Tái cấu trúc TTCK: Hướng đến chất lượng, hiệu quả

Ngày đăng : 05/12/2011 - 9:19 PM

Tại hội thảo về tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa ra 3 phương án
 

                           

 

Trong đó có phương án “thành lập một Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) duy nhất trên nền tảng hợp nhất 2 sàn HOSE và HNX”. Nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa thấy thông tin chi tiết về việc sáp nhập.

Thay chiếc áo cũ

Giữa tháng 7, Sở GDCK New York (NYSE) và Sở GDCK Frankfurt (Đức) đã tiến hành sáp nhập để tạo ra một công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực quản lý hoạt động TTCK. Tại châu Á, các sở GDCK của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang tiến hành các thủ tục sáp nhập.

Trong khu vực ASEAN, các nước như Thái Lan, Indonesia cũng chỉ có một sở GDCK. Theo ThS. Đào Trung Kiên (Trường Đại học Kinh tế TPHCM), nhiều đơn vị của Nhà nước cùng kinh doanh một lĩnh vực sẽ dẫn đến chi phí gia tăng cũng như cạnh tranh ngầm không đáng có.

Sáp nhập 2 sở GDCK tại Việt Nam là xu hướng tất yếu. Chưa thể nói liệu có sự đột phá nếu sáp nhập 2 sở, nhưng trước mắt có thể thấy được những mặt tích cực, như tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí, hệ thống vận hành thông suốt hơn.

Chẳng hạn UBCKNN thay vì phải “quản” 2 sở nay chỉ còn 1 “cánh tay nối dài”; các công ty chứng khoán (CTCK) thay vì lập 2 báo cáo nay chỉ còn 1… Nói nôm na có thể giảm một nửa chi phí, nguồn lực… 

Có thể nói, việc sáp nhập 2 sở ngay trong lúc này chỉ là một phần trong chiến lược tái cấu trúc TTCK Việt Nam. Trong ngắn hạn, bên hưởng lợi là 2 sở trong việc quản lý còn nhà đầu tư và doanh nghiệp niêm yết thực chất không được gì.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC), cho rằng việc sáp nhập 2 sở không gây ảnh hưởng gì đối với nhà đầu tư. TTCK nói chung và doanh nghiệp nói riêng sẽ chỉ chịu tác động từ các chính sách lớn hơn của Nhà nước. Điều này khác với nước ngoài khi sở này sáp nhập với sở khác thường tạo ra những ảnh hưởng rất to lớn. Tuy nhiên, về dài hạn việc sở mới hoạt động hiệu quả hơn có thể tạo niềm tin cho nhà đầu tư về động thái tái cấu trúc TTCK của Nhà nước.

Cạnh tranh và triệt tiêu

Khác với TTCK thế giới, TTCK Việt Nam do Nhà nước lập ra và quản lý, từ Bộ Tài chính đến UBCKNN xuống dưới là các sở GDCK.

PGS.TS Nguyễn Minh Kiều (Trường Đại học Mở TPHCM), đặt vấn đề: “Sáp nhập 2 sở sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh, tạo ra sự độc quyền mang tính tuyệt đối. Lúc này Sở GDCK mới liệu có thể hoạt động tốt hơn 2 sở cũ? Để lên sàn HOSE, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng trở lên, có lãi trong 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết.

Trong khi chào sàn HNX, doanh nghiệp chỉ cần 10 tỷ đồng vốn điều lệ và kinh doanh có lãi năm liền trước thời điểm đăng ký. Từ những điều kiện này, có thể hiểu được ý định phân nhóm HOSE dành cho doanh nghiệp “hạng sang” còn HNX là doanh nghiệp “bình dân”.

Nhưng thực tế, hiện nay đang có gần 160 doanh nghiệp niêm yết tại HNX (chiếm gần 40%) có vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, có trên dưới 50 doanh nghiệp niêm yết tại HOSE có giá trị vốn hóa thấp hơn 80 tỷ đồng.

Giá trị vốn hóa thấp hơn vốn điều lệ cho thấy doanh nghiệp niêm yết và cả thị trường đang gặp vấn đề. Tính chất sàng lọc hàng hóa trên TTCK nhằm hỗ trợ cho nhà đầu tư có cách nhìn nhận hợp lý đã không thể phát huy”.

Một người có thâm niên làm việc trong ngành chứng khoán kể lại: Cuối năm 2006, các doanh nghiệp đua nhau lên sàn nhằm được hưởng những ưu đãi về thuế sẽ chấm dứt vào đầu năm 2007. Việc doanh nghiệp xếp hàng “dồn toa” cộng thêm việc niêm yết tại HNX khi đó có vẻ nhanh hơn HOSE nên nhiều doanh nghiệp đã chọn HNX để niêm yết.

Theo ThS. Đào Trung Kiên, đây có thể là biểu hiện của một sự cạnh tranh ngầm nào đó. Chào mời được doanh nghiệp càng lớn lên sàn càng chứng tỏ được uy tín của Sở GDCK. HOSE và HNX là 2 đơn vị kinh doanh, vì vậy cạnh tranh để đem lại lợi ích và uy tín cho mình cũng là điều dễ hiểu. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 15 tỷ đồng hay 1.500 tỷ đồng thì cũng đều trên 10 tỷ đồng và hoàn toàn có thể chọn HNX nếu cảm thấy thuận lợi, bởi việc niêm yết là tự nguyện chứ không bắt buộc.

