Lãi suất ngoại tệ "hút" kiều hối

Ngày đăng : 19/12/2011 - 10:55 AM

Với khoảng hơn 9 tỷ USD kiều hối được chuyển về trong năm 2011, Việt Nam là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

 

Tuy được xem là nguồn trợ lực hiệu quả cho nền kinh tế, nhưng nhiều nhận định cho rằng, chúng ta vẫn chưa có những sự quan tâm đúng mực với nguồn tiền này.

Sinh lời hấp dẫn                                                                  

Tuy mới chỉ có một số ngân hàng thương mại cổ phần công bố chính thức lượng kiếu hối chuyển về nước, nhưng theo ước tính của Bộ Ngoại giao thì năm nay con số hơn 9 tỷ USD là hoàn toàn khả quan đối với Việt Nam.

Ngân hàng Công thương (Vietinbank) năm nay đạt lượng kiều hối lớn nhất với trên 1,3 tỷ USD.Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA bank) ước tính đến tháng 12 này có khoảng 1,6 tỉ USD lượng kiều hối được chuyển về, tăng 20% so với năm ngoái. Ngân hàng thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, lượng kiều hối chuyển qua ngân hàng này đạt 600 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Một nguồn tin của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho hay tính đến tháng 10, ngân hàng này đã có hơn 1,2 tỷ USD kiều hối.

“Tuy chưa thống kế chính xác, nhưng hết năm 2011, Vietcombank ước cũng đạt từ 1,4-1,5 tỷ USD”, nguồn tin này cho hay.

Trong khi kinh tế thế giới đang rất khó khăn vì rơi vào suy thoái, nhưng nguồn kiểu hối về Việt Nam lại tăng so với các năm trước đây. Lý giải sự “nghịch lý” này ông Cấn Văn Lực (Giám đốc phòng giao dịch số 3, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam-BIDV) cho rằng: “Do có sự sinh lời hấp dẫn của lãi suất ngoại tệ tại các ngân hàng trong nước, vì vậy, lượng kiều hối dồn về càng nhiều”.

Theo ông Lực, hiện nay, một phần số ngoại tệ này được gửi về cho thân nhân dùng để chữa bệnh, đầu tư giáo dục, còn lại hầu hết chủ yếu đầu tư vào các kênh như bất động sản, vàng…”, ông Lực cho biết.

Một thống kế mới nhất từ Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cũng cho thấy, có tới 52% lượng kiều hồi đổ vào bất động sản, số còn lại được dùng để gửi tiết kiệm và tiêu dùng.

Xu hướng bán lại cho ngân hàng cũng đang khá phổ biến do họ có nhu cầu chi tiêu trước mắt bằng Việt Nam đồng, như tại Vietinbank có tới 30% lượng kiều hối bán cho ngân hàng để chuyển sang VND và hiện xu hướng này vẫn tăng lên.

9 tỷ USD= trăm tỷ USD

Theo Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, thì kiều hối chuyển về nước chủ yếu đến từ các thị trường truyền thống: Mỹ, Canada, Úc, châu Âu và một số thị trường có nhiều lao động xuất khẩu của Việt Nam như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, con số 9 tỷ USD trong bối cảnh này rõ ràng đã chứng minh ở một góc độ nào đó sự hấp dẫn và ổn định của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

“Với nguồn tiền này sức ép về thiếu hụt cán cân vãng lai cũng như nguồn cung ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại trong nước được giải quyết ”, ông Thành nhận định.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng, nếu như nhìn tận gốc thì không dễ để “tự dưng” có số tiền này gửi về. Để có 9 tỷ USD lợi nhuận sau thuế gửi về cho họ hàng thì nhiều doanh nghiệp trong số 4 triệu kiều bào Việt Nam tại các hơn 90 quốc gia vùng lãnh thổ sẽ phải có doanh thu đạt hơn 100 tỷ trong một năm.

“Lâu nay chúng ta trải thảm để tìm đến vốn vay không hoàn lại (ODA), vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng trong vài tỷ họ đầu tư vào thì bị ăn đầu, ăn đuôi, cắt xén…nhưng vẫn được coi là nguồn vốn quan trọng nhất. Trong khi các doanh nghiệp của kiều bào làm ra 9 tỷ USD, thậm chí có thể nhiều hơn nữa trong các năm tới đây, thực chất phải bỏ ra hàng trăm tỷ USD đầu tư, vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mực”, ông Thành bày tỏ.

