Tiêu điểm công nghệ: CEO Facebook ở Việt Nam

Ngày đăng : 26/12/2011 - 6:55 PM

Thông tin CEO Facebook, Mark Zuckerberg, sang Việt Nam đã làm nóng các trang tin, diễn đàn công nghệ vài ngày qua. Những tin tức xung quanh chuyện ăn, ở, đi lại của Mark đã được báo chí trong nước khai thác triệt để.

 

 

CEO Facebook và bạn gái đã đến Việt Nam đón Giáng sinh từ chiều ngày 22/12. Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc phụ trách phát triển Facebook tại Việt Nam cho biết: "Qua văn phòng đại diện tại Việt Nam, công ty Facebook tại Mỹ đã xác nhận thông tin người sáng lập mạng xã hội lớn nhất thế giới Mark Zuckerberg đã đến Hà Nội vào ngày 22/12”.

“Đây là chuyến đi nghỉ lễ Giáng sinh của Mark và hoàn toàn mang tính chất cá nhân, không hề liên quan tới công việc của Facebook", ông Tước nói. Người đại diện Facebook tại Việt Nam cũng cho biết ông không hề có bất cứ thông tin nào về lịch trình chuyến du lịch hay những điểm tham quan mà CEO Mark Zuckerberg sẽ đến tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhất cử nhất động của Mark Zuckerberg đã được báo chí trong nước “ghi” lại rõ ràng từ đi dạo bờ hồ Hoàn Kiếm, thăm nhà tù Hỏa Lò, tham quan vịnh Hạ Long, bay lên Sapa đón Noel…

Mark Zuckerberg sinh năm 1984, là một trong hai tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ và đang sở hữu khối tài sản có giá trị 13,5 tỷ USD. Năm 2010, CEO Facebook đã được tạp chí Time (Mỹ) bình chọn là “Nhân vật của năm 2010”.

Cho đến nay, Facebook vẫn là mạng xã hội có quá trình phát triển nhanh và có ảnh hưởng nhất. Sau 7 năm thành lập, Facebook hiện có hơn 800 triệu thành viên trên toàn cầu. Năm 2011, mạng xã hội này đạt doanh thu 4,3 tỷ USD, cao hơn hai lần so với năm ngoái. Bởi vậy, việc CEO Facebook tới Việt Nam dĩ nhiên thu hút được sự chú ý của dư luận, đặc biệt là các bạn trẻ.

Apple lại nổi như cồn

Tuần qua, hãng công nghệ Apple dường như đã lấy lại được phong độ khi ghi được hai bàn thắng liên tiếp. Đầu tiên là việc hãng bỏ ra 400 triệu USC thu mua công ty chuyên về công nghệ lưu trữ flash Anobit. Đây là một trong những thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử của “Quả táo”.

Với việc thu mua Anobit, Apple không những được toàn quyền sở hữu các công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực lưu trữ flash, mà còn khiến cho nhiều đối thủ khác trên lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) phải điêu đứng trong việc tìm kiếm nguồn cung khác.

Anobit được thành lập vào tháng 6/2006 với khoảng 200 nhân viên, được biết đến là một hãng sản xuất chip tiên tiến giúp tăng hiệu suất làm việc cho ổ đĩa flash. Apple đã sử dụng các chip của Anobit trong việc sản xuất hai thiết bị di động nổi tiếng hiện nay là máy tính bảng iPad và điện thoại iPhone.

Trước đó, Anobit có quan hệ hợp tác với rất nhiều hãng công nghệ bán dẫn như Hynix và Micron. Tuy nhiên, khi hãng này bị Apple thu mua, các công ty bán dẫn Hynix, Micron và nhiều hãng đối tác khác của Anobit đang phải chuyển hướng tới những công ty tại Đài Loan như Phison Electronics và Silicon Motion Technology để có nguồn cung mới.

Một thông tin khác cũng khiến danh tiếng của Apple nổi hơn. Đó là việc cố lãnh đạo huyền thoại của hãng Steve Jobs sẽ được Viện Hàn lâm ghi âm nghệ thuật và khoa học quốc gia Mỹ (NARAS) vinh danh với giải thưởng cao quý “Special Merit Award” dành cho những đóng góp to lớn của ông trong việc phát triển nghành công nghiệp âm nhạc toàn cầu.

