Ông Tai Hui cho rằng đợt giảm lãi suất đầu tiên sẽ được thực hiện trước quý II/2011, bởi nếu giảm quá sớm với mức giảm lớn, có thể thị trường sẽ hiểu sai thông điệp của cơ quan quản lý.
Thị trường mong đợi lãi suất cho vay sớm giảm, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Tai Hui, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Đông Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered về vấn đề này.
Thị trường tiền tệ hiện nay vẫn sôi động với thông tin lãi suất sẽ thay đổi vào đầu năm 2012. Bình luận của ông về thông tin này?
Tôi kỳ vọng đợt giảm lãi suất đầu tiên sẽ xảy ra trong quý II/2012, nhưng khả năng là điều này có thể xảy ra sớm hơn một chút, tùy thuộc vào diễn biến lạm phát.
Tuy nhiên, vấn đề chủ chốt ở đây là chúng ta thường thấy Việt Nam thay đổi lãi suất ở mức 100 - 200 điểm phần trăm trong mỗi lần tăng hay giảm lãi suất trong quá khứ. Nhưng trên thực tế, chúng ta cần phải điều chỉnh mức lãi suất với mức thay đổi nhỏ hơn và thường xuyên hơn.
Do đó, mức 20 - 25 điểm phần trăm thay đổi sẽ phù hợp hơn, bởi theo tôi, chúng ta cần phải đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ dần dần nới lỏng các chính sách chứ không nới lỏng một cách đột ngột.
Động thái này sẽ giúp mọi người thấy rằng, NHNN không những quan tâm đến tình hình lạm phát mà còn rất cố gắng trong việc bảo vệ sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã bắt đầu tăng chậm lại trong vài tháng trở lại đây. Liệu thời điểm này đã hợp lý để NHNN điều chỉnh lãi suất?
Đúng là vấn đề chính hiện tại là: có nên làm điều đó ngay bây giờ không? Với tôi, câu trả lời là không. Bởi vì, tình trạng lạm phát mới được kiềm chế trong một vài tháng gần đây.
Tôi nghĩ nên chờ thêm 1 hoặc 2 tháng nữa, đặc biệt là khi thời điểm lễ, tết đang đến gần. Đây là thời điểm rất nhạy cảm với giá thực phẩm hoặc các loại hàng hóa tiêu dùng hàng ngày. Chúng ta nên đợi đến thời điểm sau Tết Nguyên đán để đưa ra quyết định này.
Tôi dự đoán, tính thanh khoản trên thị trường có thể sẽ căng hơn từ nay đến sau Tết. Nhưng đó không phải là lý do thuyết phục để giảm lãi suất. Trước tình hình đó, NHNN có thể bơm thêm tiền hoặc sử dụng nghiệp vụ thị trường mở để giúp giảm áp lực thanh khoản trong thời điểm này. Giảm lãi suất là một động thái có liên quan đến các chính sách kinh tế vĩ mô hơn. Sử dụng nghiệp vụ thị trường mở sẽ tốt hơn đối với áp lực thanh khoản cho việc tiêu dùng hàng ngày.
Việc giảm lãi suất theo từng bước nhỏ có thể sẽ giúp chuyển tải thông điệp một cách đúng đắn hơn. Bởi nếu NHNN đột ngột giảm tới 200 điểm phần trăm thì động thái này sẽ khiến thông điệp gửi ra thị trường bị sai lệch, rằng cơ quan quản lý đã bỏ qua những quan ngại về lạm phát mà lại quay trở lại nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng quá sớm.
Do đó, lời khuyên của tôi sẽ là giảm lãi suất ở từng bước nhỏ hơn, nhưng có thể giảm trong nhiều đợt hơn để có thể gửi được thông điệp đúng đắn ra thị trường.
Theo ông, NHNN nên xử lý câu chuyện lạm phát - lãi suất như thế nào trong năm 2012?
Tôi vẫn khẳng định rằng, trước tiên, NHNN cần đưa ra thông điệp rõ ràng về mối quan tâm hàng đầu của họ là bình ổn giá, tăng sự tín nhiệm của người dân vào đồng nội tệ. Một khi giá cả được ổn định, giá trị tiền đồng cũng sẽ ổn định hơn.
Nếu người dân thấy rằng, tiền đồng có thể bảo vệ giá trị tài sản của mình, thì lúc đó họ sẽ nắm giữ tiền đồng Việt Nam, thay vì ngoại tệ và vàng. Vì những lý do này, tôi cho rằng, việc tập trung bình ổn lạm phát là cốt yếu.
Thứ hai, như tôi đã nói ở trên, việc giảm lãi suất theo các bước nhỏ với tần suất thường xuyên hơn sẽ mang lại hiệu quả lâu dài hơn việc điều chỉnh quá mạnh trong một thời gian ngắn.
Quốc hội Việt Nam đã đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ lạm phát xuống một con số trong năm 2012. Theo ông, mục tiêu này có khả thi?
Tôi nghĩ là có. Tỷ lệ lạm phát có thể giảm về một con số trong khoảng quý II/2012. Rõ ràng, nhiệm vụ hàng đầu Chính phủ cần làm vẫn là tập trung duy trì vào việc ổn định giá cả như hiện nay đang làm. Và vấn đề ổn định đồng nội tệ cũng quan trọng, bởi sự mất giá tiền đồng rõ ràng sẽ dẫn tới sự gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát ở Việt Nam cũng chịu khá nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, như giá lương thực phẩm và dầu mỏ trên thị trường thế giới.
Mặc dù vậy, tôi tin rằng, nếu giá lương thực phẩm và dầu mỏ sẽ không có những diễn biến bất thường, việc đưa lạm phát năm 2012 trở về một con số là có khả năng.
Tuy nhiên, giá trị đồng tiền Việt Nam có liên quan chặt chẽ đến tình hình thâm hụt thương mại. Dự báo của ông về yếu tố này trong năm 2012?
Theo dự đoán của chúng tôi, thâm hụt thương mại trong năm tới sẽ tương tự như năm 2011, khoảng 10 tỷ USD. Một trong những yếu tố tác động chính, theo tôi, là giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ tiếp tục xu hướng tăng.
Rõ ràng, giá thép và năng lượng tăng dần sẽ ảnh hưởng không tốt tới cán cân thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây, thâm hụt thương mại khá ổn định do bức tranh xuất khẩu của Việt Nam khá sáng sủa. Diễn biến thâm hụt thương mại chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của tôi năm 2012.
Ông nhận xét như thế nào về mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% của Việt Nam trong năm 2012? Theo ông, mục tiêu bao nhiêu phần trăm là phù hợp?
Theo dự báo của chúng tôi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm tới cũng nằm trong khoảng 6 - 6,5%. Mục tiêu này không thực sự quá cao. Tuy nhiên, mối quan ngại của tôi là nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2012 cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Với bối cảnh kinh tế bên ngoài cũng như cấu trúc bên trong của kinh tế Việt Nam còn nhiều vấn đề như hiện nay, tôi nghĩ rằng, mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% là phù hợp. Mức tăng trưởng này sẽ giúp nền kinh tế tiếp tục được cải thiện, đồng thời, không gây ra tình trạng lạm phát quá cao.
Theo Nhuệ Mẫn
ĐTCK