Lạc quan không bền, Phố Wall lại trồi sụt

Ngày đăng : 02/12/2011 - 12:00 AM

Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cho kết quả trái chiều, nhưng biên độ tăng giảm không đáng kể. Giới đầu tư sau một phiên tràn trề hưng phấn lại quay về với trạng thái bất an vốn dĩ đã đeo bám thị trường suốt mấy tháng nay.

 


                       

 

Cụ thể, chốt ngày giao dịch 1/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 25,65 điểm, tương ứng 0,21%, xuống 12.020,03 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 2,37 điểm, tương ứng 0,19%, xuống 1.244,59 điểm. Ngược dòng, Nasdaq Composite tiến 5,86 điểm, tương ứng 0,22%, lên 2.626,20 điểm.

Khối lượng giao dịch trở lại mức thấp vài ngày qua, với 6,8 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, dưới mức giao dịch trung bình hàng ngày 7,97 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Tỷ lệ mã giảm/ tăng ở sàn New York là 3/2, Nasdaq là 7/4.

Phiên hôm qua, ban đầu thị trường đi lên khá mạnh sau khi Viện Quản lý nguồn cung công bố chỉ số sản xuất tháng 11 tăng lên 52,7% từ 50,8% trong tháng 10, đánh dấu tháng đi lên thứ 28 liên tiếp và đồng thời vượt dự báo của giới phân tích. Lý do là nhờ đơn đặt hàng tăng mạnh.

Tuy nhiên, thị trường mất đà sau khi đón nhận một báo cáo cho biết số người lần đầu xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc hôm 26/11 đã tăng thêm 6.000 lên 402.000 người. Hiện giới đầu cơ đang quan sát chặt bản báo cáo việc làm tháng 11 của Mỹ sẽ được công bố đêm nay.

Trong khi đó, khu vực châu Âu cũng mới dừng ở các tuyên bố hay lời kêu gọi của giới chức chính trị về việc tăng cường đoàn kết và hiệp thông tài chính, để đảm bảo việc thực hiện chính xác các quy định về tỷ lệ thâm hụt ngân sách. Hiện nhà đầu tư đang chờ đợi những biện pháp cụ thể.

Tương tự như thị trường Mỹ, các sàn châu Âu đổ dốc nhẹ sau một phiên tăng tốc mạnh mẽ. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm nhẹ 0,29% xuống còn 5.489,34 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,78% xuống mức 3.129,95 điểm. Chỉ số DAX của Đức trượt 0,87% xuống còn 6.035,88 điểm.

Trong khi đó, nhờ hiệu ứng từ phiên đi lên hơn 4% của khu vực Mỹ và châu Âu ngày 30/11, các sàn châu Á - Thái Bình Dương có phiên khởi sắc không ngờ. Dẫn đầu ở châu Á là thị trường Hồng Kông, với chỉ số Hang Seng tăng trên 1.000 điểm, tương ứng 5,63%, lên 19.002,30 điểm.

 

Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%)
Mỹ Dow Jones 12.045,70 12.020,00 Down25,65 Down0,21
S&P 500 1.246,96 1.244,58 Down2,38 Down0,19
Nasdaq 2.620,34 2.626,20 Up5,86 Up0,22
Anh FTSE 100 5.505,42 5.489,34 Down16,08 Down0,29
Pháp CAC 40 3.154,62 3.129,95 Down24,67 Down0,78
Đức DAX 6.088,84 6.035,88 Down52,96 Down0,87
Nhật Bản Nikkei 225 8.434,61 8.597,38 Up162,77 Up1,93
Hồng Kông Hang Seng 17.989,30 19.002,30 Up1.012,91 Up5,63
Trung Quốc Shanghai Composite 2.333,41 2.386,86 Up53,45 Up2,29
Đài Loan Taiwan Weighted 6.904,12 7.178,69 Up274,57 Up3,98
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.847,51 1.916,18 Up68,67 Up3,72
Singapore Straits Times 2.702,46 2.761,88 Up59,42 Up2,20
Nguồn: CNBC, Market Watch.

 

cafef.vn

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

BIDV được định giá hơn 381,3 nghìn tỷ đồng

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM

Ngày 1/12/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 2589/QĐ-NHNN về việc công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).


