Ngày đăng :
28/05/2012 - 8:46 AM
Nhà đầu cơ tiếp tục đặt cược vào xu hướng giá lên đối với hàng hóa trước khi có các dấu hiệu cho thấy khủng hoảng nợ công châu Âu đang nghiêm trọng hơn và kinh tế Trung Quốc chững lại.
Theo dữ liệu từ Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ, các quỹ quản lý tiền tệ đã tăng vị thế mua ở 18 hàng hóa kỳ hạn và quyền chọn thêm 9,5% trong tuần đến ngày 22/5, lên 675.362 hợp đồng. Đặt cược vào giá nông sản tăng tăng tới 21% - nhiều nhất kể từ tháng 2.
Tuy nhiên, đặt cược này rõ ràng đã sai xu hướng và các nhà đầu cơ có thể phải gánh chịu hậu quả không nhỏ. Chỉ số S&P GSCI theo dõi 24 mặt hàng nguyên liệu thô tuần qua sụt giảm tuần thứ 4 liên tiếp và chạm mức thấp nhất 5 tháng, trong đó riêng các mặt hàng nông sản có tuần giảm tồi tệ nhất trong vòng 8 tháng.
Chỉ số GSCI tuần qua giảm 1,4% và mất tổng cộng 9,4% trong tháng 5, hướng tới tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Chỉ số GSCI theo dõi riêng các hàng hóa nông sản giảm với tốc độ lớn gấp hơn 3 lần so với chỉ số chung, ở mức 4,8%
Trong số 24 mặt hàng nguyên liệu thô thì có tới 22 hàng hóa sụt giảm tuần trước. Giá ngô dẫn đầu danh sách khi để mất 9% - tuần giảm nhiều nhất trong vòng 1 năm qua, còn ca cao giảm 7,2% với tuần hạ sâu nhất trong năm 2012.
Đồng euro rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2010 trong ngày 25/5 sau khi S&P hạ xếp hạng tín dụng của 5 ngân hàng lớn của Tây Ban Nha và châu Âu đã chuẩn bị kịch bản trong trường hợp Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung. Các ngân hàng cho vay lớn nhất của Trung Quốc trong khi đó có thể phải hạ mục tiêu cho vay lần đầu tiên trong 7 năm vì kinh tế chững lại.
Trong một báo cáo phát đi tuần trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế nhận định, rủi ro của khủng hoảng châu Âu ngày càng lớn và đang phá hủy kinh tế toàn cầu.
Theo dữ liệu của EPFR Global, tuần qua nhà đầu tư đã rút 1,18 tỷ USD khỏi các quỹ hàng hóa – tuần thứ 5 liên tiếp chứng kiến dòng tiền tháo chạy khỏi hàng hóa. Dòng tiền rút khỏi các quỹ kim loại quý chiếm 631,7 triệu USD – tuần giảm nhiều nhất trong năm nay.
Nguyễn Hằng
Theo TTVN/Bloomberg
|
Ngày đăng :
25/05/2012 - 9:33 AM
Giá vàng tiếp tục có một phiên biến động mạnh khi tăng vọt giữa phiên nhưng cuối phiên đã không giữ được mức cao trong bối cảnh nghi ngờ khả năng Hy Lạp sẽ không ở lại khối đồng tiền chung.
Chốt phiên 24/5, giá vàng giao tháng 6 có được 0,5% lên 1.557,5 USD/ounce. Trong phiên, có lúc giá lên 1.570,7 USD.
Giá vàng giao ngay có lúc lên 1.577,5 USD nhưng cuối phiên cũng chỉ còn 1.557,8 USD/ounce, thấp hơn so với mức 1.562,2 USD/ounce cuối phiên trước.
