Ngày đăng :
23/12/2011 - 10:23 AM
Đây là con số ước tính tuy nhiên động thái này được đánh giá là yếu tố tích cực chính giúp lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ cuối tuần.
Diễn biến đi xuống rõ rệt của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lạm phát tiếp tục cho dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới là các yếu tố có tác động trực tiếp tới diễn biến lãi suất trên thị trường trong thời gian tới.
Cho đến cuối tuần qua, lãi suất giao dịch trên thị trường liên NH bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ, đặc biệt trong các ngày cuối tuần. Các tính toán cho thấy, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên NH tuần kết thúc vào ngày 16.12 có mức giảm khoảng 0,5-0,7%/năm so với mức lãi suất ở đầu tuần và giảm 1,2-1,5%/năm so với cuối tuần trước. Theo số liệu thống kê mới nhất của NHNN, trong ngày 20.12, lãi suất bình quân liên NH kỳ hạn qua đêm ở mức 14,21%, 1 tuần là 13,84%, 2 tuần 13,48% và 1 tháng là 14,87%.
Động thái bơm ròng tích cực qua thị trường mở (OMO) của NHNN trong tuần vừa qua, theo nhiều đánh giá, là nguyên nhân chính khiến lãi suất giảm nhẹ vào những ngày cuối tuần. Dù các số liệu thống kê có nhiều khác nhau, song ước tính trong tuần qua, ước tính NHNN bơm ròng quanh mức 12.000 tỉ đồng hoặc trên mức này qua OMO. Đây là tuần thứ hai liên tiếp NHNN thực hiện bơm ròng và việc duy trì hoạt động này với giá trị tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu tiền thanh toán đang ở giai đoạn cao điểm, được xem như một sự hỗ trợ cần thiết nhằm ổn định thanh khoản cho cả hệ thống NH, từ đó tránh những biến động mạnh của lãi suất trên thị trường liên NH.
Trong khi đó trên thị trường dân cư, thời điểm áp tết được cho là giai đoạn rất khó khăn trong thanh khoản tiền đồng của các NH nhỏ. Đặc biệt khi mà nhu cầu rút tiền trong dân cư tăng mạnh trong khi lại bị hạn chế vay liên NH, thiếu điều kiện tham gia thị trường mở, các điều kiện vay tái cấp vốn ngặt nghèo hơn và bị kiểm soát chặt về trần lãi suất huy động từ dân cư.
Ngay cả với những NH lớn, áp lực sụt giảm thanh khoản do việc rút tiền chi tiêu tết của dân cư cũng không nhỏ. Chính với các yếu tố này, nhiều tổ chức đầu tư đồng thuận với ý kiến, dù có những tiền đề cho việc giảm lãi suất như lạm phát giảm hay cán cân thanh toán được dự đoán thặng dư, khả năng lãi suất giảm trong giai đoạn này là không nhiều.
Mới đây nhất, người đứng đầu NHNN từng khẳng định vẫn chưa có chủ trương hạ trần lãi suất huy động VND và mức 14%/năm tiếp tục được duy trì trong tháng cuối năm. Thực tế lãi suất cho vay ngoài nhóm ưu đãi vẫn ở mức rất cao trên 20%/năm hiện nay và các biến động phù hợp theo sau của lãi suất huy động phản ánh diễn biến thực tế của lạm phát.
Do đó, theo nhận định của một tổ chức đầu tư, về lâu dài kỳ vọng lạm phát giảm sẽ là yếu tố có tác động trực tiếp tới diễn biến lãi suất trong thời gian tới, chứ không đơn thuần là việc áp trần lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra. NHNN có thể chỉ xem xét dỡ bỏ trần lãi suất huy động khi lạm phát tiếp tục cho dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới.
