TS Lê Đăng Doanh: Bối cảnh mới, đòi hỏi mới

Ngày đăng : 07/04/2012 - 9:01 PM
 

Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh chia sẻ với VnEconomy những nhận định của ông về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay và vai trò của nhà nước trong quản lý kinh tế.

 

Cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại mình

Thưa ông, con số doanh nghiệp phá sản và tuyên bố dừng hoạt động trong quý 1 nói lên điều gì?

Số doanh nghiệp mới đăng ký thì giảm 8% về số lượng và 12% về vốn, trong khi có tới 12 nghìn doanh nghiệp tuyên bố phá sản hoặc dừng hoạt động trong quý 1. Quan trọng hơn, con số ngừng hoạt động theo thông báo của cơ quan thuế là cao hơn con số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, chúng tôi thấy là nó tác động xấu đến thu nhập, việc làm của người lao động.

Cũng có ý kiến nói các doanh nghiệp ngừng hoạt động là doanh nghiệp “ma”, tôi nghĩ cần có sự điều tra khảo sát, phải có căn cứ rõ ràng hơn, không phải chỉ là doanh nghiệp nhỏ ngừng đâu, các công ty thép, chứng khoán, bất động sản đã giảm hoạt động rất nhiều. 

Về phía doanh nghiệp, đây là thời điểm để họ tự đánh giá mình. Doanh nghiệp cần sự chuyên nghiệp để tồn tại và phát triển. Nhiều doanh nghiệp bung ra trong vài năm trước thấy làm ăn dễ quá nên nghĩ là mình có thể kinh doanh, đó là cơ hội thị trường do việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tạo ra. Nhưng giờ khó khăn, mới thấy cần chiến lược và sự bài bản. 

Ông có thể “điểm danh” ngắn gọn những điểm hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, và đâu là khó khăn lớn nhất của họ?

Qua phân tích thì có thể thấy cơ cấu xuất khẩu chậm thay đổi, giá trị gia tăng thấp, trình độ công nghệ thấp và ít được đầu tư, cải thiện. Đa số doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng cao, chất lượng sản phẩm kém cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp chưa chú ý xây dựng thương hiệu, chưa có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đây là các vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa giải quyết được.

Hiện doanh nghiệp khó khăn lớn ở chỗ tiếp cận vốn và không trả được nợ cũ. Nợ cũ chưa trả thì không thể vay mới. Tại một số nước thì chính phủ mua lại nợ doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại, vay vốn trở lại. Chính phủ có cổ phần trong các doanh nghiệp và nếu điều hành khéo thì thậm chí chính phủ cũng có lãi. Tuy nhiên, việc này cần kỹ năng và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và dĩ nhiên là phải công khai minh bạch, tránh chuyện xin cho ở đây.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn thấy là nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chỉ vay với lãi suất 17% thôi vì họ làm ăn tốt, độ tin cậy cao. Đây cũng là điều mà doanh nghiệp phải lưu ý.

Ông đánh giá thế nào về các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay?

Chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đến được với nhiều doanh nghiệp. Các báo cáo chính sách rất đẹp, nhưng chính sách trên giấy và chính sách thực tiễn khác xa nhau. Hỏi đến doanh nghiệp thì doanh nghiệp nói chính sách hay nhưng không đến được với họ.

Hiện có tình trạng đáng buồn là doanh nghiệp xin được cái mỏ hay lô đất thì giàu ngay, chăm chú đầu tư khoa học công nghệ thì phải đợi 5-10 năm...

Vậy những kiến nghị cụ thể của ông trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhau “vượt khó” lúc này là gì?

Nhà nước cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát để giúp doanh nghiệp sống sót, tồn tại và tiếp tục kinh doanh. Trước mắt, xin tập trung cho việc sửa đổi 16 luật về kinh doanh để cải thiện khung pháp luật. Đây cũng là thời điểm cần áp dụng các rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước như hạn chế mở siêu thị, hạn chế nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho chất lượng lao động, giáo dục - đào tạo…

Về phía doanh nghiệp cần lưu ý những điểm gì, thưa ông?

Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập sẽ tiếp tục phát triển sâu, rộng, tạo ra cơ hội và thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải có hiểu biết, kỹ năng để ứng phó. Cần tạo ra sự khác biệt để tồn tại trong quá trình hợp tác và cạnh tranh với Trung Quốc.

Doanh nghiệp hoạt động trong môi trường toàn cầu hóa phải suy nghĩ toàn cầu nhưng hành động cụ thể, phải có chiến lược tiến và lùi. Phải quan niệm làm kinh tế phải như đánh trận. Giống như khi đánh nhau ở Điện Biên Phủ, cần thì kéo pháo vào, chưa cần thì lại phải rút ra. 

Trước mắt, duy trì sự hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay để chuẩn bị cho bước phát triển mới. Tôi có nói chuyện với một số anh em doanh nghiệp, tôi nói tình hình thế này, tồn tại được là đã hạnh phúc.

Bối cảnh mới, đòi hỏi mới

Bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước như vậy dường như đang đặt ra những đòi hỏi mới đối với quản lý nhà nước về kinh tế?

Chúng ta thấy rất rõ là tình hình hiện nay đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, phải tư duy toàn cầu, nhưng phải có hành động cụ thể, Hành động cần công khai minh bạch, có thể dự báo được, có tính thực tiễn và phù hợp với các cam kết quốc tế. Hiện nay, chúng ta thấy rằng chính sách rất thiếu tính dự báo trước. Theo cam kết gia nhập WTO, các quyết định cần được công bố dự thảo trước 60 ngày để lấy ý kiến, nhưng việc này đôi khi không được tôn trọng.

