Thị trường USD: Vẫn tồn tại 2 tỉ giá

Ngày đăng : 21/12/2011 - 10:49 AM

Cung cầu USD căng thẳng vào thời điểm cuối năm. Nhiều NH thương mại kêu khổ vì không thể giao dịch theo giá niêm yết, bởi doanh nghiệp và người dân có USD đều không chịu bán theo mức giá này.

 

 

Giao dịch cao hơn giá niêm yết

Ngày 20.12, tỉ giá bình quân liên NH do NHNN công bố vẫn giữ nguyên mức 20.813VND/USD. Các NH thương mại niêm yết giá USD bán ra ở mức kịch trần là 21.021VND/USD, giá mua vào tại các NH lớn thấp hơn so với giá bán ra chỉ có vài VND/USD, trong khi nhiều NH nhỏ niêm yết giá mua bằng với giá bán. Tuy nhiên, trên thực tế, các NH thương mại không thể áp dụng giá niêm yết trong các giao dịch vì cung - cầu USD tiếp tục căng thẳng, cả doanh nghiệp và người dân đều không chịu bán cho NH theo giá niêm yết.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá mua vào thực tế của các NH vào chiều 20.12 là 21.280VND/USD, bán ra 21.300VND/USD. Đây cũng là mức giá các NH thương mại giao dịch với nhau.
 
Tổng giám đốc một NH thương mại CP cho biết: Cho dù NH niêm yết giá mua vào lên đến kịch trần- bằng với giá bán ra, thì cũng không có ai chịu bán USD với giá đó. Hiện cầu USD đang tăng cao do các DN nhập khẩu hàng phục vụ tết. Lượng kiều hối cuối năm tuy có về nhiều hơn nhưng cung không đủ cầu. Hơn nữa, trong mấy ngày qua giá vàng trong nước luôn cao hơn nhiều so với giá thế giới, dẫn đến hiện tượng các đầu nậu mua gom USD nhập vàng, tạo thêm sức ép đối với nguồn cung USD trên thị trường.
 

Chợ đen “dẫn dắt” NH?

 

Chiều 20.12, giá mua - bán USD trên thị trường tự do là 21.340 - 21.370VND/USD. Từ khi NHNN phối hợp với các ban, ngành tăng cường kiểm tra, xử lý chợ đen ngoại tệ, các điểm thu đổi USD trái phép không còn hoạt động công khai, lộ liễu như trước nhưng vẫn chưa bao giờ ngưng giao dịch. Các “trùm” USD chợ đen  vẫn thu đổi qua những đầu mối quen biết. Nhiều người dân không giao dịch được với NH, phải chấp nhận nhờ các đầu mối này giới thiệu mua giá cao trên chợ đen.
 
Anh H - một người có nhu cầu mua USD để đi Malaysia, cho biết: Tôi đến NH mua nhưng bị hẹn lần hẹn lữa, đành nhờ người quen giới thiệu mua USD chợ đen. Theo trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ một NH TMCP, các NH không muốn bán USD cho người dân với giá niêm yết vì bị lỗ, còn nếu bán giá cao thì sợ ...bị lộ, đành phải “hoãn binh” bằng cách hẹn lần hẹn lữa. Ngược lại, người dân có USD cũng không chịu bán cho NH với giá thấp hơn chợ đen.

Đối với các DN cần mua bán USD, các NH vẫn giao dịch để giữ chân khách hàng, nhưng ít NH dám mua – bán trực tiếp cao hơn giá niêm yết vì dễ bị kiểm tra, xử phạt. Cách làm phổ biến là NH giới thiệu 2 bên DN mua bán với nhau, NH đứng giữa làm trung gian, hợp thức hóa chứng từ, bên mua thỏa thuận sẽ bù một khoản chênh lệch cho bên bán. “Chúng tôi không thu lợi trong các giao dịch này, chỉ phải làm một cách bất đắc dĩ - tổng giám đốc một NH TMCP cho biết. Tuy nhiên, nếu không làm thì sẽ mất khách hàng và mất luôn các giao dịch khác”.

Trong tuần qua, tại phòng giao dịch một NH TM ở TPHCM, cơ quan CA đã phát hiện 2 doanh nghiệp mua bán với nhau một khối lượng USD khá lớn và quyết định tịch thu, xử phạt. Theo dư luận từ các NH thương mại, đây cũng là một trường hợp doanh nghiệp nhờ NH làm trung gian nhưng không may bị phát hiện.    