                                    

Theo đó, giá trị doanh nghiệp tại ngày 31/12/2010 của BIDV để cổ phần hoá như sau:

Giá trị doanh nghiệp theo sổ sách đã được kiểm toán là 363.094.906 triệu đồng. Trong đó, giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 22.036.078 triệu đồng.

Giá trị doanh nghiệp theo định giá đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán là 381.317.000 triệu đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 40.259.000 triệu đồng.

Trong quyết định này cũng nêu rõ, BIDV không thực hiện điều chỉnh lại sổ sách kế toán theo giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đánh giá lại.

Việc xác định giá trị doanh nghiệp BIDV được thực hiện bởi tổ chức tư vấn quốc tế Morgan Stanley theo 4 phương pháp: chiết khấu dòng tiền (DCF), phương pháp so sánh doanh nghiệp tương đồng; phương pháp so sánh giao dịch tiền lệ và phương pháp tài sản NAV (trong đó nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần Định giá và dịch vụ TC VN - VVFC thực hiện theo phương pháp NAV).

Thực hiện theo quy định của Nghị định 59/2011/NĐ-CP, kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý tài chính trước cổ phần hóa phải được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 784/NHNN-TTGSNH.m ngày 13/10/2011 đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của BIDV, ngày 20/10/2011, Kiểm toán Nhà nước chính thức tiến hành kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của ngân hàng này.

Ngày 25/11/2011, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa tại BIDV. Trong báo cáo, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp BIDV do tư vấn thực hiện tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan của nhà nước trong quá trình xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; đồng thời đảm bảo tính trung thực, hợp lý của kết quả định giá.

Cuối chiều 1/12, BIDV cũng đã tổ chức họp báo công bố thông tin này theo lộ trình thực hiện cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

VnEconomy.vn

 


Lạ lùng cổ phiếu thị giá nhỏ, hai sàn tăng giảm trái chiều

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM

ORS dư bán sàn hơn 1 triệu đơn vị, THV tăng trần, PTC giảm 23 phiên liên tiếp. VN-Index giữ được mốc 380 điểm đến cuối phiên.

 
Đóng cửa phiên giao dịch sáng nay (1/12), Vn-Index giảm nhẹ 0,59 điểm xuống 380,1 điểm (-0,15%). Thị trường đã có sự hồi phục nhẹ vào cuối phiên sau khi MSN giảm 3.000 đồng/cp thay vì giảm sàn trước đó.
 
Một số bluechips đã hồi phục nhẹ như SSI, FPT tăng 100 đồng, MBB tăng 200 đồng, STB, VCB, VNM, VPL, BVH đứng giá, CTG có thời điểm giảm sàn xuống 18.900 đồng/cp, tuy nhiên đóng cửa giảm 700 đồng xuống 19.100 đồng/cp.
 
Đáng chú ý, VKP sáng nay tăng 100 đồng lên 1.000 đồng/cp, như vậy sau 5 phiên, mã này đã tăng 66,7%.
 
Một số mã tăng trần phiên này là BAS, OGC, SJS, CAD…VSH sáng nay được nước ngoài mua vào 340 nghìn cp, chiếm gần ½ khối lượng giao dịch trên sàn, đóng cửa tăng 300 đồng lên 10.800 đồng/cp.
 
PTC giảm 23 phiên liên tiếp trong đó có 18 phiên giảm sàn, sáng nay đóng cửa tại giá 5.600 đồng/cp.
 
 
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa tăng 0,71 điểm lên 61,18 điểm (+1,17%).
 
ORS sau khi HĐCĐ thông qua việc hủy niêm yết, sáng nay dư bán sàn gần 1,2 triệu cp, đóng của tại giá 2.700 đồng; SME giảm sàn xuống 1.600 đồng/cp trong khi đã có thời điểm giao dịch tại giá trần 1.800 đồng/cp; KTS tăng trần khớp lệnh 100 đồng sau rất nhiều phiên không giao dịch.
 
