Sẽ có "cơ hội vàng" từ chứng khoán và BĐS

Ngày đăng : 25/12/2011 - 1:18 PM

Từ cuối quý I đến quý II/2012 là giai đoạn thị trường chứng khoán sẽ đi vào chu kỳ cuối của suy thoái để chuẩn bị phục hồi; còn thị trường BĐS dự kiến phục hồi vào cuối quý III/2012 - quý II/2013.

 

Do vậy, với các nhà đầu tư trên thị trường BĐS và chứng khoán thì giai đoạn đầu năm 2012 sẽ là giai đoạn khó khăn nhất, sẽ có nhiều người chán nản bán rẻ tài sản hoặc buộc phải bán rẻ để trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, với những người có vốn thì đó lại là thời cơ rất hiếm gặp (5 - 10 năm mới có một lần), để mua tài sản đầu tư giá rẻ và thu lời cao sau 6 tháng - 2 năm, tùy theo mức độ phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Kênh tiết kiệm hiện nay vẫn được 14%/năm lãi suất, nếu gửi 6 tháng rồi đối chiếu với các tài sản đầu tư khác thì có khả năng lợi nhuận sẽ cao hơn đầu tư BĐS, vàng, còn chứng khoán thì có thể cao hoặc thấp hơn, tùy mã cổ phiếu đầu tư. Do vậy, nếu theo tiêu chuẩn so sánh tài sản đầu tư thì việc gửi ngân hàng với lãi suất 14%/năm là giải pháp an toàn. Đặt biệt, trong giai đoạn tới, lãi suất có thể giảm xuống đến 12%/năm, càng khiến kênh tiết kiệm vào thời điểm này hấp dẫn hơn. Với tiêu chí an toàn, những người có tiền nhàn rỗi nên gửi tiền tiết kiệm với lãi suất 14%/năm trong vòng 3 - 6 tháng, trước khi tham gia vào kênh đầu tư khác để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Một điểm cần lưu ý là dù nhà đầu tư chuyển từ tiền tiết kiệm vào BĐS và chứng khoán thì cũng không nên chuyển quá 70% số tiền hiện có. Các nhà đầu tư nên kiên trì theo đuổi chiến lược này, không nên nôn nóng tìm kiếm lợi nhuận cao qua những phi vụ đầu tư không được tìm hiểu kỹ. Tuy nhiên, giai đoạn xấu nhất của thị trường cũng chính là cơ hội rất hiếm có cho những người dám mạnh dạn đầu tư.

Khi đó, việc chọn lựa những DN sản xuất - kinh doanh có sản phẩm đang được tin dùng, doanh số vẫn giữ vững hoặc tăng trưởng và thị giá cổ phiếu đã xuống dưới 10 nghìn đồng sẽ hứa hẹn sinh lời đến 50 - 100% sau khi kinh tế đã ổn định và tăng trưởng (dự kiến từ 6 tháng đến 2 năm). Như vậy, kênh chứng khoán sẽ vẫn là kênh thích hợp nhất với người ít tiền, thích tìm kiếm lợi nhuận cao. Thời điểm thích hợp để mua chứng khoán là trong quý I/2012.

 

Theo Ths Đinh Thế Hiển - Chuyên gia tài chính chứng khoán, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế

 Báo Xây Dựng


 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Năm tài khóa 2012, Nhật sẽ vay tiền nhiều chưa từng có

Ngày đăng : 25/12/2011 - 2:36 AM
Chính phủ Nhật Bản sẽ phát hành khối lượng trái phiếu mới trị giá 44.200 tỷ yen trong tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2012, chất cao thêm "núi" nợ công hiện đã gần gấp đôi GDP.
 
Theo dự thảo ngân sách, Chính phủ Nhật Bản sẽ phát hành khối lượng trái phiếu mới trị giá 44.200 tỷ yen trong tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2012, chất cao thêm "núi" nợ công hiện đã gần gấp đôi Tổng sản lượng quốc nội (GDP) của nước này và biến Nhật Bản thành quốc gia ghi nhận mức nợ công lớn nhất trong số các nước công nghiệp phát triển.
 