Giá vàng trong nước bỏ cách xa giá thế giới

Sáng 20.12, giá vàng do Cty SJC công bố là 43,35 - 43,75 triệu đồng/lượng, tương đương với giá đóng cửa chiều hôm trước. Đến chiều, giá giảm dần 43,10 - 43,55 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn cao hơn so với giá thế giới quy đổi chưa tính thuế nhập khẩu và chi phí khoảng 3 triệu đồng/lượng, nếu tính theo tỉ giá trong NH. Nếu tính theo giá USD chợ đen thì giá trong nước vẫn cao hơn khoảng 1,55 triệu đồng. Khoảng chênh lệch quá lớn dẫn đến tình trạng mua gom USD nhập lậu vàng.

 

Theo Trung Phương
Lao động
 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Quỹ mở đã chính thức mở: “Sẽ có làn sóng đầu tư mới”

Ngày đăng : 20/12/2011 - 6:09 PM

Thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở vừa ban hành được kỳ vọng tạo nên một lớp các công cụ đầu tư mới. Đặc biệt, việc các quỹ dạng đóng được phép chuyển đổi sang dạng mở sẽ giảm áp lực lên thị trường khi tới hạn giải thể.

 

 

VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Thông tin trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông tin về việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 183/2011/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở từ ngày 16/12/2011. Vậy tại sao đến nay thị trường vẫn chưa nhận được văn bản chính thức, thưa ông?

Thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở là một trong những văn bản đồ sộ nhất từ trước tới nay, kiến tạo nền tảng cho việc ra đời hàng loạt các sản phẩm đầu tư mới do các tổ chức tự thiết kế.

Văn bản dài tới 200 trang và chúng tôi đang có những bước rà soát lại cuối cùng để công bố chính thức trong vài ngày tới. Theo thông lệ, Thông tư sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày công bố chính thức.

Việc cho phép ra đời quỹ mở đúng vào thời điểm này có thể được xem là một hành động hỗ trợ thị trường, nhất là khi áp lực thoái vốn của các quỹ đóng đang tới gần?

Việc ban hành khung pháp lý cho quỹ mở đã được chuẩn bị từ hơn một năm nay và là bước đi phù hợp với nhu cầu thị trường, theo hướng tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Đây cũng là mong mỏi của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức.

Thông lệ trên thế giới cho thấy hình thức quỹ đóng chỉ tồn tại trong thời gian đầu, khi thị trường tài chính mới hoạt động. Trên thế giới hiện quỹ đóng tồn tại rất ít và có tới 98% là các quỹ mở.

Hiện Chính phủ đang chỉ đạo tái cấu trúc lại thị trường chứng khoán. Trong đó, nổi bật lên mấy vấn đề. Thứ nhất là phải nâng cao chất lượng hàng hóa. Trước đây chúng ta mới chú trọng phát triển hàng hóa theo chiều rộng, giờ cần đi vào chiều sâu. Thứ hai là tái cấu trúc các tổ chức trung gian, như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… Thứ ba là xây dựng lại mô hình tổ chức, tổ chức lại các Sở giao dịch, Trung tâm lưu ký.

Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán đã được Ủy ban trình lên Chính phủ. Việc ban hành thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch này. Thông tư sẽ tạo nền tảng pháp lý để từ đó hình thành nên nhiều sản phẩm đầu tư mới, làm gia tăng sự tham gia của nhà đầu tư có tổ chức, dòng vốn đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Đây cũng là mục tiêu cải thiện cơ sở nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện đang chiếm đa số là nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Con số 25.000 tỷ đồng của các quỹ đóng có nguy cơ phải thoái vốn khi hết hạn có phải là con số gây áp lực lên việc ra đời văn bản hướng dẫn quỹ mở hay không. Liệu khả năng chuyển đổi hình thức từ quỹ đóng sang quỹ mở có thuận tiện không, thưa ông?

