Ngày đăng :
19/12/2011 - 6:59 PM
Năm 2011 được tổng kết với những con số không ngờ trong ngành ngân hàng: 12% tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống, 24% tăng tín dụng nông thôn, 58% tăng tín dụng xuất khẩu của năm 2011…
Được báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2012 và nhìn lại hoạt động năm 2011, diễn ra cuối tuần trước.
Nhìn lại năm 2011, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận xét, hệ thống ngân hàng đã phải "thắt lưng buộc bụng", kiềm chế tăng trưởng tín dụng ở mức thấp chưa từng có trong lịch sử phát triển ngành ngân hàng, dự kiến kết thúc năm 2011, chỉ từ 12 - 13% so với trung bình của 5 năm gần đây là 33% và 10 năm là 29,4%.
Điều này không hoàn toàn là xấu. Hệ số ICOR (số đồng vốn bỏ ra để có một đồng tăng trưởng) của toàn nền kinh tế năm nay sẽ hạ khá nhiều so với những năm trước, cho thấy đóng góp từ hiệu quả chất lượng tín dụng ngân hàng.
Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc NHNN cho biết, NHNN xác định năm 2012, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14 - 16%, tín dụng (gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) tăng khoảng 15 - 17%; lãi suất và tỷ giá được điều hành ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối.
NHNN sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các nhóm TCTD theo nguyên tắc TCTD hoạt động tốt hơn thì tăng trưởng tín dụng cao hơn. Đặc biệt, NHNN sẽ tổ chức triển khai Nghị định thay thế Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sau khi được Chính phủ ban hành, nhằm tổ chức sắp xếp lại một bước thị trường vàng, tăng cường khả năng điều tiết của NHNN đối với thị trường này, góp phần bình ổn thị trường.
NHNN sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng theo Đề án được Chính phủ phê duyệt với nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, từng bước nâng cao tính an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống ngân hàng. Kiên quyết xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả…
Mặc dù cũng đồng tình với những kết luận về hoạt động năm 2011 và ủng hộ các chỉ tiêu năm 2012 mà NHNN đề ra, nhưng ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV vẫn cho rằng, NHNN chưa đánh giá thẳng thắn về tình hình hoạt động ngân hàng năm 2011 như tăng trưởng tín dụng của hệ thống không phản ánh đúng thực tế; tốc độ điều chỉnh tỷ giá quá nhanh; Báo cáo của Thanh tra giám sát NHNN còn sơ sài; việc điều hành chính sách tiền tệ theo nhóm cần có những điều kiện, tiêu chí phân loại nhóm minh bạch, rõ ràng, tránh những thông tin về lợi ích nhóm; phân loại nợ cần cụ thể, theo chuẩn mực chung; cẩn trọng với câu chuyện vượt trần lãi suất lại đang tiếp diễn và cần cân nhắc áp trần lãi suất cho vay…
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nhìn nhận, sau một năm giông tố, các đại biểu đến dự Hội nghị với những nụ cười "vừa phải", nhưng các lãnh đạo ngân hàng, đặc biệt là những NHTM khó khăn chắc chắn đánh giá cao hành động cương quyết của Thủ tướng và Thống đốc. Ông Hưởng cũng khuyến nghị, cần rút ngắn khoảng cách giữa truyền thông và hệ thống ngân hàng (hiện vẫn còn xa cách); phải có tốc độ tăng trưởng tín dụng "mấp mô" chứ không nên quy định san bằng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị NHNN nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngành, trước hết là ban hành thể chế, quy phạm, để tạo điều kiện cho các ngân hàng ngày càng phát triển hiệu quả và ngăn chặn rủi ro cho từng ngân hàng, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hệ thống; xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển...
"Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mở nhiều chi nhánh tại Hà Nội, TP. HCM để làm gì?", Thủ tướng đặt câu hỏi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, yêu cầu tăng trưởng kinh tế theo các chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua.
