Nhật ký tỷ giá giữa hai nhiệm kỳ Thống đốc

Ngày đăng : 20/12/2011 - 10:02 AM

Năm 2011 tỷ giá như được chia thành hai nửa đối lập: nửa căng thẳng với “cú” phá giá mạnh chưa từng có trong lịch sử và nửa bình yên với cam kết “nếu điều chỉnh không quá 1%”.

 

Đọc lại nhật ký các mốc sự kiện của tỷ giá USD/VND, hơi thở của những biến động quãng chuyển giao hai nhiệm kỳ Thống đốc vẫn còn nóng…

Với người theo dõi biến động tỷ giá, có lẽ thói quen chung là tự lập cho mình một nhật ký các dữ kiện. Cuối năm, giở lại sẽ có thêm góc nhìn cho một quá trình.

Là nhật ký, nó có những nhận định bên lề mà không hẳn đều có thể đưa lên báo theo thời gian thực; nhưng lúc này, là cần thiết để nhìn lại một cách công bằng và toàn diện hơn.

Năm 2011 khá đặc biệt, gắn với sự chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Về hình thức biến động của tỷ giá, năm 2011 như được chia thành hai nửa đối lập: nửa căng thẳng với “cú” phá giá mạnh chưa từng có trong lịch sử và nửa bình yên với cam kết “nếu điều chỉnh không quá 1%”.

Trước hết, năm 2011 được bắt đầu bằng sự leo thang của tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do, mà gốc rễ bắt nguồn từ sự chuyển giao cũng khá đặc biệt trong năm 2010…

Ngày 17/8/2010, Ngân hàng Nhà nước đột ngột tăng tỷ giá USD/VND thêm 2,1%. Đột ngột khi giới quan sát cho rằng áp lực lúc đó là chưa rõ ràng, chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tự do vẫn ở mức thấp với khoảng 500 VND. Một số lý giải nhìn nhận ở bước đi chủ động của nhà điều hành nhằm giải phóng bớt áp lực tăng tỷ giá dồn về cuối năm.

Quả thực, áp lực đó sớm hiện hữu. Tháng 9/2010, lạm phát bắt đầu tăng nhanh; đi cùng với đó là tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tiếp tục bùng nổ; giá vàng thế giới tăng cao tác động bất lợi ở nhiều mặt; cầu ngoại tệ lớn cho nhập khẩu và mối quan ngại nhập siêu cao; lãi suất huy động USD nhảy vọt và hoạt động đầu cơ ngoại tệ trở nên nổi bật.

Tháng 10/2010, thị trường ngoại hối bắt đầu đón một cơn sốt thực sự của tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do và kéo dài cho đến hết năm. Lần đầu tiên trong lịch sử chênh lệch giữa giá USD trên thị trường tự do với giá USD niêm yết của các ngân hàng thương mại có thời điểm lên tới gần 10%!

Phía sau những căng thẳng đó là sự chảy máu của dự trữ ngoại hối với yêu cầu bình ổn. Và như một phản ứng thông thường, thị trường nảy sinh những tin đồn, hay đúng hơn là sự chờ đợi một lần điều chỉnh tỷ giá nối tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Sự đồn đoán lúc đó tính đến một khả năng rằng, nhà điều hành sẽ tăng mạnh tỷ giá vào cuối tháng 1/2011, thời điểm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tranh thủ một kỳ nghỉ dài để “pha loãng” hiệu ứng tâm lý. Nhưng không.

Bên lề nhật ký theo dõi quãng biến động này của tỷ giá USD/VND, có một sự kiện được ghi lại: thời điểm chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XI. Có ý kiến cho rằng chính trị luôn là một yếu tố quan trọng và hiển nhiên của mọi hình thái kinh tế - xã hội. Nó gắn với những biến động của nền kinh tế. Và trong những tình huống nhất định, sự lựa chọn được đặt ra. Việc điều chỉnh tỷ giá đã không được thực hiện trong thời điểm đó.

Sự căng thẳng của tỷ giá USD/VND cuối năm 2010 được chuyển tiếp sang đầu năm 2011 như vậy. Và điều thị trường chờ đợi rồi cũng đến với sự kiện ngày 11/2/2011: lần đầu tiên trong lịch sử Ngân hàng Nhà nước có quyết định tăng tỷ giá mạnh đến như vậy, với 9,3% đi cùng với việc siết biên độ từ +/-3% xuống còn +/-1%.

Có nhiều lý giải đặt ra quanh con số 9,3% đó. Thứ nhất, đó là sự giải phóng áp lực dồn nén quá lớn sau một thời gian tương đối dài. Thứ hai, nhà điều hành muốn một bước để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa hai tỷ giá. Thứ ba, nhà điều hành đã sòng phẳng hơn và theo yêu cầu của thị trường… Và một điểm quan trọng của nó là xóa bớt kỳ vọng sẽ tiếp tục phá giá trong năm 2011 ở giới đầu cơ, hay trong tâm lý thị trường. Giá trị này đến nay đã đúng.

Mọi điều chỉnh của chính sách thường có độ trễ. “Sự kiện 11/2/2011” cũng vậy. Phải đến đầu tháng 4/2011 tỷ giá mới bắt đầu có dấu hiệu bình ổn. Cùng với sự điều chỉnh trên, dấu hiệu đó là kết quả của loạt giải pháp Ngân hàng Nhà nước triển khai mà giới quan sát vẫn dùng từ “ép” hay “vắt cung ngoại tệ”.

