Thấy gì từ việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá?

Ngày đăng : 14/12/2011 - 3:46 PM

Trái ngược với sự bình yên của thị trường ngoại hối suốt 40 ngày qua, Ngân hàng Nhà nước hôm nay đột nhiên có động thái tăng thêm 0,05% đối với tỷ giá VND/USD liên ngân hàng.

 

                              

 

Mức tăng này, thực ra, cũng không phải là lớn và vẫn nằm trong phạm vi “cam kết” của Thống đốc Ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, đây là động thái có thể gây chú ý vì đã khuấy động sự tĩnh lặng kéo dài. Như vậy, tính đến hôm nay, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng tổng cộng 0,9% tính từ ngày 7/9/2011 - thời điểm cam kết bình ổn trong phạm vi 1% được đưa ra.

 

Phản ứng với động thái điều chỉnh tỷ giá trung tâm này, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt đưa các mức tỷ giá mới. Mức giá bán ra phổ biến được đẩy lên theo kịch mức trần mới, tương đương 21.021 đồng cho mỗi USD. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đều nâng giá mua vào lên mức 21.000 đồng/USD.

 

Riêng Vietcombank đến 12h trưa nay ra giá mua vào là 21.015 đồng/USD và bán ra 21.019 đồng/USD. Như vậy giá bán ra của Vietcombank lần đầu tiên sau một thời gian dài đã thấp hơn giá trần cho phép. Ngược lại, biên chênh lệch giữa giá mua và giá bán lại được co hẹp lại chỉ còn 4 đồng cho mỗi USD. Mức chênh lệch này tương đương hồi tháng 10/2011.

 

Từ giữa tháng 11/2011 cho đến ngày hôm qua, mức chênh lệch giá mua/bán của Vietcombank được duy trì ở ngưỡng 6 đồng/USD. Đây là mức chênh hẹp nhất trong số các ngân hàng lớn. BIDV và Eximbank duy trì mức chênh lệch 21 đồng/USD.

 

Việc tỷ giá ổn định đi kèm với thị trường vàng hạ nhiệt được xem là một thành công của Ngân hàng Nhà nước trong việc bình ổn thị trường. Việc nhích tỷ giá trung tâm thêm 10 đồng nữa có thể là động thái phản ứng lại nhu cầu USD tăng lên vào thời điểm cuối năm. Nhờ thành công trong việc kiềm chế tỷ giá suốt tháng 11 và nửa đầu tháng 12, dư địa cho việc điều chỉnh tỷ giá cũng lớn hơn và có khả năng sử dụng tốt hơn trong những ngày còn lại của năm.

 

Áp lực lên tỷ giá tới đây được dự báo là không mạnh, nhờ lượng kiều hối dồi dào và sự sụt giảm trong nhập siêu tháng 11. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay có thể lên tới 9 tỷ USD, giúp cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 3 tỷ USD vào cuối năm.

 

Mặt khác, việc siết chặt quản lý thị trường tự do khiến những biến động trên thị trường này không thái quá trước mỗi thay đổi từ chính sách. Theo Nghị định 95/2011/ND-CP ngày 20/10/2011 thì mức phạt đối với hoạt động giao dịch ngoại hối trái phép đã tăng từ 70 triệu đồng lên 500 triệu đồng, đồng thời tịch thu tang vật. Điều này khiến các giao dịch quy mô lớn trên thị trường tự do trở nên rủi ro, và người dân có xu hướng giao dịch tại các ngân hàng, giúp tạo nguồn cung.

 


Theo TRỌNG NGHĨA

 Vneconomy
 

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Cạnh tranh trong công nghiệp - Việt Nam vượt 14 bậc

Ngày đăng : 14/12/2011 - 9:14 AM

Ngày 13/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) công bố Báo cáo cạnh tranh công nghiệp năm 2011.


 

 

Theo ông Wilfried Luetkenhorst, Giám đốc điều hành UNIDO, trong 4 năm 2005 – 2009, chỉ số xếp hạng cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam đã tiến lên 14 bậc, xếp thứ 58 vào năm 2009 (trong tổng số 118 quốc gia) và trở thành một trong những quốc gia tiến bộ nhanh nhất thế giới.

