Việt Nam trong top 15 thị trường đầu tư tiềm năng

Ngày đăng : 04/01/2012 - 9:35 PM

Đầu tư vào các thị trường mới nổi, chẳng hạn như nhóm quốc gia BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) hiện là một trong những hướng đi được nhiều nhà đầu tư chọn lựa, trong bối cảnh tăng trưởng của các nước phát triển bị đình trệ.

 

Tuy nhiên, các thị trường mới nổi hiện cũng đã trở nên bớt hấp dẫn, khi mà kinh tế trung Quốc đang giảm tốc, Ấn Độ thiếu linh hoạt trong kích thích kinh tế, Nga sẽ bầu cử tổng thống vào tháng 3 và Brazil đang vật lộn với vấn nạn lạm phát.

Trong một hoàn cảnh như vậy, việc chọn lựa thị trường nào đang là vấn đề đau đầu nhức óc của không ít nhà đầu tư. Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Citigroup đã đưa ra danh sách 15 thị trường đầu tư tiềm năng, trong đó có Việt Nam.

Dưới đây là giới thiệu sơ lược về các điểm mạnh, yếu của những thị trường trong danh sách này. Số liệu trong bài do trang tin Business Insider tập hợp từ nguồn của Citigroup. Thứ tự các nước trong bài được xếp theo vần chữ cái tên quốc gia.

Argentina


Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 4,1%
GDP bình quân đầu người: 10.675 USD
GDP: 435,2 tỷ USD
Dân số: 40,8 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 98%

Điểm mạnh đáng chú ý: Cơ sở hạ tầng của Argentina tốt hơn các thị trường khác. Nước này cũng có một nền nông nghiệp mạnh. Tiêu dùng nội địa tăng cao đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Những rủi ro cần lưu ý: Lạm phát là nguy cơ lớn của kinh tế Argentina. Đồng Peso có khả năng bị mất giá. Những quan ngại về chính sách có thể tác động lên diễn biến thị trường chứng khoán.

Bangladesh

Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 7,5%
GDP bình quân đầu người: 764 USD
GDP: 115 tỷ USD
Dân số: 150,5 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 56%

Điểm mạnh đáng chú ý: Bangladesh có xuất phát điểm thấp, nên có nhiều “khoảng trống” để tăng trưởng. Đây cũng là nền kinh tế trẻ, tăng trưởng nhanh, lực lượng lao động giá rẻ. Thị trường chứng khoán của Bangladesh rộng lớn hơn và linh hoạt hơn những nơi khác.

Những rủi ro cần lưu ý: Cơ hội việc làm hạn chế đã khiến nhiều người dân Bangladesh chạy ra nước ngoài tìm kiếm kế sinh nhai và hạ tầng cơ sở của nước này cần phải cải thiện. Ngoài ra, những thiếu sót trong quy định và giám sát cũng làm tăng rủi ro cho khu vực tài chính.

Ai Cập

Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 6,3%
GDP bình quân đầu người: 2.810 USD
GDP: 231,9 tỷ USD
Dân số: 82,5 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 66%

Điểm mạnh đáng chú ý: Dân số đang tăng trưởng nhanh chóng ở Ai Cập được tiếp cận nền giáo dục tốt hơn nhiều quốc gia láng giềng. Các mảng năng lượng, thương mại, vận tải và du lịch đều phát triển nhờ vị trí địa lý thuận lợi.

Những rủi ro cần lưu ý: Những nguy cơ từ phong trào “Mùa xuân Arab” vẫn còn cao và nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tháo chạy ra khỏi Ai Cập. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên cũng là một vấn đề mà chính phủ mới đang phải đương đầu.

Ghana

Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: Chưa rõ
GDP bình quân đầu người: 1.546 USD
GDP: 38,6 tỷ USD
Dân số: 25 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 67%

Điểm mạnh đáng chú ý: Việc đưa vào khai thác mỏ Jubilee ngoài khơi Ghana đã đưa quốc gia này trở thành nước sản xuất dầu mới nhất trên thế giới. Ghana từ xưa đã nổi tiếng về sự giàu có vàng, ca cao, kim cương và mangan. 

Những rủi ro cần lưu ý: Ghana cần tránh “lời nguyền tài nguyên” (resource curse), cụm từ được dùng để mô tả nghịch lý của các quốc gia, vùng lãnh thổ giàu có tài nguyên, đặc biệt là các tài nguyên không thể tái tạo như khoáng sản và nhiên liệu, nhưng không có được tốc độ tăng trưởng và hiệu quả phát triển kinh tế như các nước nghèo tài nguyên. Hơn nữa, nước này còn phải đối mặt với những cuộc bầu cử sau mỗi lần khủng hoảng tài chính.

Iraq

Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 7,6%
GDP bình quân đầu người: 3.325 USD
GDP: 108,6 tỷ USD
Dân số: 32,7 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 78%

Điểm mạnh đáng chú ý: Sản xuất dầu mỏ của Iraq sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn so với bất kỳ quốc gia nào trong thập niên mới.

Những rủi ro cần lưu ý: Các phe phái trong chính quyền bất đồng về luật dầu mỏ. Vấn đề an ninh cũng là một rủi ro lớn đối với quốc gia đã trải qua bao nhiêu năm chiến tranh này.

Kazakhstan

Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 4,5%
GDP bình quân đầu người: 11.115 USD
GDP: 180,1 tỷ USD
Dân số: 16,2 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 100%

Điểm mạnh đáng chú ý: Kazakhstan sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, khoáng sản vàng, đồng, chì và uranium.

Những rủi ro cần lưu ý: Diễn biến xung quanh cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 1 này là điều mà giới đầu tư cần lưu ý. Ngoài ra, khu vực ngân hàng trong nước vẫn đang cố gắng phục hồi sau những khoản nợ xấu.

Kenya

Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: Chưa rõ
GDP bình quân đầu người: 868 USD
GDP: 36,1 tỷ USD
Dân số: 41,6 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 87%

Điểm mạnh đáng chú ý: Kenya đã phát hiện được một trữ lượng khí đốt lớn ở ngoài khơi gần biên giới với Ethiopia. Ngành công nghiệp viễn thông của nước này đang tăng trưởng nhanh chóng. Kenya được xem là một trung tâm thương mại và sản xuất ở Đông Phi.

Những rủi ro cần lưu ý: Những căng thẳng về tôn giáo sắc tộc là một trong những vấn đề đáng quan ngại ở Kenya. Ngoài ra, lạm phát của nước này khá cao do giá lương thực đang tăng lên bởi tình trạng khô hạn ở Vùng Sừng châu Phi.