Đó là cơ chế áp và siết trần lãi suất huy động USD, thực hiện kết hối và mở rộng đối tượng kết hối, xử lý loạt giao dịch bất hợp pháp trên thị trường tự do… Thêm vào đó, tín dụng ngoại tệ vẫn tăng cao tạo một nguồn cung thương mại từ vốn chuyển đổi cho thị trường; sự chuyển đổi vốn ngoại tệ sang VND cũng có ở các ngân hàng thương mại khi chênh lệch lãi suất cho vay quá hấp dẫn với khoảng 300% càng tạo cung cho thị trường…

Với những yếu tố trên, thị trường ngoại hối năm 2011 đón sự kiện ngày 29/4. Sự kiện này bắt nguồn từ những giải pháp, yếu tố tạo cung nói trên, mà điển hình là sự hy hữu có trong hoạt động của các ngân hàng thương mại: chào mời doanh nghiệp mua ngoại tệ!

Thực tế, cung thuận lợi đã tạo một sư đứt gãy rõ rệt trên đường hiển thị biến động tỷ giá, quãng từ 19/4 - 28/4/2011. Giá USD liên tục lao dốc chóng mặt, từ 20.940 VND rơi xuống còn 20.590 VND. Để rồi ngày 29/4 trở thành mốc sự kiện quan trọng khi Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước bất ngờ tăng mạnh giá mua vào USD. Điểm đánh dấu quan trọng cho “nửa sau bình yên” của tỷ giá 2011 nằm ở đây.

Từ 29/4 và nối dài sau đó, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào. Trạng thái dự trữ ngoại tệ có sự cải thiện mạnh và nhanh chóng. Bên lề nhật ký của diễn biến này có một điểm được ghi nhận: trước khi chuyển giao nhiệm vụ, nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã “trả lại” một phần đáng kể cho năng lực dự trữ ngoại tệ.

Vì sao sự kiện 29/4 lại được xem là mốc quan trọng cho “nửa sau bình yên” của tỷ giá 2011? Bên cạnh các yếu tố vĩ mô tác động đến tỷ giá, sự cải thiện của dư trữ ngoại tệ từ đó là một nguồn lực quan trọng cho công tác bình ổn và điều hành. Điều này gắn với một sự kiện nối tiếp có ở nhiệm kỳ mới của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Ngày 7/9/2011, một tháng sau khi tân Thống đốc tiếp nhận nhiệm vụ điều hành, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị ngành, và tại đây thông điệp được đưa ra: nếu điều chỉnh tỷ giá USD/VND thì từ nay (tại ngày 7/9) đến cuối năm không quá 1%.

Tương tự như sự kiện ngày 11/2/2011, thông điệp trên đã xóa bỏ nhất định kỳ vọng tỷ giá tăng trên thị trường, cũng như trong tâm lý dân cư… Giá trị của nó gắn với sự kiện ngày 29/4/2011. Bởi sau sự kiện Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nâng mạnh giá mua vào USD ngày 29/4 và liên tiếp mua vào sau đó, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh trở lại, thông điệp trên trở nên có trọng lượng. Rõ ràng Ngân hàng Nhà nước sẽ khó thuyết phục niềm tin của thị trường với cam kết “không quá 1%” của mình nếu trong tay không có sự gia tăng trở lại của dự trữ ngoại tệ trước đó.

Thực tế, cho đến những ngày cuối năm 2011 này, Ngân hàng Nhà nước đã giữ vững được cam kết. Dù trong quãng êm đềm của “nửa sau” 2011 có chuỗi tăng dồn dập 14 lần liên tiếp của tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong tháng 10, hay “cú ném ao bèo” ngày 14/12 vừa qua. Và cũng là lần đầu tiên kể từ sau nhiều năm có khả năng mức tỷ giá kết thúc năm nay thấp hơn điểm cuối của năm trước.

Đi cùng với cam kết trong “nửa sau” đó, liên quan đến biến động của tỷ giá, nhật ký năm 2011 cũng ghi nhận lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp xử lý những tác động từ thị trường vàng mà không phải dùng đến “liều thuốc” ra tin cấp hạn ngạch nhập khẩu, chi ngoại tệ cho nhập khẩu vàng. Còn việc bình ổn được thị trường vàng hay không đến nay lại là một vấn đề khác.

Điểm lại, nửa sau năm 2011 Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối. Bên cạnh công tác quản lý điều hành, nhật ký biến động tỷ giá 2011 đã chứng kiến một sự hậu thuận lớn từ những yếu tố vĩ mô. Nhập siêu đã giảm rất mạnh trong năm nay và đặc biệt là sự trở lại ấn tượng của trạng thái thặng dư cán cân tổng thể (dự tính thặng dư tới 3,1 tỷ USD).

Và, có lẽ sẽ đầy đủ và công bằng hơn khi nhìn sự bình yên của tỷ giá USD/VND vừa qua là gắn với cả một quá trình trước đó. Bởi cây không thể đơm hoa, kết trái hôm nay nếu rễ không tích lũy dinh dưỡng trong quá khứ…

 

Theo Minh Đức
VnEconomy


 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Ngân hàng phải thắt lưng buộc bụng"

Ngày đăng : 19/12/2011 - 7:03 PM

“Các tổ chức tín dụng về dự hội nghị tổng kết năm nay hẳn không vui lắm vì lợi nhuận không bằng mọi năm”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình mở đầu như vậy tại hội nghị ngành cuối tuần qua.
 