Cũng theo ông Wilfried Luetkenhorst, năng lực cạnh tranh công nghiệp không hoặc ít nhất không hoàn toàn phụ thuộc vào trữ lượng tài nguyên của một quốc gia và lợi thế cạnh tranh có thể được tạo nên. Do vậy, Việt Nam cần hướng tới các lĩnh vực có mức độ phức tạp công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn.

Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế, nhất là mô hình thương mại của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu và công nghệ nội địa còn hạn chế và khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam tập trung vào năm lĩnh vực then chốt cần triển khai như: tái hoạch định các chính sách và chiến lược công nghiệp; đa dạng hóa các ngành công nghiệp với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển nguồn nhân lực cho khu vực công nghiệp chế tạo...

 

 

Theo H.My

 SGGP


 


Thủ tướng: Không cần thiết phải xây dựng Luật tái cơ cấu kinh tế

Ngày đăng : 14/12/2011 - 9:10 AM

Trước đề xuất của đại biểu quốc hội về thành lập Ủy ban tái cơ cấu, xây dựng luật về tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng cho rằng không cần thiết.

 

 

 

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, trong phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sáng ngày 25/11, Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đã đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm về đề xuất lập Ủy ban tái cơ cấu kinh tế (có thể do Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch) và việc xây dựng Luật tái cơ cấu nhằm thực thi nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế sắp tới.

Theo văn bản trả lời đại biểu Quốc hội của Thủ tướng, tái cơ cấu nền kinh tế là chủ trương lớn, đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 khóa XI cũng đã xác định 3 trọng tâm tái cơ cấu trong thời gian tới.

Cũng theo văn bản này, Chính phủ sẽ đề cao trách nhiệm, xác định đúng các trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, phân công nhiệm vụ rõ ràng, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt để tái cơ cấu đạt kết quả.

Trong đó, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm này; các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng theo phân công sẽ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu trong phạm vi ngành, lĩnh vực mình phụ trách.

Chính phủ sẽ bám sát tình hình, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của xã hội, thường xuyên kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp. Các vướng mắc về pháp luật sẽ được Chính phủ xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét, quyết định.

"Vì vậy, không cần thiết thành lập Uỷ ban tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng một luật riêng về tái cơ cấu. Chính phủ sẽ trình Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội", văn bản trả lời đại biểu Quốc hội của Thủ tướng cho biết.

 


Theo Chinhphu.vn

 


Fed giữ nguyên chính sách tiền tệ, để ngỏ khả năng tăng kích thích kinh tế

Ngày đăng : 14/12/2011 - 9:02 AM

Fed cho rằng kinh tế Mỹ đang tăng trưởng vừa phải bất chấp tình trạng tăng trưởng chậm lại rõ rệt trên toàn cầu.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm qua giữ nguyên chính sách tiền tệ, cho rằng thị trường tài chính biến động đang đe dọa tới tăng trưởng kinh tế, để ngỏ khả năng nới lỏng chính sách hơn nữa vào năm sau.

Fed cho rằng kinh tế Mỹ đang tăng trưởng vừa phải bất chấp tình trạng tăng trưởng chậm lại rõ rệt trên toàn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp tuy vậy vẫn còn cao và hoạt động thị trường bất động sản u ám.

Kết quả cuộc họp của Fed cho rằng, căng thẳng trên thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục gây ra những nguy cơ suy giảm đáng kể đối với triển vọng kinh tế.

Không đưa ra chỉ dẫn nào mới về chính sách thông tin liên lạc của mình, Fed nhắc lại dự báo rằng lạm phát sẽ ổ định ở mức bằng hoặc thấp hơn ngưỡng phù hợp với nhiệm vụ ổn định giá cả.

Fed đã giữ lãi suất qua đêm gần 0 từ tháng 12/2008 và mua 2.300 tỷ USD trái phiếu chính phủ và liên quan tới tài sản thế chấp trong nỗ lực lớn hơn để kích thích hồi phục kinh tế.

Các quan chức Fed chia rẽ, một bên cho rằng thất nghiệp cao và tăng trưởng chậm yêu cầu phải hành động nhiều hơn và một bên cho rằng những nỗ lực gần đây của Fed là lời mời gọi lạm phát.