Nhưng khi “dồn” tất cả cổ phiếu về một sở đồng nghĩa với việc “trộn” lẫn những cổ phiếu có chất lượng và “hàng lởm” với nhau. Các doanh nghiệp trước đây tìm mọi cách tăng vốn điều lệ, bằng mọi giá để niêm yết tại HOSE nhằm xác định một “đẳng cấp” khác, nay phải đứng chung với những doanh nghiệp hoạt động èo uột liệu có cảm thấy “thoải mái”?

Chuẩn hóa chức năng

Một trong những chức năng quan trọng của Sở GDCK là giám sát. Sở GDCK là nơi thông tin tập trung về nhiều nhất nên tất nhiên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát. Và giám sát không chỉ giới hạn trong việc kiểm tra doanh nghiệp có “làm trật” hay không mà cần hướng đến việc xử lý, nâng cấp, chuẩn hóa thông tin của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, cuối tháng 7 HOSE và HNX đã đưa ra thống kê chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính quý II-2011 đúng thời gian quy định. Liệu sở mới sẽ làm thế nào để răn đe và xử lý mạnh tay những trường hợp này? Có một nghịch lý trong suy nghĩ của nhà đầu tư đã tồn tại từ khá lâu, đó là nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng tính chất minh bạch của các doanh nghiệp tại HNX kém hơn HOSE.

Thực tế, tất cả doanh nghiệp niêm yết trên cả 2 sở đều phải tuân thủ cách thức công bố thông tin trong Luật Chứng khoán. Cùng là báo cáo tài chính của doanh nghiệp, có tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, nợ, doanh thu, lợi nhuận… nhưng vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp có vốn điều lệ vài chục tỷ đồng lại thực hiện “lem nhem” hơn những doanh nghiệp có vốn điều lệ vài trăm, vài nghìn tỷ đồng.

Hay những quy định về vốn điều lệ hoặc việc kinh doanh có lãi cũng chỉ “đụng chạm” được vỏ bề ngoài, chưa thể bóc tách được chất lượng bên trong của doanh nghiệp niêm yết.

Ngoài giám sát, chức năng tạo lập của Sở GDCK cũng là điều đáng bàn. Một mặt, HOSE và HNX cũng đã thực hiện tương đối tốt chức năng này khi đã huy động được gần 700 mã cổ phiếu niêm yết (chưa tính UPCoM), nhưng số lượng các doanh nghiệp lớn, đầu ngành chưa niêm yết vẫn còn không ít.

Có một chi tiết nhỏ nhưng cần nói đến là các sở vẫn tổ chức hoạt động mời gọi doanh nghiệp niêm yết, đây là nỗ lực đáng ghi nhận. Nhưng trừ doanh nghiệp, CTCK hay những người làm trong ngành biết được hoạt động này, còn lại rất nhiều nhà đầu tư không nắm rõ.

Không thể lý luận rằng đây là chuyện “riêng” của doanh nghiệp, không liên quan đến nhà đầu tư, vì nếu quá “kín” có thể xảy ra hiệu ứng ngược: Nhà đầu tư không thấy được nỗ lực của các sở, các cơ quan quản lý trong sự phát triển của TTCK Việt Nam, từ đó niềm tin sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, để nhà đầu tư “chung tay”, các sở cần phải tính đến vấn đề bảo vệ họ, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thời gian gần đây, xu hướng doanh nghiệp hủy niêm yết đã trở thành nỗi nhức nhối, đe dọa nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư.

Doanh nghiệp hủy niêm yết, nhất là những doanh nghiệp kém chất lượng, cổ đông nhỏ lẻ gần như mất trắng khi cổ phiếu không có thanh khoản, còn cổ tức xem như là một chuyện xa vời. Nếu sáp nhập 2 sở và tạo ra sở mới, việc nâng cấp vai trò quan trọng là tạo lập và giám sát sẽ là điều tối quan trọng để tạo xung lực mới trên thị trường.

 

 Theo Thái Ca

 SGĐT


 

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

'Giá cổ phiếu BIDV sẽ theo thị trường'

Ngày đăng : 05/12/2011 - 9:42 AM

Việc định giá cổ phiếu Vietcombank 4 năm trước thể hiện sự kỳ vọng thái quá, nếu không muốn nói là thất bại. IPO BIDV thời điểm này xấu hơn hồi Vietinbank, chủ tịch BIDV nhận xét.
 

 

 

Dự kiến công bố vào 6/12, giá khởi điểm cổ phiếu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được xây dựng dựa trên tín hiệu thị trường và rút kinh nghiệm từ hai đồng nghiệp đi trước là Vietcombank và Vietinbank.

Sau khi nhà băng quốc doanh này công bố kế hoạch cổ phần hóa, điều thị trường quan tâm nhất lúc này là giá khởi điểm sẽ là bao nhiêu, chủ trương định giá của BIDV như thế nào khi đã có kinh nghiệm xương máu từ hai ngân hàng tương đương là Vietcombank và Vietinbank.