Đồng USD đầu phiên hôm qua suy yếu khi Mỹ công bố tăng trưởng sản xuất tháng 5 chậm lại và niềm tin của người tiêu dùng thấp nhất 4 tháng. Nhưng sau đó, Đức công bố hoạt động sản xuất yếu kém và lòng tin kinh doanh suy giảm, chứng tỏ nền kinh tế số 1 châu Âu đã không thể miễn nhiễm với cuộc khủng hoảng khu vực, trong khi việc Hy Lạp có ở lại khu vực đồng tiền chung hay không vẫn là một ẩn số, khiến cho Euro trở lại thế yếu.
Bởi là một tài sản rủi ro suốt trong năm nay nên giá vàng biến động ngược chiều với USD.
Dù nỗ lực nhưng giá vàng vẫn khó tăng (nguồn: kitco)
Thêm nữa, nhà đầu tư giờ đây đang hướng về kỳ nghỉ cuối tuần dài ngày ở Mỹ (thứ Hai tuần tới là Lễ Chiến sỹ trận vong, thị trường đóng cửa). Giới quan sát thị trường cho biết, nhiều nhà đầu tư đã thay đổi trạng thái mua bán hoặc chuyển kỳ hạn bởi lo sợ bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra đối với Hy Lạp từ sau khi đóng cửa ngày thứ Sáu cho đến khi mở cửa trở lại vào ngày thứ Ba.
Cuộc khủng hoảng nợ công từng đẩy giá vàng lên cao kỷ lục 1.923,7 USD/ounce hồi tháng 9 năm ngoái. Nhưng cũng chính lý do này đã khiến vàng mất 20% giá trị từ đó tới nay.
Nguyễn Hằng
Theo TTVN/Reuters
|
Ngày đăng :
24/05/2012 - 8:32 AM
Giá dầu lún sâu xuống mức thấp nhất từ tháng 10 năm ngoái vì nguồn cung của Mỹ cao nhất 22 năm và mối lo Hy Lạp rời khu vực đồng euro.
Bộ Năng lượng Mỹ báo cáo, dự trữ dầu thô trong tuần trước đã tăng 883.000 thùng lên 382,5 triệu thùng- cao nhất kể từ năm 1990. Nguồn cung dầu tại Cushing, điểm trung chuyển dầu thô cho các hợp đồng dầu giao dịch trên sàn Nymex, đã tăng 1,67 triệu thùng lên mức kỷ lục 46,8 triệu thùng.
Thêm vào đó, động thái đồng ý cho phương Tây điều tra về hạt nhân của Iran cũng làm dịu mối lo nguồn cung thường trực bấy lâu nay.
Hội nghị thượng đỉnh EU hôm qua mới chính là tâm điểm của thị trường. Vấn đề Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung đã được nhắc tới và sự cần thiết có một trái phiếu chung châu Âu ngay khi bàn thảo cũng gặp phải sự bất đồng giữa Pháp và Đức.
Nguồn cung đang tăng lên nhanh chóng trong khi triển vọng nhu cầu ở châu Âu không mấy sáng sủa đã gây sức ép lên giá dầu. Đồng Euro rơi xuống mức thấp nhất gần 20 tháng so với USD sau một loạt tin xấu càng làm cho hàng hóa mất giá.
Đóng cửa phiên 23/5, giá dầu WTI giao tháng 7 giảm 1,95 USD tức 2,1% xuống 89,9 USD/thùng – mức đóng cửa thấp nhất kể từ 21/10 năm ngoái. Trong năm nay, giá đã giảm 9%.
Giá dầu Brent trong khi đó giảm 2,85 USD tức 2,6% còn 105,56 USD/thùng – thấp nhất từ 19/12/2011.
Phương Thảo
Theo TTVN/Bloomberg
|
Ngày đăng :
22/05/2012 - 8:27 AM
Giá thế giới liên tục giảm từ 9-5 (lần giảm giá xăng trong nước) tới nay đã quá 10 ngày, nếu chiếu theo Nghị định 84 thì DN đã phải giảm tương ứng.
