Thiệt hại lớn vì khu đô thị bỏ hoang

Ngày đăng : 11/05/2012 - 3:36 PM

 

Cả chục dự án đô thị, phát triển nhà ở tại Bắc Ninh, Hà Nội, Hòa Bình... bỏ hoang cỏ mọc.

Nhiều dự án chia lô, bán nhà cho hàng ngàn người nhưng nhiều năm qua vẫn hoang vắng không bóng người.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, chính quyền cần hết sức cân nhắc khi thu hồi đất canh tác để làm khu đô thị, nhất là khi đã thu hồi đất của dân rồi lại để hoang cỏ mọc.

Nhiều chuyên gia cho rằng có thể cả chục năm nữa các khu đô thị này vẫn vắng bóng người, ông nghĩ sao?

Đô thị mới cần hiểu là phải có cả nhà ở, trường học, công viên và nhiều tiện ích khác phục vụ người dân chứ không phải chỉ đơn giản là cái nhà ở.

Thực ra, một số dự án đô thị bỏ hoang trước đây có người biện minh là “cũng làm theo quy hoạch”, nhưng quy hoạch đấy vẽ ra là dành cho 20 năm, thậm chí 50 năm sau chứ không phải vẽ cho ngay bây giờ đâu! Ý tôi là trên cơ sở quy hoạch, phải chia ra cụ thể giai đoạn nào xây đến đâu, diện tích bao nhiêu căn cứ vào nhu cầu thực sự của người dân.

Theo tôi, phải phát triển đô thị theo hướng xây đâu được đấy, xây đến đâu dùng được đến đó chứ nếu không thì không thể có được bộ mặt đô thị đẹp đẽ.

Nếu làm rải rác thì ngay cả chục khu đô thị xây xong nhưng cách xa nhau, người đến ở quá ít thì ngay cả một trường học, bệnh viện cũng rất khó đầu tư được.

Nhưng khu đô thị bỏ hoang nhiều nhất lại rơi vào những nơi từng được tung hô là “đi tắt đón đầu” như Mê Linh, Từ Sơn..., thưa ông?

Rõ ràng là chúng ta đã làm ngược quy trình. Hà Nội là đô thị lớn có tác dụng lan toả rất mạnh và đó là quy luật tất yếu. Các địa phương quanh Hà Nội đã dựa vào tác động lan tỏa ấy để xây các khu công nghiệp, đô thị bám theo nhưng ở đây có sự thiếu tính toán đầy đủ.

Vấn đề đặt ra là các địa phương cần phải bố trí, xây dựng đô thị phải theo quy hoạch, có tổ chức, tính toán rất kỹ chứ không thể tùy tiện và thiếu sự phối hợp giữa các địa phương như hiện nay. Hiện vẫn có tình trạng buông lỏng phối hợp trong tổ chức quy hoạch vùng.

Mặc dù đã có nhiều đô thị bỏ hoang ở khắp nơi nhưng chưa có gì đảm bảo tình trạng này sẽ không tái diễn trong tương lai?

Xử lý các đô thị để hoang này là việc rất khó nhưng phải quan tâm. Cần căn cứ từng khu đô thị, dự án có những đặc điểm khác nhau để đưa ra hướng tháo gỡ.

Tôi ví dụ nếu gần các khu công nghiệp cần tính toán hạ giá để phục vụ cho các nhu cầu của lao động trong khu công nghiệp. Tất nhiên, phải hạ giá thì mới bán được.

Đây là việc cần được nghiên cứu và rút ra bài học sâu sắc. Vừa qua, tôi đã kiến nghị, nhà ở công nhân không phải xây biệt lập trong khu công nghiệp mà phải nằm trong một khu đô thị có đầy đủ tiện ích.

Tại Từ Sơn (Bắc Ninh) hay Mê Linh (Hà Nội) trước đây có vị lãnh đạo dự kiến phát triển thế này thế kia nhưng thực chất lại chẳng thấy phát triển gì! Hà Tây trước khi nhập vào Hà Nội đã ồ ạt cấp đất làm dự án dẫn đến sau đó phải rà soát, điều chỉnh nhiều.

Người ta đua nhau làm dự án, vì ở đó có lợi ích nhóm và hậu quả là mất rất nhiều đất nông nghiệp.

