Đề nghị cần đẩy mạnh tái cấu trúc, mua bán sáp nhập các CTCK

Ngày đăng : 03/12/2011 - 12:00 AM

Theo Nhóm công tác thị trường vốn, khối CTCK Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy phải có “liều thuốc” tăng sức khỏe cho khối DN này. 

Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) khai mạc vào sáng 2/12, Nhóm công tác thị trường vốn kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ TTCK sớm vượt qua khó khăn hiện tại. Trong đó đáng chú ý là “liều thuốc” tăng sức khoẻ cho các CTCK trong bối cảnh khối DN này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một thành viên Nhóm công tác thị trường vốn cho biết, qua trực tiếp làm việc với các cấp quản lý, Nhóm và Bộ Tài chính, UBCK thống nhất đánh giá, 105 CTCK hiện tại là quá nhiều cho TTCK Việt Nam. Đáng chú ý, riêng 10 CTCK lớn đã nắm tới hơn 50% thị phần môi giới, 95 công ty chia nhau gần 50% thị phần còn lại nên không đủ để duy trì hoạt động cho các công ty này.

“Nhiều CTCK hiện tại gần như không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, thua lỗ kéo dài đến mức ăn thâm vào vốn chủ sở hữu, dẫn đến năng lực tài chính yếu kém. Điều này rất nguy hiểm cho NĐT khi mở tài khoản giao dịch tại những công ty này”, Nhóm công tác cảnh báo.

Nguyên nhân chủ yếu khiến các CTCK thua lỗ được nhận diện là do triển khai tự doanh, vay nợ và cho vay giao dịch ký quỹ (margin) quá nhiều, trong khi khả năng quản lý rủi ro kém. Để sớm khắc phục tình trạng này nhằm giảm thiểu rủi ro cho NĐT, thị trường, Nhóm công tác đề nghị Bộ Tài chính, UBCK cần đẩy mạnh tái cấu trúc, mua bán sáp nhập các CTCK. Việc này cần được tiến hành quyết liệt theo hướng gắn việc cắt giảm số lượng với việc nâng cao chất lượng và năng lực tài chính của các CTCK.

Để đạt mục tiêu trên, Nhóm công tác đưa ra gói giải pháp cụ thể, đồng thời, tin tưởng nếu Bộ Tài chính, UBCK quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp này, “sức khỏe” tài chính của các CTCK sẽ dần được nâng lên.

Nhiều giải pháp thiết thực khác nhằm hỗ trợ TTCK cũng được Nhóm công tác thị trường vốn kiến nghị Bộ Tài chính, UBCK triển khai như: sớm thực hiện giao dịch T+1, T+2; khẩn trương ban hành văn bản quy định về niêm yết tại nước ngoài, phát hành chứng chỉ lưu ký quốc tế; thành lập CTCK, quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài theo cam kết WTO.

Ngoài ra, Nhóm công tác cũng kiến nghị cần sớm ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 09/2010 về CBTT, thông tư về quy chế quản trị công ty đại chúng và sớm công bố thẻ đánh giá về quản trị công ty...

Theo đó, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra và giám sát nhằm đảm bảo quy định về quản lý tách bạch tài khoản tiền của NĐT ra khỏi tài khoản tổng của các CTCK được tuân thủ nghiêm túc, công bằng, tránh tình trạng có công ty đã thực hiện từ lâu, nhưng còn không ít công ty vẫn tìm cách trì hoãn.

Nếu vấn đề này không được thực hiện sớm và triệt để sẽ ảnh hưởng đến minh bạch tài chính của các CTCK, đồng thời, dễ phát sinh tranh chấp giữa CTCK và NĐT. Bộ Tài chính, UBCK cũng cần tăng cường kiểm tra năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro của CTCK để đảm bảo an toàn hệ thống và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NĐT.

