóng cách đó 40 phút. Anh đang hồi tưởng lại một năm chiến đấu vừa qua. Không nói cũng rõ, lỗ là đương nhiên.

Chốt lại ngày giao dịch cuối cùng của năm 2011, cả 2 sàn đều tăng điểm nhưng năm qua là một năm mất mát của thị trường chứng khoán. VN-Index đã mất 133,11 điểm, giảm 27,46%, trong khi HNX-Index bốc hơi 55,5 điểm, giảm 48,58% so với ngày 31.12.2010, mức sụt giảm được đánh giá là chỉ đứng sau chỉ số chứng khoán của Hy Lạp và Cộng hòa Síp (Cyprus) trong năm 2011. Thử nghĩ ai có thể lội ngược dòng trong những tháng ngày gian khó như vậy?

Năm 2010, thị trường chứng khoán cũng suy giảm, song những đợt sóng lên xuống vẫn tạo được hưng phấn nhất định cho nhà đầu tư. Nam phụ lão ấu vẫn chịu khó đến sàn, hoặc chí ít cũng đến chờ cơ hội để mua bán. Còn năm qua, từng đợt nhà đầu tư ít ỏi còn lại lần lượt ra đi không kèn không trống. Những người còn ngồi lại trên sàn hầu hết là các nhân viên môi giới làm tại công ty chứng khoán.

Các nhà môi giới thua lỗ chính là hình ảnh thu nhỏ cho một bộ phận quan trọng hơn của sân chơi chứng khoán: các định chế môi giới trên thị trường, mà ở đây cụ thể là công ty chứng khoán. Thống kê sơ bộ cho thấy năm 2011, thanh khoản của thị trường sụt giảm mạnh. Giá trị giao dịch bình quân chỉ bằng khoảng 40% mức bình quân của thị trường năm 2010. Giá trị giao dịch mỗi phiên chỉ đạt 500-600 tỉ đồng, trong khi ở thời kỳ đỉnh điểm, con số này có thể lên đến trên 5.000 tỉ đồng/phiên. Điều này đồng nghĩa với hiệu quả hoạt động môi giới của khối công ty chứng khoán giảm sút nghiêm trọng.

Cùng với đó là thua lỗ từ mảng tự doanh. Tuy phải đến ngày 15.1.2012 các báo cáo tài chính mới đến hạn phải công bố lên 2 sở giao dịch chứng khoán, nhưng theo thống kê chưa đầy đủ, có tới gần 80% công ty chứng khoán thua lỗ trong năm 2011.

Vụ Công ty Chứng khoán SME và Công ty Chứng khoán Tràng An bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cảnh cáo vì mất khả năng thanh toán cho các giao dịch là đỉnh điểm của nỗi ê chề đối với các công ty chứng khoán trong năm qua. Nhiều công ty đã rơi vào tình trạng lỗ ăn vào cả vốn chủ sở hữu.

Để cắt giảm chi phí hoạt động, không ít đơn vị phải bỏ một số nghiệp vụ, trong đó có mảng môi giới, một trong những nghiệp vụ cơ bản nhất của một công ty chứng khoán. Mới đây nhất là việc Công ty Cổ phần Chứng khoán Hà Nội quyết định dừng nghiệp vụ môi giới chứng khoán kể từ ngày 9.12.2011. Hàng loạt công ty chứng khoán cũng đã phải dẹp bớt chi nhánh hoặc chuyển trụ sở từ khu vực trung tâm về nơi xa xôi ngóc ngách hơn.

Có thể thấy những tay chơi lớn ngày nào từng góp phần làm thay đổi cục diện thị trường nay đang chật vật xoay xở để có thể tồn tại, chờ ngày thái lai mà không biết bao giờ mới đến. Công ty chứng khoán là một trong những nhân tố quan trọng nhất của thị trường chứng khoán, nhưng nay nhân tố ấy đã suy kiệt cả thể xác lẫn tâm hồn. Với thể xác và tinh thần ấy, liệu có thể hy vọng họ sẽ dẫn dắt một lối chơi có sinh khí hơn cho năm 2012? E rằng rất khó, nếu không có một cú hích thực sự nào từ bên ngoài.