Theo Minh Tuấn
TPO

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Dân đầu cơ BĐS bán tháo, chủ đầu tư xanh mặt

Ngày đăng : 10/05/2012 - 4:11 PM

 

Nhiều nhà phát triển dự án BĐS đang ở vào tình cảnh rất éo le là phải cạnh tranh trực tiếp với những sản phẩm giá rẻ của chính nhà đầu tư, khách hàng đã mua sản phẩm của mình.
Đây có lẽ là thực tế chua chát và thê thảm mà từ trước đến nay, chính các chủ đầu tư cũng không thể ngờ tới.

Từ "Thượng đế" trở thành "đối thủ"

Vì cần tiền mặt, tới hạn tất toán hợp đồng với chủ đầu tư, trả nợ ngân hàng, trên nhiều trang mua bán, rao vặt nhà đất, rất nhiều mẩu tin cần bán gấp căn hộ tại các dự án chung cư, khu đô thị mới đang hoàn thiện, đã đóng nửa già tiền tiến độ - giá được giảm hàng chục triệu so với giá gốc của chủ đầu tư hay cắt lỗ lên đến vài trăm triệu đồng.

Mức độ thu hút của những rao vặt này phụ thuộc vào độ lớn của số tiền mà người bán chịu lỗ. Có trường hợp bên muốn bán khẳng định chấp nhận chịu lỗ 70% giá trị sản phẩm hay mức lỗ 1-2 tỷ đồng/sản phẩm BĐS mà không quên chua thêm: "đây là cơ hội hiếm hoi để sở hữu căn hộ cao cấp/lô đất giá rẻ nhất thị trường".

Các nhà đầu tư thứ cấp bán tháo ở đây là những cá nhân và các công ty tư nhân. Phần đa do sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn đầu tư vào BĐS, giờ phải tìm cách thoát hàng gấp; đối tượng tiếp theo do không nhìn thấy triển vọng của thị trường, các dự án không đầy đủ pháp lý, chủ đầu tư yếu kém, không đáp ứng được tiến độ tìm cách thoái vốn, tự giải thoát mình.

Mặc cho chủ đầu tư các dự án BĐS tại Hà Nội vẫn kiên định giữ giá thì các động thái thoái lui quyết liệt của các nhà đầu tư, đầu cơ thứ cấp, vô hình chung khiến giá sản phẩm của dự án liên tục lao dốc.

Với thị trường mà sức mua bó hẹp với số lượng rất ít ỏi giao dịch thành công thì việc các nhà đầu tư thứ cấp ồ ạt cắt lỗ đã đưa đối tượng này từ địa vị "Thượng đế" trở thành đối thủ cạnh tranh trực diện của các chủ đầu tư. Và trong cuộc đua thoát hàng này, ưu thế giá rẻ đã thuộc về các nhà đầu tư thứ cấp hay nói cách khác, đối tượng này có khả năng hớt trước các khách hàng tiềm năng của chủ đầu tư.

Lãnh đạo một dự án quy mô thuộc khu vực Hà Đông chia sẻ, áp lực doanh số càng về cuối càng gia tăng, bởi thị trường đã chìm lắng, đóng băng hơn năm trời nay. Hiện nay nhiều chủ đầu tư như đang ngồi trên đống lửa bởi chưa nhìn thấy triển vọng bán hàng trước mắt.

Dù cho lượng nhà đầu tư "đánh tháo" do đầu tư vượt quá khả năng chỉ chiếm khoảng vài phần trăm trong một dự án nhưng điều này để lại nhiều hệ lụy cả về yếu tố tâm lý thị trường, thương hiệu, đến chương trình bán hàng của chủ đầu tư sau này. Người có nhu cầu sẽ đặt ngược câu chuyện, dự án có vấn đề gì mà nhà đầu tư lại tháo chạy nhiều như vậy?

Cạnh tranh không biên độ

Ông Trương Chí Kiên, Phó TGĐ Công ty CP Him Lam Thủ đô nhìn nhận, thị trường trước đây chỉ có bên cung là các chủ đầu tư dự án cạnh tranh lẫn nhau. Sự cạnh tranh này thiết lập mặt bằng giá trên thị trường. Giữa các dự án cùng loại, mức chênh giá thường không nhiều, chỉ khoảng 5-10% dựa trên các lợi thế, giải pháp xây dựng, giá thành đầu vào...

