Nga gia nhập WTO sau 18 năm đàm phán ròng rã

Ngày đăng : 17/12/2011 - 3:19 PM
Ngày 16/12, Nga đã ký văn kiện gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trước bộ trưởng Thương mại 153 nước thành viên đang dự hội nghị 8 của WTO ở Geneva.
 
Ngày 16/12, Nga đã ký văn kiện gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trước bộ trưởng Thương mại 153 nước thành viên đang dự hội nghị 8 của WTO ở Geneva, chính thức trở thành thành viên thứ 154 của tổ chức này sau 18 năm thương lượng.
 
Việc Nga gia nhập WTOđã xóa bỏ một nghịch lý tồn tại từ lâu trong tổ chức này: một quốc gia lớn, nằm trong nhóm G20, tập hợp 20 nền kinh tế quan trọng nhất hành tinh lại phải đứng bên ngoài WTO.
 
Chưa quốc gia nào gõ cửa WTO lâu như Nga - ròng rã 18 năm. Ngay cả Trung Quốc trước đây, nổi tiếng là phải chờ lâu, cũng chỉ mất 15 năm.
 
Cản lực cuối cùng đối với việc kết nạp Nga là thái độ chống đối của thành viên Gruzia. Tuy nhiên, vào đầu năm nay, Tbilissi đã thay đổi ý kiến.
 
Ngoài Nga, WTO hôm qua còn đón nhận thêm hai thành viên mới khác là Samoa và Montenegro.
 
Trong bối cảnh các cuộc thương lượng trong khuôn khổ vòng đàm phán Doha bị bế tắc, kinh tế thế giới bị đình đốn, xu hướng bảo hộ mậu dịch mạnh thêm, việc Nga gia nhập WTO được xem là điểm son của hội nghị bộ trưởng lần thứ 8 này.
 
Nhiều người trông đợi rằng việc Nga gia nhập WTO sẽ thu hút mạnh dòng đầu tư nước ngoài vào Nga.
 
Nhiều ý kiến khác cho rằng WTO không phải là phương thuốc chữa bách bệnh và việc tham gia vào tổ chức này tự nó không kéo theo bùng nổ đầu tư.
 
Theo Việt Hà
Dân Trí

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Fitch hạ triển vọng tín dụng Pháp

Ngày đăng : 17/12/2011 - 3:12 PM
Fitch đồng thời xem xét hạ xếp hạng tín dụng của Tây Ban Nha và Italy. Moody hạ 2 bậc xếp hạng tín dụng của Bỉ.
 
Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch hạ triển vọng tín dụng của Pháp, đồng thời tuyên bố xem xét điều chỉnh hạ xếp hạng tín dụng của Tây Ban Nha và Italy bởi nói đến việc châu Âu đã thất bại trong việc tìm kiếm giải pháp tổng thể để giải quyết khủng hoảng nợ.
 
Fitch giữ nguyên xếp hạng tín dụng AAA của Pháp, đưa xếp hạng của Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, Slovenia, Ireland và Cyprus vào diện cảnh báo. Dự kiến thời gian xem xét sẽ kéo dài đến cuối tháng 1/2011.
 
Moody hạ 2 bậc xếp hạng tín dụng của Bỉ.
 
Động thái mà Fitch mới đưa ra tạo ra thêm nhiều áp lực lên các nhà lãnh đạo thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu trong việc đưa ra giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ kéo dài 2 năm và cho đến nay châu Âu đã phải giải cứu Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha.
 
Tháng 12/2011, lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu đã nhóm họp tại Brussels để đồng ý áp dụng quy tắc tài khóa chặt chẽ hơn. ECB không chấp thuận đề nghị mở rộng chương trình mua trái phiếu.
 
Fitch khẳng định nếu không có giải pháp tổng thể, cuộc khủng hoảng sẽ vẫn kéo dài, đi kèm với nó là biến động trên thị trường tài chính.
 
Ngày 05/12/2011, tổ chức xếp hạng tín dụng S&P đưa xếp hạng của 15 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu vào diện xem xét điều chỉnh giảm, trong số này có 6 nước có xếp hạng AAA. Ngày 12/12/2011, Moody cho biết sẽ xem xét toàn bộ xếp hạng của các nước thuộc Liên minh châu Âu trong quý 1/2012 bởi buổi họp thượng đỉnh của châu Âu không mang lại giải pháp nào.
 