Mông Cổ

Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 6,9%
GDP bình quân đầu người: 3.127 USD
GDP: 8,8 tỷ USD
Dân số: 2,8 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 97%

Điểm mạnh đáng chú ý: Mông Cổ giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đồng và than đá. Đây là một nền kinh tế trẻ, dân số đang tăng trưởng và có tỷ lệ tiết kiệm nội địa cao hơn nhiều thị trường khác.

Những rủi ro cần lưu ý: Mông Cổ, cũng như nhiều quốc gia giàu tài nguyên khác, cần tránh mắc phải “lời nguyền tài nguyên”.

Nigeria

Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 8,4%
GDP bình quân đầu người: 1.521 USD
GDP: 247,1 tỷ USD
Dân số: 162,5 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 61%

Điểm mạnh đáng chú ý: Khu vực ngân hàng của Nigeria hoạt động khá thuận lợi, doanh thu tốt và lạm phát được xem là đã chạm đỉnh.

Những rủi ro cần lưu ý: Những tranh chấp về tôn giáo đang tăng lên, với những vụ tấn công từ nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram ở khu vực đông bắc nước này trong năm 2011. Ngoài ra, hạ tầng yếu kém cũng kéo lùi tăng trưởng của Nigeria.

Pakistan

Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 4,9%
GDP bình quân đầu người: 1.155 USD
GDP: 204,1 tỷ USD
Dân số: 176,7 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 56%

Điểm mạnh đáng chú ý: Pakistan có dân số lớn, trẻ và đang phát triển.

Những rủi ro cần lưu ý: Tuy nhiên, nền giáo dục của nước này cần được cải thiện. Ngoài ra, những nguy cơ chính trị và an ninh của nước này khá cao.

Romania

Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 3,5%
GDP bình quân đầu người: 8.645 USD
GDP: 185,3 tỷ USD
Dân số: 21,4 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 98%

Điểm mạnh đáng chú ý: Xuất khẩu của nước này đang hồi phục.

Những rủi ro cần lưu ý: 75% các ngân hàng của Romania thuộc quyền quản lý của nhà băng châu Âu nên nền tài chính quốc gia này chịu tác động mạnh từ lục địa già. Tăng trưởng GDP của Romania cũng chịu rủi ro do chính sách khắc khổ.

Sri Lanka


Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 6,6%
GDP bình quân đầu người: 2.795 USD
GDP: 58,8 tỷ USD
Dân số: 21 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 91%

Điểm mạnh đáng chú ý: Đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến giữa nhóm khủng bố LTTE và Chính phủ Sri Lanla. Xuất khẩu của nước này đã được nâng lên, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may và nông sản.

Những rủi ro cần lưu ý: Kế hoạch thu mua tài sản của Sri Lanka là một trong những rủi ro tiềm tàng đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài.

Ukraine


Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 3,7%
GDP bình quân đầu người: 3.604 USD
GDP: 162,9 tỷ USD
Dân số: 45,2 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 100%

Điểm mạnh đáng chú ý: Ukraine có nền nông nghiệp thuộc hàng tốt nhất ở châu Âu. Nước này cũng có lực lượng lao động được giáo dục tốt, hỗ trợ sản xuất.

Những rủi ro cần lưu ý: Tham nhũng là một vấn nạn đối với các nhà đầu tư. Thêm vào đó, những vấn đề của Khu vực đồng Euro cũng tác động tới lĩnh vực ngân hàng của nước này. Thêm vào đó, đồng tiền của nước này bị mất giá cũng là một nguy cơ lớn. Ngoài ra, Ukraine còn quá dựa dẫm vào Nga về năng lượng.

Venezuela


Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 4,3%
GDP bình quân đầu người: 10.525 USD
GDP: 309,8 tỷ USD
Dân số: 29,4 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 95%

Điểm mạnh đáng chú ý: Venezuela là một trong những nước có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới và là nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu trên thế giới.

Những rủi ro cần lưu ý: Hơn một nửa nguồn thu của Chính phủ Venezuela là từ xuất khẩu dầu, vì thế kinh tế sẽ chịu rủi ro cùng với sự lên xuống của giá dầu. Thêm vào đó, quyết định quốc hữu hóa các ngành dầu khí, ximăng, sắt thép và siêu thị của Tổng thống Hugo Chavez cũng khiến đầu tư nước ngoài suy giảm.

Việt Nam

Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 7,4%
GDP bình quân đầu người: 1.370 USD
GDP: 121,6 tỷ USD
Dân số: 88,8 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 93%

Điểm mạnh đáng chú ý: Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất cần nhiều nhân lực. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng tăng trưởng khá.

Những rủi ro cần lưu ý: Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam khá cao. Ngoài ra, lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam còn yếu.

 

 

Theo Hồng Ngọc

 VnEconomy


 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Chuyện gì đang diễn ra ở các công ty quản lý quỹ?

Ngày đăng : 03/01/2012 - 4:57 PM

Việc hàng loạt công ty quản lý quỹ thay đổi chủ sở hữu diễn ra trong bối cảnh Ủy ban chứng khoán đang lấy ý kiến các thành viên thị trường về Đề án tái cấu trúc các CTCK giai đoạn 2011-2015.

 

 

Theo thống kê của CafeF, trong tháng 12/2011, đã có 4 công ty quản lý quỹ thay đổi tỷ lệ sở hữu.

Hồi đầu tháng 12, 1 cá nhân mua (ông Phạm Văn Đẩu) đã mua vào 48,2% vốn của QLQ Đầu tư Chứng khoán Liên minh Việt Nam từ 2 cổ đông lớn của quỹ này.

1 tuần sau thông tin thay đổi cơ cấu cổ đông ở QLQ đầu tư chứng khoán Liên Minh Việt Nam, CTCP Quản lý quỹ đầu tư Alpha cũng thông báo đổi chủ. 4 cá nhân là ông Thân Ngọc Minh, ông Hồ Bửu Phương, ông Nguyễn Tiến Thành, ông Huỳnh Tấn Hiệp đã mua lại 100% vốn của quỹ từ 3 cổ đông là Công ty cổ phần A.N.P.H.A, ông Bùi Công Giang, ông Trần Thanh Tùng.

