Ngày đăng :
19/12/2011 - 6:52 PM
Bộ Công Thương vừa có quyết định cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán điện bình quân lên 5% từ 20/12/2011.
Trong thông cáo báo chí phát đi sáng 19/12, EVN cho biết, ngày 16/12 vừa qua, trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã có văn bản 380/BCT –ĐTĐL chấp thuận việc tăng giá điện của tập đoàn này.
Theo đó, giá bán điện bình quân từ ngày 20/12/2011 sẽ có mức 1.304 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế VAT, tăng 62 đồng/kWh so với giá điện bình quân hiện hành là 1.242 đồng/kWh.
Đối với giá điện sinh hoạt bậc thang từ 0 -50 kWh cho hộ nghèo và bậc thang từ 0 - 100 kWh, tạm thời không tăng trong lần điều chỉnh này.
Theo EVN, việc điều chỉnh giá điện trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để giá điện đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất, kinh doanh điện thực tế, đồng thời bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá điện.
Đồng thời, việc tăng giá điện cũng là tín hiệu để thu hút đầu tư vào các dự án điện cũng như khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
EVN cũng lưu ý mong muốn các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin, tuyên truyền đúng chủ trương tăng giá điện và mức tăng lần này, tránh tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các hàng hoá và dịch vụ một cách bất hợp lý, làm ảnh hưởng tới đời sống nhân dân và nền kinh tế.
Trong cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc tăng giá điện trong thời gian tới là khó tránh khỏi vì thực tế giá điện đang được bán dưới giá thành. Đồng thời, việc tăng giá điện cũng nhằm mục đích “gánh” một phần khoản lỗ cho EVN trong mấy năm qua do phải chạy dầu và chênh lệch tỷ giá.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khi trả lời chất vấn trước Quốc hội cũng cho biết, giá điện trong năm tới dự kiến sẽ tăng trên 10%.
Theo VnEconomy.vn
|
Ngày đăng :
19/12/2011 - 6:49 PM
Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính 2010 tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, thu nhập bình quân ở công ty mẹ - EVN còn cao hơn nhiều so với mức mà lãnh đạo tập đoàn này công bố mới đây.
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, thu nhập bình quân ở công ty mẹ - EVN là 13,7 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng và thu nhập bình quân khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng/người/tháng.
Không những thế, theo Kiểm toán Nhà nước, việc phân phối tiền lương theo đơn giá cho các đơn vị thuộc công ty mẹ - EVN chưa đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các đơn vị. Bởi lẽ, thu nhập bình quân ở cơ quan văn phòng công ty mẹ - EVN còn cao gấp hơn hai lần thu nhập bình quân chung của cả công ty mẹ.
Trong cuộc họp báo mới đây, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, thu nhập bình quân toàn tập đoàn năm 2009 của EVN là 7,3 triệu đồng/tháng. Còn năm 2010, số cụ thể không được tiết lộ, chỉ biết rằng lỗ bằng 95% lương. Khi đó, lãnh đạo EVN đã nói là “đau lòng” vì lương của nhân viên ngành điện chỉ có “ngần đó”.
Tuy nhiên, ngay sau đó, dư luận và lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã lên tiếng và cho rằng, mức lương như vậy là quá cao so với mặt bằng chung của cả nước.
Cụ thể, theo thống kê của bộ này, tiền lương bình quân của người lao động trong năm 2009 ước đạt 2,84 triệu đồng/tháng. Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước ước đạt 3,35 triệu đồng/tháng, tổng công ty hạng đặc biệt và công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước đạt 5,9 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 2,65 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh đạt 2,05 triệu đồng/tháng.
Theo VnEconomy.vn
|
Ngày đăng :
19/12/2011 - 10:59 AM
Kiểm toán Nhà nước vừa kết thúc đợt kiểm tra báo cáo tài chính năm 2010 của Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Kết quả sơ bộ cho thấy, doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ, đầu tư ngoài ngành hàng nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả thấp.
Theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ EVN lên tới gần 50.000 tỷ đồng, trong đó chiếm gần 90% là vào những công ty con. Còn lại là vào các công ty liên doanh, liên kết và một số khoản đầu tư dài hạn khác. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận thu về khoảng 540 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư chỉ hơn 1%.