Điều hành chủ động, linh hoạt và hợp lý các công cụ chính sách tiền tệ để từng bước giảm dần mặt bằng lãi suất theo mức giảm của lạm phát, bảo đảm khả năng thanh khoản của nền kinh tế; chính sách tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ để bảo đảm các cân đối vĩ mô, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam và hạn chế tình trạng đô la hóa của nền kinh tế. Nghiên cứu, có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, trước hết, là cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp…
Theo ĐTCK
|
Ngày đăng :
19/12/2011 - 6:52 PM
Bộ Công Thương vừa có quyết định cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán điện bình quân lên 5% từ 20/12/2011.
Trong thông cáo báo chí phát đi sáng 19/12, EVN cho biết, ngày 16/12 vừa qua, trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã có văn bản 380/BCT –ĐTĐL chấp thuận việc tăng giá điện của tập đoàn này.
Theo đó, giá bán điện bình quân từ ngày 20/12/2011 sẽ có mức 1.304 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế VAT, tăng 62 đồng/kWh so với giá điện bình quân hiện hành là 1.242 đồng/kWh.
Đối với giá điện sinh hoạt bậc thang từ 0 -50 kWh cho hộ nghèo và bậc thang từ 0 - 100 kWh, tạm thời không tăng trong lần điều chỉnh này.
Theo EVN, việc điều chỉnh giá điện trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để giá điện đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất, kinh doanh điện thực tế, đồng thời bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá điện.
Đồng thời, việc tăng giá điện cũng là tín hiệu để thu hút đầu tư vào các dự án điện cũng như khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
EVN cũng lưu ý mong muốn các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin, tuyên truyền đúng chủ trương tăng giá điện và mức tăng lần này, tránh tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các hàng hoá và dịch vụ một cách bất hợp lý, làm ảnh hưởng tới đời sống nhân dân và nền kinh tế.
Trong cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc tăng giá điện trong thời gian tới là khó tránh khỏi vì thực tế giá điện đang được bán dưới giá thành. Đồng thời, việc tăng giá điện cũng nhằm mục đích “gánh” một phần khoản lỗ cho EVN trong mấy năm qua do phải chạy dầu và chênh lệch tỷ giá.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khi trả lời chất vấn trước Quốc hội cũng cho biết, giá điện trong năm tới dự kiến sẽ tăng trên 10%.
Theo VnEconomy.vn
|
Ngày đăng :
19/12/2011 - 6:49 PM
Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính 2010 tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, thu nhập bình quân ở công ty mẹ - EVN còn cao hơn nhiều so với mức mà lãnh đạo tập đoàn này công bố mới đây.
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, thu nhập bình quân ở công ty mẹ - EVN là 13,7 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng và thu nhập bình quân khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng/người/tháng.
Không những thế, theo Kiểm toán Nhà nước, việc phân phối tiền lương theo đơn giá cho các đơn vị thuộc công ty mẹ - EVN chưa đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các đơn vị. Bởi lẽ, thu nhập bình quân ở cơ quan văn phòng công ty mẹ - EVN còn cao gấp hơn hai lần thu nhập bình quân chung của cả công ty mẹ.
Trong cuộc họp báo mới đây, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, thu nhập bình quân toàn tập đoàn năm 2009 của EVN là 7,3 triệu đồng/tháng. Còn năm 2010, số cụ thể không được tiết lộ, chỉ biết rằng lỗ bằng 95% lương. Khi đó, lãnh đạo EVN đã nói là “đau lòng” vì lương của nhân viên ngành điện chỉ có “ngần đó”.
Tuy nhiên, ngay sau đó, dư luận và lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã lên tiếng và cho rằng, mức lương như vậy là quá cao so với mặt bằng chung của cả nước.