Nhóm các cổ phiếu dẫn dắt thị trường như VND, KLS, VCG, BVS đều giữ được đà tăng đến cuối phiên. VND và KLS khớp lệnh trên 2 triệu đơn vị, đóng cửa đều ở mức trên mệnh giá.
 
THV sau đính chính của chủ tịch HĐQT về việc quỹ của Mỹ mua cổ phần, sáng nay vẫn duy trì dư mua trần hơn 1,3 triệu cp đến cuối phiên.
 
Các biến động lớn đều xảy ra tại các cổ phiếu thị giá nhỏ, bất cứ thông tin nào xuất hiện trên thị trường lúc này cũng khiến các lệnh mua hoặc bán lên tới vài triệu cổ phiếu vì giá các cổ phiếu đã xuống mức quá thấp, biên độ giữa trần và sàn quá nhỏ để các NĐT không phải đắn đo nên mua ở mức giá nào.
 
Theo Phương Mai
TTVN

VN-Index 380 điểm, thời điểm để hành động

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM

Trong số 308 DN đang niêm yết trên HOSE, có đến hơn 50 đơn vị được giao dịch với chỉ số P/E 2 - 3 lần, trong khi các công ty trả cổ tức khá cao. Chính vì vậy, NĐT nên mạnh dạn bắt đáy các cổ phiếu này nếu VN-Index về mốc 380 điểm.

 


Có một cổ ngữ rất hay ở phố Wall, "khi máu lan dài trên phố, đấy là dấu hiệu không thể tốt hơn để đầu tư". Có lẽ, nhà tiên tri vùng Omaha Warren Buffett là người nắm rõ hơn ai hết quy tắc này, đó là lý do cho một quý III đầu tư mạnh mẽ của ông.

Trong vài tuần qua, thị trường biến động một cách không lý trí (irrationally) và hoàn toàn bị tác động bởi tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư. Tất nhiên, khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn hoành hành và có những ảnh hưởng nhất định đến các nước khác trên thế giới. Lo ngại không phải là không có cơ sở khi mà xuất phát điểm của cuộc khủng hoảng nợ chỉ bao gồm các nước PIIGS - Bồ Đào Nha, Ai-Len, Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha, thì bây giờ đến lượt Pháp, Đức bị kéo vào tâm bão.

Có rất nhiều câu hỏi được đưa ra: Tại sao Đức và Pháp cứ phải gồng mình cứu trợ những quốc gia tiêu xài hoang phí? Việc xóa đến 50% nợ cho Hy Lạp có phù hợp không? Liệu lãi suất trái phiếu 7% của Ý có bền vững? Khi nào thì đến lượt Pháp bị hạ bậc tín dụng? Tại sao Đức không mạnh dạn rời khỏi nhóm châu Âu và đứng độc lập như một "nước Anh thứ hai", với đồng tiền mạnh của riêng mình?

Vấn đề được nhắc đến nhiều thứ hai chính là việc "Siêu Ủy ban" thuộc lưỡng đảng của Mỹ không thể đạt được thỏa thuận cắt giảm chi tiêu 1.200 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Kết quả này thực ra không hề gây ngạc nhiên. Khi mà có đến 12 thành viên trong Ủy ban, 6 thành viên thuộc mỗi đảng, làm sao họ có thể đi đến một quyết định thống nhất. Cái kết thất bại dường như là không thể tránh khỏi ngay từ khi câu chuyện bắt đầu. Điều này vô hình chung để lại cho chính quyền mới của nước Mỹ một áp lực cắt giảm chi tiêu trong năm 2013, ngay sau cuộc bầu cử tổng thống.

Vậy thì điều gì đang chờ đợi chúng ta phía trước? Hãy hướng con mắt đến Mỹ như là đầu tàu của kinh tế thế giới. Con số GDP gần nhất cho thấy, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2% trong quý III/2011 và dường như đang ở tư thế sẵn sàng tăng trưởng mạnh hơn, đạt 3% trong quý IV. Đây rõ ràng là một sự tăng trưởng đáng nể. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp cao vẫn ảnh hưởng đến thị trường nhà đất, nhưng nước Mỹ đã tăng trưởng mạnh so với phần còn lại trong nhóm nước phát triển.

