Ngày đăng :
28/12/2011 - 9:28 AM
Nguyên do lãi suất liên ngân hàng quá cao trong khi nguồn vốn không dồi dào và một số đơn vị huy động lãi suất vượt trần 3-4%/năm, Tuổi trẻ cho biết.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ - đối tượng được ưu tiên theo định hướng của NH Nhà nước - vẫn khó tiếp cận vốn NH. Còn người gửi tiền bức xúc vì tốc độ giảm LS cho vay không tương thích với tốc độ giảm lãi suất huy động.
Trên 20%/năm
Bà D.T., giám đốc Công ty cổ phần NB, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gia công kính tại quận Tân Bình, cho biết các khoản vay cũ trong năm 2011 vẫn phải chịu LS 23%/năm. Với LS này, nay lợi nhuận không đủ trả lãi cho NH, đặc biệt trong điều kiện đầu ra của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các dự án xây dựng bị đình đốn. Hơn nữa, NH còn rất kén tài sản thế chấp. “NH không nhận tài sản thế chấp là máy móc thiết bị. Còn bất động sản họ lại bảo quá rủi ro” - bà D.T. nói. Trong điều kiện hiện nay, kế hoạch vay thêm khoảng 20 tỉ đồng để mở rộng xưởng sản xuất gia công cho năm sau đành phải gác lại.
Ông Trần Ngành, giám đốc Công ty văn phòng phẩm Quyky, cho biết đã gom tiền trả nợ trước thời hạn vì LS tăng lên 22%/năm. Năm 2012 ông sẽ hạn chế tối đa vay vốn NH vì LS quá cao. Trong trường hợp cần kíp ông sẽ chỉ vay tối đa 3-5 tỉ đồng để làm vốn lưu động, mua dự trữ một số nguyên vật liệu chủ yếu để sản xuất bút bi. Ông Ngành cho biết LS cho vay ngoài 19%/năm là quá sức chịu đựng của DN.
Ông Lâm Trọng Sơn, tổng giám đốc Công ty TNHH gỗ sấy Gosago, cho rằng đầu ra của DN vẫn còn khó khăn, nhất là đầu ra ở thị trường nội địa (hiện chiếm 70% tổng sản lượng sản xuất). Do vậy LS cho vay 19%/năm theo ông vẫn quá cao. “Doanh nghiệp nào cũng cần vốn để làm ăn. Nhưng thử hỏi với LS cao như vậy làm sao doanh nghiệp có thể trụ nổi?” - ông Sơn nói. Theo tính toán của ông Sơn, doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động sản xuất với LS 15-16%/năm.
Tái diễn huy động vượt trần
Lý giải nguyên nhân chậm giảm LS, lãnh đạo một NH cổ phần tại quận 1 đổ lỗi cho LS cho vay trên thị trường 2 quá cao và nguồn vốn cho vay không dồi dào. Hiện nhiều NH nhỏ vẫn phải cậy nhờ thị trường 2 trong khi muốn vay được vốn của NH bạn phải có tài sản thế chấp. Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện nay hầu hết NH đều dư “room” tín dụng.
Tuy nhiên có thực tế khác tác động đến đà giảm của LS cho vay là việc tái diễn tình trạng huy động vượt trần. Bà L., giám đốc một DN, kể do bức xúc về việc LS huy động đã giảm xuống 14%/năm hơn ba tháng qua nhưng LS cho vay vẫn cao, bà đã đem tiền gửi NH và phát hiện nhiều NH vẫn huy động vượt trần đến 3-4%/năm. “Từ thực tế của chính mình, tôi nghiệm ra rằng nếu NHNN không kiên quyết xử lý NH huy động vượt trần thì rất khó hạ LS cho vay” - bà L. nói.
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại quận 1 xác nhận có tình trạng NH huy động vượt trần và việc này ảnh hưởng đáng kể đến tình hình huy động tại NH. Theo vị phó tổng giám đốc này, thời điểm này thanh khoản tiền mặt không quá căng thẳng như vài tháng trước, nhưng cận tết doanh nghiệp cần tiền mặt để chi trả lương thưởng tết cho nhân viên nên phải âm thầm khuyến mãi để huy động vốn ngắn ngày.