Trước hết con số 25.000 tỷ đồng có nguy cơ thoái vốn của các quỹ đóng là không có cơ sở. Tuy nhiên việc ra đời quỹ mở cũng sẽ góp phần giảm áp lực đối với những quỹ đóng có nhu cầu tất toán. Khung pháp lý sẽ cho phép các quỹ đóng chuyển đổi thành dạng quỹ mở trước hạn. Điều này sẽ làm giảm sức ép khi giải thể quỹ, duy trì được dòng vốn vào thị trường. Hầu hết nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn có hình thức quỹ mở để tạo thêm kênh hút vốn.

Điều đó có nghĩa là các quỹ đóng hiện tại có thể chuyển đổi ngay thành quỹ mở mà không cần chờ đến thời điểm hết hạn theo điều lệ quỹ?


Đúng vậy. Thông tư cho phép chuyển đổi quỹ trước hạn. Đại hội nhà đầu tư của quỹ có quyền quyết định việc chuyển đổi trước hạn.

Ông có thể dự báo thời gian tới đây, các sản phẩm mới nào sẽ được tung ra thị trường trên cơ sở nền tảng của quỹ mở?

Thông tư 183 có ý nghĩa rộng hơn các vấn đề của thị trường chứng khoán. Đây là văn bản pháp lý đặt nền tảng đầu tiên cho hệ thống an sinh xã hội đa trụ cột. Chúng tôi kỳ vọng Thông tư sẽ tạo ra một vóc dáng mới cho lĩnh vực đầu tư, tạo thêm nhiều công cụ hữu ích cho nhà đầu tư tham gia tích cực hơn.

Quỹ mở là nền tảng cơ bản để các tổ chức tài chính hình thành ra các công cụ đầu tư khác nhau để thu hút nhà đầu tư. Một loạt hình thức quỹ khác có thể ra đời như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung, quỹ đầu tư ETF, các sản phẩm bảo hiểm liên kết, thậm chí cả quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ tiền tệ… Khung pháp lý này sẽ góp phần giải quyết một loạt các lĩnh vực, đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, kéo theo khu vực bảo hiểm và an sinh xã hội cũng phát triển theo, chẳng hạn hình thức quỹ hưu trí bổ sung cho hệ thống bảo hiểm xã hội hiện có.

Việc sản phẩm nào sẽ ra đời sẽ do thị trường quyết định. Cơ quản quản lý chỉ đưa ra khung pháp lý, tạo hành lang thực hiện. Các tổ chức đầu tư sẽ tự thiết kế nên các sản phẩm phù hợp. Thậm chí không loại trừ một công ty quản lý quỹ sẽ hình thành nên nhiều quỹ với các mục tiêu khác nhau.

Trong quá trình tham vấn các tổ chức tài chính lớn, nhưng tên tuổi như HSBC, Standard Chartered, Prudential, Manulife… họ tỏ ra sẵn sàng đưa ra quỹ mở. Một số tổ chức trong nước như VFM, Bảo Việt, SSI, VCB… cũng đã có nghiên cứu và chuẩn bị. Tôi tin, sẽ có làn sóng đầu tư mới trên thị trường tài chính.

 

Theo VnEconomy.vn


Châu Âu bơm thêm 150 tỷ euro cho IMF

Ngày đăng : 20/12/2011 - 4:36 PM

ECB trong khi đó tăng cường hỗ trợ cho thị trường trái phiếu.

 

Châu Âu đã quyết định tăng tiền cho quỹ chống khủng hoảng, bơm thêm 150 tỷ euro tương đương 195 tỷ USD vào Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); ECB trong khi đó tăng cường hỗ trợ cho thị trường trái phiếu.

Ngoài ra, 4 nước không sử dụng đồng tiền chung đồng thời cam kết bổ sung tiền cho IMF, chính phủ Anh vẫn giữ nguyên quan điểm bác bỏ của mình. Như vậy việc huy động được nguồn vốn từ bên ngoài để giảm thiểu khủng hoảng nợ châu Âu không hề dễ dàng. Bộ trưởng Tài chính châu Âu công bố chính phủ Anh sẽ công bố về chi tiết biện pháp hỗ trợ vào đầu năm 2012.

Ông Peter Kurer, cựu chủ tịch ngân hàng UBS, nhận xét: “Việc các biện pháp hỗ trợ được thực hiện qua IMF chỉ mang quy mô nhỏ. Người ta thực sự cần trái phiếu khu vực đồng tiền chung hoặc loại hình thay thế nào đó để mang đến thanh khoản và niềm tin cho thị trường.”