Câu hỏi dành riêng cho Việt Nam là: tại sao gần đây mọi thứ dường như đang chuyển động tương quan chặt chẽ với nhau? 4 - 6 tháng trước, khi chỉ số Dow Jones rớt thảm, dầu thô và vàng hoàn toàn biến động theo hướng đối lập nhau. Nhưng mọi chuyện thay đổi trong những tuần gần đây, chúng hoàn toàn di chuyển cùng chiều, song song nhau. Tại sao vậy?

Khủng hoảng thanh khoản chính là câu trả lời. Lời khuyên hợp lý là hãy nhanh chóng thoái vốn khỏi những tài sản thanh khoản cao nhất và tìm cơ hội trên thị trường vốn.

Jim Rogers trả lời phỏng vấn trên CNBC Asia Squawk Box rằng, ông ấy "short" tất cả chứng khoán, "short" thị trường mới nổi và "long" hàng hóa, USD, Euro, vàng.

Các nhà đầu tư Việt Nam đang đứng giữa 5 cơ hội đầu tư: gửi tiền ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, ngoại hối (USD) và vàng. Trong đó, rất nhiều người đang phân vân không biết đặt vốn của mình vào đâu?

Trước hết, phải thừa nhận, khủng hoảng đang có những ảnh hưởng mang tính toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng với chúng ta chỉ mang tính giới hạn… Những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là những mặt hàng thiết yếu cho đời sống, giá rẻ. Nền kinh tế của Việt Nam thực ra chịu ảnh hưởng rất lớn từ thị trường trong nước hơn là quốc tế.

Sự quan tâm lớn nhất hiện tại nên dành cho tình trạng lạm phát và thiếu niềm tin vào đồng Việt Nam. Một khi những vấn đề này được giải quyết triệt để, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục và sẵn sàng cho sự phát triển thịnh vượng. Do đó, hãy tạm thời quên thị trường quốc tế đi và tập trung sự chú ý vào nội lực nền kinh tế!

Quay trở lại với câu hỏi nên đầu tư vào đâu? Vào thời điểm hiện tại, mọi người đều biết rằng, Chính phủ đang hướng đến một đợt tái cấu trúc ngân hàng mạnh mẽ và không phải ngân hàng nào cũng có chất lượng và mức độ tín nhiệm như nhau. Do đó, nếu chọn gửi tiền, bạn hãy chọn ngân hàng tốt nhất, vì khi mà lãi suất đều cùng một mức, chất lượng hoạt động của ngân hàng là điều cần quan tâm.

Với thị trường bất động sản, khi mà chính sách tài chính tập trung hoàn toàn vào chế ngự lạm phát, thì tài sản "cứng" là lĩnh vực mà bạn không nên đầu tư. Nếu phải vay nợ để mua bất động sản, điều này hoàn toàn không nên.

Ngoại hối là một thị trường rất phức tạp và nhạy cảm, nơi chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Như đã biết, mua bán trên thị trường này, bạn phải trả một khoản phí được gọi là "spread". Nếu bạn giao dịch với số tiền nhỏ hơn một khoản tương đương một triệu USD, bạn phải trả phí "spread" 3 - 7%. Do đó, để có lợi nhuận, khoản đầu tư của bạn phải có lãi 15% hoặc hơn để có thể bù lại chi phí.

Còn vàng thì sao? Trên thực tế, thị trường vàng Việt Nam còn nhiều điều không minh bạch, rất rủi ro cho những người đầu tư cá nhân. Chính vì thế, sẽ vô cùng khó để tạo được lợi nhuận. Trên thị trường này, nếu để tìm một nơi an toàn vốn, việc đầu tư vào các quỹ đầu tư vàng (Gold ETF) là hợp lý. Tuy nhiên, tại Việt Nam, không phải nhà đầu tư nào cũng có cơ hội này.