Gần đây có xuất hiện những ý kiến nói rằng dường như bộ máy của nhà nước không theo kịp được sự phát triển của nền kinh tế?

Bộ máy nhà nước của chúng ta thấy rõ là chưa theo kịp. Khả năng điều hòa phối hợp giữa các bộ ngành còn thấp. Chẳng hạn, Bộ Giao thông Vận tải có sáng kiến về thu phí, nhưng trên thực tế đó chẳng phải là phí. Phí là để trả cho một dịch vụ tiêu dùng, còn Bộ nói phí đó để trả cho việc giảm ùn tắc giao thông thì đó không phải là dịch vụ. Anh phải làm cái gì cho tôi dùng, tôi có lợi thì tôi mới đóng phí.

Việc điều hòa phối hợp giữa các bộ và việc đối thoại giữa các cơ quan nhà nước phải được tăng cường và điều đó chỉ có thể làm được bằng việc tăng cường công khai minh bạch và đối thoại. Gần đây các bộ trưởng đã tăng cường đối thoại và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tăng cường chất vấn, đấy là những bước đi đúng hướng. Điều quan trọng nhất vẫn là làm sao tạo ra được hiệu quả thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Trong một số diễn đàn gần đây ông có nhận xét là dường như cải cách đang chậm lại. Nên hiểu vấn đề này thế nào, thưa ông?

Vâng, tôi nghĩ rõ ràng là cải cách chưa theo kịp phát triển. Cải cách đang chậm lại, trong khi năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ chưa được nâng lên nhiều. Chẳng hạn về giáo dục, người Việt Nam rõ ràng không theo kịp bên ngoài. Cũng là người Việt Nam nhưng ở trong nước kém hơn người Việt Nam ở nước ngoài. 

Thứ hai là về bộ máy hành chính của chúng ta, rõ ràng là quá cồng kềnh và kém hiệu quả, và phát huy tác dụng đối với cộng đồng doanh nghiệp rất thấp.

Thế giới từng coi Việt Nam như “người hùng cải cách”, nhưng giờ đây thì cải cách đang chậm lại. Các quyết định chính sách thì đôi khi giật cục, khó tiên lượng. Môi trường kinh doanh khó khăn hơn do lạm phát cao và các chính sách tài chính tiền tệ. Myanmar gần đây cải cách mạnh, cạnh tranh trong thu hút FDI, xuất khẩu. Tôi nghĩ đó là điều các nhà lãnh đạo có thể xem xét một cách nghiêm túc.

Gần đây, khi nói về chiến lược phát triển dài hạn, thế giới người ta nói nhiều đến tăng trưởng xanh. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Tăng trưởng xanh là tăng trưởng trừ đi ô nhiễm môi trường và khai thác tài nguyên có hại cho tương lai. Bây giờ cả thế giới hướng tới tăng trưởng xanh, ai khoe khoang tăng trưởng cao có khi người ta cười cho.

Chúng ta phải tính đến tăng trưởng xanh dựa trên cơ sở bền vững cho mai sau, phải đảm bảo nguồn tài nguyên nước, không khí cho mai sau. Khai thác quặng xong thì phải hoàn thổ để có thể gieo trồng được. Nếu không thì chúng ta mới bước vào nhóm thấp của các nước có thu nhập trung bình thì chúng ta đã tàn phá tài nguyên và môi trường. 

Chúng ta đều biết môi trường chung còn tương đối tốt nhưng ở Hà Nội, Tp.HCM và các khu công nghiệp thì đã bị tổn thương rất nhiều, và để làm được cần sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và bộ máy nhà nước.

Theo Anh Minh
VnEconomy
 
 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

“Tích tiểu thành đại” để giàu có như Warren Buffett

Ngày đăng : 04/01/2012 - 10:19 PM

Hãy tiết kiệm từng đồng như “nhà tiên tri của Omama”. Chắc chắn bạn sẽ trở nên giàu có hơn.

 

 

Nhiều người đã cố gắng học theo phong cách đầu tư của tỷ phú Warren Buffett. Sẽ còn thêm nhiều người khác làm như vậy bởi họ cố gắng tìm kiếm ý tưởng đầu tư tốt nhất cho năm 2012. Tuy nhiên dưới đây có một mục tiêu dễ thực hiện hơn: Hãy tiết kiệm từng đồng như “nhà tiên tri của Omama”. Chắc chắn bạn sẽ trở nên giàu có hơn.

Khi đứa con đầu lòng được sinh ra, nhà tỷ phú nổi tiếng tiết kiệm Warren Buffett đã sửa một chiếc tủ quần áo thành một cái xe đẩy có mui. Với đứa con thứ hai, ông mua một cái cũi. Khi sống tại New York để nhận hợp đồng đầu tư trị giá đến 6 con số với khách hàng trong thập niên 1960, ông đã đã gọi một người bạn từ khách sạn New York Plaza đến để ông khỏi phải trả tiền dịch vụ phòng. Ông đã dùng chiếc xe Volkswagen cho đến lúc vợ ông quyết định một chiếc xe xoàng như vậy ảnh hưởng đến hình ảnh của ông và mua xe Cadillac.

Dù là đầu tư vào công ty hay mua sắm đồ cần thiết hàng ngày, chủ tịch kiêm CEO tập đoàn Berkshire (hiện là người giàu thứ 3 thế giới theo tính toán của Forbes), luôn suy nghĩ rằng các khoản nhỏ rồi sẽ thành khoản lớn. Hãy nhìn vào cuộc sống theo cách này: Nếu mỗi đồng bạn giữ được, không tiêu xài hoang phí, sẽ giúp bạn có thêm tiền đầu tư cho tương lai và thậm chí có thể để dành cho kỳ nghỉ tiếp theo của bạn.