EVN đã đầu tư trên 2.100 tỷ đồng vào 4 lĩnh vực nhạy cảm và ngoài ngành kinh doanh chính như bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính chiếm 3,27% vốn chủ sở hữu. Những lĩnh vực trên đều gặp khó khăn nhất định nên hiệu quả đầu tư giảm sút. Chẳng hạn, giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán giảm sút so với thời điểm phát hành nên các khoản đầu tư của EVN vào đây không đem lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, EVN cũng đầu tư kém hiệu quả vào lĩnh vực viễn thông gây thua lỗ lớn. Cụ thể, tập đoàn này đầu tư 100% vốn vào Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telcom), với số vốn đầu tư tính đến 31/12/2010 lên tới 2.442 tỷ đồng nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2010 đã giảm tới 42% so với năm 2009.
Kết quả kinh doanh trong 3 năm gần nhất của EVN Telecom đi xuống rất nhanh. Nếu như năm 2008 lợi nhuận đạt được 93,8 tỷ đồng thì 2009 giảm còn 8,3 tỷ đồng và chuyển thành lỗ trên 1.050 tỷ đồng năm 2010. Tuy nhiên, EVN đã không chuyển toàn bộ chi phí thiết bị đầu cuối chờ phân bổ từ năm 2006-2008 vào chi phí hoạt động của EVN Telecom mà chuyển cho các tổng công ty điện lực trực thuộc EVN với số tiền lên tới 1.026 tỷ đồng.
Số nợ phải trả của EVN tính đến hết năm 2010 rất lớn, trên 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng nguồn vốn. Khoản tiền EVN nợ tiền mua điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tính đến 30/6/2011 đã lên tới hơn 8.860 tỷ đồng và nợ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam hơn 1.200 tỷ đồng.
Tổng số lỗ của EVN năm 2010 trên 8.400 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm (-) 14,8%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản âm (-) 2,78%. Riêng khâu sản xuất, kinh doanh điện lỗ trên 10.500 tỷ đồng chủ yếu do năm 2010, các nhà máy thuỷ điện thiếu nước nên EVN phải huy động nhà máy điện chạy dầu và mua điện ngoài hệ thống với giá cao cấp 3-4 lần giá bán bình quân.
Cộng thêm các yếu tố khác như biến động giá nhiên liệu, biến động tỷ giá hối đoái, nhiều nhà máy điện chậm đi vào vận hành nên hệ thống thiếu công suất, phải huy động điện chạy dầu giá thành cao… khiến số lỗ của EVN thêm lớn.
Theo Hồng Anh
Vnexpress
|
Ngày đăng :
19/12/2011 - 10:55 AM
Với khoảng hơn 9 tỷ USD kiều hối được chuyển về trong năm 2011, Việt Nam là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
Tuy được xem là nguồn trợ lực hiệu quả cho nền kinh tế, nhưng nhiều nhận định cho rằng, chúng ta vẫn chưa có những sự quan tâm đúng mực với nguồn tiền này.
Sinh lời hấp dẫn
Tuy mới chỉ có một số ngân hàng thương mại cổ phần công bố chính thức lượng kiếu hối chuyển về nước, nhưng theo ước tính của Bộ Ngoại giao thì năm nay con số hơn 9 tỷ USD là hoàn toàn khả quan đối với Việt Nam.
Ngân hàng Công thương (Vietinbank) năm nay đạt lượng kiều hối lớn nhất với trên 1,3 tỷ USD.Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA bank) ước tính đến tháng 12 này có khoảng 1,6 tỉ USD lượng kiều hối được chuyển về, tăng 20% so với năm ngoái. Ngân hàng thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, lượng kiều hối chuyển qua ngân hàng này đạt 600 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Một nguồn tin của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho hay tính đến tháng 10, ngân hàng này đã có hơn 1,2 tỷ USD kiều hối.
“Tuy chưa thống kế chính xác, nhưng hết năm 2011, Vietcombank ước cũng đạt từ 1,4-1,5 tỷ USD”, nguồn tin này cho hay.