Chính phủ Đức tiếp tục phản đối việc nâng mức trần của quỹ giải cứu quy mô 500 tỷ euro. Lãnh đạo các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu lên kế hoạch sẽ giải quyết vấn đề này trước thời điểm tháng 3/2012. Việc IMF cần thêm vốn và ECB mua mạnh trái phiếu chính phủ cho thấy châu Âu đang cần nhiều tiền hơn để hỗ trợ cho các nước chứ không thể giải quyết khủng hoảng đơn thuần bằng cách giảm ngân sách để thuyết phục nhà đầu tư trở lại thị trường.

Sự đóng góp của các nước thông qua IMF gây tranh cãi bên trong và bên ngoài khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Pháp, nước có nền kinh tế lớn thứ 2 tại Liên minh châu Âu, sẽ cung cấp khoảng 31,4 tỷ euro. Italy cung cấp 23,5 tỷ euro và Tây Ban Nha cung cấp 14,9 tỷ euro.

3 nước hiện đang nhận tiền từ kênh giải cứu khẩn cấp để tránh khả năng vỡ nợ bao gồm Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha không đóng góp. 4 nước bao gồm cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển có đóng góp nhưng lượng đóng góp không được công bố.

 


Theo Minh Ngọc

TTVN

 


Năm 2012: Cơ hội nào cho DNNVV tiếp cận vốn?

Ngày đăng : 20/12/2011 - 10:21 AM

Cho vay theo dòng tiền, các NHTM không chỉ quan tâm đến tài sản thế chấp mà cũng đặc biệt quan tâm đến năng lực sản xuất và trả nợ của doanh nghiệp đó.

 

 

Tại buổi Hội thảo “Thế giới và Việt Nam: Dự báo 2012” chủ đề về “Kênh vốn nào cho doanh nghiệp năm 2012”, các diễn giả tham gia đều cho rằng chưa bao giờ bài toán về vốn lại quan trọng đến như vậy đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong năm tới, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

DNNVV sẽ khó tiếp cận được vốn?

Đại diện ngân hàng TMTCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) cho rằng, chính sách tiền tệ chặt chẽ được kéo dài trong năm 2012 thì chắc chắn cạnh tranh về vốn và đầu ra cho các NHTM trong năm tới sẽ được dự báo là khó khăn.

Thông thường những cam kết tín dụng trung và dài hạn đã được các NHTM ký với các tập đoàn, tổng công ty lớn trước đây đều đang và sắp đến hạn phải giải ngân. Do đó nhiều NHTM đã phải tập trung vốn để cung cấp vốn cho các khách hàng này. Thêm vào đó, ngân hàng còn phải tập trung vốn cho các khách hàng truyền thống thống của mình.

Nếu không phải là bạn hàng lâu năm thì  các DNNVV phải chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với thách thức khó tiếp cận được vốn từ hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, đại diện ngân hàng này cũng cho rằng, nói như thế là “cửa” vốn vay cho các DNNVV trong năm 2012 sẽ đóng hoàn toàn mà những doanh nghiệp có dự án mới, hiệu quả, chứng minh được dòng tiền trong tương lai… sẽ vẫn là đối tượng được các NHTM xem xét.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang tiến hành tái cấu trúc, đây cũng là cơ hội để các NHTM tái cấu trúc  lại cơ cấu vốn vay của mình. Một khi dòng vốn cho vay bất động sản, đầu tư tài chính thật sự được rút xuống thì vốn sẽ “chảy” về nhiều hơn với DNNVV- đại diện VCB nhấn mạnh.

Vay vốn sẽ không còn nặng về tài sản bảo đảm


Theo ông Alan Phan – Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa, giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp Việt Nam không phải là bài toán quá khó nhưng nó cũng không hề dễ dàng. Trong bối cảnh này, nhìn lại cơ cấu hoạt động của cả người cho vay (các ngân hàng) và người đi vay (doanh nghiệp) đều có “vấn đề” riêng.

Về phía ngân hàng,  hoạt động của nhiều NHTM của Việt Nam hiện nay không hoàn toàn là một tổ chức tín dụng mà mới chỉ dừng lại ở mức độ là một tổ chức cho vay có thế chấp (tài sản đảm bảo).

