Vô tư mua bán ngoại tệ

Ngày đăng : 28/12/2011 - 10:33 AM
Khó mua ngoại tệ từ ngân hàng nên nhiều người có nhu cầu phải tìm đến thị trường tự do. Người dân thường bán USD cho các đầu mối thu mua ngoại tệ ngoài ngân hàng.
 
 
Dù các cơ quan chức năng đã tịch thu và xử phạt nặng một số vụ giao dịch ngoại tệ trái phép nhưng những ngày cuối năm 2011, trên thị trường vẫn diễn ra cảnh vô tư mua bán ngoại tệ.
 
Giao dịch sôi động
 
Ngày 26-12, tại tiệm vàng H.T - bên hông chợ Bến Thành (TPHCM) - luôn có khoảng 5-10 khách hàng thường trực mua bán USD, đô la Úc, đô la Singapore, euro…, không khí giao dịch khá sôi động. Nhân viên và hai máy đếm tiền của tiệm liên tục hoạt động để giao nhận ngoại tệ cho khách hàng. Tại đây, chúng tôi ghi nhận một người nước ngoài đi cùng với một thanh niên người Việt mua 3.500 USD. “Muốn mua 2.000 USD giá bao nhiêu?” - tôi hỏi. “Hai mốt ba hai (tức giá bán ra 21.320 đồng/USD)” - chủ tiệm cho biết.
 
Tương tự, các tiệm vàng ở khu vực chợ Tân Định, Bà Chiểu (TPHCM) cũng vô tư mua bán USD. Còn tại sân bay Tân Sơn Nhất, thấy chúng tôi đang tìm hiểu tỉ giá tại một đại lý thu đổi ngoại tệ, lập tức có 4 phụ nữ tìm đến sẵn sàng thu mua USD, tuy nhiên mức giá thu mua của những người này thấp hơn rất nhiều so với giá của các tiệm vàng.
 
Do không quen biết các đầu mối thu mua ngoại tệ nên anh T.V.N (phường 1, quận Phú Nhuận - TPHCM) phải nhờ bạn bè giới thiệu một chủ tiệm vàng để bán 10.000 USD. Chủ tiệm vàng này cho biết sau khi hai bên chốt giá sẽ có nhân viên của tiệm đến nhà anh N. để giao VNĐ, nhận USD. 
 
Chủ tiệm còn cho biết thêm: Để “né” sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, bước đầu, các tiệm vàng thường từ chối giao dịch số lượng lớn đối với khách hàng lạ nhưng sau đó gợi ý với khách hàng để lại địa chỉ, thống nhất giá mua- bán và sẽ đến nhà giao nhận “hàng” vào buổi tối, hoặc chủ tiệm vàng sẽ cùng với bên mua USD đến ngân hàng (NH) – nơi chủ tiệm vàng sẽ rút ra số ngoại tệ đang gửi tiết kiệm - rồi thực hiện giao dịch.
 
Doanh nghiệp mua rồi hợp thức hóa
 
Một số đầu mối ngoại tệ cho biết họ thu gom USD rồi bán lại cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa vào những ngày giáp Tết Nguyên đán. Riêng các doanh nghiệp đến hạn trả nợ vay NH cũng thường mua USD từ các tiệm vàng rồi hợp thức hóa bằng cách bán số ngoại tệ đó cho NH, sau đó NH làm thủ tục bán lại cho doanh nghiệp. Khi đó, số ngoại tệ mà doanh nghiệp trả nợ vay NH mới hợp pháp.
 
Thực tế cho thấy cá nhân có nhu cầu chính đáng rất khó mua được ngoại tệ từ NH nên họ thường tìm đến thị trường tự do để mua USD là điều dễ hiểu. Trong khi đó, do người bán USD cho NH có phần thiệt thòi bởi giá thu mua của NH thấp hơn giá thu mua của các tiệm vàng từ 200-300 đồng/USD nên vì lợi ích kinh tế, họ bán USD cho các đầu mối ngoài NH.
 