Trong khi kinh tế thế giới đang rất khó khăn vì rơi vào suy thoái, nhưng nguồn kiểu hối về Việt Nam lại tăng so với các năm trước đây. Lý giải sự “nghịch lý” này ông Cấn Văn Lực (Giám đốc phòng giao dịch số 3, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam-BIDV) cho rằng: “Do có sự sinh lời hấp dẫn của lãi suất ngoại tệ tại các ngân hàng trong nước, vì vậy, lượng kiều hối dồn về càng nhiều”.
Theo ông Lực, hiện nay, một phần số ngoại tệ này được gửi về cho thân nhân dùng để chữa bệnh, đầu tư giáo dục, còn lại hầu hết chủ yếu đầu tư vào các kênh như bất động sản, vàng…”, ông Lực cho biết.
Một thống kế mới nhất từ Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cũng cho thấy, có tới 52% lượng kiều hồi đổ vào bất động sản, số còn lại được dùng để gửi tiết kiệm và tiêu dùng.
Xu hướng bán lại cho ngân hàng cũng đang khá phổ biến do họ có nhu cầu chi tiêu trước mắt bằng Việt Nam đồng, như tại Vietinbank có tới 30% lượng kiều hối bán cho ngân hàng để chuyển sang VND và hiện xu hướng này vẫn tăng lên.
9 tỷ USD= trăm tỷ USD
Theo Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, thì kiều hối chuyển về nước chủ yếu đến từ các thị trường truyền thống: Mỹ, Canada, Úc, châu Âu và một số thị trường có nhiều lao động xuất khẩu của Việt Nam như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, con số 9 tỷ USD trong bối cảnh này rõ ràng đã chứng minh ở một góc độ nào đó sự hấp dẫn và ổn định của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
“Với nguồn tiền này sức ép về thiếu hụt cán cân vãng lai cũng như nguồn cung ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại trong nước được giải quyết ”, ông Thành nhận định.
Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng, nếu như nhìn tận gốc thì không dễ để “tự dưng” có số tiền này gửi về. Để có 9 tỷ USD lợi nhuận sau thuế gửi về cho họ hàng thì nhiều doanh nghiệp trong số 4 triệu kiều bào Việt Nam tại các hơn 90 quốc gia vùng lãnh thổ sẽ phải có doanh thu đạt hơn 100 tỷ trong một năm.
“Lâu nay chúng ta trải thảm để tìm đến vốn vay không hoàn lại (ODA), vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng trong vài tỷ họ đầu tư vào thì bị ăn đầu, ăn đuôi, cắt xén…nhưng vẫn được coi là nguồn vốn quan trọng nhất. Trong khi các doanh nghiệp của kiều bào làm ra 9 tỷ USD, thậm chí có thể nhiều hơn nữa trong các năm tới đây, thực chất phải bỏ ra hàng trăm tỷ USD đầu tư, vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mực”, ông Thành bày tỏ.
Theo Thành Tâm
Tổ Quốc
|
Ngày đăng :
19/12/2011 - 10:50 AM
Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Theo đó, Bộ Tài chính đã thiết lập đoàn kiểm tra tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối là Petrolimex, Saigon Petro, PV Oil, Công ty TMDK Đồng Tháp tại thời điểm 30/6 và 26/8/2011.
Bộ Tài chính đã nêu rõ, trong điều kiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối không đồng đều, thị trường kinh doanh xăng dầu còn bị phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh như Petrolimex hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thì việc Nhà nước thực hiện các biện pháp kiểm soát và điều hành giá bán lẻ xăng dầu là giải pháp hợp lý để góp phần kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Một số vi phạm trong công tác quản trị tại doanh nghiệp đã được phát hiện như việc trích lập quỹ Khoa học công nghệ không đủ điều kiện, chênh lệch tỷ giá do mua condensate không chứng từ…
Chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp vượt định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở, chi thù lao đại lý tạo một số thời điểm cao hơn định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở.
