Ngày đăng :
04/01/2012 - 9:46 PM
Liệu thị trường chứng khoán có khởi sắc trong năm 2012 khi các công ty chứng khoán - những tay chơi chính trên thị trường - đã kiệt sức sau một năm đầy thương tích?
11h40 ngày 30.12.2011 trên sàn chứng khoán Thăng Long ở đường Kim Mã, Hà Nội, chuyên viên môi giới Trần Đông Phong ngồi lặng lẽ nhìn bảng điện tử dù phiên giao dịch cuối cùng của năm đã đóng cách đó 40 phút. Anh đang hồi tưởng lại một năm chiến đấu vừa qua. Không nói cũng rõ, lỗ là đương nhiên.
Chốt lại ngày giao dịch cuối cùng của năm 2011, cả 2 sàn đều tăng điểm nhưng năm qua là một năm mất mát của thị trường chứng khoán. VN-Index đã mất 133,11 điểm, giảm 27,46%, trong khi HNX-Index bốc hơi 55,5 điểm, giảm 48,58% so với ngày 31.12.2010, mức sụt giảm được đánh giá là chỉ đứng sau chỉ số chứng khoán của Hy Lạp và Cộng hòa Síp (Cyprus) trong năm 2011. Thử nghĩ ai có thể lội ngược dòng trong những tháng ngày gian khó như vậy?
Năm 2010, thị trường chứng khoán cũng suy giảm, song những đợt sóng lên xuống vẫn tạo được hưng phấn nhất định cho nhà đầu tư. Nam phụ lão ấu vẫn chịu khó đến sàn, hoặc chí ít cũng đến chờ cơ hội để mua bán. Còn năm qua, từng đợt nhà đầu tư ít ỏi còn lại lần lượt ra đi không kèn không trống. Những người còn ngồi lại trên sàn hầu hết là các nhân viên môi giới làm tại công ty chứng khoán.
Các nhà môi giới thua lỗ chính là hình ảnh thu nhỏ cho một bộ phận quan trọng hơn của sân chơi chứng khoán: các định chế môi giới trên thị trường, mà ở đây cụ thể là công ty chứng khoán. Thống kê sơ bộ cho thấy năm 2011, thanh khoản của thị trường sụt giảm mạnh. Giá trị giao dịch bình quân chỉ bằng khoảng 40% mức bình quân của thị trường năm 2010. Giá trị giao dịch mỗi phiên chỉ đạt 500-600 tỉ đồng, trong khi ở thời kỳ đỉnh điểm, con số này có thể lên đến trên 5.000 tỉ đồng/phiên. Điều này đồng nghĩa với hiệu quả hoạt động môi giới của khối công ty chứng khoán giảm sút nghiêm trọng.
Cùng với đó là thua lỗ từ mảng tự doanh. Tuy phải đến ngày 15.1.2012 các báo cáo tài chính mới đến hạn phải công bố lên 2 sở giao dịch chứng khoán, nhưng theo thống kê chưa đầy đủ, có tới gần 80% công ty chứng khoán thua lỗ trong năm 2011.
Vụ Công ty Chứng khoán SME và Công ty Chứng khoán Tràng An bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cảnh cáo vì mất khả năng thanh toán cho các giao dịch là đỉnh điểm của nỗi ê chề đối với các công ty chứng khoán trong năm qua. Nhiều công ty đã rơi vào tình trạng lỗ ăn vào cả vốn chủ sở hữu.
Để cắt giảm chi phí hoạt động, không ít đơn vị phải bỏ một số nghiệp vụ, trong đó có mảng môi giới, một trong những nghiệp vụ cơ bản nhất của một công ty chứng khoán. Mới đây nhất là việc Công ty Cổ phần Chứng khoán Hà Nội quyết định dừng nghiệp vụ môi giới chứng khoán kể từ ngày 9.12.2011. Hàng loạt công ty chứng khoán cũng đã phải dẹp bớt chi nhánh hoặc chuyển trụ sở từ khu vực trung tâm về nơi xa xôi ngóc ngách hơn.