Dự thảo ngân sách mới cũng dự báo một thời kỳ khó khăn về tài chính đối với Nhật Bản, khi thu nhập từ thuế chỉ đạt trên 42.300 tỷ yen.
 
Trong khi đó, phí tổn vay mượn ước tính là gần 22.000 tỷ yen, tương đương 1/4 tổng ngân sách tài khóa mới và khoảng 51,8% thu nhập từ thuế.
 
Giới phân tích cho rằng ngân sách tài khóa mới của Nhật Bản giảm 2,2% so với ngân sách tài khóa hiện nay.
 
Tuy nhiên, báo chí địa phương khẳng định trên thực tế, đây là ngân sách lớn nhất từ trước đến nay, lên tới 96.000 tỷ yen, nếu tính cả một số kế hoạch quan trọng như tái thiết khu vực chịu tác động từ thảm họa kép động đất-sóng thần.
 
Tokyo dự định dành trên 3.700 tỷ yên cho kế hoạch khắc phục hậu quả thảm họa này, chưa kể gần 2.700 tỷ yen khác từ tiền phát hành trái phiếu cho mục đích tương tự.
 
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Jun Azumi cho biết cả ngân sách dự thảo và kế hoạch vay mượn đều đã "chạm ngưỡng," đồng thời thừa nhận Nhật Bản cần tiến hành cải cách triệt để vấn đề thuế và ngân sách để duy trì các dịch vụ công cộng và khôi phục lòng tin của cộng đồng quốc tế.
 
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng thuế tiêu dùng để đáp ứng quỹ lương hưu đang ngày càng tăng do tỷ lệ người lao động giảm./.
 
Theo Vietnamplus

Ngân hàng SCB hợp nhất tiến hành bầu HĐQT mới

Ngày đăng : 23/12/2011 - 4:44 PM

Hội đồng quản trị mới có 9 thành viên trong đó có 4 thành viên đến từ Ficombank; 2 thành viên đến từ SCB; 1 thành viên từ TinNghia Bank, 1 thành viên từ CTCP An Phú và 1 thành viên HĐQT độc lập.

Sáng nay Đại hội đồng cổ đông của hợp nhất Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh. Đại hội đã biểu quyết thông qua các vấn đề:

Tổng ngân sách hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát năm 2012 là khoảng 3% tổng chi phí hoạt động của năm 2012. Đại hội cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định và điều chỉnh mức thù lao, thưởng và các lợi ích khác đối với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban Kiểm soát và ngân sách hoạt động của H ĐQT, BKS cho phù hợp nhằm đảm bảo công tác quản trị điều hành đạt hiệu quả cao nhất.
Ủy quyền cho HĐQT được quyết định một số vấn đề cơ chế chính sách hoạt động kinh doanh phát sinh, bao gồm:

(i) Quyết định các vấn đề cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý điều hành của SCB; (ii) Quyết định việc thành lập công ty con để thực hiện các hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật khi SCB có nhu cầu mở rộng lĩnh vực hoạt động; (iii) quyết định các vấn đề liên quan đến việc góp vốn, mua cổ phần hoặc rút vốn đầu tư tại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác có giá trị từ 20% trở lên so với vốn điều của SCB;

(iv) Quyết định các vấn đề về đầu tư, mua, bán tài sản của SCB có giá trị từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của SCB;

(v) Lựa chọn, đàm phán các điều kiện liên quan đến việc hợp tác, ký kết thỏa thuận/hợp đồng hợp tác với đối tác chiến lược trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện cho SCB phát triển mạnh hơn, góp phần khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực hoạt động cho những năm sau:

(vi) Quyết định việc tạm ứng cổ tức cho cổ đông trong năm (nếu có).

