Ngày đăng :
14/12/2011 - 9:02 AM
Ngân hàng Nhà nước bất ngờ tăng tỷ giá sau 40 ngày liên tiếp không đổi. Hiện mức tăng tỷ giá còn cách cam kết của Thống đốc ngày 7/9 là 0,1%.
Ngày 14/12, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 10 đồng lên 20.813 đồng/USD.
Đây là mức cao nhất của tỷ giá bình quân liên ngân hàng kể từ ngày 11/2/2011 - ngày Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thêm 9,3%.
So với ngày 7/9 - ngày Thống đốc cam kết kiểm soát tỷ giá tăng không quá 1% từ nay tới cuối năm, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng 185 đồng, tương đương 0,9%.
Như vậy, nếu thực hiện theo cam kết, trong 17 ngày sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải giữ tỷ giá tăng không quá 0,1%, tương đương 21 đồng/USD.
Theo Gafin
|
Ngày đăng :
13/12/2011 - 7:35 PM
Bên cạnh vấn đề của Tập đoàn công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam (Vinasin), hai "câu hỏi lạ" được dành cho Thủ tướng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp Quốc hội thứ hai vừa qua đã có câu trả lời.
Vinashin đã kiểm điểm xong
Theo toàn văn giải trình của Thủ tướng được đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ về các vấn đề mà do thời gian nên Thủ tướng chưa trả lời trực tiếp đại biểu tại hội trường sáng 25/11 vừa qua, Thủ tướng đã nói rõ thêm một số điểm về việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vụ Vinashin.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có báo cáo số 21/BC-CP ngày 4/11/2011 gửi tới các Đại biểu Quốc hội, trong đó trình bày rất đầy đủ về kết quả điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinashin.
Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước và theo chức năng nhiệm vụ được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm sau thanh tra.
Tập đoàn Vinashin đã hoàn thành việc kiểm điểm và đang xem xét để đưa ra các quyết định hình thức xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm. Bộ Công an đã khởi tố điều tra và tạm giam theo quy định của pháp luật đối với 9 bị can có hành vi vi phạm pháp luật, truy nã quốc tế 2 bị can.
Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã triệu tập hơn 50 cá nhân khác có liên quan để làm việc, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ điều tra theo quy định của pháp luật.
Về kết quả thực hiện tái cơ cấu Vinashin, Thủ tướng cho biết đã được những kết quả bước đầu như: thực hiện việc chuyển giao một số doanh nghiệp, dự án về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nhằm sắp xếp theo đúng ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của các đơn vị này và tận dụng được những kinh nghiệm, thế mạnh của 2 doanh nghiệp quy mô lớn, có cùng ngành nghề với doanh nghiệp, dự án được chuyển giao.
Theo Đề án tái cơ cấu, đến tháng 10/ 2011, đã giảm đầu mối 54 đơn vị (gồm rút vốn thương hiệu tại 22 đơn vị; giải thể 16 đơn vị; chuyển nhượng phần vốn góp của Tập đoàn tại 11 đơn vị; sáp nhập 5 đơn vị, chuyển chủ sở hữu), chuyển quyền chủ sở hữu, đại diện vốn tại 10 đơn vị, quyền đại diện vốn ở 10 đơn vị, chuyển giao 1 đơn vị.
Bộ máy tổ chức, quản lý và nhân sự của Tập đoàn cũng đã được kiện tòa, ổn định một bước tổ chức sản xuất kinh doanh, các nhà máy đóng tàu đã hoạt động trở lại, cán bộ công nhân có việc làm, có thu nhập, đời sống người lao động bước đầu được ổn định.
Năm 2010, đã hoàn thành và bàn giao 64 tàu với tổng giá trị hợp đồng là 577 triệu USD, trong đó: 28 tàu xuất khẩu với tổng giá trị hợp đồng là 278 triệu USD; 36 tàu trong nước với tổng giá trị hợp đồng là 299 triệu USD (riêng trong 3 tháng cuối năm đã bàn giao 42/64 con tàu cho các chủ tàu trong nước và quốc tế).
Năm 2011, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng sẽ hạ thuỷ bàn giao 74 tàu, tổng giá trị là 584,7 triệu USD, trong đó có 24 tàu xuất khẩu.