Ngày 16/12, UBCKNN lại có công văn đồng ý cho Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân nhận chuyển nhượng 575.000 cổ phần phổ thông chiếm 23% vốn điều lệ của Saigon Capital. 2 cổ đông là ông Nguyễn Hùng Mạnh và CTCP cộng sự Đen ta chuyển nhượng toàn bộ vốn góp và không còn nắm vốn tại quỹ này.
Ngày 30/12/2011, UBCKNN cũng chấp thuận giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần chiếm từ 10% vốn điều lệ trở lên của Cty QLQ Hợp Lực Việt Nam. 3 cổ đông chuyển nhượng gồm ông Phạm Uyên Nguyên (chuyển nhượng 9% tương đương 225.000 CP); bà Phạm Thị Hồng Kẩm (chuyển nhượng 9% tương đương 225.000 CP); Bà Trần Thị Thanh Hằng (chuyển nhượng 18% tương đương 450.000 CP); ông Huỳnh Hữu Tiệp (chuyển nhượng 4% tương đương 100.000 CP).
 
Bên nhận chuyển nhượng là ông Nguyễn Thanh Khiết (nhận chuyển nhượng 22%) và ông Võ Thành Hưng (nhận chuyển nhượng 18%).

Việc hàng loạt công ty quản lý quỹ thay đổi chủ sở hữu diễn ra trong bối cảnh từ 12/1/2012 Việt Nam sẽ cho phép CTCK và công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Có lẽ đây cũng là lý do VinaCapital nắm 49% cổ phần của Quản lý quỹ Thép Việt từ cuối tháng 8 vừa rồi.

Hiện, Ủy ban chứng khoán đang lấy ý kiến các thành viên thị trường về Đề án tái cấu trúc các CTCK giai đoạn 2011-2015. Tuy danh tính của CTCK và công ty quản lý quỹ phải tiến hành tái cấu trúc chưa có nhưng sự dồn dập đổi chủ của các công ty quản lý quỹ cho thấy các doanh nghiệp đã và đang rục rịch chuyển mình tái cấu trúc.

 

Theo Hải An

  TTVN


 


Thông điệp đầu năm 2012 của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Ngày đăng : 01/01/2012 - 4:46 PM

“Tổ chức tín dụng nào không thể phục hồi được sẽ đưa ra khỏi thị trường một cách có trật tự…”.

 

 

“Các tổ chức tín dụng (TCTD) lành mạnh được tạo điều kiện phát triển về quy mô và năng lực cạnh tranh trong nước, quốc tế. Các tổ chức tín dụng yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hệ thống cần được ưu tiên tái cơ cấu để trở lại thị trường hoạt động theo các chuẩn mực, quy định của pháp luật. Nếu tổ chức tín dụng yếu kém không thể phục hồi được thì phải được kiên quyết đưa ra khỏi thị trường một cách có trật tự để bảo đảm kỷ luật thị trường và sự lành mạnh, an toàn của hệ thống”.

Đây là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại buổi trao đổi với báo chí nhân dịp năm mới 2012.

“Ngành ngân hàng đóng góp rất quan trọng vào kiềm chế lạm phát”

Thưa Thống đốc, năm 2011 ngành ngân hàng đã góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát như thế nào?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Năm 2011, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đạt 12 – 13%. Đây là mức thấp nhất trong suốt quá trình đổi mới của nền kinh tế. Trung bình 10 năm qua (2000 – 2011) tăng trưởng tín dụng ngân hàng là 29,4%; 5 năm gần đây (2006 – 2011) con số này là 33%.

Năm 2011 chúng ta đã kiềm chế lạm phát được ở mức 18%. Hãy thử giả định rằng năm 2011 tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng cũng ở mức 29,4% hoặc 33% thì lạm phát sẽ ở mức nào? Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi thì lạm phát sẽ ở mức 25% đến 27%. Như vậy, có thể thấy rằng hoạt động tín dụng ngân hàng đã có đóng góp rất quan trọng vào kiềm chế lạm phát.

Hoạt động ngân hàng cũng đóng góp to lớn vào tăng trưởng hợp lý của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư. Tăng trưởng kinh tế năm 2011 của Việt Nam sẽ vào khoảng 5,9% - 6%, đây là mức tăng trưởng hợp lý (không nóng quá mà cũng không làm mất đi động lực của quá trình phát triển lâu dài).

Ở nước ta, hệ thống ngân hàng đáp ứng trên 80% nhu cầu vốn của cả nền kinh tế. Những năm trước đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng không cao hơn bao nhiêu (7%, 8%), nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng ngân hàng thường gấp từ 5 đến 7 lần tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2011 tỷ lệ này chỉ là 2 lần. Điều này cho thấy tín dụng ngân hàng đã được đầu tư hiệu quả hơn. Thực tiễn đã chứng minh điều đó.

Mặc dù tín dụng chung cho cả nền kinh tế chỉ tăng 12 - 13% nhưng tín dụng cho khu vực sản xuất đã tăng trên 15%, tín dụng cho phi sản xuất, đặc biệt là cho bất động sản, chứng khoán giảm mạnh. Các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế như sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu đã được ưu tiên vốn ở mức tối đa. Trong năm 2011, tín dụng cho nông nghiệp trung bình đạt 25% (có những thời vụ trên 30%).

Cả năm 2011, tín dụng cho xuất khẩu đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục là 58%. Do vậy, mặc dù kinh tế thế giới và các thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta đang hết sức khó khăn nhưng tăng trưởng xuất khẩu của ta rất ấn tượng với mức tăng trên 30% (cao hơn nhiều so với mức dự kiến 10% - 13%).

Hoạt động của hệ thống ngân hàng năm 2011 cũng đã góp phần điều chỉnh mức đầu tư toàn xã hội quá nóng trong những năm trước đây (từ mức trung bình 42% - 44% xuống mức 35% - 37%). Trong khi đó, hiệu quả đầu tư được nâng lên rõ rệt.

TCTD hiện nay đang tiềm ẩn những yếu kém

Thưa Thống đốc, vì sao đến thời điểm này Chính phủ phải quyết liệt đặt ra vấn đề tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Cùng với sự phát triển nhanh về quy mô, các TCTD hiện nay đang tiềm ẩn những yếu kém, rủi ro nhất định. Hệ thống các TCTD tiềm ẩn rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản khá cao, tính ổn định, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh chưa cao.  

Nguyên nhân của những yếu kém này xuất phát từ những yếu tố khách quan như kinh tế vĩ mô trong nước, ngoài nước kém ổn định, hệ thống doanh nghiệp nhiều yếu kém, khuôn khổ thể chế còn bất cập,…. Và yếu tố chủ quan gồm: năng lực quản trị, điều hành, tài chính, trình độ cán bộ và công nghệ nhiều hạn chế,….