 

 

Một dẫn chứng cho sự “không vui lắm” đó mà Thống đốc đưa ra là thực tế tăng trưởng tín dụng năm nay rất thấp. “Tôi cho rằng, trong vài chục năm trở lại đây, chưa năm nào, hệ thống ngân hàng phải “thắt lưng buộc bụng” như 2011”, ông Bình nói.

Cụ thể, nếu như trong hơn 10 năm từ 2000 - 2011, tăng trưởng tín dụng trung bình của hệ thống là 29,4%/năm, còn trong 5 năm qua là 33,5%/năm, thì năm 2011 chỉ ở mức khoảng 12% - 13%.

“Từ chỗ mức tăng trung bình là 29,4% hay 33,5% nói trên nay giảm còn 12% - 13%, đã cho thấy, hệ thống ngân hàng đã có sự hy sinh to lớn để thực hiện các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ, bởi lẽ, dù dù muốn nói thế nào chăng nữa, tín dụng vẫn là kênh chủ đạo đem lại lợi nhuận cho ngân hàng”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích.

Tuy nhiên, thực tế đó lại được người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận ở hướng tích cực, ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế qua sự tiếp sức của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trước đây, tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 7% - 7,5%/năm nhưng mức tăng tín dụng luôn từ 30%, thậm chí 50%/năm. Xét theo tỷ lệ giữa tăng trưởng GDP và tín dụng thì hệ số này ở những năm trước là 1 - 5 hoặc 1 - 6 hoặc 7. Năm nay là năm đầu tiên, tăng trưởng kinh tế ước khoảng 6% trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ 12%; tỷ lệ là 1 - 2.

Theo Thống đốc, kết quả trên cho thấy hiệu quả của dòng vốn ngân hàng đang phát huy được tác dụng, và quan trọng hơn là đã đi đúng địa chỉ hơn.

Chẳng hạn, trong khi tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành chỉ 12% - 13% thì tăng trưởng tín dụng khu vực “tam nông” vượt quá 30% nhưng do tính chất thời vụ, đến quý 4 giảm còn khoảng 24%; tín dụng xuất khẩu tăng ấn tượng với 58%; còn với khối sản xuất, con số này là 15%.

Đặc biệt, tín dụng các lĩnh vực phi sản xuất (chứng khoán, tiêu dùng, bất động sản) đã giảm sút mạnh do có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Ở đây, cũng phản ánh sự hy sinh của ngành vì đây là khu vực mang lại lợi nhuận cao nhưng cũng nhờ đó mà kinh tế vĩ mô được ổn định và hiệu quả nền kinh tế được nâng cao hơn.

“Ngân hàng Nhà nước chưa tính toán hệ số Icor, nhưng chắc chắn năm nay sẽ thấp hơn rất nhiều so với các năm trước”, ông Bình khẳng định.

Bước sang năm 2012, một nét mới là cả nước bắt đầu triển khai chương trình tái cấu trúc nền kinh tế; trong đó có tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc hệ thống tài chính mà trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Do đó, ngoài việc thực hiện những nhiệm vụ của 2011 thì năm tới, ngành ngân hàng phải tiến hành tái cấu trúc hệ thống một cách quyết liệt, toàn diện, sâu sắc để hỗ trợ nền kinh tế phát triển nhanh nhưng chất lượng và bền vững - Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra định hướng.

Ông cũng nói rằng: “Nhiều người cho rằng, tái cấu trúc là vô cùng cần thiết nhưng bên cạnh đó, không ít ý kiến từ các ngân hàng thể hiện sự lo lắng về hoạt động tái cấu trúc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngân hàng mình. Tôi khẳng định, tái cấu trúc là hoạt động thường xuyên, liên tục và đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển, hoàn thiện ngành ngân hàng”.

 

Theo Vneconmy

 


Kỳ vọng quỹ mở "níu" lại 24.000 tỷ đồng vốn thoái

Ngày đăng : 19/12/2011 - 6:55 PM

Với đặc thù linh hoạt nên đối với quỹ mở, dòng vốn có thể rút nhanh khỏi thị trường khi có những biến động bất lợi khiến TTCK dao động giá khá mạnh.

 

 

Việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 183 hướng dẫn thành lập và quản lý Quỹ mở đã thu hút được sự quan tâm của nhiều thành viên trên thị trường. Nhiều chuyên gia đánh giá việc ra Thông tư tại thời điểm này là hợp lý và đặt ra kỳ vọng về khả năng quỹ mới sẽ níu chân được dòng vốn thoái theo kế hoạch của các quỹ đóng trong năm 2012.

Kích thanh khoản thị trường

Thông tư được ban hành vào ngày 16/12/2011, quy định việc huy động vốn thành lập, quản lý quỹ mở, hoạt động của Công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và các tổ chức khác liên quan đến hoạt động quản lý quỹ mở.

Cụ thể, sau khi huy động vốn thành công, chứng chỉ quỹ của quỹ mở sẽ không niêm yết, các giao dịch mua bán chứng chỉ quỹ được thực hiện trực tiếp giữa nhà đầu tư với công ty quản lý quỹ căn cứ vào giá trị tài sản ròng (NAV) tại thời điểm thỏa thuận.

