Tiền đang chảy vào chứng khoán

Ngày đăng : 07/02/2012 - 1:47 AM
Ghi nhận tại các CTCK cho thấy, dòng tiền mới đang chảy vào những tài khoản đã mở với nhiều kỳ vọng. Tổng nộp vào tại FPTS trong tuần đầu tiên sau Tết đạt trên 100 tỷ đồng.
 
Tuần giao dịch đầu tiên của năm Nhâm Thìn khép lại với nhiều niềm vui cho các nhà đầu tư bắt trúng đáy trước Tết, khi nhiều mã cổ phiếu tăng giá suốt tuần. Ghi nhận tại CTCK cũng cho thấy, dòng tiền mới đang chảy vào những tài khoản đã mở với kỳ vọng về một kênh giao dịch nhiều tiềm năng trong năm Rồng. Tuy nhiên, để thị trường hồi phục bền vững, điều quan trọng hiện nay là những cú hích về chính sách và dấu hiệu khởi sắc thực sự của nền kinh tế vĩ mô để niềm tin được củng cố.
 
Tích cực
 
Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên sau Tết, những con số tổng kết khá ấn tượng. VN-Index tăng thêm 7,71%, tương ứng 28,74 điểm, đóng cửa tuần ở mức 401,74 điểm. Tương tự, HNX-Index tăng 5,84%, tương ứng 3,41 điểm, đạt 61,85 điểm so với trước Tết. Thanh khoản được cải thiện mạnh mẽ với khối lượng và giá trị khớp lệnh trên cả 2 sàn tăng trên 70%. Trong tuần qua, khối ngoại cũng thể hiện thái độ tích cực với giá trị mua ròng đạt xấp xỉ 500 tỷ đồng.
 
Mối quan tâm của các nhà đầu tư với kênh chứng khoán đang được cải thiện khi tin tức về doanh nghiệp niêm yết được đón đọc nhiều hơn, một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư đã trở lại các sàn chứng khoán để trao đổi thông tin và bám sát giao dịch.
 
Khảo sát tại CTCK FPTS, nơi có khá đông nhà đầu tư cá nhân lớn, cho thấy thông tin khá tích cực. Đại diện công ty này cho hay, thông thường, các năm gần sát Tết Nguyên đán, khách hàng rút tiền từ tài khoản chứng khoán nhiều. Tuy nhiên, năm nay, mặc dù nghỉ Tết dài ngày, nhưng những ngày sát Tết, giao dịch nộp tiền của khách hàng lại nhiều hơn rút ra.
 
Theo số liệu nộp/rút tiền của nhà đầu tư tại FPTS thì tuần đầu tiên sau Tết, khách hàng chủ yếu là nộp vào, rất ít nhà đầu tư rút tiền ra. Tổng nộp vào tại FPTS trong tuần đầu tiên sau Tết đạt trên 100 tỷ đồng.
 
Quan điểm của một số tổ chức đầu tư cho rằng, đợt tăng điểm vừa qua có thể gọi là một đợt sóng hồi chứ không phải là bull-trap, bởi hầu hết mã dẫn dắt thị trường đã tăng đến 20%. Các chỉ số đã có những bước tăng điểm tương đối ấn tượng, đặc biệt là trong 2 phiên giao dịch đầu tháng 2. Do đó, nếu có những phiên điều chỉnh trong tuần mới này cũng là điều bình thường sau hơn chục phiên chỉ số có màu xanh.
 
Về ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn có thể lạc quan trong diễn tiến tiếp theo của đợt hồi phục này dựa trên những cơ sở như mức giá cổ phiếu thấp, kỳ vọng lạm phát và lãi suất sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới.
 
Còn hoài nghi
 
Tuy nhiên, nhìn về trung hạn thì chưa có nhiều tín hiệu để lạc quan đối với kinh tế vĩ mô cũng như TTCK, khi nền kinh tế chưa có những tín hiệu cụ thể rõ ràng hơn về sự hồi phục cũng như chính sách hỗ trợ dành cho chứng khoán. Đặc biệt, các doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn về chi phí vốn sau khi đã trải qua thời kỳ tăng trưởng nóng về quy mô (cùng với tăng trưởng tín dụng nóng).
 