 

Theo Thành Tâm

 Tổ Quốc

 


 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Công bố kết quả kiểm tra tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Ngày đăng : 19/12/2011 - 10:50 AM

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.

 

 

Theo đó, Bộ Tài chính đã thiết lập đoàn kiểm tra tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối là Petrolimex, Saigon Petro, PV Oil, Công ty TMDK Đồng Tháp tại thời điểm 30/6 và 26/8/2011.

Bộ Tài chính đã nêu rõ, trong điều kiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối không đồng đều, thị trường kinh doanh xăng dầu còn bị phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh như Petrolimex hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thì việc Nhà nước thực hiện các biện pháp kiểm soát và điều hành giá bán lẻ xăng dầu là giải pháp hợp lý để góp phần kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Một số vi phạm trong công tác quản trị tại doanh nghiệp đã được phát hiện như việc trích lập quỹ Khoa học công nghệ không đủ điều kiện, chênh lệch tỷ giá do mua condensate không chứng từ…

Chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp vượt định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở, chi thù lao đại lý tạo một số thời điểm cao hơn định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở.

Thù lao đại ý của Petrolimex là trên 583 tỷ đồng, trong đó mức thù lao đại lý của công ty xăng dầu B12 của Petrolimex từ tháng 3 đến tháng 9/2011 đối với xăng, cao nhất là 630 đồng/lít (tháng 6), dầu là 830 đồng/lít trong tháng 7.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, thời điểm giảm giá bán lẻ xăng dầu tại thời điểm ngày 26/8 là hợp lý. Kết quả kinh doanh xăng dầu nội địa của các doanh nghiệp từ 1/7 đến 26/8 về cơ bản không lỗ lớn hoặc có lãi. Petrolimex ước lãi 130 tỷ đồng; Saigon Petro lỗ 44,6 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 48 tỷ đồng, Công ty TMDK Đồng Tháp lỗ 55,23 tỷ đồng, nhưng nếu thực hiện chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 22 tỷ đồng.

Về quỹ bình ổn giá (BOG), Bộ Tài chính cho rằng cơ bản các doanh nghiệp đã trích lập sử dụng theo quy định. Việc duy trì quỹ BOG xăng dầu là cần thiết để thực hiện giữ ổn định giá bán xăng dầu trong giai đoạn vừa qua. Thực tế nếu không có cơ chế trích lập và sử dụng quỹ BOG như thời gian qua thì tần suất điều chỉnh giá sẽ cao, gây bất ổn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Do có cơ chế trích lập quỹ BOG mà doanh nghiệp tiết giảm được một phần chi phí lãi tiền vay do việc giảm trừ lãi tiền vay tương ứng với số dư nguồn quỹ BOG trong từng thời kỳ khi hình thành Qũy đến nay là 115 tỷ đồng (Petrolimex: 49 tỷ, Saigon Petro: 27 tỷ, PV Oil: 25 tỷ, Công ty TMDK Đồng Tháp 14 tỷ).

Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy cơ chế trích, quản lý và sử dụng quỹ BOG tại các doanh nghiệp còn một số bất cập và khó kiểm soát. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu đổi mới về cơ chế quản lý, sử dụng quỹ BOG trong thời gian tới theo hướng: đưa quỹ BOG về cơ quan Nhà nước (Bộ Tài chính) quản lý.

Qũy này được sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối thực hiện chính sách bình ổn giá theo cơ chế: doanh nghiệp đăng ký, kê khai sử dụng quỹ; kết thúc năm Nhà nước sẽ thực hiện hậu kiểm và quyết toán sổ chính thực đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.

Đối với giá cơ sở, Bộ Tài chính kết luận công thức xác định giá cơ sở như hiện nay là hợp lý, tuy vậy còn một số điểm cần nghiên cứu điều chỉnh như chu kỳ tăng giảm giá và bước tình giá bình quân theo giá Platt’s còn tương đối dài (30 ngày), việc để lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở có thể gây hiểu lầm và thiếu minh bạch trong xác định lỗ lãi kinh doanh xăng dầu.