Dự kiến, giải thưởng trên sẽ được công bố tại sự kiện tổ chức vào ngày 11/2/2012. Màn vinh danh đúng nghi thức sẽ được thực hiện vào dịp tổ chức buổi trao giải Grammy Awards thường niên lần thứ 54, phát sóng vào ngày 12/2/2012.

NARAS ca ngợi Steve Jobs là người đã có nhiều sáng tạo đột phá, “tạo nên những sản phẩm và công nghệ thay đổi cách thức con người trải nghiệm âm nhạc, tivi, phim ảnh và sách”. Bên cạnh đó, Jobs cũng có vai trò rất lớn trong việc thiết lập mối quan hệ đối tác với những hãng đĩa hàng đầu thế giới để đưa vào kinh doanh nhạc trên iTunes Store.

Mozilla dẹp tin đồn, Nokia bị chê bai

Theo thông báo của Mozilla, hãng công nghệ này sẽ tiếp tục duy trì quan hệ đối tác với Google thêm ít nhất là ba năm nữa. Theo thỏa thuận, Google sẽ tiếp tục là nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm mặc định cho trình duyệt web Firefox của Mozilla. Hiện những chi tiết về tài chính của thỏa thuận nói trên không được tiết lộ.

Được biết, hợp đồng Google Search chính là nguồn thu chủ lực của Mozilla, chiếm tới 84% trong số 121,1 triệu USD doanh thu năm 2010. Thỏa thuận ký kết ban đầu giữa hai hãng này đã hết hạn vào tháng 11 vừa qua, và hồi tháng 10, Mozilla đã ra mắt trình duyệt của họ đi kèm với Bing của Microsoft. Dư luận khi đó cho rằng, Mozilla muốn “ly hôn” với Google và tìm bến đỗ mới.

Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu của Exane BNP Paribas, dòng smartphone Windows của Nokia đã thất bại trong việc thu hút người tiêu dùng. Mặc dù được giới phân tích đánh giá tốt, song nhiều người tiêu dùng vẫn chưa ‘để mắt” tới dòng điện thoại này, kể cả những người sắp nâng cấp “dế” mới.  

Điều tra cho hay, chỉ có 2% người dân châu Âu nói rằng họ sẽ mua smartphone mới là chiếc Windows Phone của Nokia. Theo chuyên gia Pierre Ferragu của Bernstein, thị trường nền tảng smartphone đã định hình vững chắc, với vị trí chủ đạo thuộc về Android và iPhone OS, do vậy, việc hãng thứ 3 chen vào là khá khó khăn.  

Kể từ hôm 26/10, thời điểm Nokia ra mắt các mẫu Windows Phone đầu tiên, cho tới nay, giá cổ phiếu của hãng công nghệ Phần Lan đã bị giảm tới hơn 20%. Nokia luôn khẳng định, dòng smartphone mới của hãng được bán rất tốt nhưng số liệu cụ thể chưa từng được công bố.

 

Theo VnEconomy.vn

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Tổng giám đốc Techcombank nói lời chia tay?

Ngày đăng : 26/12/2011 - 6:39 PM

Sau hơn 12 năm “sống cùng” Techcombank, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh sẽ nói lời chia tay?

 

Những ngày qua, một số người trong ngành đề cập đến một lá thư được cho là của ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Lá thư được chú ý, không phải nội dung gắn với một scandal nào đó, hay về chuyện kinh doanh, chuyện hậu trường… của doanh nghiệp, mà nó đề cập đến một lời chia tay khá bất ngờ.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, dự kiến sắp tới Techcombank cũng sẽ công bố cụ thể thông tin liên quan.

Thông tin còn ở phía trước. Nhưng lúc này, sự quan tâm không chỉ trong nội bộ Techcombank, mà còn có ở những câu chuyện bên lề của những người thạo tin. Nhà băng thay đổi “sếp” đã quá quen và bình thường tại Việt Nam những năm gần đây. Còn với Techcombank, với công chúng, hẳn là một điều mới.