Về phía doanh nghiệp thì không có thói quen đi vay dự án mà chỉ đi vay theo đơn vị. Nghĩa là mang tài sản thế chấp đến ngân hàng để nhận lấy một số tiền được vay nhất định.

Ông Alan Phan cho rằng, câu nói cửa miệng của nhiều ngân hàng khi tiếp cận với khách hàng “Tài sản thế chấp của anh là gì? Và câu hỏi của khách hàng “Tôi có thể vay được bao nhiêu tiền?... đã đến lúc cần thay đổi.

Khi cần vốn phục vụ nhu cần sản xuất và mở rộng kinh doanh thì doanh nghiệp phải chứng minh cho ngân hàng thấy dự án của mình t hế nào? Có tiềm năng ra sao? Năng lực trả nợ thế nào? Còn về phía ngân hàng phải xem tính khả thi của dự án đó? Dòng tiền về trong tương tai thế nào?... một khi tìm được tiếng nói chung thì vốn không còn là quá khó đối với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thật sự - ông Alan Phan nói.

Vẫn biết, để áp dụng được mô hình hoạt động này thì các cán bộ tín dụng của ngân hàng đó phải là những người có kinh nghiệm và  đủ trình độ thẩm định dự án.

Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số ngân hàng áp dụng hình thức cho vay theo dòng tiền này, tuy nhiên nó vẫn chưa thật sự phổ biến. Chính vì thế mới xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thật sự không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng, còn cơ hội tiếp cận vốn của những khách hàng có tài sản đảm bảo thông thường sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Dương Thu Hương cho rằng, cho vay theo dòng tiền, các NHTM không chỉ quan tâm đến tài sản thế chấp mà cũng đặc biệt quan tâm đến năng lực sản xuất và trả nợ của doanh nghiệp đó.

Được biết hiện nay NHNN đã chỉ đạo các NHTM phải lập các khung thông tin về doanh nghiệp bao gồm: Lịch sử của doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp, hoạt động sản xuất – kinh doanh ra sao… nếu như có thông tin rõ ràng như vậy rồi thì các thủ tục về bảo lãnh tài sản cũng chỉ là thứ yếu – bà Hương nói.

 

Theo Khánh Linh

TTVN


 


Nhật ký tỷ giá giữa hai nhiệm kỳ Thống đốc

Ngày đăng : 20/12/2011 - 10:02 AM

Năm 2011 tỷ giá như được chia thành hai nửa đối lập: nửa căng thẳng với “cú” phá giá mạnh chưa từng có trong lịch sử và nửa bình yên với cam kết “nếu điều chỉnh không quá 1%”.

 

Đọc lại nhật ký các mốc sự kiện của tỷ giá USD/VND, hơi thở của những biến động quãng chuyển giao hai nhiệm kỳ Thống đốc vẫn còn nóng…

Với người theo dõi biến động tỷ giá, có lẽ thói quen chung là tự lập cho mình một nhật ký các dữ kiện. Cuối năm, giở lại sẽ có thêm góc nhìn cho một quá trình.

Là nhật ký, nó có những nhận định bên lề mà không hẳn đều có thể đưa lên báo theo thời gian thực; nhưng lúc này, là cần thiết để nhìn lại một cách công bằng và toàn diện hơn.

Năm 2011 khá đặc biệt, gắn với sự chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Về hình thức biến động của tỷ giá, năm 2011 như được chia thành hai nửa đối lập: nửa căng thẳng với “cú” phá giá mạnh chưa từng có trong lịch sử và nửa bình yên với cam kết “nếu điều chỉnh không quá 1%”.

Trước hết, năm 2011 được bắt đầu bằng sự leo thang của tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do, mà gốc rễ bắt nguồn từ sự chuyển giao cũng khá đặc biệt trong năm 2010…

Ngày 17/8/2010, Ngân hàng Nhà nước đột ngột tăng tỷ giá USD/VND thêm 2,1%. Đột ngột khi giới quan sát cho rằng áp lực lúc đó là chưa rõ ràng, chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tự do vẫn ở mức thấp với khoảng 500 VND. Một số lý giải nhìn nhận ở bước đi chủ động của nhà điều hành nhằm giải phóng bớt áp lực tăng tỷ giá dồn về cuối năm.