Vì vậy, tổ kiểm tra của Bộ Tài chính đã kiến nghị cần nghiên cứu hoàn thiện công thức xác định giá cơ sở theo hướng rút ngắn chu kỳ điều chỉnh tăng giảm giá để phù hợp với thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp, đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở để minh bạch tình hình lãi, lỗ.

Do khung quy định của Nhà nước về hao hụt tự nhiên trong kinh doanh xăng dầu đã lạc hậu và mỗi doanh nghiệp có quy định về mức hoa hồng riêng nên rất khó khăn trong công tác quản lý giám sát của Nhà nước. Bởi vậy, tổ kiểm tra kiến nghị thời gian tới nhà nước cần có nghiên cứu quy định bổ sung mức hao hụt trong các khâu để các doanh nghiệp căn cứ thống nhất thực hiện và các doanh nghiệp cần chủ động nỗ lực tiết giảm chi phí hao hụt năm sau so với năm trước (đặc biệt với doanh nghiệp lớn như Petrolimex) để giảm chi phí.

Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện nguồn cung chủ yếu do thị trường trong nước phần lớn là xăng dầu nhập khẩu (chiếm 68,65%) thì sự không ổn định về tỷ giá hối đoái là một nguyên nhân cơ bản dẫn tới lỗ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu mối có tổng lượng nhập khẩu cao so với tỷ trọng hàng mua từ Dung Quất hoặc tự sản xuất.

Thời gian tới, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu làm việc với các Bộ liên quan như Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… để có cơ chế đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu theo đúng tỷ giá liên ngân hàng từng thời điểm, mặt khác các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng cần nghiên cứu áp dụng các công cụ quản lý

 

Theo Hồng Hà

 NDHMoney


 

 

 


Thủ tướng: Phải giảm lãi suất cho vay từ đầu năm 2012

Ngày đăng : 19/12/2011 - 10:44 AM

Ngành ngân hàng phải giảm lãi suất ngay từ đầu năm 2012. Đây là việc giảm phù hợp với quy luật chứ không phải là mệnh lệnh hành chính.

 

 "Lạm phát cao là do các đồng chí. Giảm được hay không là do các đồng chí điều hành. Xét cho cùng lạm phát là do tiền" Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Ngày 17-12, tới dự và chỉ đạo hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu một trong những nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước năm 2012 là nâng cao năng lực điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.

Thủ tướng nhấn mạnh năm 2012, VN tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức 9%. Do vậy, ngành ngân hàng phải giảm lãi suất ngay từ đầu năm 2012. Đây là việc giảm phù hợp với quy luật chứ không phải là mệnh lệnh hành chính.

Không có lý do gì không hạ được lãi suất


Thủ tướng nhấn mạnh không có lý do gì không hạ được lãi suất cho vay xuống khi liên tục trong sáu tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 1%. Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị toàn hệ thống ngân hàng cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Dù bằng nhiều biện pháp nhưng quan trọng vẫn là giảm được lạm phát.

Khi lạm phát giảm thì lãi suất cho vay phải hạ theo. Trách nhiệm và nhiệm vụ của ngân hàng là duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tăng trưởng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đổ hàng loạt không phải chỉ là doanh nghiệp đó khó khăn mà ngân hàng cho vay vốn sẽ bị tác động ngay. Vì 70% vốn của doanh nghiệp là từ ngân hàng.

Chính sách tiền tệ phải phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát. Do vậy, Thủ tướng gợi ý tổng dư nợ tín dụng năm 2012 chỉ nên tăng khoảng 15%, thay cho mức 15-17% mà Ngân hàng Nhà nước đề xuất. Tổng phương tiện thanh toán là 14-16%.

Không để rủi ro

Thủ tướng cũng yêu cầu dứt khoát ngành ngân hàng phải nhìn nhận những yếu kém của mình để cố gắng hơn. Về phía Ngân hàng Nhà nước, có những khó khăn do chính công tác điều hành chính sách tiền tệ gây ra như điều hành lãi suất vừa qua là một bài học. Lãi suất rối loạn, rồi lãi suất thị trường liên ngân hàng cho vay đến mức 40-50%, “chặt chém” nhau. Do vậy, cơ quan này cần tập trung nâng hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước như ban hành thể chế, hệ thống quy chuẩn để đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn hiệu quả hơn, đồng thời ngăn chặn rủi ro.