Trong suốt thời gian dài vừa qua, Đảng và Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD ra đời và phát triển nhanh nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động của các TCTD chậm được cải thiện, nhiều yếu kém không được xử lý kịp thời, triệt để. Các TCTD hoạt động thiếu công khai, minh bạch. Nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng không được đề cao. Khuôn khổ pháp lý chậm được đổi mới và hoàn thiện theo yêu cầu thực tiễn.

Những yếu kém hiện nay của một bộ phận các TCTD không được xử lý kịp thời có thể tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính quốc gia. Quy mô dư nợ tín dụng và tài sản của hệ thống các TCTD đã vượt xa GDP làm cho hệ thống các TCTD dễ bị tổn thương từ những thay đổi bất lợi của nền kinh tế, ngược lại sự bất ổn của hệ thống các TCTD cũng sẽ tác động lớn đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Một hệ thống ngân hàng yếu kém không thể huy động và phân bổ một cách có  hiệu quả các nguồn vốn trong nền kinh tế, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách tiền tệ. Do đó, cơ cấu lại hệ thống các TCTD là yêu cầu cần thiết để lành mạnh hóa, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các TCTD, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Để thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, Việt Nam cần phát triển một hệ thống các TCTD có quy mô lớn hơn, chất lượng và hiệu quả hoạt động tốt hơn. Đồng thời, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế sâu sắc thì hệ thống các TCTD cũng cần phải được củng cố và phát triển để có đủ khả năng tận dụng cơ hội phát triển mới và đối phó với những thách thức, cú sốc từ bên ngoài, chẳng hạn khủng hoảng, biến động bất lợi của thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế.

Kiên quyết không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngân hàng

Xin Thống đốc cho biết mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng lần này là gì?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Theo tôi, mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các TCTD lần này nhằm hướng tới đến năm 2020 phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.

Trong giai đoạn 2011-2015, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; Cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD; Nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Phấn đấu đến cuối năm 2015 hình thành được ít nhất 1-2 ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.

Theo đó, các TCTD Việt Nam sẽ được cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và sở hữu bằng các hình thức, biện pháp và lộ trình thích hợp. Chính phủ kiên quyết không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngân hàng ngoài tầm kiểm soát trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.

Vậy làm thế nào để cải cách nhanh, triệt để hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, thưa Thống đốc?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Kinh nghiệm của các nước cho thấy muốn cải cách nhanh, triệt để hệ thống ngân hàng thì chính phủ phải đóng vai trò quyết định thông qua các biện pháp can thiệp về chính sách, nguồn lực tài chính, đồng thời phải khuyến khích được sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Cải cách bao giờ cũng kèm theo chi phí kinh tế.

Để hệ thống ngân hàng phát triển an toàn, hiệu quả bền vững sau cơ cấu lại thì cơ cấu lại tài chính là quan trọng nhưng cơ cấu lại quản trị, hoạt động và kể cả khuôn khổ thể chế là yếu tố quyết định. Thông thường, thời điểm được coi là hợp lý để cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng khi nền kinh tế có mức lạm phát tương đối thấp để tạo dư địa cho sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ và ngân hàng trung ương vào hệ thống tài chính - ngân hàng. Kế hoạch cơ cấu lại hệ thống các TCTD ở Việt Nam được tiến hành trong bối cảnh nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.

Theo Thống đốc, những thuận lợi và khó khăn của việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam trong thời điểm hiện nay là gì?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Về thuận lợi, cơ cấu lại hệ thống các TCTD được đặt trong chương trình tổng thể tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu doanh nghiệp để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế. Mục đích cơ cấu lại các TCTD là vì lợi ích quốc gia, dân tộc chứ không vì lợi ích nhóm cục bộ. Do đó, cơ cấu lại hệ thống các TCTD nhận được sự quyết tâm và đồng thuận cao về mặt chính trị - xã hội. Các TCTD ý thức rõ ràng về sự cần thiết phải cơ cấu lại để hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.

Về khó khăn, nền kinh tế đang chịu áp lực lạm phát cao và còn tồn tại những yếu tố có thể gây bất ổn vĩ mô. Nguồn lực của Chính phủ hạn chế do thâm hụt ngân sách lớn, nợ công đã ở mức cao và đang tăng nhanh. Các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ tập trung kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, đặc biệt là vấn đề phá sản, quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tài chính. Kinh tế, tài chính thế giới diễn biến không thuận lợi. Cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu có nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng tài chính tác động bất lợi đến hệ thống ngân hàng trong nước.

Ngoài ra, tâm lý người dân không ổn định dễ phản ứng thái quá nếu không được định hướng đúng đắn và tuyên truyền đầy đủ về các chủ trương, chính sách cơ cấu lại ngân hàng.

"Ra khỏi thị trường một cách có trật tự"


Vậy Ngân hàng Nhà  nước sẽ đề xuất với Chính phủ các gói giải pháp đồng bộ nào để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng hiện nay?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Để thực hiện được các mục tiêu, định hướng nêu trên, NHNN đã nghiên cứu và đề xuất gói giải pháp đồng bộ cơ cấu lại các TCTD như sau:

Thứ nhất, khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống, một số TCTD có mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn cao sẽ được áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt theo quy định của pháp luật. Về phương diện các TCTD, cơ cấu lại TCTD cũng là cơ hội thuận lợi để các TCTD tăng nhanh hơn về quy mô và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Thứ hai, các TCTD cần được đánh giá, phân loại thành TCTD lành mạnh, TCTD thiếu thanh khoản tạm thời và TCTD yếu kém. Các TCTD lành mạnh được tạo điều kiện phát triển về quy mô và năng lực cạnh tranh trong nước, quốc tế. Các TCTD yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hệ thống cần được ưu tiên tái cơ cấu để trở lại thị trường hoạt động theo các chuẩn mực, quy định của pháp luật. Nếu TCTD yếu kém không thể phục hồi được thì phải được kiên quyết đưa ra khỏi thị trường một cách có trật tự để bảo đảm kỷ luật thị trường và sự lành mạnh, an toàn của hệ thống các TCTD. TCTD tạm thời thiếu thanh khoản sẽ được NHNN hỗ trợ để phục hồi, đồng thời phải chấn chỉnh, củng cố để hoạt động lành mạnh, an toàn hơn.