Tại thị trường New York, đồng euro tăng 0,2% lên mức 1,3046USD/euro sau khi tăng khoảng 0,5% vào trước đó. Đồng euro hạ 2,5% trong tuần này và như vậy ghi nhận mức hạ mạnh nhất tính từ tuần kết thúc ngày 09/09/2011.
 
Theo Minh Ngọc
TTVN

Tập đoàn kinh tế đầu tiên công bố tái cấu trúc

Ngày đăng : 17/12/2011 - 3:05 PM

Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (SongDa Holdings) vừa tổ chức công bố phương án tái cấu trúc và nâng cao quản trị doanh nghiệp.

Tại hội nghị giới thiệu và họp bàn về tái cấu trúc do SongDa Holdings tổ chức ngày 15/12, lãnh đạo tập đoàn này đã giới thiệu về mô hình tái cấu trúc và nâng cao quản trị doanh nghiệp với mục tiêu tổng quát là xây dựng tập đoàn thành tập đoàn kinh tế mạnh, có quy mô lớn, đa sở hữu, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao theo ngành kinh doanh chính, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học, công nghệ, nghiên cứu phát triển…nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của tập đoàn.

Theo đó, tập đoàn đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, bước đi nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2015; trong đó sẽ tập trung tái cấu trúc Tổng công ty Sông Đà - là tổng công ty mẹ trong tập đoàn trước.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, SongDa Holdings thực hiện tái cấu trúc trong điều kiện khá thuận lợi, đó là Chính phủ đang chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế trên các lĩnh vực lớn. Cùng với đó, hiện Bộ Tài chính cũng đã xây dựng đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trình Chính phủ và sẵn sàng hỗ trợ tập đoàn trong quá trình tái cấu trúc, nâng cao quản trị công ty.

Bộ trưởng Huệ kỳ vọng, SongDa Holdings sẽ là tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên thực hiện tái cấu trúc với quyết tâm cao thực hiện thành công tái cầu trúc doanh nghiệp, tạo cơ sở thực tiễn để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác tham khảo, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện ..

Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam được Thủ tướng quyết định thí điểm thành lập từ 1/2010, trên cơ sở hợp nhất 6 tổng công ty gồm: Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng, Tổng công ty Cơ khí Xây dựng, Tổng công ty Sông Hồng và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển xây dựng, trong đó Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt.

Tập đoàn hiện có 41 công ty con và công ty liên kết, thực hiện kinh doanh đa ngành, trong đó xây dựng và tổng thầu xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông, công nghiệp, cơ khí chế tạo và sản xuất vật liệu xây dựng... là ngành nghề kinh doanh chính.



Theo Song Hà
VnEconomy


Quan chức chính phủ Pháp: Nước Anh lẽ ra phải bị hạ xếp hạng tín dụng

Ngày đăng : 17/12/2011 - 1:20 AM

Sự căng thẳng của quan chức chính phủ Pháp bắt nguồn từ việc Bộ trưởng Tài chính Anh từng so sánh tình trạng của Pháp hiện nay giống như Hy Lạp.

Ông François Baroin, Bộ trưởng Tài chính Pháp, trong ngày thứ Sáu tuyên bố kinh tế Pháp thực chất tốt hơn kinh tế Anh, bất chấp số liệu mới nhất cho thấy kinh tế Pháp thực chất đã rơi vào suy thoái và sẽ chỉ hồi phục yếu vào năm 2012.

Nói đến cuộc khẩu chiến về nền kinh tế, ông Baroin nói: “Trên thực tế, tình hình kinh tế tại Anh hiện rất đáng lo và người ta sẽ muốn làm người Pháp hơn người Anh ở thời điểm hiện tại, xét trên phương diện kinh tế.”

Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi Insee, cơ quan thống kê quốc gia của Pháp, dự báo kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng âm 0,2% trong quý hiện tại và thêm âm 0,1% trong quý 1/2012 và sau đó đến quý 2/2011 mới tăng trưởng được 0,1%.