Số liệu gần đây cho thấy kinh tế Mỹ đã có một số cải thiện. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 8,6% trong tháng 11, hoạt động sản xuất tăng nhanh... Dự báo tăng trưởng kinh tế quý này sẽ đạt 3%.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng sức mạnh phục hồi hiện nay một phần bị ngăn cản do tình trạng yếu kém sau thiên tai của Nhật Bản và giá dầu tăng cao đầu năm. Họ cảnh báo tăng trưởng có thể chậm hơn, đặc biệt là với một cuộc suy thoái tại châu Âu.

Giới quan sát tin rằng Fed sẽ thực hiện thêm các bước kích thích tăng trưởng năm 2012, kỳ vọng lãi suất không tăng và tăng mua trái phiếu.


Theo Reuters


Tỷ giá bình quân liên ngân hàng lập đỉnh mới 20.813 đồng/USD

Ngày đăng : 14/12/2011 - 9:02 AM

Ngân hàng Nhà nước bất ngờ tăng tỷ giá sau 40 ngày liên tiếp không đổi. Hiện mức tăng tỷ giá còn cách cam kết của Thống đốc ngày 7/9 là 0,1%.

                      

 

Ngày 14/12, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 10 đồng lên 20.813 đồng/USD.

Đây là mức cao nhất của tỷ giá bình quân liên ngân hàng kể từ ngày 11/2/2011 - ngày Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thêm 9,3%.

So với ngày 7/9 - ngày Thống đốc cam kết kiểm soát tỷ giá tăng không quá 1% từ nay tới cuối năm, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng 185 đồng, tương đương 0,9%.

Như vậy, nếu thực hiện theo cam kết, trong 17 ngày sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải giữ tỷ giá tăng không quá 0,1%, tương đương 21 đồng/USD.

 

Theo Gafin


Thủ tướng giải trình về Vinashin và tái cơ cấu nền kinh tế

Ngày đăng : 13/12/2011 - 7:35 PM

Bên cạnh vấn đề của Tập đoàn công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam (Vinasin), hai "câu hỏi lạ" được dành cho Thủ tướng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp Quốc hội thứ hai vừa qua đã có câu trả lời.

 

                            

 

Vinashin đã kiểm điểm xong

Theo toàn văn giải trình của Thủ tướng được đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ về các vấn đề mà do thời gian nên Thủ tướng chưa trả lời trực tiếp đại biểu tại hội trường sáng 25/11 vừa qua, Thủ tướng đã nói rõ thêm một số điểm về việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vụ Vinashin.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có báo cáo số 21/BC-CP ngày 4/11/2011 gửi tới các Đại biểu Quốc hội, trong đó trình bày rất đầy đủ về kết quả điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinashin.

Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước và theo chức năng nhiệm vụ được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm sau thanh tra.

Tập đoàn Vinashin đã hoàn thành việc kiểm điểm và đang xem xét để đưa ra các quyết định hình thức xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm. Bộ Công an đã khởi tố điều tra và tạm giam theo quy định của pháp luật đối với 9 bị can có hành vi vi phạm pháp luật, truy nã quốc tế 2 bị can.

Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã triệu tập hơn 50 cá nhân khác có liên quan để làm việc, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ điều tra theo quy định của pháp luật.

Về kết quả thực hiện tái cơ cấu Vinashin, Thủ tướng cho biết đã được những kết quả bước đầu như: thực hiện việc chuyển giao một số doanh nghiệp, dự án về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nhằm sắp xếp theo đúng ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của các đơn vị này và tận dụng được những kinh nghiệm, thế mạnh của 2 doanh nghiệp quy mô lớn, có cùng ngành nghề với doanh nghiệp, dự án được chuyển giao.

Theo Đề án tái cơ cấu, đến tháng 10/ 2011, đã giảm đầu mối 54 đơn vị (gồm rút vốn thương hiệu tại 22 đơn vị; giải thể 16 đơn vị; chuyển nhượng phần vốn góp của Tập đoàn tại 11 đơn vị; sáp nhập 5 đơn vị, chuyển chủ sở hữu), chuyển quyền chủ sở hữu, đại diện vốn tại 10 đơn vị, quyền đại diện vốn ở 10 đơn vị, chuyển giao 1 đơn vị.