Thủ tướng đề nghị mỗi ngân hàng phải chủ động tái cơ cấu về chiến lược kinh doanh, về quản trị, vốn liếng để lành mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn và đừng làm khó cho hệ thống. Nhất là việc không thể lấy tiền của xã hội đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản... để rồi không thu hồi được. Thủ tướng cũng nhấn mạnh mình có vốn một đồng mà luật pháp cho huy động mười mấy đồng thì phải chấp hành nghiêm các quy định.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành ngân hàng phải cung cấp thông tin cho báo chí để phản ánh thực chất hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đó là điều quan trọng nhất.

Tiếp tục thắt lưng buộc bụng

Để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết năm 2012, hệ thống ngân hàng tiếp tục phải hi sinh, phải thắt lưng buộc bụng. Tăng trưởng tín dụng năm 2011 ước khoảng 12-12,5% thì năm 2012 cũng chỉ 15-17%. Đây là mức thấp nhất so với mức bình quân 10 năm trước là 29,4%, 5 năm là 33%.

Tuy nhiên, khác với những năm trước, năm 2012 chỉ tiêu tín dụng cho cả năm sẽ được giao đối với các nhóm tổ chức tín dụng trên cơ sở sắp xếp phân loại theo nguyên tắc anh nào hoạt động tốt thì mức tăng trưởng tín dụng cao hơn anh hoạt động chất lượng thấp hơn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo quý và cả năm phù hợp chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước phân bổ.

 

Theo Tuổi trẻ


 


VND đã bị định giá quá cao?

Ngày đăng : 19/12/2011 - 10:31 AM

Một công trình nghiên cứu đã lật lại việc định giá VND trong những năm qua, độ sai lệch của tỷ giá và tác động của nó đối với sức cạnh tranh trong xuất khẩu.

 

 

Đây là công trình nghiên cứu của nhóm tác giả Vũ Quốc Huy, Nguyễn Thu Hằng và Nguyễn Hải Đăng với chủ đề “Tỷ giá hối đoái giai đoạn 2000 - 2011: Các nhân tố quyết định, mức độ sai lệch và tác động đối với xuất khẩu”.

Nghiên cứu trên được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách Kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP); vừa được hoàn thiện và công bố sáng nay (19/12).

Một nội dung chính với những kết luận đáng chú ý trong nghiên cứu này là sự lên giá của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ trong khoảng thời gian một thập kỷ qua.

Cụ thể, kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả cho thấy, tỷ giá danh nghĩa có xu hướng tăng trong toàn bộ thập kỷ vừa qua và tăng mạnh hơn từ 2008 đến nay. Xu hướng theo thời gian được ước lượng cho thấy mức độ mất giá là khoảng 0,4%/quý trong giai đoạn 2000 - 2007 nhưng đã tăng lên mức 1,8%/quý trong giai đoạn tiếp theo từ đầu năm 2008, tương đương với mức tăng gấp 5 lần so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, tỷ giá thực lại có biến động khác biệt. Nó tăng nhẹ vào giai đoạn quý 1/2000 đến quý 3/2003 với xu hướng thời gian bằng 0,75%. Đồng Việt Nam sau đó đã có xu hướng tăng giá mạnh thực tế trong giai đoạn quý 4/2003 đến quý 4/2008 với tốc độ 1,5%/quý. Đồng thời, khoảng cách giữa hai tỷ giá ngày càng mở rộng đặc biệt là trong giai đoạn 2008 - 2010.

So với năm 2000, chỉ số CPI của Việt Nam trong năm 2010 đã tăng tới xấp xỉ 123% trong khi CPI của Mỹ chỉ tăng 26,7% trong cùng giai đoạn. Tỷ giá danh nghĩa giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ chỉ tăng xấp xỉ 30,4%. Do vậy, nếu lấy năm 2000 làm gốc thì đồng Việt Nam đã lên giá thực tế xấp xỉ 25,9%. Thậm chí nếu tính cả lần phá giá 9,3% vào tháng 2/2011, tình hình cũng không được cải thiện do tỷ lệ lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2011 đã lên đến 13,29% so với tháng 12/2010.

