Mưu sinh bằng nghề may, rồi tập tành buôn bán, dấn thân vào thương trường và trở thành bà chủ nắm đến 60% thị phần của ngành vật liệu trần vách nhẹ. Bà là Nguyễn Thị Ngọc Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Tường.
Có gan làm giàu
"Nếu kể lại câu chuyện kinh doanh của mình như câu chuyện giữa hai người thì tôi rất thoải mái và rất vui vì có người nghe, nhưng nói phỏng vấn thì tôi ngại lắm, tôi không biết trả lời làm sao". Người phụ nữ tuổi ngũ tuần rặt giọng Sài Gòn đã "đón lõng" như thế trước khi nói về 20 năm thăng trầm để Vĩnh Tường trở thành nhà sản xuất vật liệu xây dựng lớn nhất nước hiện nay.
Bà Ngọc Loan bắt đầu mưu sinh bằng nghề may rồi dạy may, vừa bếp núc thêu thùa vừa chăm chút con cái. Khi bạn bè gợi ý làm kinh doanh vật liệu xây dựng để cải thiện cuộc sống thì bà Loan không ngại khó để tập tành buôn bán. Mỗi ngày bà chạy xe qua trước cửa hàng A Muội trên đường Lý Thường Kiệt, thấy cửa hàng gạch của họ lúc nào cũng đông khách bà nghĩ ngay đến việc người khác làm được, mình cũng có thể làm. Thế là hùn hạp vốn cùng bạn bè kinh doanh.
- Bà nói lẽ ra mình là người phụ nữ thêu thùa cơm nước trong gia đình, thực tế Vĩnh Tường ngày nay đã thành thương hiệu số 1 về vật liệu cho ngành xây dựng? Bà xây dựng Vĩnh Tường theo kiểu "kiến tha lâu đầy tổ"?
Tôi bắt đầu với một cửa hàng vật liệu xây dựng ở đường Tô Hiến Thành. Tiền ít nhưng tôi gan lắm, ban đầu mua lẻ, sau đó mua cả đoàn tàu gạch men của thủy thủ về bán. Khi ngành xây dựng chuyển sang dùng tấm trần, chúng tôi nhập hàng Hồng Kông, Thái Lan về bán. Tôi không có chuyên môn về ngành xây dựng nên việc kinh doanh những ngày đầu tiên rất khó khăn. Nhưng cũng may, tôi có một người thầy giỏi và cũng là người chồng, anh Dũng (ông Đoàn Hùng Dũng, Tổng Giám đốc KCN Long Hậu - PV). Mỗi tối đi làm về anh Dũng mang bản vẽ ra chỉ tôi cách đọc, bóc tách hạng mục, tính toán khối lượng vật tư. Sau đó, nhờ chịu khó, từ cửa hàng nhỏ tôi mở thêm nhiều cửa hàng mới. Có thể nói chúng tôi là nhà bán vật liệu đầu tiên có đội ngũ bán hàng biết tính toán, tư vấn cho khách hàng. Câu chuyện cứ thế, lúc thuận lợi lúc khó khăn, mình dần xoay chuyển theo sự phát triển của thị trường và nâng mình lên thôi.
- Bà có bao giờ cảm thấy thất vọng khi việc kinh doanh không như ý? Khi đó bà làm gì?
Kinh doanh cũng có lúc thắng lúc thua. Có những thất bại chua xót lắm. Tôi nhớ khi sản phẩm mình lần đầu ra thị trường, đưa hàng vào công trình còn khó khăn lắm. Có lần chào hàng ở một công ty trong nước, họ ưng ý ngay vì sản phẩm mình dày và đẹp. Nhưng khi hàng chở đến đặt trong hộp có ghi bằng tiếng Việt thì họ từ chối, thuyết phục cách nào cũng không chấp nhận. Trên đường chở hàng về tôi buồn và khóc. Nhưng tôi cũng không chịu thua, ngày hôm sau phải lập tức rút ra bài học và đứng dậy. Tôi quyết tâm sản phẩm của Vĩnh Tường về sau phải có mẫu mã, bao bì đẹp và sang trọng.
- Và mới đây thì Vĩnh Tường đã mở tới nhà máy thứ năm?
Năm 1997, từ đồng vốn gom góp của chị em trong nhà, nhà máy đầu tiên của Vĩnh Tường ở KCN Lê Minh Xuân trên diện tích vỏn vẹn có 1.500 m2 ra đời. Ban đầu khó khăn lắm, nhưng nhờ lợi thế là nhà cung cấp, thi công hoàn chỉnh và có sẵn khách hàng nên chỉ năm sau công việc kinh doanh của nhà máy này đã diễn ra trôi chảy. Thế rồi để tăng công suất, nhà máy thứ hai ra đời. Nói là hai nhà máy nhưng qui mô lại quá nhỏ, trong khi phải duy trì hai bộ máy quản lý tốn kém. Tôi gom về một, rồi hai năm sau mua nhà máy khác để mở rộng diện tích sản xuất ra thành 15.000 m2.