Tỷ phú Buffett đã thể hiện rõ ràng rằng việc tiết kiệm tiền không phải chỉ phù hợp với người nghèo. Vậy theo cách nghĩ của tỷ phú Buffett, hãy tìm cách cắt giảm chi tiêu trong năm nay.

Dưới đây có một số cách:

1. Hãy tự chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa cho mình. Đừng mua nó trên đường đi làm. Vào bữa tối hôm trước, hãy nấu nhiều đồ ăn hơn và để dành một ít cho ngày hôm sau.

2. Hãy mua thực phẩm đúng mùa và tận dụng cơ hội mua hàng hạ giá ở siêu thị.

3. Hãy mua hàng theo kiểu mua buôn và để đồ ăn vào tủ lạnh.

4. Không nên đi siêu thị lúc bạn đang đói.

5. Hãy tự nấu ăn thay cho việc gọi đồ ăn từ cửa hàng. Hãy chỉ ăn tại nhà hàng trong các dịp đặc biệt.

6. Khi gọi món ăn trong nhà hàng, hãy chọn món nào mà ở nhà bạn không thể nấu ngon được như họ.

7. Hãy tự chuẩn bị lấy kem cho mình. Bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều nếu tự mua hương vị mà mình yêu thích khi loại kem đó hạ giá tại siêu thị.

8. Hãy mang theo cà phê đến chỗ làm.

9. Mang theo một chai nước để uống thay cho việc mua nước đóng chai.

10. Trừ khi nhà hàng cung cấp soda miễn phí, hãy mang theo nước riêng để uống.

11. Uống rượu hoặc cocktail trước khi đi ra ngoài ăn thay cho việc gọi chúng khi ăn tại nhà hàng. Một cốc rượu tại nhà hàng thường có giá tương đương cả chai rượu.

12. Khi tuýp thuốc đánh răng hoặc kem cạo râu gần hết, hãy cắt nó ra và dùng nốt chỗ còn lại.
Còn tiếp…

 

Theo Ngọc Diệp

  TTVN


 


Triết lý kinh doanh của ông chủ Tập đoàn Hoa Sen

Ngày đăng : 01/01/2012 - 5:15 PM

Trong cơn bão khủng hoảng, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen - Lê Phước Vũ vẫn kiên định mục tiêu xây dựng nhà máy với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, để mở hướng đi mới, đưa thương hiệu vươn tầm quốc tế.

 

Trong cơn mưa dầm rả rích kéo dài tới khuya, người ta vẫn thấy ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen chạy ngược chạy xuôi trên công trường xây dựng Nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là giai đoạn căng thẳng nhất với cả công ty, đặc biệt là ông - người đã dùng uy tín, tâm huyết, kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn với nghề thuyết phục HĐQT đổ vốn hàng nghìn tỷ đồng tạo dựng nhà máy để chủ động sản xuất, mở ra hướng phát triển mới mà nhiều người cho rằng nó không khả thi.

Đó là giai đoạn giữa năm 2010 đến 2011, kế hoạch phát hành thêm 500 tỷ đồng cho đối tác chiến lược đột ngột khựng lại do bóng đen nợ công châu Âu ập đến, thị trường chứng khoán lao dốc không phanh. Ông Vũ nói: "Xây dựng dang dở nhưng không còn tiền để làm. Chính sách thắt chặt tiền tệ đẩy lãi vay tăng cao, tỷ giá biến động mạnh. Chúng tôi bàng hoàng không biết điều gì đang xảy ra".

Với ông, lúc này chỉ có một lối thoát là nhanh chóng đưa nhà máy hoạt động sớm nhất có thể, để có dòng tiền, doanh thu để trích khấu hao. Thậm chí việc xuất khẩu ra thị trường bên ngoài cũng được tính đến, chứ không chỉ dồn sức cho nội địa như từ trước tới giờ. "Chúng tôi chỉ có con đường duy nhất là tồn tại hay không tồn tại, chứ không phải là thành công hay không thành công, có muốn làm hay không", người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen nhớ lại.

Chính vì thế, đích thân Chủ tịch Lê Phước Vũ nằm vùng ở địa bàn xây dựng hàng tháng trời, 12h đêm vẫn ngược xuôi trên công trường, trong những cơn mưa dầm không dứt. Nhớ lại quãng thời gian này, ông chia sẻ: "Chúng tôi làm việc như thời chiến". Bản thân ông vừa đốc thúc nhà thầu thiết kế, thi công, giám sát xây dựng nhà xưởng, vừa hối thúc nhà cung cấp máy móc thiết bị giao hàng kịp thời để lắp đặt máy nhanh cho kịp tiến độ. Dây chuyền này lắp xong tới dây chuyền khác, bảo đảm sự đồng bộ. Kết quả là chỉ trong 10 tháng nhà máy đã cho ra đời những sản phẩm đầu tiên.

Trước đó, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 đã giáng đòn chí tử với nhiều doanh nghiệp, Hoa Sen cũng không ngoại lệ. Giá thép cán nóng (nguyên liệu sản xuất thép cán nguội và tôn mạ) giữa năm 2008 trên 1.100 USD một tấn đã giảm còn 400 USD vào cuối năm (giảm hai phần ba chỉ trong 6 tháng). HĐQT Tập đoàn Hoa Sen như ngồi trên đống lửa vì mỗi ngày qua đi, giá càng giảm sâu.