Một kiến nghị trực diện nhằm bảo vệ NĐT trước rủi ro thất thoát tài sản khi CTCK rơi vào tình trạng phá sản, được Nhóm công tác đưa ra là cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, để ban hành quy định làm rõ trách nhiệm bồi thường của CTCK, sự đảm bảo tài sản và lợi ích hợp pháp của NĐT mở tài khoản tại CTCK trong trường hợp các công ty này phá sản, mất thanh khoản.

Nhóm công tác thị trường vốn cho rằng, việc triển khai margin cần minh bạch hơn để giảm thiểu rủi ro cho thị trường. Muốn vậy, một trong những giải pháp quan trọng mà các thành viên thị trường đã nêu, đồng thời, nhận được sự ủng hộ cao của Nhóm công tác là cơ quan quản lý cần công khai dư nợ margin đối với từng mã chứng khoán (Báo ĐTCK có loạt bài đề cập), bởi sẽ giúp NĐT đánh giá tốt hơn về mức độ rủi ro của từng loại cổ phiếu cũng như của thị trường. Cùng với đó, Bộ Tài chính, UBCK nên có thêm quy định về tỷ lệ cho vay trên vốn sở hữu của CTCK, nhằm giảm thiểu rủi ro cho không chỉ CTCK, mà cả NĐT, thị trường.

Khi công bố các giải pháp hỗ trợ TTCK mới đây, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, UBCK đang xây dựng Đề án tái cấu trúc CTCK theo hai giai đoạn từ năm 2012 - 2013 và 2013 - 2015. Trên thực tế, quá trình tái cấu trúc CTCK đã được khởi động thông qua các biện pháp cụ thể: chia thành 3 nhóm CTCK có sức khoẻ tài chính khác nhau để có biện pháp giám sát chặt, xem xét rút nghiệp vụ môi giới các CTCK không đảm bảo an toàn tài chính…

Sau ngày 1/4/2012, khi Thông tư 226/2011 có hiệu lực toàn diện, trao cho cơ quan quản lý nhiều công cụ mạnh để xử lý các CTCK không đảm bảo an toàn tài chính, thị trường kỳ vọng sẽ chứng kiến các CTCK thực sự khoẻ lên.
 


Theo Hữu Hòe

Đầu tư chứng khoán

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Haverstock có thực sự muốn mua cổ phiếu THV?

Ngày đăng : 02/12/2011 - 12:00 AM

Cách mua của Quỹ Haverstock trong cam kết mua cổ phiếu THV khiến nhiều NĐT nghi ngờ, liệu quỹ này có thực sự muốn đổ tiền vào THV hay chỉ công bố với mục đích làm giá cổ phiếu THV?

 


Ngày 30/11/2011, Tập đoàn Thái Hòa (mã THV) công bố thông tin trên báo chí về việc sau 4 tháng đàm phán, THV vừa ký thành công hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của Mỹ là Quỹ đầu tư Haverstock Master Fund, với tổng trị giá 15 triệu USD, tương đương 320 tỷ đồng. Trong thời điểm thị trường ảm đạm như hiện nay, thông tin này là một điểm sáng rất đáng chú ý. Ngay trong phiên giao dịch ngày 30/11, cổ phiếu THV được đẩy lên giá trần với dư mua 750.000 cổ phiếu.

Nếu thương vụ trên được tiến hành suôn sẻ sẽ mở ra một cánh cửa mới cho Thái Hòa. Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện này, còn rất nhiều điểm chưa thực sự rõ ràng, đang rất cần THV và các cơ quan liên quan làm sáng tỏ. ĐTCK xin giới thiệu bài viết của tác giả Hải Vy về những điểm chưa rõ ràng này.

Nghi vấn về phương thức bán cổ phiếu THV cho quỹ ngoại

Có hai giả định về thời gian Thái Hòa tiếp xúc và đàm phán với đối tác nước ngoài: trước và sau thời điểm quyết định phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Trong trường hợp thứ nhất, nếu đã tiếp xúc với đối tác nước ngoài thì tại sao Thái Hòa lại chọn thời điểm phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (2 tuần đầu tháng 10) với mức giá 10.000 đồng/CP trong khi thời điểm đó, thị giá chỉ còn hơn 6.000 đồng/CP?