Theo Văn Nguyễn
Lao động
|
Ngày đăng :
23/12/2011 - 1:47 AM
6 chuyên gia trong ngành đã công bố dự báo về thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) trong năm 2012. Đa số các chuyên gia này đều cho rằng M&A sẽ cải thiện trong năm tới
1. Anshu Jain – Trưởng Bộ phận Ngân hàng đầu tư và Doanh nghiệp của Deutsche Bank
Có thể có rất nhiều cơ hội dành cho các ngân hàng đầu tư từng vượt qua các cuộc khủng hoảng tốt hơn so với những ngân hàng khác.
Chi phí sử dụng vốn và lợi nhuận sụt giảm sẽ thuyết phục một số đối thủ đơn giản hóa hoạt động kinh doanh hiện tại.
Và điều này sẽ giúp ngân hàng sau hợp nhất gia tăng thị phần và nâng cao lợi nhuận.
2. Stephen Schwarzman – Giám đốc điều hành Blackstone
Sẽ có thêm nhiều công ty bán lại một số hoạt động kinh doanh. Hoạt động cấp vốn tại châu Âu sẽ cực kỳ khó khăn. Một số giao dịch tại châu Âu sẽ được tài trợ thông qua việc sử dụng nợ bằng các đồng tiền ngoài Eurozone.
Chúng tôi lo ngại về các cuộc tấn công có động cơ chính trị trên thị trường vốn cổ phần tư nhân nếu Mitt Romney – người sáng lập của Bain Capital – trở thành ứng cử viên vào vị trí Tổng thống của Đảng Cộng hòa.
3. Jes Staley – Giám đốc điều hành Bộ phận Ngân hàng Đầu tư thuộc JPMorgan
Nếu chúng ta đang tiến vào một kỷ nguyên tăng trưởng kinh tế yếu kém, đặc biệt là tại thế giới phát triển, thì các ngân hàng sẽ tìm kiếm phương án chiến lược để bổ sung đà tăng trưởng của hoạt động cơ bản. Chúng ta có thể chứng kiến hoạt động M&A cải thiện mạnh mẽ.
Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ tương đối thích hợp, chúng tôi đã khuyến khích hoạt động này đến mức tối đa tại Mỹ.
4. Rodgin Cohen – Chủ tịch cấp cao của Sullivan & Cromwell
Thước đo niềm tin quan trọng nhất chính là thị trường chứng khoán. Thị trường đạt được mức tăng trưởng trong năm nay nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng lại giảm rất mạnh.
Đó chính là tác nhân giết chết các thương vụ M&A. Cho đến khi chúng ta minh bạch hơn về các quy định và các chuẩn mực giám sát mới thì M&A vẫn còn ảm đạm.
5. Richard Gnodde – Đồng Giám đốc Bộ phận Ngân hàng Đầu tư Toàn cầu của Goldman Sachs
2012 là năm diễn ra nhiều cuộc bầu cử tại các quốc gia, chẳng hạn như Mỹ và Pháp.
Do các chính trị gia tập trung vào tăng trưởng, lãi suất và lạm phát vẫn còn thấp nên niềm tin có thể chuyển biến và thúc đẩy hoạt động M&A.
Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu trong hoạt động M&A toàn cầu và các công ty quốc tế sẽ tận dụng cơ hội tại các thị trường châu Á.
6. Bill Ackman – Người sáng lập Công ty Quản lý quỹ Pershing Square Capital Management
Chủ nghĩa tích cực là một trong số ít các chiến lược phát huy hiệu quả trong giai đoạn thị trường biến động, vì thế chúng ta sẽ chứng kiến chiến lược này được áp dụng nhiều hơn nữa.
Vẫn còn rất nhiều công ty có định giá quá thấp hiểu sai về các hoạt động kinh doanh hoặc các tập đoàn có hoạt động khác thường để những người theo chủ nghĩa tích cực hướng tới.
Với sự bình ổn tại châu Âu, chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều thương vụ M&A trong thời gian tới.
Theo Phạm Thị Phước
Vietstock
|
Ngày đăng :
22/12/2011 - 6:36 PM
Trả lời về việc thưởng Tết dương lịch 2011 và thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán tại TP HCM, Hà Nội gần như nói giống nhau: “Lấy gì để thưởng?”