Theo đó, thị giá chứng chỉ quỹ mở sẽ bám sát NAV mang lại lợi thế lớn hơn nhiều so với các quỹ đóng hiện tại như VF1, VF4, BF1,.. luôn có mức chiết khấu giá 40-50% ở thời điểm hiện tại.

Đánh giá tác động của Thông tư này, đại diện Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, khi quỹ mở đưa vào sử dụng sẽ là cơ sở cho việc thành lập các loại hình quỹ khác nhau trong đó có quỹ đầu tư chỉ số ETF. Quỹ mở cũng có ưu thế trong việc thu hút các nguồn lực trong nước như hình thành các quỹ hưu trí mở, quỹ bảo hiểm,.. và thu hút nguồn lực từ nước ngoài do tính linh hoạt hơn quỹ đóng khi bối cảnh kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán thực sự thuận lợi.

Thông tư ra đời giải phóng một phần tâm lý chờ đợi của thị trường về những giải pháp mới, những công cụ tích cực và thiết thực hỗ trợ sức cầu và thanh khoản cho thị trường đang rất thấp hiện nay.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Minh Tuấn Phó Tổng giám đốc Quỹ Dragon Capital nhận định, Thông tư ra đời là một điều tốt, trong hoàn cảnh thị trường như hiện nay, việc tạo ra các sản phẩm mới sẽ giúp nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn, nhằm giảm thiểu rủi ro, qua đó cũng nâng cao được hiệu quả đầu tư.

“Mặc dù chưa cho phép quỹ đóng được chuyển thành quỹ mở, song quy chế mới đã cho phép các quỹ đóng được mua lại cổ phiếu quỹ, qua đó tăng được giá trị thực cho cổ phiếu của họ,” ông Tuấn nói.

Tại trung tuần tháng 12, Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước tiếp tục thông báo lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của thị trường chứng khoán, nội dung Thông tư bao gồm các quỹ đóng, quỹ thành viên, quỹ ETF, quỹ đầu tư bất động sản và các loại công ty đầu tư chứng khoán.

Mong đợi dòng vốn thoái ở lại

Theo thống kê từ BSC, các quỹ đầu tư tại Việt Nam có thể đóng theo kế hoạch trong năm 2012 với giá trị thoái vốn khoảng 24.000 tỷ đồng. Với bối cảnh thị trường hiện tại thì việc rút vốn này sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Do đó, việc đưa quỹ mở vào hoạt động sẽ mở đường cho việc chuyển đổi của các quỹ và tránh được sức ép thoái vốn của các quỹ đóng theo kế hoạch.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng khá thận trọng cho rằng, việc cung cấp thêm sản phẩm cho thị trường không phải là vấn đề cơ bản để có thể níu chân dòng vốn thoái theo kế hoạch của các quỹ đóng. Điều quan trọng mà các nhà đầu tư quan tâm bây giờ là các tín hiệu kinh tế vĩ mô khởi sắc và những quyết tâm điều chính sách của chính phủ đi vào hiện thực.

Về quỹ mở, BSC cũng chỉ ra một số vấn đề đáng chú ý, với đặc thù linh hoạt nên cơ cấu đầu tư vốn của quỹ mở không ổn định so với quỹ đóng. Dòng vốn có thể rút nhanh khỏi thị trường khi có những biến động bất lợi khiến thị trường chứng khoán dao động giá khá mạnh.

Ngoài ra, đặc điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam quy mô còn nhỏ và đa số nhà đầu tư tham gia trên thị trường là nhà đầu tư cá nhân, tâm lý kinh doanh chủ yếu theo bầy đàn, việc xuất hiện các quỹ mở có thể thúc đẩy thêm yếu tố đầu cơ trên thị trường.

BSC đề xuất, điều kiện để áp dụng Quỹ mở đạt hiệu quả tốt nhất là thị trường chứng khoán sẽ có sự phục hồi đáng kể về giá trị giao dịch, thanh khoản thị trường phải đạt mức khá cao là những yếu tố quyết định để quá trình thành lập, huy động vốn của các quỹ mở hoặc chuyển đổi từ các quỹ đóng sang các quỹ mở được thành công và sớm diễn ra trong năm 2012.

Thêm vào đó, hạ tầng công nghệ mới cho sự vận hành của các quỹ mở này khá phức tạp, cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng và sự hỗ trợ kỹ thuật của Uỷ ban chứng khoán cho các quỹ khi thành lập hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động.

Cuối cùng, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cần sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể hơn sau khi Thông tư được ban hành và các chương trình đào tạo công đồng và các thành viên thị trường chứng khoán.

Theo đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, “các tổ chức nước ngoài đặt mối quan tâm nhiều đến quỹ mở, qua đó nguồn vốn được bổ sung và tính thanh khoản cao hơn. Ủy ban vẫn đang cân nhắc có cho phép chuyển quỹ đóng chuyển thành quỹ mở không. Việc này cần phải có một cơ chế kiểm soát chặt chẽ, nhằm giảm thiệt thòi cho nhà đầu tư. Ngoài ra, quỹ hưu trí tự nguyện hiện đang được xây dựng, đến 2012 mới có thể ra được, điều này cũng sẽ tạo ra sức cầu của nhà đầu tư tổ chức.”