Theo báo cáo tài chính quý III/2011 của Công ty, nợ ngắn hạn lên tới 1.450 tỷ đồng, nợ dài hạn 167 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 550 tỷ đồng và Công ty liên tục lỗ. Cùng với nhiều tin đồn liên quan tới các khoản nợ quá hạn lớn không được ngân hàng đồng ý đảo nợ của THV thì dường như đây là sự lựa chọn "còn nước còn tát", nếu không, về cơ bản Công ty không còn thanh khoản.

Như công bố thông tin mới nhất của THV thì đối tác nước ngoài đồng ý mua lại cổ phần từ cổ đông lớn bằng phương thức thỏa thuận, còn cổ đông lớn của Công ty, theo tuyên bố của Chủ tịch Tập đoàn Thái Hòa, là "HĐQT sẽ thực hiện mua lại toàn bộ số cổ phiếu mà NĐT từ chối mua trong đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, việc mua lại này nhằm mục đích bán lại cho một nhà đầu tư tổ chức của Mỹ là Quỹ Haverstock Master".

Với cách thông tin này, giả định Thái Hòa đã thương thảo và ký kết các thỏa thuận sơ bộ với Haverstock Master Fund trước khi quyết định phát hành cho cổ đông hiện hữu gần như khó có thể xảy ra, vì đơn giản là Công ty có thể phát hành trực tiếp cho đối tác chiến lược này mà không cần phải đi qua đường vòng như hiện nay.

Trường hợp thứ hai, có khả năng xảy ra nhiều hơn, đó là Công ty mới tiếp xúc và đạt được các thỏa thuận với Haverstock Master Fund trong nửa cuối tháng 10 và tháng 11.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là với một quỹ đầu tư chuyên nghiệp của Mỹ chưa từng đầu tư vào Việt Nam, tại sao có thể thẩm định và quyết định giải ngân nhanh như vậy, nhất là đầu tư vào một doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như THV?

Một quy trình thẩm định của quỹ đầu tư nước ngoài mất ít nhất từ 4 tháng - 1 năm, nên việc Thái Hòa bất ngờ công bố sẽ có cổ đông chiến lược đầu tư 15 triệu USD với mức giá 'không được tiết lộ' sau khi chào bán không thành công cho cổ đông hiện hữu là một thông tin gây sốc không chỉ với nhà đầu tư, mà với tất cả những người làm trong ngành quản lý quỹ.

Bất kỳ quỹ đầu tư nào khi giải ngân đều đi kèm với điều khoản rất chặt chẽ và các bước giải ngân có điều kiện để đảm bảo tỷ suất lợi nhuận đủ cao để bù đắp cho các rủi ro, chứ không thể đơn giản chỉ "chuyển tiền và nhận cổ phiếu". Vì thế, hiện có nhiều nghi vấn cho rằng, có thể mức 15 triệu USD chỉ là cam kết dài hạn nếu một số điều kiện xảy ra.

Thực tế, các điều khoản đó như thế nào và mỗi lần giải ngân bao nhiêu thì không được công bố. Điều này hàm chứa nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân khi không hiểu đúng bản chất của khoản đầu tư, có thể trở thành nạn nhân của các bull-trap giá cổ phiếu.

Nghi vấn về lượng cổ phiếu sẽ mua và giá mua

Tạm không bàn tiếp chuyện một quỹ đầu tư chọn cách mua cổ phiếu từ cổ đông lớn, thay vì mua từ cổ phiếu phát hành thêm để toàn bộ tiền mặt vào công ty, thì cũng còn một số điểm đáng quan tâm khác trong thương vụ này:

Thứ nhất, với mức giá giả định trung bình nhà đầu tư này mua là 5.000 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 30/11 là 3.900 đồng/CP) thì với 320 tỷ đồng có thể mua được tới 64 triệu cổ phiếu, hơn cả tổng số cổ phiếu phát hành thêm và hơn 49% vốn của Công ty - đây là điều phi lý.