Bởi lẽ, ông Nguyễn Đức Vinh đã gắn với Techcombank, hay như từ được dùng trong lá thư trên là “sống cùng”, hơn 12 năm qua. Đó cũng là hơn một thập kỷ hoàng kim của ngân hàng này trong hệ thống. Hoàng kim bởi có sự bứt phá nhanh về quy mô và hiệu quả kinh doanh, về thương hiệu và chiến lược phát triển, và cả ở yếu tố nền tảng cho một sự kế thừa trong tương lai…

Với công chúng, ông Vinh được biết đến ở những mối liên hệ khác nhau. Đó là từ vị trí Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), đến với Techcombank như một sự biệt phái cùng với phần vốn góp. Hay đơn giản chỉ từ một sự kiện: người được Bộ Tài chính lựa chọn để đứng đầu đoàn đàm phán với Tập đoàn Temasek (Singapore) trong thương vụ đầu tư vào Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines năm 2005. Hay ông Vinh thường có tên trong sự đồn đoán là CEO có lương và thu nhập khủng nhất trong giới lãnh đạo ngân hàng Việt Nam những năm qua (?)…

Còn với Techcombank, đó là người điều hành cao nhất trong hệ thống một thời gian khá dài, gắn với những thành công nổi bật trên thị trường. Tất nhiên, thành công của cá nhân được gắn với một tập thể; tại Techcombank những năm gần đây còn có thêm một yếu tố mới là sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài HSBC…

Dưới sự điều hành của ông Nguyễn Đức Vinh, Techcombank nhanh chóng trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản và doanh thu luôn đạt trên 30%; hiệu quả kinh doanh được khẳng định ở vị trí dẫn đầu theo các chỉ số cơ bản ROA, ROE; sớm nắm được vị thế đi đầu trong phát triển sản phẩm dịch vụ, mà cụ thể là ở tỷ trọng nguồn thu dịch vụ lớn trong tổng cơ cấu lợi nhuận - điều mà đến nay rất ít ngân hàng khác tạo được; thương hiệu Techcombank trong những năm qua hẳn cũng đã có được vị trí danh dự trên thị trường, một phần thể hiện ở sự tăng trưởng chóng mặt về số lượng khách hàng…

Với những kết quả đó, đây là nhân vật được gắn với mức lương và thu nhập hàng đầu trong giới tài chính Việt Nam qua những đồn đoán của công chúng, gắn với sự tự hào về thành công của một người làm thuê nổi tiếng.

Với những kết quả đó, một sự chia tay ở vị trí người điều hành cao nhất thời điểm này có thể là khó đón nhận đối với nhiều cán bộ nhân viên của Techcombank.

Trong lá thư được cho là ông Nguyễn Đức Vinh viết, lời chia tay cũng được nói là “thật không dễ chút nào”; và “vẫn biết sự thay đổi sẽ đến với mỗi người trong sự nghiệp và cuộc sống, tôi vẫn thực sự xốn xang khi phải nói lời chia tay với mọi người”.

Và nếu sự chia tay đó diễn ra lúc này, câu hỏi “Tại sao?” đang được quan tâm. Sự quan tâm có trong bối cảnh Techcombank đang ở giữa con đường của chiến lược chuyển đổi toàn diện giai đoạn 2009 - 2014 với tên gọi TechcomOne, mà ông Vinh được xem là một trong những tác giả và linh hồn của nó.

Theo thông tin từ lá thư trên, kế nhiệm ông Nguyễn Đức Vinh từ ngày 1/1/2012 sẽ là một người nước ngoài với hơn 30 năm kinh nghiệm. Nếu vậy, ở đây có sự kế thừa thuận lợi từ một nền tảng mà ông Vinh góp phần gây dựng hơn 12 năm qua, nhưng cũng sẽ là một thử thách lớn đối với người kế nhiệm…

 

Theo VnEconomy.vn

 

 

 

 


Bí kíp quản trị của ông Kim Jong Il

Ngày đăng : 25/12/2011 - 1:33 PM

Nhà lãnh đạo Kim Jong Il đã "quản lý" một doanh nghiệp khổng lồ trong một thời gian dài: 17 năm, được người dân thần thánh hóa. Chắc hẳn có những bí quyết "quản lý" mà giới kinh doanh nên nhìn vào. Sự ra đi của Kim Jong Il - nhà lãnh đạo Triều Tiên là một nỗi đau lớn đối với dân tộc này. Có thể coi ông Kim đã "quản lý" một doanh nghiệp khổng lồ mang tên "Triều Tiên" trong một thời gian dài. Business Insider đưa ra những bài học quản lý từ ông Kim Jong Il dưới lăng kính của giới phương Tây.

 

 

Sự ra đi của Kim Jong Il - nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên là một nỗi đau lớn đối với dân tộc này. Ông đã "quản lý" một doanh nghiệp khổng lồ trong một thời gian dài: 17 năm, được người dân thần thánh hóa. Đó có lẽ là một thành công không hề nhỏ.