“Sẽ khó có ai cứu được các công ty chứng khoán. Họ sẽ phải tự xoay xở để tồn tại. Lượng công ty chứng khoán hiện nay là quá nhiều và có lẽ cơ quan chức năng muốn nhân dịp này dọn dẹp bớt, chỉ để lại một số công ty thực sự mạnh”, lãnh đạo một công ty chứng khoán (không muốn nêu tên) nhận xét.

Số lượng hơn 100 công ty chứng khoán của Việt Nam được cho là quá nhiều so với quy mô thị trường. Một số ý kiến cho rằng chỉ một nửa, thậm chí ít hơn, là đủ. Trung Quốc trước đây có đến 2.000 công ty chứng khoán, nhưng nay giảm xuống còn khoảng hơn 100 công ty. Thái Lan cũng chỉ có hơn 50 công ty chứng khoán so với trên 200 công ty trước đây.

 

Theo Hồng Quý

Nhịp cầu đầu tư


 


STB: Mua thành công 100 triệu cổ phiếu quỹ

Ngày đăng : 04/01/2012 - 9:36 PM

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) thông báo đã mua thành công 100 triệu cổ phiếu nâng số CP quỹ Ngân hàng từ 0 CP lên 100 triệu.

 

 

Mã chứng khoán: STB

Mệnh giá: 10.000 đồng/CP

Số lượng cổ phiếu quỹ đăng ký mua lại: 100.000.000 CP

Số lượng CP đã mua: 100.000.000 CP

Thời gian thực hiện: từ ngày 16/11/2011 đến ngày 3/1/2012

Số lượng cổ phiếu quỹ trước khi đăng ký: 0 CP

Số lượng cổ phiếu quỹ sau khi thực hiện giao dịch: 100.000.000 CP

Nguồn vốn mua lại: Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần của STB

Phương thức thực hiện giao dịch: Khớp lệnh và thỏa thuận

 

Theo HOSE

 


CTCK chưa tìm đâu ra nguồn tiền để thưởng Tết

Ngày đăng : 03/01/2012 - 5:13 PM

Hiện chỉ duy nhất ban lãnh đạo Cty Chứng khoán (CTCK) Phương Nam (PNS) công bố sẽ thưởng 3 tháng lương vào dịp Tết Nguyên đán. KLS, SSI có khả năng thưởng khá.

 

 

Ông Lữ Bỉnh Huy, Tổng Giám đốc PNS, cho biết mức thưởng trên nhằm động viên nhân viên công ty đã nỗ lực đóng góp cho hoạt động của doanh nghiệp năm 2011, đồng thời cổ vũ họ gắn bó và cống hiến năm 2012.

Ngoài Phương Nam, CTCK Kim Long và CTCK Sài Gòn (SSI), còn có khả năng thưởng Tết kha khá cho nhân viên, còn đa phần các CTCK chưa thấy đề cập chuyện thưởng Tết. Lãnh đạo các CTCK Quốc tế, Rồng Việt, Chợ Lớn cho hay có thể sẽ không có thưởng bởi giờ chưa biết tìm đâu ra nguồn tiền. ‘Chỉ là một khoản tiền động viên chứ giá trị sẽ không nhiều. Cao lắm thì 1/2 tháng lương, có khi chỉ vài triệu”- Một giám đốc CTCK nói.

Đến nay, riêng khối chứng khoán, do thị trường suy thoái, 2/3 trong tổng số 105 công ty lỗ nặng (tổng lỗ hơn 2.000 tỷ đồng), thưởng Tết đang là nỗi lo của các ông chủ.