Theo Thy Thơ 
 
NLĐ

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

2011, năm "hoàng kim" của trái phiếu kho bạc Mỹ

Ngày đăng : 28/12/2011 - 10:27 AM

Nhu cầu đối với trái phiếu kho bạc Mỹ đã lên tới mức kỷ lục trong năm nay, và đây cũng là một trong những loại tài sản đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư.

 

Theo tin từ Bloomberg, năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã bán đấu giá thành công số trái phiếu trị giá 2.135 tỷ USD. Trong đó, lượng cầu nhận được cao gấp 3,04 lần lượng cung. Kể từ khi Washington bắt đầu công bố số liệu này vào năm 1992 dưới thời Tổng thống George H. W. Bush, chưa khi nào trái phiếu Mỹ nhận được lực cầu lớn đến vậy.
 
Đặc biệt, trong đợt bán 30 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 4 tuần vào ngày 20/12 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ nhận được mức cầu cao gấp 9,07 lần nguồn cung, mặc dù chỉ trả lãi suất 0% cho số trái phiếu này.
 
Mặc dù hãng định mức tín nhiệm Standard & Poor’s đã tước điểm tín nhiệm AAA của Mỹ hồi đầu tháng 8 vừa qua, trái phiếu kho bạc kỳ hạn từ 10 năm trở lên của nước này vẫn đem lại cho các nhà đầu tư mức nhuận suất hấp dẫn 25,6% trong năm nay.
 
Cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng ở châu Âu và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu thúc đẩy các nhà đầu tư đổ vốn vào các tài sản an toàn của Mỹ, trong đó có trái phiếu kho bạc. Nhờ đó, Chính phủ Mỹ có thể vay vốn với mức chi phí thấp để trang trải cho thâm hụt ngân sách. Nếu tính theo phần trăm so với GDP, thì chi phí vay vốn của Washington năm nay còn thấp hơn cả khi nước này có thặng dư ngân sách trong lần gần đây nhất.
 
Bloomberg cho biết, tiền trả lãi của Chính phủ Mỹ trong năm tài khóa 2011 kết thúc vào ngày 30/9 chỉ chiếm 3% GDP, giảm so với mức 4% vào năm 1999. Trong thời gian Chính phủ Mỹ có thặng dư ngân sách từ 1998-2001, lực cầu trái phiếu kho bạc nước này chỉ cao gấp 2,26 lần khối lượng trái phiếu được chào bán.
 
Giới phân tích dự báo, trong năm tới, nhu cầu đối với trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ còn mạnh, vì tài sản này là một trong số rất ít những tài sản mà giới đầu tư quốc tế còn xem là an toàn trong bối cảnh hiện nay. Đây là một tín hiệu cho thấy Tổng thống Barack Obama có thể sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc lấp chỗ trống cho khoản bội chi trên 1 nghìn tỷ USD trong năm thứ tư liên tục vào năm 2012.
 
Lần gần đây nhất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn đem lại mức lợi nhuận lớn như năm nay là vào năm 1995, khi tài sản này tăng giá 30,7%.
 
Tính chung, trái phiếu kho bạc Mỹ năm nay đem về mức lợi nhuận 8,9% cho các nhà đầu tư, so với mức giảm 8% của chỉ số Thomson Reuters/Jefferies CRB Index - thước đo giá của các loại hàng hóa cơ bản, và mức tăng 0,6% của chỉ số Standard&Poor’s. Theo số liệu của ngân hàng Bank of America, giá trái phiếu chính phủ và các loại chứng khoán đảm bảo bằng nợ địa ốc trên phạm vi toàn cầu năm nay tăng 5,8%, còn trái phiếu doanh nghiệp tăng 4,3%.
 