Là ngân hàng tiên phong, Vietcombank chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 12/2007 khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang sốt sình sịch, cổ phiếu ngân hàng được xem là cổ phiếu vua. Hơn 97,5 triệu cổ phiếu VCB đã được vét sạch trong phiên IPO với giá trúng bình quân 107.860 đồng, giá cao nhất tới 250.000 đồng và thấp nhất 102.000 đồng, cao hơn giá giá khởi điểm 2.000 đồng. Phần thặng dư sau đợt phát hành này lên tới gần 11.000 tỷ đồng, trong đó trả lại Nhà nước gần 10.000 tỷ, con số mơ ước của tất cả các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh nhiều năm qua.

Tuy nhiên, cùng với đà thoái trào của thị trường, VCB cũng ngày một giảm và đến khi chào sàn (30/6/2009) giá khởi điểm chỉ là 50.000 đồng. Cổ phiếu ưu đãi của Vietcombank bỗng chốc trở thành món quà "ngược đãi" với số đông cán bộ công chức ngân hàng.

Còn với số đông nhà đầu tư từng xếp hàng từ sáng sớm để mua cho được trong phiên IPO, VCB cũng là trái đắng khó nuốt. Vì thế mà gần một năm rưỡi sau, Hội đồng quản trị ngân hàng ấp ủ kế hoạch phát hành mới với giá thấp để bù đắp cho cổ đông, tất nhiên là không được Nhà nước chấp thuận.

Đến lượt mình, Vietinbank có bước đi khôn ngoan hơn, đưa ra mức giá khiêm tốn để phù hợp với bối cảnh đìu hiu của thị trường, dù ban lãnh đạo ngân hàng luôn tự coi cổ phiếu của mình là "con gà đẻ trứng vàng". Vietinbank IPO hôm 25/12/2008, giá trúng bình quân 20.256 đồng cao hơn khởi điểm 256 đồng. Đến khi chào sàn, CTG được đặt ở mức 50.000 đồng, mang lại khoản hời không nhỏ cho các nhà đầu tư.
                  

 

"Việc định giá cổ phiếu Vietcombank 4 năm trước thể hiện sự kỳ vọng thái quá, nếu không muốn nói là thất bại. Vietinbank đã đi theo tín hiệu thị trường. Cổ phiếu của chúng tôi cũng đi theo thị trường, nhưng cần nhìn nhận là hiện trạng thị trường hiện nay xấu hơn hồi Vietinbank", Chủ tịch HĐTV BIDV Trần Bắc Hà nói. Ông cho biết BIDV đã trình Chính phủ và dự kiến hôm 6/12 công bố mức giá khởi điểm cho phiên đấu giá cổ phần lần đầu diễn ra cuối tháng này.

Ông cho biết trên cơ sở khung giá đã tính toán, ngân hàng sẽ chọn một điểm rơi phù hợp thực tế thị trường thời điểm hiện tại cũng như dự báo thị trường từ nay tới lúc đấu giá và đặc biệt là có so sánh với giá cổ phiếu Vietinbank cũng như Vietcombank hiện nay. BIDV cũng dự phòng bước lùi trong trường hợp xấu nhất để đảm bảo cho phiên đấu giá thành công.

Chia sẻ quan điểm này, ông Trần Phương - Trưởng ban cổ phần hóa BIDV cho biết về nguyên tắc giá khởi điểm đưa ra phải đảm bảo tính khả mãi (tức là phải bán được). "Bất luận giá nào, nhưng so sánh tương quan với các cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết, anh đã ra sau mà xác định mức giá tương đồng thì thanh khoản sẽ kém, đặc biệt trong bối cảnh thị trường hiện nay", ông Phương chia sẻ.

Chủ tịch Trần Bắc Hà cho biết chính ông đã chủ động báo cáo Chính phủ nếu cổ phần hóa ngay năm nay nhiều khả năng quyền lợi của Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình thị trường không khả quan. Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và không đặt quá nặng vấn đề lợi ích của Nhà nước mà bỏ qua tín hiệu thị trường.

"Chúng tôi đã chuẩn bị cho quá trình cổ phần hóa từ 4 năm nay rồi, nhiều lần phải trì hoãn vì thị trường không thuận, rồi lại trùng với các kế hoạch IPO lớn khác. Sự thành công của phiên IPO sắp tới phải đảm bảo cả 2 mặt, bán được và giá giao dịch tốt", ông Hà nhấn mạnh.

Phương án cổ phần hóa BIDV được trình Chính phủ từ tháng 10 và Thủ tướng phê duyệt vào 30/11. Ngay hôm sau, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa BIDV. Theo đó, giá trị doanh nghiệp theo sổ sách đã được kiểm toán là 363 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước hơn 22 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, giá trị doanh nghiệp do Kiểm toán Nhà nước định giá lại là hơn 381 nghìn tỷ, và phần vốn nhà nước hơn 40 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, BIDV không phải điều chỉnh lại sổ sách kế toán theo giá trị định giá lại của Kiểm toán Nhà nước, mà được phép sử dụng giá trị sổ sách để làm căn cứ xác định giá trị phát hành.