Lúc đó, ông Vũ quyết định cắt lỗ, nhanh chóng bán hết hàng trong kho, rồi sau đó mua lại với giá rẻ hơn, nhu cầu tới đâu mua tới đó. Nhờ vậy, doanh nghiệp thoát khả năng thua lỗ gần như nắm chắc trong niên độ tài chính 2008 – 2009, và còn có lãi.

Nghĩ lại những biến cố không thể quên trong cuộc đời, Chủ tịch Lê Phước Vũ đúc kết: "Quyết đoán, chính xác, linh hoạt ở mọi hoàn cảnh, tạo sức mạnh đoàn kết trong toàn thể nhân viên là cốt lõi thành công". Song, nói thì dễ, làm mới khó và trước một quyết định mang tính sống còn, những lãnh đạo cấp cao phải "mắt sáng" để trong trăm phương nghìn hướng chọn ra lối đi đúng đắn nhất. Đây là những đúc kết ông có được sau nhiều thành công, nhưng cũng lắm thử thách, nhất là chặng đường trước khi bén duyên với ngành tôn thép.

Thập niên 90, chàng thanh niên Lê Phước Vũ trải qua nhiều công việc khác nhau, sống chật vật với đồng lương ít ỏi. Chắt chiu nhiều năm trời, anh tích cóp được 2 chỉ vàng (tương đương hơn một triệu đồng). Vay mượn thêm người quen, Vũ thuê cửa hàng để kinh doanh tôn lẻ tại ngã tư An Sương, quận 12, TP HCM. Cầm số tiền lãi 650.000 đồng của ngày đầu tiên làm chủ cửa hàng nhỏ, hai vợ chồng rưng rưng nước mắt.

Nhưng con đường kinh doanh không dễ có lợi nhuận như ngày hôm đó, đặc biệt là với một người không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực kinh tế như ông. Quá trình biến một cửa hàng nhỏ bé chỉ với vài nhân viên để thành một tập đoàn gần 3.000 lao động, doanh thu hơn 8.000 tỷ đồng như hôm nay là một quãng đường dài, đầy khó khăn.

Cửa hàng bán lẻ nếu cứ kinh doanh mãi một kiểu sẽ không còn lời, thậm chí khó tồn tại. Vì vậy, sau một thời gian, ông chuyển lên xây dựng xưởng cán tôn, rồi chyển lên sản xuất lớn đòi hỏi đầu tư hiện đại, cho ra sản phẩm tốt cao... Tiếp đến, Tôn Hoa Sen xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối hiệu quả... để cạnh tranh với các đối thủ nặng ký là những tập đoàn lớn của nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam.

Người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen tâm đắc câu nói "mạnh dùng lực, yếu dùng thế". Ông ví von, các tập đoàn nước ngoài như người khổng lồ trên võ đài tung các cú đấm mạnh, nhưng nếu mình khôn ngoan, biết cách né tránh, họ sẽ không đánh tới được mà luôn cách ta gang tay, việc cố đấm chỉ khiến họ mệt thêm. Nhờ biết cái thế của mình nên ngoài việc giữ vững thị phần, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng trong thời buổi khó khăn.

Chủ tịch Tôn Hoa Sen dẫn chứng, năm tài chính 2010-2011, sản lượng tiêu thụ của công ty là gần 382.000 tấn, đạt gần 8.200 tỷ đồng doanh thu và hơn 160 tỷ đồng lợi nhuận. Riêng lợi nhuận sau thuế hợp nhất lũy kế quý I của niên độ tài chính 2011-2012 (tháng 10, 11 và 12/2011) ước khoảng 100 tỷ đồng.

Triết lý đạo Phật có ảnh hưởng lớn đến đường lối kinh doanh của Hoa Sen, bởi ông Vũ là người có niềm tin vào Đức Phật. Cái tên Hoa Sen có ý nghĩa: "Vô nhiễm, trừng thanh, kiên nhẫn, viên dung, thanh lương, hành trực, ngẫu không và bồng thực". Còn phương châm kinh doanh của Chủ tịch Lê Phước Vũ là làm ăn chân chính, tạo công ăn việc làm chính đáng cho người lao động, mang lại những hạnh phúc căn bản nhất cho con người.

 

Theo Bạch Hường

VnExpress

 


Bà "trùm" trần vách nhẹ VN: "May là tôi già nhưng tôi dám mạo hiểm"

Ngày đăng : 01/01/2012 - 9:55 AM

Mưu sinh bằng nghề may, rồi tập tành buôn bán, dấn thân vào thương trường và trở thành bà chủ nắm đến 60% thị phần của ngành vật liệu trần vách nhẹ. Bà là Nguyễn Thị Ngọc Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Tường.

 

 

Có gan làm giàu

"Nếu kể lại câu chuyện kinh doanh của mình như câu chuyện giữa hai người thì tôi rất thoải mái và rất vui vì có người nghe, nhưng nói phỏng vấn thì tôi ngại lắm, tôi không biết trả lời làm sao". Người phụ nữ tuổi ngũ tuần rặt giọng Sài Gòn đã "đón lõng" như thế trước khi nói về 20 năm thăng trầm để Vĩnh Tường trở thành nhà sản xuất vật liệu xây dựng lớn nhất nước hiện nay.

Bà Ngọc Loan bắt đầu mưu sinh bằng nghề may rồi dạy may, vừa bếp núc thêu thùa vừa chăm chút con cái. Khi bạn bè gợi ý làm kinh doanh vật liệu xây dựng để cải thiện cuộc sống thì bà Loan không ngại khó để tập tành buôn bán. Mỗi ngày bà chạy xe qua trước cửa hàng A Muội trên đường Lý Thường Kiệt, thấy cửa hàng gạch của họ lúc nào cũng đông khách bà nghĩ ngay đến việc người khác làm được, mình cũng có thể làm. Thế là hùn hạp vốn cùng bạn bè kinh doanh.