Thành viện Hội đồng Quản trị  của SCB hợp nhất nhiệm kỳ 2011 – 2017, bao gồm:

Bà Nguyễn Thị Thu Sương (Ficombank); Ông Vũ VănThành (TinNghia Bank); Ông Uông Văn Ngọc Ẩn (Ficombank); Ông Võ Thành Hùng (Chủ tịch HĐQT của CTCP An Phú) ; Ông Đinh Văn Thành (Ficombank) ; Ông Trần Thuận Hòa (Ficombank); ông Trầm Thích Tồn (SCB); Ông Phan Vĩ Dân (SCB) và 1 thành viên HDQT độc lập là Bà Nguyễn Thị Phương Loan.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Sương  được bầu làm Chủ tịch HĐQT.
 
Ông Uông Văn Ngọc Ẩn được bầu là Tổng Giám đốc.
 
Các nội dung trình tại Đại hội đã được thông qua với tỷ lệ hơn 90%



Q. Nguyễn

Theo TTVN
 


Chuyên gia ngân hàng Standard Chartered: Chưa phải là thời điểm giảm lãi suất

Ngày đăng : 23/12/2011 - 3:42 PM
Ông Tai Hui cho rằng đợt giảm lãi suất đầu tiên sẽ được thực hiện trước quý II/2011, bởi nếu giảm quá sớm với mức giảm lớn, có thể thị trường sẽ hiểu sai thông điệp của cơ quan quản lý.
 
Thị trường mong đợi lãi suất cho vay sớm giảm, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Tai Hui, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Đông Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered về vấn đề này.
 
Thị trường tiền tệ hiện nay vẫn sôi động với thông tin lãi suất sẽ thay đổi vào đầu năm 2012. Bình luận của ông về thông tin này?
 
Tôi kỳ vọng đợt giảm lãi suất đầu tiên sẽ xảy ra trong quý II/2012, nhưng khả năng là điều này có thể xảy ra sớm hơn một chút, tùy thuộc vào diễn biến lạm phát.
 
Tuy nhiên, vấn đề chủ chốt ở đây là chúng ta thường thấy Việt Nam thay đổi lãi suất ở mức 100 - 200 điểm phần trăm trong mỗi lần tăng hay giảm lãi suất trong quá khứ. Nhưng trên thực tế, chúng ta cần phải điều chỉnh mức lãi suất với mức thay đổi nhỏ hơn và thường xuyên hơn.
 
Do đó, mức 20 - 25 điểm phần trăm thay đổi sẽ phù hợp hơn, bởi theo tôi, chúng ta cần phải đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ dần dần nới lỏng các chính sách chứ không nới lỏng một cách đột ngột.
Động thái này sẽ giúp mọi người thấy rằng, NHNN không những quan tâm đến tình hình lạm phát mà còn rất cố gắng trong việc bảo vệ sự phát triển bền vững.
 
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã bắt đầu tăng chậm lại trong vài tháng trở lại đây. Liệu thời điểm này đã hợp lý để NHNN điều chỉnh lãi suất?
 
Đúng là vấn đề chính hiện tại là: có nên làm điều đó ngay bây giờ không? Với tôi, câu trả lời là không. Bởi vì, tình trạng lạm phát mới được kiềm chế trong một vài tháng gần đây.
 
Tôi nghĩ nên chờ thêm 1 hoặc 2 tháng nữa, đặc biệt là khi thời điểm lễ, tết đang đến gần. Đây là thời điểm rất nhạy cảm với giá thực phẩm hoặc các loại hàng hóa tiêu dùng hàng ngày. Chúng ta nên đợi đến thời điểm sau Tết Nguyên đán để đưa ra quyết định này.
 