Có thể thấy những tay chơi lớn ngày nào từng góp phần làm thay đổi cục diện thị trường nay đang chật vật xoay xở để có thể tồn tại, chờ ngày thái lai mà không biết bao giờ mới đến. Công ty chứng khoán là một trong những nhân tố quan trọng nhất của thị trường chứng khoán, nhưng nay nhân tố ấy đã suy kiệt cả thể xác lẫn tâm hồn. Với thể xác và tinh thần ấy, liệu có thể hy vọng họ sẽ dẫn dắt một lối chơi có sinh khí hơn cho năm 2012? E rằng rất khó, nếu không có một cú hích thực sự nào từ bên ngoài.
“Sẽ khó có ai cứu được các công ty chứng khoán. Họ sẽ phải tự xoay xở để tồn tại. Lượng công ty chứng khoán hiện nay là quá nhiều và có lẽ cơ quan chức năng muốn nhân dịp này dọn dẹp bớt, chỉ để lại một số công ty thực sự mạnh”, lãnh đạo một công ty chứng khoán (không muốn nêu tên) nhận xét.
Số lượng hơn 100 công ty chứng khoán của Việt Nam được cho là quá nhiều so với quy mô thị trường. Một số ý kiến cho rằng chỉ một nửa, thậm chí ít hơn, là đủ. Trung Quốc trước đây có đến 2.000 công ty chứng khoán, nhưng nay giảm xuống còn khoảng hơn 100 công ty. Thái Lan cũng chỉ có hơn 50 công ty chứng khoán so với trên 200 công ty trước đây.
Theo Hồng Quý
Nhịp cầu đầu tư
|
Ngày đăng :
04/01/2012 - 9:36 PM
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) thông báo đã mua thành công 100 triệu cổ phiếu nâng số CP quỹ Ngân hàng từ 0 CP lên 100 triệu.
Mã chứng khoán: STB
Mệnh giá: 10.000 đồng/CP
Số lượng cổ phiếu quỹ đăng ký mua lại: 100.000.000 CP
Số lượng CP đã mua: 100.000.000 CP
Thời gian thực hiện: từ ngày 16/11/2011 đến ngày 3/1/2012
Số lượng cổ phiếu quỹ trước khi đăng ký: 0 CP
Số lượng cổ phiếu quỹ sau khi thực hiện giao dịch: 100.000.000 CP
Nguồn vốn mua lại: Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần của STB
Phương thức thực hiện giao dịch: Khớp lệnh và thỏa thuận
Theo HOSE
|
Ngày đăng :
03/01/2012 - 5:13 PM
Hiện chỉ duy nhất ban lãnh đạo Cty Chứng khoán (CTCK) Phương Nam (PNS) công bố sẽ thưởng 3 tháng lương vào dịp Tết Nguyên đán. KLS, SSI có khả năng thưởng khá.
Ông Lữ Bỉnh Huy, Tổng Giám đốc PNS, cho biết mức thưởng trên nhằm động viên nhân viên công ty đã nỗ lực đóng góp cho hoạt động của doanh nghiệp năm 2011, đồng thời cổ vũ họ gắn bó và cống hiến năm 2012.
Ngoài Phương Nam, CTCK Kim Long và CTCK Sài Gòn (SSI), còn có khả năng thưởng Tết kha khá cho nhân viên, còn đa phần các CTCK chưa thấy đề cập chuyện thưởng Tết. Lãnh đạo các CTCK Quốc tế, Rồng Việt, Chợ Lớn cho hay có thể sẽ không có thưởng bởi giờ chưa biết tìm đâu ra nguồn tiền. ‘Chỉ là một khoản tiền động viên chứ giá trị sẽ không nhiều. Cao lắm thì 1/2 tháng lương, có khi chỉ vài triệu”- Một giám đốc CTCK nói.
Đến nay, riêng khối chứng khoán, do thị trường suy thoái, 2/3 trong tổng số 105 công ty lỗ nặng (tổng lỗ hơn 2.000 tỷ đồng), thưởng Tết đang là nỗi lo của các ông chủ.
Theo Khánh Huyền
Tiền Phong
|
Ngày đăng :
03/01/2012 - 4:59 PM
Khẳng định TTCK không thể cứ xanh, đỏ theo chính sách tiền tệ, vì như vậy là méo mó, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tiền tệ, Thống đốc NHNN cho rằng NHNN đã và đang thực hiện những bước đi cơ bản để lập lại thế cân bằng giữa hai thị trường:
Thị trường tiền tệ và thị trường vốn
Theo Thống đốc, trong các năm tới, NHNN sẽ khống chế lại tốc độ tăng trưởng của hệ thống ngân hàng, để hệ thống ngân hàng không hút hết tiền của nền kinh tế. Từ đó, dòng tiền nhàn rỗi sẽ tìm đến các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Trả lời phỏng vấn của ĐTCK, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định điều đó.