Cùng với việc ban hành Thông tư 183, Chính phủ cũng đã có những động thái, tín hiệu hỗ trợ thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư sẽ có niềm tin hơn trước những thông điệp kịp thời, minh bạch của Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước. Điều đó giúp thị trường chứng khoán có đà phục hồi tăng trưởng trong những ngày sắp tới..

 


Theo Linh Chi

 Vietnamplus


 


Kiều hối sẽ đạt 9 tỉ USD?

Ngày đăng : 17/12/2011 - 6:58 PM
Dù có nhiều ý kiến lo ngại mùa kiều hối năm nay sẽ “thất bát” nhưng thực tế tiền vẫn về nhiều. Tại TP.HCM, lượng kiều hối hiện đạt khoảng 5 tỉ USD. Ước cả năm 2011 kiều hối về VN đạt 8,5-9 tỉ USD.
 
 
Theo các công ty kiều hối, chính sách thắt chặt tín dụng với bất động sản, chứng khoán và khống chế trần lãi suất USD đã khiến các món tiền gửi lớn với mục đích đầu tư giảm mạnh, thay vào đó là các món tiền mang tính chất trợ cấp sinh hoạt.
 
Lượng kiều hối về Việt Nam những năm qua. Đơn vị: Tỷ USD
 
Tăng trên 20%
 
Ông Trịnh Hoài Nam, phó giám đốc Công ty kiều hối Đông Á, cho biết dù kinh tế thế giới còn khó khăn nhưng doanh số kiều hối của công ty trong 10 tháng đầu năm đã đạt 1,3 tỉ USD, và có khả năng đến hết tháng 12 sẽ đạt 1,6 tỉ USD, tăng 20% so với năm ngoái.
 
Tại Công ty kiều hối Sacomrex, doanh số chuyển tiền kiều hối năm 2011 ước đạt 1,65 tỉ USD, tăng 25% so với năm ngoái và vượt gần 20% kế hoạch. Theo lãnh đạo Công ty kiều hối Sacomrex, mặc dù số lượt gửi có xu hướng tăng nhưng giá trị món tiền giảm. Trước đây các khoản tiền gửi có giá trị lớn mang tính chất đầu tư khá nhiều. Còn hiện nay phổ biến chỉ 300-400 USD/lần. Để cạnh tranh, các công ty kiều hối phải lấy số lượng bù chất lượng, chú trọng đầu tư vào thị trường đang có thế mạnh, tăng thêm tiện ích cho đối tác, đồng thời rút ngắn tối đa thời gian chuyển tiền.
 
Công ty kiều hối Sacomrex chú trọng khai thác thị trường Mỹ, Úc, Canada. Hiện nay phần lớn công ty kiều hối do người Việt làm chủ tại các thị trường trên đã trở thành đối tác của Sacomrex do công ty này có lợi thế ngân hàng mẹ là Sacombank có mạng lưới rộng ở thị trường VN, Lào, Campuchia. Do vậy ký hợp đồng chuyển tiền với Sacomrex, các đơn vị này không chỉ chuyển tiền từ nước ngoài về VN mà còn có thể chuyển tiền về cả thị trường Đông Dương.
 
Ông Trần Văn Trung, giám đốc Công ty kiều hối Đông Á, nhận định khó khăn kinh tế chung đã tác động nhất định đến nguồn tiền chuyển về VN, đặc biệt những khoản tiền gửi mang tính chất đầu tư. Những thị trường kiều hối chính của công ty vẫn là Mỹ, châu Âu, Úc, Canada, bên cạnh đó công ty vẫn cố gắng duy trì doanh số ở những thị trường xuất khẩu lao động như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.
 
“Dự báo kiều hối về VN năm 2011 gần 9 tỉ USD, so với con số 8 tỉ USD/năm 2010 mức tăng này không phải quá mạnh. Qua đó có thể thấy được doanh số kiều hối chuyển về VN phần nào bị ảnh hưởng từ những món tiền ngoài mục đích trợ cấp sinh hoạt”, ông Trịnh Hoài Nam nói.
 
Khai thác thị trường xuất khẩu lao động
 
Bên cạnh thị trường truyền thống, các đơn vị chi trả kiều hối đã khai thác nguồn kiều hối mới, đích nhắm là những người VN đi xuất khẩu lao động.
 
Bà Drina Yue, phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc điều hành Western Union khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết với khoảng 4 triệu người đang làm việc, sinh sống và học tập ở 101 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, VN nằm trong số 16 thị trường nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Trái ngược với tình hình suy thoái kinh tế, lượng kiều hối do Western Union nhận ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 11%. Riêng tại VN kiều hối ổn định hơn một số nước trong khu vực vì công dân VN ở nước ngoài vẫn tiếp tục làm việc chăm chỉ để duy trì nguồn tài chính chuyển về cho gia đình.
 
Theo bà Nguyễn Thị Như Lý, giám đốc khu vực Đông Dương của Western Union, một phần quan trọng trong lượng kiều hối chuyển về VN là của đối tượng đi xuất khẩu lao động chủ yếu ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia. Hiện nay có hơn 400.000 lao động VN đang làm việc ở nước ngoài.
 
“Kiều hối về VN thời gian qua chủ yếu chảy về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều lao động xuất khẩu”, bà Lý nhận định. Trước đây, chủ yếu tiền gửi về để thăm hỏi người thân, nhưng hiện nay ngày càng nhiều người gửi tiền về để xây dựng nhà cửa, đầu tư phát triển và hỗ trợ nhân đạo.
 