Một số nhà đầu tư cá nhân lớn lại tỏ ra hoài nghi về đợt tăng giá này và cho rằng, kết quả đó là nhờ bàn tay đạo diễn của các nhà tạo lập thị trường khi trước Tết, giá trị giao dịch rất thấp với mỗi phiên chỉ 200 - 300 tỷ đồng, khả năng đẩy thị trường tăng điểm rất dễ dàng. Hiện nay, khi giá trị giao dịch trên 1.000 tỷ đồng mỗi sàn, để thị trường tăng điểm, lượng tiền đổ vào thị trường cần gấp 3 - 4 lần so với trước Tết. Nhận định thị trường sẽ giảm trở lại, nhóm nhà đầu tư này đã vay cổ phiếu để bán ra.
 
Sự hoài nghi còn thể hiện ở chỗ thị trường tăng, song nhà đầu tư được khuyến nghị không nên dùng đòn bẩy tài chính ở thời điểm hiện tại.
 
Các cổ phiếu đang ở vùng giá rất thấp trong lịch sử. Một chiến lược đầu tư an toàn thời điểm này có lẽ tiếp tục là đầu tư giá trị vào các mã cổ phiếu có cơ bản tốt, đặc biệt là các doanh nghiệp có khả năng tự chủ về tài chính trong năm 2012. Khi thị trường có dấu hiệu tăng điểm, nhà đầu tư cũng có thể xem xét dành một tỷ trọng vốn đầu tư mạo hiểm bằng cách mua những mã cổ phiếu có hệ số beta cao.
 
Theo Anh Việt
ĐTCK

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Năm 2012, cổ phiếu có thể trở thành kênh hút tiền đầu tư

Ngày đăng : 19/01/2012 - 11:38 AM
Năm 2011, nhà đầu tư chuộng tiền mặt và tập trung vào tiền mặt ngoài ra tập trung vào tài sản an toàn và trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ của nhóm nước G4.
 
 
Từ đầu tháng 10/2011, chỉ số MSCI của TTCK thế giới đã tăng hơn 10%. Liệu có phải xu thế mới trên thị trường chứng khoán toàn cầu đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ tăng điểm mới, hoặc nếu không, còn yếu tố nào cần thiết để hỗ trợ thị trường?
 
Phần lớn năm 2011, nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu chủ yếu lo lắng vì 5 lý do: khả năng kinh tế Mỹ suy thoái, rủi ro kinh tế Trung Quốc “hạ cánh khó nhọc”; rủi ro từ sự thất bại của thị trường vốn khu vực đồng tiền chung châu Âu và rủi ro liên quan đến các ngân hàng thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu và cuối cùng đến triển vọng doanh nghiệp tiêu cực.
 
Năm 2011, nhà đầu tư chuộng tiền mặt và tập trung vào tiền mặt ngoài ra tập trung vào tài sản an toàn và trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ của nhóm nước G4.
 
3 tháng qua, thị trường vốn toàn cầu biến động mạnh theo hướng có lợi cho trái phiếu doanh nghiệp doanh nghiệp và lợi suất cao … Những tháng gần đây, cổ phiếu phòng thủ có mức tăng ấn tượng hơn nhiều so với cổ phiếu chu kỳ. Nhà đầu tư thay đổi hành vi bởi không hài lòng với lợi suất thấp trên thị trường tiền tệ và kỳ vọng rằng lãi suất chính thức sẽ ở mức thấp trong thời gian dài.
 
Rủi ro kinh tế Mỹ suy thoái đã giảm đi, khả năng kinh tế Trung Quốc “hạ cánh khó nhọc” không còn căng thẳng như trước. Chỉ số ISM của lĩnh vực sản xuất Mỹ đã cải thiện lên mức 53,9; chỉ số của lĩnh vực phi sản xuất hồi phục lên mức 52,6. Chỉ số niềm tin của University of Michigan tháng 1/2012 tăng lên mức 74, số liệu tương xứng với tăng trưởng GDP 2,5%.
 