Thứ ba, trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đặc biệt là xử lý những TCTD yếu kém, các NHTMNN và các NHTMCP lành mạnh sẽ là lực lượng chủ lực tham gia tích cực với sự hỗ trợ thích hợp của Chính phủ và NHNN về cơ chế, chính sách và nguồn lực để thực hiện. Đây cũng là đặc trưng riêng phản ánh tính hệ thống chặt chẽ của các TCTD. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa Chính phủ và NHNN “bao cấp” toàn bộ cho việc cơ cấu lại TCTD. Tổn thất và chi phí trong quá trình xử lý yếu kém của hệ thống các TCTD cần phải được chia sẻ hợp lý giữa các bên có liên quan theo quy định của pháp luật (Nhà nước, chủ sở hữu, nhà đầu tư và người gửi tiền). Trong đó, chủ sở hữu ngân hàng phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng về những tổn thất xảy ra đối với TCTD và lợi ích của Nhà nước, tài sản của nhân dân phải được bảo vệ tốt nhất.

Thứ tư, thực hiện lành mạnh hóa tài chính với trọng tâm là xử lý nợ xấu, bảo đảm mức độ đủ vốn theo quy định của pháp luật và thay đổi cấu trúc của bảng cân đối kế toán theo hướng lành mạnh, bền vững hơn.

Thứ năm, củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính và giảm các lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro, kém hiệu quả của TCTD. Tập trung tín dụng ngân hàng vào các ngành, lĩnh vực thuộc 3 khâu đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, sản xuất – chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng.

Thứ sáu, đổi mới hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp hơn các thông lệ chuẩn mực quốc tế với trọng tâm là triển khai các hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của Ủy ban Basel. Tăng tính minh bạch hóa hoạt động ngân hàng và tính đại chúng của các TCTD.

Xin cảm ơn Thống đốc!

 

Theo Công Minh

 NDHMoney

 


 


Năm 2012 sẽ không còn ngân hàng “làm liều gặp lành”!

Ngày đăng : 01/01/2012 - 9:35 AM

Quý 1 và quý 2 đa số các ngân hàng xử lý các tồn tại của năm 2011, lúc đó mới là đỉnh điểm của khó khăn với các ngân hàng thương mại.

 

 

Ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng LienVietpost Bank cho rằng, năm 2011 là một năm khó khăn đối với hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, đây có thể chưa phải thời kỳ đỉnh điểm khó khăn. Một nhóm ngân hàng sẽ rất khó khăn. Thậm chí lợi nhuận, cổ tức đạt rất thấp khi trích rủi ro và đầy đủ chi phí của năm tính đến hết 31/12.

Năm 2011 đang dần khép lại, ông đánh giá như thế nào về một năm kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng?

Năm nay thì có một khó khăn đặc biệt nữa là tình hình thanh khoản của các ngân hàng. Thông thường mọi năm khó khăn thanh khoản thường rơi vào những tháng giáp tết (có thể là tháng 12 dương và và 12 năm âm lịch), nhưng năm nay khó khăn thanh khoản lại đến trước ngay từ tháng 10 rồi. Vì vậy ngăn hàng nào ko đáp ứng đủ nguồn vốn sẽ bị hao tổn lợi nhuận rất lớn do chi phí huy động cao hoặc vay liên ngân hàng cao.

Điều đó tất yếu sẽ dẫn đến nợ quá hạn và nợ xấu cuối năm tăng lên khiến các ngân hàng phải trích rủi ro nhiều. Do đó, lợi nhuận của các ngân hàng nói chung năm nay thấp.

Theo ông có khả năng sẽ có ngân hàng báo lỗ trong năm nay không?

Tất nhiên ngân hàng lỗ thì đã rất căng thẳng rồi. Tôi nghĩ lỗ có thể không nhiều nhưng lợi nhuận cực thấp sẽ rất nhiều. Việc lỗ lãi của các ngân hàng phụ thuộc vào nợ quá hạn và nợ xấu phát sinh vào Quý 4 này do nợ quá hạn và nợ xấu cao dẫn đến trích rủi ro nhiều.

Cũng có thế có thêm ngân hàng lỗ. Nhưng theo tôi, số lượng ngân hàng lỗ sẽ không nhiều mà số lượng ngân hàng cận lỗ sẽ nhiều.

Ông có cho rằng, những khó khăn của ngành ngân hàng năm nay sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2012 không?

Trong năm 2012, ít nhất 6 tháng đầu năm sẽ tiếp tục còn khó khăn. Trước hết, các khoản nợ đến hạn thường đến dồn cuối năm hoặc đầu năm sau do các món cho vay đầu năm và giữa năm sẽ nhiều. Nhiều trường hợp không trả nợ gia hạn hoặc chuyển thành nợ xấu rơi vào quý 1 quý 2 lớn.

Về thanh khoản nếu có nới ra cũng phải 6 tháng cuối năm. Lúc đó thời điểm lạm phát thực sự giảm, lãi suất huy động có thể giảm sau tết, nhu cầu vốn vay trong những tháng từ tháng 5 ít hơn đa số tập trung vào tết tây và tết âm.

Quý 1, 2 đa số các ngân hàng xử lý các tồn tại của năm 2011 lúc đó mới là đỉnh điểm của khó khăn với các ngân hàng thương mại. Sau đó nếu chính sách có thể nới lỏng thì hoạt động của ngân hàng sẽ dễ thở hơn và thanh khoản sẽ thực sự đi vào bình thường.

Theo tôi năm 2012 là một năm chứng kiến sự khó khăn thậm chí đổ bể của nhiều doanh nghiệp. Mà sức khỏe doanh nghiệp yếu thì ảnh hưởng sức khỏe của ngân hàng. Một số nh thương mại tập trung quá nhiều vào các doanh nghiệp quá rủi ro thì ngân hang sẽ rất khó khan

Khó khăn như vậy liệu các ngân hàng có điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012 thấp hơn 2011 không?

Chắc chắn là thấp hơn. Vì năm 2011 đầu năm mở rộng tín dụng được 25% -30 %. sau đó nửa năm ngân hàng nhà nước chỉ đạo room không quá 20%. Tức là chỉ 19.9%. Năm nay ngân hàng nhà nước chỉ đạo mở rộng từ 15% - 17% thấp hơn năm trước. Nên mọi kế hoạch kinh doanh hạn chế hơn so với 2011.

Hoạt động ngân hàng bám theo chủ trương chỉ đạo của chính phủ là năm tới chưa đặt vấn đề mở rộng tín dụng mà ưu tiên kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên theo chủ quan của tôi, lạm phát năm tới sẽ không nóng bỏng như 2011. Do các khoản chủ động tăng giá đã tăng rồi. Nếu giá điện xăng tăng nốt tháng 12 này thì lạm phát sẽ tăng chủ yếu trong 2011 rồi. Như vậy, sẽ có mặt bằng giá mới.