TTCK trong thời gian qua khá ảm đạm khiến chức năng huy động vốn cho nền kinh tế bị ảnh hưởng, gây sức ép lên hệ thống ngân hàng. Thống đốc có hướng tháo gỡ nào từ phía chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho sự phát triển của TTCK?
Thị trường tiền tệ chỉ là thị trường vốn ngắn hạn, còn TTCK - thị trường vốn mới là nơi cung ứng vốn trung và dài hạn. Một DN muốn hoạt động tốt hay có tình hình tài chính lành mạnh, bản thân DN phải có ít nhất 1/3 vốn, sau đó DN huy động trên thị trường vốn khoảng 1/3 nữa, còn 1/3 còn lại là vốn lưu động mới đi vay ngân hàng. Nhưng trên thực tế, nhiều khi cả 3 phần đó đều là của ngân hàng. Việc một số ngân hàng gặp các vấn đề về thanh khoản chính là hậu quả của quá trình như vậy.
Nhu cầu vốn của xã hội là rất cao, trong suốt những năm vừa qua, đầu tư toàn xã hội của chúng ta vào khoảng 40 - 44% GDP, thế nhưng tích lũy của nền kinh tế chỉ hơn 20% GDP. Vốn ít mà nhu cầu đầu tư thì nhiều nên hệ thống ngân hàng phải nâng lãi suất lên để hút vốn. Từ đó, dẫn đến hai hiện tượng: lãi suất huy động ở Việt Nam luôn luôn cao, cho nên lãi suất cho vay cũng cao; hệ thống ngân hàng thành kênh đầu tư của người có tiền nhàn rỗi.
Tại Việt Nam, cứ khi nào chính sách tiền tệ được nới lỏng, thì TTCK sẽ tăng, khi nào thắt chặt tiền tệ thì TTCK lại lao dốc. Thị trường vốn đã và đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường tiền tệ, như vậy, có nghĩa thị trường tài chính đã bị méo mó. Những việc NHNN đã làm trong năm 2011 là bước đi cơ bản để giúp TTCK dần trở nên phát triển cân bằng hơn với thị trường tiền tệ.
Xin ông cho biết cụ thể hơn về giải pháp mà ông đã và đang áp dụng để hỗ trợ TTCK phát triển?
Trong những năm tới, NHNN sẽ khống chế lại tốc độ tăng trưởng của hệ thống ngân hàng, để hệ thống ngân hàng không hút hết tiền của nền kinh tế. Từ đó, lãi suất huy động sẽ giảm, kéo theo lãi suất cho vay giảm. Khi thị trường tiền tệ không còn hấp dẫn như trước đây, người ta sẽ đầu tư vào các kênh khác.
Với chính sách quản lý vàng, trong thời gian tới, vàng cũng không phải là kênh đầu tư hấp dẫn, thậm chí rủi ro rất cao. Với mục tiêu của NHNN trong 5 năm tới, tình trạng đô- la hóa trong nền kinh tế sẽ được giảm thiểu, thì đầu tư vào ngoại tệ cũng không còn quá hấp dẫn. Như vậy, kênh đầu tư vào chứng khoán sẽ hấp dẫn hơn. NHNN đã và đang đi những bước cơ bản để lập lại thế cân bằng giữa hai thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Bên cạnh nỗ lực của NHNN trong việc ổn định thị trường tiền tệ và xác lập thế cân bằng giữa thị trường này với thị trường vốn, theo ông, TTCK cần cải tổ những yếu tố gì để phục hồi được?
Trước hết, phải nhìn nhận rõ rằng, thị trường vốn muốn phát triển cũng không thể một sớm một chiều, bởi những bước đi của thị trường vốn vẫn chưa thực sự bài bản. Minh chứng rõ nét là hiện lãi suất tiền gửi chỉ ở mức 14%/năm, trong khi cổ tức của nhiều DN lên tới 18 - 20%, nhưng đa số người dân vẫn không chọn phương án đầu tư cổ phiếu.
