Từ 12/1/2012, thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam sẽ bước vào hội nhập toàn diện theo cam kết tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). TTCK chuẩn bị gì cho hội nhập?
Trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp.
Ông David Jensen, Phụ trách Khối khách hàng tổ chức, CTCK Phú Hưng (PHS)
Không may mắn là ở thời điểm chứng khoán Việt Nam hội nhập quốc tế hoàn toàn đối với ngành quản lý quỹ và CTCK, thì các chỉ số liên tiếp xác lập những mức đáy mới. Nhưng chúng tôi nhìn nhận, hiện tại là cơ hội tốt để các NĐT có tầm nhìn trung và dài hạn gia nhập thị trường.
Theo tôi, cùng với sự hội nhập, vốn ngoại vẫn đóng một vai trò quan trọng trên TTCK Việt Nam, với điều điện một số thủ tục hiện nay phải được cải cách thông thoáng hơn. Thứ nhất, việc mở tài khoản cho các NĐT nước ngoài nên đơn giản hóa các thủ tục và bãi bỏ những yêu cầu không hợp lý như kê khai lý lịch tư pháp. Thứ hai, hàng hóa trên thị trường phải được sàng lọc, tăng chất bằng cách nâng cao tiêu chuẩn niêm yết. Thứ ba, TTCK cần nâng cao quy mô bằng cách tiếp tục tiến hành IPO và niêm yết ngay các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn.
Với PHS, trong năm 2012, chúng tôi vẫn tập trung mở rộng hoạt động môi giới, nhưng Công ty sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn Đài Loan lên trên 49% khi có sự hướng dẫn từ cơ quan quản lý. Về định hướng dài hạn, PHS sẽ thành lập công ty quản lý quỹ để tiến hành hoạt động tự doanh, nhưng tách bạch hoàn toàn với môi giới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc CTCK Maritime Bank (MSBS)
Năm 2011, cũng như các CTCK khác, MSBS không tránh khỏi khó khăn trong các hoạt động nghiệp vụ chính. Tuy nhiên, với lợi thế là một thành viên rất trẻ của TTCK, MSBS lấy đó là cơ hội để rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường. Công ty tập trung xây dựng hệ thống công nghệ và nhân sự như một giá trị cốt lõi để sẵn sàng cạnh tranh khi cơ hội đến và đang hoàn thiện hệ thống sản phẩm với trọng tâm là mảng tư vấn đầu tư, các sản phẩm mang đến lợi ích tức thì cho khách hàng.
MSBS đã kết hợp thành công với sản phẩm M1 Account của Maritime Bank để tạo ra sản phẩm M1 Plus. Sản phẩm tái cơ cấu danh mục đầu tư cho khách hàng (Pro-Portfolio) được NĐT đánh giá cao. Đặc biệt, với sự hậu thuẫn từ Maritime Bank, chúng tôi có được mạng lưới khách hàng và khối lượng công việc ổn định.
Do đó, năm 2011, MSBS là một trong số ít CTCK hoạt động hiệu quả với lợi nhuận trước thuế ước đạt 22 tỷ đồng, trong đó hai mảng hoạt động đóng góp nhiều nhất là tư vấn và kinh doanh nguồn vốn. Năm 2012, những áp lực đến từ nền kinh tế vĩ mô khó thể giải quyết trong ngắn hạn và tiếp tục ảnh hưởng lên TTCK. Tình trạng giải thể, sáp nhập của các CTCK sẽ diễn ra mạnh hơn. Điều kiện thiết yếu cho sự sinh tồn của các CTCK là một tầm nhìn và chiến lược đúng đắn để vượt qua khó khăn.
Trước dự cảm đó, chúng tôi thận trọng vạch ra cho mình những bước đi mang tính bền vững. Cụ thể, MSBS tiếp tục theo đuổi định hướng mô hình ngân hàng đầu tư; tập trung khai thác lượng khách hàng tiềm năng từ Maritime Bank thông qua các sản phẩm kết nối hệ thống; phát triển đa dạng hệ thống sản phẩm cốt lõi và lấy đó là cơ sở để khẳng định thương hiệu; sẵn sàng bắt tay với các đối tác chiến lược nước ngoài để mở rộng quy mô và nâng cao tầm vóc trên thị trường tài chính trong nước và khu vực.
Ông Oh Kyung Hee, Tổng giám đốc CTCK KIS Việt Nam
Chúng tôi (bên Hàn Quốc) dự kiến trong năm 2012 nâng tỷ lệ góp vốn tại CTCK KIS Việt Nam lên 65%. Về chiến lược, KIS vẫn tập trung nguồn lực cho hoạt động môi giới, với 3 phân khúc khách hàng chính: NĐT nội địa, NĐT tại Hàn Quốc và nhóm NĐT tổ chức. Chúng tôi dự định mở rộng đội ngũ môi giới, thành lập Chi nhánh Hà Nội, với mục tiêu thị phần chiếm từ 1 - 1,5%.
Hiện thông tin trên TTCK Việt Nam có nhiều, nhưng thông tin để ra quyết định đầu tư lại ít. Nhiều thông tin có khả năng tác động mạnh đến giá cổ phiếu nhưng không được doanh nghiệp công bố rộng rãi, chỉ giới hạn trong phạm vi cổ đông nội bộ và một số CTCK thân cận.
Bên cạnh đó, thông tin sức khỏe tài chính của các CTCK hiện nay chưa được công bố định kỳ, đầy đủ, khiến khách hàng của các CTCK bán tín bán nghi về an toàn tiền gửi. Lo ngại này cộng với việc thị trường đi xuống khiến nhiều NĐT chọn giải pháp đứng ngoài thị trường, gây thiệt thòi cho các CTCK muốn hoạt động chuyên nghiệp.