Để cơ cấu lại tài chính, tạo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tập đoàn triển khai phương án cơ cấu lại nợ của Tập đoàn, cả nợ trong nước và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật. Việc tái cơ cấu này đã có những kết quả bước đầu.
Không cần lập ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế
Trả lời chất vấn về đề xuất thành lập Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng luật về tái cơ cấu nền kinh tế của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định: tái cơ cấu nền kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 khoá XI cũng đã xác định 3 trọng tâm tái cơ cấu trong thời gian tới. Để tái cơ cấu thành công, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, của Bộ Chính trị, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp...
Chính phủ sẽ đề cao trách nhiệm, xác định đúng các trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, phân công nhiệm vụ rõ ràng, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với hệ thống biện pháp đồng bộ, linh hoạt để tái cơ cấu đạt kết quả.
Thủ tướng cũng cho biết, ông sẽ trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm này. Các phó thủ tướng, các bộ trưởng theo phân công sẽ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu trong phạm vi ngành, lĩnh vực mình phụ trách.
Chính phủ sẽ bám sát tình hình, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của xã hội, thường xuyên kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp. Các vướng mắc về pháp luật sẽ được Chính phủ xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét, quyết định.
"Vì vậy, không cần thiết thành lập Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng một đạo luật riêng về tái cơ cấu. Chính phủ sẽ trình Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội", Thủ tướng trả lời.
Với chất vấn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về nguồn nhân lực thực để phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng trả lời chung với chất vấn của một vị đại biểu khác, cũng liên quan đến nguồn nhân lực.
Theo Thủ tướng, phát triển nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập, đang thiếu thầy giỏi và thiếu cả thợ giỏi. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; vẫn đang thiếu cả cán bộ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế kỹ thuật và công nhân có tay nghề cao.
Đó cũng là lý do phát triển nguồn nhân lực được xác định là một khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
Thực hiện khâu đột phá này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trong đó, đặc biệt coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo kết hợp với mở rộng quy mô hợp lý. Không chỉ chú trọng đào tạo chuyên môn mà còn phải quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thực hành, khả năng tự lực, lập nghiệp.
Bản giải trình của Thủ tướng cũng nêu rõ bốn giải pháp sẽ được chú trọng thực hiện trong thời gian tới. Trong đó có việc xây dựng và triển khai các chương trình, đề án đặc thù để tuyển chọn và đào tạo nhân tài đối với những lĩnh vực mũi nhọn, hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia ngang tầm khu vực, từng bước vươn lên tầm thế giới trong tất cả các lĩnh vực từ quản trị kinh doanh, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, pháp lý, y học, văn hóa, nghệ thuật…
Chính sách sử dụng nhân lực cũng sẽ đổi mới phù hợp với tiến trình hình thành và phát triển thị trường lao động. Trong hệ thống hành chính, bố trí cán bộ phải căn cứ vào năng lực; đánh giá cán bộ phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ; giao quyền hạn gắn liền với trách nhiệm; tạo môi trường làm việc và cơ chế khuyến khích, phát huy tài năng đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước...
Những chất vấn của các vị đại biểu khác cũng đều đã có câu trả lời từ Thủ tướng.
Theo VnEconomy.vn
|
Ngày đăng :
13/12/2011 - 1:16 PM
Năm 2011, xuất khẩu đã đạt được 10 điểm vượt trội và trở thành lĩnh vực sáng nhất so với các lĩnh vực khác.
Thứ nhất, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước tới nay, vượt xa so với mức kỷ lục đã đạt được trong năm 2010, vượt xa so với mức kế hoạch đề ra (80 tỷ USD). Mức tăng tuyệt đối của năm nay so với năm trước lên đến gần 24 tỷ USD, cũng là mức tăng lớn nhất từ trước tới nay.
Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người ước cả năm sẽ vượt qua mốc 1.083 USD, cao hơn nhiều so với mức kỷ lục 831 USD đã đạt được vào năm 2010.
Thứ ba, tỷ lệ xuất khẩu/GDP vượt qua mốc 80%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ kỷ lục đã đạt được vào năm trước (70,9%).