Nhưng giờ đây, giá cả thị trường bị chênh lệch phân hóa mạnh bởi một lượng cung "không chính thức". Đó là nguồn cung thứ cấp do một bộ phận nhà đầu tư thứ cấp. Ngoài ra, một lượng cung nữa sẽ gia nhập thị trường tới đây đó là các BĐS thế chấp, thành nợ xấu của các ngân hàng.

Do giá trị chào bán thường thấp hơn mặt bằng giá sơ cấp của chủ đầu tư từ trên 10% trở lên, vì thế xu hướng giao dịch hiện tại chủ yếu tập trung vào các tài sản cắt lỗ, phát mãi. Những sản phẩm mới thuộc phân khúc trung và cao cấp gần như không được người mua đoái hoài.


Nói về áp lực của các chủ đầu tư, ông Đinh Văn La - từ sàn Tài Tâm Colier cho rằng, nhiều dự án đang triển khai hiện nay đã thiếu vốn, không bán được hàng, trước tình hình này lại càng thiếu vốn trầm trọng hơn, dự án càng lâm vào bế tắc. Hơn hết, tất cả tác động đến tâm lý chung của toàn thị trường.

"Tình hình tài chính, tiến độ triển khai chậm chạm đã ảnh hưởng rất nặng đến thương hiệu, uy tín của chủ đầu tư rồi. Còn việc nhà đầu tư thứ cấp bán phá giá thêm một lần nữa thì hệ lụy lan truyền theo kiểu domino, dự án càng không bán được, niềm tin của thị trường nói chung càng mất thêm thời gian hồi phục" - vị này nói.

Đáng nói là, trong thời gian thị trường BĐS Hà Nội nói riêng liên tục tăng trưởng các năm vừa qua, sản phẩm ra đến đâu hết đến đấy với giá gốc và giá chênh cao, gần như không chủ đầu tư nào có thể tượng tượng được rằng, đến một ngày nào đó họ sẽ phải cạnh tranh bán sản phẩm của mình với chính các nhà đầu tư thứ cấp, các nhà đầu cơ, cũng như làm sao giữ được giá sản phẩm trong thời kỳ thị trường đi xuống. Giữa hai bên không có một cam kết nào về việc bán đúng giá sản phẩm vì thế đến giờ, thường chủ đầu tư phải cắn răng, ngậm ngùi chịu trận.

Ở một góc độ khác, nhiều ý kiến đặc biệt lưu ý trong giai đoạn các nhà đầu tư thứ cấp "phá giá" hiện nay, không ít trường hợp là chuyển rủi ro cho người mua sau. Bởi lẽ, nhiều dự án về bản chất, chủ đầu tư đã không còn khả năng về tài chính, dự án đã ngừng thi công xây dựng cả năm nay, do đó việc giảm giá sâu cũng không còn ý nghĩa thực tiễn đối với người mua.

"Người dân vẫn có tâm lý "của rẻ là của ôi". Những dự án tốt, có giá trị, chỉ cần giảm giá 5% khách hàng đã rào mua rồi. Giờ một số dự án có giảm giá 20%, nhưng pháp lý chưa đầy đủ, chủ đầu tư không làm hoặc có thực hiện nhưng rất chậm, đến vài năm, lúc ấy cơ hội sẽ khác. Mà với tình hình này, khả năng chậm trễ không phải bằng tháng hay quý nữa mà được tính bằng năm" - đại diện một đơn vị kinh doanh BĐS nhấn mạnh.

Theo Thành Dũng
VEF


Giá đất dự án Hà Nội đang ở đáy “chữ U”

Ngày đăng : 09/05/2012 - 11:20 AM

 

http://cafef.vcmedia.vn/thumb_w/260/Images/Uploaded/Share/2012/05/09/a00y8.jpg

Các dự án đất nền trục phía tây đang rớt giá thê thảm.

Nếu năm 2009, sơ đồ giảm giá BĐS đi theo hình sin với thời gian giảm giá không quá dài thì từ năm 2011 đến nay, giá BĐS liên tục giảm mạnh và hiện giá đang đi ngang ở đáy “chữ U”.

Theo nhiều chuyên gia về BĐS, chưa có thời gian nào thị trường BĐS lại có sự giảm giá kéo dài như thời gian này. Với mức giá giảm trung bình ở một số dự án lên tới 40%, thậm chí 50%, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là mức giá không thể giảm thêm được nữa.