Từ kinh nghiệm hội nhập tài chính của Hàn Quốc, chúng tôi cho rằng, các CTCK Việt Nam nếu hoạt động một cách chuyên nghiệp vẫn có lợi thế cạnh tranh khi am hiểu tâm lý NĐT và thị trường nội địa. Tuy nhiên, hơn 100 CTCK hiện nay là quá nhiều, khi miếng bánh dịch vụ chứng khoán còn khiêm tốn. Vì vậy, với các CTCK nhỏ, xu thế sáp nhập, hợp nhất hay tự đào thải sắp tới là khó tránh khỏi, giống như tại Hàn Quốc giai đoạn 1997 - 1998.
Ông Hoàng Đình Lợi, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)
Năm 2011 là một năm cực kỳ khó khăn, nhưng chúng tôi cũng đã thực hiện nhiều công việc để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới của Công ty như: tái cơ cấu về tài chính, đảm bảo khả năng thanh khoản ở mức cao; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính; tái cơ cấu và tinh gọn bộ máy; nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy trình, quy chế…
Trong giai đoạn 2012 - 2013, định hướng của SHS là chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng đầu tư, nâng cao tính chuyên môn hóa trong các hoạt động kinh doanh, tăng cường công tác dự báo, kế hoạch hóa, kiểm soát và ngăn ngừa rủi ro, chú trọng đến việc phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, các hoạt động đầu tư có khả năng tạo lợi nhuận tốt và bền vững. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẵn sàng cho những diễn biến nhanh và bất ngờ của thị trường để có thể phát huy tối đa các thế mạnh riêng của SHS, đó là sự hậu thuẫn của cổ đông, của đối tác, khả năng tài chính mạnh cùng công nghệ hiện đại, đặc biệt là đội ngũ CB-NV tận tâm, dám nghĩ, dám làm.
Ông Henk Ruitenberg, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Eastspring Investments
Từ năm 2012, Tập đoàn Prudential đổi tên gọi mới là Eastspring Investments cho hoạt động quản lý quỹ tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi đang quản lý tài sản trị giá 1,3 tỷ USD tại Việt Nam, việc thay đổi thương hiệu chỉ là thay đổi tên gọi và không có bất cứ ảnh hưởng nào đến hoạt động kinh doanh, chiến lược đầu tư hoặc bộ máy lãnh đạo.
Trong giai đoạn hiện nay, Công ty vẫn nhận thấy các cơ hội đầu tư sinh lợi hấp dẫn vào công cụ nợ có thu nhập cố định. Lĩnh vực quản lý quỹ tại Việt Nam mở cửa cho các công ty quản lý quỹ 100% vốn ngoại hoạt động, nhưng chúng tôi không cảm thấy áp lực cạnh tranh. Bởi trong lĩnh vực quản lý quỹ, Prudential có nhiều kinh nghiệm khi đang quản lý tài sản tới 80 tỷ USD và hiện diện hoạt động tại 10 nước châu Á.
Với hành lang pháp lý về quỹ mở vừa hình thành, đây không chỉ là một bước tiến mới cho ngành quản lý quỹ, mà còn mang đến công cụ mới cho thị trường vốn Việt Nam phát triển. Eastspring Investments sẽ sớm cho ra đời chuỗi sản phẩm quỹ mở phù hợp khi đã chờ đợi điều này 4 năm qua. Quỹ mở có nhiều sản phẩm phù hợp với các điều kiện thị trường khác nhau và phục vụ các yêu cầu khác nhau của NĐT. Cốt lõi thành công của quỹ mở chính là vấn đề xây dựng chương trình đào tạo: kiến thức đầu tư và phần kiến thức chuyên biệt cho quỹ mở.
Bà Josephine Yei, Tổng giám đốc CTCK SaigonBank Berjaya (SBBS)
Giới đầu tư nước ngoài hiểu rất rõ xu hướng tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam gần đây và họ cũng biết rằng, quá trình tái cơ cấu mới chỉ bắt đầu. Các thách thức ngắn hạn như lạm phát rồi sẽ giảm về một con số, tiền tệ sẽ được nới lỏng, tỷ giá sẽ ổn định, nhưng trước mắt còn nhiều khó khăn khi còn con đường dài phía trước phải đi.
Bất chấp sự suy giảm vị thế trong ngắn hạn, về lâu dài Việt Nam vẫn hấp dẫn giới đầu tư quốc tế, dựa vào nguồn tài nguyên dồi dào, cơ cấu dân số trẻ và nền kinh tế phát triển năng động trên nền chính trị ổn định.
Tuy nhiên, TTCK Việt Nam có quy mô quá khiêm tốn, rất khó để thu hút các NĐT tổ chức lớn, do thanh khoản thị trường không cao, khó mua khó bán cổ phiếu trong các vùng giá mục tiêu. Bên cạnh đó, chất lượng cổ phiếu chưa cao, một số cổ phiếu có chất lượng thực sự như VNM lại cạn "room", khiến NĐT ngoại không còn cơ hội. Các điểm yếu này khiến TTCK Việt Nam ít nhiều giảm sức hấp dẫn với giới đầu tư quốc tế và chỉ là địa chỉ lựa chọn thứ hai sau Indonesia, Malaysia…
Việt Nam gỡ bỏ giới hạn 49% sở hữu đối với NĐT nước ngoài trong CTCK và công ty quản lý quỹ, nhưng chúng tôi (Tập đoàn Berjaya của Malaysia) chưa có kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu tại SBBS. Năm 2012, SBBS vẫn tập trung nguồn lực cho hoạt động môi giới, sự mở rộng tùy thuộc vào từng kịch bản thị trường.
Theo Giang Thanh – Phong Lan
ĐTCK