Ngoài ra, kiều hối về VN ngày càng được mở rộng từ nhiều nước. Nếu như năm 1994, khi mới vào VN, kiều hối chuyển về VN qua kênh Western Union chỉ từ 16 quốc gia thì hiện tại con số này đã lên đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này có nghĩa ngày càng có nhiều người chuyển tiền về VN qua kênh chính thức.
 
Ông Ngô Xuân Hải, trưởng phòng kinh doanh dịch vụ chuyển tiền và kiều hối Ngân hàng Vietinbank (đơn vị có doanh số kiều hối năm 2011 đạt khoảng 1,3 tỉ USD, tăng hơn 10% so với năm 2010), khẳng định ngoài mục đích trợ cấp cho thân nhân, nhiều người còn chuyển tiền về VN làm ăn.
 
“Hiện nay việc làm ăn, đầu tư kinh doanh ở một số nước như Nga, châu Âu cực kỳ khó khăn nên nhiều người muốn chuyển vốn về nước làm ăn đầu tư. Ngân hàng vẫn chuyển những món tiền trị giá vài trăm nghìn USD. Những món tiền đó chắc chắn không phải để trợ cấp sinh hoạt”, ông Hải nói.
  

Kiều hối chảy ra tiệm vàng

 

Nhiều ngân hàng cho biết rất tích cực thu hút nguồn kiều hối vào ngân hàng thông qua các hình thức tích điểm, tặng quà... nhưng không nhiều người nhận kiều hối bán lại ngoại tệ cho ngân hàng. Đại diện Công ty kiều hối Sacomrex cho biết số người muốn nhận kiều hối bằng ngoại tệ cao hay thấp tùy theo tỉ giá, nếu tỉ giá tại thị trường tự do cao hơn của ngân hàng thì họ có xu hướng nhận ngoại tệ và ngược lại. Theo các ngân hàng, những ngày gần đây USD tự do nhích lên, hiện chênh khoảng 200-300 đồng/USD so với giá niêm yết tại ngân hàng nên người dân thích bán USD cho tiệm vàng.

 
Theo Ánh Hồng
Tuổi trẻ

 


“Vắng mặt” số liệu huy động vốn

Ngày đăng : 17/12/2011 - 2:59 PM

Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây báo cáo tổng kết năm của Ngân hàng Nhà nước công bố thiếu vắng những con số về lượng vốn huy động của hệ thống.

Sáng nay (17/12), Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin báo chí về điều hành chính sách tiền tệ năm 2011, định hướng và giải pháp điều hành năm 2012. Một trong những con số được mong đợi nhất lại không thấy đề cập đến.

Cụ thể, bên cạnh các dữ liệu về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, số liệu về tăng trưởng huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng không có trong thông tin công bố.

Số liệu huy động vốn của hệ thống được mong đợi bởi nó phản ánh thực tế có nhiều xáo trộn trong thời gian gần đây, đặc biệt trong tháng 11/2011. Đáng chú ý là thông tin về tình hình hoạt động của hệ thống trong tháng 11/2011 cũng không được Ngân hàng Nhà nước tập hợp và công bố như thường thấy.

Trước đó, thị trường chờ đợi con số về tình hình huy động vốn của các ngân hàng trước sự xáo trộn của tâm lý người gửi tiền xoay quanh hiệu ứng bất lợi của thông tin tái cấu trúc hệ thống, khi có những lo ngại về khả năng sáp nhập một số ngân hàng nhỏ dù nhiều lần Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ đảm bảo an toàn hệ thống; bên cạnh đó là nhiều biến động trên thị trường vàng với thực tế có những thời điểm người dân đổ xô đi mua vàng.

Hơn nữa, trước tháng 11/2011, hoạt động ngân hàng đã chứng kiến hai tháng liên tiếp huy động vốn sụt giảm. Liệu trạng thái đó có tiếp tục thể hiện? Phía sau đó còn phản ánh một phần niềm tin của người dân vào VND, phản ánh sự hấp dẫn của lãi suất khi cơ chế trần được làm nghiêm…

Trở lại với thông tin vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước, không có nhiều thay đổi khi năm 2011 này tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp như những dự tính đưa ra trước đó.

Ước cả năm, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng khoảng 10%, tín dụng tăng khoảng 12%. Kết quả này được Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận là góp phần đưa lạm phát tăng chậm lại (từ tháng 8 đến nay, lạm phát tăng dưới 1%/tháng); đồng thời góp phần giảm mạnh nhập siêu, cải thiện đáng kể cán cân thanh toán quốc tế.

Trong năm nay, tín dụng đã được kiểm soát chặt chẽ, tăng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng chuyển theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, giảm cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất. Ước đến cuối năm, tín dụng tăng 12%, trong đó bằng VND tăng 10,2%, tín dụng ngoại tệ tăng 18,7%, nhưng từ tháng 8 đến nay tín dụng ngoại tệ đã có xu hướng tăng chậm lại.