 

Theo Khánh Huyền

Tiền Phong


 


Không để TTCK xanh, đỏ theo tiền tệ

Ngày đăng : 03/01/2012 - 4:59 PM

Khẳng định TTCK không thể cứ xanh, đỏ theo chính sách tiền tệ, vì như vậy là méo mó, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tiền tệ, Thống đốc NHNN cho rằng NHNN đã và đang thực hiện những bước đi cơ bản để lập lại thế cân bằng giữa hai thị trường:

 

 

Thị trường tiền tệ và thị trường vốn

Theo Thống đốc, trong các năm tới, NHNN sẽ khống chế lại tốc độ tăng trưởng của hệ thống ngân hàng, để hệ thống ngân hàng không hút hết tiền của nền kinh tế. Từ đó, dòng tiền nhàn rỗi sẽ tìm đến các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.

Trả lời phỏng vấn của ĐTCK, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định điều đó.

TTCK trong thời gian qua khá ảm đạm khiến chức năng huy động vốn cho nền kinh tế bị ảnh hưởng, gây sức ép lên hệ thống ngân hàng. Thống đốc có hướng tháo gỡ nào từ phía chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho sự phát triển của TTCK?

Thị trường tiền tệ chỉ là thị trường vốn ngắn hạn, còn TTCK - thị trường vốn mới là nơi cung ứng vốn trung và dài hạn. Một DN muốn hoạt động tốt hay có tình hình tài chính lành mạnh, bản thân DN phải có ít nhất 1/3 vốn, sau đó DN huy động trên thị trường vốn khoảng 1/3 nữa, còn 1/3 còn lại là vốn lưu động mới đi vay ngân hàng. Nhưng trên thực tế, nhiều khi cả 3 phần đó đều là của ngân hàng. Việc một số ngân hàng gặp các vấn đề về thanh khoản chính là hậu quả của quá trình như vậy.

Nhu cầu vốn của xã hội là rất cao, trong suốt những năm vừa qua, đầu tư toàn xã hội của chúng ta vào khoảng 40 - 44% GDP, thế nhưng tích lũy của nền kinh tế chỉ hơn 20% GDP. Vốn ít mà nhu cầu đầu tư thì nhiều nên hệ thống ngân hàng phải nâng lãi suất lên để hút vốn. Từ đó, dẫn đến hai hiện tượng: lãi suất huy động ở Việt Nam luôn luôn cao, cho nên lãi suất cho vay cũng cao; hệ thống ngân hàng thành kênh đầu tư của người có tiền nhàn rỗi.

Tại Việt Nam, cứ khi nào chính sách tiền tệ được nới lỏng, thì TTCK sẽ tăng, khi nào thắt chặt tiền tệ thì TTCK lại lao dốc. Thị trường vốn đã và đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường tiền tệ, như vậy, có nghĩa thị trường tài chính đã bị méo mó. Những việc NHNN đã làm trong năm 2011 là bước đi cơ bản để giúp TTCK dần trở nên phát triển cân bằng hơn với thị trường tiền tệ.

Xin ông cho biết cụ thể hơn về giải pháp mà ông đã và đang áp dụng để hỗ trợ TTCK phát triển?

Trong những năm tới, NHNN sẽ khống chế lại tốc độ tăng trưởng của hệ thống ngân hàng, để hệ thống ngân hàng không hút hết tiền của nền kinh tế. Từ đó, lãi suất huy động sẽ giảm, kéo theo lãi suất cho vay giảm. Khi thị trường tiền tệ không còn hấp dẫn như trước đây, người ta sẽ đầu tư vào các kênh khác.

Với chính sách quản lý vàng, trong thời gian tới, vàng cũng không phải là kênh đầu tư hấp dẫn, thậm chí rủi ro rất cao. Với mục tiêu của NHNN trong 5 năm tới, tình trạng đô- la hóa trong nền kinh tế sẽ được giảm thiểu, thì đầu tư vào ngoại tệ cũng không còn quá hấp dẫn. Như vậy, kênh đầu tư vào chứng khoán sẽ hấp dẫn hơn. NHNN đã và đang đi những bước cơ bản để lập lại thế cân bằng giữa hai thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Bên cạnh nỗ lực của NHNN trong việc ổn định thị trường tiền tệ và xác lập thế cân bằng giữa thị trường này với thị trường vốn, theo ông, TTCK cần cải tổ những yếu tố gì để phục hồi được?