Chắc hẳn có những bí quyết "quản lý" mà giới kinh doanh nên nhìn vào. Business Insider đưa ra những bài học quản lý từ ông Kim dưới lăng kính của giới phương Tây.

1. Làm tất cả những gì có thể để có được những người tài

Năm 1978, Kim đã ra lệnh bắt cóc đạo diễn Hàn Quốc Shin Sang-ok và vợ ông, nữ diễn viên Choi Eun-hee, để thực hiện kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Triều Tiên. Sau khi sản xuất được 7 bộ phim thì vị đạo diễn này đã trốn được sang phương Tây năm 1986.

Để giữ được người tài không phải là chuyện dễ?

2. Sử dụng hiệu quả phương tiện truyền thông

Năm 1992, trong một cuộc diễu hành quân sự ở Bình Nhưỡng, tại khán đài, ông nói qua microphone, "Vinh danh những chiến sĩ anh hùng của Quân đội nhân dân Triều Tiên!" và tạo nên một khí thế vô cùng phấn khích.

Mặc dù không xuất hiện nhiều trước truyền thông nhưng ảnh hưởng của nhà lãnh đạo này đối với người dân Triều Tiên thì vô cùng mạnh mẽ.

3. Tạo một dấu ấn riêng

Có lẽ chỉ có Donald Trump là có kiểu tóc đặc biệt hơn ông Kim. Sau khi ông qua đời, mọi người sẽ cảm thấy tiếc nuối và hoài niệm về ông. Hoài niệm về một hình ảnh trong thể trộn lẫn với bất cứ ai. Một bộ quân phục màu xám cộng với cặp kính to sẽ là những đặc điểm khó quên của nhà lãnh tụ này.

4. Hãy là người đa tài

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông viết khoảng 1.500 cuốn sách. Ngay cả sau khi trở thành "Giám đốc điều hành" của "tập đoàn" Triều Tiên, ông cũng luôn dành thời gian để cống hiến cho nghệ thuật, sáng tác 6 vở kịch opera và trở thành đạo diễn của nhiều bộ phim. Không những thế ông còn là một tay golf cự phách.

5. Đi lên từng bước một

Là con của nhà lãnh đạo một quốc gia, hồi còn học trung học, ông đã làm việc trong một nhà máy được cho là khá giỏi trong việc sửa chữa xe tải và các loại động cơ điện. Tham gia Đảng lao động Triều Tiên năm 1964, nhưng chưa đến 10 năm sau đó ông đã được phong chức và  kế vị cha mình.

6. Luôn tiếp thu công nghệ mới

Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên có khoảng 1.000 tin tặc có mục tiêu thăm dò tấn công các quốc gia khác.

7. Để mắt đến từng chi tiết

Kim yêu cầu người phục vụ của mình phải chu đáo và cẩn thận trong việc nấu nướng và chuẩn bị đồ ăn cho mình. Thậm chí có người còn nói quá lên rằng ông đòi hỏi sự hài hòa về kích thước và màu sắc của từng hạt gạo trong bữa ăn.

8. Dịch vụ khách hàng tối quan trọng


Ông Kim yêu cầu các tiếp viên tại các nhà hàng quen thuộc của khách nước ngoài ở Bình Nhưỡng phẫu thuật thẩm mỹ để có ngoại hình "tây" hơn để thu hút khách hàng.

9. Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc

Điều này có thể dễ nhận thấy khi xem xét lập trường cũng như quan điểm của "vị quản lý" này

10. Sau khi làm việc vất vả, phải thư giãn

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông Kim vẫn giữ thói quen ăn tôm hùm, uống rượu xịn. Mỗi năm, ông dành 700.000 USD cho các loại rượu hạng sang.

 

Theo HUNGNINH

VEF/BI

 


Tỷ phú giàu thứ 3 nước Mỹ mất 4 tỷ USD trong 1 ngày

Ngày đăng : 25/12/2011 - 2:46 AM
Tính đến ngày 21/12, giá trị tài sản ròng của tỷ phú Ellison đã giảm 6,7 tỷ USD so với cuối năm 2010, sau nhiều năm tăng liên tục vừa qua. 
 
Trong phiên giao dịch ngày 21/12, giá cổ phiếu của hãng công nghệ Oracle có thời điểm sụt 14%, khiến giá trị tài sản của nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Giám đốc điều hành (CEO) Larry Ellison giảm hơn 4 tỷ USD trong vòng chưa đầy 24 tiếng.
 