- Bà nói lẽ ra mình là người phụ nữ thêu thùa cơm nước trong gia đình, thực tế Vĩnh Tường ngày nay đã thành thương hiệu số 1 về vật liệu cho ngành xây dựng? Bà xây dựng Vĩnh Tường theo kiểu "kiến tha lâu đầy tổ"?


Tôi bắt đầu với một cửa hàng vật liệu xây dựng ở đường Tô Hiến Thành. Tiền ít nhưng tôi gan lắm, ban đầu mua lẻ, sau đó mua cả đoàn tàu gạch men của thủy thủ về bán. Khi ngành xây dựng chuyển sang dùng tấm trần, chúng tôi nhập hàng Hồng Kông, Thái Lan về bán. Tôi không có chuyên môn về ngành xây dựng nên việc kinh doanh những ngày đầu tiên rất khó khăn. Nhưng cũng may, tôi có một người thầy giỏi và cũng là người chồng, anh Dũng (ông Đoàn Hùng Dũng, Tổng Giám đốc KCN Long Hậu - PV). Mỗi tối đi làm về anh Dũng mang bản vẽ ra chỉ tôi cách đọc, bóc tách hạng mục, tính toán khối lượng vật tư. Sau đó, nhờ chịu khó, từ cửa hàng nhỏ tôi mở thêm nhiều cửa hàng mới. Có thể nói chúng tôi là nhà bán vật liệu đầu tiên có đội ngũ bán hàng biết tính toán, tư vấn cho khách hàng. Câu chuyện cứ thế, lúc thuận lợi lúc khó khăn, mình dần xoay chuyển theo sự phát triển của thị trường và nâng mình lên thôi.

- Bà có bao giờ cảm thấy thất vọng khi việc kinh doanh không như ý? Khi đó bà làm gì?

Kinh doanh cũng có lúc thắng lúc thua. Có những thất bại chua xót lắm. Tôi nhớ khi sản phẩm mình lần đầu ra thị trường, đưa hàng vào công trình còn khó khăn lắm. Có lần chào hàng ở một công ty trong nước, họ ưng ý ngay vì sản phẩm mình dày và đẹp. Nhưng khi hàng chở đến đặt trong hộp có ghi bằng tiếng Việt thì họ từ chối, thuyết phục cách nào cũng không chấp nhận. Trên đường chở hàng về tôi buồn và khóc. Nhưng tôi cũng không chịu thua, ngày hôm sau phải lập tức rút ra bài học và đứng dậy. Tôi quyết tâm sản phẩm của Vĩnh Tường về sau phải có mẫu mã, bao bì đẹp và sang trọng.

- Và mới đây thì Vĩnh Tường đã mở tới nhà máy thứ năm?

Năm 1997, từ đồng vốn gom góp của chị em trong nhà, nhà máy đầu tiên của Vĩnh Tường ở KCN Lê Minh Xuân trên diện tích vỏn vẹn có 1.500 m2 ra đời. Ban đầu khó khăn lắm, nhưng nhờ lợi thế là nhà cung cấp, thi công hoàn chỉnh và có sẵn khách hàng nên chỉ năm sau công việc kinh doanh của nhà máy này đã diễn ra trôi chảy. Thế rồi để tăng công suất, nhà máy thứ hai ra đời. Nói là hai nhà máy nhưng qui mô lại quá nhỏ, trong khi phải duy trì hai bộ máy quản lý tốn kém. Tôi gom về một, rồi hai năm sau mua nhà máy khác để mở rộng diện tích sản xuất ra thành 15.000 m2.

Năm 2006, chúng tôi khai trương tổ hợp nhà máy rộng 5 ha tại KCN Hiệp Phước, đánh dấu một bước phát triển mới, tạo bước ngoặt để chuyển từ công ty gia đình thành công ty cổ phần. Để có nhà máy thứ 5 hiện nay chúng tôi lên kế hoạch từ 3 năm trước và đầu tư nghiên cứu rất nhiều. Nhà máy mới sản xuất tấm calcium silicate được thiết kế theo tiêu chuẩn công nghệ hiện đại của thế giới, đáp ứng xu hướng của thị trường xây dựng hiện đại là sản phẩm không độc hại, ưu việt về khả năng chịu nước, chống cháy, cách âm, cách nhiệt…

- Rồi mở nhà máy tận Campuchia, Singapore, làm sao bà quán xuyến hết?

Trong một tổ chức, không thể tất cả mọi cá nhân đều xuất sắc, mà người này bổ sung cho người kia. Điều quan trọng nhất là tất cả đều phải có một trái tim đồng điệu

Khi hàng mình xuất sang đã có thị phần lớn và nhận thấy thời cơ đã chín muồi chúng tôi xây dựng nhà máy tại chỗ để giảm chi phí vận chuyển và nâng cao sức cạnh tranh. 10 năm mua bán với Campuchia, từ lúc thị trường sơ khai cho tới ngày phát triển, nhu cầu thị trường tăng cao thì cần có nhà máy để đáp ứng. Chúng tôi cũng giao thương với thị trường Singapore tròn 10 năm. Khoảng 3 năm trước các doanh nghiệp Malaysia xâm nhập thị trường này rất mạnh. Họ sản xuất ngay tại chỗ và cạnh tranh dễ dàng hơn. Vì thế, tôi quyết định xây nhà máy tại đây, tuyển dụng lao động địa phương để giảm chi phí.

