Ngày đăng :
16/12/2011 - 11:27 AM
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang vào “tầm ngắm” của cơ quan thuế trong cuộc chiến chống chuyển giá, song không dễ xác định và đấu tranh với hiện tượng này.
Công ty EVERBEST Việt Nam là doanh nghiệp (DN) 100% vốn đầu tư của Hồng Kông - Trung Quốc, chuyên gia công giày các loại tại Quảng Ninh. Theo Cục Thuế Quảng Ninh, từ khi thành lập đến nay (từ năm 2003), Công ty này liên tục thua lỗ.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra với Công ty TNHH Ngọc Trai Phương Đông, DN 100% vốn đầu tư của Nhật Bản. Hoạt động trong lĩnh vực nuôi ngọc trai, sản phẩm sản xuất ra thường được bán cho một công ty ở nước ngoài, song từ khi thành lập (năm 2000) đến nay, DN này liên tục báo cáo lỗ.
Cả hai DN trên đều đang vào “tầm ngắm” của Cục Thuế Quảng Ninh. Cơ quan này đang thu thập thông tin để xác định xem, các giao dịch của 2 công ty trên có thuộc giao dịch liên kết không và cả 2 đều thuộc diện bị thanh tra chống chuyển giá trong 2 năm 2011, 2012.
Trên thực tế, đây không phải là những trường hợp cá biệt và cũng không phải chỉ diễn ra ở Quảng Ninh. Báo cáo từ các cục thuế địa phương cho thấy, vẫn tiếp tục có những cái tên “rất đáng nghi ngờ”.
Chẳng hạn, ở Đồng Nai, có Công ty Dệt Hualon (100% vốn của Đài Loan). DN này cũng báo lỗ liên tục và cuối năm 2010, đã được Cục Thuế Đồng Nai thanh tra, với số lỗ lũy kế đến thời điểm thanh tra lên tới trên 1.000 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra cho thấy, Hualon có dấu hiệu rõ ràng về giao dịch với các DN liên kết ở nước ngoài trong việc mua nguyên vật liệu chính để sản xuất. Tuy nhiên, do chưa có đủ thông tin, nên Cục Thuế Đồng Nai đành tạm thời chưa có kết luận nội dung này và đã chuyển toàn bộ tài liệu về Tổng cục Thuế nhờ hỗ trợ.
Đồng tình với nhận định của Cục Thuế Đồng Nai, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo thu thập thêm thông tin để nghiên cứu hỗ trợ điều tra chống chuyển giá.
Dù là ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Hải Phòng…, các cơ quan thuế địa phương đều rất dễ chỉ ra một số lượng không nhỏ các DN FDI thuộc diện lỗ triền miên, trong khi vẫn không ngừng mở rộng sản xuất - kinh doanh. Tất nhiên, lỗ chỉ là một dấu hiệu. Nhưng dựa trên kinh nghiệm của mình, ông Phan Phùng Hưng, Phòng Thanh tra số 1, Cục Thuế TP.HCM cho biết, nếu DN nào lỗ kéo dài, mà lại vẫn phát triển sản xuất - kinh doanh, vẫn xây dựng thêm nhà máy và hoạt động bình thường, thì đấy là có dấu hiệu chuyển giá.
Vấn đề là, giữa dấu hiệu và thực tế lại là một câu chuyện rất khác. Làm sao để xác định và đấu tranh được với DN rằng đó là hành vi chuyển giá?
Trong điều tra chống chuyển giá, một trong những nguyên tắc hàng đầu là phải xác định được giá độc lập. Song để làm được điều này, lại không hề đơn giản. Trường hợp của 2 công ty TNHH Pagoda và Chế biến trà Jun Chow ở tỉnh Đắk Nông là ví dụ điển hình. Cục Thuế tỉnh Đắk Nông cách đây chưa lâu đã phải “cầu viện” từ Tổng cục Thuế về nghiệp vụ xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết của 2 công ty này.