Giá thế giới liên tục giảm nhưng giá xăng trong nước vẫn chưa giảm theo. Bao giờ thì giá xăng trong nước giảm?
Điều hành lạc nhịp
Nhìn lại diễn biến giá xăng dầu trong nước thời gian qua, có thể thấy giá xăng trong nước thường xuyên lạc nhịp với giá thế giới.
Giá xăng trong nước tăng, giảm không theo nhịp của giá xăng thế giới còn vì hai khoản dính kèm với xăng là thuế và quỹ bình ổn. Khi giá thế giới giảm, thay vì giảm giá xăng trong nước thì Nhà nước tăng thuế, tăng trích quỹ bình ổn. Khi giá thế giới tăng, thay vì tăng giá xăng trong nước thì Nhà nước giảm thuế, cho doanh nghiệp (DN) dùng quỹ bình ổn. Vì vậy mà giá xăng có vẻ lạc nhịp.
Vấn đề quan trọng là trong sự lạc nhịp đó có nhiều bất hợp lý. Cụ thể, giá xăng thành phẩm A92 trung bình thế giới tháng 8-2011 là 119 USD/thùng. Khi đó giá xăng trong nước là 20.800 đồng/lít, trong đó thuế nhập khẩu là 0%, trích quỹ bình ổn 300 đồng/lít.
Sau nhiều đợt tăng, giảm, đến nay khi giá thế giới còn 114 USD/thùng, thuế nhập khẩu cũng bằng 0%, mức trích quỹ bình ổn cũng là 300 đồng/lít nhưng giá xăng trong nước hiện là 23.300 đồng/lít, cao hơn giá tháng 8-2011 đến 2.500 đồng/lít.
Giảm chậm là do… dư luận
Nghị định 84/2009 quy định giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, DN được quyền quyết định giá. Thời gian tối thiểu giữa hai lần tăng giá là 10 ngày. Thời gian tối đa giữa hai lần giảm giá là 10 ngày.
Như vậy, trở lại với giá hiện tại, giá thế giới liên tục giảm 9-5 (lần giảm giá xăng trong nước) tới nay đã quá 10 ngày, nếu chiếu theo Nghị định 84 thì DN đã phải giảm tương ứng.
Vì sao DN không giảm? Một DN kinh doanh xăng dầu cho biết khi Nghị định 84 có hiệu lực (tháng 12-2009), DN cũng thực hiện theo nghị định này. Vào thời điểm đó giá xăng thế giới liên tục tăng. Vì vậy, vừa mới áp dụng Nghị định 84 thì giữa tháng 1-2010, DN đã tăng 450 đồng/lít xăng. Một tháng sau, DN tăng thêm 590 đồng/lít (xăng A92 16.990 đồng/lít). Nửa tháng sau, DN vừa chớm có ý định tăng giá thì dư luận liên tục phản ứng sao tăng nhanh thế!
Vì dư luận phản ứng mà Bộ Tài chính phải can thiệp, dùng các biện pháp như giảm thuế nhập khẩu thuế, sử dụng quỹ bình ổn để điều hành giá xăng.
Từ đó đến nay, Nghị định 84 chỉ còn trên giấy. Quy định 10 ngày tăng, giảm theo giá thế giới đã bị quên.
DN này cho rằng nếu trước đây dư luận không phản đối việc DN tăng giá theo giá thế giới thì bây giờ giá thế giới giảm thì mới buộc được DN giảm ngay.
Cơ chế… 20 ngày
“Thực tế, nghị định duy nhất trực tiếp điều hành xăng dầu là Nghị định 84. Tất nhiên, Nghị định 84 vẫn có những điểm bất ổn cần chỉnh sửa nhưng về cơ bản thì nên theo cơ chế này” - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Ông Long nhận xét ngày 20-4 giá xăng tăng, đến 9-5 giá xăng giảm, cách khoảng 20 ngày. Như vậy, cũng có thể hiểu ngầm với nhau là Bộ đã có sự thay đổi về cơ chế điều hành. Điều hành giá chỉ trong vòng 20 ngày.