BIDV cổ phần hóa theo hình thức giữ nguyên phần vốn góp hiện có của Nhà nước, đồng thời phát hành thêm thông qua IPO, bán cho người lao động, công đoàn và cổ đông chiến lược để giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống còn 78% trong giai đoạn một. Như vậy, với số vốn nhà nước hơn 22 nghìn tỷ đồng, sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của BIDV sẽ là hơn 28 nghìn tỷ đồng.


Theo Song Linh
VnExpress
 


Chứng khoán: Lãi suất giảm là xuống tiền ngay

Ngày đăng : 05/12/2011 - 9:28 AM

Diễn biến của HNX trong tuần này sẽ phụ thuộc cơ bản không phải vào sự hứa hẹn về những giải pháp dài hơi của cơ quan quản lý nhà nước, mà vào việc quyết định hạ lãi suất.
 

                                

 

Đánh thức chứng khoán

TTCK có thể nhận được tin tức hỗ trợ đặc biệt nào trong tuần này? Nếu có, chỉ có thể là sự kiện hạ lãi suất.

Với đại đa số nhà đầu tư và các tổ chức kinh doanh chứng khoán, lãi suất giảm sẽ chắc chắn có tác dụng như một liều thuốc, ít ra hỗ trợ về mặt tâm lý. Sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ, động thái chuẩn bị hạ lãi suất đã hình thành rõ ràng hơn nhiều so với những thuyết minh của Ngân hàng nhà nước trong buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội vào ngày 25/11.

Với 4 tháng liên tục chỉ số CPI không vượt qua mốc 1%, mặt bằng lãi suất huy động đã có điều kiện để hạ thấp hơn nữa mà không quá lo lắng đến nguy cơ lạm phát tái bùng phát. Và TTCK, khi đã quá mỏi mòn trong xu thế trượt giảm vô hạn định, đang rất cần đến bất kỳ một thông tin hỗ trợ nào, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp từ dòng tiền gửi ngân hàng khi lãi suất giảm.

Không khí chờ đợi động thái của Ngân hàng nhà nước đã không làm cho thị trường lao dốc trong tuần qua, mặc dù nó hoàn toàn có thể diễn biến như thế. Thị trường giờ đây là một tổ hợp của tâm trạng hỗn hợp - vừa hy vọng vừa lo sợ. Độ khuấy đảo của sự hỗn hợp này đang lên đến mức cao điểm của năm nay.

Những nhà đầu tư còn cố duy trì niềm kỳ vọng phục hồi của thị trường cũng có thêm đôi chút cơ sở khi trong cuộc họp Quốc hội vừa qua, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lần đầu tiên trong năm nay đề cập đến biện pháp phục hồi TTCK, và sau đó chủ trương này đã thể hiện qua yêu cầu của thủ tướng đối với Bộ Tài chính về triển khai những giải pháp cụ thể.

Nhưng cùng trong bối cảnh trên, Thăng Long - với tư cách là một trong những công ty chứng khoán lớn nhất ở Việt Nam vừa công bố con số lỗ gần 200 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2011, cùng với sự thay đổi vai trò trọng trách cao nhất tại doanh nghiệp này.

Tuần qua cũng chứng kiến sự di chuyển làn sóng công luận từ thị trường bất động sản sang TTCK. Không còn xuất hiện quá nhiều ồn ào về tình thế khốn cùng của các doanh nghiệp nhà đất, mà thay vào đó là phản ảnh về tình trạng cùng quẫn của các chủ thể kinh doanh cổ phiếu. Bất chấp những hứa hẹn ban đầu từ phía Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán nhà nước cũng như lời kêu gọi mua vào đã manh nha hiện ra từ một số công ty chứng khoán, niềm tin của nhà đầu tư vẫn tiếp tục chìm sâu trong phạm trù khủng hoảng.

Đến lúc mua vào?

Đáy của thị trường đã rất gần? Lại một lần nữa câu hỏi này đánh đố tất cả các chủ thể trong thị trường. Cho dù thanh khoản vẫn ở mức khá yếu ớt, nhưng chỉ số gần như kéo ngang trong tuần qua cũng ít nhiều làm cho nhà đầu tư bớt sợ hãi.

So với tuần trước nữa, tuần qua các nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa siêu nhỏ và nhỏ đã không còn bị suy giảm mạnh hơn hẳn so với nhóm cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn và nhóm cổ phiếu vừa. Trong nhiều giai đoạn đi ngang của thị trường từ cuối năm 2010 đến nay, mối tương quan như thế thường cho thấy thị trường nằm trong thế cân bằng tạm. Vấn đề là sau thời gian cân bằng tạm ấy, nếu có sự xuất hiện của dòng tiền đủ mạnh thì thị trường sẽ lập tức đi lên.

Nhưng cũng từ cuối năm 2010 đến nay, đã nhiều lần nhà đầu tư bị hố bởi sự đánh đố của những đoạn chỉ số kéo ngang, bởi sắc xanh tăng trần của một số cổ phiếu nhỏ. Nhiều người đã vội vã cho rằng đó là tiền đề của sóng phục hồi. Tuy nhiên tất cả đều sai lầm khi thị trường vẫn tiếp tục trượt giảm rồi dẫn tới lao dốc.