“Công nghệ” huy động vượt trần tại NH ngày càng tinh vi hơn, ngoài cách chi tiền mặt, có NH yêu cầu khách hàng mở tài khoản tại NH, rồi làm thủ tục nộp rút tiền. Nhân viên NH giải thích đó chỉ là thủ tục chứ thực chất khách hàng chỉ ký giấy mà không phải nộp tiền. Thông qua tài khoản này, NH sẽ làm thủ thuật để tăng số điểm thưởng cho khách hàng và chi thưởng. Hiện đỉnh LS huy động trên thị trường đã lên đến hơn
18%/năm ở các kỳ hạn ngắn
Thực trạng trên đang khiến mục tiêu kéo giảm lãi suất cho vay xuống theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN gặp nhiều khó khăn. Một lãnh đạo NH cổ phần cho rằng chủ trương kéo giảm LS cho vay xuống 10%/năm cần có thời gian, nếu giảm quá nhanh, thay vì gửi VND người dân sẽ chuyển sang mua USD cất giữ.
Nguyên thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cho biết DN nhỏ phản ảnh rất nhiều về tình trạng LS cao, làm cho sản xuất kinh doanh đình đốn. Theo ông Kiêm, huy động vốn khó khăn chính là lý do NH khó hạ LS cho vay.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện nay không chỉ NH nhỏ mà các NH lớn cũng phải treo thưởng hậu hĩnh để thu hút tiền gửi. Một NH vừa trao thưởng chương trình huy động dự thưởng sáng 27-12 với phần thưởng là chiếc xe Camry cho biết hơn 50% vốn huy động được qua chương trình là vàng và ngoại tệ, chứng tỏ LS huy động VND chưa hấp dẫn.
Chủ tịch hội đồng quản trị một NH quy mô nhỏ xác nhận khó huy động vốn bằng VND. “Việc đưa LS cho vay lên cao là để hạn chế cho vay, chứ NH không thể lấy lý do huy động khó, không có nguồn cho vay”, ông này nói. Theo ông này, sang năm 2012 cũng chưa hứa hẹn được điều gì mà tất cả phụ thuộc việc có huy động được vốn hay không.
Theo ÁNH HỒNG - TRẦN VŨ NGHI
Tuổi Trẻ
|
Ngày đăng :
27/12/2011 - 9:17 AM
Để xử lý sàn vàng “chui” cần có văn bản pháp luật rõ ràng nhưng đến nay, nghị định về quản lý kinh doanh vàng còn vẫn là… dự thảo
Dù sàn vàng của các ngân hàng (NH) đã đóng cửa từ tháng 3-2010 theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng thực tế, sàn vàng của nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động công khai và khá rầm rộ. Vì sao?
Vẫn hoạt động ì xèo
Một nhà đầu tư chứng khoán cho biết thường xuyên nhận được lời mời chơi vàng qua tài khoản từ các sàn vàng. Qua email, điện thoại…, nhiều nhà đầu tư cũng nhận được những lời mời tham gia rất hấp dẫn: “Công ty chúng tôi chuyên cung cấp các sản phẩm giao dịch đầu tư tài chính, kinh doanh hàng hóa qua tài khoản như vàng, ngoại tệ. Bạn sẽ nhận được sự tư vấn, hỗ trợ chiến thuật từ các chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm. Hoạt động 24/24 giờ từ thứ hai đến thứ sáu. Vốn đầu tư ít, khả năng sinh lời cao, tỉ lệ đòn bẩy: 1:100, 1:200…”.