Thứ hai, nếu giả định nhà đầu tư đồng ý mua với giá 10.000 đồng/CP thì câu hỏi phát sinh là: với thanh khoản trung bình 600.000-700.000 CP/ngày, Quỹ hoàn toàn mua được cổ phiếu THV trên thị trường niêm yết khối lượng lớn, thay vì bỏ tiền mua theo cách thỏa thuận với giá cao hơn 60% so với thị giá trong thời điểm thị trường không tích cực, hoạt động kinh doanh của Công ty có nhiều khó khăn? Hơn nữa, Quỹ đầu tư, mà cụ thể là Haverstock Master Fund - chẳng lẽ lại chấp nhận tình trạng để cổ đông mua từ thị trường giá 3.900 đồng/CP và bán lại cho Quỹ với giá 10.000 đồng/CP?

Thứ ba, nhìn vào lịch sử và cách thức giao dịch của Quỹ Haverstock Master Fund thì thấy, đây là một quỹ đầu tư mạo hiểm; không bao giờ quỹ lại mua một tài sản rủi ro (distressed asset) với giá cao hơn giá thị trường; không những thế chiết khấu còn tới 30 - 50% nên việc đồng ý mua lại cổ phiếu THV với giá 10.000 đồng/CP từ cổ đông lớn hoàn toàn không phù hợp với phương thức đầu tư của Quỹ.

Thứ tư, nếu Quỹ mua với giá thấp hơn 10.000 đồng/CP thì lý do gì cổ đông lớn (HĐQT) của Thái Hòa mua phần chưa phát hành hết với giá 10.000 đồng/CP để sau đó lại bán lại với giá thấp hơn  cho Quỹ và bỏ tiền túi ra chịu lỗ, thay vì cho Công ty trực tiếp vay tiền?

Xem ra giá trị khoản đầu tư, giá và khối lượng thực sự mua cùng với dòng tiền vào THV là bao nhiêu và có 'cứu' được cơ cấu tài chính của Công ty hay không là một dấu hỏi lớn. Lợi ích thực sự sẽ vào THV hay sẽ vào cổ đông lớn và Haverstock Master Fund nếu nhà đầu tư đại chúng tham gia vào cuộc đua giá trần này?

Haverstock Master Fund - lịch sử hoạt động có nhiều vấn đề

Theo các thông tin đăng tải về Quỹ Haverstock Master Fund thì có rất nhiều điều đáng bàn. Ông chủ của Quỹ là Ribotsky quản lý hơn 600 triệu USD, từng có liên quan đến nhiều vụ kiện về chiếm đoạt một công ty tư vấn và các khoản 'xù nợ'. Quan trọng hơn, theo thống kê của PlacementTracker, thì các cổ phiếu do Quỹ đầu tư đều giảm giá trung bình 54% sau một năm quỹ này đầu tư, do cách Ribotsky thực hiện là thỏa thuận mua giá cổ phiếu với mức chiết khấu cao so với giá thị trường, nên giá càng xuống Ribotsky càng nhận được nhiều cổ phiếu và ngay khi mua xong sẽ chọn thời điểm để bán ra thu về lợi nhuận, gây thiệt hại lớn cho các cổ đông khác.

Theo các thông tin quốc tế, mức giá Haverstock Master Fund thường đồng ý mua sẽ được tính bằng giá giao dịch trung bình trong một số phiên với chiết khấu một khoảng đủ lớn tới vài chục phần trăm và không cố định. Có nghĩa là chủ doanh nghiệp muốn bán giá cao thì trước hết cũng phải 'đẩy' giá cổ phiếu lên. Sau khi nhận được cổ phiếu, Haverstock Master Fund sẽ ngay lập tức bán ra thu lời và giá cổ phiếu lại xuống.