GDP Trung Quốc quý 4/2011 tăng trưởng 8,9%, doanh số bán lẻ tháng 12/2011 tăng 18,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng trưởng 13,4% còn sản xuất công nghiệp tăng trưởng 12,8%. Kinh tế Trung Quốc năm 2012 hoàn toàn có thể tăng trưởng 8 đến 9%. Chính phủ nhiều nước mới nổi đang bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
 
Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, thanh khoản trong lĩnh vực ngân hàng đang cải thiện, lợi suất trái phiếu chính phủ Italy và Tây Ban Nha bình ổn. Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng châu Âu được hỗ trợ bởi thanh khoản từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
 
Theo Đình Hảo
TTVN
 

VN-Index tăng vọt lên trên 370 điểm, dòng tiền tăng mạnh

Ngày đăng : 19/01/2012 - 11:25 AM
Với việc hàng loạt cổ phiếu lớn tăng trần, Vn-Index lại kéo dài mạch tăng.
 
 
10h30, HNX-Index tăng 0,95 điểm lên trên 58 điểm. Lúc này sàn Hà Nội có 176 mã tăng giá trong đó có 90 mã tăng trần. BVS và VND đã không còn dư bán trong đó VND dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị, KLS chỉ còn dư bán giá trần 8.900 đồng, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán như HPC, SHS tăng trần đồng loạt. PVA, PVL, THV, ORS đều không còn dư bán.
 
Bên sàn HoSE lúc này, VN-Index tăng gần 8 điểm lên 370 điểm. BVH tăng trần, VIC, MSN tăng 3.500 đồng/cp, PVF, KBC, ITA được mua mạnh.
 
Chỉ còn một phiên nữa TTCK sẽ nghỉ 9 ngày Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn 2011, VN-Index mở cửa tăng nhẹ 0,49 điểm lên 363 điểm. KLGD giảm mạnh xuống dưới 500 nghìn cp, tương đương hơn 5,6 tỷ đồng.
 
Sang đợt 2, VN-Index tăng vọt hơn 4 điểm lên gần 367 điểm khi MSN và BVH tiến rất sát đến giá trần. Trong nhóm bluechips lúc này duy nhất VIC giảm 500 đồng, các mã khác như SSI, VCB, HAG, PVF…tăng nhẹ, STB, VNM đứng giá.
 
 
 
Một số cổ phiếu tăng trần hiện tại như SBS, HSG, HQC, KSS, KSH…đặc biệt cổ phiếu KSS trong 3 phiên trở lại đây đầu giờ luôn có lệnh dư mua hơn 200 nghìn đơn vị.
 
Bên sàn Hà Nội, nhóm cổ phiếu chứng khoán bất ngờ được “vơ vét” khiến HNX-Index tăng 0,7 điểm lên gần 58 điểm.
 
Thông tin VND lỗ hơn 200 tỷ năm 2011 đã không tác động quá nhiều đến giá cổ phiếu này trong ngày hôm nay, lực cầu mua VND tăng vọt ngay từ đầu giờ giao dịch, hiện VND đang có dư mua trần hơn 300 nghìn cp, khớp lệnh 1,2 triệu cp; trong khi đó BVS đang tăng 400 đồng, KLS tăng 300 đồng, các mã PVA, PVL dư mua trần hơn 150 nghìn đơn vị và không còn dư bán.
 
Giao dịch đang tăng nhanh trên sàn Hà Nội. VCG cũng đang tiến sát đến giá trần/
 
Theo Phương Mai
TTVN

TTCK Việt Nam chỉ có 1 sở giao dịch vào quý II/2012

Ngày đăng : 17/01/2012 - 11:03 AM

 

Theo Đề án tái cơ cấu TTCK, TTCK Việt Nam chỉ có 1 sở giao dịch và sở này dự kiến sẽ được thành lập trong quý II/2012.

 

Ngày 13/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, Đề án tái cơ cấu TTCK đã được Thường trực Chính phủ thông qua. Sau khi bổ sung, hoàn chỉnh, Đề án vừa được Bộ Tài chính trình Bộ Chính trị xem xét quyết định, để làm cơ sở chỉ đạo hoạt động tái cơ cấu TTCK mạnh mẽ ngay trong năm nay.

 

TTCK Việt Nam chỉ có 1 sở giao dịch

Ông Huệ nhấn mạnh, theo định hướng của Đề án, tái cấu trúc TTCK nhằm sớm khắc phục những hạn chế đang tồn tại và quan trọng hơn là đáp ứng yêu cầu về vốn dài hạn cho nền kinh tế. Việc tái cơ cấu TTCK được tiến hành toàn diện, trong đó tập trung vào 4 trụ cột là tái cấu trúc CTCK, các sở GDCK, cơ sở NĐT và hàng hoá.