Chúng tôi liên hệ với nhân viên tư vấn công ty V. trên đường Nguyễn Du, quận 1- TPHCM. Chị này khoe: Hiện có khá nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và mở tài khoản giao dịch. “Giá vàng mấy ngày qua xuống thấp, nếu chị chơi, cơ hội thắng sẽ cao hơn. Bên em sẽ hỗ trợ tư vấn chiến lược đánh lên - đánh xuống từng bước một. Công ty còn đang khuyến mãi đặc biệt cho người mới chơi” - nhân viên này tiếp thị.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), cho biết hiện có quá nhiều thông tin về giá vàng được cập nhật hằng giờ, hằng ngày hỗ trợ cho các nhà đầu tư trên sàn vàng. Một số trang web vàng, ngoại hối nước ngoài còn có phần tiếng Việt để hỗ trợ và “mời gọi” nhà đầu tư Việt Nam...
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng 8 sàn vàng đang hoạt động, trong đó 4 sàn khá mạnh thu hút cả ngàn nhà đầu tư tham gia. Nhà đầu tư chỉ cần mở tài khoản tối thiểu 1.000 USD là có thể đánh 1 lot = 100 lượng vàng. Mỗi lần giao dịch tiếp theo, người chơi đánh 0,1 lot, đòn bẩy tài chính là 1:100. Với người mới tham gia, chuyện “cháy” tài khoản vài ngàn USD là bình thường và được xem như “học phí”.
Khó xử lý
Thực tế, ngay sau khi sàn vàng chính thức đóng cửa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 3-2010, chỉ có các NH, doanh nghiệp Nhà nước tuân thủ. Còn các sàn vàng “chui” vẫn tiếp tục hoạt động núp dưới dạng đăng ký môi giới giao dịch hàng hóa qua tài khoản. Đến nay, một số sàn vàng vẫn công khai hoạt động mà không bị xử lý.
Một cán bộ am hiểu lĩnh vực này giải thích sở dĩ các sàn vàng đang tồn tại và công khai hoạt động là họ dựa vào đăng ký ngành nghề với Sở Kế hoạch - Đầu tư, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên không thể xử phạt. Muốn “xử” các doanh nghiệp này phải chờ nghị định về quản lý kinh doanh vàng ra đời.
Theo dự thảo nghị định, hoạt động của sàn vàng là bất hợp pháp, muốn kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài phải được Thủ tướng và NH Nhà nước cấp phép. Tuy nhiên, đến nay, nghị định vẫn chưa ban hành nên cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để xử phạt các sàn vàng “chui”. Chưa kể, việc kinh doanh các sàn vàng đa số đặt máy chủ ở nước ngoài, thông qua nhiều trang web nước ngoài, thanh toán tiền qua NH… nên rất khó xử lý.
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh vàng nhận xét: Đánh vàng qua tài khoản tại các sàn vàng “chui” rất rủi ro, giống như “canh bạc đỏ đen” luôn thắng ít, thua nhiều. Tỉ lệ ký quỹ thấp chỉ trên dưới 1% khiến các nhà đầu tư rất hăng. Kết quả là “càng chơi nhanh càng mau… trắng tay”. Vị này cũng cho biết “nhà cái” - các công ty môi giới - có rất nhiều “chiêu” để lừa nhà đầu tư.
Không ít người đã trắng tay với sàn vàng “chui” bởi những thủ thuật đơn giản như nghẽn mạng, mất điện… hoặc bị xóa trắng lịch sử các lệnh. Khi người chơi thua, mạng chạy rất tốt. Đến lúc họ thắng, mạng lại chập chờn khiến lệnh đặt không khớp. Khi có sự cố, “nhà cái” thường giải thích họ chỉ là trung gian môi giới, máy chủ đặt ở nước ngoài theo giá quốc tế nên không chịu trách nhiệm.
Theo Thái Phương
NLĐ
|
Ngày đăng :
26/12/2011 - 8:14 PM
Thống đốc NHNN vừa đặt chỉ tiêu hạ lãi suất huy động xuống 10%/năm trong năm 2012. Tuy nhiên, một số NHTMCP đã manh nha tái diễn huy động tiết kiệm với lãi suất vượt trần 14%/năm.
Vượt trần kỳ hạn ngắn
Cuối tuần qua, chị N.T ở quận 8 TPHCM, cho biết một người bạn của chị đang làm ở NH B. có trụ sở ở Hà Nội đã mời chào chị gửi tiết kiệm VNĐ lãi suất lên đến 18,5%/năm với số tiền gửi trên 100 triệu đồng. NH sẽ trả trước tiền lãi suất vượt trần, còn trên sổ tiết kiệm vẫn để lãi suất không quá 14%/năm và khách hàng sẽ nhận lãi suất này khi đến kỳ đáo hạn.