Quả thực, áp lực đó sớm hiện hữu. Tháng 9/2010, lạm phát bắt đầu tăng nhanh; đi cùng với đó là tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tiếp tục bùng nổ; giá vàng thế giới tăng cao tác động bất lợi ở nhiều mặt; cầu ngoại tệ lớn cho nhập khẩu và mối quan ngại nhập siêu cao; lãi suất huy động USD nhảy vọt và hoạt động đầu cơ ngoại tệ trở nên nổi bật.

Tháng 10/2010, thị trường ngoại hối bắt đầu đón một cơn sốt thực sự của tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do và kéo dài cho đến hết năm. Lần đầu tiên trong lịch sử chênh lệch giữa giá USD trên thị trường tự do với giá USD niêm yết của các ngân hàng thương mại có thời điểm lên tới gần 10%!

Phía sau những căng thẳng đó là sự chảy máu của dự trữ ngoại hối với yêu cầu bình ổn. Và như một phản ứng thông thường, thị trường nảy sinh những tin đồn, hay đúng hơn là sự chờ đợi một lần điều chỉnh tỷ giá nối tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Sự đồn đoán lúc đó tính đến một khả năng rằng, nhà điều hành sẽ tăng mạnh tỷ giá vào cuối tháng 1/2011, thời điểm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tranh thủ một kỳ nghỉ dài để “pha loãng” hiệu ứng tâm lý. Nhưng không.

Bên lề nhật ký theo dõi quãng biến động này của tỷ giá USD/VND, có một sự kiện được ghi lại: thời điểm chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XI. Có ý kiến cho rằng chính trị luôn là một yếu tố quan trọng và hiển nhiên của mọi hình thái kinh tế - xã hội. Nó gắn với những biến động của nền kinh tế. Và trong những tình huống nhất định, sự lựa chọn được đặt ra. Việc điều chỉnh tỷ giá đã không được thực hiện trong thời điểm đó.

Sự căng thẳng của tỷ giá USD/VND cuối năm 2010 được chuyển tiếp sang đầu năm 2011 như vậy. Và điều thị trường chờ đợi rồi cũng đến với sự kiện ngày 11/2/2011: lần đầu tiên trong lịch sử Ngân hàng Nhà nước có quyết định tăng tỷ giá mạnh đến như vậy, với 9,3% đi cùng với việc siết biên độ từ +/-3% xuống còn +/-1%.

Có nhiều lý giải đặt ra quanh con số 9,3% đó. Thứ nhất, đó là sự giải phóng áp lực dồn nén quá lớn sau một thời gian tương đối dài. Thứ hai, nhà điều hành muốn một bước để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa hai tỷ giá. Thứ ba, nhà điều hành đã sòng phẳng hơn và theo yêu cầu của thị trường… Và một điểm quan trọng của nó là xóa bớt kỳ vọng sẽ tiếp tục phá giá trong năm 2011 ở giới đầu cơ, hay trong tâm lý thị trường. Giá trị này đến nay đã đúng.

Mọi điều chỉnh của chính sách thường có độ trễ. “Sự kiện 11/2/2011” cũng vậy. Phải đến đầu tháng 4/2011 tỷ giá mới bắt đầu có dấu hiệu bình ổn. Cùng với sự điều chỉnh trên, dấu hiệu đó là kết quả của loạt giải pháp Ngân hàng Nhà nước triển khai mà giới quan sát vẫn dùng từ “ép” hay “vắt cung ngoại tệ”.

Đó là cơ chế áp và siết trần lãi suất huy động USD, thực hiện kết hối và mở rộng đối tượng kết hối, xử lý loạt giao dịch bất hợp pháp trên thị trường tự do… Thêm vào đó, tín dụng ngoại tệ vẫn tăng cao tạo một nguồn cung thương mại từ vốn chuyển đổi cho thị trường; sự chuyển đổi vốn ngoại tệ sang VND cũng có ở các ngân hàng thương mại khi chênh lệch lãi suất cho vay quá hấp dẫn với khoảng 300% càng tạo cung cho thị trường…

Với những yếu tố trên, thị trường ngoại hối năm 2011 đón sự kiện ngày 29/4. Sự kiện này bắt nguồn từ những giải pháp, yếu tố tạo cung nói trên, mà điển hình là sự hy hữu có trong hoạt động của các ngân hàng thương mại: chào mời doanh nghiệp mua ngoại tệ!