Trong khi chờ Bộ Chính trị thông qua Đề án tái cơ cấu TTCK, trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đang chỉ đạo UBCK triển khai nhiều phần việc cụ thể nhằm từng bước triển khai tái cơ cấu TTCK.

 

Quyết định 62/2012/QĐ-BTC về việc phê duyệt Đề án tái cấu trúc các CTCK mà Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành, trong đó đưa ra nhiều giải pháp chi tiết, chính là thể hiện quyết tâm tiến hành tái cơ cấu TTCK khẩn trương, hiệu quả.

 

Việc tái cơ cấu CTCK nhằm nâng cao năng lực tài chính, quản trị DN và khả năng kiểm soát rủi ro. Cùng với nâng cao chất lượng hoạt động, số lượng các CTCK sẽ giảm dần hợp lý, nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trong số các cấu phần cần tập trung tái cơ cấu trên TTCK, thì tái cấu trúc CTCK đang được triển khai khẩn trương, quyết liệt nhất…

 

Còn việc cơ cấu lại các Sở GDCK, thị trường giao dịch chứng khoán tập trung sẽ tạo bước tiến mới trong nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động của các thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và thị trường phái sinh theo nguyên tắc tạo ra một thị trường giao dịch chứng khoán thống nhất.

 

Theo đó, các tiêu chí về niêm yết, giao dịch, công bố thông tin… áp dụng theo chuẩn mực chung và một hệ thống quản trị điều hành, quản trị rủi ro thống nhất. Tái cấu trúc các Sở GDCK nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển dài hạn của TTCK Việt Nam đã được đề ra trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020: bảo đảm cho thị trường hoạt động lành mạnh, vững chắc, được quản lý, giám sát chặt chẽ; cơ cấu quản trị điều hành minh bạch, chuyên nghiệp theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; cơ cấu sản phẩm đa dạng, hoàn chỉnh; hoạt động thanh toán bù trừ an toàn…

 

Để cụ thể hóa định hướng tái cơ cấu các Sở GDCK theo hướng trên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang chỉ đạo UBCK chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Sở GDCK Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2012.

 

Tăng NĐT lớn, chuyên nghiệp

 

Tái cấu trúc cơ sở các NĐT là nhằm đa dạng hơn NĐT cho thị trường, trong đó chú trọng mở rộng cơ sở NĐT có tổ chức và chuyên nghiệp. Việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 183/2011/TT-BTC ngày 16/12/2011 hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở và chuẩn bị ban hành Thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó gồm quỹ đóng, quỹ thành viên, quỹ ETF, quỹ đầu tư bất động sản và các loại công ty đầu tư chứng khoán là nhằm gia tăng NĐT tổ chức và chuyên nghiệp cho thị trường.

 

Cùng với đó, tập trung khuyến khích dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn tham gia thị trường, kết hợp với tăng cường công tác quản lý, giám sát, có giải pháp phù hợp, hiệu quả để chủ động đối phó với biến động của dòng vốn này.

 

Riêng việc cơ cấu lại hàng hoá trên thị trường được thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng phát hành, niêm yết, đăng ký giao dịch và phát triển hàng hoá mới có chất lượng cho thị trường bằng nhiều giải pháp cụ thể.

 

Trong đó, đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN lớn gắn với niêm yết trên TTCK, thúc đẩy quá trình thoái vốn nhà nước khỏi các DN đã cổ phần hóa mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối… là những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường.

 

Việc triển khai tái cấu trúc TTCK, theo ông Huệ, đang được triển khai chủ động, có lộ trình cụ thể, thận trọng, hạn chế tác động tới các hoạt động kinh doanh và đầu tư trên thị trường.

 

Tái cấu trúc thị trường vừa phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật, vừa dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt, đồng thời phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu cả nền kinh tế nói chung, mục tiêu tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng nói riêng.

 

Hy vọng rằng, những đề án cải cách quyết liệt sẽ được thực thi càng sớm càng tốt. 

 

 

Theo Hữu Hoè

ĐTCK


Chứng khoán: Kênh đầu tư hấp dẫn năm 2012?