Một lãnh đạo của NH G. ở TPHCM cho biết thời điểm này thanh khoản tiền mặt không quá căng thẳng như vài tháng trước, nhưng các NHTM nhỏ cũng dự phòng dịp cận tết nhu cầu tiền mặt để mua sắm gia tăng, nên âm thầm huy động vượt trần lãi suất với các kỳ hạn ngắn 1-3 tháng.
Sở dĩ, các NH không huy động lãi suất cao kỳ hạn dài vì dự đoán năm 2012 NHNN sẽ hạ trần lãi suất huy động từ 14%/năm xuống 12%/năm, nếu huy động lãi suất quá cao kỳ hạn dài có thể chịu rủi ro về lãi suất. Thực tế, NHNN cũng đang tính toán để có thể áp dụng trần lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực khuyến khích các NHTM phát triển tín dụng.
Như vậy, khi việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm lĩnh vực tiền tệ của NHNN lắng xuống, tình trạng lách lãi suất lại bắt đầu nhen nhóm ở một số NHTM nhỏ. Tận dụng dịp Noel, cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới, hàng loạt NHTM tung ra các chương trình khuyến mại bốc thăm trúng thưởng, quay số dự thưởng, tặng quà… với tổng giá trị của mỗi chương trình lên đến hàng tỷ đồng.
Thực trạng trên đang khiến mục tiêu kéo giảm lãi suất cho vay xuống theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN gặp nhiều khó khăn. Một lãnh đạo NH cổ phần cho rằng chủ trương kéo giảm lãi suất cho vay xuống 10%/năm trong năm 2012 chỉ có thể diễn ra trong quý II-2012 khi dòng vốn trong NH đã bớt căng thẳng.
Còn từ cuối năm nay đến đầu quý I năm tới các NHTM vẫn chịu áp lực trong huy động vốn, nếu giảm lãi suất quá nhanh người dân sẽ chuyển qua giữ vàng và ngoại tệ. Tình trạng này có thể gia tăng khi giá vàng đang có xu thế giảm mạnh càng kích thích người dân đổ xô mua vàng.
Ngưng bán vàng bình ổn?
Tuần qua cũng là một tuần tăng nóng của lãi suất huy động vàng và ngoại tệ “lạ”. Sau khi tăng lên 3,5%/năm vào cuối tháng 11, lãi suất huy động vàng của một NHTMCP có trụ sở quận 1, TPHCM tăng lên 3,7%/năm kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.
Ngoài ra, khách hàng còn được quà tặng nếu gửi vàng trên 100 lượng. Nếu cộng luôn cả chi phí khuyến mại, lãi suất tăng lên đến 4%/năm. Bên cạnh đó lãi suất một số ngoại tệ như EUR, AUD… cũng tăng lên 3,5-4,5%/năm.
Theo ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng giám đốc ACB, các NH tăng lãi suất huy động ngoại tệ “lạ” nhằm hút nguồn vốn ngoại tệ để thực hiện các nghiệp vụ “swap” hoán đổi ngoại tệ, đảm bảo thanh khoản khi cần thiết. Và khi cần các NH có thể thế chấp các ngoại tệ “lạ” trên thị trường liên NH để vay vốn.
Bởi hiện nay NH nhỏ muốn vay vốn NH lớn trên thị trường liên NH phải có tài sản thế chấp. Một lãnh đạo của VietABank cho biết thời điểm này VietABank đang có kho huy động vàng từ dân rất lớn. Điều này không chỉ giúp NH có thể tăng tổng tài sản lên, mà khi cần có thể thế chấp vay liên NH.
Tuần qua thị trường vàng khá èo uột, giá vàng thế giới giảm nhanh và giá vàng trong nước đứng yên ở mức 43,55 triệu đồng/lượng. Nhu cầu vàng trong dân vẫn tăng, nhưng nhiều khách hàng phản ánh một số NHTM được phép bán vàng bình ổn đã từ chối bán vàng cho dân với lý do hết vàng.