Chứng khoán: Lấy gì để thưởng
Trừ một số ít công ty chứng khoán có lãi trong năm 2011 như KLS, SSI, BVS…, hầu hết các công ty chứng khoán đều trong tình trạng thua lỗ, thậm chí lỗ lũy kế. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP HCM nhận xét: “Hết quý 3, chúng tôi đã cầm chắc lỗ chứ không phải đến giờ này mới tính. Nhiều công ty chứng khoán cho biết, các khoản thưởng cuối năm sẽ dựa vào lợi nhuận. “Công ty chúng tôi cũng như hàng loạt công ty chứng khoán khác, làm gì có lợi nhuận mà nói chuyện thưởng Tết”, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc công ty chứng khoán SJC cho biết.
Đến thời điểm này, chứng khoán SJC vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết và theo lời ông Tuấn là “đang chờ ý kiến chủ tịch”. Nhưng ông Tuấn cũng chắc chắn là không có nguồn để thưởng Tết, nên nhiều khả năng năm nay sẽ không thưởng.
Khẳng định “thưởng Tết sẽ rất bèo”, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Rồng Việt, cho biết “mức thưởng chỉ mang tính chất động viên, chứ giá trị không nhiều”. Theo tiết lộ của ông Tuấn, mức thưởng Tết sẽ khoảng nửa tháng lương đối với nhân viên. Còn đại diện Công ty chứng khoán Chợ Lớn cho biết, công ty vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết.
Thưởng để giữ chân nhân viên
Đó là tình cảnh của những doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản. Khó triền miên từ năm trước kéo dài đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản khi được hỏi việc thưởng Tết đều ngao ngán thổ lộ chưa biết tính sao, bởi kế hoạch kinh doanh chưa đạt, thậm chí còn thua lỗ. Nhưng các doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với tình trạng nhân viên bỏ việc nên đang chạy ngược chạy xuôi lo thưởng tết giữ nhân viên. Ông Lương Trí Thìn, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Xanh, tỏ ra khó nghĩ: Tết năm 2011, Đất Xanh thưởng cho nhân viên từ 3 - 6 tháng lương. Năm nay kinh doanh không như mong đợi, nhưng chúng tôi đang cố gắng hết sức để có mức thưởng tết giữ chân nhân viên, giữ tinh thần anh em “chạy” tiếp với năm sau, vì năm 2012 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn.
Còn ông Lê Tấn Hòa, Tổng giám đốc Công ty Lilama SHB cũng chia sẻ, kinh doanh năm nay thậm chí thua lỗ, nên thưởng Tết của doanh nghiệp năm nay chỉ bằng nửa so với năm ngoái, tức 1 - 1,5 tháng lương. Trong khi đó, theo tổng giám đốc Công ty địa ốc ACBR Phạm Văn Hải, kinh doanh hầu như chỉ đủ nuôi quân. Hiện công ty vẫn chưa “chốt” chính sách thưởng Tết, song cũng phải cố gắng lo cho nhân viên “đỡ tủi”.
Khổ hơn, lãnh đạo một công ty địa ốc tại TP HCM tháng giáp Tết vẫn đang ráo riết tìm dự án để đem về cho nhân viên bán, thậm chí một dự án của công ty này ở Nhà Bè dù chưa làm xong các thủ tục pháp lý cũng đem ra bán. Vị Phó tổng giám đốc công ty này thừa nhận, lợi nhuận gần như không có, thậm chí còn lỗ, nên lãnh đạo công ty phải chạy vạy khắp nơi kiếm dự án đem về cho nhân viên bán, kiếm tiền ăn Tết. “Làm cả năm có ngày Tết mà mình không lo được cho nhân viên thì rất áy náy”, vị này trần tình.
Còn lo nợ lương
Thưởng ít hoặc không thưởng, nhưng không nợ lương với nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn còn may. Hiện nhiều doanh nghiệp đang lo nợ lương nhân viên cuối năm bởi kinh doanh gần như đang vào đường cùng.