Tựu chung lại, cơ hội đầu tư tốt nhất mà bạn có được chính là TTCK với mức P/E thấp kỷ lục. Nếu nhìn vào sàn HOSE, trong số 308 DN đang niêm yết, có đến hơn 50 đơn vị được giao dịch với chỉ số P/E 2 - 3 lần. Hơn nữa, những công ty này còn trả mức cổ tức khá cao từ 3 - 12%/năm. Điều này có nghĩa là, nếu chúng ta đầu tư vào một cổ phiếu với 6% cổ tức, P/E ở mức 3 lần, thì DN có khả năng tạo lợi nhuận để hoàn vốn trong vòng 3 năm. Thêm vào đó, bạn còn nhận thêm 6% cổ tức hàng năm.

Đây quả là một câu chuyện rất cuốn hút với thị trường Việt Nam. Tất nhiên, TTCK bao giờ cũng biến động theo hai nguyên nhân: định giá và tâm lý. Thời điểm hiện tại, khi mà giá trị thị trường đã chạm những mốc thấp kỷ lục, có thể khẳng định thị trường toàn cầu đang bị chi phối bởi tâm lý tiêu cực.

Khi nào tâm lý ấy hoàn toàn bị xua tan bởi những tin tốt liên tục từ nền kinh tế Mỹ, những lo ngại về lạm phát tại Việt Nam dần bị loại bỏ, niềm tin vào sức mạnh của đồng Việt Nam quay trở lại, chắc chắn sẽ chứng kiến một đợt tăng điểm mạnh mẽ của VN-Index. Chính vì vậy, tôi tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư bắt đáy VN-Index tại mốc 380 điểm. Còn nếu bạn mua được ở mức điểm thấp hơn thì xin chúc mừng!

 

Hoang D.Quan

 ĐTCK

 


 


Thế giới được cứu, Phố Wall “đại nhảy vọt”

Ngày đăng : 01/12/2011 - 12:00 AM

Khép lại phiên cuối cùng của tháng 11, chứng khoán Mỹ tăng vọt trên 4% ở cả ba chỉ số chính, sau khi 6 ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới cắt giảm chi phí giao dịch bằng đồng USD, nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tín dụng.


                                       


Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 490,05 điểm, tương ứng 4,24%, lên 12.045,68 điểm, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 23/3/2009. S&P 500 nhảy 51,77 điểm (+4,33%) lên 1.246,96 điểm. Nasdaq Composite tiến 104,83 điểm (+4,17%) lên 2.620,34 điểm.

Như vậy, tính chung cả tháng 11, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng được 0,8%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,5% và Nasdaq hạ tới 2,4%.

Khối lượng giao dịch bùng nổ với khoảng 10,9 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, cao hơn mức giao dịch trung bình hàng ngày 7,96 tỷ cổ phiếu năm nay. Tỷ lệ mã tăng/ giảm ở sàn New York là 7/1, còn ở sàn Nasdaq là 5/1.

Hôm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và ngân hàng trung ương Anh, Nhật, Thụy Sỹ, Canada công bố kế hoạch chung, hạ giá đối với các hợp đồng hoán đổi thanh khoản bằng đồng USD bớt 0,5% từ 5/12 và kéo dài các hợp đồng này đến ngày 1/2/2013.

Bên cạnh đó, 6 tổ chức tài chính này cũng thiết lập một cơ chế tạm thời, cho phép bất kỳ ngân hàng nào trong 6 tổ chức trên dễ dàng tiếp cận được tới đồng Euro, Yên Nhật, bảng Anh, franc Thụy Sỹ và đôla Canada nếu cần để hỗ trợ các ngân hàng khu vực trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ công bố kế hoạch tăng cường thanh khoản bằng cách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tài chính xuống 0,5%, lần đầu tiên trong 3 năm. Hiệu lực của kế hoạch này cũng từ ngày 5/12 tới.

Quyết định của các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đã khiến nhóm cổ phiếu tài chính tăng mạnh. Chỉ số S&P tài chính bật tới 6,6%. Chỉ số S&P nguyên vật liệu cũng tăng được 5,9% sau khi Mỹ công bố lĩnh vực tư nhân trong tháng 10 vừa qua tuyển dụng nhân công mạnh nhất trong gần 1 năm.

Tương tự như thị trường Mỹ, các sàn châu Âu tăng tốc mạnh mẽ trong phiên cuối cùng của tháng 11. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 3,16% lên mức 5.505,42 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến 4,22% lên 3.154,62 điểm. Chỉ số DAX của Đức tăng vọt 4,98% lên mốc 6.088,84 điểm.