Không được mua vàng tại NHTM, nhiều khách hàng phải ra các tiệm vàng mua vàng miếng với giá cao hơn giá NH niêm yết 500.000-1 triệu đồng/lượng.
Dù giá bán vàng miếng cao nhưng chủ tiệm vàng cho biết không có nguồn để bán nên khách hàng đến mua vàng nhẫn, vàng trơn 4 số 9 rất nhiều. Nhu cầu vàng trang sức tăng cao mùa cuối năm, cộng với nhu cầu tích trữ vàng trong dân đang mạnh lên, đã đẩy giá vàng nhẫn, vàng trơn ở các tiệm vàng lên rất cao.
Lý giải về việc NH ngưng bán vàng miếng, một lãnh đạo NH cổ phần cho biết giá vàng đang ở xu thế giảm mà nhu cầu mua vàng của dân đang tăng cao. Nếu đẩy mạnh bán ra thời điểm này, các NHTM có thể chịu rủi ro khi mua lại để cân kho nếu giá vàng bật tăng trở lại.
Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh huy động vàng trong dân, các NHTM có kho vàng cũng “thủ thế” bán ra, để vừa đảm bảo thanh khoản cuối năm, vừa tránh rủi ro về giá.
Theo Dịu Ngân
Sài gòn đầu tư
|
Ngày đăng :
26/12/2011 - 6:28 PM
Cho đến gần đây, việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng mới “vỡ òa” ra nhiều thách thức khó vượt.
Chuyện xác định những khó khăn khi thực hiện, thậm chí cũng trở thành một cuộc” tranh giành” lĩnh vực nào khó nhất.
Đầu tư vấp xin - cho
Trong khi định hướng tái đầu tư nhắm tới việc cân đối lại tiết kiệm - đầu tư, cân đối ngân sách và cán cân thanh toán, giảm đầu tư công và tăng đầu tư tư nhân, thì việc khắc phục tình trạng đầu tư giàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ nhiều năm nay được cho là một cuộc chiến cam go.
“Giờ địa phương quyết định đầu tư, Chính phủ lo tiền thì cứ dàn trải như thế này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhìn nhận như vậy tại buổi tọa đàm “Cơ cấu lại nền kinh tế”, do báo Nhân dân tổ chức giữa tháng 12 vừa qua.
Phân cấp như vậy sẽ phải xem xét lại, nhưng chuyện xin - cho vẫn là thói thường lâu nay. “Tôi thấy tư duy nhiệm kỳ rất đặc trưng, ai lên, làm gì cũng chỉ cố tạo dấu ấn cho mình trong nhiệm kỳ ấy”, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia Lê Đình Ân nhìn nhận.
Cho nên, địa phương “chạy” đầu tư từ khi hình thành dự án cho đến khi đấu thầu, xin thêm dự án làm phá vỡ quy hoạch, hay tỉnh nào cũng cố đầu tư “hạ tầng đồng bộ”, từ cảng biển, sân bay, cầu, đường cho đến khu kinh tế, sân golf… là chuyện thường gặp lâu nay.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến phát hành trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 chỉ đủ đáp ứng nửa danh mục đầu tư đã được duyệt. “Sẽ có nhiều dự án bị đình, hoãn, có người được, người mất”, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lưu ý điểm nay.
Cho nên, chuyện cắt, giảm vốn đầu tư là đụng quyền lợi cục bộ, ông cho rằng cần rất quyết tâm và nghiêm khắc mới tạo được chuyển biến trong thời gian tới.
Tái cơ cấu doanh nghiệp: Nói nhiều làm ít
“Trước tôi làm viện trưởng, viết gì cũng nhiều chữ và rất lâu, Bộ trưởng có hỏi, tôi nói anh trả theo khoán chữ và thời gian thì phải nhiều chữ và lâu”. Kể câu chuyện ấy, Phó trưởng ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước Phạm Việt Muôn cho rằng, chuyện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiện nay, “nói thì nhiều nhưng làm chưa được bao nhiêu”.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ chia sẻ quan điểm này và cho biết thêm: “Tái cơ cấu doanh nghiệp là cực kỳ khó vì diện doanh nghiệp nhà nước rộng, quy mô lớn, tái cơ cấu phức tạp”.