Một công ty bất động sản có tiếng tại TP HCM đang ráo riết tìm đối tác “đẩy” hàng loạt dự án bằng bất cứ giá nào để thu hồi vốn, nhằm tất toán, báo cáo tài chính cuối năm. Bởi kế hoạch kinh doanh đại hội cổ đông đề ra đầu năm hiện chỉ mới thực hiện được 20%. Lãnh đạo một công ty cho biết, khó khăn quá buộc doanh nghiệp phải bán dự án bằng mọi giá, từ bán sỉ đến bán lẻ. Những dự án của công ty này trước đây bán giá khoảng 16 - 17 triệu đồng/m2 nay chỉ bán khoảng 13 - 14 triệu đồng, thậm chí rẻ hơn nếu khách hàng mua sỉ.
Còn một công ty môi giới bất động sản tại quận 1 lúc này như ngồi trên lửa khi một dự án phân lô bán nền tại Bình Dương mà công ty này đang bán bị “bể”. Từ giữa năm đến nay công ty đã bán khoảng 70 lô đất tại dự án này. Tưởng Tết rủng rỉnh tiền thưởng cho nhân viên, ai ngờ chính quyền địa phương vừa quyết định thu hồi dự án khi phát hiện đây là dự án phân lô bán nền. “Dự án bị thu hồi, đồng nghĩa với việc phải trả lại tiền cho khách, cộng với tiền phạt hơn 1 tỉ đồng, làm gì còn tiền thưởng tết”, lãnh đạo công ty này cho hay.
Buôn bán ế ẩm, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng nên nhân viên kinh doanh đã bỏ đi gần hết, do công ty này vẫn còn nợ mấy tháng lương.
Theo Đ.Sơn - P.Nhi
Đất Việt
|
Ngày đăng :
21/12/2011 - 11:45 PM
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm nay cho biết 523 ngân hàng đã yêu cầu tổng cộng 489 tỷ euro (641 tỷ USD) tài trợ từ ngân hàng trung ương.
Động thái này của ECB một phần trong nỗ lực nhằm tăng thanh khoản và ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ cho một số thành viên khu vực đồng euro. Con số này cao hơn nhiều so với mức Reuters đưa ra là 310 tỷ euro.
Hoạt động cung cấp vốn cho các ngân hàng của ECB, được biết tới như hoạt động tái cấp vốn dài hạn (LTRO), được cung cấp cho các ngân hàng trong khu vực đồng euro.
Các khoản vay có kỳ hạn 3 năm. Nguồn vốn được cho vay với lãi suất cơ bản của ECB là 1%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Italia và Tây Ban Nha giảm trước phiên đấu giá. Các thị trường trên khắp châu Âu tăng mạnh sau tin này, chứng khoán Mỹ cũng tăng điểm.
Theo Marketwatch
|
Ngày đăng :
21/12/2011 - 10:49 AM
Cung cầu USD căng thẳng vào thời điểm cuối năm. Nhiều NH thương mại kêu khổ vì không thể giao dịch theo giá niêm yết, bởi doanh nghiệp và người dân có USD đều không chịu bán theo mức giá này.
Giao dịch cao hơn giá niêm yết
Ngày 20.12, tỉ giá bình quân liên NH do NHNN công bố vẫn giữ nguyên mức 20.813VND/USD. Các NH thương mại niêm yết giá USD bán ra ở mức kịch trần là 21.021VND/USD, giá mua vào tại các NH lớn thấp hơn so với giá bán ra chỉ có vài VND/USD, trong khi nhiều NH nhỏ niêm yết giá mua bằng với giá bán. Tuy nhiên, trên thực tế, các NH thương mại không thể áp dụng giá niêm yết trong các giao dịch vì cung - cầu USD tiếp tục căng thẳng, cả doanh nghiệp và người dân đều không chịu bán cho NH theo giá niêm yết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá mua vào thực tế của các NH vào chiều 20.12 là 21.280VND/USD, bán ra 21.300VND/USD. Đây cũng là mức giá các NH thương mại giao dịch với nhau.
