Ngày đăng :
26/12/2011 - 6:28 PM
Cho đến gần đây, việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng mới “vỡ òa” ra nhiều thách thức khó vượt.
Chuyện xác định những khó khăn khi thực hiện, thậm chí cũng trở thành một cuộc” tranh giành” lĩnh vực nào khó nhất.
Đầu tư vấp xin - cho
Trong khi định hướng tái đầu tư nhắm tới việc cân đối lại tiết kiệm - đầu tư, cân đối ngân sách và cán cân thanh toán, giảm đầu tư công và tăng đầu tư tư nhân, thì việc khắc phục tình trạng đầu tư giàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ nhiều năm nay được cho là một cuộc chiến cam go.
“Giờ địa phương quyết định đầu tư, Chính phủ lo tiền thì cứ dàn trải như thế này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhìn nhận như vậy tại buổi tọa đàm “Cơ cấu lại nền kinh tế”, do báo Nhân dân tổ chức giữa tháng 12 vừa qua.
Phân cấp như vậy sẽ phải xem xét lại, nhưng chuyện xin - cho vẫn là thói thường lâu nay. “Tôi thấy tư duy nhiệm kỳ rất đặc trưng, ai lên, làm gì cũng chỉ cố tạo dấu ấn cho mình trong nhiệm kỳ ấy”, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia Lê Đình Ân nhìn nhận.
Cho nên, địa phương “chạy” đầu tư từ khi hình thành dự án cho đến khi đấu thầu, xin thêm dự án làm phá vỡ quy hoạch, hay tỉnh nào cũng cố đầu tư “hạ tầng đồng bộ”, từ cảng biển, sân bay, cầu, đường cho đến khu kinh tế, sân golf… là chuyện thường gặp lâu nay.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến phát hành trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 chỉ đủ đáp ứng nửa danh mục đầu tư đã được duyệt. “Sẽ có nhiều dự án bị đình, hoãn, có người được, người mất”, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lưu ý điểm nay.
Cho nên, chuyện cắt, giảm vốn đầu tư là đụng quyền lợi cục bộ, ông cho rằng cần rất quyết tâm và nghiêm khắc mới tạo được chuyển biến trong thời gian tới.
Tái cơ cấu doanh nghiệp: Nói nhiều làm ít
“Trước tôi làm viện trưởng, viết gì cũng nhiều chữ và rất lâu, Bộ trưởng có hỏi, tôi nói anh trả theo khoán chữ và thời gian thì phải nhiều chữ và lâu”. Kể câu chuyện ấy, Phó trưởng ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước Phạm Việt Muôn cho rằng, chuyện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiện nay, “nói thì nhiều nhưng làm chưa được bao nhiêu”.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ chia sẻ quan điểm này và cho biết thêm: “Tái cơ cấu doanh nghiệp là cực kỳ khó vì diện doanh nghiệp nhà nước rộng, quy mô lớn, tái cơ cấu phức tạp”.
Ông Muôn gút lại điểm khó khăn nhất trong quá trình thực hiện vừa qua một cách ví von, chúng ta muốn bắt con thỏ nhưng huy động nhân lực cả tháng trời, ra đến nơi nó chạy mất rồi. “Tôi cho khó khăn lớn nhất một là cơ chế chính sách cần để đổi mới làm quá lâu, khi có thì không còn phù hợp với thực tế”, ông nói.
Ở góc độ của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Huệ có thêm cái khó riêng, liên quan đến chi phí thực hiện. “Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp cũng cần phải có tiền, chúng tôi ước tính khoảng 50 nghìn tỷ đồng để tái cơ cấu nợ, cấp thêm vốn điều lệ...”, ông Huệ thông tin.
Cần nguồn lực, nhưng nếu quá đi sẽ đẩy chi tiêu công tăng lên, tạo gánh nặng cho nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính lo “nếu không khéo tăng thêm nợ công”, nhưng không “bổi bổ trước, cho kháng sinh vào lúc doanh nghiệp đang yếu lại không chịu được”.
Ông Muôn cũng đồng tình ở việc phải có tiền, nhưng là tiền của nhà đầu tư có hướng vào các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hay không. Có thông tin rằng năm 2011 chỉ cổ phần hóa được 6 doanh nghiệp. Ông giải thích là do bán không được trong hoàn cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm.