Thứ tư, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 33%. Tốc độ tăng này có ý nghĩa quan trọng xét về 4 mặt: cao nhất tính từ năm 1997 đến nay; cao nhất so với tốc độ tăng của các ngành, lĩnh vực khác; cao gấp trên 3 lần tốc độ tăng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra (10%); hệ số giữa tốc độ tăng xuất khẩu/ tốc độ tăng GDP lên đến 5,5 lần- cao nhất từ trước tới nay. Xuất khẩu đã trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.
Thứ năm, quy mô và tăng trưởng xuất khẩu cao đạt được ở cả hai khu vực là khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn FDI, trong đó khu vực có vốn FDI (kể cả dầu thô) đạt quy mô cao hơn và tăng với tốc độ cao hơn.
Thứ sáu, tăng trưởng của xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu. Có một số mặt hàng có kim ngạch tăng với tốc độ cao hơn tốc độ chung, như hạt tiêu, sắn và sản phẩm sắn, sắt thép, xăng dầu, phương tiện vận tải và phụ tùng, cà phê, dầu thô, sản xuất hóa chất, cao su,... Trong đó có 21 mặt hàng tăng trên 100 triệu USD, có 18 mặt hàng tăng trên 200 triệu USD, có 16 mặt hàng tăng trên 300 triệu USD, có 14 mặt hàng tăng trên 400 triệu USD, có 11 mặt hàng tăng trên 500 triệu USD.
Thứ bảy, “câu lạc bộ” những mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên đã có 20 thành viên, tăng 4 thành viên so với năm trước; trong đó có 12 thành viên đạt trên 2 tỷ USD, có 8 thành viên đạt trên 3 tỷ USD (đứng đầu là dệt may, tiếp đến là dầu thô, giày dép, thủy sản, điện tử, máy tính, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo).
Theo Tổng cục Hải quan, ngoài các mặt hàng trên còn có 2 mặt hàng khác nằm trong “Câu lạc bộ” 1 tỷ USD trở lên là điện thoại các loại và linh kiện, xơ sợi dệt các loại.
Thứ tám, tăng trưởng xuất khẩu, một phần nhờ lượng tăng, một phần lớn nhờ giá tăng, trong đó giá tăng (tính được đơn giá) và đóng góp lớn vào mức tăng chung có: dầu thô, tiếp đến là cà phê, cao su, xăng dầu, hạt điều, gạo, hạt tiêu, than đá, sắt thép, sắn và sản phẩm sắn, ...
Thứ chín, về thị trường, có 23 thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 7 thị trường đạt từ 2 tỷ USD trở lên, cao nhất là Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Malaysia, Australia.
Thứ mười, do tốc độ tăng so với năm trước của tổng kim ngạch xuất khẩu cao hơn của tổng kim ngạch nhập khẩu (33% so với 25%), nên nhập siêu đã giảm cả về kim ngạch, cả về tỷ lệ nhập siêu so với năm trước. Về kim ngạch tuyệt đối còn 10 tỷ USD so với 12,6 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu còn 10,4% so với 17,5%.
Tuy nhiên, từ xuất, nhập khẩu và nhập siêu năm 2011 cũng còn một số vấn đề đáng lưu ý.
Một, về xuất khẩu, tính gia công xuất khẩu vẫn còn rất lớn. Tỷ trọng kim ngạch những mặt hàng là nguyên liệu thô khai thác (dầu thô, than đá,...); những mặt hàng chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế (nông, lâm, thuỷ sản); những mặt hàng chế biến nhưng mang nặng tính gia công (như dệt may, giày dép,...), đó là những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp.
Hai, về nhập khẩu, nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được hoặc nằm trong diện cần kiềm chế nhập khẩu, nhưng vẫn còn nhập khẩu lớn. Tình trạng lạm dụng tạm nhập, tái xuất còn có tiêu cực.
Ba, về nhập siêu giảm, có một phần do đã thực hiện các biện pháp kiềm chế, nhưng có một phần do sản xuất trong nước tăng chậm lại. Đây là một cảnh báo cần thiết và là một yếu tố giảm nhập siêu chưa bền vững.
Bốn, từ sự vượt trội của năm 2011 cũng cảnh báo về khả năng thực hiện mục tiêu 2012. Mặc dù mục tiêu tăng thấp hơn nhiều (tăng 12- 13%) nhưng không dễ dàng bởi số gốc so sánh đã cao hơn nhiều; bởi giá xuất khẩu khó duy trì được tốc độ tăng như năm trước và lượng xuất khẩu cũng khó tăng cao khi châu Âu khủng hoảng nợ công, kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp.