Nếu nhận định này đúng, có khả năng giá xăng trong nước sẽ giảm vào khoảng ngày 30-5.
Theo một chuyên gia xăng dầu, cơ chế cứ 10 ngày tăng, giảm theo giá thế giới là rất cần thiết, nên được áp dụng. Điều quan trọng khi áp dụng cơ chế này là Nhà nước vẫn phải giám sát và ấn định. Không thể giao quyền cho DN muốn đưa ra mức nào thì đưa. Khi còn cơ chế độc quyền thì DN không thể ấn định giá.
Loạn con số lỗ
Việc minh bạch lỗ, lãi của DN xăng dầu là điều mà dư luận rất quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua dư luận cũng không biết thực tế DN lỗ bao nhiêu. Chính cơ quan quản lý nhà nước cũng liên tục thay đổi con số.
Tháng 9-2011, đoàn kiểm tra Bộ Tài chính đã có đợt kiểm tra tại Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Kết quả ban đầu bộ này đưa ra là trong sáu tháng đầu năm Petrolimex lỗ hơn 1.840 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó một thời gian, một tờ báo đưa thông tin bộ này công bố lại, số lỗ của Petrolimex chỉ còn… 1.300 tỉ đồng.
Nguyên nhân lỗ là do Petrolimex đã chi quá tay cho các chi phí kinh doanh, hoa hồng cho đại lý và do chênh lệch tỉ giá.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc để cuối năm mới kiểm tra một lần thì quá lâu. Trong khi Petrolimex chiếm gần 60% thị phần xăng dầu. Vì vậy, cơ quan quản lý phải kiểm tra thường xuyên, phải có tư liệu, con số theo dõi sát sao hằng ngày.
|
Theo Mai Phương
PLTP
|
Ngày đăng :
21/05/2012 - 2:28 PM
Sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng chủ yếu từ Trung Quốc 635 nghìn tấn, tăng 19,1%; Hàn Quốc 542 nghìn tấn, tăng 7,8%; Đài Loan 269 nghìn tấn, tăng 13,8%...
Theo Tổng cục Hải quan, lượng sắt thép nhập khẩu trong tháng 4-2012 là 663 nghìn tấn, tăng 9,6% so với tháng trước, nâng tổng lượng nhập khẩu sắt thép của cả nước lên 2,46 triệu tấn, tăng 2%, trị giá 1,98 tỷ USD.
Lượng phôi thép nhập khẩu trong tháng 4 hơn 25,7 nghìn tấn và 4 tháng đầu năm 2012 là 137,6 nghìn tấn. Sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng chủ yếu từ Trung Quốc 635 nghìn tấn, tăng 19,1%; Hàn Quốc 542 nghìn tấn, tăng 7,8%; Đài Loan 269 nghìn tấn, tăng 13,8%... so với cùng kỳ năm 2011.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, do thị trường xây dựng chưa hồi phục nên lượng thép tiêu thụ tháng 4 chỉ đạt 443.600 tấn, giảm gần 15% so với tháng trước. Lượng thép tồn kho hơn 255.000 tấn. Nhiều nhà máy vẫn phải tiết giảm sản xuất, chỉ chạy 50-60% công suất. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu, điện, xăng, dầu đều tăng cao đã làm cho chi phí sản xuất tăng, buộc các DN thép phải giữ giá thành phẩm ở mức cao. Trong bối cảnh sức tiêu thụ trong nước hạn chế, công suất dư thừa, các DN thép đã đẩy mạnh xuất khẩu. Tính chung 4 tháng, sắt thép xuất khẩu ước đạt 438.000 tấn, tăng 46,6% so với cùng kỳ.
Theo Hoàng Ly
Hà Nội mới
|