“Vĩ mô chưa khá lên thì không bán được, 2012 không thấy triển vọng bán nhanh”, ông Muôn cho biết. Nên chuyện thoái vốn đầu tư ngoài ngành của tập đoàn, tổng công ty, vị này cho rằng nếu chỉ nhìn vào bán vốn sẽ không thể hiện thực.
Ngân hàng mới là “kinh khủng”
“Tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp vẫn là tái với nhau, chứ ngành tôi mới là kinh khủng”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bình luận. Ở vị thế ông mà nhìn nhận, hệ thống tín dụng chia hai: một bên là nhà nước, một bên là thị trường.
“Bây giờ, lực lượng kinh tế tư nhân rất lớn, hiện quốc doanh chỉ chiếm 48% thị phần. Vậy cái không phải của mình mà mình đòi hỏi phải “tái” là vô cùng khó khăn, phức tạp”, ông Bình giải thích thêm.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng là quan trọng nhất trong tái cơ cấu nền kinh tế. “Thực ra thế giới làm gì có tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư công, muốn “tái” là họ tái cơ cấu tài chính, đặc biệt là ngân hàng”, ông Bình nói.
Theo ông, nguyên do là vì ngân hàng là kênh cấp vốn cho nền kinh tế, tái cơ cấu ngân hàng sẽ tác động đến việc dẫn vốn vào đâu, tức là tái đầu tư. Hay nếu tái cơ cấu ngân hàng trước cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi quản trị mới được cho vay, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện tái cơ cấu.
“Doanh nghiệp nhà nước lớn có sánh bằng một ngân hàng cỡ bình thường của chúng tôi không? Ngân sách nhà nước lớn nhưng so với đầu tư của tín dụng ngân hàng còn rất nhỏ bé”, ông Bình khẳng định. “Nếu tái cơ cấu được ngân hàng thì sẽ thay đổi diện mạo nền kinh tế”.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chia sẻ các quan điểm trên: “Khó khăn là vấn đề ta chọn đều nhạy cảm, liên quan đến dư luận xã hội, tư duy của chúng ta. Cải cách doanh nghiệp đến nay tư duy còn đầy tranh cãi. Quá trình cải cách có người được người mất...”.
Theo VnEconomy.vn
|
Ngày đăng :
26/12/2011 - 6:09 PM
"Việc giảm lãi suất tiền đồng có thể từ từ xem xét, đặc biệt là lãi suất cho vay để giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất..."
Trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng cuối năm tới chỉ dao động trong khoảng 10%/năm, bởi NHNN lấy mục tiêu khống chế lạm phát dưới 10% làm căn cứ cho điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2012.
Cuối năm là thời điểm nền kinh tế rất "khát" tín dụng
Theo các chuyên gia kinh tế, không phải ngẫu nhiên Thống đốc NHNN đưa ra nhận định trên bởi theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2011 tăng 18,13% so với tháng 12/2010. So với tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 chỉ tăng 0,53%. Điều này có nghĩa, chỉ số giá tiêu dùng đã được kiềm chế tốt dưới 1% trong 4 tháng trở lại đây.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó chủ tịch điều hành, Giám đốc Trung tâm kinh doanh và sản phẩm cấu trúc Techcombank nhận định, mặc dù lạm phát hiện nay vẫn xoay quanh con số 18% nhưng các chỉ số trên cho thấy, đây là một tín hiệu tốt để bắt đầu xem xét việc hạ lãi suất, bởi một trong những cơ sở quan trọng để điều chỉnh lãi suất chính là lạm phát.
"Việc giảm lãi suất tiền đồng có thể từ từ xem xét, đặc biệt là lãi suất cho vay để giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất. Quan trọng nhất là việc giảm lãi suất cần phải tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể, ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, không làm gia tăng lạm phát và đặc biệt là tránh hiện tượng đầu cơ", ông Long nói.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể tính đến việc giảm lãi suất bởi những yếu tố cơ bản thuận cho việc hạ lãi suất đã rõ ràng, như CPI, lãi suất liên ngân hàng đều giảm. Tuy nhiên, cuối năm là thời điểm nền kinh tế đang rất "khát" tín dụng. Quan hệ cung - cầu không tương thích, lãi suất khó có thể giảm được nhiều. Nhưng để lãi suất giảm tiếp và bền vững thì phải phụ thuộc vào tình hình lạm phát trong quý I, II/2012, khi cung - cầu tín dụng đã bớt "kênh".