Còn lần này, vẫn có một cảm giác không hề an toàn khi thị trường được kéo ngang trong suốt 3 tuần qua. Nếu là trạng thái tích lũy để chuẩn bị phục hồi thì giá trị và khối lượng giao dịch đã phải vượt trội so với giai đoạn suy giảm trước đó. Nhưng 3 tuần qua lại không chứng kiến một hình ảnh vượt trội nào về thanh khoản. Thay vào đó, khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn trah thủ bán ròng vào những phiên thị trường tăng điểm.

Với nhiều nhà đầu tư đã thấm đẫm kinh nghiệm xương máu, cơ sở gần như duy nhất cho sự phục hồi, hoặc ít nhất cũng tạo lập vùng đáy của thị trường, là sự chấm dứt dần, tiến đến chấm dứt hoàn toàn "cơ chế làm giá" tại bộ ba cổ phiếu BVH, MSN và VIC.

Thế nhưng bộ ba trên vẫn được vận hành đều đặn và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sức lực của chúng đã cạn kiệt. Trong khi đó, thanh khoản tại một phần mười số cổ phiếu trên thị trường đã thật sự cạn kiệt từ khá lâu nay.

Chúng ta có thể quay ngược thời gian để xác định một vấn đề khác: con sóng tăng từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9/2011 diễn ra trước mốc thời điểm 7/9 khi Ngân hàng nhà nước tái thiết lập trần lãi suất huy động 14%. Con sóng này phần nào minh chứng là TTCK đã nhạy cảm với tín hiệu vĩ mô và phản ứng trước.

Đúng ra, từ tuần cuối của tháng 11 vừa qua, khi tín hiệu hạ lãi suất đi kèm với "gói giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô" cùng sự hứa hẹn về những biện pháp cứu chứng khoán được nêu ra, TTCK đã phải có bước phản ứng tích cực hơn. Song trong thực tế, tất cả các nhà đầu tư đều thấy rõ rằng thị trường vẫn trôi ngang một cách buồn tẻ, tuyệt đối chẳng có khí sắc gì đặc biệt.

Vậy thì những lời kêu gọi bắt đáy thị trường từ một số công ty chứng khoán liệu có hợp lý vào lúc này? Hay lại một lần nữa, giới đầu tư hoài nghi mắc phải tình thế "bắt dao rơi"?

Không ngoài nhận định của chúng tôi vào đầu tuần trước, thị trường, mà cụ thể là chỉ số HNX, đã nghiêng về xu thế đi ngang trong thế suy giảm trong tuần qua.

Thế còn tuần này thì sao? Diễn biến của HNX trong tuần này sẽ phụ thuộc cơ bản không phải vào sự hứa hẹn về những giải pháp dài hơi của cơ quan quản lý nhà nước, mà vào việc quyết định hạ lãi suất có xảy ra hay chưa.

Nếu lãi suất huy động được kéo giảm, tuần này có thể chứng kiến một làn sóng nho nhỏ từ tiền gửi ngân hàng chảy vào kênh chứng khoán, giống như hiện tượng tương tự đã diễn ra trong tháng 9/2011. Tương ứng với thuận lợi này, thị trường sẽ có thể tăng một số phiên với biên độ thấp.

Nhưng ngay cả trong trường hợp phục hồi, thị trường cũng rất khó kéo dài tăng trưởng.

Còn nếu quyết định hạ lãi suất chưa diễn ra trong tuần này, cảm giác bất an sẽ tăng mạnh: sau những đoạn miệt mài đi ngang, thường là thị trường lao dốc. Hiện tượng nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu cảnh mất giá khá mạnh trong tuần qua phải chăng là một tín hiệu?

Khi đó, HNX đã phá vỡ ngưỡng 60 điểm và lại tiếp tục rơi vào một chu kỳ suy giảm mới.

 

Việt Thắng

 VEF


 


Chứng khoán và "những cuộc chia ly màu đỏ"

Ngày đăng : 04/12/2011 - 12:00 AM

Sáng 2/12, cộng đồng nhà đầu tư gửi cho nhau bức thư chia tay của Tổng giám đốc CTCK Thăng Long (TLS). Không chỉ các “sao” đổi ngôi trên thị trường này, mà sự khốc liệt còn khiến nhiều nhà đầu tư kỳ cựu “ngã ngựa”.

 

                       

 

Thông tin TLS đang quyết liệt cải tổ đã râm ran từ lâu và cũng không lạ lắm khi chính ngân hàng “mẹ” cũng đang phải tập trung nguồn lực để hỗ trợ. Tại buổi giới thiệu niêm yết của Ngân hàng Quân đội (MB), đại diện ngân hàng này cho biết đã nhiều lần họp riêng với TLS để cảnh báo. Đồng thời, yêu cầu TLS phải có khảo sát đánh giá lại để có một đánh giá chung, từ đó MB sẽ đưa ra một “gói vay cứu trợ” giúp TLS hoạt động ổn định và vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thực ra, khó khăn của TLS cũng không có gì nổi bật trong khi hàng chục công ty chứng khoán khác đang lỗ triền miên, cụt vốn, mất thanh khoản, thậm chí có công ty đã tính chuyện “bỏ nghề”. Tuy nhiên TLS để lại cho cộng đồng nhà đầu tư dấu ấn sâu đậm về sự thành công - cũng như rủi ro - trong cuộc đua cung cấp dịch vụ đòn bẩy tài chính, phát triển mạng lưới cộng tác viên, môi giới, thậm chí cả phong cách viết phân tích tư vấn từ cá nhân các lãnh đạo công ty hàng ngày.