Bộ máy tổ chức, quản lý và nhân sự của Tập đoàn cũng đã được kiện tòa, ổn định một bước tổ chức sản xuất kinh doanh, các nhà máy đóng tàu đã hoạt động trở lại, cán bộ công nhân có việc làm, có thu nhập, đời sống người lao động bước đầu được ổn định.

Năm 2010, đã hoàn thành và bàn giao 64 tàu với tổng giá trị hợp đồng là 577 triệu USD, trong đó: 28 tàu xuất khẩu với tổng giá trị hợp đồng là 278 triệu USD; 36 tàu trong nước với tổng giá trị hợp đồng là 299 triệu USD (riêng trong 3 tháng cuối năm đã bàn giao 42/64 con tàu cho các chủ tàu trong nước và quốc tế).

Năm 2011, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng sẽ hạ thuỷ bàn giao 74 tàu, tổng giá trị là 584,7 triệu USD, trong đó có 24 tàu xuất khẩu.

Để cơ cấu lại tài chính, tạo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tập đoàn triển khai phương án cơ cấu lại nợ của Tập đoàn, cả nợ trong nước và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật. Việc tái cơ cấu này đã có những kết quả bước đầu.

Không cần lập ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế

Trả lời chất vấn về đề xuất thành lập Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng luật về tái cơ cấu nền kinh tế của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định: tái cơ cấu nền kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 khoá XI cũng đã xác định 3 trọng tâm tái cơ cấu trong thời gian tới. Để tái cơ cấu thành công, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, của Bộ Chính trị, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp...

Chính phủ sẽ đề cao trách nhiệm, xác định đúng các trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, phân công nhiệm vụ rõ ràng, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với hệ thống biện pháp đồng bộ, linh hoạt để tái cơ cấu đạt kết quả.

Thủ tướng cũng cho biết, ông sẽ trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm này. Các phó thủ tướng, các bộ trưởng theo phân công sẽ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu trong phạm vi ngành, lĩnh vực mình phụ trách.

Chính phủ sẽ bám sát tình hình, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của xã hội, thường xuyên kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp. Các vướng mắc về pháp luật sẽ được Chính phủ xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét, quyết định.

"Vì vậy, không cần thiết thành lập Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng một đạo luật riêng về tái cơ cấu. Chính phủ sẽ trình Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội", Thủ tướng trả lời.

Với chất vấn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về nguồn nhân lực thực để phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng trả lời chung với chất vấn của một vị đại biểu khác, cũng liên quan đến nguồn nhân lực.

Theo Thủ tướng, phát triển nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập, đang thiếu thầy giỏi và thiếu cả thợ giỏi. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; vẫn đang thiếu cả cán bộ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế kỹ thuật và công nhân có tay nghề cao.

Đó cũng là lý do phát triển nguồn nhân lực được xác định là một khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

Thực hiện khâu đột phá này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trong đó, đặc biệt coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo kết hợp với mở rộng quy mô hợp lý. Không chỉ chú trọng đào tạo chuyên môn mà còn phải quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thực hành, khả năng tự lực, lập nghiệp.

Bản giải trình của Thủ tướng cũng nêu rõ bốn giải pháp sẽ được chú trọng thực hiện trong thời gian tới. Trong đó có việc xây dựng và triển khai các chương trình, đề án đặc thù để tuyển chọn và đào tạo nhân tài đối với những lĩnh vực mũi nhọn, hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia ngang tầm khu vực, từng bước vươn lên tầm thế giới trong tất cả các lĩnh vực từ quản trị kinh doanh, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, pháp lý, y học, văn hóa, nghệ thuật…

Chính sách sử dụng nhân lực cũng sẽ đổi mới phù hợp với tiến trình hình thành và phát triển thị trường lao động. Trong hệ thống hành chính, bố trí cán bộ phải căn cứ vào năng lực; đánh giá cán bộ phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ; giao quyền hạn gắn liền với trách nhiệm; tạo môi trường làm việc và cơ chế khuyến khích, phát huy tài năng đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước...

Những chất vấn của các vị đại biểu khác cũng đều đã có câu trả lời từ Thủ tướng.

 

 

Theo VnEconomy.vn


 

Tin mới cập nhật