Vì sao Bloomberg bị chặn ở Trung Quốc?
Ông Tập Cận Bình - Phó chủ tịch Trung Quốc, người được cho là sắp sửa lên thay ông Hồ Cẩm Đào nắm giữ chức Chủ tịch Trung Quốc vào cuối năm nay. (Ảnh: Reuters)
Bloomberg cho biết, toàn bộ website tin tức của họ tại Trung Quốc đã gặp tình trạng không thể truy cập trong suốt 1 tháng qua dù các nguyên nhân kỹ thuật chủ quan đã được loại trừ.
Dù chưa có thông tin chính thức nào nhưng các nhà quản lý của Bloomberg phỏng đoán, rất có thể website của họ bị chặn tại Trung Quốc bởi nguyên nhân là từ bài báo đăng ngày 29/6/2012 trong đó nói một cách rất chi tiết về khối tài sản và các hoạt động đầu tư của gia đình ông Tập Cận Bình – người được cho là sắp sửa lên nắm giữ chức Chủ tịch Trung Quốc thay cho ông Hồ Cẩm Đào kể từ mùa thu năm nay.
Trong bài viết đăng trên tờ Thời báo Tài chính (Financial Times - Anh), tác giả Simon Rabinovitch khẳng định tình trạng “mất khả năng truy cập tạm thời” thường xuyên xảy ra đối với các dịch vụ của nhiều hãng truyền thông nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc nhưng việc bị tê liệt suốt 1 tháng ròng như Bloomberg là trường hợp khá hiếm gặp và điều này cho thấy rất có thể hãng tin này đã có hành động gì đó khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất giận dữ.
Không chỉ chặn mọi ngả truy cập đối với website của Bloomberg, Financial Times còn cho biết kể từ khi bài báo được xuất bản, các nhân viên của Bloomberg đã liên tục bị một số kẻ lạ mặt được cho là nhân viên mật vụ của Trung Quốc theo dõi, các ông chủ ngân hàng, các nhà quản lý tài chính của Trung Quốc liên tục hủy bỏ các cuộc gặp với ông Matthew Winkler, tổng biên tập của Bloomberg, đồng thời các nhân viên điều tra của Trung Quốc cũng đã “ghé thăm” nhiều ngân hàng địa phương để kiểm tra họ có chia sẻ thông tin gì với Bloomberg hay không…
Dẫu vậy, các hoạt động này vẫn chưa “động chạm” gì đến trạm đăng ký thuê bao – cỗ máy kiếm tiền chính của Bloomberg với khách hàng chủ yếu là các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước và các cơ quan thuộc chính phủ. Nhưng các nhân viên kinh doanh của Bloomberg lo ngại rằng tình trạng website tê liệt hoàn toàn như hiện nay sẽ khiến các khách hàng của họ dần dần bỏ đi.
Hãng tin Mỹ CNN cho biết, ngày 29/6 vừa qua, Bloomberg đã sử dụng những báo cáo đã được công bố trước đó để tổng hợp thành bài viết chứng minh rằng gia tộc nhà ông Tập Cận Bình đã có những khoản đầu tư vào nhiều công ty khác nhau với tổng số vốn lên tới 376 triệu USD.
Trong số này có những vụ đầu tư tiêu biểu như: nắm giữ 18% cổ phần gián tiếp của một công ty đất hiếm có tổng tài sản lên tới 1,73 tỷ USD, nắm giữ 20,2 triệu USD cổ phiếu (đã được niêm yết) của một công ty công nghệ, sở hữu một biệt thư hạng sang tại Hong Kong có giá trị khoảng 31,5 triệu USD và có khoảng 6 bất động sản khác ở khu tự trị hành chính này với tổng giá trị 24,1 triệu USD…
Tuy nhiên, Bloomberg đã không thể chỉ ra được những tài sản nào thuộc sở hữu của ông Tập Cận Bình, của vợ hay của con gái ông này. Bài báo cũng cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy ông Tập hay gia đình ông có hành vi kinh doanh sai trái.
Có điều, Bloomberg đã không biết rằng bài báo này khiến ông Tập rất không hài lòng và có khả năng ảnh hưởng đến hình ảnh một quan chức trong sạch trong một đất nước vốn đã phanh phui rất nhiều vụ tham nhũng. Nguy hại hơn nữa, bài báo này lại ra đời chỉ vài tháng trước khi ông Tập Cận Bình chính thức lên nắm quyền thay cho ông Hồ Cẩm Đào để lãnh đạo đất nước Trung Quốc trong một thập kỷ tới.
"Việc một hãng tin tức lớn như Boomberg bị chặn website trong suốt một tháng rõ ràng là điều bất thường”, Jeremy Goldkorn, nhà sáng lập công ty Danwei, chuyên theo dõi truyền thông Trung Quốc nói, "Họ đã vượt quá lằn ranh đỏ nên phải gánh chịu hậu quả này”.
Kể từ Olympics Bắc Kinh 2008 đến nay, chưa có website của hãng truyền thông ngoại quốc chính thức nào bị chặn quá vài ngày ở Trung Quốc. Thay vào đó, các công cụ kiểm duyệt của Trung Quốc thường chỉ nhắm đến việc ngăn chặn đối với một số bài báo có thôn tin “nhạy cảm” như vụ việc ông Lưu Hiểu Ba được nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình hồi năm 2010.
Cũng theo ông Goldkorn, chẳng có tiêu chuẩn hay quy trình thủ tục nào để Bloomberg có thể tuân thủ, làm theo nếu muốn website của họ được “tháo cũi” ngoại trừ việc vận động hành lang tích cực với các quan chức cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc.
Đến nay, người phát ngôn của Bloomberg vẫn từ chối đưa ra bình luận về vụ việc này còn các phóng viên của hãng đã được khuyến cáo không gửi email bài báo này hay thậm chí là in ra để phòng tránh sự việc lan rộng hơn nữa.
Theo T.D.P
Infonet