Có lẽ vì thế, mà sự ra đi của người đứng đầu TLS nhận được nhiều sự quan tâm, mặc dù phải tới ngày 9/12 tới, đại hội cổ đông bất thường của TLS mới tổ chức.

Theo những thông tin ban đầu, người thay thế ông Lê Đình Ngọc trên cương vị Tổng giám đốc TLS sẽ là ông Lưu Trung Thái, nguyên là Phó tổng giám đốc MB. “TLS là thách thức lớn nhất mà tôi đã từng gặp” là thừa nhận của người thay thế, và “TLS quay trở lại quỹ đạo hoạt động bình thường và đúng với vị trí của mình” là mong muốn của người ra đi…

Cũng không khác lắm giai đoạn cuối 2008, đầu 2009, dòng thông tin chủ đạo từ các thành viên thị trường của năm nay là sự co hẹp hoạt động, đóng cửa phòng giao dịch, giải thể chi nhánh và sự thay đổi nhân sự chủ chốt. Sự thay đổi của các vị trí nhân sự tại các công ty chứng khoán nhanh đến nỗi nhiều tấm danh thiếp không đủ cập nhật vị trí và công việc mới. Không đâu xa, ngay tháng 11 vừa qua, chúng tôi ghi nhận đã có tới 8 công ty công bố thay đổi lớn trong các vị trí tổng giám đốc và phó tổng giám đốc.

Việc đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch, thay đổi chức vụ người đứng đầu chi nhánh thì còn nhiều gấp đôi. Nhiều nhân sự quan trọng, từng kinh qua nhiều chức vụ cao nhất trong nhiều công ty, cả những người có mặt trên thị trường từ những ngày đầu tiên cũng phải chia tay với chứng khoán và giờ vẫn đang tìm khoảng lặng riêng.

Đối với các vị trí thấp hơn như trưởng phòng, phụ trách bộ phận hay nhân viên thì sự thay đổi sôi động đến mức chỉ có người trong cuộc mới biết hết. Đã có một thống kê nhân sự dựa trên báo cáo của chính các công ty chứng khoán từ đầu năm đến nay, ghi nhận mức cắt giảm lên tới hàng trăm người. Ngay cả SSI, SBS, VND... cũng nằm trong số công ty có mức độ cắt giảm hàng đầu.

Lĩnh vực chứng khoán luôn là nghề có sự xáo trộn nhân sự mạnh nhất, ngay cả lúc thị trường thăng hoa cũng như lúc thị trường ảm đạm. Không hẳn là do sức ép công việc hay sức ép chỉ tiêu lợi nhuận, đa số các vị trí chủ chốt được thông tin với cuộc “chia tay” trong hòa bình và tự nguyện. Cũng có sự ra đi là hệ quả của hoạt động thôn tính, đổi chủ. Đối với nhân viên cấp thấp, sự ràng buộc lỏng lẻo đến mức nhảy việc là điều tất yếu nếu quyền lợi và trách nhiệm không phù hợp.

Một thông tin thú vị mà không mấy người chú ý, là Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) mới đây đã thông báo tạm dừng phát hành bản tin, bắt đầu từ ngày 1/1/2012. Cùng với nhu cầu cải tiến chất lượng, một thông tin khác còn cho biết thị trường ảm đạm đã khiến lượng phát hành bản tin sụt mạnh. Trưởng bộ phận môi giới của một công ty chứng khoán còn cho biết, chỉ đạo của lãnh đạo công ty là cắt ngân sách đặt mua bản tin từ giữa năm, phần vì phải tiết kiệm, phần vì khách hàng lên sàn thưa thớt quá.

Không ồn ào như các “sao” của công ty chứng khoán, cũng có những cuộc chia tay trong lặng lẽ của nhiều nhà đầu tư kỳ cựu. Một nhà đầu tư từng cùng chiến tuyến với người viết trong thời huy hoàng 2006-2007 lẫn thời nước sôi lửa bỏng 2009, cách đây 6 tháng đã nói lời giã biệt chứng khoán. Cả gia đình dọn lên Thái Nguyên với nghề mới là xây nhà cho thuê. Vốn liếng vài tỷ đồng, khởi nghiệp mới ở Hà Nội là khó khăn, nhưng thừa cho một cuộc sống nhẹ nhàng nơi phố huyện.

Trong lúc thị trường khó khăn, dễ dàng bắt gặp những lời than thở não nề trên các diễn đàn chứng khoán. Điều lạ là có quá nhiều lời “tự bạch” thề chia tay chứng khoán, nhưng rồi lại đâu vào đó, khi thị trường khởi sắc. Phải thừa nhận rằng khó có nghề nào cuốn hút, đủ mọi cung bậc tâm lý như đầu tư chứng khoán. Có lẽ vì thế, các cuộc chia tay rồi lại tái hợp cũng là chuyện thường ngày!