Theo báo cáo, thanh khoản VND toàn hệ thống về cơ bản đã được đảm bảo. Từ tháng 10/2011, một số tổ chức tín dụng có khó khăn thanh khoản tạm thời do mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn ngắn hạn và cho vay trung, dài hạn, do huy động vốn từ các tổ chức và dân cư giảm, huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng chưa đủ bù đắp, nhưng đã được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thông qua tái cấp vốn và nghiệp vụ thị trường mở. Thanh khoản ngoại tệ ở mức thấp trong 7 tháng đầu năm, từ tháng 8 đã cải thiện sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện một số biện pháp kiểm soát tín dụng bằng ngoại tệ.

Về thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Việc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ổn định giá vàng và thị trường vàng trong nước đã góp phần đưa giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới; giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng thị trường; các ngân hàng đã bắt đầu mua được vàng từ thị trường trong nước để bù đắp lại lượng vàng đã bán ra, giảm bớt áp lực nhập khẩu vàng, tiết kiệm ngoại tệ và giảm bớt áp lực lên tỷ giá”.

Có một điểm bất cập được nhà điều hành đưa ra là trong những tháng đầu năm, hoạt động thanh tra, giám sát chưa quyết liệt, chế tài xử lý các vi phạm chưa nghiêm dẫn tới hiện tượng các tổ chức tín dụng sử dụng các biện pháp kỹ thuật để “lách” các quy định, tạo ra sự méo mó trong số liệu về huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, gây khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ, mặc dù, gần đây hiện tượng này đã giảm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Thanh khoản của toàn hệ thống về cơ bản được đảm bảo, tuy nhiên một số ngân hàng cổ phần gặp khó khăn tạm thời về thanh khoản đã ảnh hưởng tới hoạt động của các tổ chức tín dụng khác, gây biến động trên thị trường liên ngân hàng và tạo ra dư luận không tốt đối với hoạt động kinh doanh của hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thực hiện các biện pháp để ổn định thị trường liên ngân hàng, giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại gặp khó khăn về thanh khoản và hỗ trợ kịp thời qua cho vay tái cấp vốn, tăng cung trên nghiệp vụ thị trường mở.

Trên thị trường ngoại hối, mặc dù niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố nhưng tình trạng đô la hóa vẫn chưa được giải quyết triệt để; tín dụng ngoại tệ tăng cao, một số tổ chức tín dụng có hệ số sử dụng vốn vượt 100%, một số tổ chức tín dụng huy động vốn nước ngoài để tăng trưởng tín dụng cao, tiềm ẩn rủi ro khi các nguồn vốn nước ngoài bị rút đột ngột. Trên thị trường vẫn còn tình trạng các tổ chức tín dụng lách các quy định về tỷ giá làm tăng bất ổn trên thị trường ngoại hối.

Một số hạn chế của hệ thống ngân hàng về thanh khoản, nợ xấu đang ngày càng bộc lộ rõ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai các biện pháp nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực ngân hàng.

Sẽ phân bổ lại chỉ tiêu tín dụng

Trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu kiểm soát tổng phương tiện thanh toán 14 - 16% và tín dụng tăng trưởng 15 - 17%.

Đáng chú ý là cơ quan này đã chính thức đưa ra định hướng thực hiện và điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sát với yêu cầu thực tế hơn.

Trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận là việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20% áp dụng chung cho tất cả các ngân hàng là chưa thật sự phù hợp đối với các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh có thể tăng trưởng cao hơn và với các tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém cần phải hạn chế tăng trưởng tín dụng.

Tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất được quy định áp dụng chung cho tất cả các loại hình tổ chức tín dụng cũng chưa phù hợp với một số trường hợp có hoạt động kinh doanh đặc thù; dư nợ cho vay phi sản xuất bao gồm cả các nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân (như mua nhà để ở, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân lao động thuê, nhà ở tái định cư...), nên tổ chức tín dụng không thể cho vay đối với các nhu cầu vốn này khi tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất đã sát hoặc vượt mức quy định.

Theo đó, về giải pháp điều hành tín dụng năm tới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm soát tăng trưởng tín dụng và dư nợ mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành lần đầu trong suốt cả năm 2012 tối đa là 15 - 17%, nhưng sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các nhóm tổ chức tín dụng trên cơ sở xếp loại của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Việc xếp loại và phân bổ này thực hiện theo nguyên tắc tổ chức tín dụng hoạt động tốt thì mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhóm hoạt động chất lượng thấp hơn.

Ngoài ra, nhà điều hành sẽ yêu cầu tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm và từng quý trong năm 2012, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa được phân bổ.

Ở định hướng chung, định hướng đưa ra là tiếp tục chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất và các dự án, phương án có hiệu quả, kiểm soát dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích ở mức hợp lý; thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ để đảm bảo tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ phù hợp khả năng huy động vốn, chủ trương hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.

Cũng trong thông tin công bố, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng theo đề án được Chính phủ phê duyệt với nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, từng bước nâng cao tính an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống ngân hàng.

“Kiên quyết xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả phát triển”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.



Theo Minh Đức
VnEconomy
 


Chính sách tiền tệ năm 2012: Giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng nhóm ngân hàng

Ngày đăng : 17/12/2011 - 2:52 PM

TCTD lành mạnh sẽ được giao tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao hơn các TCTD yếu kém. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 15-17%, tổng phương tiên thanh toán 14-16%.

NHNN vừa có thông báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2011 và định hướng năm 2012.