Theo tờ Forbes, trước đó, “ông trùm” phần mềm này đã là một trong những nhân vật chịu sự hao hụt tài sản lớn nhất kể từ đầu năm trong số 400 người giàu nhất nước Mỹ (Forbes 400).
 
Tính đến ngày 15/12 - thời điểm mà Forbes tính toán mức tăng giảm giá trị tài sản là cổ phiếu của các thành viên câu lạc bộ Forbes 400 - giá cổ phiếu của Oracle đã giảm 7% so với ngày 31/12/2010. 
 
Mức giảm giá cổ phiếu này khiến giá trị tài sản ròng của tỷ phú Ellison sụt mất 2 tỷ USD, đưa Ellison vào vị trí tỷ phú Mỹ mất mát nhiều thứ ba trong năm nay, đồng hạng với tỷ phú của lĩnh vực xử lý âm thanh Ray Dolby. Hai tỷ phú Mỹ đầu bảng về mức độ hao hụt tài sản tính đến ngày 15/12 là nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, mất 3 tỷ USD, và “vua” sòng bạc Sheldon Adelson, người mất 2,2 tỷ USD.
 
Tuy nhiên, kể từ cuối ngày 20/12, khi Oracle công bố kết quả kinh doanh không khả quan như dự kiến trong quý tài khóa thứ 2 kết thúc ngày 30/11 vừa rồi, giá trị tài sản của CEO Ellison cũng đột ngột giảm mạnh theo.
 
Trong quý, doanh thu từ cấp phép phần mềm của Oracle chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức dự báo tăng 2 con số của giới phân tích và mức dự báo tăng từ 6-16% mà hãng đưa ra trước đó. Lợi nhuận trong quý dù tăng 17% lên 2,2 tỷ USD cũng không khả quan như kỳ vọng.
 
Oracle cho biết, sở dĩ kết quả kinh doanh quý vừa rồi của họ kém là vì nhiều hợp đồng với khách hàng bị trì hoãn ký kết và mảng phần cứng của hãng có sự chuyển giao sản phẩm. Oracle còn giảm dự báo kết quả kinh doanh cho quý tài khóa thứ 3, khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu hãng này.
 
Phiên sụt giảm ngày 21/12 là phiên giảm giá mạnh nhất của cổ phiếu Oracle kể từ ngày 4/3/2002. Giá trị vốn hóa thị trường của hãng phần mềm hàng đầu thế giới cũng bị “gọt” mất 20 tỷ USD trong phiên này.
 
Như vậy, tính đến ngày 21/12, giá trị tài sản ròng của tỷ phú Ellison đã giảm 6,7 tỷ USD so với cuối năm 2010, sau nhiều năm tăng liên tục vừa qua. Mặc dù vậy, tỷ phú này vẫn còn 32 tỷ USD, đủ để ông giữ vị trí người giàu thứ ba ở Mỹ.
 
Theo Kiều Oanh
Vneconomy

Từ cậu bé sơn xe trở thành 'ông trùm' tỷ phú điện thoại

Ngày đăng : 19/12/2011 - 7:15 PM

22 tuổi, lập công ty riêng với số vốn vay mượn, 15 năm sau, anh trở thành ông chủ một trong những tập đoàn phân phối điện thoại hàng đầu Việt Nam.

 

 

 

Nguyễn Quốc Bảo, tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Thành Công Mobile là một trong những doanh nhân trẻ và thành đạt nhất trong Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM. Câu chuyện của Bảo cũng giản đơn như con người anh, nhưng những gì ngày hôm nay anh đạt được là nỗ lực không mệt mỏi từ hai bàn tay trắng và một triết lý sống rất riêng.

Cậu bé sơn xe với ước mơ tự lập

Cho đến ngày hôm nay, nắm giữ một doanh nghiệp kinh doanh với gần 200 nhân viên, Nguyễn Quốc Bảo vẫn giản đơn, nhưng lịch thiệp. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp anh trong một buổi sáng hơi se lạnh của Sài Gòn gần đến Giáng sinh là con người của công việc. Mặc dù đã có hẹn trước, nhưng cũng phải hẹn tới hẹn lui vài lần, anh mới sắp xếp để trò chuyện.

Hào sảng, dí dỏm và khiêm tốn, Bảo cho rằng cuộc đời mình chẳng có gì đặc biệt. Sinh ra trong một gia đình có cha làm nhà giáo, mẹ làm kinh doanh, kinh tế gia đình thường thường bậc trung, Bảo có ý thức tự lập từ rất sớm. Ở tuổi 15 - 16, đầu lớp 10, ngoài giờ học, anh lân la tại các quản sửa chữa xe máy của hàng xóm xin được phụ sửa xe hay làm bất cứ việc gì được sai bảo.