Tổng giám đốc một NH thương mại CP cho biết: Cho dù NH niêm yết giá mua vào lên đến kịch trần- bằng với giá bán ra, thì cũng không có ai chịu bán USD với giá đó. Hiện cầu USD đang tăng cao do các DN nhập khẩu hàng phục vụ tết. Lượng kiều hối cuối năm tuy có về nhiều hơn nhưng cung không đủ cầu. Hơn nữa, trong mấy ngày qua giá vàng trong nước luôn cao hơn nhiều so với giá thế giới, dẫn đến hiện tượng các đầu nậu mua gom USD nhập vàng, tạo thêm sức ép đối với nguồn cung USD trên thị trường.
Chợ đen “dẫn dắt” NH?
Chiều 20.12, giá mua - bán USD trên thị trường tự do là 21.340 - 21.370VND/USD. Từ khi NHNN phối hợp với các ban, ngành tăng cường kiểm tra, xử lý chợ đen ngoại tệ, các điểm thu đổi USD trái phép không còn hoạt động công khai, lộ liễu như trước nhưng vẫn chưa bao giờ ngưng giao dịch. Các “trùm” USD chợ đen vẫn thu đổi qua những đầu mối quen biết. Nhiều người dân không giao dịch được với NH, phải chấp nhận nhờ các đầu mối này giới thiệu mua giá cao trên chợ đen.
Anh H - một người có nhu cầu mua USD để đi Malaysia, cho biết: Tôi đến NH mua nhưng bị hẹn lần hẹn lữa, đành nhờ người quen giới thiệu mua USD chợ đen. Theo trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ một NH TMCP, các NH không muốn bán USD cho người dân với giá niêm yết vì bị lỗ, còn nếu bán giá cao thì sợ ...bị lộ, đành phải “hoãn binh” bằng cách hẹn lần hẹn lữa. Ngược lại, người dân có USD cũng không chịu bán cho NH với giá thấp hơn chợ đen.
Đối với các DN cần mua bán USD, các NH vẫn giao dịch để giữ chân khách hàng, nhưng ít NH dám mua – bán trực tiếp cao hơn giá niêm yết vì dễ bị kiểm tra, xử phạt. Cách làm phổ biến là NH giới thiệu 2 bên DN mua bán với nhau, NH đứng giữa làm trung gian, hợp thức hóa chứng từ, bên mua thỏa thuận sẽ bù một khoản chênh lệch cho bên bán. “Chúng tôi không thu lợi trong các giao dịch này, chỉ phải làm một cách bất đắc dĩ - tổng giám đốc một NH TMCP cho biết. Tuy nhiên, nếu không làm thì sẽ mất khách hàng và mất luôn các giao dịch khác”.
Trong tuần qua, tại phòng giao dịch một NH TM ở TPHCM, cơ quan CA đã phát hiện 2 doanh nghiệp mua bán với nhau một khối lượng USD khá lớn và quyết định tịch thu, xử phạt. Theo dư luận từ các NH thương mại, đây cũng là một trường hợp doanh nghiệp nhờ NH làm trung gian nhưng không may bị phát hiện.
Giá vàng trong nước bỏ cách xa giá thế giới
Sáng 20.12, giá vàng do Cty SJC công bố là 43,35 - 43,75 triệu đồng/lượng, tương đương với giá đóng cửa chiều hôm trước. Đến chiều, giá giảm dần 43,10 - 43,55 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn cao hơn so với giá thế giới quy đổi chưa tính thuế nhập khẩu và chi phí khoảng 3 triệu đồng/lượng, nếu tính theo tỉ giá trong NH. Nếu tính theo giá USD chợ đen thì giá trong nước vẫn cao hơn khoảng 1,55 triệu đồng. Khoảng chênh lệch quá lớn dẫn đến tình trạng mua gom USD nhập lậu vàng.
Theo Trung Phương
Lao động
|