Cụ thể, theo thống kê của bộ này, tiền lương bình quân của người lao động trong năm 2009 ước đạt 2,84 triệu đồng/tháng. Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước ước đạt 3,35 triệu đồng/tháng, tổng công ty hạng đặc biệt và công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước đạt 5,9 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 2,65 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh đạt 2,05 triệu đồng/tháng.
Theo VnEconomy.vn
|
Ngày đăng :
19/12/2011 - 10:59 AM
Kiểm toán Nhà nước vừa kết thúc đợt kiểm tra báo cáo tài chính năm 2010 của Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Kết quả sơ bộ cho thấy, doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ, đầu tư ngoài ngành hàng nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả thấp.
Theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ EVN lên tới gần 50.000 tỷ đồng, trong đó chiếm gần 90% là vào những công ty con. Còn lại là vào các công ty liên doanh, liên kết và một số khoản đầu tư dài hạn khác. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận thu về khoảng 540 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư chỉ hơn 1%.
EVN đã đầu tư trên 2.100 tỷ đồng vào 4 lĩnh vực nhạy cảm và ngoài ngành kinh doanh chính như bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính chiếm 3,27% vốn chủ sở hữu. Những lĩnh vực trên đều gặp khó khăn nhất định nên hiệu quả đầu tư giảm sút. Chẳng hạn, giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán giảm sút so với thời điểm phát hành nên các khoản đầu tư của EVN vào đây không đem lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, EVN cũng đầu tư kém hiệu quả vào lĩnh vực viễn thông gây thua lỗ lớn. Cụ thể, tập đoàn này đầu tư 100% vốn vào Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telcom), với số vốn đầu tư tính đến 31/12/2010 lên tới 2.442 tỷ đồng nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2010 đã giảm tới 42% so với năm 2009.
Kết quả kinh doanh trong 3 năm gần nhất của EVN Telecom đi xuống rất nhanh. Nếu như năm 2008 lợi nhuận đạt được 93,8 tỷ đồng thì 2009 giảm còn 8,3 tỷ đồng và chuyển thành lỗ trên 1.050 tỷ đồng năm 2010. Tuy nhiên, EVN đã không chuyển toàn bộ chi phí thiết bị đầu cuối chờ phân bổ từ năm 2006-2008 vào chi phí hoạt động của EVN Telecom mà chuyển cho các tổng công ty điện lực trực thuộc EVN với số tiền lên tới 1.026 tỷ đồng.
Số nợ phải trả của EVN tính đến hết năm 2010 rất lớn, trên 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng nguồn vốn. Khoản tiền EVN nợ tiền mua điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tính đến 30/6/2011 đã lên tới hơn 8.860 tỷ đồng và nợ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam hơn 1.200 tỷ đồng.
Tổng số lỗ của EVN năm 2010 trên 8.400 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm (-) 14,8%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản âm (-) 2,78%. Riêng khâu sản xuất, kinh doanh điện lỗ trên 10.500 tỷ đồng chủ yếu do năm 2010, các nhà máy thuỷ điện thiếu nước nên EVN phải huy động nhà máy điện chạy dầu và mua điện ngoài hệ thống với giá cao cấp 3-4 lần giá bán bình quân.
Cộng thêm các yếu tố khác như biến động giá nhiên liệu, biến động tỷ giá hối đoái, nhiều nhà máy điện chậm đi vào vận hành nên hệ thống thiếu công suất, phải huy động điện chạy dầu giá thành cao… khiến số lỗ của EVN thêm lớn.
Theo Hồng Anh
Vnexpress
|
Ngày đăng :
19/12/2011 - 10:55 AM
Với khoảng hơn 9 tỷ USD kiều hối được chuyển về trong năm 2011, Việt Nam là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
Tuy được xem là nguồn trợ lực hiệu quả cho nền kinh tế, nhưng nhiều nhận định cho rằng, chúng ta vẫn chưa có những sự quan tâm đúng mực với nguồn tiền này.