Lực cầu cao đối với nợ Mỹ đồng nghĩa với sức mạnh cho đồng USD. Năm nay đang trên đà trở thành năm tăng giá thứ hai liên tục đối với đồng bạc xanh, với mức tăng khoảng 1,2%. Năm ngoái, đồng tiền này tăng giá 1,5% so với một rổ tiền tệ mạnh khác trong chỉ số Dollar Index của IntercontinentalExchange Inc. Đồng Yên Nhật là đồng tiền duy nhất có mức tăng giá cao hơn USD trong năm nay, với mức tăng 4,1%.
 
“Nước Mỹ đang hưởng lợi từ môi trường bất ổn toàn cầu”, ông Scott Graham, người đứng đầu bộ phận giao dịch trái phiếu chính phủ thuộc ngân hàng Bank of Montreal, nhận định. Tính đến tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm là 2,02%, giảm nhiều so với mức 3,3% vào cuối năm 2010.
 
Nợ chính phủ Mỹ hiện đã vượt mức 15.000 tỷ USD. Trong 3 năm tài khóa từ tháng 10/2008-9/2011, Washington đã bội chi tổng cộng 4.000 tỷ USD. Trong năm tài khóa 2012, mức thâm hụt dự báo sẽ là 1.100 tỷ USD, giảm so với mức 1.300 tỷ USD vào năm 2011.
 
Theo dự báo của Bloomberg, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm 2012 và 2,5% trong năm 2013. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo mức tăng trưởng 2,7% cho năm 2012 và 3,25% cho năm 2013.
 
Theo Kiều Oanh
 
VnEconomy

Năm 2012: Cơ hội tuyệt vời để kiếm tiền!

Ngày đăng : 28/12/2011 - 9:54 AM

Trong bối cảnh bức tranh kinh tế của năm 2012 được các chuyên gia kinh tế phác thảo không mấy sáng sủa, TS Alan Phan, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa, khiến người ta ngỡ ngàng với khẳng định: Đây là cơ hội tuyệt vời để kiếm tiền!

 

 

 

Trong thực tế kinh doanh, đồng tiền luôn thay đổi và dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác và khủng hoảng còn là cơ hội để người ta kiếm tiền. Mỗi ngày có tới 400-500 tỷ USD luân chuyển trên thị trường thế giới. Thị trường không thiếu vốn, Việt Nam cũng không thiếu vốn… Cách thức lý luận mà TS Alan Phan đưa ra khiến người nghe liên tưởng đến lưu ý của giáo sư John Snown - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, trong lần diễn thuyết tại Việt Nam hồi tháng 11: "Đồng tiền chỉ đến với nơi nào được đối xử tốt". Và lẽ dĩ nhiên, muốn đồng tiền đến với doanh nghiệp mình, người chủ doanh nghiệp phải biết cách đối xử với đồng tiền khôn ngoan ấy!

Bạc tóc vì không biết rót vốn vào đâu

Có một người bạn đang chịu sức ép về việc phải giải ngân 100 triệu USD vào các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm đến TS Alan Phan để nhờ cung cấp thông tin. Sau 9 tháng gặp lại, TS Alan Phan vô cùng ngạc nhiên khi thấy người bạn của mình đã bạc cả tóc, hỏi ra mới biết, ông không thể tìm được đối tác nào hội đủ các điều kiện để rót vốn. Nhiệm vụ bất khả thi khiến ông này có nguy cơ bị sa thải. Câu chuyện được TS Alan Phan dẫn ra khi vấn đề thiếu vốn triền miên của các doanh nghiệp Việt Nam được xới lên. "Chúng ta không thiếu vốn mà chỉ thiếu những ý tưởng kinh doanh, những sản phẩm đặc thù và thiếu sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp", TS Alan Phan nhấn mạnh. Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, một người cũng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại thị trường Mỹ như ông Alan Phan cho rằng, rất ít doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo được yếu tố công khai, minh bạch trong hoạt động, vậy nên rất khó để họ có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp một cách hiệu quả. "Nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu công bố thông tin không chính xác", ông Thành nói.