 

Càng xa trung tâm càng giảm mạnh

 

Nguồn vốn khan hiếm, các nhà đầu tư quay lưng chờ giảm tiếp, các nhà đầu tư thứ cấp – các chuyên gia lướt sóng biến mất, giá đất lao dốc mạnh, đặc biệt là với các dự án chưa hoàn thiện xong pháp lý và chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Đứng đầu bảng các dự án giảm mạnh là dự án Kim Chung – Di Trạch với mức giá trở về bằng thời điểm cách đây 3 năm. Hiện đất liền kề dự án này đang ở mức từ 25-27 triệu đồng/m2 tùy vị trí. So với mức giá thời hoàng kim gần đây nhất là đầu năm 2011, giá đã giảm hơn 20 triệu đồng/m2. 

 

Đứng thứ hai về tốc độ giảm giá là dự án Thanh Hà – Cienco5. Hiện giá liền kề 100m2 chỉ ở mức 22 -24 triệu đồng/m2, trong khi mức giá trước đó có lúc lên tới 45 triệu, thậm chí 47 triệu đồng/m2; giá đất biệt thự diện tích 300m2 giá khoảng 16-17 triệu đồng/m2; trong khi ở thời điểm sốt đã có lực lên tới 32-35 triệu đồng/m2.

 

Không phải là đất dự án nhưng đất trong khu vực dân cư các huyện Đan Phượng, Hoài Đức cũng giảm mạnh. Đất thổ cư nằm trên mặt trục đường 32 giảm giá khoảng 50%, rơi thẳng từ mức 50-60 triệu đồng/m2 thời kỳ sôi động xuống còn trên dưới 30 triệu đồng/m2, nhưng mời "gãy răng" chẳng ai mua. Các dự án nằm quanh khu vực vành đai 3 cũng có mức giảm chóng mặt. Chị Đào Thị T - một dân đầu cơ lướt sóng chuyên nghiệp đang chót vay tiền ngân hàng ôm mấy lô liền kề khu vực này với mức giá hơn 50 triệu đồng/m2, toàn ô góc, đường rộng nhưng giờ muốn cắt lỗ bán hơn 35 triệu đồng/m2 cũng không đắt. Áp lực trả nợ ngân hàng rát mặt, chị này đang đứng trước nguy cơ phải bán nhà đang ở để thoát cảnh nợ nần.

 

Đất nền dự án Nam An Khánh của Sông Đà – Sudico cũng ở tình cảnh tương tự. Cùng với sự ảm đạm chung của thị trường, tình trạng pháp lý của dự án luôn trong tình trạng gây tranh cãi đã đẩy giá đất ở đây giảm thê thảm. Từ mức đầu năm 2011, đã có lúc đất liền kề lên tới hơn 40 triệu đồng/m2 thì nay chỉ trên dưới 25 triệu đồng/m2; đất biệt thự diện tích lớn mức giá còn giảm mạnh hơn: Chưa đầy 21 triệu đồng/m2. Những ai đã trót "ôm" dự án khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức) của Tập đoàn HUD không phải mục đích để ở thì cũng méo mặt vì giá nhà liền kề đã giảm từ mức 55-60 triệu đồng/m2 xuống chỉ còn 35 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, giá này đã bao gồm cả tiền xây thô. Theo một nhà đầu tư, bỏ ra hơn 6 tỉ đồng từ gần 2 năm nay, nay mức giá đã trở về gần bằng mức giá gốc của chủ đầu tư, như vậy, nhà đầu tư lỗ nặng cấn cả vào gốc, chưa nói đến thiệt lãi suất ngân hàng.

 

Dự án đất liền kề khu đô thị mới Dương Nội của Nam Cường; Tân Tây Đô cũng có mức rơi thảm, xung quanh mức 28 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm xây thô, trong khi đỉnh điểm lên tới 60 triệu đồng/m2)...

 

Đáy chữ U đã kéo khá dài

 

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giá đất nền giảm mạnh và đã kéo khá dài từ nhiều tháng nay và dự đoán mức giá này khó có thể giảm thêm. Song một số chuyên gia cũng khuyến cáo, kể cả khi thị trường khởi sắc trở lại, đất các dự án xa trung tâm cũng khó có thể tìm lại được mức hoàng kim ngày xưa. “Các nhà đầu tư đã ngày càng am hiểu về thị trường hơn. Họ biết rằng các khu đô thị như Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Kim Chung – Di Trạch... để dân về ở được ra hình dáng một khu đô thị sống còn phải hàng chục năm nữa. Trong khi om tiền ở đó, nhà đã xây thô ngày một xuống cấp, ở lại không thể ở được thì nhiều khi thà đầu tư vào một căn hộ chung tâm rồi cho thuê lại ăn chắc mặc bền, không phải lo lắng” - một nhà đầu tư phân tích. 