Tôi dự đoán, tính thanh khoản trên thị trường có thể sẽ căng hơn từ nay đến sau Tết. Nhưng đó không phải là lý do thuyết phục để giảm lãi suất. Trước tình hình đó, NHNN có thể bơm thêm tiền hoặc sử dụng nghiệp vụ thị trường mở để giúp giảm áp lực thanh khoản trong thời điểm này. Giảm lãi suất là một động thái có liên quan đến các chính sách kinh tế vĩ mô hơn. Sử dụng nghiệp vụ thị trường mở sẽ tốt hơn đối với áp lực thanh khoản cho việc tiêu dùng hàng ngày.
 
Việc giảm lãi suất theo từng bước nhỏ có thể sẽ giúp chuyển tải thông điệp một cách đúng đắn hơn. Bởi nếu NHNN đột ngột giảm tới 200 điểm phần trăm thì động thái này sẽ khiến thông điệp gửi ra thị trường bị sai lệch, rằng cơ quan quản lý đã bỏ qua những quan ngại về lạm phát mà lại quay trở lại nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng quá sớm.
 
Do đó, lời khuyên của tôi sẽ là giảm lãi suất ở từng bước nhỏ hơn, nhưng có thể giảm trong nhiều đợt hơn để có thể gửi được thông điệp đúng đắn ra thị trường.
 
Theo ông, NHNN nên xử lý câu chuyện lạm phát - lãi suất như thế nào trong năm 2012?
 
Tôi vẫn khẳng định rằng, trước tiên, NHNN cần đưa ra thông điệp rõ ràng về mối quan tâm hàng đầu của họ là bình ổn giá, tăng sự tín nhiệm của người dân vào đồng nội tệ. Một khi giá cả được ổn định, giá trị tiền đồng cũng sẽ ổn định hơn.
 
Nếu người dân thấy rằng, tiền đồng có thể bảo vệ giá trị tài sản của mình, thì lúc đó họ sẽ nắm giữ tiền đồng Việt Nam, thay vì ngoại tệ và vàng. Vì những lý do này, tôi cho rằng, việc tập trung bình ổn lạm phát là cốt yếu.
 
Thứ hai, như tôi đã nói ở trên, việc giảm lãi suất theo các bước nhỏ với tần suất thường xuyên hơn sẽ mang lại hiệu quả lâu dài hơn việc điều chỉnh quá mạnh trong một thời gian ngắn.
 
Quốc hội Việt Nam đã đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ lạm phát xuống một con số trong năm 2012. Theo ông, mục tiêu này có khả thi?
 
Tôi nghĩ là có. Tỷ lệ lạm phát có thể giảm về một con số trong khoảng quý II/2012. Rõ ràng, nhiệm vụ hàng đầu Chính phủ cần làm vẫn là tập trung duy trì vào việc ổn định giá cả như hiện nay đang làm. Và vấn đề ổn định đồng nội tệ cũng quan trọng, bởi sự mất giá tiền đồng rõ ràng sẽ dẫn tới sự gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát ở Việt Nam cũng chịu khá nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, như giá lương thực phẩm và dầu mỏ trên thị trường thế giới.
 
Mặc dù vậy, tôi tin rằng, nếu giá lương thực phẩm và dầu mỏ sẽ không có những diễn biến bất thường, việc đưa lạm phát năm 2012 trở về một con số là có khả năng.
 
Tuy nhiên, giá trị đồng tiền Việt Nam có liên quan chặt chẽ đến tình hình thâm hụt thương mại. Dự báo của ông về yếu tố này trong năm 2012?
 
Theo dự đoán của chúng tôi, thâm hụt thương mại trong năm tới sẽ tương tự như năm 2011, khoảng 10 tỷ USD. Một trong những yếu tố tác động chính, theo tôi, là giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ tiếp tục xu hướng tăng.
 
Rõ ràng, giá thép và năng lượng tăng dần sẽ ảnh hưởng không tốt tới cán cân thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây, thâm hụt thương mại khá ổn định do bức tranh xuất khẩu của Việt Nam khá sáng sủa. Diễn biến thâm hụt thương mại chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của tôi năm 2012.
 
Ông nhận xét như thế nào về mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% của Việt Nam trong năm 2012? Theo ông, mục tiêu bao nhiêu phần trăm là phù hợp?
 