Nhìn ở góc độ khác, chưa bao giờ kết quả kinh doanh của giới doanh nghiệp Việt Nam ảm đạm như hiện nay. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp thực sự phải tạm dừng hoạt động hay giải thể đang ngày một gia tăng, dẫu chưa cơ quan nào đưa ra được một con số thống kê đáng tin cậy. Tình hình sẽ còn xấu hơn nếu kinh tế khu vực và thế giới xấu đi trong năm 2012 và ngân hàng không mở hầu bao cho số đông doanh nghiệp. Vậy bài toán vốn này cần phải giải như thế nào?

Gõ cửa ngân hàng

Đã từng là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rồi Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bà Dương Thu Hương hẳn không xa lạ với hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Bà dẫn ra con số: tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên vốn vay của doanh nghiệp Việt Nam hiện ở mức 1/20, cá biệt còn lên đến 1/30. "Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam hiện lệ thuộc rất nhiều vào vốn vay bên ngoài, chủ yếu là từ ngân hàng", bà Hương nhận xét. Theo những thông điệp chính sách phát đi từ Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Hương cho rằng, có thể tin tưởng doanh nghiệp sẽ có cơ hội vay được vốn với điều kiện tốt hơn trong năm 2012. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Dũng, Phó TGĐ ngân hàng Vietcombank, lại nhìn nhận một cách thực tế hơn khi khẳng định: điều đó chỉ đúng với những doanh nghiệp mạnh khỏe, khách hàng lâu năm của ngân hàng! Điều này có thể hiểu được trong bối cảnh hiện nay, theo cách diễn đạt của TS Lê Xuân Nghĩa là "đến các ngân hàng lớn cũng còn run. Bản thân các ngân hàng cũng đang phải lo toan với những vấn đề của chính mình thì việc tăng trưởng tín dụng đối với khối sản xuất hay phi sản xuất cũng đều phải dựa vào những cân nhắc rất thận trọng và từ cả những chỉ dấu chính sách".

Tuy có ý kiến phản biện lại nhận xét của ông Bùi Kiến Thành về việc các ngân hàng thương mại hiện nay chỉ cho vay dựa vào tài sản thế chấp, bà Dương Thu Hương cũng phải thừa nhận một thực tế rằng: việc cho vay theo dòng tiền, cho vay theo dự án đã được các ngân hàng triển khai lâu nay, nhưng chưa nhiều và chưa hiệu quả. Trong khi trò chuyện riêng với Doanh Nhân, bà cho rằng, với cơ chế hiện nay, các ngân hàng chưa đủ năng lực để thẩm định dự án hay nhìn nhận dài hơn, xa hơn cho một vòng đời dự án cũng như kiểm soát cho vay theo dự án để quyết định cho vay. Yếu tố cốt lõi vẫn là sự thiếu minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp tạo nên mối e ngại lớn của các ngân hàng, bà Hương nói. Như vậy, quả bóng một lần nữa lại được chuyển sang sân của doanh nghiệp, bởi xét đến cùng, để có thể vay được vốn đã đến lúc doanh nghiệp không nên chỉ nghĩ đến việc đem tài sản ra thế chấp mà cần phải thay đổi cung cách tiếp cận nguồn vốn đầu tư.

Kênh nào ra vốn đầu tư?

Thông thường các doanh nghiệp tìm vốn ở các nguồn quen thuộc như các cổ đông hiện hữu, bạn bè, người thân trong gia đình, các đối tác hiện có, ngân hàng và một số nguồn không chính thống khác. Một mặt chỉ ra thói quen huy động vốn này của doanh nghiệp Việt Nam, mặt khác TS Alan Phan đưa ra khuyến nghị về vai trò của các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm vốn của các doanh nghiệp. Đó là các quỹ đầu tư, đối tác chiến lược, các nhà đầu tư cá nhân, các khách hàng, nhà cung cấp… Trong đó, theo ông Alan Phan, các doanh nghiệp nên chú ý đến việc bắt tay với các công ty bảo hiểm, các công ty cho thuê tài sản và thậm chí cả hình thức thuê ngoài (outsourcing)… Với những doanh nghiệp đủ sức và đủ minh bạch, lời khuyên của ông chính là việc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ - một thị trường tài chính lớn nhất thế giới với đủ mọi tầm cỡ của doanh nghiệp. Có thể lời khuyên của ông Alan Phan chưa thật thích hợp với đa số các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Nhưng việc khuyến nghị nên nghĩ xa hơn, bớt lệ thuộc vào ngân hàng, tự nghĩ cách tìm kiếm nguồn vốn ở những thị trường bên ngoài như: Đông Nam Á, Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu là điều mà doanh nghiệp cũng nên cân nhắc khi chuẩn bị đón năm 2012 – một năm mà kịch bản kinh tế được dự báo là rất xấu. Muốn vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần vươn đến những chuẩn mực hoạt động cao hơn.