 

Có lẽ vì những tính toán như vậy nên các giao dịch đất nền dự án vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên,  theo ông Phan Thành Mai - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tình hình này sẽ không kéo dài lâu vì hiện tại, theo báo cáo của nhiều DN BĐS thì lợi nhuận của hầu hết các dự án đều âm, có nghĩa là các đầu tư dự án hiện đã không có lợi nhuận, giá bán tại thời điểm này là thấp nhất. “Đây cũng là cơ hội tốt cho người tiêu dùng để có thể lựa chọn cho mình một sản phẩm vừa ý, hợp túi tiền. Chúng ta cũng có thể nhìn nhận niềm tin của thị trường sẽ sớm được cải thiện, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạ lãi suất của ngân hàng, thị trường sẽ có chiều hướng đi lên” - ông Mai khẳng định.

 

Theo Song Minh

  Lao Động    

                                                         


TS Alan Phan: "BĐS nên giảm thêm 50% nữa thì mới đáng mua"

Ngày đăng : 08/05/2012 - 2:49 PM

 

 

Nếu giá cả thực rẻ thì nên mua. Chẳng hạn địa ốc có thể xuống thêm 50% nữa nhưng mình có cơ hội mua chỗ nào mình thích bằng 70 - 80% giá hiện nay thì đó là một đầu tư tốt. 

 

Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải - Tiến sĩ Alan Phan chia sẻ.

 

Theo Tiến sĩ Alan Phan, bất động sản là một tài sản không bị lạm phát ăn mòn nhưng hiện nay giá bong bóng của bất động sản cao quá, thị trường chưa bắt đáy.

 

Cũng theo Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa, muốn nhà đầu tư mở hầu bao để kích thích kinh tế phát triển thì Chính phủ cần củng cố niềm tin về khả năng có thể sinh lợi.

 

Người dân sắp tới nên đầu tư vào kênh nào?

 

Đầu tư vào đâu tùy thuộc mục tiêu mỗi người và mức độ rủi ro có thể chấp nhận. Ai muốn giữ tiền của mình từ năm đến 10 năm mà không mất giá trị, bỏ vào VND sợ lạm phát ăn mòn thì nên mua vàng. Vàng không sinh lợi nhưng đảm bảo được giá trị của tiền.

 

Ví dụ: Một lượng vàng là 1.600 USD mỗi ounce thì mất 20 chục lượng ấy mua được chiếc xe Honda Civic. Nếu giữ vàng khoảng 5 - 6 năm sau, 20 chục lượng vàng ít nhất là vẫn mua được chiếc xe đó. Dù rằng giá chiếc xe đó giá trị lúc này là 600 triệu đồng, đến 5 - 6 năm sau đã tăng lên 2 tỷ đồng nhưng với giá vàng mới, ta vẫn mua được.

 

Muốn gửi VND vào ngân hàng, phải tính sự cân bằng của lãi suất. Lạm phát 18% mà lãi suất 10%, thì sẽ mất 8%. Còn lạm phát 9% mà lãi là 12% thì lời 3% một năm.

 

Với USD, nhiều chuyên gia tiên đoán sẽ xuống giá 1-2% mỗi năm trong vòng 2-3 năm tới. Do đó lấy USD đi đầu tư cái gì khác sinh lợi cao hơn thì vẫn tốt hơn.

 

Hiện bất động sản đang xuống nhiều, liệu đây có phải là cơ hội mua vào không, thưa ông?

 

Nếu giá cả thực rẻ thì nên mua. Chẳng hạn địa ốc có thể xuống thêm 50% nữa nhưng mình có cơ hội mua chỗ nào mình thích bằng 70 - 80% giá hiện nay thì đó là một đầu tư tốt.

 

Bất động sản là một tài sản không bị lạm phát ăn mòn nhưng hiện nay giá bong bóng của bất động sản cao quá, thị trường chưa bắt đáy. Tôi nghĩ bất động sản nên giảm thêm 50% nữa thì mới đáng mua. Riêng giá đất, tôi nghĩ trong hai năm tới sẽ giảm thêm 30% nữa.