Đáng lưu ý, xuất khẩu tăng chậm lại nhiều, nhập siêu lại tương đương thì nhập khẩu tăng chậm hơn nhiều và sẽ tác động đến sản xuất vì tính gia công ở trong nước vẫn còn rất cao.
Theo Dương Ngọc
Vneconomy
|
Ngày đăng :
13/12/2011 - 12:54 PM
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ngày 12/12 thừa nhận Liên minh Châu Âu (EU) hiện là một liên minh "hai tốc độ," song khẳng định Anh sẽ không bị buộc phải rời khỏi thị trường duy nhất của khối.
Ít nhiều thì Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bất đồng với Thủ tướng Anh David Cameron tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tuần trước khi London từ chối ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa các nước thành viên EU.
Phát biểu phỏng vấn trên tờ nhật báo Pháp Le Monde, ông Sarkozy nói: "Thủ tướng Merkel và tôi đã làm mọi thứ tạo điều kiện để Anh tham gia thỏa thuận này. Tuy nhiên, hiện rõ ràng là có hai Châu Âu. Một Châu Âu muốn có sự đoàn kết hơn nữa giữa các thành viên cũng như có nhiều điều chỉnh hơn. Châu Âu còn lại chỉ muốn bám chặt vào logic của thị trường."
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Anh, nước đã từ chối tham ra đồng tiền chung và phản đối thỏa thuận tài chính hồi tuần trước, vẫn có khả năng tồn tại trong thị trường EU hay không, ông Sarkozy đáp: "Chúng tôi cần Anh."
Trong khi đó, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế EU Olli Rehn cùng ngày đã bày tỏ "lấy làm tiếc" về quyết định phủ quyết hiệp ước mới nhằm tăng cường hội nhập tài chính và kinh tế của EU.
Ông nói: "Tôi rất lấy làm tiếc rằng Anh không sẵn sàng tham gia thỏa thuận tài chính này, không chỉ vì lợi ích của Châu Âu mà còn vì lợi ích của chính người Anh"./.
Theo Vietnamplus
|
Ngày đăng :
13/12/2011 - 12:50 PM
Theo Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, tiền lương và lương tối thiểu là vấn đề rất quan trọng, vì nó là nguyên nhân của tất cả những nguyên nhân xảy ra tranh chấp và đình công trong suốt thời gian vừa qua.
Ứng xử với vấn đề này, do vậy, cần có một cách làm sáng suốt hơn.
Cách mạng tiền lương
Là tổ chức đại diện cho người lao động, khi nhìn vào những quy định xoay quanh vấn đề lương hiện nay, ông thấy đang tồn tại những bất hợp lý nào?
Tiền lương các doanh nghiệp trả cho người lao động, đặc biệt là ở khối các doanh nghiệp FDI, xoay quanh mốc tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Mà tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định này, ai cũng đều biết là không bám sát thực tế của xã hội, không bám sát giá cả thị trường. Bên cạnh việc các doanh nghiệp lợi dụng mức lương tối thiểu này, để trả thấp cho người lao động như nhiều ý kiến đã đề cập, thì tôi còn muốn nói đến một sự thiệt hại lớn khác của người lao động, vì mức lương tối thiểu này.
Đó là, khi các doanh nghiệp muốn thu hút thêm nhiều lao động, thì người ta sẽ trả cao hơn nhiều mức lương tối thiểu được quy định đó bằng các hình thức như trả tiền phụ cấp nhà cho người lao động 600 nghìn đồng/tháng, rồi tiền chuyên cần 300 nghìn/tháng, tiền đi lại 700 nghìn/tháng..., thực chất cũng chỉ là tiền lương thôi.
Vấn đề là khi nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động, thì họ chỉ nộp theo mức lương tối thiểu đã được quy định, chứ không nộp theo mức lương thực tế mà người lao động được nhận. Điều này thiệt hại rất lớn cho người lao động khi hưởng bảo hiểm xã hội.
Vì vậy, tôi cho rằng, dù khó đến mấy thì cũng cần phải kiến tạo lại lương tối thiểu cho sát với thực tế. Có giải quyết được vấn đề này, mới có thể lành mạnh được mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, cũng như có thể hạn chế đến mức thấp nhất tranh chấp và đình công.