Ông Thomas LanYi, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Mekong Capital chia sẻ kinh nghiệm, trước khi quyết định đầu tư, họ xem xét rất kỹ về doanh nghiệp, không chỉ nhìn doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại mà nhìn xa hơn trong chiến lược trung và dài hạn của chính doanh nghiệp đó. Thậm chí, mối quan tâm có thể rất cụ thể như: văn hóa doanh nghiệp; cơ chế đưa ra quyết định của doanh nghiệp; doanh nghiệp có tham vọng tham gia các "cuộc chơi" lớn không… Nếu là một doanh nghiệp qui mô gia đình khi phát triển thì năng lực quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp có theo kịp yêu cầu không; cơ chế chia sẻ thành công với các đối tác thế nào?… Điều mà ông Thomas băn khoăn là các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc thuê CEO chất lượng cao, do vậy họ sẽ gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng và chuẩn mực hoạt động. Theo ý kiến của ông Bùi Kiến Thành, để gọi được vốn các doanh nghiệp cần gia tăng kỹ năng đi vay theo dự án, phải trả lời được câu hỏi về dòng tiền của dự án.

Tiếp tục khuyến nghị đối với doanh nghiệp, TS Alan Phan đưa ra 5 yếu tố cần thiết khi vay vốn: Sáng tạo - kiên nhẫn - cách thức bán hàng - hiểu mình (lợi thế cạnh tranh, ban quản trị) và hiểu nhu cầu nhà đầu tư. Và trước mỗi cuộc tiếp xúc vay vốn, doanh nghiệp cần đưa ra được danh sách các nguồn vốn tiềm năng; làm một phân tích SWOT; kế hoạch kinh doanh mới; báo cáo và dự phòng tài chính cũng như phải đưa ra được đề nghị về mức hoàn trả (ROI)… Chỉ khi chuẩn bị được kỹ càng như vậy, câu chuyện vay vốn mới không trở thành nỗi ám ảnh của doanh nghiệp. "Nói như Tôn Tử, kết quả của trận chiến được quyết định trước khi phát súng đầu tiên khai hỏa", TS Alan Phan kết luận một cách hình ảnh và cũng đầy ẩn ý.

 


Theo Thương Vũ

 DDDN


 
 


EVN sẽ thoái vốn khỏi Ngân hàng An Bình

Ngày đăng : 28/12/2011 - 9:35 AM

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có kế hoạch thoái vốn khỏi Ngân hàng An Bình và Công ty Tài chính Điện lực. Hiện Ngân hàng An Bình và Công ty Tài chính Điện lực đều hoạt động có lãi.

 

 

EVN đầu tư vào Ngân hàng An Bình 114,9 tỷ đồng; vào Công ty Tài chính Điện lực 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, EVN đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản 2.108 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,22% trên tổng vốn đầu tư; trong đó, đầu tư vào các doanh nghiệp bất động sản 79,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý là khoản tiền cọc hơn 700 tỷ đồng do FPT chuyển cho Thương vụ mua cổ phần của EVN Telecom (mua bán giữa hai đơn vị sau đó bất thành do EVN Telecom không đáp ứng được tỷ lệ bán theo cam kết với FPT) do EVN quản lý. Gần 1 năm trôi qua, FPT vẫn chưa đòi được EVN khoản tiền này.