Năm 2006, chúng tôi khai trương tổ hợp nhà máy rộng 5 ha tại KCN Hiệp Phước, đánh dấu một bước phát triển mới, tạo bước ngoặt để chuyển từ công ty gia đình thành công ty cổ phần. Để có nhà máy thứ 5 hiện nay chúng tôi lên kế hoạch từ 3 năm trước và đầu tư nghiên cứu rất nhiều. Nhà máy mới sản xuất tấm calcium silicate được thiết kế theo tiêu chuẩn công nghệ hiện đại của thế giới, đáp ứng xu hướng của thị trường xây dựng hiện đại là sản phẩm không độc hại, ưu việt về khả năng chịu nước, chống cháy, cách âm, cách nhiệt…
- Rồi mở nhà máy tận Campuchia, Singapore, làm sao bà quán xuyến hết?
Trong một tổ chức, không thể tất cả mọi cá nhân đều xuất sắc, mà người này bổ sung cho người kia. Điều quan trọng nhất là tất cả đều phải có một trái tim đồng điệu
Khi hàng mình xuất sang đã có thị phần lớn và nhận thấy thời cơ đã chín muồi chúng tôi xây dựng nhà máy tại chỗ để giảm chi phí vận chuyển và nâng cao sức cạnh tranh. 10 năm mua bán với Campuchia, từ lúc thị trường sơ khai cho tới ngày phát triển, nhu cầu thị trường tăng cao thì cần có nhà máy để đáp ứng. Chúng tôi cũng giao thương với thị trường Singapore tròn 10 năm. Khoảng 3 năm trước các doanh nghiệp Malaysia xâm nhập thị trường này rất mạnh. Họ sản xuất ngay tại chỗ và cạnh tranh dễ dàng hơn. Vì thế, tôi quyết định xây nhà máy tại đây, tuyển dụng lao động địa phương để giảm chi phí.
Lúc đầu chúng tôi liên kết với một công ty bản địa là Compact Resource. Đối tác này chiếm 46% cổ phần, sau đó chúng tôi mua lại toàn bộ cổ phần của họ.
- Ở Việt Nam, Vĩnh Tường nắm tới hơn 60% thị phần của ngành vật liệu trần vách nhẹ. Đâu là lợi thế của Vĩnh Tường để có được kết quả ấn tượng này?
Tôi nghĩ năng lực sản xuất và kênh phân phối là lợi thế cạnh tranh của Vĩnh Tường. Mình tham gia thị trường sớm nên có những kinh nghiệm nhất định. Cho đến nay, Vĩnh Tường đã có mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước, đồng thời là nhà sản xuất và cung cấp giải pháp về trần và vách ngăn nhẹ cho thị trường. Cạnh tranh là tất yếu trong kinh doanh, Vĩnh Tường phát triển như hiện nay cũng nhờ cạnh tranh mà nên. Tôi không sợ cạnh tranh, nhưng mỗi khi đối thủ của mình trỗi dậy hoặc mạnh lên thì mình phải lo lắng. Họ cũng vậy thôi. Mình tìm giải pháp để cạnh tranh trên lợi thế của mình. Mỗi ngày sản phẩm càng hiện đại, công nghệ càng thay đổi, mình cũng phải chuyển mình theo và thay đổi cơ cấu quản lý cho phù hợp.
Tuổi già và sự mạo hiểm
- Giờ ở Vĩnh Tường là một lớp trẻ được đào tạo bài bản. Vậy bà có gặp khó khăn trong việc chuyển giao công việc trong một công ty gia đình?
Công ty muốn lớn mạnh thì phải theo kịp xu hướng mới, cách quản trị mới. Những người trẻ có trình độ và được đào tạo bài bản gia nhập công ty là điều cần thiết. Tôi biết mình già và cũ nên từ năm 2005, việc quản trị dần thay đổi để những người trẻ có trình độ và "đủ lửa" tham gia nhiều hơn. Người mới và người cũ, già và trẻ thường xuyên xung đột. Trẻ phiêu lưu, già thận trọng. Nhưng may là tôi già nhưng tôi dám mạo hiểm. Trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau thì nhu cầu về nhân lực quản lý cũng khác nhau. Hiện công ty phát triển theo hướng hiện đại hơn, quy mô lớn hơn thì cần phải có mô hình quản lý mới và những nhân tố mới. Khi người mới đảm nhiệm vị trí quản lý thì mình lùi lại và đả thông tư tưởng cho người cũ để họ hiểu rằng công ty cần có những nhân tố mới để phát triển. Người mới cũng phải hiểu người cũ là một phần của quá khứ, có nhiệm vụ duy trì và phát huy. Trong một tổ chức, không thể tất cả mọi cá nhân đều xuất sắc, mà người này bổ sung cho người kia. Điều quan trọng nhất là tất cả đều phải có một trái tim đồng điệu, có như vậy mới có thể cùng đi chung trên một chuyến xe, qua nhiều trạm để đến được đích.