Thạo việc, chỉ một năm sau, Bảo nhận mối về sơn xe tại nhà và kể từ đấy hầu như chuyện tiền bạc ít khi phải dựa vào gia đình. Dù vậy, việc học hành của anh vẫn luôn được đảm bảo, bởi theo anh quan niệm ngoài đam mê thôi chưa đủ, phải có kiến thức mới làm được việc.

4 năm học Đại học Mở Bán công TP.HCM, khoa Quản trị kinh doanh, Bảo say mê với tài chính, viễn thông và bất động sản. Ngay từ những ngày còn rất trẻ, Bảo đã nhìn thấy lợi nhuận từ những ngành hàng này. Không có vốn, chàng trai gần 20 tuổi khi đó nhận làm môi giới các dịch vụ pháp lý về nhà đất, xe cộ. Ngay từ những ngày giảng đường, Bảo đã nghĩ về tương lai bằng những dự định táo bạo.

“Tôi không quan niệm cuộc sống này có gì gọi là chông gai. Quan trọng là người ta biết lạc quan, biết biến những phức tạp rồi biến những phức tạp trở nên giản đơn”. Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ như vậy khi được hỏi về việc thành lập Thành Công Mobile, doanh nghiệp của anh.

“Năm 22 tuổi, mới ra trường, tôi vay ba mẹ được 12 triệu, vay những người quen khác được thêm 24 triệu, cùng với 3 nhân viên, tôi bắt đầu khởi nghiệp. Nói về số vốn ban đầu như thế, thật sự, tôi cũng hơi xấu hổ (cười). Những khó khăn thì muôn trùng, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình là người mạo hiểm”.

Mặt hàng đầu tiên anh kinh doanh chủ yếu điện gia dụng và bếp gas. Năm 1999, anh quyết định rẽ ngang bằng việc kinh doanh điện thoại di động. Đến năm 2001, Thành Công Mobile của Bảo bắt đầu chuyên tâm kinh doanh vào hai lĩnh vực điện thoại và bất động sản.

"Không bán thuốc tây, không bán quan tài"

Năm 2007 đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của Thành Công Mobile khi được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận sản phẩm điện thoại Bavapen là sản phẩm điện thoại di động đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam. Đồng thời Thành Công Mobile của Bảo cũng là nhà phân phối độc quyền của dòng điện thoại Philips (Hà Lan) tại Việt Nam.

Nguyễn Quốc Bảo tâm sự: “Để làm nên một Bavapen hôm nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nước ta chưa sản xuất được nhiều linh kiện, lại vướng những hàng rào hội nhập WTO nên sau khi được chứng nhận, Thành Công Mobile phải đưa ý tưởng thiết kế ra nước ngoài làm gia công sản phẩm”.

Bảo chia sẻ: Khi làm nhà phân phối độc quyền đối với một sản phẩm nước ngoài, điều đó có nghĩa là bạn làm thương hiệu, làm giàu cho người ngoại quốc. Bạn cạnh tranh để giành lấy thị phần và cuối cùng cái bạn còn lại chỉ là tiền bạc. Được thổi hồn mình vào những sản phẩm Việt như Bavapen sẽ tạo được dấu ấn cho cuộc đời kinh doanh của mình.

Nguyễn Quốc Bảo cũng có những nguyên tắc rất riêng cho mình. “Tôi luôn tâm niệm sống tốt từng ngày. Tôi không kinh doanh những thứ trái pháp luật, không mua bán những gì có liên quan đến cái chết. Tôi không bán thuốc tây, không bán quan tài. Những mặt hàng như thuốc tây nếu “tiêu cực” có thể hái ra tiền, nhưng tôi không thể làm giàu bằng việc mạo hiểm với sức khỏe người khác như vậy”.

Cũng có lúc Bảo kiếm được rất nhiều tiền từ việc mở một sàn vàng tư nhân, nhưng chỉ được vài tháng, anh đóng cửa sàn vàng vì quy định của nhà nước. “Sự thượng tôn pháp luật giúp những người làm kinh doanh chúng tôi kiếm được những đồng tiền chính nghĩa và bền vững hơn”, Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ.