Lúc đầu chúng tôi liên kết với một công ty bản địa là Compact Resource. Đối tác này chiếm 46% cổ phần, sau đó chúng tôi mua lại toàn bộ cổ phần của họ.

- Ở Việt Nam, Vĩnh Tường nắm tới hơn 60% thị phần của ngành vật liệu trần vách nhẹ. Đâu là lợi thế của Vĩnh Tường để có được kết quả ấn tượng này?

Tôi nghĩ năng lực sản xuất và kênh phân phối là lợi thế cạnh tranh của Vĩnh Tường. Mình tham gia thị trường sớm nên có những kinh nghiệm nhất định. Cho đến nay, Vĩnh Tường đã có mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước, đồng thời là nhà sản xuất và cung cấp giải pháp về trần và vách ngăn nhẹ cho thị trường. Cạnh tranh là tất yếu trong kinh doanh, Vĩnh Tường phát triển như hiện nay cũng nhờ cạnh tranh mà nên. Tôi không sợ cạnh tranh, nhưng mỗi khi đối thủ của mình trỗi dậy hoặc mạnh lên thì mình phải lo lắng. Họ cũng vậy thôi. Mình tìm giải pháp để cạnh tranh trên lợi thế của mình. Mỗi ngày sản phẩm càng hiện đại, công nghệ càng thay đổi, mình cũng phải chuyển mình theo và thay đổi cơ cấu quản lý cho phù hợp.

Tuổi già và sự mạo hiểm

- Giờ ở Vĩnh Tường là một lớp trẻ được đào tạo bài bản. Vậy bà có gặp khó khăn trong việc chuyển giao công việc trong một công ty gia đình?

Công ty muốn lớn mạnh thì phải theo kịp xu hướng mới, cách quản trị mới. Những người trẻ có trình độ và được đào tạo bài bản gia nhập công ty là điều cần thiết. Tôi biết mình già và cũ nên từ năm 2005, việc quản trị dần thay đổi để những người trẻ có trình độ và "đủ lửa" tham gia nhiều hơn. Người mới và người cũ, già và trẻ thường xuyên xung đột. Trẻ phiêu lưu, già thận trọng. Nhưng may là tôi già nhưng tôi dám mạo hiểm. Trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau thì nhu cầu về nhân lực quản lý cũng khác nhau. Hiện công ty phát triển theo hướng hiện đại hơn, quy mô lớn hơn thì cần phải có mô hình quản lý mới và những nhân tố mới. Khi người mới đảm nhiệm vị trí quản lý thì mình lùi lại và đả thông tư tưởng cho người cũ để họ hiểu rằng công ty cần có những nhân tố mới để phát triển. Người mới cũng phải hiểu người cũ là một phần của quá khứ, có nhiệm vụ duy trì và phát huy. Trong một tổ chức, không thể tất cả mọi cá nhân đều xuất sắc, mà người này bổ sung cho người kia. Điều quan trọng nhất là tất cả đều phải có một trái tim đồng điệu, có như vậy mới có thể cùng đi chung trên một chuyến xe, qua nhiều trạm để đến được đích.

- Liệu bà có đối chọi với lớp trẻ, có sẵn lòng chuyển giao kinh nghiệm thương trường của mình cho họ?

Người trẻ thường bảo "ôi cũ kỹ, già nua, thôi đổi đi", trong khi người cũ thì muốn giữ lại. Tôi có muốn can thiệp vào công việc của cộng sự cũng phải khéo léo. Tôi chỉ nói với họ rằng: chỉ thay đổi một thứ nào đó khi các bạn hiểu hoàn toàn về nó. Khi ta chưa hiểu tường tận về công việc của công ty mà thay đổi sẽ làm lãng phí tiền bạc và thời gian. Nhất trong lĩnh vực kỹ thuật, rất cần những người có hiểu biết sâu và hệ thống. Khi quyết định chén cơm của người khác thì lại cần suy nghĩ kỹ càng hơn. Thường trong nhiều tình huống thì lời khuyên này là đúng và được chấp nhận.

- Mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, kinh tế hiện lại khó khăn, bà cảm nhận sức ép cạnh tranh trong ngành vật liệu xây dựng ra sao?

Tiền là thành quả của lao động, phải vất vả mới có nó. Kinh doanh không có lời thì rất nản chí, nhưng làm việc đâu phải chỉ vì tiền

Kinh tế khó khăn ảnh hưởng ngành này nhiều. Khó khăn và thử thách buộc mình phải lèo lái không chỉ bằng kinh nghiệm mà còn cả bản lĩnh thương trường. Hệ thống bán buôn của chúng tôi trước đây được xây dựng trên khái niệm về sự trung thành (của khách hàng), còn bây giờ là chất lượng - dịch vụ - quyền lợi. Khi thị trường có quá nhiều người tham gia, mình khó kiểm soát giá được, mạnh ai nấy bán, tìm giá chuẩn rất khó. Tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành này lại chưa chuẩn nên có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Trước đây khi tình hình thị trường thuận lợi thì đôi lúc có thể lơi lỏng về mặt quản lý mà vẫn không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của công ty vì hệ thống cứ theo đó mà chạy. Nhưng nay tình hình khó khăn, phải sâu sát. Các chỉ tiêu theo tháng, theo quý, theo năm phải được theo dõi chặt chẽ để phản ứng kịp thời với thị trường. Người đẩy, kẻ kéo thì mới đạt được.

Xây dựng doanh nghiệp là niềm tự hào


- Bôn ba bươn chải như thế, bà quan niệm thế nào về đồng tiền?