Nếu lấy mặt bằng giá 2011 để tính mức tăng CPI năm 2012 thì tỷ lệ lạm phát sẽ có thể kiểm sóat được thậm trí một con số.

Tôi nghĩ rằng tình hình thắt chặt tiền tệ, thậm chí tài chính công… 6 tháng cuối năm 2012 sẽ dễ thở hơn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sôi động hơn.

Có ý kiến cho rằng chưa bao giờ kinh doanh ngân hàng lại khó khăn như bây giờ. Vậy khó khăn đó là gì thưa ông?

Đúng là hoạt động ngân hàng rất khó khăn. Khó khăn thứ nhất là có 2 cái trần. Một là room mở rộng tín dụng là 20% và room trần lãi suất huy động là 14%. Lạm phát là 18% trong khi lãi huy động là 14%. Như vậy lãi suất thực âm. Dẫn đến huy động tiết kiệm khó, Trong khi giá vàng tăng liên tục thu hút nhà đầu tư nên hoạt động huy động của ngân hàng khó khăn. Mặc dù room cho vay là 20% nhưng nhiều ngân hàng không thực hiện nổi mức trần huy động này. Do thiếu nguồn vốn hoạt động.

Một khó khăn nữa đối với ngân hàng thương mại là mọi năm ngân hàng nhà nước mở rộng cho vay thị trường mở. Tuy nhiên năm nay thắt cả thị trường mở. Hơn nữa lãi trên thị trường mở năm nay cao so với mọi năm.

Do đó, khó khăn năm nay với hoạt động ngân hàng là khó khăn chồng chất, trong đó có cả khó khăn trong nước và cả nước ngoài. Thế nên, có thể nói năm 2011 và 2012 là thời kỳ khó khăn nhất đối với các ngân hàng việt nam kể từ trước đến nay

Sau những năm khó khăn này sẽ tạo mặt bằng mới trong lĩnh vực ngân hàng như thế nào?

Theo định hướng của ngân hàng nhà nước sẽ cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Sẽ có hiện tượng sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng

Theo cá nhân tôi, khó khăn tuy chồng chất nhưng trong khó khăn có cái được. Đó là các ngân hàng và doanh nghiệp nếu muốn vươn ra phải có nội lực. Phải xác định lực đến đâu để làm cái gì.

Lâu nay, vừa là do cơ chế, vừa là thời cơ cho nên hoạt động ngoài khả năng của mình. Nhưng có thể vẫn thành công, một phần là gặp may.

Thế nhưng bây giờ và từ 2012 sẽ không có may mắn như thế nữa. Không thể “Ở liều mà gặp lành” được nữa. Nói tóm lại là phải có thực lực.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Khánh Linh (thực hiện)

TTVN


 


TS. Lê Xuân Nghĩa: Giữa quý II/2012, chứng khoán và bất động sản mới có dấu hiệu phục hồi

Ngày đăng : 30/12/2011 - 6:19 PM

Một trong hai yếu tố chính tác động đến thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) là tín dụng của ngân hàng sẽ được "gỡ" trong năm 2012, giúp thanh khoản cơ bản của thị trường này được giải tỏa và phục hồi. Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa

 

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 2196/CT-TTg về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS. Ông có thể cho biết ý nghĩa của chỉ thị này với thị trường BĐS?

Thị trường BĐS thời gian qua phát triển rất mạnh, với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, cả khu vực nhà nước và tư nhân. Quy mô thị trường đang trở thành một trong những khu vực lớn nhất và tập trung, thu hút nguồn vốn rất lớn của đầu tư trong nước và nước ngoài. Đồng thời, có tác động lan tỏa sang nhiều ngành sản xuất và kinh doanh khác.

Tuy nhiên, thị trường BĐS cũng đang bộc lộ những yếu kém và phát triển không minh bạch, không ổn định. Giá cả biến động lớn, cấu trúc sản phẩm không hợp lý, thiếu các loại hàng hóa phù hợp với nhu cầu chính, chủ chốt của thị trường. Việc huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính để phát triển nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động… còn hạn chế. Tình trạng đầu tư tràn lan, thiếu kết nối hạ tầng, lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội còn lớn.

Nhà nước cũng đang thiếu một chính sách tài chính nhà ở, đặc biệt là tài chính bất động sản phù hợp với một quốc gia đất hẹp, người đông như hiện nay. Trong khi đó, thủ tục cấp phép giải phóng mặt bằng, xác định giá, thuế, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, nhà ở… còn phức tạp, phiền toái và thiếu minh bạch.

Để khắc phục những yếu kém nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 2196 yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý và giám sát thị trường BĐS, nhằm nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho dân cư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo anh sinh xã hội.

Hiện nay, giá BĐS xuống thấp, thanh khoản gần như bị đóng băng. Theo ông, những yếu tố cần từ Chỉ thị này có thể giải tỏa được thanh khoản cho thị trường?

Có 2 yếu tố chính sẽ tác động mạnh đến thanh khoản của thị trường BĐS. Thứ nhất, toàn bộ quy định pháp lý và thủ tục hành chính có liên quan đến nhà ở và thị trường BĐS sẽ được sửa đổi theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện. Điều này có tác động làm tăng nguồn cung bất động sản và giải tỏa ách tắc về môi trường kinh doanh BĐS.

Thứ hai là tín dụng của ngân hàng cho khu vực này, kể cả tín dụng cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu, cần bảo đảm tín dụng BĐS có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung. Trước mắt, giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng BĐS với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc, đồng thời, áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.

NHNN cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở. Trước mắt, hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới, các dự án BĐS cao cấp; giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh BĐS. Tiếp tục cho vay đối với các dự án BĐS sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012.

Như vậy, thanh khoản cơ bản của thị trường BĐS tập trung ở phân khúc thị trường chủ chốt sẽ được giải tỏa và phục hồi, bắt đầu từ năm 2012.

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng thị trường BĐS năm 2012?

Với việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tín dụng vừa kiểm soát lạm phát vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đối với thị trường BĐS và ngành xây dựng như trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cùng với triển vọng lạm phát năm 2012, tôi cho rằng, lãi suất ngân hàng sẽ bắt đầu giảm rõ rệt từ quý II/2012; khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp BĐS nói riêng cũng sẽ được cải thiện vào thời điểm này.