Đến hết năm 2010 đồng USD cũng đã mất giá khá nhiều so với đồng tiền của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Nhưng mặc dù cùng lên giá theo chiều hướng chung, nhưng đồng Việt Nam vẫn lên giá nhiều hơn so với các đồng tiền ở châu Á như đô la Singapore, đồng Won Triều Tiên, Ringgit Malaysia và Nhân dân tệ.

“Sự lên giá thực của đồng Việt Nam làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới”, nhóm nghiên cứu nhìn nhận.

Theo giới thiệu của nhóm tác giả, trong công trình trên, lần đầu tiên ở Việt Nam mức độ sai lệch về tỷ giá (exchange rate misalignment) được đưa ra dựa trên một mô hình kinh tế lượng tương đối đơn giản và đã được thử nghiệm để tính toán mức độ sai lệch tỷ giá cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Và kết quả ước lượng tỷ giá thực hữu hiệu dài hạn và tính toán độ sai lệch của tỷ giá cũng đã khẳng định một thực tế là đồng tiền của Việt Nam đã liên tục bị định giá cao trong 3 năm đầu của thập kỷ vừa qua và tiếp tục xu hướng đó trong 3 năm gần đây với mức độ còn nghiêm trọng hơn trước. Xen giữa hai giai đoạn này là giai đoạn mà đồng tiền bị định giá thấp nhưng không ổn định và có lúc bị lệch tới 20% trước khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra.

Nhóm tác giả cho rằng kết quả đó cần phải kiểm tra thêm, bao gồm cả các phân tích độ nhạy cảm của việc lựa chọn mô hình và các biến số. Tuy nhiên, kết quả này đã cho thấy có rất nhiều vấn đề trong cách mà Chính phủ và Ngân hàng Trung ương điều hành chính sách tỷ giá.

Từ đó, có những câu hỏi được đặt ra: Có phải sự sai lệch về tỷ giá này là kết quả của các hành động có chủ ý nhằm một mục đích chính sách nào đó hay không, và các cơ quan chức năng có nhận biết được sự sai lệch về tỷ giá và có biện pháp nào để giảm bớt sự sai lệch này hay không? Ảnh hưởng của sự sai lệch tỷ giá đối với một số chỉ số kinh tế là như thế nào?

Đó là những câu hỏi dành cho các nhà quản lý, và điều quan trọng như trong câu hỏi trên là họ có nhận biết được sự sai lệch về tỷ giá hay không. Còn điểm mà nhóm tác giả tập trung là những tác động của nó, cũng như của tỷ giá nói chung đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của họ cho thấy tỷ giá có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu, và tác động của nó phụ thuộc vào cả hai yếu tố: sản phẩm xuất khẩu và thị trường xuất khẩu.

Kết luận trên có thể không hoàn toàn mới nhưng nó tái khẳng định khả năng sử dụng công cụ tỷ giá trong việc thúc đẩy xuất khẩu. Nhiều mặt hàng Việt Nam đã có lợi thế xuất khẩu như dệt may, giày da, đồ gỗ, thiết bị điện tử có phản ứng tích cực đối với việc giảm giá đồng Việt Nam. Tuy nhiên, việc có nên sử dụng công cụ tỷ giá trong bối cảnh hiện nay hay không cần phải tính toán đến các yếu tố và mục tiêu khác trong nền kinh tế. Bởi những lo ngại về tác động bất lợi của giảm giá đồng Việt Nam đến lạm phát, khả năng trả nợ, tình hình tài chính của các doanh nghiệp liên quan đến nợ nước ngoài là những lo ngại chính đáng, cần được xem xét…

 


Theo Kim Ngân

 VnEconomy

 

 


Công bố kết quả nghiên cứu mới về lạm phát và tỷ giá

Ngày đăng : 18/12/2011 - 9:15 PM

Liên quan đến những vấn đề rất thời sự của nền kinh tế là lạm phát, tỷ giá và các chỉ tiêu giám sát tài chính, kết quả nghiên cứu mới nhất về các nội dung này sẽ được công bố vào sáng mai (19/12).