Tiền có giá trị nhưng không quan trọng nhất. Tiền là thành quả của lao động, phải vất vả mới có nó. Kinh doanh không có lời thì rất nản chí, nhưng làm việc đâu phải chỉ vì tiền. Kể cả bây giờ ngừng làm việc tôi cũng có thể sống đầy đủ, thậm chí giàu có. Nhưng doanh nghiệp phát triển tới mức nào đó thì phải vươn xa hơn, thế là lại phải mạo hiểm, phải chấp nhận rủi ro. Tôi nghĩ kinh doanh, kiếm tiền chỉ để sống một đời thì cũng không có ý nghĩa. Doanh nghiệp là thành quả lao động của nhiều năm, là sự tự hào, mình làm là vì điều đó.

- Vậy bà giáo dục con cái cách nào trong một gia đình không thiếu tiền?

Con tôi thường gọi tôi là "madam ngày xưa", bởi tôi thường kể chuyện cực khổ, khó khăn trong cuộc sống. Tôi thường chỉ cho con mình cách đánh giá đúng vị trí của đồng tiền. Lao động mà không thu được tiền là thất bại, nhưng phải làm sao có tiền mà không được đánh mất mình. Khi thiếu tiền có thể vay mượn, nợ tiền thì phải trả, nhưng nợ ân tình thì không bao giờ trả hết. Biết học hỏi thì sẽ kiếm ra tiền. Nhưng nếu chỉ biết kiếm tiền, không quan tâm tới những người xung quanh, cuộc sống xung quanh mình, mình sẽ là người cô độc.

- Các con bà được đào tạo ở nước ngoài. Vậy bà có tính tới việc để con nối nghiệp mình?

Con trai tôi học luật bên Anh rồi làm kinh doanh riêng ở một lĩnh vực mà nó yêu thích, chẳng liên quan gì tới ngành nghề gia đình. Một phần thời gian nó phụ giúp bố về luật và đối ngoại. Con gái tôi cũng thỏa thuận khi ra trường sẽ tự kiếm việc để kiếm tiền và để thử sức xem mình sống, làm việc trong môi trường đó ra sao. Chúng tôi vẫn muốn con cái thay mình làm nghề, nhưng mình vẫn phải tôn trọng sở thích của chúng. Bố mẹ thì luôn muốn ở con mình điều này điều kia, nhưng nếu chúng không đạt được ước mơ của riêng mình thì chúng cũng buồn, như vậy mình cũng là người ích kỷ.

- Xin cảm ơn bà!

 

 
Theo Tuyết Ân
 Diễn đàn doanh nghiệp
 


"Trùm bánh ít" tặng CEO Facebook tên miền .vn

Ngày đăng : 28/12/2011 - 10:25 AM

Tin cho hay, CEO Facebook đã lên chuyến bay vào TP HCM, một người miền nam cũng đã có món quà tặng anh, đó là tên miền markzuckerbeg.vn

 

 

Nguyễn Trọng Khoa - người sở hữu hơn 700 tên miền quốc tế liên quan đến thương hiệu Việt Nam, được cho là sẽ có cuộc gặp gỡ Mark Zuckerberg vào ngày 28/12, trong chuyến du lịch của Mark và bạn gái đến TP HCM.

Gọi Khoa là "trùm bánh ít" bởi anh từng là Giám đốc Marketing của FPT Online, sau đó anh bỏ ngang sang mở quán bánh ít kiểu Bình Định vào năm 2009, có hẳn website banhitlagai.com của Khoa lập ra cho thương hiệu đặc sản này.
 
Là người may mắn được Facebook mời sang Mỹ để ghé thăm trụ sở vào tháng 2 vừa qua, anh Khoa cũng đã tặng người đứng đầu Facebook một bức tranh sơn dầu bản đồ Việt Nam.

Nhân dịp Mark Zukerberg sang thăm Việt Nam lần này, anh dự định sẽ tặng tên miền markzuckerberg.vn cho CEO Facebook.

Trọng Khoa chia sẻ, niềm vui và tự hào nhất của anh Khoa đó là được làm những gì mình thích, mang lại nhiều niềm vui cho cộng đồng, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra nước ngoài.

 


TheoCường Cao
VTC News

 


Tiêu điểm công nghệ: CEO Facebook ở Việt Nam

Ngày đăng : 26/12/2011 - 6:55 PM

Thông tin CEO Facebook, Mark Zuckerberg, sang Việt Nam đã làm nóng các trang tin, diễn đàn công nghệ vài ngày qua. Những tin tức xung quanh chuyện ăn, ở, đi lại của Mark đã được báo chí trong nước khai thác triệt để.

 

 

CEO Facebook và bạn gái đã đến Việt Nam đón Giáng sinh từ chiều ngày 22/12. Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc phụ trách phát triển Facebook tại Việt Nam cho biết: "Qua văn phòng đại diện tại Việt Nam, công ty Facebook tại Mỹ đã xác nhận thông tin người sáng lập mạng xã hội lớn nhất thế giới Mark Zuckerberg đã đến Hà Nội vào ngày 22/12”.

“Đây là chuyến đi nghỉ lễ Giáng sinh của Mark và hoàn toàn mang tính chất cá nhân, không hề liên quan tới công việc của Facebook", ông Tước nói. Người đại diện Facebook tại Việt Nam cũng cho biết ông không hề có bất cứ thông tin nào về lịch trình chuyến du lịch hay những điểm tham quan mà CEO Mark Zuckerberg sẽ đến tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhất cử nhất động của Mark Zuckerberg đã được báo chí trong nước “ghi” lại rõ ràng từ đi dạo bờ hồ Hoàn Kiếm, thăm nhà tù Hỏa Lò, tham quan vịnh Hạ Long, bay lên Sapa đón Noel…

Mark Zuckerberg sinh năm 1984, là một trong hai tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ và đang sở hữu khối tài sản có giá trị 13,5 tỷ USD. Năm 2010, CEO Facebook đã được tạp chí Time (Mỹ) bình chọn là “Nhân vật của năm 2010”.