 

 

Theo ĐTCK




 


Ngân hàng vẫn cho vay lãi suất 22 - 23%/năm

Ngày đăng : 28/12/2011 - 9:28 AM

Nguyên do lãi suất liên ngân hàng quá cao trong khi nguồn vốn không dồi dào và một số đơn vị huy động lãi suất vượt trần 3-4%/năm, Tuổi trẻ cho biết.

 

 

 

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ - đối tượng được ưu tiên theo định hướng của NH Nhà nước - vẫn khó tiếp cận vốn NH. Còn người gửi tiền bức xúc vì tốc độ giảm LS cho vay không tương thích với tốc độ giảm lãi suất huy động.

Trên 20%/năm

Bà D.T., giám đốc Công ty cổ phần NB, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gia công kính tại quận Tân Bình, cho biết các khoản vay cũ trong năm 2011 vẫn phải chịu LS 23%/năm. Với LS này, nay lợi nhuận không đủ trả lãi cho NH, đặc biệt trong điều kiện đầu ra của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các dự án xây dựng bị đình đốn. Hơn nữa, NH còn rất kén tài sản thế chấp. “NH không nhận tài sản thế chấp là máy móc thiết bị. Còn bất động sản họ lại bảo quá rủi ro” - bà D.T. nói. Trong điều kiện hiện nay, kế hoạch vay thêm khoảng 20 tỉ đồng để mở rộng xưởng sản xuất gia công cho năm sau đành phải gác lại.

Ông Trần Ngành, giám đốc Công ty văn phòng phẩm Quyky, cho biết đã gom tiền trả nợ trước thời hạn vì LS tăng lên 22%/năm. Năm 2012 ông sẽ hạn chế tối đa vay vốn NH vì LS quá cao. Trong trường hợp cần kíp ông sẽ chỉ vay tối đa 3-5 tỉ đồng để làm vốn lưu động, mua dự trữ một số nguyên vật liệu chủ yếu để sản xuất bút bi. Ông Ngành cho biết LS cho vay ngoài 19%/năm là quá sức chịu đựng của DN.

Ông Lâm Trọng Sơn, tổng giám đốc Công ty TNHH gỗ sấy Gosago, cho rằng đầu ra của DN vẫn còn khó khăn, nhất là đầu ra ở thị trường nội địa (hiện chiếm 70% tổng sản lượng sản xuất). Do vậy LS cho vay 19%/năm theo ông vẫn quá cao. “Doanh nghiệp nào cũng cần vốn để làm ăn. Nhưng thử hỏi với LS cao như vậy làm sao doanh nghiệp có thể trụ nổi?” - ông Sơn nói. Theo tính toán của ông Sơn, doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động sản xuất với LS 15-16%/năm.

Tái diễn huy động vượt trần

Lý giải nguyên nhân chậm giảm LS, lãnh đạo một NH cổ phần tại quận 1 đổ lỗi cho LS cho vay trên thị trường 2 quá cao và nguồn vốn cho vay không dồi dào. Hiện nhiều NH nhỏ vẫn phải cậy nhờ thị trường 2 trong khi muốn vay được vốn của NH bạn phải có tài sản thế chấp. Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện nay hầu hết NH đều dư “room” tín dụng.

Tuy nhiên có thực tế khác tác động đến đà giảm của LS cho vay là việc tái diễn tình trạng huy động vượt trần. Bà L., giám đốc một DN, kể do bức xúc về việc LS huy động đã giảm xuống 14%/năm hơn ba tháng qua nhưng LS cho vay vẫn cao, bà đã đem tiền gửi NH và phát hiện nhiều NH vẫn huy động vượt trần đến 3-4%/năm. “Từ thực tế của chính mình, tôi nghiệm ra rằng nếu NHNN không kiên quyết xử lý NH huy động vượt trần thì rất khó hạ LS cho vay” - bà L. nói.