Sinh lời hấp dẫn
Tuy mới chỉ có một số ngân hàng thương mại cổ phần công bố chính thức lượng kiếu hối chuyển về nước, nhưng theo ước tính của Bộ Ngoại giao thì năm nay con số hơn 9 tỷ USD là hoàn toàn khả quan đối với Việt Nam.
Ngân hàng Công thương (Vietinbank) năm nay đạt lượng kiều hối lớn nhất với trên 1,3 tỷ USD.Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA bank) ước tính đến tháng 12 này có khoảng 1,6 tỉ USD lượng kiều hối được chuyển về, tăng 20% so với năm ngoái. Ngân hàng thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, lượng kiều hối chuyển qua ngân hàng này đạt 600 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Một nguồn tin của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho hay tính đến tháng 10, ngân hàng này đã có hơn 1,2 tỷ USD kiều hối.
“Tuy chưa thống kế chính xác, nhưng hết năm 2011, Vietcombank ước cũng đạt từ 1,4-1,5 tỷ USD”, nguồn tin này cho hay.
Trong khi kinh tế thế giới đang rất khó khăn vì rơi vào suy thoái, nhưng nguồn kiểu hối về Việt Nam lại tăng so với các năm trước đây. Lý giải sự “nghịch lý” này ông Cấn Văn Lực (Giám đốc phòng giao dịch số 3, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam-BIDV) cho rằng: “Do có sự sinh lời hấp dẫn của lãi suất ngoại tệ tại các ngân hàng trong nước, vì vậy, lượng kiều hối dồn về càng nhiều”.
Theo ông Lực, hiện nay, một phần số ngoại tệ này được gửi về cho thân nhân dùng để chữa bệnh, đầu tư giáo dục, còn lại hầu hết chủ yếu đầu tư vào các kênh như bất động sản, vàng…”, ông Lực cho biết.
Một thống kế mới nhất từ Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cũng cho thấy, có tới 52% lượng kiều hồi đổ vào bất động sản, số còn lại được dùng để gửi tiết kiệm và tiêu dùng.
Xu hướng bán lại cho ngân hàng cũng đang khá phổ biến do họ có nhu cầu chi tiêu trước mắt bằng Việt Nam đồng, như tại Vietinbank có tới 30% lượng kiều hối bán cho ngân hàng để chuyển sang VND và hiện xu hướng này vẫn tăng lên.
9 tỷ USD= trăm tỷ USD
Theo Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, thì kiều hối chuyển về nước chủ yếu đến từ các thị trường truyền thống: Mỹ, Canada, Úc, châu Âu và một số thị trường có nhiều lao động xuất khẩu của Việt Nam như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, con số 9 tỷ USD trong bối cảnh này rõ ràng đã chứng minh ở một góc độ nào đó sự hấp dẫn và ổn định của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
“Với nguồn tiền này sức ép về thiếu hụt cán cân vãng lai cũng như nguồn cung ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại trong nước được giải quyết ”, ông Thành nhận định.
Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng, nếu như nhìn tận gốc thì không dễ để “tự dưng” có số tiền này gửi về. Để có 9 tỷ USD lợi nhuận sau thuế gửi về cho họ hàng thì nhiều doanh nghiệp trong số 4 triệu kiều bào Việt Nam tại các hơn 90 quốc gia vùng lãnh thổ sẽ phải có doanh thu đạt hơn 100 tỷ trong một năm.
“Lâu nay chúng ta trải thảm để tìm đến vốn vay không hoàn lại (ODA), vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng trong vài tỷ họ đầu tư vào thì bị ăn đầu, ăn đuôi, cắt xén…nhưng vẫn được coi là nguồn vốn quan trọng nhất. Trong khi các doanh nghiệp của kiều bào làm ra 9 tỷ USD, thậm chí có thể nhiều hơn nữa trong các năm tới đây, thực chất phải bỏ ra hàng trăm tỷ USD đầu tư, vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mực”, ông Thành bày tỏ.
Theo Thành Tâm
Tổ Quốc
|