Theo dự báo của chúng tôi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm tới cũng nằm trong khoảng 6 - 6,5%. Mục tiêu này không thực sự quá cao. Tuy nhiên, mối quan ngại của tôi là nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2012 cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.
 
Với bối cảnh kinh tế bên ngoài cũng như cấu trúc bên trong của kinh tế Việt Nam còn nhiều vấn đề như hiện nay, tôi nghĩ rằng, mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% là phù hợp. Mức tăng trưởng này sẽ giúp nền kinh tế tiếp tục được cải thiện, đồng thời, không gây ra tình trạng lạm phát quá cao.
 
Theo Nhuệ Mẫn
ĐTCK

“Điều lo lắng nhất là hạ mặt bằng lãi suất”

Ngày đăng : 23/12/2011 - 10:29 AM

Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm chủ động, linh hoạt trong điều hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong việc kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra.
 

 

 

Đó là một nội dung quan trọng trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012 ngày 22/12 có nêu rõ

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp Chính phủ mở rộng ngày 22/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhìn nhận: “Nguy cơ lạm phát cao vẫn là hiện hữu”.

Xin ông cho biết điều mà ông lo lắng nhất trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước năm 2012?


Chúng tôi cho rằng điều lo lắng nhất là làm thế nào để hạ mặt bằng lãi suất. Đây là điều thực sự còn rất nhiều trăn trở vì lạm phát có giảm thì lãi suất mới giảm theo được, mà lạm phát chúng ta có xuống nhưng lúc nào cũng ở trạng thái rình rập leo cao.

Như Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nói, lạm phát trong năm tới tiếp tục là chiều hướng chung của tất cả các nước trên thế giới, trong cả khu vực, không loại trừ Việt Nam.

Nguy cơ lạm phát vẫn rất hiện hữu trong khi chúng ta phải cố gắng làm sao để hạ lãi suất xuống. Cân đối được cái  đó là bài toán rất khó đối với Ngân hàng Nhà nước. Lúc nào là lúc có thể hạ, hạ ở mức độ bao nhiêu?


Chúng tôi lấy mục tiêu khống chế lạm phát dưới 10% làm căn cứ cho việc điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ, nhưng mức độ linh hoạt, chủ động được nâng cao lên để có thể đáp ứng mọi diễn biến diễn ra trong năm 2012.

Dư luận cho rằng với việc siết lại trật tự kỷ cương cho hệ thống ngân hàng, Thống đốc đã bước đầu thành công. Cảm nhận của ông?


Tôi nghĩ đó cũng chỉ là mới đi được một bước trong việc củng cố và chấn chỉnh kỷ cương của hệ thống ngân hàng thôi.

Với kết quả ban đầu này, vẫn còn cần phải thêm rất nhiều nỗ lực thì mới có thể thực hiện kỷ cương này trong năm tới tốt hơn.

Từ vấn đề này, tôi chưa nghĩ đến thành công, mà rút ra được kinh nghiệm rằng nếu làm cho tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng không nóng nữa thì cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng bớt căng thẳng đi, từ đó sẽ bớt những hoạt động không lành mạnh, cũng sẽ góp phần điều tiết thị trường trong thời gian tới.

Còn điều mà ông mong muốn nhất sẽ thực hiện được trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước năm 2012?


Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là rất nặng nề, nếu nói về điều mong muốn có thể thực hiện được thì nhiều lắm.

Chúng tôi mong muốn 2012, riêng thị trường vàng sẽ  có bước tiến hết sức cơ bản để làm sao ổn định được thị trường vàng và cũng bước đầu trong lộ trình 5 năm về việc chống Đô la hóa và hạn chế chi tiêu tiền mặt. Có làm được như vậy thì mới có thể bảo đảm được giá trị đồng tiền của chúng ta ổn định và bền vững hơn.