 


Thiện Ý

 VnEconomy


 
 


Các cổ phiếu biến động mạnh nhất tháng 11

Ngày đăng : 04/12/2011 - 12:00 AM
Tại HoSE, những mã giảm mạnh nhất chủ yếu thuộc ngành khoáng sản và bất động sản.
 
Tại HoSE, trong tháng 11 có 43 mã tăng giá trong khi đó có 256 mã giảm.
 
Số tăng trên 10% là 7 mã và giảm trên 10% là 164 mã (14 mã giảm trên 30%).
 
Dẫn đầu top giảm giá là PTC của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện: giảm 60% từ 14.500 xuống 5.800 đồng.
 
Trước đó, cổ phiếu này đã tăng gấp rưỡi trong tháng 9 và nửa đầu tháng 10; từ 12.000 lên 19.000 đồng.
Đứng thứ 2 là KSH-Khoáng sản Hamico với mức giảm 45,8% xuống 11.000 đồng.
 
Với việc tiếp tục giảm sàn trong 2 phiên đầu tháng 12 thì cổ phiếu này hiện đã có chuỗi 9 phiên giảm sàn liên tục.
 
Ngày 20/11, KSH đã chốt quyền nhận cổ tức tỷ lệ 20% bằng tiền mặt.
 
Các mã giảm mạnh khác là KSA (-45,3%), PAC (-42,5%), BGM(41,4%), PDR (-38,7%), HQC, SJS…
 
Như vậy đa số các cổ phiếu giảm mạnh nhất tại HoSE thuộc 2 nhóm khoáng sản (KSH, KSA, BGM) và bất động sản (PDR, HQC, SJS).
 
Một mã đáng chú ý khác là VKP (Nhựa Tân Hóa) – cổ phiếu có thị giá thấp nhất thị trường.
 
Trong tháng 11, VKP giảm 35,7% từ 1.400 xuống 9.000 đồng.
 
Sau khi giảm xuống mức thấp nhất là 600 đồng vào ngày 24/11, cổ phiếu này đã có 6/7 phiên tăng trần. Kết thúc phiên ngày 2/12, thị giá VKP chốt ở mức 1.100 đồng – tức tăng gần gấp đôi so với đáy.
 
Nhiều khả năng VKP sẽ tiếp tục lỗ trong năm nay, qua đó sẽ rơi vào diện bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp.
 
Phía tăng giá, có 3 mã tăng trên 20% gồm CYC (47,6%), LGC (27,9%) và CLG (24,4%).
 
Chỉ tăng 1.000 từ 2.100 lên 3.100 đồng nhưng xét về mức tăng tương đối thì CYC-Gạch men Chang Yih lại là mã dẫn đầu.
 
CLG-CotecLand có sự kiện đáng chú ý là Tama Global Investment đã mua 2 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn nắm giữ 20% vốn của CLG.
 
Các mã tăng giá khác là CMT (17,6%), PDN (11,5%), HTL (11,4%)…
 
 
Tại HNX, trong tháng 11 chỉ có 55 mã tăng giá trong khi đó có 317 mã giảm.
 
Số tăng trên 10% là 20 mã và giảm trên 10% là 229 mã (35 mã giảm trên 30%).
 
Phía giảm giá, có 2 mã mất hơn ½ giá trị là SME (-55,3%) và LCD (-54,6%).
 
SME của chứng khoán SME giảm từ 3.800 xuống 1.700 đồng và trở thành cổ phiếu có thị giá thấp nhất tại HNX. Cổ phiếu này giảm sàn 17/22 phiên trong tháng.
 
Biến động giá PTC và SME trong 6 tháng
 
Một cổ phiếu chứng khoán khác giảm mạnh là APG-Chứng khoán An Phát, giảm 44,4% xuống 3.000 đồng.
 
Các mã giảm mạnh khác là NHA (-45,7%), OCH (-42,1%), PXA, HHL, CCM, VC2…
 
Phía tăng giá, dẫn đầu là VXB – Vật liệu xây dựng Bến Tre, tăng 48,8% từ 8.400 lên 12.500 đồng.
 
Tiếp đến là FLC (32,8%), SGC (31,4%), DNP (26,2%)…
 
Đa số những mã tăng mạnh đều là những cổ phiếu penny thanh khoản thấp.
 
Theo Quốc Thắng
TTVN

Đề nghị cần đẩy mạnh tái cấu trúc, mua bán sáp nhập các CTCK

Ngày đăng : 03/12/2011 - 12:00 AM

Theo Nhóm công tác thị trường vốn, khối CTCK Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy phải có “liều thuốc” tăng sức khỏe cho khối DN này. 

Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) khai mạc vào sáng 2/12, Nhóm công tác thị trường vốn kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ TTCK sớm vượt qua khó khăn hiện tại. Trong đó đáng chú ý là “liều thuốc” tăng sức khoẻ cho các CTCK trong bối cảnh khối DN này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một thành viên Nhóm công tác thị trường vốn cho biết, qua trực tiếp làm việc với các cấp quản lý, Nhóm và Bộ Tài chính, UBCK thống nhất đánh giá, 105 CTCK hiện tại là quá nhiều cho TTCK Việt Nam. Đáng chú ý, riêng 10 CTCK lớn đã nắm tới hơn 50% thị phần môi giới, 95 công ty chia nhau gần 50% thị phần còn lại nên không đủ để duy trì hoạt động cho các công ty này.