Thực tế, cung thuận lợi đã tạo một sư đứt gãy rõ rệt trên đường hiển thị biến động tỷ giá, quãng từ 19/4 - 28/4/2011. Giá USD liên tục lao dốc chóng mặt, từ 20.940 VND rơi xuống còn 20.590 VND. Để rồi ngày 29/4 trở thành mốc sự kiện quan trọng khi Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước bất ngờ tăng mạnh giá mua vào USD. Điểm đánh dấu quan trọng cho “nửa sau bình yên” của tỷ giá 2011 nằm ở đây.

Từ 29/4 và nối dài sau đó, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào. Trạng thái dự trữ ngoại tệ có sự cải thiện mạnh và nhanh chóng. Bên lề nhật ký của diễn biến này có một điểm được ghi nhận: trước khi chuyển giao nhiệm vụ, nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã “trả lại” một phần đáng kể cho năng lực dự trữ ngoại tệ.

Vì sao sự kiện 29/4 lại được xem là mốc quan trọng cho “nửa sau bình yên” của tỷ giá 2011? Bên cạnh các yếu tố vĩ mô tác động đến tỷ giá, sự cải thiện của dư trữ ngoại tệ từ đó là một nguồn lực quan trọng cho công tác bình ổn và điều hành. Điều này gắn với một sự kiện nối tiếp có ở nhiệm kỳ mới của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Ngày 7/9/2011, một tháng sau khi tân Thống đốc tiếp nhận nhiệm vụ điều hành, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị ngành, và tại đây thông điệp được đưa ra: nếu điều chỉnh tỷ giá USD/VND thì từ nay (tại ngày 7/9) đến cuối năm không quá 1%.

Tương tự như sự kiện ngày 11/2/2011, thông điệp trên đã xóa bỏ nhất định kỳ vọng tỷ giá tăng trên thị trường, cũng như trong tâm lý dân cư… Giá trị của nó gắn với sự kiện ngày 29/4/2011. Bởi sau sự kiện Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nâng mạnh giá mua vào USD ngày 29/4 và liên tiếp mua vào sau đó, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh trở lại, thông điệp trên trở nên có trọng lượng. Rõ ràng Ngân hàng Nhà nước sẽ khó thuyết phục niềm tin của thị trường với cam kết “không quá 1%” của mình nếu trong tay không có sự gia tăng trở lại của dự trữ ngoại tệ trước đó.

Thực tế, cho đến những ngày cuối năm 2011 này, Ngân hàng Nhà nước đã giữ vững được cam kết. Dù trong quãng êm đềm của “nửa sau” 2011 có chuỗi tăng dồn dập 14 lần liên tiếp của tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong tháng 10, hay “cú ném ao bèo” ngày 14/12 vừa qua. Và cũng là lần đầu tiên kể từ sau nhiều năm có khả năng mức tỷ giá kết thúc năm nay thấp hơn điểm cuối của năm trước.

Đi cùng với cam kết trong “nửa sau” đó, liên quan đến biến động của tỷ giá, nhật ký năm 2011 cũng ghi nhận lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp xử lý những tác động từ thị trường vàng mà không phải dùng đến “liều thuốc” ra tin cấp hạn ngạch nhập khẩu, chi ngoại tệ cho nhập khẩu vàng. Còn việc bình ổn được thị trường vàng hay không đến nay lại là một vấn đề khác.

Điểm lại, nửa sau năm 2011 Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối. Bên cạnh công tác quản lý điều hành, nhật ký biến động tỷ giá 2011 đã chứng kiến một sự hậu thuận lớn từ những yếu tố vĩ mô. Nhập siêu đã giảm rất mạnh trong năm nay và đặc biệt là sự trở lại ấn tượng của trạng thái thặng dư cán cân tổng thể (dự tính thặng dư tới 3,1 tỷ USD).