Trước hết, phải nhìn nhận rõ rằng, thị trường vốn muốn phát triển cũng không thể một sớm một chiều, bởi những bước đi của thị trường vốn vẫn chưa thực sự bài bản. Minh chứng rõ nét là hiện lãi suất tiền gửi chỉ ở mức 14%/năm, trong khi cổ tức của nhiều DN lên tới 18 - 20%, nhưng đa số người dân vẫn không chọn phương án đầu tư cổ phiếu.

Ở đây, có hai yếu tố: thứ nhất là thông tin về các DN niêm yết không đầy đủ, thiếu chính xác, khiến nhà đầu tư không tin vào định hướng và khả năng hoạt động ổn định của DN; thứ hai là thanh khoản của thị trường đang có vấn đề. Để TTCK phục hồi, theo tôi, cần sớm giải quyết được hai tồn tại căn bản trên.

Một trong những mong đợi lớn nhất của các chủ thể trên TTCK hơn một năm qua là NHNN sẽ nới lỏng dòng tín dụng chảy vào TTCK. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


Việc chúng tôi đã và đang làm là có những chính sách phù hợp để thị trường tiền tệ trở về đúng với tên gọi của nó, từ đó tạo điều kiện để thị trường vốn, trong đó có TTCK phát triển. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có một lộ trình với những bước đi thích hợp.

Tuy nhiên, trước thực trạng TTCK suy giảm quá mạnh và các chủ thể trên thị trường như CTCK, DN niêm yết đang gặp rất nhiều khó khăn, Bộ Tài chính và NHNN sẽ nghiên cứu thêm các biện pháp khác, không loại trừ những biện pháp về tín dụng, để tạo thêm luồng vốn cho TTCK, mà vẫn đảm bảo sự lành mạnh, an toàn.

Thông điệp thị trường tiền tệ sẽ không hút hết vốn của nền kinh tế liệu có mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 là 15 - 17%, cao hơn mức 12% thực tế của năm 2011, thưa ông?

Năm 2011, chúng ta đã thực hiện đúng định hướng của Nghị quyết 11 của Chính phủ là hướng vốn vào lĩnh vực sản xuất. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng là 12%, nhưng tăng trưởng vốn cho lĩnh vực sản xuất lên tới 15,7%. Đặc biệt, trong lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, tính bình quân trong cả năm thì tăng trưởng vốn đạt 25%; tín dụng xuất khẩu tăng tới 58%, kết quả là xuất khẩu năm 2011 của Việt Nam tăng trưởng trên 30%.

Trước đây, tăng trưởng tín dụng thường gấp 5 - 7 lần tăng trưởng kinh tế, nhưng năm nay, tỷ lệ này chỉ là 2 lần. Điều này cho thấy, dòng vốn ngân hàng đã đi đúng vào những địa chỉ cần thiết, từ đo, mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Năm 2012, NHNN sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ lĩnh vực cho vay phi sản xuất, nhưng sẽ có nới lỏng cho một số đối tượng. Ví dụ, trong lĩnh vực bất động sản, sẽ nới lỏng tín dụng cho vay xây dựng nhà hoàn thành trong năm 2012, xây dựng nhà cho người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp, xây dựng ký túc xá, nhà trọ cho công nhân... Về tổng thể vốn của các tổ chức tín dụng, vẫn ưu tiên cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt trong 4 lĩnh vực: nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DNVVN, chủ yếu ưu tiên cung ứng vốn lưu động cho các DN.

 

Theo Hồng Dung

 ĐTCK


 


 

Tin mới cập nhật