“Nhiều CTCK hiện tại gần như không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, thua lỗ kéo dài đến mức ăn thâm vào vốn chủ sở hữu, dẫn đến năng lực tài chính yếu kém. Điều này rất nguy hiểm cho NĐT khi mở tài khoản giao dịch tại những công ty này”, Nhóm công tác cảnh báo.

Nguyên nhân chủ yếu khiến các CTCK thua lỗ được nhận diện là do triển khai tự doanh, vay nợ và cho vay giao dịch ký quỹ (margin) quá nhiều, trong khi khả năng quản lý rủi ro kém. Để sớm khắc phục tình trạng này nhằm giảm thiểu rủi ro cho NĐT, thị trường, Nhóm công tác đề nghị Bộ Tài chính, UBCK cần đẩy mạnh tái cấu trúc, mua bán sáp nhập các CTCK. Việc này cần được tiến hành quyết liệt theo hướng gắn việc cắt giảm số lượng với việc nâng cao chất lượng và năng lực tài chính của các CTCK.

Để đạt mục tiêu trên, Nhóm công tác đưa ra gói giải pháp cụ thể, đồng thời, tin tưởng nếu Bộ Tài chính, UBCK quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp này, “sức khỏe” tài chính của các CTCK sẽ dần được nâng lên.

Nhiều giải pháp thiết thực khác nhằm hỗ trợ TTCK cũng được Nhóm công tác thị trường vốn kiến nghị Bộ Tài chính, UBCK triển khai như: sớm thực hiện giao dịch T+1, T+2; khẩn trương ban hành văn bản quy định về niêm yết tại nước ngoài, phát hành chứng chỉ lưu ký quốc tế; thành lập CTCK, quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài theo cam kết WTO.

Ngoài ra, Nhóm công tác cũng kiến nghị cần sớm ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 09/2010 về CBTT, thông tư về quy chế quản trị công ty đại chúng và sớm công bố thẻ đánh giá về quản trị công ty...

Theo đó, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra và giám sát nhằm đảm bảo quy định về quản lý tách bạch tài khoản tiền của NĐT ra khỏi tài khoản tổng của các CTCK được tuân thủ nghiêm túc, công bằng, tránh tình trạng có công ty đã thực hiện từ lâu, nhưng còn không ít công ty vẫn tìm cách trì hoãn.

Nếu vấn đề này không được thực hiện sớm và triệt để sẽ ảnh hưởng đến minh bạch tài chính của các CTCK, đồng thời, dễ phát sinh tranh chấp giữa CTCK và NĐT. Bộ Tài chính, UBCK cũng cần tăng cường kiểm tra năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro của CTCK để đảm bảo an toàn hệ thống và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NĐT.

Một kiến nghị trực diện nhằm bảo vệ NĐT trước rủi ro thất thoát tài sản khi CTCK rơi vào tình trạng phá sản, được Nhóm công tác đưa ra là cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, để ban hành quy định làm rõ trách nhiệm bồi thường của CTCK, sự đảm bảo tài sản và lợi ích hợp pháp của NĐT mở tài khoản tại CTCK trong trường hợp các công ty này phá sản, mất thanh khoản.

Nhóm công tác thị trường vốn cho rằng, việc triển khai margin cần minh bạch hơn để giảm thiểu rủi ro cho thị trường. Muốn vậy, một trong những giải pháp quan trọng mà các thành viên thị trường đã nêu, đồng thời, nhận được sự ủng hộ cao của Nhóm công tác là cơ quan quản lý cần công khai dư nợ margin đối với từng mã chứng khoán (Báo ĐTCK có loạt bài đề cập), bởi sẽ giúp NĐT đánh giá tốt hơn về mức độ rủi ro của từng loại cổ phiếu cũng như của thị trường. Cùng với đó, Bộ Tài chính, UBCK nên có thêm quy định về tỷ lệ cho vay trên vốn sở hữu của CTCK, nhằm giảm thiểu rủi ro cho không chỉ CTCK, mà cả NĐT, thị trường.

Khi công bố các giải pháp hỗ trợ TTCK mới đây, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, UBCK đang xây dựng Đề án tái cấu trúc CTCK theo hai giai đoạn từ năm 2012 - 2013 và 2013 - 2015. Trên thực tế, quá trình tái cấu trúc CTCK đã được khởi động thông qua các biện pháp cụ thể: chia thành 3 nhóm CTCK có sức khoẻ tài chính khác nhau để có biện pháp giám sát chặt, xem xét rút nghiệp vụ môi giới các CTCK không đảm bảo an toàn tài chính…

Sau ngày 1/4/2012, khi Thông tư 226/2011 có hiệu lực toàn diện, trao cho cơ quan quản lý nhiều công cụ mạnh để xử lý các CTCK không đảm bảo an toàn tài chính, thị trường kỳ vọng sẽ chứng kiến các CTCK thực sự khoẻ lên.
 


Theo Hữu Hòe

Đầu tư chứng khoán

 


 

Tin mới cập nhật