Tính toán trên cho thấy kinh tế Pháp sẽ không thể tăng trưởng được 1% theo mục tiêu của năm 2012, chính phủ của Tổng thống Nicolas Sarkozy đã tính toán để giảm được thâm hụt ngân sách xuống mức tương đương 5,7% GDP năm 2011 và 4,6% GDP năm 2012.

Nhiều tổ chức xếp hạng tín dụng đã đe dọa hạ xếp hạng tín dụng AAA của Pháp bởi lo lắng về khả năng liệu Pháp có thực hiện được mục tiêu thâm hụt ngân sách và giảm nợ.

Các quan chức chính phủ Pháp đang phàn nàn về việc xếp hạng tín dụng AAA của Pháp bị đe dọa hạ trong khi xếp hạng của Anh không chịu bất kỳ rủi ro nào dù thâm hụt ngân sách của Anh cao hơn, tỷ lệ nợ tương đương, lạm phát cao và kinh tế trì trệ. Sự căng thẳng của quan chức chính phủ Pháp bắt nguồn từ việc Bộ trưởng Tài chính Anh từng so sánh tình trạng của Pháp hiện nay giống như Hy Lạp.

Bộ trưởng Tài chính Pháp nói: “Chúng tôi không cần ai dậy phải làm gì và cũng không dậy ai làm gì.”

Ngày thứ Năm, Christian Noyer, thống đốc vốn trầm tính của Ngân hàng Trung ương Pháp, khẳng định tính trên các yếu tố vĩ mô căn bản, lẽ ra các tổ chức xếp hạng tín dụng cần bắt đầu bằng việc hạ xếp hạng tín dụng của Anh chứ không phải Pháp.



Theo Ngọc Diệp

TTVN
 


Tái cơ cấu Vinashin còn rất chậm

Ngày đăng : 16/12/2011 - 11:34 AM

Vinashin mới chuyển nhượng, sáp nhập, giải thể và chuyển giao 54 doanh nghiệp trong số hơn 200 doanh nghiệp mà tập đoàn không giữ lại sau khi tái cơ cấu.

Theo báo cáo về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được gửi đến ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương tuần qua, việc thực hiện tái cơ cấu ở Vinashin còn rất chậm, chưa đạt tiến độ như mong muốn.

Tại 216 công ty mà Vinashin không giữ lại trong mô hình tập đoàn sau khi tái cơ cấu, đến nay Tập đoàn chỉ chuyển nhượng, sáp nhập, giải thể, chuyển về đơn vị khác 54 doanh nghiệp. Trong số này có 16 doanh nghiệp bị giải thể.

Trong số 67 doanh nghiệp mà Vinashin góp vốn bằng thương hiệu (thường ở mức 30% vốn điều lệ công ty), mới rút lại thương hiệu ở 22 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp còn lại, Vinashin đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Sở kế hoạch và đầu tư các địa phương đẩy nhanh thủ tục đăng ký lại, rút vốn thương hiệu Vinashin tại các công ty.

Về các công ty Vinashin góp vốn bằng tiền và tài sản, lộ trình thoái vốn còn khó khăn hơn do các công ty này hoạt động không hiệu quả. Tập đoàn đang đề nghị Chính phủ cho phép hạch toán giảm vốn (từng trường hợp cụ thể) khi tiến hành thoái vốn tại các công ty đã góp bằng tiền hay tài sản của tập đoàn.

 

Theo TBKTSG


Dự báo và giải pháp cho ba lĩnh vực của nền kinh tế 2012

Ngày đăng : 16/12/2011 - 11:30 AM

Kinh tế Việt Nam rất nhạy cảm với “thời tiết” kinh tế của thế giới, song lại có sức hấp dẫn ở lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, y tế, cơ sở hạ tầng, bất động sản.

 

 

Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ vừa công bố 9 dự báo về kinh tế toàn cầu trong năm 2012 và 2013. Đây là những nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế các khu vực, lĩnh vực chứng khoán, hàng hóa, tỷ giá, chính sách của các ngân hàng trung ương.

Trong đó, bức tranh dự báo kém tươi sáng, cho thấy kinh tế thế giới có sự giảm tốc xa hơn do ảnh hưởng bất lợi từ các biện pháp cắt giảm chi tiêu của Mỹ và châu Âu,  doanh nghiệp hạn chế đầu tư và tiếp tục sa thải nhân lực của khu vực tài chính. Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục thể hiện sự vững vàng trước các thách thức trong 2 năm tới, trong đó, thị trường chứng khoán châu Á sẽ “vượt bão” tốt hơn so với các khu vực khác.