 

Theo VnEconomy.vn


NHNN đã bơm ròng khoảng 12.000 tỷ đồng qua OMO

Ngày đăng : 23/12/2011 - 10:23 AM
Đây là con số ước tính tuy nhiên động thái này được đánh giá là yếu tố tích cực chính giúp lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ cuối tuần.
 
 
 
Diễn biến đi xuống rõ rệt của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lạm phát tiếp tục cho dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới là các yếu tố có tác động trực tiếp tới diễn biến lãi suất trên thị trường trong thời gian tới.
 
Cho đến cuối tuần qua, lãi suất giao dịch trên thị trường liên NH bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ, đặc biệt trong các ngày cuối tuần. Các tính toán cho thấy, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên NH tuần kết thúc vào ngày 16.12 có mức giảm khoảng 0,5-0,7%/năm so với mức lãi suất ở đầu tuần và giảm 1,2-1,5%/năm so với cuối tuần trước. Theo số liệu thống kê mới nhất của NHNN, trong ngày 20.12, lãi suất bình quân liên NH kỳ hạn qua đêm ở mức 14,21%, 1 tuần là 13,84%, 2 tuần 13,48% và 1 tháng là 14,87%.
 
Động thái bơm ròng tích cực qua thị trường mở (OMO) của NHNN trong tuần vừa qua, theo nhiều đánh giá, là nguyên nhân chính khiến lãi suất giảm nhẹ vào những ngày cuối tuần. Dù các số liệu thống kê có nhiều khác nhau, song ước tính trong tuần qua, ước tính NHNN bơm ròng quanh mức 12.000 tỉ đồng hoặc trên mức này qua OMO. Đây là tuần thứ hai liên tiếp NHNN thực hiện bơm ròng và việc duy trì hoạt động này với giá trị tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu tiền thanh toán đang ở giai đoạn cao điểm, được xem như một sự hỗ trợ cần thiết nhằm ổn định thanh khoản cho cả hệ thống NH, từ đó tránh những biến động mạnh của lãi suất trên thị trường liên NH.
 
Trong khi đó trên thị trường dân cư, thời điểm áp tết được cho là giai đoạn rất khó khăn trong thanh khoản tiền đồng của các NH nhỏ. Đặc biệt khi mà nhu cầu rút tiền trong dân cư tăng mạnh trong khi lại bị hạn chế vay liên NH, thiếu điều kiện tham gia thị trường mở, các điều kiện vay tái cấp vốn ngặt nghèo hơn và bị kiểm soát chặt  về trần lãi suất huy động từ dân cư.
 
Ngay cả với những NH lớn, áp lực sụt giảm thanh khoản do việc rút tiền chi tiêu tết của dân cư cũng không nhỏ. Chính với các yếu tố này, nhiều tổ chức đầu tư đồng thuận với ý kiến, dù có những tiền đề cho việc giảm lãi suất như lạm phát giảm hay cán cân thanh toán được dự đoán thặng dư, khả năng lãi suất giảm trong giai đoạn này là không nhiều.
 
Mới đây nhất, người đứng đầu NHNN từng khẳng định vẫn chưa có chủ trương hạ trần lãi suất huy động VND và mức 14%/năm tiếp tục được duy trì trong tháng cuối năm. Thực tế lãi suất cho vay ngoài nhóm ưu đãi vẫn ở mức rất cao trên 20%/năm hiện nay và các biến động phù hợp theo sau của lãi suất huy động phản ánh diễn biến thực tế của lạm phát.
 
Do đó, theo nhận định của một tổ chức đầu tư, về lâu dài kỳ vọng lạm phát giảm sẽ là yếu tố có tác động trực tiếp tới diễn biến lãi suất trong thời gian tới, chứ không đơn thuần là việc áp trần lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra. NHNN có thể chỉ xem xét dỡ bỏ trần lãi suất huy động khi lạm phát tiếp tục cho dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới. 
 
Theo Văn Nguyễn
Lao động

 

Tin mới cập nhật