 

 

Lựa chọn hợp lý cho lạm phát

Ở nghiên cứu "Lạm phát mục tiêu và hàm ý đối với khuôn khổ chính sách tiền tệ ở Việt Nam", những vấn đề lý luận cơ bản về cơ chế lạm phát mục tiêu, kinh nghiệm áp dụng của các nước trên thế giới cũng như đánh giá thực trạng và khả năng áp dụng cơ chế lạm phát mục tiêu tại Việt Nam sẽ được khái quát.

Trong thời gian qua, lạm phát cao luôn mối đe dọa tiềm ẩn đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế dài hạn ở Việt Nam. Một câu hỏi đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia kinh tế là phải chăng cơ chế điều hành chính sách tiền tệ hiện nay không thực sự mang lại hiệu quả trong bối cảnh kinh tế trong nước diễn biến phức tạp và ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới đầy biến động.

Trong khi chính sách tiền tệ đa mục tiêu đang được áp dụng tại  Việt Nam đã bộc lộ rõ những hạn chế, kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy lạm phát mục tiêu có thể là một lựa chọn hợp lý cho thời gian tới. Theo đó duy trì mức lạm phát hợp lý và ổn định trở thành mục tiêu hàng đầu của chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Lộ trình cụ thể và các nhóm giải pháp để có thể áp dụng cơ chế này ở Việt Nam trong thời gian tới có thể có những đóng góp có ý nghĩa trong việc cải cách cơ chế điều hành chính sách tiền tệ theo hướng “chủ động điều hành thực hiện lạm phát mục tiêu” như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa 13 vừa qua.

Chỉ tiêu giám sát tài chính hiện đại

Với thực tế giám sát vĩ mô thị trường tài chính hiện còn không ít bất cập, việc củng cố và hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính hợp nhất ở Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết.

Trong đó nhiệm vụ đầu tiên là cần xây dựng một bộ chỉ tiêu phục vụ cho việc giám sát hợp nhất thị trường tài chính dựa trên các tiêu chí giám sát tài chính hiện đại đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Kết quả nghiên cứu chỉ tiêu giám sát tài chính càng có ý nghĩa hơn khi trên thực tế, việc giám sát chủ yếu thiên về giám sát tuân thủ, các công cụ phục vụ cho giám sát an toàn vĩ mô thị trường tài chính chưa hoàn thiện, nhất là giám sát dựa trên rủi ro.

Nghiên cứu "Các chỉ tiêu giám sát tài chính" được hy vọng sẽ là tiền đề quan trọng để các cơ quan giám sát an toàn tài chính, đặc biệt là cơ quan giám sát hợp nhất, có thể tiến tới triển khai vận hành hệ thống giám sát và cảnh báo an toàn tài chính có hiệu quả trong thời gian tới.

Định lượng tác động của thay đổi tỷ giá

Cùng với hai nội dung trên, nghiên cứu "Tỷ giá hối đoái giai đoạn 2000 – 2011: các nhân tố quyết định, mức độ sai lệch và tác động với xuất khẩu" cũng sẽ góp thêm những đề xuất để ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn.

Tỷ giá luôn được coi là một trong những chính sách vĩ mô rất quan trọng nhưng tác động khó lường trước và thường phải đánh đổi giữa nhiều mục tiêu vĩ mô khác nhau.

Việc đánh giá diễn biến và nguyên nhân biến động tỷ giá, đồng thời phân tích tác động giữa chính sách tỷ giá và tăng trưởng xuất khẩu là một chủ đề mà các đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách hiện rất quan tâm.

Trước yêu cầu đó, nghiên cứu này đã tập trung phân tích và đánh giá xu hướng tỷ giá và biến động của tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thực trong giai đoạn 10 năm qua, những nhân tố tác động đến tỷ giá hữu hiệu thực và mức độ sai lệch, từ đó xác định được tỷ giá cân bằng và mức độ định giá cao hay thấp của tiền đồng cũng như định lượng được tác động của thay đổi tỷ giá đến xuất khẩu của các mặt hàng chính của Việt Nam.

Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên trong chuỗi những nghiên cứu dựa trên bằng chứng thực nghiệm gắn với những vấn đề chính sách kinh tế vĩ mô hiện thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam, đang được triển khai trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì với sự tài trợ của UNDP tại Việt Nam.

Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì với sự tài trợ của UNDP tại Việt Nam.

Tham gia thụ hưởng dự án còn có Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Cho đến nay, đây là dự án đầu tiên tạo ra được một cơ chế phối hợp gián tiếp nhưng khá hiệu quả giữa các cơ quan tham mưu, thẩm tra về kinh tế của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.   

Trong thời gian qua, Dự án đã hỗ trợ tổ chức nhiều diễn đàn đối thoại giữa các đại biểu Quốc hội, các nhà hoạch định chính sách với các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước về các vấn đề kinh tế vĩ mô bức thiết của đất nước. Sau mỗi hội thảo, tọa đàm đều có những kiến nghị cụ thể gửi tới Quốc hội và các cơ quan thụ hưởng nói trên để thảo luận và xem xét trong quá trình xây dựng chính sách.

Tiêu biểu là “10 kiến nghị ổn định kinh tế vĩ mô” đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế.

Ưu tiên thứ hai là triển khai một loạt nghiên cứu dựa trên bằng chứng thực nghiệm gắn với những vấn đề kinh tế vĩ mô hiện thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách như tỷ giá, nợ công, tính toán sản lượng tiềm năng … Hy vọng cũng sẽ có những đóng góp hữu ích.

Tất cả sản phẩm và hoạt động của Dự án đều được công bố trên trang web của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại địa chỉ www.ecna.gov.vn sẽ chính thức đi vào hoạt động thời gian tới.

 

Theo VnEconomy


Tại sao châu Âu thất bại với đồng euro?

Ngày đăng : 17/12/2011 - 3:26 PM
Châu Âu cần học từ Mỹ, nước có một liên minh tiền tệ có thể coi như thành công nhất trong lịch sử.
 
Trong cuộc chạy đua để cứu đồng euro, nhiều người châu Âu đã tìm thấy bài học từ Mỹ, nước có một liên minh tiền tệ có thể coi như thành công nhất trong lịch sử.
 
Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức đã đề xuất ra giải pháp dựa theo mô hình của chính phủ liên bang Mỹ đã đưa ra từ năm 1790.
 
Người Mỹ đã cho thấy rằng một liên minh tiền tệ không thể tồn tại mà không có sự hợp tác về tài khóa. Và người Mỹ hiện vẫn có thể vay tiền ở mức lãi suất 2% nhờ vào thị trường trái phiếu thanh khoản tốt được đảm bảo bởi Fed.
 
Nếu xem xét kỹ hơn, tình hình tại Mỹ phức tạp hơn rất nhiều. Ban đầu, liên minh tiền tệ và tài khóa thống nhất thực tế có giúp cho kinh tế Mỹ phát triển trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khung chính sách tài khóa và tiền tệ còn yếu đến nỗi nó không đóng góp được nhiều cho quá trình xây dựng đất nước.
 
Nước Mỹ bắt đầu quá trình xây dựng đất nước trong tình trạng tài khóa đầy khó khăn. Chính phủ và chính quyền các liên bang nợ nần chồng chất bởi trước đó phải vay rất nhiều tiền chi tiêu cho cuộc chiến tranh giành độc lập.
 
Ông Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ, khẳng định thực sự cần phải khôi phục niềm tin vào nước Mỹ để giúp kinh tế tăng trưởng. Năm 1790, ông đề xuất chính phủ liên bang tập hợp và quản lý nợ nần của các bang và sau đó lên lịch trả nợ cũng như lãi suất.
 
Kế hoạch của ông Hamilton cũng đối đầu với khá nhiều vấn đề. Chính quyền bang Virginia và một số bang miền Nam đã trả xong nợ phẫn nộ khi họ bị yêu cầu phải hỗ trợ cho các bang khác. Ông Hamilton lo lắng về tương lai của liên minh nếu kế hoạch của ông tan vỡ: “Tín dụng của chúng ta sẽ tan vỡ và biến mất, các bang bị tan rã và tự lo cho riêng mình.”
 