Ví dụ, các khoản đầu tư của Haverstock Master Fund tại thị trường Mỹ cho thấy, mỗi lần giải ngân của Quỹ khá nhỏ, có khi chỉ vài trăm ngàn hay một vài triệu USD, nên kể cả khi cam kết mức giải ngân lớn thì cũng chia thành nhiều giai đoạn và ít khi dùng tới.

Haverstock Master Fund liên quan tới nhiều vụ kiện từ cả cổ đông nhỏ và chủ doanh nghiệp 'kết tội' Quỹ đã 'lừa' phá hủy doanh nghiệp của họ với cách làm trên. Về mặt pháp lý, hiện nay Ủy ban Chứng khoán Mỹ vẫn chưa có các bằng chứng đủ thuyết phục về những phi vụ này, nhưng về mặt đạo đức kinh doanh thì cách đầu tư như trên đang là chủ đề bị phê phán gay gắt từ phía cộng đồng đầu tư và giới truyền thông.

Là một quỹ đầu tư mạo hiểm, không có chuyện Haverstock Master Fund sẽ cam kết đầu tư lâu dài, hay sẽ mua giá cao hơn giá thị trường đang giao dịch.

Việc THV công bố thông tin về thương vụ đàm phán bán cổ phần cho Haverstock Master Fund - một quỹ đầu tư có nhiều điểm đáng ngờ - là rất đáng quan tâm với cả hai đối tượng: các cổ đông đại chúng và chính lãnh đạo DN này.

Về phía cổ đông đại chúng, việc chỉ được tiếp nhận những thông tin hạn chế về vụ việc này có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quyết định mua/bán của họ trong hiện tại. Với lãnh đạo DN, một mặt, cần chú ý hơn đến đối tác ngoại này, mặt khác, cần chia sẻ thông tin chi tiết hơn về thương vụ để thị trường tránh hiểu sai về mục đích và bản chất thật sự của các thông tin đang được công bố 'nhỏ giọt', tránh bào mòn dần niềm tin của nhà đầu tư như câu chuyện của Dược Viễn Đông, có thể lại một lần nữa ảnh hưởng tới niềm tin của cả thị trường, vốn rất mong manh, nhạy cảm.

 

Theo Hải Vy - Đầu tư Chứng khoán




 


Chứng khoán Thăng Long thay Tổng giám đốc

Ngày đăng : 02/12/2011 - 12:00 AM

Dù Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) chưa công bố chính thức, nhưng việc thay đổi Tổng giám đốc coi như đã ngã ngũ.

 


Theo đó, ông Lưu Trung Thái (trước đó là Phó tổng giám đốc MB) sẽ thay ông Lê Đình Ngọc làm Tổng giám đốc của TLS.

Trong bức thư từ biệt với vai trò tổng giám đốc, ông Lê Đình Ngọc - người có 13 năm làm việc cho MB Group, 11 năm cho Thăng Long - chia sẻ “Thay thế tôi là một người tốt nhất cho Thăng Long vào lúc này, và cá nhân tôi vẫn tin đó là một quyết định đúng đắn và hợp lý”.

Ông Ngọc cũng không quên động viên “các bạn hãy sát cánh bên nhau, ủng hộ những người điều hành mới, để đưa Thăng Long quay trở lại quỹ đạo hoạt động bình thường và đúng với vị trí của mình”.

Gia nhập MB từ năm 1997, ông Lưu Trung Thái - tốt nghiệp cử nhân Học viện Ngân hàng, cử nhân Luật, MBA Đại học Hawaii (USA) - từng phụ trách phòng Tín dụng Hội sở, Giám đốc chi nhánh Đà Nẵng - Phụ trách khu vực miền Trung, Giám đốc Nhân sự… Ông Thái được coi là người đặt nền móng phát triển MB tại khu vực miền Trung. Được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng giám đốc từ tháng 4-2008, ông Thái phụ trách khối Khách hàng cá nhân của MB. Và nay sang điều hành TLS.