"Áp lực lạm phát năm 2012 không lớn bởi tăng trưởng tín dụng năm 2011 chỉ khoảng 12 -13%, ngoại trừ các yếu tố ngoại lực, khách quan như: thiên tai bão lũ, mùa màng thất bát, giá dầu, vàng, một số mặt hàng lương thực thực phẩm… trên thế giới tăng cao. Do vậy, kỳ vọng lạm phát của người dân năm 2012 sẽ ở mức khoảng 10%, tạo điều kiện để lãi suất có thể giảm xuống 12 - 13%/năm", TS. Lực nói.
Một chuyên gia kinh tế nhận định, không thể chỉ nói hạ lãi suất hay đưa ra các mệnh lệnh hành chính để hạ lãi suất, bởi đây là câu chuyện của thị trường. Do vậy, NHNN cần phải phân tích dựa trên các yếu tố như: thứ nhất, lạm phát giảm liên tục, bền vững, lâu dài; thứ hai, lãi suất liên ngân hàng giảm; thứ ba, giảm lãi suất ở mức nào để không tái lập lạm phát cao quay trở lại, nghĩa là lãi suất giảm không đẩy tín dụng lên quá cao; thứ tư, trạng thái thanh khoản được đảm bảo của các ngân hàng.
Quan trọng hơn cả, NHNN không bơm tiền mạnh qua thị trường mở trong thời gian gần đây. Lượng bơm ra hầu như chỉ để giúp các ngân hàng giải quyết những khó khăn về thanh khoản. Do vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định, dù lạm phát đã có dấu hiệu giảm và kỳ vọng lạm phát cũng không cao, nhưng NHNN chưa nên hạ lãi suất thời điểm này mà để qua Tết nguyên đán. Quan trọng hơn cả, việc hạ lãi suất không nên quá nhanh, mà cần từng bước để đỡ các ngân hàng nhỏ gặp khó hơn về thanh khoản.
Theo Nhuệ Mẫn
ĐTCK
|
Ngày đăng :
26/12/2011 - 10:58 AM
Dòng chảy vốn từ ngân hàng sang chứng khoán sẽ vẫn phải kiểm soát, nhưng sẽ theo cách hợp lý hơn, chứ không cứng nhắc như cách đưa CK vào lĩnh vực phi sản xuất thời gian qua.
Tín dụng chứng khoán, sẽ có cách hiểu mới
Các thành viên TTCK đang chờ đợi NHNN công bố một quan niệm mới về tín dụng chứng khoán, bắt đầu từ năm 2012.
Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ước tính dư nợ cho vay phi sản xuất đến cuối tháng 10/2011 là 352,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,8% so với tổng dư nợ, giảm 18,8% so với cuối năm 2010.
Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng TMCP có dư nợ phi sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay phi sản xuất của toàn ngành, lần lượt là 46,3% và 43,3%.
Nhìn vào thống kê trên có thể thấy, toàn ngành ngân hàng đã thực hiện quyết liệt và thành công chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN trong việc giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống dưới 16% vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, xung quanh việc ghép tín dụng chứng khoán vào lĩnh vực phi sản xuất, dư luận vẫn không ngớt phản ứng rằng, đây là sự gán ghép phi lý, NHNN cần đưa ra một cách hiểu mới về dòng tín dụng vào TTCK bắt đầu từ năm 2012.
Trong một cuộc trao đổi với ĐTCK, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK cho biết, ông đã và sẽ kiên trì đề xuất với NHNN về việc tách tín dụng chứng khoán ra khỏi nhóm phi sản xuất, để cởi trói dòng vốn chảy vào chứng khoán. TTCK phát triển sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng và hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Các chuyên gia thì cho rằng, TTCK không phải là một ngành mà là một môi trường, với sự tham gia của rất nhiều chủ thể thuộc rất nhiều ngành khác nhau. Vì thế, các chính sách điều tiết TTCK sẽ không thể đồng nhất như chính sách áp dụng với một ngành.