Ngày đăng : 12/01/2012 - 8:25 AM

"Tôi rất lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2012", ông Michael Kokalari – Giám đốc Nghiên cứu Đầu tư Kim Eng Việt Nam nói.

 

Nếu so chứng khoán cùng những kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ, bất động sản, gửi tiết kiệm, ông dự đoán năm 2012 đâu sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn, vì sao?

Về kênh gửi tiết kiệm, lãi suất thực của Việt Nam đang ở mức âm, lạm phát hiện nay đang cao hơn cả lãi suất huy động cho nên người gửi tiền sẽ không nhận đủ sự bù đắp cho sức mua của đồng tiền. Do vậy, gửi tiết kiệm không phải là kênh đầu tư lý tưởng. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể gửi tiền tạm thời trong ngân hàng cho đến khi tìm kiếm được một cơ hội đầu tư tốt hơn.

Đối với kênh đầu tư vàng, giá vàng ở Việt Nam gần theo kịp giá vàng thế giới trong biên độ +/- 10%. Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi tín hiệu rằng giá vàng trong nước sẽ tiệm cận hơn với giá vàng thế giới trong thời gian tới do NHNN đang và sẽ tập trung kiểm soát thị trường vàng hơn nữa. Tôi không lạc quan về giá vàng thế giới lúc này và tôi tin dự báo của các nhà đầu tư hàng hóa rằng vàng sẽ giảm xuống còn 1.400 USD/ounce trong vài tháng tới

Về kênh bất động sản, tôi nghĩ rằng trong dài hạn, phân khúc nhà giá thấp là rất tiềm năng. Dễ thấy hợp lý hơn khi mua căn hộ giá thấp ở những khu vực như Thủ Đức, quận 8 hoặc gần sân bay, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ không hợp lý lắm khi nhà đầu tư mua bất động sản trong năm 2012 vì giá vẫn đang giảm.

Thị trường bất động sản ở các nơi khác trên thế giới cũng diễn ra tương tự, phải mất một thời gian dài để giá ngừng giảm sau một bong bóng bất động sản. Khi người gửi tiết kiệm mua căn hộ họ phải có kế hoạch nắm giữ lâu dài và họ cũng cần phải vay một phần từ ngân hàng. Điều này sẽ khó thực hiện trong năm 2012 do chúng tôi kỳ vọng lãi suất vẫn giữ ở mức cao cho những nhà đầu tư bất động sản và cũng vì sẽ khó mà vay ngân hàng trong năm sau.

Tóm lại, do kênh gửi tiền, vàng và bất động sản không là những kênh đầu tư tốt nhất trong năm 2012, nên chỉ còn lại kênh đầu tư chứng khoán.

Tôi cho rằng thị trường chứng khoán ở các nước Châu Á sẽ tăng khi lạm phát giảm dẫn đến lãi suất cũng giảm. Rủi ro chủ yếu cho kịch bản này có thể xảy ra là khả năng khó hạ cánh của kinh tế Trung Quốc. Chúng tôi ít lo lắng về những vấn đề đang diễn ra ở Châu Âu, mặc dù chúng tôi không nghĩ những vấn đề này sẽ được giải quyết ổn thỏa trong năm 2012. Vì vậy, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ tiếp tục biến động lên xuống theo nỗi sợ về khủng hoảng nợ của Châu Âu.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, có nhiều công ty đang giao dịch với mức P/E và P/B rất thấp nhưng lại có lợi tức (dividend yield) cao. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào các cổ phiếu tiêu dùng mà hướng vào tầng lớp trung lưu mới nổi, những người sẽ vẫn gia tăng tiêu dùng ngay tại đất nước này khi Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và thịnh vượng.

Có cơ hội cho TTCK Việt Nam trong năm mới 2012 hay không, thưa ông?

Tôi lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2012 vì hai lý do sau.

Thứ nhất, Việt Nam có mức độ tăng trưởng kinh tế thuộc vào loại hấp dẫn nhất châu Á. Rất dễ bi quan khi thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản trên đà suy giảm, nhưng nếu nhìn vào những gì đang xảy trong nền kinh tế Việt Nam về sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu mới nổi, về sự dịch chuyển đi lên của các chuỗi giá trị để xuất khẩu  các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như các mặt hàng điện tử, về sự phát triển cơ sở hạ tầng … thì có nhiều lý do để lạc quan về tương lai trong dài hạn.