Cho đến nay, Facebook vẫn là mạng xã hội có quá trình phát triển nhanh và có ảnh hưởng nhất. Sau 7 năm thành lập, Facebook hiện có hơn 800 triệu thành viên trên toàn cầu. Năm 2011, mạng xã hội này đạt doanh thu 4,3 tỷ USD, cao hơn hai lần so với năm ngoái. Bởi vậy, việc CEO Facebook tới Việt Nam dĩ nhiên thu hút được sự chú ý của dư luận, đặc biệt là các bạn trẻ.

Apple lại nổi như cồn

Tuần qua, hãng công nghệ Apple dường như đã lấy lại được phong độ khi ghi được hai bàn thắng liên tiếp. Đầu tiên là việc hãng bỏ ra 400 triệu USC thu mua công ty chuyên về công nghệ lưu trữ flash Anobit. Đây là một trong những thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử của “Quả táo”.

Với việc thu mua Anobit, Apple không những được toàn quyền sở hữu các công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực lưu trữ flash, mà còn khiến cho nhiều đối thủ khác trên lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) phải điêu đứng trong việc tìm kiếm nguồn cung khác.

Anobit được thành lập vào tháng 6/2006 với khoảng 200 nhân viên, được biết đến là một hãng sản xuất chip tiên tiến giúp tăng hiệu suất làm việc cho ổ đĩa flash. Apple đã sử dụng các chip của Anobit trong việc sản xuất hai thiết bị di động nổi tiếng hiện nay là máy tính bảng iPad và điện thoại iPhone.

Trước đó, Anobit có quan hệ hợp tác với rất nhiều hãng công nghệ bán dẫn như Hynix và Micron. Tuy nhiên, khi hãng này bị Apple thu mua, các công ty bán dẫn Hynix, Micron và nhiều hãng đối tác khác của Anobit đang phải chuyển hướng tới những công ty tại Đài Loan như Phison Electronics và Silicon Motion Technology để có nguồn cung mới.

Một thông tin khác cũng khiến danh tiếng của Apple nổi hơn. Đó là việc cố lãnh đạo huyền thoại của hãng Steve Jobs sẽ được Viện Hàn lâm ghi âm nghệ thuật và khoa học quốc gia Mỹ (NARAS) vinh danh với giải thưởng cao quý “Special Merit Award” dành cho những đóng góp to lớn của ông trong việc phát triển nghành công nghiệp âm nhạc toàn cầu.

Dự kiến, giải thưởng trên sẽ được công bố tại sự kiện tổ chức vào ngày 11/2/2012. Màn vinh danh đúng nghi thức sẽ được thực hiện vào dịp tổ chức buổi trao giải Grammy Awards thường niên lần thứ 54, phát sóng vào ngày 12/2/2012.

NARAS ca ngợi Steve Jobs là người đã có nhiều sáng tạo đột phá, “tạo nên những sản phẩm và công nghệ thay đổi cách thức con người trải nghiệm âm nhạc, tivi, phim ảnh và sách”. Bên cạnh đó, Jobs cũng có vai trò rất lớn trong việc thiết lập mối quan hệ đối tác với những hãng đĩa hàng đầu thế giới để đưa vào kinh doanh nhạc trên iTunes Store.

Mozilla dẹp tin đồn, Nokia bị chê bai

Theo thông báo của Mozilla, hãng công nghệ này sẽ tiếp tục duy trì quan hệ đối tác với Google thêm ít nhất là ba năm nữa. Theo thỏa thuận, Google sẽ tiếp tục là nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm mặc định cho trình duyệt web Firefox của Mozilla. Hiện những chi tiết về tài chính của thỏa thuận nói trên không được tiết lộ.

Được biết, hợp đồng Google Search chính là nguồn thu chủ lực của Mozilla, chiếm tới 84% trong số 121,1 triệu USD doanh thu năm 2010. Thỏa thuận ký kết ban đầu giữa hai hãng này đã hết hạn vào tháng 11 vừa qua, và hồi tháng 10, Mozilla đã ra mắt trình duyệt của họ đi kèm với Bing của Microsoft. Dư luận khi đó cho rằng, Mozilla muốn “ly hôn” với Google và tìm bến đỗ mới.

Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu của Exane BNP Paribas, dòng smartphone Windows của Nokia đã thất bại trong việc thu hút người tiêu dùng. Mặc dù được giới phân tích đánh giá tốt, song nhiều người tiêu dùng vẫn chưa ‘để mắt” tới dòng điện thoại này, kể cả những người sắp nâng cấp “dế” mới.  

Điều tra cho hay, chỉ có 2% người dân châu Âu nói rằng họ sẽ mua smartphone mới là chiếc Windows Phone của Nokia. Theo chuyên gia Pierre Ferragu của Bernstein, thị trường nền tảng smartphone đã định hình vững chắc, với vị trí chủ đạo thuộc về Android và iPhone OS, do vậy, việc hãng thứ 3 chen vào là khá khó khăn.  

Kể từ hôm 26/10, thời điểm Nokia ra mắt các mẫu Windows Phone đầu tiên, cho tới nay, giá cổ phiếu của hãng công nghệ Phần Lan đã bị giảm tới hơn 20%. Nokia luôn khẳng định, dòng smartphone mới của hãng được bán rất tốt nhưng số liệu cụ thể chưa từng được công bố.

 

Theo VnEconomy.vn


 

Tin mới cập nhật