Theo đó, nền kinh tế Việt Nam rất nhạy cảm với “thời tiết” kinh tế của thế giới do đang có độ mở theo lộ trình hội nhập. Trong khi đó, tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn phải đối mặt với lạm phát, tiền tệ suy yếu và thâm hụt thương mại vẫn ở mức cao.

Trước biến động và dự báo trên, Hội thảo Thế giới & Việt Nam - Dự báo 2012 được tổ chức ngày 17/12 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Vietnam CEO Corp tổ chức sẽõ đi sâu phân tích xu hướng và đưa ra giải pháp cho 3 lĩnh vực sống còn của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2012, gồm đầu ra cho hàng hóa và thị trường bán lẻ; bài toán vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn thắt chặt tài chính, tiền tệ và tái cấu trúc để tồn tại.

Về đầu ra cho hàng xuất khẩu, mặc dù, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ  hai đối tác thương mại lớn nhất là EU và Mỹ. Song Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội, bởi chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu như nông sản, thủy sản, hàng dệt may, giày dép. Đặc biệt, Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội trong lúc tình hình sản xuất của Thái Lan còn khó khăn do hậu quả nghiêm trọng của lũ lụt để tăng mạnh các sản phẩm xuất khẩu tương tự Thái Lan, nhất là 6 tháng đầu năm 2012.

Khó khăn phải đối mặt cũng là cơ hội buộc các doanh nghiệp tái cấu trúc để nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài việc rà soát lại kế hoạch kinh doanh gắn với kế hoạch tài chính và sự vận động của dòng tiền, các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường nội địa, tìm mọi khả năng tăng xuất khẩu các mặt hàng có thể thay thế Thái Lan, thâm nhập thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường châu Phi, Mỹ La tinh.

Đối với thị trường nội địa, ngành hàng bán lẻ nói chung cần nhắm vào nhóm sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, vì năm 2011 khó khăn, nhưng nhóm ngành này vẫn có tốc độ tăng trưởng từ 15 đến 20% (trong khi ngành hàng xa xỉ giảm tới 30%). Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Siêu thị Big C, chia sẻ: “Nối tiếp thành công năm 2011, Big C sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược ra nhãn hàng riêng cho dòng sản phẩm mỳ gói, dầu ăn, giấy, dầu xả và giảm giá thành sản phẩm từ 10 đến 20% so với sản phẩm cùng loại của các nhà sản xuất khác”.

Theo ông Dũng, đây là hình thức tiết kiệm chi phí vận chuyển, tiếp thị, chi phí lưu kho. Thêm vào đó, thị trường bất động sản trầm lắng lại là cơ hội cho các nhà bán lẻ kinh doanh theo chuỗi có được vị trí thuê mặt bằng với chi phí thấp hơn so với mọi năm.

Liên quan đến bài toán giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn thắt chặt tài chính và tiền tệ, ông  Peter R.Ryder, Giám đốc điều hành Indochina Capital cho rằng, quan trọng là Chính phủ Việt Nam làm tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và ưu tiên vốn cho khu vực tư nhân.

Về phía doanh nghiệp, vẫn phải tự thay đổi mình để khai thác cơ hội triệt để. Bởi nền kinh tế vĩ mô nhạy cảm sẽ có thêm nhiều sự thay đổi, sẽ có thêm nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Thực tế, các tập đoàn đa quốc gia vẫn tiếp tục cân nhắc mua lại cổ phần các công ty Việt Nam có vị trí thống lĩnh thị trường như một cách để gia tăng sự thâm nhập của họ vào thị trường Việt Nam, trong đó có bán lẻ, thực phẩm và đồ uống,  y tế, cơ sở hạ tầng, bất động sản. “Điều này chứng tỏ, sức hấp dẫn tại thị trường Việt Nam thể hiện trên rất nhiều lĩnh vực và đó là cơ hội để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài”, ông Peter R.Ryder cho biết.

 

Theo Anh Hoa

 Bao Đầu Tư


 


 


 

Tin mới cập nhật