Và, có lẽ sẽ đầy đủ và công bằng hơn khi nhìn sự bình yên của tỷ giá USD/VND vừa qua là gắn với cả một quá trình trước đó. Bởi cây không thể đơm hoa, kết trái hôm nay nếu rễ không tích lũy dinh dưỡng trong quá khứ…

 

Theo Minh Đức
VnEconomy


 


Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Ngân hàng phải thắt lưng buộc bụng"

Ngày đăng : 19/12/2011 - 7:03 PM

“Các tổ chức tín dụng về dự hội nghị tổng kết năm nay hẳn không vui lắm vì lợi nhuận không bằng mọi năm”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình mở đầu như vậy tại hội nghị ngành cuối tuần qua.
 

 

 

Một dẫn chứng cho sự “không vui lắm” đó mà Thống đốc đưa ra là thực tế tăng trưởng tín dụng năm nay rất thấp. “Tôi cho rằng, trong vài chục năm trở lại đây, chưa năm nào, hệ thống ngân hàng phải “thắt lưng buộc bụng” như 2011”, ông Bình nói.

Cụ thể, nếu như trong hơn 10 năm từ 2000 - 2011, tăng trưởng tín dụng trung bình của hệ thống là 29,4%/năm, còn trong 5 năm qua là 33,5%/năm, thì năm 2011 chỉ ở mức khoảng 12% - 13%.

“Từ chỗ mức tăng trung bình là 29,4% hay 33,5% nói trên nay giảm còn 12% - 13%, đã cho thấy, hệ thống ngân hàng đã có sự hy sinh to lớn để thực hiện các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ, bởi lẽ, dù dù muốn nói thế nào chăng nữa, tín dụng vẫn là kênh chủ đạo đem lại lợi nhuận cho ngân hàng”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích.

Tuy nhiên, thực tế đó lại được người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận ở hướng tích cực, ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế qua sự tiếp sức của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trước đây, tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 7% - 7,5%/năm nhưng mức tăng tín dụng luôn từ 30%, thậm chí 50%/năm. Xét theo tỷ lệ giữa tăng trưởng GDP và tín dụng thì hệ số này ở những năm trước là 1 - 5 hoặc 1 - 6 hoặc 7. Năm nay là năm đầu tiên, tăng trưởng kinh tế ước khoảng 6% trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ 12%; tỷ lệ là 1 - 2.

Theo Thống đốc, kết quả trên cho thấy hiệu quả của dòng vốn ngân hàng đang phát huy được tác dụng, và quan trọng hơn là đã đi đúng địa chỉ hơn.

Chẳng hạn, trong khi tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành chỉ 12% - 13% thì tăng trưởng tín dụng khu vực “tam nông” vượt quá 30% nhưng do tính chất thời vụ, đến quý 4 giảm còn khoảng 24%; tín dụng xuất khẩu tăng ấn tượng với 58%; còn với khối sản xuất, con số này là 15%.

Đặc biệt, tín dụng các lĩnh vực phi sản xuất (chứng khoán, tiêu dùng, bất động sản) đã giảm sút mạnh do có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Ở đây, cũng phản ánh sự hy sinh của ngành vì đây là khu vực mang lại lợi nhuận cao nhưng cũng nhờ đó mà kinh tế vĩ mô được ổn định và hiệu quả nền kinh tế được nâng cao hơn.

“Ngân hàng Nhà nước chưa tính toán hệ số Icor, nhưng chắc chắn năm nay sẽ thấp hơn rất nhiều so với các năm trước”, ông Bình khẳng định.

Bước sang năm 2012, một nét mới là cả nước bắt đầu triển khai chương trình tái cấu trúc nền kinh tế; trong đó có tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc hệ thống tài chính mà trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Do đó, ngoài việc thực hiện những nhiệm vụ của 2011 thì năm tới, ngành ngân hàng phải tiến hành tái cấu trúc hệ thống một cách quyết liệt, toàn diện, sâu sắc để hỗ trợ nền kinh tế phát triển nhanh nhưng chất lượng và bền vững - Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra định hướng.

Ông cũng nói rằng: “Nhiều người cho rằng, tái cấu trúc là vô cùng cần thiết nhưng bên cạnh đó, không ít ý kiến từ các ngân hàng thể hiện sự lo lắng về hoạt động tái cấu trúc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngân hàng mình. Tôi khẳng định, tái cấu trúc là hoạt động thường xuyên, liên tục và đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển, hoàn thiện ngành ngân hàng”.

 

Theo Vneconmy

 


 

Tin mới cập nhật