- Liệu bà có đối chọi với lớp trẻ, có sẵn lòng chuyển giao kinh nghiệm thương trường của mình cho họ?
Người trẻ thường bảo "ôi cũ kỹ, già nua, thôi đổi đi", trong khi người cũ thì muốn giữ lại. Tôi có muốn can thiệp vào công việc của cộng sự cũng phải khéo léo. Tôi chỉ nói với họ rằng: chỉ thay đổi một thứ nào đó khi các bạn hiểu hoàn toàn về nó. Khi ta chưa hiểu tường tận về công việc của công ty mà thay đổi sẽ làm lãng phí tiền bạc và thời gian. Nhất trong lĩnh vực kỹ thuật, rất cần những người có hiểu biết sâu và hệ thống. Khi quyết định chén cơm của người khác thì lại cần suy nghĩ kỹ càng hơn. Thường trong nhiều tình huống thì lời khuyên này là đúng và được chấp nhận.
- Mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, kinh tế hiện lại khó khăn, bà cảm nhận sức ép cạnh tranh trong ngành vật liệu xây dựng ra sao?
Tiền là thành quả của lao động, phải vất vả mới có nó. Kinh doanh không có lời thì rất nản chí, nhưng làm việc đâu phải chỉ vì tiền
Kinh tế khó khăn ảnh hưởng ngành này nhiều. Khó khăn và thử thách buộc mình phải lèo lái không chỉ bằng kinh nghiệm mà còn cả bản lĩnh thương trường. Hệ thống bán buôn của chúng tôi trước đây được xây dựng trên khái niệm về sự trung thành (của khách hàng), còn bây giờ là chất lượng - dịch vụ - quyền lợi. Khi thị trường có quá nhiều người tham gia, mình khó kiểm soát giá được, mạnh ai nấy bán, tìm giá chuẩn rất khó. Tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành này lại chưa chuẩn nên có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Trước đây khi tình hình thị trường thuận lợi thì đôi lúc có thể lơi lỏng về mặt quản lý mà vẫn không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của công ty vì hệ thống cứ theo đó mà chạy. Nhưng nay tình hình khó khăn, phải sâu sát. Các chỉ tiêu theo tháng, theo quý, theo năm phải được theo dõi chặt chẽ để phản ứng kịp thời với thị trường. Người đẩy, kẻ kéo thì mới đạt được.
Xây dựng doanh nghiệp là niềm tự hào
- Bôn ba bươn chải như thế, bà quan niệm thế nào về đồng tiền?
Tiền có giá trị nhưng không quan trọng nhất. Tiền là thành quả của lao động, phải vất vả mới có nó. Kinh doanh không có lời thì rất nản chí, nhưng làm việc đâu phải chỉ vì tiền. Kể cả bây giờ ngừng làm việc tôi cũng có thể sống đầy đủ, thậm chí giàu có. Nhưng doanh nghiệp phát triển tới mức nào đó thì phải vươn xa hơn, thế là lại phải mạo hiểm, phải chấp nhận rủi ro. Tôi nghĩ kinh doanh, kiếm tiền chỉ để sống một đời thì cũng không có ý nghĩa. Doanh nghiệp là thành quả lao động của nhiều năm, là sự tự hào, mình làm là vì điều đó.
- Vậy bà giáo dục con cái cách nào trong một gia đình không thiếu tiền?
Con tôi thường gọi tôi là "madam ngày xưa", bởi tôi thường kể chuyện cực khổ, khó khăn trong cuộc sống. Tôi thường chỉ cho con mình cách đánh giá đúng vị trí của đồng tiền. Lao động mà không thu được tiền là thất bại, nhưng phải làm sao có tiền mà không được đánh mất mình. Khi thiếu tiền có thể vay mượn, nợ tiền thì phải trả, nhưng nợ ân tình thì không bao giờ trả hết. Biết học hỏi thì sẽ kiếm ra tiền. Nhưng nếu chỉ biết kiếm tiền, không quan tâm tới những người xung quanh, cuộc sống xung quanh mình, mình sẽ là người cô độc.
- Các con bà được đào tạo ở nước ngoài. Vậy bà có tính tới việc để con nối nghiệp mình?
Con trai tôi học luật bên Anh rồi làm kinh doanh riêng ở một lĩnh vực mà nó yêu thích, chẳng liên quan gì tới ngành nghề gia đình. Một phần thời gian nó phụ giúp bố về luật và đối ngoại. Con gái tôi cũng thỏa thuận khi ra trường sẽ tự kiếm việc để kiếm tiền và để thử sức xem mình sống, làm việc trong môi trường đó ra sao. Chúng tôi vẫn muốn con cái thay mình làm nghề, nhưng mình vẫn phải tôn trọng sở thích của chúng. Bố mẹ thì luôn muốn ở con mình điều này điều kia, nhưng nếu chúng không đạt được ước mơ của riêng mình thì chúng cũng buồn, như vậy mình cũng là người ích kỷ.
- Xin cảm ơn bà!
Theo Tuyết Ân
Diễn đàn doanh nghiệp