 

Từ đầu năm đến nay chứng khoán đi theo chiều hướng tăng. Theo ông có nên sớm trở lại với thị trường này?

 

Thực tình chứng khoán đang bị làm giá rất nhiều. Vì để cứu ngân hàng, Chính phủ phải cứu chứng khoán. Việc lãi suất giảm hay mở van tín dụng cho một số đối tượng phi sản xuất chẳng qua là giải pháp kích cầu thôi.

 

Trong khoảng 3 - 6 tháng tới, thị trường chứng khoán sẽ được thổi lên khi Chính phủ và ngân hàng bơm tiền vào. Nhưng dòng tiền đó không được nhiều vì Chính phủ cũng sợ lạm phát quay đầu nên không dám in tiền hay đi vay nhiều. Thế nên sau 3 - 6 tháng dòng tiền này cũng sẽ hết. Đến lúc hết hơi, giá trị lại tiếp tục đi xuống. Đâu lại vào đấy.

 

Tuy nhiên, có nhiều công ty với giá cổ phiếu dựa trên giá trị thực như mức lời hiệu quả, minh bạch, thị trường có tiềm năng, thương hiệu... thì việc đầu tư lâu dài có thể tốt. Phần lớn các công ty trên sàn hiện nay còn nhiều yếu kém, thông báo tài chính rất đáng nghi ngờ, sở hữu chồng chéo và sự minh bạch không được tôn trọng.

 

Ở một khía cạnh khác, những nhà đầu tư nào thích lướt sóng và biết lướt sóng thì vẫn kiếm được tiền. Khi Chính phủ và ngân hàng kích cầu thì mua vào nhưng sau đó phải rút cho lẹ.

 

Vậy có cách nào khác để kích cầu không?

 

Có một cách. Nếu Chính phủ muốn thu hút tiền trong dân, có thể cho phép mở 5 - 6 casino một lúc thì sẽ kích được nguồn tiền vào nền kinh tế. Mỗi một casino cần tới vài ngàn nhân viên và cả trăm ngàn khách hàng trong và ngoài nước. Như vùng Las Vegas, trước đây cũng là sa mạc vắng người nhưng sau khi mở các sòng bạc, lập tức dòng tiền từ mọi nơi đã đổ về đây.

 

Xin xác minh là tôi thuần túy nói về khía cạnh kích cầu kinh tế và không xét về phương diện đạo đức hay xã hội. Tôi rất ghét đánh bạc nhưng số lượng tiền đổ vào vé số kiến thiết hay số đề và các cá cược bóng đá cũng như đem qua Macau, Singapore hay Campuchia là một thực thể kinh tế.

 

Như vậy dòng tiền sắp tới sẽ đi theo xu hướng nào, thưa ông?


 
Vì những điều tôi nói ở trên nên sẽ có một dòng tiền sẽ đi vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng… phát sinh từ những nhà đầu cơ. Nhưng phần lớn tiền nhàn rỗi sẽ nằm yên trong túi người dân vì họ không dám nhận các rủi ro.

 

Làm sao để có thể đưa số tiền này vào nền kinh tế?

 

Tôi nghĩ trong một nền kinh tế thị trường, tất cả đều dựa trên niềm tin. Nghĩa là phải làm sao để người dân tin rằng tiền đó sẽ được đảm bảo không mất giá và có khả năng sinh ra lợi nhuận.

 

Ví dụ: Đồng USD vững mạnh là vì mọi người tin vào sức mạnh, giá trị vững chắc của cơ chế chính phủ và vận hành nền kinh tế Mỹ. Sở dĩ tiền Zimbabwe mất giá và sụp đổ vì người dân không tin vào nó. Thành ra bất cứ một định chế tài chính nào khi không có niềm tin thì cũng không thể tồn tại được.

 

Vậy theo ông vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là gì?

 

Doanh nghiệp hiện nay đa phần là bầy đàn, thấy người ta làm sao mình làm vậy, không biết sáng tạo. Có nhiều cách để kiếm vốn từ nhiều kênh khác chứ không phải chỉ xách sổ đỏ đến ngân hàng.

