Hạ lãi suất: Thời điểm đã thích hợp?
Lãi suất cao các NH cũng khó cho vay ra. Theo NHNN, dư nợ tín dụng hệ thống đến cuối tháng 2-2012 giảm 2,51% so với cuối năm trước.
Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 6-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố sẽ giảm một điểm phần trăm tất cả các loại lãi suất trong vài ngày tới. Như vậy, trần lãi suất huy động sẽ hạ từ mức 14% xuống còn 13%. Theo đó, lãi suất cho vay cũng sẽ giảm. Quyết định này sẽ có tác động khá mạnh đến thị trường tiền tệ trên các phương diện như sự dịch chuyển của dòng vốn, tác động lên tỷ giá, lạm phát, tăng trường kinh tế...
Bình luận về thông báo trên, nhiều chuyên gia tài chính cũng như giới ngân hàng băn khoăn liệu thời điểm này việc hạ trần lãi suất có phù hợp không, dù họ vẫn biết rằng doanh nghiệp đang phải oằn mình vì lãi suất cao.
Những dấu hiệu thị trường
Năm 2011 có hơn 50.000 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giải thể, phá sản. Hầu như mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mọi loại hình doanh nghiệp đều khó khăn. Sản xuất có dấu hiệu đình đốn, co cụm.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1 năm nay giảm mạnh, chỉ bằng 76% tháng 12-2011 và bằng 83% cùng kỳ năm 2011. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-2-2012 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,4% so với cùng thời điểm năm trước. Trong số các ngành có chỉ số tồn kho tăng cao, có nhiều ngành cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như sản xuất phân bón và xi măng, sắt thép (chỉ số tồn kho tăng 50-70%)... Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp đang lâm vào cảnh “sống dở chết dở” là lãi suất ngân hàng cao.
Về phía ngân hàng, lãi suất cao cũng khiến họ khó cho vay. Theo NHNN, dư nợ tín dụng hệ thống đến cuối tháng 2-2012 giảm 2,51% so với cuối năm trước. Gần đây, một số ngân hàng cũng đã hạ lãi suất cho vay tiền đồng khoảng 1-2/năm. Có thể nói đã đến lúc yêu cầu giảm lãi suất trở nên bức thiết từ cả hai phía - ngân hàng và khách hàng.
Quyết tâm chính trị
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 vẫn giữ quan điểm chỉ đạo về lãi suất như năm 2011. Cụ thể là “giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô”. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhiều lần bày tỏ mục tiêu giảm lãi suất huy động tiền đồng để phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô, góp phần “nắn” dòng vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh và thị trường chứng khoán thay vì cứ gửi ngân hàng hưởng lãi.
Với trần lãi suất huy động cao 14%/năm (thực tế các khoản tiền gửi lớn lên đến 18-19%) và lãi suất cho vay 17-25% như thời gian vừa qua, cán cân phân phối thu nhập đang lệch nhiều về phía người gửi tiền và các ngân hàng thương mại. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam đã giảm đi rõ rệt, nếu không quyết tâm hạ lãi suất, có thể nền kinh tế lại bước vào chu kỳ suy giảm mới và không thể tiến cùng nhịp với thế giới.
Tiếng nói từ giới ngân hàng
Tuy vậy, nhiều các chuyên gia tài chính và lãnh đạo ngân hàng khi được hỏi đều nói thời điểm này chưa đủ điều kiện để hạ trần lãi suất huy động tiền đồng. Có ba lý do chính, đó là thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa được cải thiện, nợ xấu tăng nhanh và lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại.
Theo nhận xét của một số lãnh đạo ngân hàng, hiện nay thanh khoản của phần lớn ngân hàng thương mại nhà nước và một số ít ngân hàng thương mại cổ phần là tương đối ổn. Số còn lại, đặc biệt các ngân hàng nhóm 3, 4 còn rất khó khăn.
Trong khi đó, với mức trần lãi suất huy động 14%/năm, vốn huy động tháng 1-2012 vẫn giảm 3,29% so cuối năm trước. Bên cạnh đó, nợ xấu của nhiều ngân hàng trong hai tháng đầu năm đang tiếp tục tăng cao. Vốn huy động ít, nợ không thu hồi được đầy đủ, nếu hạ trần lãi suất huy động hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục khó khăn về thanh khoản và thiếu vốn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, chính những người chưa muốn hạ trần lãi suất huy động cũng phải công nhận khách hàng không thể chịu được mức lãi suất vay cao như hiện nay. Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam, đã từng nói tại một cuộc hội thảo rằng lãi suất cho vay phải về mức khoảng 9%/năm thì doanh nghiệp mới sản xuất kinh doanh có lãi. Còn nếu cứ đi vay với mức lãi suất cao như hiện nay thì “có ngày mở cửa ra ngân hàng thấy xác doanh nghiệp chất thành đống”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng lạm phát chưa được kiềm chế ổn định để giảm lãi suất. Theo Tổng cục Thống kê, CPI cả nước tháng 2 tăng 1,37% so với tháng trước và tăng 16,44% so với cùng kỳ năm 2011. Tháng 2 cũng đánh dấu mức tăng chỉ số giá tiêu dùng cao nhất kể từ tháng 5-2011 và là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này không giảm tốc. Chưa hết, mấy ngày vừa qua thị trường lại sôi động với việc tăng giá xăng dầu, gas và giá nhiều loại dịch vụ ở TPHCM và Hà Nội. Trên thế giới nhiều dự báo cho rằng giá dầu sẽ tăng trong năm 2012. Tất cả những điều này làm dấy lên mối lo ngại là lạm phát sẽ quay lại.
Theo Việt Nguyễn
TBKTSG