Năm 2010, doanh nghiệp của Bảo đóng thuế cho nhà nước khoảng 16 tỉ đồng, anh cũng hỗ trợ hàng tỉ đồng cho các chương trình từ thiện. Nguyễn Quốc Bảo đặc biệt hâm mộ 2 tỉ phú Mỹ là Bill Gates và Warren Buffett vì khả năng kinh doanh thiên tài của họ cũng như việc họ luôn hướng về cộng đồng. Khi chúng tôi hỏi vui: “Bill Gates và Mark Zuckerberg bỏ học ở Havard rồi ra lập công ty. Giới trẻ bây giờ họ có người băn khoăn một câu hỏi “bỏ học thì dễ, nhưng làm sao để vào học Havard đây?" Là một người học xong mới lập công ty, anh nghĩ thế nào?”

Nguyễn Quốc Bảo cười rất tươi và chia sẻ: “Kiến thức luôn rất quan trọng. Tôi không lấy mình ra làm thước đo, nhưng đối với các bạn trẻ, tôi nghĩ rằng: học cách đam mê, lao động hết mình và nghĩ đơn giản thì chắc chắn sẽ thành công trong nghề kinh doanh nhiều thử thách nhưng cũng đầy thú vị”.

 

Theo Đặng Sinh - Hà Nguyễn

Bưu Điện Việt Nam

 


Chủ tịch Bất Động Sản Bình Thiên An và những bài học từ "cuộc chiến mì gói" tại Đông Âu

Ngày đăng : 13/12/2011 - 7:23 PM

Ông Trịnh Thanh Huy - Chủ tịch Bình Thiên An - đã cùng ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh gây dựng nên Masan.

                                    

 

Ông Trịnh Thanh Huy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Bình Thiên An (BTA) đã có những chia sẻ kinh nghiệm ứng xử trên thương trường tại buổi hội thảo gặp mặt nhà cung cấp “Cùng đồng hành, cùng phát triển” tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh.

Theo ông Huy:  “Khi kinh doanh các bên nên chia sẻ thông tin thẳng thắn với nhau. Có khó khăn thì nói khó khăn. Chúng tôi cũng có rất nhiều khó khăn, và chúng tôi chia sẻ cho đối tác của mình. “

BTA có sử dụng vốn vay của ngân hàng cho vay không? BTA có chia sẻ thông tin khó khăn về nguồn thu với ngân hàng không? 

Ông Trịnh Thanh Huy: Cũng như các doanh nghiệp khác, chúng tôi cũng phải sử dụng thêm vốn vay của ngân hàng. Trong kinh doanh chẳng có ai chỉ sử dụng vốn tự có của mình.

Thật sự, chúng tôi cũng có những giây phút khó khăn khi tình hình tài chính không như dự kiến, bán hàng không đúng như kế hoạch.

Đơn cử như việc tăng giá dự án Đảo Kim Cương – tăng giá không chỉ là chiến lược marketing, chúng tôi đã chia sẻ với đối tác ngay từ đầu năm 2007, khi mới thiết kế. Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2014, giá bán thấp nhất của dự án Đảo Kim Cương là từ 6.000 -10.000USD/m² so với hiện nay giá bán bình quân của Đảo Kim Cương đạt từ 3.500 – 5.000 USD/m².

Chúng tôi đã hoạch định rất rõ ràng, ai đến sau phải trả giá cao hơn. Nếu bất cứ một dự án bất động sản nào, càng gần hoàn thiện, giá bán càng rẻ, thì cho thấy chủ đầu tư khá nặng nề về tài chính.

Vừa qua, bộ phận bán hàng báo tháng rồi bán được 3 căn (dự án Đảo Kim Cương). Chúng tôi vẫn bán được hàng, nhưng dòng tiền bị ảnh hưởng do việc bán hàng không được như ý muốn. Điều này bắt buộc chúng tôi phải điều chỉnh các khoản đầu tư khác để tập trung hoàn thiện.

Chúng tôi đã có thương thảo trước kế hoạch, chia sẻ khó khăn, thỏa thuận với ngân hàng, mới đi tiếp. Về phía ngân hàng, họ thấy được mình làm đúng, mình chân thành và đúng là tiến độ bán hàng chậm. Chúng tôi không nói rằng: chúng tôi hoành tráng lắm, chúng tôi nhiều tiền, của lắm.

Chúng ta phải chia sẻ thông tin một cách minh bạch để các bên cùng giúp đở nhau. Nếu doanh nghiệp gặp “vấn đề”, ngân hàng cũng sẽ “gặp vấn đề”.