Ở đây, có hai yếu tố: thứ nhất là thông tin về các DN niêm yết không đầy đủ, thiếu chính xác, khiến nhà đầu tư không tin vào định hướng và khả năng hoạt động ổn định của DN; thứ hai là thanh khoản của thị trường đang có vấn đề. Để TTCK phục hồi, theo tôi, cần sớm giải quyết được hai tồn tại căn bản trên.
Một trong những mong đợi lớn nhất của các chủ thể trên TTCK hơn một năm qua là NHNN sẽ nới lỏng dòng tín dụng chảy vào TTCK. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Việc chúng tôi đã và đang làm là có những chính sách phù hợp để thị trường tiền tệ trở về đúng với tên gọi của nó, từ đó tạo điều kiện để thị trường vốn, trong đó có TTCK phát triển. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có một lộ trình với những bước đi thích hợp.
Tuy nhiên, trước thực trạng TTCK suy giảm quá mạnh và các chủ thể trên thị trường như CTCK, DN niêm yết đang gặp rất nhiều khó khăn, Bộ Tài chính và NHNN sẽ nghiên cứu thêm các biện pháp khác, không loại trừ những biện pháp về tín dụng, để tạo thêm luồng vốn cho TTCK, mà vẫn đảm bảo sự lành mạnh, an toàn.
Thông điệp thị trường tiền tệ sẽ không hút hết vốn của nền kinh tế liệu có mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 là 15 - 17%, cao hơn mức 12% thực tế của năm 2011, thưa ông?
Năm 2011, chúng ta đã thực hiện đúng định hướng của Nghị quyết 11 của Chính phủ là hướng vốn vào lĩnh vực sản xuất. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng là 12%, nhưng tăng trưởng vốn cho lĩnh vực sản xuất lên tới 15,7%. Đặc biệt, trong lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, tính bình quân trong cả năm thì tăng trưởng vốn đạt 25%; tín dụng xuất khẩu tăng tới 58%, kết quả là xuất khẩu năm 2011 của Việt Nam tăng trưởng trên 30%.
Trước đây, tăng trưởng tín dụng thường gấp 5 - 7 lần tăng trưởng kinh tế, nhưng năm nay, tỷ lệ này chỉ là 2 lần. Điều này cho thấy, dòng vốn ngân hàng đã đi đúng vào những địa chỉ cần thiết, từ đo, mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Năm 2012, NHNN sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ lĩnh vực cho vay phi sản xuất, nhưng sẽ có nới lỏng cho một số đối tượng. Ví dụ, trong lĩnh vực bất động sản, sẽ nới lỏng tín dụng cho vay xây dựng nhà hoàn thành trong năm 2012, xây dựng nhà cho người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp, xây dựng ký túc xá, nhà trọ cho công nhân... Về tổng thể vốn của các tổ chức tín dụng, vẫn ưu tiên cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt trong 4 lĩnh vực: nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DNVVN, chủ yếu ưu tiên cung ứng vốn lưu động cho các DN.
Theo Hồng Dung
ĐTCK
|
Ngày đăng :
01/01/2012 - 5:23 PM
“Đóng góp” chính vào “chiến tích” đó phải kể đến cái “máy ngốn” tiền mà nhiều CTCK đang tìm cách vứt bỏ trong năm tới.
Năm 2011: bung vỡ "ung nhọt"
Năm 2011, thanh khoản của thị trường sụt giảm nghiêm trọng, giá trị giao dịch bình quân trong năm 2011 chỉ bằng khoảng 40% mức bình quân của thị trường năm 2010; giá trị giao dịch mỗi phiên chỉ đạt từ 500 tỷ đồng đến 600 tỷ đồng, trong khi ở thời kỳ đỉnh điểm, giá trị giao dịch mỗi phiên có thể lên đến trên 5.000 tỷ đồng. Sự sụt giảm này đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của khối CTCK.
Vụ bà Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên là Thành viên HĐQT CTCK Phương Đông (ORS) với cú lừa đảo lên đến hàng nghìn tỷ đồng trên thị trường OTC mở màn cho những bê bối. Tiếp đến, CTCK SME, từng là một CTCK sở hữu hệ thống công nghệ hiện đại vào bậc nhất Việt Nam, với một lượng khách hàng tương đối lớn, thì năm qua cũng rơi vào cảnh "khốn đốn".