Thứ hai, đầu tư ngắn hạn cho tất cả các nước châu Á là như nhau – lạm phát giảm sẽ dẫn đến giảm lãi suất và đẩy cao giá chứng khoán. Vì lạm phát tại Việt Nam cao hơn các nước châu Á khác nên một khi lạm phát giảm sẽ làm cho lãi suất sẽ giảm nhiều hơn và sẽ đẩy giá chứng khoán lên cao hơn nữa.

Kịch bản đó đã diễn ra vào tháng tám vừa qua khi mọi người khi tin rằng lãi suất sẽ giảm trong năm 2011 - và thị trường đi lên. Đến khi mọi người nhận ra rằng còn quá sớm để lãi suất có thể giảm trong năm 2011, thị trường giảm trở lại. Lãi suất khó có thể giảm cho đến quý 2 năm 2012 khi lạm phát giảm xuống dưới 15%.

Một nguyên nhân khác cũng làm cho tôi lạc quan là những nỗ lực để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của chính phủ - điều này được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.

Nếu Việt Nam có thể thực hiện các bước cụ thể để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, thì đây có thể là một yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường, mặc dù điều này có thể có tác động tích cực hơn trong năm 2013 hơn là năm 2012.

 

Theo Duy Linh

 DVT


 


MSN, BVH kéo VN-Index lên gần 350 điểm

Ngày đăng : 11/01/2012 - 9:59 AM
STB lên 18.000 đồng/cp, cao nhất trong 2 năm. Bên sàn Hà Nội, BVS đang có dư mua trần gần 300 nghìn cổ phiếu.
 
 
Với những gì diễn ra trong 3 phiên trở lại đây, NĐT đang kỳ vọng sẽ có một con sóng lớn chờ đợi sau Tết. Chỉ cần một phiên đột biến về thanh khoản, dòng tiền đầu cơ sẽ quay trở lại thị trường.
 
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng 3,3 điểm lên 347,98 điểm (+0,96%). KLGD đợt 1 đạt 877 nghìn cổ phiếu, tương đương gần 10 tỷ đồng.
 
Sang đợt 2, VN-Index vẫn tiếp đà tăng hơn 4 điểm lên sát 349 điểm. BVH và MSN đều tăng trần, STB đang có phiên tăng thứ 4 liên tiếp, lên 18.000 đồng/cp, mức cao nhất trong 2 năm. Giao dịch của STB đang rất sôi động. Một số bluechips khác như VCB, SSI, CTG, EIB…tăng nhẹ. Riêng đối với DPM, không được chú ý nhiều nhưng DPM vẫn giữ được mức giá ổn định 24.000 đồng/cp trong gần 1 tháng qua.
 
Một số cổ phiếu tăng trần lúc này đáng chú ý có SBS, KMR, PTM..
 
 
Bên sàn Hà Nội, nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng trần kéo HNX-Index tăng 0,42 điểm lên 56,57 điểm. BVS đang trở thành cổ phiếu “đầu đàn”, lực mua BVS khá mạnh với gần 300 nghìn cổ phiếu dư mua trần, trong khi KLS và VND mặc dù có tăng điểm nhưng vẫn có lệnh treo dư bán trần khá nhiều.
 
Một số mã khác được mua mạnh là PVL, PVA, FLC, VCG…
 
Có một số lo ngại sẽ xảy ra bulltrap nhưng thực tế dòng tiền trên sàn Hà Nội khá ổn định trong 3 phiên trở lại đây. Khi lực mua BVS, VND, KLS tăng trở lại, HNX-Index sẽ có “cửa” tăng ổn định. 
 
Quan điểm này ACBS cho rằng HNX-Index có thể tiếp tục hồi phục. Chỉ số này có thể chạm đường biên trên của kênh xu hướng giảm, đồng thời là đường trung bình 20 ngày. Hơn thế nữa, một breakout nếu xảy ra sẽ là tín hiệu đảo chiều quan trọng. HNX-Index có thể phục hồi về về vùng kháng cự 60-61 hoặc xa hơn là 64-65.
 
Theo Phương Mai
TTVN

 

Tin mới cập nhật