Đến chiều 12.4, nhiều ngân hàng đã tuyên bố hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, cả phía ngân hàng lẫn doanh nghiệp đều lo lắng việc không còn khả năng hấp thụ vốn.
Nhiều ngân hàng thương mại đã đưa lãi suất huy động về 12%/năm như BIDV, VietinBank, Agribank, Techcombank, TienphongBank, ABBank... Về lãi suất cho vay, BIDV ngay chiều ngày 11.4 đã công bố mức giảm 1 – 2,5%/năm. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường giảm sâu 2,5% so với trước, còn 14,5%/năm...
Ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc ngân hàng Eximbank cho hay, nhu cầu vốn của doanh nghiệp ở Eximbank không còn cao như trước, sức hấp thụ vốn của họ giảm mạnh. “Ngân hàng tiếp cận cho vay nhưng họ không có nhu cầu vay”, ông nói.
Ông Phạm Thiện Long, phó tổng giám đốc ngân hàng HDB cũng cho biết, lãi suất huy động còn 12%, HDB sẽ giảm lãi suất cho vay tương ứng 1%. “Mấy ngày nay lãi suất giảm mà doanh nghiệp không mặn mà. Người ta vay vốn làm gì khi hàng tồn kho không bán được?” ông nói.
Vay vốn làm gì?
Theo ông Phước, lãi suất chưa phải là yếu tố chính, mà hàng hoá đang tồn kho cao, sản xuất đình đốn, hàng làm ra không bán được, khoản phải thu thì đòi chưa được, sức cầu giảm sút… đã khiến các doanh nghiệp không nghĩ đến chuyện vay vốn.
Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương, phó chủ tịch Vasep, nêu thực trạng: những năm trước, doanh nghiệp có hợp đồng mua cá và nhập kho là ngân hàng cho vay, nhưng từ hơn một năm nay, ngân hàng không cho vay nữa. Doanh nghiệp không có vốn tự đầu tư nuôi cá, không có tiền mua cá của dân về chế biến nên ngưng sản xuất. Khi không tham gia thị trường, không có đơn hàng thì làm sao có hợp đồng để thế chấp vay theo điều kiện mà ngân hàng yêu cầu.
Những lý do trên đã khiến các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi của Eximbank giải ngân khá chậm. Tương tự, ở ACB, ông Đỗ Minh Toàn, phó tổng ngân hàng cho biết, ACB đang dư 3 tỉ USD không cho vay được vì doanh nghiệp không thể tiếp nhận vốn. Ông Phạm Thiện Long, phó tổng giám đốc ngân hàng HDB cho hay, mọi năm, bình quân ba tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chiếm 20 – 30% của cả năm, thì bây giờ ở HDB chỉ tăng 200 – 300 tỉ đồng, còn lại là cơ cấu lại các khoản nợ.
Còn tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank Nguyễn Phước Thanh cho rằng, phải rất nỗ lực, tín dụng của Vietcombank mới có thể tăng khoảng 6.000 – 7.000 tỉ đồng trong hai quý tới đây.
Chờ lãi suất giảm thêm
Theo khảo sát nội bộ của một ngân hàng thương mại hàng đầu đối với các doanh nghiệp đang có dư nợ ở ngân hàng này, lãi vay chiếm 24% trong tổng giá thành sản phẩm của doanh nghiệp. Chính vì vậy, gánh nặng đã đè lên vai nhiều doanh nghiệp khi lợi nhuận làm ra không đủ để trả lãi vay.
Nay lãi suất tuy đã giảm, nhưng vẫn ở mức rất cao. Theo ông Long, những doanh nghiệp xuất khẩu, thương mại… là sống nổi hiện nay vì có thể vay USD với giá 4,5%/năm, rẻ hơn rất nhiều so với lãi suất tiền đồng.
Theo TS Lê Đạt Chí, trưởng bộ môn tài chính – doanh nghiệp trường đại học Kinh tế TP.HCM, lãi suất chỉ là giọt nước làm tràn ly khó khăn của doanh nghiệp. Căn cơ của nền kinh tế hiện nay vẫn là việc doanh nghiệp đình đốn sản xuất. Ông cho rằng, ngân hàng Nhà nước hy vọng việc giảm lãi suất sẽ tác động đến tăng đầu tư, tăng chi tiêu. Song, lãi suất giảm không có nghĩa là tăng chi tiêu. Vì vậy, cho dù lãi suất có giảm, doanh nghiệp vẫn chờ đợi một tổng cầu khác được kích thích từ Nhà nước để giải toả được tồn kho, luân chuyển được dòng vốn. Hơn nữa, lãi suất trong xu hướng hạ, nên những doanh nghiệp chưa bức bách vốn có tâm lý chờ lãi suất giảm thêm.
Khó “kích” bất động sản
Tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank Nguyễn Phước Thanh cho rằng, việc nới tín dụng với hàng loạt đối tượng trong lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng phần nào đó cũng tăng cơ hội kinh doanh cho các ngân hàng, mặt khác tác động đến thị trường bất động sản, song cũng chỉ ở mức độ nào đó. Bởi như Vietcombank, tỷ trọng cho vay bất động sản, tiêu dùng của ngân hàng chỉ ở mức 8 – 9%, chỉ tiêu hết hơn nửa “room” của ngân hàng Nhà nước.
Chính sách mới cũng khuyến khích nhu cầu vay vốn để mua, sửa chữa nhà cửa cho những người có nhu cầu thực về nhà ở, song theo ông Thanh, “kích cầu” đối tượng này không dễ. “Giá bất động sản hiện nay dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, cộng với lãi suất ngân hàng, người làm công ăn lương ai dám vay vì lấy đâu tiền trả nợ. Nên nếu có mở tín dụng bất động sản thì dòng vốn chủ yếu đổ vào các chủ đầu tư, doanh nghiệp hoặc nhà đầu cơ”, ông Thanh nói và cho biết thêm, dư nợ tín dụng cho nhu cầu mua, sửa chữa nhà để ở của Vietcombank chỉ chiếm khoảng 3% dư nợ bất động sản.
Hồng Sương - Xuân Thu - Hoàng Bảy
SGTT