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại quận 1 xác nhận có tình trạng NH huy động vượt trần và việc này ảnh hưởng đáng kể đến tình hình huy động tại NH. Theo vị phó tổng giám đốc này, thời điểm này thanh khoản tiền mặt không quá căng thẳng như vài tháng trước, nhưng cận tết doanh nghiệp cần tiền mặt để chi trả lương thưởng tết cho nhân viên nên phải âm thầm khuyến mãi để huy động vốn ngắn ngày.

“Công nghệ” huy động vượt trần tại NH ngày càng tinh vi hơn, ngoài cách chi tiền mặt, có NH yêu cầu khách hàng mở tài khoản tại NH, rồi làm thủ tục nộp rút tiền. Nhân viên NH giải thích đó chỉ là thủ tục chứ thực chất khách hàng chỉ ký giấy mà không phải nộp tiền. Thông qua tài khoản này, NH sẽ làm thủ thuật để tăng số điểm thưởng cho khách hàng và chi thưởng. Hiện đỉnh LS huy động trên thị trường đã lên đến hơn

18%/năm ở các kỳ hạn ngắn


Thực trạng trên đang khiến mục tiêu kéo giảm lãi suất cho vay xuống theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN gặp nhiều khó khăn. Một lãnh đạo NH cổ phần cho rằng chủ trương kéo giảm LS cho vay xuống 10%/năm cần có thời gian, nếu giảm quá nhanh, thay vì gửi VND người dân sẽ chuyển sang mua USD cất giữ.

Nguyên thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cho biết DN nhỏ phản ảnh rất nhiều về tình trạng LS cao, làm cho sản xuất kinh doanh đình đốn. Theo ông Kiêm, huy động vốn khó khăn chính là lý do NH khó hạ LS cho vay.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện nay không chỉ NH nhỏ mà các NH lớn cũng phải treo thưởng hậu hĩnh để thu hút tiền gửi. Một NH vừa trao thưởng chương trình huy động dự thưởng sáng 27-12 với phần thưởng là chiếc xe Camry cho biết hơn 50% vốn huy động được qua chương trình là vàng và ngoại tệ, chứng tỏ LS huy động VND chưa hấp dẫn.

Chủ tịch hội đồng quản trị một NH quy mô nhỏ xác nhận khó huy động vốn bằng VND. “Việc đưa LS cho vay lên cao là để hạn chế cho vay, chứ NH không thể lấy lý do huy động khó, không có nguồn cho vay”, ông này nói. Theo ông này, sang năm 2012 cũng chưa hứa hẹn được điều gì mà tất cả phụ thuộc việc có huy động được vốn hay không.

 

Theo ÁNH HỒNG - TRẦN VŨ NGHI

 Tuổi Trẻ


 


Sàn vàng công khai mời gọi

Ngày đăng : 27/12/2011 - 9:17 AM

Để xử lý sàn vàng “chui” cần có văn bản pháp luật rõ ràng nhưng đến nay, nghị định về quản lý kinh doanh vàng còn vẫn là… dự thảo


Dù sàn vàng của các ngân hàng (NH) đã đóng cửa từ tháng 3-2010 theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng thực tế, sàn vàng của nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động công khai và khá rầm rộ. Vì sao?
 
Vẫn hoạt động ì xèo
 
Một nhà đầu tư chứng khoán cho biết thường xuyên nhận được lời mời chơi vàng qua tài khoản từ các sàn vàng. Qua email, điện thoại…, nhiều nhà đầu tư cũng nhận được những lời mời tham gia rất hấp dẫn: “Công ty chúng tôi chuyên cung cấp các sản phẩm giao dịch đầu tư tài chính, kinh doanh hàng hóa qua tài khoản như vàng, ngoại tệ. Bạn sẽ nhận được sự tư vấn, hỗ trợ chiến thuật từ các chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm. Hoạt động 24/24 giờ từ thứ hai đến thứ sáu. Vốn đầu tư ít, khả năng sinh lời cao, tỉ lệ đòn bẩy: 1:100, 1:200…”.
 