Cuối cùng bang Virginia cũng rút lại sự phản đối để đổi lại cho việc nhận được nguồn vốn mới. Tuy nhiên thành công của Hamilton trong việc xây dựng một liên minh tài khóa không đồng nghĩa nước Mỹ hiện có cơ chế chính sách tài khóa chuyển nguồn lực từ bang mạnh sang bang yếu.
 
Trong thế kỷ tồn tại đầu tiên của nước Mỹ, sự hiện diện của chính phủ liên bang ở mức rất hạn chế. Tổng chi tiêu của chính phủ thường chỉ ở mức khoảng chưa đầy 2% GDP (so với mức 25% hiện nay), không khác mấy so với tổng chi tiêu của Liên minh châu Âu tính tương quan với tổng GDP Liên minh châu Âu. Phần lớn tiền dành cho hoạt động quốc phòng.
 
Việc chính phủ liên bang quản lý nợ chiến tranh vào năm 1790 không có nghĩa toàn bộ chính phủ liên bang đứng sau lưng họ. Cũng giống như các nước châu Âu đã tính đến khả năng có một trái phiếu chung của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Thập niên 1820 và 1830, chính quyền nhiều bang vay tiền từ nước ngoài để có tiền xây kênh đào và một số dự án phát triển khác.
 
Giáo sư Jonathan Rodden thuộc đại học Stanford khẳng định một số nhà đầu tư vào trái phiếu đã tin rằng chính quyền liên bang sẽ đứng đằng sau hỗ trợ các bang. Tuy nhiên kỳ vọng đó không trở thành hiện thực khi sau thời kỳ khủng hoảng thập niên 1830, 9 bang vỡ nợ. Thập kỷ sau đó, phần lớn các bang áp dụng quy định cân bằng ngân sách để hạn chế nợ tăng cao. Giáo sư Michael Bordo của đại học Rutgers khẳng định chính phủ các nước châu Âu cần cấm các vụ giải cứu và yêu cầu làm theo luật.
 
Ở giai đoạn đầu của liên minh tiền tệ, đã 2 lần chính phủ Mỹ thành lập Ngân hàng Trung ương và sau đó giải tán bởi nhiều bên không thích nó. Ngân hàng riêng của từng bang phát hành đồng tiền riêng. Các bang miền Nam tăng trưởng nhanh và hay đối đầu với tình trạng thiếu tiền, lãi suất cao.
 
80 năm qua, nước Mỹ chưa lúc nào thực sự có một Ngân hàng Trung ương, vì vậy thường phải đối đầu với các cuộc khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên liên minh kinh tế bên trong nước Mỹ tồn tại vững chắc (khu vực miền Nam, trước và sau nội chiến, là ngoại lệ). Dù các tổ chức tài khóa và tiền tệ của Mỹ còn nhiều khiếm khuyết, dòng vốn và lao động dịch chuyển khá tự do từ bang này sang bang khác.
 
Khi tỷ lệ thất nghiệp ở bang này tăng, lập tức người ta chuyển sang bang khác. Kết quả một tính toán mới đây cho thấy tỷ lệ lực lượng lao động khu vực Đông Bắc và phía Nam trong tổng lực lượng lao động giảm từ mức 93% vào năm 1800 xuống 52% vào năm 1860 trong khi đó, tỷ lệ này tại khu vực trung tây tăng từ chưa đầy 1% lên 23%.
 
Hiện nay, tính linh động của các nước châu Âu kém hơn nhiều so với Mỹ dù châu Âu có thị trường lao động tự do. Nguyên nhân chính là bởi tại châu Âu tồn tại quá nhiều rào cản ngôn ngữ cũng như luật lao động không mấy linh hoạt. Bài học từ nước Mỹ: cái giữ được liên minh kinh tế không liên quan nhiều đến tổ chức tài khóa và tiền tệ bằng mong muốn gắn kết về chính trị của các bên tham gia. Châu Âu đang cố gắng phấn đấu cho điều này.
 
Theo Minh Ngọc
TTVN

 

Tin mới cập nhật