Vì vậy, dự báo thị trường tài sản nói chung, bao gồm chứng khoán và BĐS bắt đầu có dấu hiệu phục hồi vào giữa quý II/2012 và tiếp tục tăng trưởng nhẹ vào các quý sau đó. Nếu chính sách này được duy trì thì thị trường BĐS có thể phục hồi rõ nét từ quý IV/2012. Điều này cũng phù hợp với xu hướng biến động của kinh tế thế giới và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ được cải thiện rõ ràng hơn vào cuối năm 2012, đầu năm 2013.

 

Theo Hồng Dung

 ĐTCK


 


Hoạt động ngân hàng 2011: VND đã đi đâu?

Ngày đăng : 30/12/2011 - 6:13 PM

Một năm có quá nhiều sự kiện quan trọng, có nhiều đổi thay và xáo trộn trong hoạt động của các ngân hàng thương mại. Nhiều người trong ngành vẫn cho rằng 2011 còn khó khăn hơn cả năm khủng hoảng 2008.

 

 

VnEconomy cùng bạn đọc điểm lại 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm 2011 này, trong đó "VND đã đi đâu?" là một câu hỏi đặt ra.

1. Tín dụng, cung tiền thấp nhất hơn 15 năm qua

Trên biểu đồ dữ liệu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán của hơn 15 năm trở lại đây, kết quả của năm 2011 tạo một điểm rơi rõ rệt, thấp hơn cả hai điểm trũng của năm 1998 và 2002. Bản thân năm 2011, kết quả của nó cũng thấp hơn hẳn các chỉ tiêu đề ra.

Đầu năm, triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay giới hạn dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15% - 16%. Thế nhưng, kết quả ước tính lần lượt chỉ là 12% và 10%.

Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh kết quả đó ở giá trị kiềm chế lạm phát, ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện. Tuy nhiên, mặt trái của hai tỷ lệ quá thấp đó đến nay vẫn chưa được phân tích một cách rõ ràng và cụ thể. Còn trên thực tế, đó là hai trở ngại lớn đối với nỗ lực giảm lãi suất, với khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.

2. Chuyển giao hai nhiệm kỳ Thống đốc

Năm 2011 khá đặc biệt khi chứng kiến sự chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Thống đốc. Tính chất đặc biệt của nó có ở nhiều thay đổi trong quản lý và điều hành chính sách tiền tệ.

Ngày 3/8, hệ thống chính thức đón nhận người đứng đầu mới là ông Nguyễn Văn Bình. Ngay trong những ngày đầu, dưới sự điều hành của tân Thống đốc, thị trường ghi nhận những thay đổi cơ bản. Đó là siết lại trật tự hệ thống về lãi suất và tỷ giá, hướng đi mới trong bình ổn thị trường vàng và sự vào cuộc giảm lãi suất cho vay; chính thức triển khai lộ trình tái cơ cấu hệ thống.

Thay đổi cụ thể hơn là việc bỏ những rào cản quan trọng trong Thông tư 13 và 19 có hiệu lực trong năm 2010; mở lại cơ chế cho vàng tài khoản; “giải phóng” cho 4 nhóm đối tượng thoát rổ tín dụng phi sản xuất; khởi động cơ chế phân bổ chỉ tiêu tín dụng thay vì cào bằng…

3. Căng thẳng trần lãi suất

Không mới, trần lãi suất huy động VND 14%/năm là câu chuyện của năm 2010 chuyển giao. Nhưng đến năm 2011 nó diễn biến phức tạp và căng thẳng. Từ tháng 8 trở về trước, hiện tượng phá trần trở nên phổ biến gây méo mó, bất ổn trong hoạt động của các ngân hàng thương mại. Từ tháng 8 trở về sau, trần lãi suất được làm nghiêm, gắn với những quyết định xử phạt xôn xao trên thị trường, trong đó có cả dư luận về cái gọi là ngân hàng “cài bẫy” ngân hàng.

Thế nhưng, thời điểm cuối năm, chính thức và bên lề, thông tin ngân hàng vượt trần lãi suất lại rộ lên và một lần nữa đặt ra yêu cầu vào cuộc, giám sát gắt gao từ Ngân hàng Nhà nước.

Là một giải pháp hành chính mang tính tình thế, cho đến nay trần lãi suất vẫn chưa thể được điều chỉnh hay gỡ bỏ, dù khi tiếp nhận vị trí đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đưa ra thông điệp sẽ gỡ bỏ.

4. Nước rút hạ tỷ trọng tín dụng phi sản xuất

Ngày 1/3/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN, trong đó quy định đến 30/6/2011 tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa phải là 22% và đến 31/12/2011 tối đa là 16%.

Chỉ thị này lập tức tác động mạnh đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, thường trực và căng thẳng cho đến hết năm. Đó là một cuộc đua nước rút hạ tỷ trọng tín dụng phi sản xuất, mà phản ứng là sự “đóng băng” tín dụng tiêu dùng tại nhiều ngân hàng, sự chao đảo của thị trường bất động sản và sự suy giảm kéo dài của thị trường chứng khoán…

Một tháng trước hạn 31/12 với rào cản 16% nói trên, Ngân hàng Nhà nước có động thái “nới lỏng” khi mở cơ chế cho loại trừ 4 nhóm đối tượng thoát nhóm tính dư nợ phi sản xuất.

5. Tỷ giá và “cam kết không quá 1%”

Ngày 7/9/2011, tại hội nghị toàn ngành, Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông điệp: dư sức để can thiệp những biến động trên thị trường ngoại hối, và nếu điều chỉnh tỷ giá thì từ đó đến cuối năm không quá 1%. Đến nay, cam kết này được giữ vững, tỷ giá USD/VND có sự ổn định tương đối trong khoảng nửa cuối năm 2011. Những cơn sốt tỷ giá vào cuối năm và ám ảnh của “con ngáo ộp” tín dụng ngoại tệ đến thời điểm này có thể nói đã được loại trừ.

Có một điểm trong thông điệp ngày 7/9 ít được dư luận chú ý là từ “dư sức” mà Ngân hàng Nhà nước dùng đến. Phía sau từ “dư sức”là sự gia tăng rất nhanh và mạnh của dự trữ ngoại tệ trước đó, kết quả của loạt giải pháp triển khai quyết liệt từ đầu năm, từ áp trần lãi suất huy động USD, kết hối và mở rộng kết hối, đến những chuyển biến vĩ mô với trạng thái thặng dư khá lớn của cán cân tổng thể…

6. Tái cấu trúc và sự cụ thể hóa đầu tiên

Ngày 6/12, Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố kế hoạch hợp nhất ba ngân hàng thương mại là SCB, Ficombank và TinNghiaBank. Lần đầu tiên trong lịch sử thị trường đón nhận vụ hợp nhất diễn ra một cách nhanh chóng như vậy. Đây cũng là sự cụ thể hóa đầu tiên trong lộ trình thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà Trung ương Đảng đề ra, cũng như Ngân hàng Nhà nước đã định hình triển khai.