Ông Muôn gút lại điểm khó khăn nhất trong quá trình thực hiện vừa qua một cách ví von, chúng ta muốn bắt con thỏ nhưng huy động nhân lực cả tháng trời, ra đến nơi nó chạy mất rồi. “Tôi cho khó khăn lớn nhất một là cơ chế chính sách cần để đổi mới làm quá lâu, khi có thì không còn phù hợp với thực tế”, ông nói.
Ở góc độ của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Huệ có thêm cái khó riêng, liên quan đến chi phí thực hiện. “Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp cũng cần phải có tiền, chúng tôi ước tính khoảng 50 nghìn tỷ đồng để tái cơ cấu nợ, cấp thêm vốn điều lệ...”, ông Huệ thông tin.
Cần nguồn lực, nhưng nếu quá đi sẽ đẩy chi tiêu công tăng lên, tạo gánh nặng cho nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính lo “nếu không khéo tăng thêm nợ công”, nhưng không “bổi bổ trước, cho kháng sinh vào lúc doanh nghiệp đang yếu lại không chịu được”.
Ông Muôn cũng đồng tình ở việc phải có tiền, nhưng là tiền của nhà đầu tư có hướng vào các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hay không. Có thông tin rằng năm 2011 chỉ cổ phần hóa được 6 doanh nghiệp. Ông giải thích là do bán không được trong hoàn cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm.
“Vĩ mô chưa khá lên thì không bán được, 2012 không thấy triển vọng bán nhanh”, ông Muôn cho biết. Nên chuyện thoái vốn đầu tư ngoài ngành của tập đoàn, tổng công ty, vị này cho rằng nếu chỉ nhìn vào bán vốn sẽ không thể hiện thực.
Ngân hàng mới là “kinh khủng”
“Tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp vẫn là tái với nhau, chứ ngành tôi mới là kinh khủng”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bình luận. Ở vị thế ông mà nhìn nhận, hệ thống tín dụng chia hai: một bên là nhà nước, một bên là thị trường.
“Bây giờ, lực lượng kinh tế tư nhân rất lớn, hiện quốc doanh chỉ chiếm 48% thị phần. Vậy cái không phải của mình mà mình đòi hỏi phải “tái” là vô cùng khó khăn, phức tạp”, ông Bình giải thích thêm.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng là quan trọng nhất trong tái cơ cấu nền kinh tế. “Thực ra thế giới làm gì có tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư công, muốn “tái” là họ tái cơ cấu tài chính, đặc biệt là ngân hàng”, ông Bình nói.
Theo ông, nguyên do là vì ngân hàng là kênh cấp vốn cho nền kinh tế, tái cơ cấu ngân hàng sẽ tác động đến việc dẫn vốn vào đâu, tức là tái đầu tư. Hay nếu tái cơ cấu ngân hàng trước cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi quản trị mới được cho vay, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện tái cơ cấu.
“Doanh nghiệp nhà nước lớn có sánh bằng một ngân hàng cỡ bình thường của chúng tôi không? Ngân sách nhà nước lớn nhưng so với đầu tư của tín dụng ngân hàng còn rất nhỏ bé”, ông Bình khẳng định. “Nếu tái cơ cấu được ngân hàng thì sẽ thay đổi diện mạo nền kinh tế”.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chia sẻ các quan điểm trên: “Khó khăn là vấn đề ta chọn đều nhạy cảm, liên quan đến dư luận xã hội, tư duy của chúng ta. Cải cách doanh nghiệp đến nay tư duy còn đầy tranh cãi. Quá trình cải cách có người được người mất...”.
Theo VnEconomy.vn
|
Ngày đăng :
26/12/2011 - 6:09 PM
"Việc giảm lãi suất tiền đồng có thể từ từ xem xét, đặc biệt là lãi suất cho vay để giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất..."
Trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng cuối năm tới chỉ dao động trong khoảng 10%/năm, bởi NHNN lấy mục tiêu khống chế lạm phát dưới 10% làm căn cứ cho điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2012.
Cuối năm là thời điểm nền kinh tế rất "khát" tín dụng
Theo các chuyên gia kinh tế, không phải ngẫu nhiên Thống đốc NHNN đưa ra nhận định trên bởi theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2011 tăng 18,13% so với tháng 12/2010. So với tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 chỉ tăng 0,53%. Điều này có nghĩa, chỉ số giá tiêu dùng đã được kiềm chế tốt dưới 1% trong 4 tháng trở lại đây.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó chủ tịch điều hành, Giám đốc Trung tâm kinh doanh và sản phẩm cấu trúc Techcombank nhận định, mặc dù lạm phát hiện nay vẫn xoay quanh con số 18% nhưng các chỉ số trên cho thấy, đây là một tín hiệu tốt để bắt đầu xem xét việc hạ lãi suất, bởi một trong những cơ sở quan trọng để điều chỉnh lãi suất chính là lạm phát.
"Việc giảm lãi suất tiền đồng có thể từ từ xem xét, đặc biệt là lãi suất cho vay để giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất. Quan trọng nhất là việc giảm lãi suất cần phải tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể, ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, không làm gia tăng lạm phát và đặc biệt là tránh hiện tượng đầu cơ", ông Long nói.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể tính đến việc giảm lãi suất bởi những yếu tố cơ bản thuận cho việc hạ lãi suất đã rõ ràng, như CPI, lãi suất liên ngân hàng đều giảm. Tuy nhiên, cuối năm là thời điểm nền kinh tế đang rất "khát" tín dụng. Quan hệ cung - cầu không tương thích, lãi suất khó có thể giảm được nhiều. Nhưng để lãi suất giảm tiếp và bền vững thì phải phụ thuộc vào tình hình lạm phát trong quý I, II/2012, khi cung - cầu tín dụng đã bớt "kênh".
"Áp lực lạm phát năm 2012 không lớn bởi tăng trưởng tín dụng năm 2011 chỉ khoảng 12 -13%, ngoại trừ các yếu tố ngoại lực, khách quan như: thiên tai bão lũ, mùa màng thất bát, giá dầu, vàng, một số mặt hàng lương thực thực phẩm… trên thế giới tăng cao. Do vậy, kỳ vọng lạm phát của người dân năm 2012 sẽ ở mức khoảng 10%, tạo điều kiện để lãi suất có thể giảm xuống 12 - 13%/năm", TS. Lực nói.
Một chuyên gia kinh tế nhận định, không thể chỉ nói hạ lãi suất hay đưa ra các mệnh lệnh hành chính để hạ lãi suất, bởi đây là câu chuyện của thị trường. Do vậy, NHNN cần phải phân tích dựa trên các yếu tố như: thứ nhất, lạm phát giảm liên tục, bền vững, lâu dài; thứ hai, lãi suất liên ngân hàng giảm; thứ ba, giảm lãi suất ở mức nào để không tái lập lạm phát cao quay trở lại, nghĩa là lãi suất giảm không đẩy tín dụng lên quá cao; thứ tư, trạng thái thanh khoản được đảm bảo của các ngân hàng.
Quan trọng hơn cả, NHNN không bơm tiền mạnh qua thị trường mở trong thời gian gần đây. Lượng bơm ra hầu như chỉ để giúp các ngân hàng giải quyết những khó khăn về thanh khoản. Do vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định, dù lạm phát đã có dấu hiệu giảm và kỳ vọng lạm phát cũng không cao, nhưng NHNN chưa nên hạ lãi suất thời điểm này mà để qua Tết nguyên đán. Quan trọng hơn cả, việc hạ lãi suất không nên quá nhanh, mà cần từng bước để đỡ các ngân hàng nhỏ gặp khó hơn về thanh khoản.
Theo Nhuệ Mẫn
ĐTCK
|