Ngày 9/12 tới, TLS sẽ họp Đại hội đồng cổ đông tại tầng 7 tòa nhà Thăng Long, 98 Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội.

Nội dung đại hội bao gồm: Thay đổi thành viên Hội đồng quản trị; Thay đổi thành viên Ban Kiểm soát; Sửa đổi Điều lệ Công ty; Các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

 

DC - NDHMoney

 


Chứng khoán ngày 2/12: Tiền đang chờ tin tốt

Ngày đăng : 02/12/2011 - 12:00 AM

Những định hướng của Chính phủ hôm qua có lẽ đã khích lệ đáng kể tinh thần nhà đầu tư. Dòng tiền giải ngân mạnh hơn.

 

                                                   

Về điểm số và diễn biến giá, khó có thể mong chờ biểu hiện tích cực hơn trong bối cảnh dòng tiền hạn chế như hiện tại. Dù sao thì độ rộng cũng chuyển biến rất tốt và không có nhiều hiện tượng tăng nóng. Đặc biệt nhóm blue-chip của hai sàn được nâng đỡ một cách từ tốn.

Cả HNX lẫn HSX hôm nay đều chứng kiến số mã đóng cửa ở mức cao nhất tăng lên đỉnh điểm trong vòng một tháng trở lại đây, kể từ phiên bull-trap ngày 28/10. Dao động giá phổ biến là giảm trước tăng sau, nhất là những phút cuối ngày. Nếu thanh khoản khá hơn chút nữa, có thể xem hôm nay là một phiên giao dịch rất tích cực.

Thông tin về khả năng giảm lãi suất (dù chưa biết là giảm lãi suất nào, huy động hay cho vay) liên tục được làm mới, tạo hứng thú cho thị trường. Chiều qua Chính phủ lại nhắc lại định hướng giảm mặt bằng lãi suất căn cứ trên diễn biến lạm phát đang hạ nhiệt.

Tuy nhiên đứng trên phương diện dòng tiền, mức độ hưng phấn của người mua là có, nhưng tiền vào vẫn dè dặt. Tổng tiền vào qua các giao dịch khớp lệnh ở hai sàn đạt 466,6 tỷ đồng, trong đó HSX đạt 279,2 tỷ đồng. Cơ bản thì quy mô này đã tăng gần 13% so với hôm qua, nhưng cũng chỉ nhỉnh hơn bình quân 5 phiên trong tuần có 1,3%.

Tại sao tiền chưa bộc lộ sự tham lam một cách rõ nét hơn? Bình quân tuần tuần này lượng vốn vào chỉ khoảng 460 tỷ đồng mỗi ngày. Đây là tuần thứ hai liên tục dòng tiền vào bình quân ở dưới ngưỡng 500 tỷ đồng. Một sự suy sụp kéo dài khá lâu. Cũng nên gợi nhớ lại rằng hồi tháng 7 vừa qua, cả hai sàn có tới 4 tuần liên tục khớp lệnh dưới mức 500 tỷ.

Người cầm tiền vẫn có lý do để cẩn trọng. Tùy mức độ chịu đựng rủi ro mà có thể họ đã giải ngân một phần, hoặc tiếp tục quan sát. Hiện tại nhà đầu tư đang rất kỳ vọng về cơ hội giảm lãi suất mà có lẽ là lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động vì vấn đề lúc này là doanh nghiệp cần vốn.

Trong khi đó, ép lãi suất huy động xuống thấp hơn chỉ có cách duy nhất là dùng mệnh lệnh hành chính. Đã là mệnh lệnh hành chính thì không phản ánh đúng quan hệ cung cầu vốn. Từ việc hạ lãi suất huy động đến hạ lãi suất cho vay là chuyện không dễ. Đây cũng không hẳn là mối quan hệ liên thông. Ngay chính cơ quan quản lý cũng chưa có động thái cụ thể nào về việc sẽ điều chỉnh chính sách lãi suất theo hướng nào.