Khó mà hy vọng lương tối thiểu có thể tạo được sự đột phá, khi mà bối cảnh của nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay. Một ứng xử sáng suốt để chúng ta có thể thích nghi ngay được là gì, thưa ông?
Tôi cho rằng Chính phủ không nên hàng năm cứ ban hành lương tối thiểu và năm nào cũng rầm rộ tuyên bố tăng lương. Chính phủ vừa mới nói tăng lương thôi thì ở ngoài, các chợ giá cả đã tăng lên hết rồi. Cho nên khi người lao động lĩnh được tiền lương tăng lên thì tiền lương đó đã không còn sát với thực tế và không bù đắp mức tăng giá cả ngoài thị trường.
Chính vì vậy, tôi đề nghị, khi đã thống nhất được lương tối thiểu rồi, trên cơ sở lương tối thiểu đã được Chính phủ tính như là một loại hàng hóa đảm bảo được cuộc sống của người lao động ở mức nào đó với giá cả thị trường, thì hàng năm, cứ tính trượt giá như thế nào thì cuối năm áp dụng trượt giá đó nhân lên để áp dụng thành mức lương tối thiểu cho năm sau.
Chứ đừng có năm nào cũng nói tăng lương, như vậy thu nhập thực tế của người lao động mới lên theo được và giá cả cũng không bị xáo trộn vì đòi tăng theo lương.
Tôi nghĩ rằng, có thực hiện được như vậy, thì mới có thể thực hiện được một bước về cách mạng tiền lương. Vừa rồi, Chính phủ rất cố gắng khi tách lương của khu vực nhà nước ra khỏi khu vực doanh nghiệp, đây đã là một bước đi mạnh mẽ, nhưng Chính phủ cần mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện cuộc cách mạng tiền lương.
Hai luật “đá” nhau
Đối với vấn đề lương cho người lao động, thì trong cả hai bộ luật đang trình Quốc hội là dự án Luật Lao động và Luật Công đoàn, đều đã đề cập đến vấn đề này, nhưng có vẻ “tiếng nói” chưa trùng nhau?
Đúng là hiện nay, giữa ban soạn thảo hai dự án luật có khác nhau, Luật Lao động đưa ra tiêu chí, người sử dụng lao động tự xây dựng thang bảng lương mà không qua phê duyệt, xem đã phù hợp chưa. Còn Luật Công đoàn thì đề nghị sau khi xây dựng thang bảng lương phải báo cáo cơ quan quản lý lao động địa phương để xem đã phù hợp luật pháp chưa. Nếu không có kiểm tra, giám sát thì sẽ không bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Trước đây chúng ta quy định các doanh nghiệp phải xây dựng thang lương, bảng lương của doanh nghiệp mình dựa vào những quy định của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước về lao động duyệt thang lương, bảng lương đó xem đã phù hợp chưa, có vi phạm gì không, hay định mức lao động quá cao, người lao động có thực hiện được không? Điều đó rất tốt. Nhưng bây giờ qua dự thảo Luật Lao động lại bỏ hết, có nên như thế không?
Đồng tiền ở Việt Nam giá trị chưa ổn định do ảnh hưởng nhiều của lạm phát cao, nên quy định về tiền lương, nếu dựa vào một số cố định thì chỉ từ 1 đến 2 năm thôi là sẽ lạc hậu. Vì thế công đoàn đã kiến nghị xây dựng thang bảng lương phải đi liền với rổ hàng hóa, mà rổ hàng hóa này đảm bảo cuộc sống của người lao động. Như tôi vừa nói ở trên, lương tối thiểu phải gắn liền với nhu cầu tối thiểu của người lao động, giá lên thì lương phải điều chỉnh theo.
Tất nhiên, chúng tôi cũng có quan điểm chung với Luật Lao động là vấn đề lương, bất cập còn nhiều, nhưng giải quyết những bất cập này còn phải chịu ràng buộc, phải cân nhắc nhiều yếu tố như nếu nâng mức lương cho người lao động đến mức nào đó thì cũng phải xem doanh nghiệp có chịu nổi hay không.
Theo VnEconomy.vn
|