SME nhiều lần bị nhà đầu tư khiếu nại vì tài khoản tiền gửi của họ tại Công ty "có vấn đề", không thể rút được tiền bình thường. CTCK Tràng An (TAS) cũng bị Trung tâm Lưu ký cảnh cáo vì mất khả năng thanh toán cho các giao dịch chứng khoán và TAS đã phải nhờ đến Quỹ Hỗ trợ thanh toán của VSD để không phải hủy các giao dịch của nhà đầu tư. Theo giải thích từ phía TAS thì công ty này mất khả năng thanh toán vì không quản lý chặt khâu chuyển tiền của nhà đầu tư.
Trong năm nay, nhiều CTCK rơi vào tình trạng lỗ ăn vào cả vốn chủ sở hữu. Để tồn tại trên thị trường, nhiều công ty đã quyết định cắt giảm cả nghiệp vụ môi giới, một trong những nghiệp vụ cơ bản nhất của một CTCK.
Đông Dương (DDS) là CTCK đầu tiên làm việc này. Ngoài ra, dù chưa công khai, nhưng trao đổi với ĐTCK, một số lãnh đạo CTCK đang tính sẽ ưu tiên cắt nghiệp vụ tự doanh, vì đây là mảng "ngốn" khá nhiều vốn của công ty.
Nỗ lực "giữ chân" NĐT và phát triển
Khó khăn về mọi mặt, nhiều CTCK đều phải tự gồng mình để tồn tại. Theo lãnh đạo một CTCK, thị trường hiện nay là thời điểm tốt để các CTCK tập trung nâng cao hệ thống công nghệ nhằm cải thiện năng lực phục vụ nhà đầu tư. Việc "giữ chân" nhà đầu tư cũng đồng nghĩa với việc tự "cứu" chính mình. Bên cạnh đó, có những công ty tình hình hoạt động vẫn vững vàng, đầu tư dài hạn hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài.
Một trong số đó là CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS). Công ty này vừa triển khai hệ thống giao dịch DongApro và DongA Online với nhiều tính năng mới và vượt trội, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
DongA Pro là phần mềm ứng dụng được cài đặt trên máy tính cá nhân của nhà đầu tư nhằm thiết lập các giao diện và các tham số theo tuỳ chọn của khách hàng, cung cấp dịch vụ margin trực tuyến, quản lý tài khoản theo nhóm, đặc biệt, khách hàng có thể kiểm tra giá trị đầu tư cũng như các khoản lãi, lỗ dự kiến được tính tổng theo nhóm và tổng tất cả các nhóm.
Bên cạnh đó, giao dịch trực tuyến DongA Online cũng rất đa năng, giao diện đặt lệnh với nhiều vùng thông tin hỗ trợ, cho phép nhà đầu tư chia lệnh, sửa lệnh, đặt lệnh lô lớn. DongApro và DongA Online đặc biệt phù hợp với những người kinh doanh chứng khoán đồng thời trên nhiều tài khoản.
Sau một thời gian chuẩn bị, từ tháng 11/2011, VietinBankSc triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng mới qua Internet, bao gồm: chuyển tiền trực tuyến, ứng trước trực tuyến, bán lô lẻ trực tuyến và thực hiện quyền trực tuyến.
Tương tự, CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) vừa đưa hệ thống giao dịch VPBS Home Trading vào hoạt động. Đây là phiên bản nâng cấp của hệ thống VPBS Online Trading dành riêng cho các nhà đầu tư có thể dễ dàng quản lý giao dịch trên nhiều tài khoản được ủy quyền hoặc nhóm tài khoản.
Cũng không nằm ngoài mục đích phục vụ và hỗ trợ khách hàng, trong năm qua, nhiều CTCK thực hiện giảm phí giao dịch cho nhà đầu tư khi mở tài khoản, cung cấp các dịch vụ hấp dẫn như cho vay chứng khoán…
Những nỗ lực của những CTCK trên cho thấy, không phải thành viên nào cũng chán nản, buông xuôi phó mặc theo đà suy giảm của thị trường, mà còn có nhiều CTCK đang cố gắng, vượt lên trong lúc khó khăn. Năm 2011 đang khép lại với nhiều nỗi trăn trở đối với khối CTCK. Những CTCK tích cực cùng với sự nhiệt huyết, đam mê chắc chắn sẽ phát triển ổn định và khi thị trường tươi sáng trở lại. Thị trường sẽ không phụ lòng những thành viên gắn bó và nỗ lực.
Theo Hải Vân
ĐTCK
|