Ở chiều ngược lại, các sàn châu Á rớt thê thảm. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc, với chỉ số Shanghai Composite giảm tới 3,27% xuống còn 2.333,41 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông trượt 1,46% xuống 17.989,30 điểm và chỉ số Taiex của Đài Loan hạ 1,21%.

Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%)
Mỹ Dow Jones 11.555,60 12.045,70 Up490,05 Up4,24
S&P 500 1.195,19 1.246,96 Up51,77 Up4,33
Nasdaq 2.515,51 2.620,34 Up104,83 Up4,17
Anh FTSE 100 5.337,00 5.505,42 Up168,42 Up3,16
Pháp CAC 40 3.026,76 3.154,62 Up127,86 Up4,22
Đức DAX 5.799,91 6.088,84 Up288,93 Up4,98
Nhật Bản Nikkei 225 8.477,82 8.434,61 Down43,21 Down0,51
Hồng Kông Hang Seng 18.256,20 17.989,30 Down266,85 Down1,46
Trung Quốc Shanghai Composite 2.412,39 2.333,41 Down78,98 Down3,27
Đài Loan Taiwan Weighted 6.988,65 6.904,12 Down84,53 Down1,21
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.856,52 3.925,77 Down22,12 Down0,56
Singapore Straits Times 2.688,10 2.702,46 Up14,36 Up0,53
Nguồn: CNBC, Market Watch.

VnEconomy.vn


Sẽ cơ cấu lại và tạo điều kiện phát triển TTCK

Ngày đăng : 30/11/2011 - 12:00 AM

Chính phủ đã cam kết cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, bảo đảm không còn ngân hàng yếu kém, theo Nghị quyết Quốc hội về chất vấn, trả lời chất vấn. 

 
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa ký Nghị quyết số 21/2011/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Trong đó, ghi nhận một số giải pháp mà Thủ tướng và các Bộ trưởng đã cam kết trước Quốc hội trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Cụ thể:
 
Trong lĩnh vực tài chính
 
Thực hiện cơ chế giá thị trường đối với điện, xăng dầu, than và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng khác, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải công khai minh bạch kết quả sản xuất, kinh doanh và giá thành sản phẩm để đại biểu Quốc hội và nhân dân giám sát. Năm 2015, thực hiện xong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
 
Tiếp tục thực hiện chính sách bình ổn giá, gắn kết lưu thông phân phối với người sản xuất, bán lẻ, mở rộng đối tượng thực hiện đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, triển khai rộng rãi ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
 
Cơ cấu lại và tạo điều kiện phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm và các quỹ đầu tư theo hệ thống quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
 
Thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống thất thu ngân sách nhà nước, kiểm soát tình trạng chuyển giá làm thất thu, xây dựng lộ trình giảm bội chi ngân sách nhà nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nợ công, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh và do địa phương vay.
 
Trong lĩnh vực ngân hàng
 
Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, bảo đảm hoạt động hiệu quả, sản phẩm và dịch vụ ngân hàng đa dạng, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Từng bước nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh, bảo đảm không còn ngân hàng yếu kém kéo dài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
 
Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát lạm phát và đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, nhu cầu vốn cho sản xuất của các doanh nghiệp và sản xuất nông nghiệp. Điều hành tỷ giá theo tín hiệu của thị trường để khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam.
 
Quản lý chặt chẽ xuất nhập khẩu và thị trường vàng, phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá thế giới. Bảo vệ quyền sở hữu vàng của người dân, có chính sách huy động nguồn lực vàng trong nhân dân để phục vụ mục tiêu phát triển.
 
Giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí đầu vào. Ưu tiên tín dụng phục vụ sản xuất, nhất là ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, sản xuất điện, xuất khẩu và cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
Giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. Kiểm soát cho vay bất động sản, kinh doanh chứng khoán và nợ xấu của ngân hàng. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong kinh doanh ngân hàng, ngoại tệ và vàng.
 
Theo Gafin
Stox

 

Tin mới cập nhật