Thù lao đại ý của Petrolimex là trên 583 tỷ đồng, trong đó mức thù lao đại lý của công ty xăng dầu B12 của Petrolimex từ tháng 3 đến tháng 9/2011 đối với xăng, cao nhất là 630 đồng/lít (tháng 6), dầu là 830 đồng/lít trong tháng 7.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, thời điểm giảm giá bán lẻ xăng dầu tại thời điểm ngày 26/8 là hợp lý. Kết quả kinh doanh xăng dầu nội địa của các doanh nghiệp từ 1/7 đến 26/8 về cơ bản không lỗ lớn hoặc có lãi. Petrolimex ước lãi 130 tỷ đồng; Saigon Petro lỗ 44,6 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 48 tỷ đồng, Công ty TMDK Đồng Tháp lỗ 55,23 tỷ đồng, nhưng nếu thực hiện chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 22 tỷ đồng.
Về quỹ bình ổn giá (BOG), Bộ Tài chính cho rằng cơ bản các doanh nghiệp đã trích lập sử dụng theo quy định. Việc duy trì quỹ BOG xăng dầu là cần thiết để thực hiện giữ ổn định giá bán xăng dầu trong giai đoạn vừa qua. Thực tế nếu không có cơ chế trích lập và sử dụng quỹ BOG như thời gian qua thì tần suất điều chỉnh giá sẽ cao, gây bất ổn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Do có cơ chế trích lập quỹ BOG mà doanh nghiệp tiết giảm được một phần chi phí lãi tiền vay do việc giảm trừ lãi tiền vay tương ứng với số dư nguồn quỹ BOG trong từng thời kỳ khi hình thành Qũy đến nay là 115 tỷ đồng (Petrolimex: 49 tỷ, Saigon Petro: 27 tỷ, PV Oil: 25 tỷ, Công ty TMDK Đồng Tháp 14 tỷ).
Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy cơ chế trích, quản lý và sử dụng quỹ BOG tại các doanh nghiệp còn một số bất cập và khó kiểm soát. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu đổi mới về cơ chế quản lý, sử dụng quỹ BOG trong thời gian tới theo hướng: đưa quỹ BOG về cơ quan Nhà nước (Bộ Tài chính) quản lý.
Qũy này được sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối thực hiện chính sách bình ổn giá theo cơ chế: doanh nghiệp đăng ký, kê khai sử dụng quỹ; kết thúc năm Nhà nước sẽ thực hiện hậu kiểm và quyết toán sổ chính thực đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Đối với giá cơ sở, Bộ Tài chính kết luận công thức xác định giá cơ sở như hiện nay là hợp lý, tuy vậy còn một số điểm cần nghiên cứu điều chỉnh như chu kỳ tăng giảm giá và bước tình giá bình quân theo giá Platt’s còn tương đối dài (30 ngày), việc để lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở có thể gây hiểu lầm và thiếu minh bạch trong xác định lỗ lãi kinh doanh xăng dầu.
Vì vậy, tổ kiểm tra của Bộ Tài chính đã kiến nghị cần nghiên cứu hoàn thiện công thức xác định giá cơ sở theo hướng rút ngắn chu kỳ điều chỉnh tăng giảm giá để phù hợp với thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp, đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở để minh bạch tình hình lãi, lỗ.
Do khung quy định của Nhà nước về hao hụt tự nhiên trong kinh doanh xăng dầu đã lạc hậu và mỗi doanh nghiệp có quy định về mức hoa hồng riêng nên rất khó khăn trong công tác quản lý giám sát của Nhà nước. Bởi vậy, tổ kiểm tra kiến nghị thời gian tới nhà nước cần có nghiên cứu quy định bổ sung mức hao hụt trong các khâu để các doanh nghiệp căn cứ thống nhất thực hiện và các doanh nghiệp cần chủ động nỗ lực tiết giảm chi phí hao hụt năm sau so với năm trước (đặc biệt với doanh nghiệp lớn như Petrolimex) để giảm chi phí.
Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện nguồn cung chủ yếu do thị trường trong nước phần lớn là xăng dầu nhập khẩu (chiếm 68,65%) thì sự không ổn định về tỷ giá hối đoái là một nguyên nhân cơ bản dẫn tới lỗ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu mối có tổng lượng nhập khẩu cao so với tỷ trọng hàng mua từ Dung Quất hoặc tự sản xuất.
Thời gian tới, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu làm việc với các Bộ liên quan như Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… để có cơ chế đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu theo đúng tỷ giá liên ngân hàng từng thời điểm, mặt khác các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng cần nghiên cứu áp dụng các công cụ quản lý
Theo Hồng Hà
NDHMoney
|