Thị trường đang chờ đợi một động thái quyết định cụ thể. Dòng tiền vẫn dè dặt là điều bình thường. Người bán trong bối cảnh như vậy cũng hạn chế bán rẻ. Người chấp nhận rủi ro, sẵn sàng đi trước thị trường có thể dễ dãi hơn trong việc nâng giá. Các dao động hôm nay vẫn trong trạng thái bình thường và không có gì quá đặc biệt trên cơ sở thông tin hỗ trợ.

Nhóm blue-chip trên cả hai sàn hôm nay đều tỏ ra mạnh vượt trội. Bình quân 40 mã vốn hóa lớn nhất HSX tăng 1,2%, là đầu tàu chủ đạo lôi kéo VN-Index. HNX cũng ghi nhận PVS, VCG, PVX, KLS, VND… tăng khá tốt.

Có một điểm chung là đà tăng trở nên rõ rệt vào lúc cuối phiên, với HSX là khoảng thời gian khớp lệnh đóng cửa và HNX là 30 phút cuối. VN-Index nhảy hơn 2 điểm trong nhịp cuối và HNX-Index gần như dựng đứng. SSI, VIC, HAG, MSN, OGC đều tăng giá so với cuối đợt hai góp phần đẩy chỉ số. KLS, VND, VCG, PVX cũng được mua kéo giá lên rất tốt. Đà tăng tuy không thực sự mạnh nhưng vẫn là biến chuyển mang tính khác biệt.

Xét về bối cảnh, đây là thời điểm khá thuận lợi cho việc đẩy thị trường lên vì “cửa” có tin tốt rõ ràng là lớn hơn tin xấu. Dĩ nhiên điều này cần lượng vốn không nhỏ. Có lẽ người mua vẫn cần những thông tin hỗ trợ đủ mạnh để quyết định dứt khoát. Sự kích thích cần đến đúng lúc trước khi niềm hưng phấn bị xẹp xuống.

 

VnEconomy.vn

 


Lạc quan không bền, Phố Wall lại trồi sụt

Ngày đăng : 02/12/2011 - 12:00 AM

Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cho kết quả trái chiều, nhưng biên độ tăng giảm không đáng kể. Giới đầu tư sau một phiên tràn trề hưng phấn lại quay về với trạng thái bất an vốn dĩ đã đeo bám thị trường suốt mấy tháng nay.

 


                       

 

Cụ thể, chốt ngày giao dịch 1/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 25,65 điểm, tương ứng 0,21%, xuống 12.020,03 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 2,37 điểm, tương ứng 0,19%, xuống 1.244,59 điểm. Ngược dòng, Nasdaq Composite tiến 5,86 điểm, tương ứng 0,22%, lên 2.626,20 điểm.

Khối lượng giao dịch trở lại mức thấp vài ngày qua, với 6,8 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, dưới mức giao dịch trung bình hàng ngày 7,97 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Tỷ lệ mã giảm/ tăng ở sàn New York là 3/2, Nasdaq là 7/4.

Phiên hôm qua, ban đầu thị trường đi lên khá mạnh sau khi Viện Quản lý nguồn cung công bố chỉ số sản xuất tháng 11 tăng lên 52,7% từ 50,8% trong tháng 10, đánh dấu tháng đi lên thứ 28 liên tiếp và đồng thời vượt dự báo của giới phân tích. Lý do là nhờ đơn đặt hàng tăng mạnh.

Tuy nhiên, thị trường mất đà sau khi đón nhận một báo cáo cho biết số người lần đầu xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc hôm 26/11 đã tăng thêm 6.000 lên 402.000 người. Hiện giới đầu cơ đang quan sát chặt bản báo cáo việc làm tháng 11 của Mỹ sẽ được công bố đêm nay.

Trong khi đó, khu vực châu Âu cũng mới dừng ở các tuyên bố hay lời kêu gọi của giới chức chính trị về việc tăng cường đoàn kết và hiệp thông tài chính, để đảm bảo việc thực hiện chính xác các quy định về tỷ lệ thâm hụt ngân sách. Hiện nhà đầu tư đang chờ đợi những biện pháp cụ thể.