Trong khoản tín dụng ngân hàng rót vào chứng khoán có một phần dành cho thị trường thứ cấp (giao dịch), nhưng một phần lớn khác dùng để mua cổ phần mới của các DN, tức là trực tiếp góp vốn vào sản xuất - kinh doanh. Vì thế, nếu ghép tín dụng chứng khoán vào nhóm phi sản xuất là sai lệch.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, từ khi NHNN yêu cầu hạn chế tín dụng chảy vào chứng khoán, TTCK đã sụt giảm rất mạnh. Chính sự sụt giảm mạnh mẽ này lại khiến khối ngân hàng thắt chặt hơn nữa các dòng tiền vào chứng khoán theo nhiều cách, như quyết liệt thu hồi nợ, không cho vay mới đầu tư chứng khoán, không cho vay với tài sản thế chấp là chứng khoán….
Quá trình "càng giảm, càng thắt" này là một trong các nhân tố đẩy TTCK vào thế mất thăng bằng, rơi quá đà, đã không chỉ khiến giá cổ phiếu giảm hàng loạt, mà còn vô hiệu chức năng quan trọng nhất của TTCK là tạo kênh huy động vốn cho DN.
Mang những thắc mắc trên chia sẻ với Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình, ông cho biết, trong cách nhìn của ông, hệ thống ngân hàng giữ vai trò chu chuyển dòng vốn ngắn hạn, hệ thống TTCK chu chuyển vốn trung và dài hạn, nên về căn bản, không thể lấy vốn ngắn hạn đầu tư vào dài hạn được. Tuy nhiên, do cách hiểu về lĩnh vực phi sản xuất còn chung chung, nên trong thực thi chính sách, đã bộc lộ một số bất cập.
Theo ông Bình, dòng chảy vốn từ ngân hàng sang chứng khoán sẽ vẫn phải kiểm soát, nhưng sẽ theo cách hợp lý hơn, chứ không cứng nhắc như cách đưa chứng khoán vào lĩnh vực phi sản xuất thời gian qua.
Chưa hết năm 2012, dư nợ phi sản xuất đã giảm dưới 16%. Trên kết quả "đúng như kế hoạch" này, các thành viên TTCK đang chờ đợi NHNN công bố một quan niệm mới về tín dụng chứng khoán, bắt đầu từ năm 2012, trong mục tiêu chung phát triển hài hòa kênh dẫn vốn ngắn hạn và dài hạn, hỗ trợ thanh khoản và vực dậy chức năng huy động vốn dài hạn cho TTCK Việt Nam.
Theo Phạm Oanh
ĐTCK
|
Ngày đăng :
25/12/2011 - 1:18 PM
Từ cuối quý I đến quý II/2012 là giai đoạn thị trường chứng khoán sẽ đi vào chu kỳ cuối của suy thoái để chuẩn bị phục hồi; còn thị trường BĐS dự kiến phục hồi vào cuối quý III/2012 - quý II/2013.