Vậy đối tác của ông có chia sẻ thông tin minh bạch với ông và BTA không?

Ông Trịnh Thanh Huy: Có người hỏi tôi có mạo hiểm quá không khi “mua” CTCP Kỹ thuật Cơ Điện Lạnh PER8. Tôi trả lời rằng: Chính xác! Tuy nhiên, BTA có đầu tư con người.

PER8 có đội ngũ cán bộ chân thành, có người không lĩnh lương 3 tháng vẫn gắn bó với công ty. Nhưng trước đây PER8 làm từ thiện nhiều quá, làm cho một số đối tác mà không thu được tiền, đầu tư vào bất động sản…

Chúng tôi thấy PER8 khó khăn và thế mạnh như vậy, nên quyết định giúp đở và đầu tư vào PER8 – những con người và tập thể PER8. Chúng tôi hỗ trợ và cùng đồng hành.

Hợp tác với nhau để cùng đi lên. Nhưng nói thì dễ nhưng làm hay biến lời nói thành hiện thực là rất khó bởi người ra nói rằng thương trường là chiến trường. Vậy chúng ta phải làm thế nàođể cùng đồng hành, cùng phát triển?

Ông Trịnh Thanh Huy: Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn chia sẻ một vài quan điểm và kinh nghiệm trước đây.

Thứ nhất, tôi lớn lên từ sản xuất. Năm 1994, khi tôi 24 tuổi, tôi bắt đầu xây dựng nhà máy đầu tiên, không có chuyên môn. Tôi bắt đầu mua nguyên vật liệu, bán hàng nhiều năm. Đó là tiền thân của Công ty Masan.

Khi đó tôi và anh Quang (Ông Nguyễn Đăng Quang – chủ tịch Masan, PV), sau đó năm 1996 cùng với anh Hùng Anh (Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank, Phó chủ tịch Masan, PV) gây dựng nên Masan.

Chúng tôi có ít kinh nghiệm xương máu của mất mát, chống lãng phí,… Chúng tôi nhìn thấy và mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm đau đớn đó để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, các đối tác.

Ngày trước, chúng tôi – Masan cạnh tranh rất khốc liệt với Công ty Rollton (được thành lập năm 1998 trực thuộc Tập đoàn Future Generation Group– anh Vỹ (Ông Đặng Khắc Vỹ - Thành viên HĐQT VIB) và anh Dũng (VP Bank); và Technocom - anh Vượng  (Ông Phạm Nhật Vượng) – khi đó nắm giữ thị trường mì tôm Ukraina. 

Chúng tôi đánh nhau sát phạt đến mức khủng khiếp về giá. Lúc đầu chúng tôi làm ra 1 gói mỳ giá thành 8cents, bán ra 12cents/gói. Sau đó người Việt Nam kiểm soát được 80% thị trường mì ăn liền ở Liên Xô. Chúng tôi cạnh tranh nhau và giảm giá đến mức 3,8 cents/gói mì với giá thành sản xuất là 4,5cents/gói mì - nhờ cạnh tranh chúng tôi đã tiết kiệm được giá thành sản xuất (cười).

Cuối cùng, chúng tôi ngồi lại với nhau: bây giờ đánh nhau hay là chết? Vì vậy, chúng tôi đã thiết lập những quy tắc ứng xử: không dành giật nhân viên của nhau, cạnh tranh lành mạnh, không liên minh về giá ở mức bao nhiêu? Dưới mức giá thành là bao nhiêu? Đây là những cam kết mang tính thỏa thuận với nhau trên giấy tờ nhưng không có cơ chế để phạt. Sau đó chúng tôi đã bình ổn được.

Chúng tôi – Masan đã thua trận tại thị trường Nga (thắng lợi trên thị trường Ukraina là anh Vượng, trên thị trường Nga là anh Vỹ). Nhưng Masan đã kịp rút về Việt Nam. 

Trên cơ sở cùng nhau phát triển, kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Chúng tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau, thi đua cùng nhau khi về Việt Nam dù mỗi người một lĩnh vực và tôn trọng lẫn nhau. Đây là những điều quan trọng mà tôi rút ra được.

Tới đây, BTA, Coteccons, PER8, Beton 6, Descon… sẽ cùng các đối tác của mình gặp gỡ nhau hàng quý, hàng tháng cùng chia sẻ thông tin minh bạch, từng bước hình thành các quan hệ mật thiết.

 

 

Theo Stox.vn

 


 

Tin mới cập nhật