Về hình thức, sự kiện này cho thấy nhà điều hành đang quyết tâm và nhanh gọn trong việc củng cố lại hệ thống. Còn thử thách và kết quả của việc hợp nhất vẫn ở phía trước. Ngày 23/12, ngân hàng hợp nhất đã tiến hành đại hội cổ đông; ngay sau đó Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chính thức chấp thuận về mặt pháp lý việc thành lập và hoạt động của ngân hàng mới.

Liên quan đến sự kiện này, tái cấu trúc và sự lo ngại “hiệu ứng Tăng Sâm” là dòng chảy nổi bật trong hoạt động ngân hàng 2011. Phía sau đó là những đồn đoán, là sự dịch chuyển của dòng tiền gửi, gắn với cơ chế trần lãi suất, gây những xáo trộn nhất định trên thị trường.

7. Bất ổn thị trường liên ngân hàng

Tháng 10/2011, thị trường liên ngân hàng bước vào những bất ổn khi lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện hiện tượng áp cơ chế bảo đảm, thế chấp trong giao dịch giữa các thành viên. Cơ chế này lập tức tạo một không khí ngột ngạt và ảnh hưởng tới sự điều hòa các dòng vốn trong hệ thống, căng thẳng thanh khoản tại một số thành viên. Quan trọng hơn, giá trị lớn nhất của thị trường này là niềm đã bị đánh mất khi các thành viên nghi ngờ lẫn nhau, khi phát sinh những món nợ đồng lần…

Đi cùng với cơ chế đó, lãi suất huy động vàng và ngoại tệ “lạ” biến động và tăng nhanh, khi một số thành viên cần có tài sản để thế chấp gọi vốn trên thị trường liên ngân hàng. Đáng chú ý là cho đến nay vẫn chưa có một sự can thiệp triệt để nào từ Ngân hàng Nhà nước được công bố, để trả lại môi trường vốn có cho thị trường này, cũng như vai trò của nó trong điều hòa các dòng vốn.

8. Xuất hiện “yếu tố nhóm” trong hệ thống

Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước Quốc hội ngày 24/11, có một câu hỏi được đặt ra: liệu có “lợi ích nhóm” trong những điều chỉnh chính sách tiền tệ gần đây? Câu hỏi này xuất phát từ “yếu tố nhóm” định hình trong chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, ngay sau khi tiếp nhận vị trí lãnh đạo cao nhất ngành, bước đi đầu tiên của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là thành lập nhóm 12 ngân hàng lớn với tên gọi được nhắc đến là “G12”, gồm những thành viên lớn và mạnh trong hệ thống. Sự kiện này lập tức tạo sự phân biệt trong hệ thống, cả trong tâm lý khách hàng và người gửi tiền. Có ngân hàng trong nhóm đã quảng bá rộng rãi thông điệp “G12” như một “chứng chỉ” trong bối cảnh tâm lý người dân ít nhiều xáo trộn từ thông tin tái cấu trúc hệ thống…

Ngoài ra, năm 2011 cũng đón nhận sự trở lại của vàng tài khoản, mở riêng cho 5 ngân hàng thương mại lớn trong giải pháp bình ổn thị trường vàng mà Ngân hàng Nhà nước triển khai. Nhóm nay cũng được gắn với tên gọi “G5” trong các thông tin bình luận liên quan.

9. Thử thách lớn trong bình ổn thị trường vàng

Một năm thị trường vàng có quá nhiều biến động, kịch tính và cả những bất cập. Lần đầu tiên trong lịch sử giá vàng trong nước có thời điểm vượt trên giá thế giới tới 4 triệu đồng/lượng và duy trì trạng thái vượt trội đó kéo dài, thách thức các nỗ lực rút ngắn của Ngân hàng Nhà nước.

Như ở sự kiện trên, việc mở lại vàng tài khoản ở nước ngoài cho 5 ngân hàng lớn, phối hợp cùng SJC là giải pháp trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Dù “liều thuốc” cấp hạn mức nhập vàng đã không còn được dùng đến, áp lực đối với tỷ giá cũng được xử lý đáng kể, nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới vẫn là bài toán chuyển giao cho năm 2012.

Đáng chú ý là trong năm 2011, dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng trở thành một câu chuyện dài, gắn với nhiều biến động và phản ứng trên thị trường. Liên quan, ngày 25/11, trả lời trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chính thức tuyên bố vàng SJC trở thành vàng của Ngân hàng Nhà nước, trong lộ trình tăng cương quản lý thị trường rất nhạy cảm này.
 
10. Câu hỏi: VND đã đi đâu?

Cuối cùng, điểm nổi bật mà VnEconomy đặt ra để điểm lại hoạt động của hệ thống ngân hàng năm 2011 là câu hỏi: VND đã đi đâu?

Bất động sản ồ ạt giảm giá, giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán được cho là rẻ rúng, giới hạn tăng trưởng tín dụng tại nhiều nhà băng đã hết năm vẫn còn khá lớn… Nhưng vấn đề là tiền và tiền mặt. Trong khi đó, liên tiếp các tháng 9, 10 huy động vốn của hệ thống ngân hàng sụt giảm; riêng tháng 11, 12 và báo cáo chung cả năm đến nay vẫn chưa thấy dữ liệu được công bố.

Trả lời câu hỏi trên là một vấn đề lớn. Yếu tố tham khảo là: tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng năm nay tạo đáy như vậy; nhập siêu vẫn lớn với 9,5 tỷ USD mà tính chuyển đổi của VND rất hạn chế để có thể chảy trực tiếp sang nước bạn; lượng vàng nhập khẩu qua các đợt bình ổn năm 2011 cũng ngốn một lượng tiền lớn đang tích tụ và trú ẩn trong dân cư thay vì đi vào sản xuất kinh doanh…

Và cùng với câu hỏi trên, một câu hỏi liên đới là “Bao giờ lãi suất VND mới thực sự giảm?” - câu hỏi được chuyển tiếp cho năm 2012, dù trong năm 2011 chủ trương giảm lãi suất cho vay xuống 17 - 19% đã là một câu chuyện dài.

 

Theo VnEconomy.vn


 

Tin mới cập nhật