 

Thêm vào đó, doanh nghiệp nước ta sử dụng đòn bẩy quá nhiều. Có một đồng phải vay mượn để làm bảy, tám đồng. Trong khi đó ở Nhật Bản, Mỹ hay các nước Âu châu khác có một đồng thì cùng lắm họ vay thêm một đồng để làm thôi.

 

Riêng với các doanh nghiệp còn tiền, theo ông nên đầu tư vào lĩnh vực nào?

 

Nếu doanh nghiệp có tiền mặt nhiều, đang còn thế mạnh thì đây là lúc nên đi mua lại các tài sản rẻ tiền để có những sản phẩm và vị trí vững mạnh hơn trên thị trường.

 

Trong điều kiện này, ông lựa chọn kênh đầu tư nào?

 

Tôi không thích may rủi nên không muốn bỏ vào chứng khoán hay một kênh đầu tư mà mình không kiểm soát được. Phải lo giữ tiền của mình. Chẳng hạn trong quỹ của tôi đang còn một khoản dư khoảng 2 triệu USD, chúng tôi vừa mua trái phiếu chính phủ Philippines để hưởng lãi 9%.

 

Theo tính toán thì trong thời gian ngắn hạn 6 tháng tới, tình hình vĩ mô của nước này sẽ không có nhiều thay đổi. Chúng tôi không chọn Mỹ hay Singapore vì ở đây tình hình ổn định, lãi suất sẽ rất thấp.

 

Yên Trang

 PL.TPHCM

 


Bán tháo dự án bất động sản

Ngày đăng : 07/05/2012 - 2:29 PM

 

Nợ nần chồng chất, chi phí lãi vay đè nặng, một số doanh nghiệp bất động sản đành bán dự án với giá rẻ để trả nợ
Trong khi chờ Chính phủ tìm những biện pháp hỗ trợ hợp lý để giải cứu cho doanh nghiệp (DN) ngành bất động sản (BĐS), nhiều đơn vị trong ngành này đang cố gắng tìm cách tự cứu mình. Trong đó việc phải rao bán dự án bằng mọi cách là hình thức phổ biến mà không ít DN bắt buộc phải thực hiện.

Tìm đường giải thoát

“Kinh doanh BĐS mà phải bán rẻ dự án là điều đau đớn lắm nhưng không còn cách nào khác vì chúng tôi đã không thể nằm đó... chờ chết. Phải tìm đường giải thoát” - giám đốc một DN BĐS có tiếng tại TPHCM nói. Thật vậy, nếu không bán dự án, DN sẽ không có vốn để tiếp tục thực hiện dự án khác, trong khi nợ ngân hàng phải trả với lãi suất cao đang hối thúc từng ngày.

Tại đại hội cổ đông mới đây, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG), cho biết công ty sẽ bán sỉ dự án cho các nhà đầu tư hoặc hạ giá bán để thu tiền, trả nợ, tái đầu tư… và giảm áp lực trả lãi vay. Kế hoạch trong năm 2012, công ty chỉ tập trung vào các dự án mũi nhọn có tính thanh khoản cao. Hiện công ty đang thỏa thuận về hình thức hợp tác với một số đối tác tiềm năng ở dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè - TPHCM. Ngoài ra, dự án 24 Lê Thánh Tôn, quận 1 - TPHCM cũng đang thương thảo để bán 50% diện tích theo hình thức góp vốn.

Cũng tại đại hội cổ đông vừa diễn ra, lãnh đạo Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC) cho biết sắp tới HBC sẽ tìm kiếm đối tác để liên kết hoặc chuyển nhượng 2 dự án: Khu dân cư Long Thới, huyện Nhà Bè (dự án có diện tích gần 30.000 m2); dự án khu đất Thạnh Xuân, quận 12 - TPHCM, với diện tích hơn 10.000 m2. Ngoài ra, HBC cũng sẽ thu hồi đất để chuyển giao nhà đầu tư mới dự án khu nghỉ dưỡng Lăng Cô – Thừa Thiên - Huế. Đây là những dự án HBC có tỉ lệ vốn góp hơn 50%. 

Cũng bán dự án vì sợ phải “cõng nợ”, Công ty CP Phát triển hạ tầng và BĐS Thái Bình Dương (PPI) đang tìm nhà đầu tư để hợp tác hoặc chuyển nhượng 2  dự án tại quận Thủ Đức. Đó là dự án khu phức hợp ven sông Sài Gòn Water Garden và dự án PPI Tower.