Tương tự như thị trường Mỹ, các sàn châu Âu đổ dốc nhẹ sau một phiên tăng tốc mạnh mẽ. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm nhẹ 0,29% xuống còn 5.489,34 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,78% xuống mức 3.129,95 điểm. Chỉ số DAX của Đức trượt 0,87% xuống còn 6.035,88 điểm.

Trong khi đó, nhờ hiệu ứng từ phiên đi lên hơn 4% của khu vực Mỹ và châu Âu ngày 30/11, các sàn châu Á - Thái Bình Dương có phiên khởi sắc không ngờ. Dẫn đầu ở châu Á là thị trường Hồng Kông, với chỉ số Hang Seng tăng trên 1.000 điểm, tương ứng 5,63%, lên 19.002,30 điểm.

 

Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%)
Mỹ Dow Jones 12.045,70 12.020,00 Down25,65 Down0,21
S&P 500 1.246,96 1.244,58 Down2,38 Down0,19
Nasdaq 2.620,34 2.626,20 Up5,86 Up0,22
Anh FTSE 100 5.505,42 5.489,34 Down16,08 Down0,29
Pháp CAC 40 3.154,62 3.129,95 Down24,67 Down0,78
Đức DAX 6.088,84 6.035,88 Down52,96 Down0,87
Nhật Bản Nikkei 225 8.434,61 8.597,38 Up162,77 Up1,93
Hồng Kông Hang Seng 17.989,30 19.002,30 Up1.012,91 Up5,63
Trung Quốc Shanghai Composite 2.333,41 2.386,86 Up53,45 Up2,29
Đài Loan Taiwan Weighted 6.904,12 7.178,69 Up274,57 Up3,98
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.847,51 1.916,18 Up68,67 Up3,72
Singapore Straits Times 2.702,46 2.761,88 Up59,42 Up2,20
Nguồn: CNBC, Market Watch.

 

cafef.vn


BIDV được định giá hơn 381,3 nghìn tỷ đồng

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM

Ngày 1/12/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 2589/QĐ-NHNN về việc công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).


                                    

Theo đó, giá trị doanh nghiệp tại ngày 31/12/2010 của BIDV để cổ phần hoá như sau:

Giá trị doanh nghiệp theo sổ sách đã được kiểm toán là 363.094.906 triệu đồng. Trong đó, giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 22.036.078 triệu đồng.

Giá trị doanh nghiệp theo định giá đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán là 381.317.000 triệu đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 40.259.000 triệu đồng.

Trong quyết định này cũng nêu rõ, BIDV không thực hiện điều chỉnh lại sổ sách kế toán theo giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đánh giá lại.

Việc xác định giá trị doanh nghiệp BIDV được thực hiện bởi tổ chức tư vấn quốc tế Morgan Stanley theo 4 phương pháp: chiết khấu dòng tiền (DCF), phương pháp so sánh doanh nghiệp tương đồng; phương pháp so sánh giao dịch tiền lệ và phương pháp tài sản NAV (trong đó nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần Định giá và dịch vụ TC VN - VVFC thực hiện theo phương pháp NAV).

Thực hiện theo quy định của Nghị định 59/2011/NĐ-CP, kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý tài chính trước cổ phần hóa phải được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 784/NHNN-TTGSNH.m ngày 13/10/2011 đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của BIDV, ngày 20/10/2011, Kiểm toán Nhà nước chính thức tiến hành kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của ngân hàng này.

Ngày 25/11/2011, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa tại BIDV. Trong báo cáo, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp BIDV do tư vấn thực hiện tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan của nhà nước trong quá trình xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; đồng thời đảm bảo tính trung thực, hợp lý của kết quả định giá.

Cuối chiều 1/12, BIDV cũng đã tổ chức họp báo công bố thông tin này theo lộ trình thực hiện cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

VnEconomy.vn

 


 

Tin mới cập nhật