Năm 2011: Tổng phương tiện thanh toán tăng 10%, tín dụng tăng 12%

Tăng trưởng tín dụng

Thực hiện Nghị định 11 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN, lượng tiền cung ứng được điều hành chặt chẽ ngay từ đầu năm, qua đó kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức 12%, tổng phương tiện thanh toán tăng 10%, góp phần đưa lạm phát tăng chậm lại.

Về cơ cấu tín dụng, ước đến cuối năm tín dụng bằng VND tăng 10,2%, tín dụng ngoại tệ tăng 18,7%, từ tháng 8 đến nay tín dụng ngoại tệ có xu hướng chậm lại.

Tăng trưởng tín dụng được kiểm soát thấp hơn 3% so với mục tiêu, song việc áp dụng chung mức tăng trưởng tín dụng cho tất cả các TCTD chưa thực sự phù hợp: đối với các TCTD lành mạnh có thể tăng trưởng cao hơn và các TCTD yếu kém cần phải hạn chế.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 11, NHNN đã cho phép các NHTM bố trí nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và cho vay vốn lưu động đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách linh hoạt hơn.

Trong những tháng đầu năm, các TCTD sử dụng các biện pháp kỹ thuật để “lách” các quy định của NHNN, tạo ra sự méo mó trong số liệu về huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, gây khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ.

Cuối năm công tác thanh tra, giám sát về lãi suất và hoạt động huy động, cho vay của các TCTD được thực hiện quyết liệt đã khiến nợ xấu, thanh khoản của TCTD bộc lộ rõ. Việc này khuyến khích các ngân hàng tự nguyện liên kết, hợp nhất, sáp nhập để tăng cường sức cạnh tranh, qua đó góp phần từng bước lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Về dư nợ phi sản xuất

Tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất được quy định áp dụng chung cho tất cả các loại hình TCTD, chưa phù hợp với một số trường hợp có hoạt động kinh doanh đặc thù; dư nợ cho vay phi sản xuất bao gồm cả các nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân (như mua nhà để ở, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân lao động thuê, nhà ở tái định cư...), nên TCTD không thể cho vay đối với các nhu cầu vốn này khi tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất đã sát hoặc vượt mức quy định.

Về thanh khoản của các TCTD

Một số NHTM cổ phần gặp khó khăn tạm thời về thanh khoản đã ảnh hưởng tới hoạt động của các TCTD khác, gây biến động trên thị trường liên ngân hàng và tạo ra dư luận không tốt đối với hoạt động kinh doanh của hệ thống TCTD.

Các TCTD này mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn ngắn hạn và cho vay trung, dài hạn, do huy động vốn từ các tổ chức và dân cư giảm, huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng chưa đủ bù đắp, nhưng đã được NHNN hỗ trợ kịp thời thông qua tái cấp vốn và nghiệp vụ thị trường mở.

Tỷ giá

Thanh khoản ngoại tệ ở mức thấp trong 7 tháng đầu năm, từ tháng 8 đã cải thiện sau khi NHNN thực hiện một số biện pháp kiểm soát tín dụng bằng ngoại tệ như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ trong nước, đặt trần lãi suất huy động vốn bằng ngoại tệ…

Tuy nhiên tín dụng ngoại vẫn tăng cao tệ tăng cao, một số TCTD có hệ số sử dụng vốn vượt 100%, một số TCTD huy động vốn nước ngoài để tăng trưởng tín dụng cao, tiềm ẩn rủi ro khi các nguồn vốn nước ngoài bị rút đột ngột. Trên thị trường vẫn còn tình trạng các TCTD lách các quy định về tỷ giá làm tăng bất ổn trên thị trường ngoại hối.

Vàng

Việc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ổn định giá vàng và thị trường vàng trong nước đã góp phần đưa giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới; giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng thị trường; các ngân hàng đã bắt đầu mua được vàng từ thị trường trong nước để bù đắp lại lượng vàng đã bán ra, giảm bớt áp lực nhập khẩu vàng, tiết kiệm ngoại tệ và giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2012: Sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng nhóm TCTD

Tổng phương tiện thanh toán năm 2012 tăng khoảng 14-16%, tín dụng tăng khoảng 15-17%; lãi suất và tỷ giá được điều hành ở mức hợp lý phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Tín dụng

NHNN sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các nhóm TCTD trên cơ sở xếp loại TCTD của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và theo nguyên tắc TCTD hoạt động tốt thì mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhóm TCTD hoạt động chất lượng thấp hơn.

Yêu cầu TCTD xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm và từng quý trong năm 2012, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa mà NHNN phân bổ.

Tín dụng sẽ được tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và các dự án, phương án có hiệu quả, kiểm soát dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích ở mức hợp lý.

Tỷ giá

Thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ để đảm bảo tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ phù hợp khả năng huy động vốn, chủ trương hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế;

Điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế và các cân đối vĩ mô; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, thu hút các nguồn tiền đầu tư, kiều hối,... từ nước ngoài về nước, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Cơ cấu lại hoạt động ngân hàng: Không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống tránh rủi ro và giảm nợ xấu, ổn định và lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, trước hết là thị trường liên ngân hàng, kể cả nội ngoại tệ, thị trường vàng.

Triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng theo Đề án được Chính phủ phê duyệt với nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, từng bước nâng cao tính an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống ngân hàng.

Kiên quyết xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả phát triển.



Theo Phương Mai

TTVN/SBV
 


 

Tin mới cập nhật