Cơ hội cho người muốn gom hàng

Tổng giám đốc một công ty BĐS cho biết thời điểm này là cơ hội để những ai có tiền muốn đầu tư vào BĐS gom hàng. Bởi sản phẩm rao bán ngày càng nhiều mà giá cả thì không còn “trên trời” như trước đây nên rất dễ thương lượng. Vị này cũng cho biết công ty đã mua lại 4 dự án BĐS với giá tốt. Những dự án này đều có lợi thế về địa điểm hoặc giá rất hấp dẫn.

Tại buổi gặp gỡ mới đây của các DN BĐS và ngành ngân hàng, nhiều DN cho biết hiện họ không kỳ vọng bán giá cao mà chỉ bán cắt lỗ và “chạy” lãi suất mà thôi.

Nợ nần chồng chất, chi phí lãi vay đè nặng là thực trạng phổ biến khiến không ít DN BĐS đành bán dự án với giá “bèo” để trả nợ. Theo báo cáo kiểm toán, đến cuối năm 2011, QCG có khoản nợ phải trả gần 3.000 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 1.240 tỉ đồng và nợ dài hạn là 1.720 tỉ đồng. Chính phần nợ này đã khiến chi phí lãi vay của công ty tăng lên 153 tỉ đồng trong năm qua, nhiều DN BĐS cũng đang là con nợ “khủng” của NH.

Tiền mặt là... vua

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS, Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho biết hiện nay nhiều DN, trong đó có DN BĐS, phá sản do không có DN nào chịu nổi lãi suất trên 20%/năm. Nhiều ngân hàng lãi lớn và dường như ngân hàng đang muốn “thâu tóm” cả DN. Ông dẫn chứng: một DN đầu tư dự án ở quận Tân Phú với vốn 200 tỉ đồng, chủ đầu tư muốn bán giá 180 tỉ đồng nhưng ngân hàng trả giá chỉ 160 tỉ đồng. Chủ đầu tư không đồng ý, ngân hàng chấp nhận để đó chờ, và chắc chắn khi đến hạn phải trả nợ thì DN đành bán tháo. Vì vậy, theo ông Đực, tiền mặt đang trở thành “vua” và các ngân hàng đang có nhiều lợi thế. “Phải tự cứu mình bằng cách tạo ra sản phẩm giá thấp để đáp ứng nhu cầu của thị trường”- ông Đực nói.

Theo Hoàng Lâm
Người Lao Động

Cập nhật bảng giá đất các tỉnh, thành phố

Ngày đăng : 04/05/2012 - 3:05 PM

 

Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính vừa cho biết, Trung tâm khai thác dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước và dịch vụ về tài sản (DPAS) vừa hoàn tất việc cập nhật Bảng giá các loại đất năm 2012 của các địa phương lên Trang thông tin điện tử về TSNN. 

 

Như vậy, toàn bộ bảng giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành và công bố năm 2010, 2011 và 2012 theo quy định của Luật Đất đai đã được đăng tải đầy đủ trên Trang thông tin điện tử về tài sản nhà nước tại địa chỉ: http://taisancong.vn.

 

Theo những số liệu này, giá đất năm 2012 cao nhất là đất ở đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (81 triệu đồng/m²); mức giá thấp nhất là giá đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

 

So với năm 2011, bảng giá đất năm 2012 ở một số tỉnh, thành phố không có thay đổi, chỉ điều chỉnh cục bộ tại những khu vực có điều chỉnh quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng đất, loại đô thị, loại đường phố, khu vực có đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, các tuyến, đoạn đường mới hoàn thành hoặc vừa được đặt tên trong năm 2011.

 

Một số tỉnh điều chỉnh tăng giá đất do tình hình lạm phát, trượt giá, đặc biệt là đất đô thị (Bắc Giang giá đất ở đô thị tăng trung bình 19,4%; Khánh Hòa điều chỉnh tăng từ 1 đến 2 lần...).

 

Việc đăng tải thông tin về giá đất nhằm giúp cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan khai thác để phục vụ công tác quản lý như: xác định giá trị quyền sử dụng đất, tính toán các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai phải nộp…

 

Đặc biệt, việc đưa thông tin về giá đất còn giúp cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc kê khai nộp thuế theo đúng quy định tại Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực thi hành từ 1/1/2012.

 

Thanh Trúc

 Chinhphu


 

Tin mới cập nhật