Chúng tôi liên hệ với nhân viên tư vấn công ty V. trên đường Nguyễn Du, quận 1- TPHCM. Chị này khoe: Hiện có khá nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và mở tài khoản giao dịch. “Giá vàng mấy ngày qua xuống thấp, nếu chị chơi, cơ hội thắng sẽ cao hơn. Bên em sẽ hỗ trợ tư vấn chiến lược đánh lên - đánh xuống từng bước một. Công ty còn đang khuyến mãi đặc biệt cho người mới chơi” - nhân viên này tiếp thị.
 
Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), cho biết hiện có quá nhiều thông tin về giá vàng được cập nhật hằng giờ, hằng ngày hỗ trợ cho các nhà đầu tư trên sàn vàng. Một số trang web vàng, ngoại hối nước ngoài còn có phần tiếng Việt để hỗ trợ và “mời gọi” nhà đầu tư Việt Nam...
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng 8 sàn vàng đang hoạt động, trong đó 4 sàn khá mạnh thu hút cả ngàn nhà đầu tư tham gia. Nhà đầu tư chỉ cần mở tài khoản tối thiểu 1.000 USD là có thể đánh 1 lot = 100 lượng vàng. Mỗi lần giao dịch tiếp theo, người chơi đánh 0,1 lot, đòn bẩy tài chính là 1:100. Với người mới tham gia, chuyện “cháy” tài khoản vài ngàn USD là bình thường và được xem như “học phí”.
 
Khó xử lý
 
Thực tế, ngay sau khi sàn vàng chính thức đóng cửa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 3-2010, chỉ có các NH, doanh nghiệp Nhà nước tuân thủ. Còn các sàn vàng “chui” vẫn tiếp tục hoạt động núp dưới dạng đăng ký môi giới giao dịch hàng hóa qua tài khoản. Đến nay, một số sàn vàng vẫn công khai hoạt động mà không bị xử lý. 
 
Một cán bộ am hiểu lĩnh vực này giải thích sở dĩ các sàn vàng đang tồn tại và công khai hoạt động là họ dựa vào đăng ký ngành nghề với Sở Kế hoạch - Đầu tư, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên không thể xử phạt. Muốn “xử” các doanh nghiệp này phải chờ nghị định về quản lý kinh doanh vàng ra đời.
 
Theo dự thảo nghị định, hoạt động của sàn vàng là bất hợp pháp, muốn kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài phải được Thủ tướng và NH Nhà nước cấp phép. Tuy nhiên, đến nay, nghị định vẫn chưa ban hành nên cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để xử phạt các sàn vàng “chui”. Chưa kể, việc kinh doanh các sàn vàng đa số đặt máy chủ ở nước ngoài, thông qua nhiều trang web nước ngoài, thanh toán tiền qua NH… nên rất khó xử lý.
 
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh vàng nhận xét: Đánh vàng qua tài khoản tại các sàn vàng “chui” rất rủi ro, giống như “canh bạc đỏ đen” luôn thắng ít, thua nhiều. Tỉ lệ ký quỹ thấp chỉ trên dưới 1% khiến các nhà đầu tư rất hăng. Kết quả là “càng chơi nhanh càng mau… trắng tay”. Vị này cũng cho biết “nhà cái” - các công ty môi giới - có rất nhiều “chiêu” để lừa nhà đầu tư.
 
Không ít người đã trắng tay với sàn vàng “chui” bởi những thủ thuật đơn giản như nghẽn mạng, mất điện… hoặc bị xóa trắng lịch sử các lệnh. Khi người chơi thua, mạng chạy rất tốt. Đến lúc họ thắng, mạng lại chập chờn khiến lệnh đặt không khớp. Khi có sự cố, “nhà cái” thường giải thích họ chỉ là trung gian môi giới, máy chủ đặt ở nước ngoài theo giá quốc tế nên không chịu trách nhiệm.
 
Theo Thái Phương
NLĐ
 

 

Tin mới cập nhật