Do vậy, với các nhà đầu tư trên thị trường BĐS và chứng khoán thì giai đoạn đầu năm 2012 sẽ là giai đoạn khó khăn nhất, sẽ có nhiều người chán nản bán rẻ tài sản hoặc buộc phải bán rẻ để trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, với những người có vốn thì đó lại là thời cơ rất hiếm gặp (5 - 10 năm mới có một lần), để mua tài sản đầu tư giá rẻ và thu lời cao sau 6 tháng - 2 năm, tùy theo mức độ phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Kênh tiết kiệm hiện nay vẫn được 14%/năm lãi suất, nếu gửi 6 tháng rồi đối chiếu với các tài sản đầu tư khác thì có khả năng lợi nhuận sẽ cao hơn đầu tư BĐS, vàng, còn chứng khoán thì có thể cao hoặc thấp hơn, tùy mã cổ phiếu đầu tư. Do vậy, nếu theo tiêu chuẩn so sánh tài sản đầu tư thì việc gửi ngân hàng với lãi suất 14%/năm là giải pháp an toàn. Đặt biệt, trong giai đoạn tới, lãi suất có thể giảm xuống đến 12%/năm, càng khiến kênh tiết kiệm vào thời điểm này hấp dẫn hơn. Với tiêu chí an toàn, những người có tiền nhàn rỗi nên gửi tiền tiết kiệm với lãi suất 14%/năm trong vòng 3 - 6 tháng, trước khi tham gia vào kênh đầu tư khác để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Một điểm cần lưu ý là dù nhà đầu tư chuyển từ tiền tiết kiệm vào BĐS và chứng khoán thì cũng không nên chuyển quá 70% số tiền hiện có. Các nhà đầu tư nên kiên trì theo đuổi chiến lược này, không nên nôn nóng tìm kiếm lợi nhuận cao qua những phi vụ đầu tư không được tìm hiểu kỹ. Tuy nhiên, giai đoạn xấu nhất của thị trường cũng chính là cơ hội rất hiếm có cho những người dám mạnh dạn đầu tư.
Khi đó, việc chọn lựa những DN sản xuất - kinh doanh có sản phẩm đang được tin dùng, doanh số vẫn giữ vững hoặc tăng trưởng và thị giá cổ phiếu đã xuống dưới 10 nghìn đồng sẽ hứa hẹn sinh lời đến 50 - 100% sau khi kinh tế đã ổn định và tăng trưởng (dự kiến từ 6 tháng đến 2 năm). Như vậy, kênh chứng khoán sẽ vẫn là kênh thích hợp nhất với người ít tiền, thích tìm kiếm lợi nhuận cao. Thời điểm thích hợp để mua chứng khoán là trong quý I/2012.
Theo Ths Đinh Thế Hiển - Chuyên gia tài chính chứng khoán, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế
Báo Xây Dựng
|
Ngày đăng :
25/12/2011 - 2:36 AM
Chính phủ Nhật Bản sẽ phát hành khối lượng trái phiếu mới trị giá 44.200 tỷ yen trong tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2012, chất cao thêm "núi" nợ công hiện đã gần gấp đôi GDP.
Theo dự thảo ngân sách, Chính phủ Nhật Bản sẽ phát hành khối lượng trái phiếu mới trị giá 44.200 tỷ yen trong tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2012, chất cao thêm "núi" nợ công hiện đã gần gấp đôi Tổng sản lượng quốc nội (GDP) của nước này và biến Nhật Bản thành quốc gia ghi nhận mức nợ công lớn nhất trong số các nước công nghiệp phát triển.
Dự thảo ngân sách mới cũng dự báo một thời kỳ khó khăn về tài chính đối với Nhật Bản, khi thu nhập từ thuế chỉ đạt trên 42.300 tỷ yen.
Trong khi đó, phí tổn vay mượn ước tính là gần 22.000 tỷ yen, tương đương 1/4 tổng ngân sách tài khóa mới và khoảng 51,8% thu nhập từ thuế.
Giới phân tích cho rằng ngân sách tài khóa mới của Nhật Bản giảm 2,2% so với ngân sách tài khóa hiện nay.
Tuy nhiên, báo chí địa phương khẳng định trên thực tế, đây là ngân sách lớn nhất từ trước đến nay, lên tới 96.000 tỷ yen, nếu tính cả một số kế hoạch quan trọng như tái thiết khu vực chịu tác động từ thảm họa kép động đất-sóng thần.
Tokyo dự định dành trên 3.700 tỷ yên cho kế hoạch khắc phục hậu quả thảm họa này, chưa kể gần 2.700 tỷ yen khác từ tiền phát hành trái phiếu cho mục đích tương tự.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Jun Azumi cho biết cả ngân sách dự thảo và kế hoạch vay mượn đều đã "chạm ngưỡng," đồng thời thừa nhận Nhật Bản cần tiến hành cải cách triệt để vấn đề thuế và ngân sách để duy trì các dịch vụ công cộng và khôi phục lòng tin của cộng đồng quốc tế.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng thuế tiêu dùng để đáp ứng quỹ lương hưu đang ngày càng tăng do tỷ lệ người lao động giảm./.
Theo Vietnamplus
|