Theo Cục Thuế Đắk Nông, Pagoda được thành lập năm 2006, là DN 100% vốn của Malaysia, có hoạt động chế biến đậu phộng (lạc) sấy giòn; thành phẩm sản xuất ra chủ yếu được bán cho bên có quan hệ liên kết (Thong Thye Groundnut Factory Sdn. Bhd tại Malaysia). Sau 5 năm hoạt động, Công ty liên tục báo cáo lỗ và số lỗ luỹ kế tính đến ngày 31/12/2010 là 44,525 tỷ đồng, vượt quá cả số vốn đầu tư của chủ sở hữu là 42,147 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty TNHH Chế biến Trà Jun Chow, cũng là DN 100% vốn nước ngoài, lại chuyên sản xuất trà olong. Công ty mua nguyên liệu đầu vào từ bên độc lập trên thị trường nội địa, sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu cho bên liên kết tại Đài Loan. Công ty này cũng liên tục báo cáo lỗ, với số lỗ luỹ kế tính đến ngày 31/12/2010 là 23,903 tỷ đồng.
Nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra hoạt động của hai công ty này. Tuy nhiên, với cả hai DN, đoàn thanh tra đều chưa đủ thông tin để xác định giá thị trường đối với sản phẩm bán cho bên liên kết.
Tất nhiên, với sự hỗ trợ của cơ quan thuế cấp trên, kết quả cuối cùng đã có. Theo đó, trong 3 năm (2007- 2009), doanh thu của Jun Chow đã tăng thêm trên 11 tỷ đồng; còn Pagoda, chỉ trong năm 2009, đã tăng tổng doanh thu xuất khẩu sản phẩm cho bên liên kết lên trên 14,3 tỷ đồng. “Xác định được giá giao dịch độc lập là vô cùng khó khăn. Vấn đề không chỉ nằm ở năng lực của cán bộ thuế, mà còn ở việc thiếu những thông tin cơ bản để xác định giá trong các giao dịch liên kết với các giao dịch khác”, ông Hưng thừa nhận.
Một cán bộ của Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, các cơ quan chức năng hầu như chưa xây dựng được một cơ sở dữ liệu về giá cả của các loại hàng hóa được giao dịch giữa công ty độc lập và công ty liên kết với nhau. “Vì vậy, khi một hoạt động nghiệp vụ mua bán nội bộ xảy ra, giữa các công ty có giao dịch liên kết, công ty cùng tập đoàn xảy ra thì cơ quan thuế rất khó khăn trong việc tìm kiếm một nghiệp vụ mua bán tương đương để so sánh xem nghiệp vụ mua bán nội bộ này của doanh nghiệp có đảm bảo tuân thủ theo nguyên tắc giá thị trường hay không”, vị này nói.
Câu chuyện đã từng được Báo Đầu tư nhắc tới, đó là Lâm Đồng thành công trong chống chuyển giá nhờ biện pháp hành chính, chứ không phải bằng biện pháp thị trường. Đây cũng có thể coi là một ví dụ điển hình cho sự gian nan của cuộc chiến chống chuyển giá.
Theo Nguyên Đức
Báo Đầu Tư
|
Ngày đăng :
15/12/2011 - 6:03 PM
Mười năm trước, cổ phần hóa còn là mệnh lệnh hành chính thì nay đã trở thành nhu cầu thực tế của nhiều doanh nghiệp nhà nước trong ngành dệt may. Họ muốn “thoát ly” khỏi sự sở hữu (cho dù có mức độ) của Nhà nước để không bị các đối tác nước ngoài nghi ngại và ép giá trong khi đàm phán làm ăn.
Mệnh lệnh là tấm áo chật
“Cách đây hơn một tháng, tập đoàn Dệt may (Vinatex) vẫn nhận được văn bản từ phía Mỹ nói là các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước, nghĩa là được Nhà nước trợ cấp và trợ giá, kể cả doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ sở hữu dưới 51% vốn điều lệ, nên việc đàm phán giá khó hơn”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex, nói với Thủ tướng hôm 8-12. Và ông đề nghị đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa (CPH), giảm bớt sự chi phối của Nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp có đủ vị thế cạnh tranh hơn nữa.
Từ năm 2007 đến nay, quá trình CPH bị chậm lại, chỉ thực hiện được một phần ba yêu cầu đặt ra, nhất là nhóm các doanh nghiệp dệt may, vốn không hấp dẫn các nhà đầu tư bằng các doanh nghiệp năng lượng, khoáng sản hay ngân hàng. “Nhưng nhu cầu tự thân của chúng tôi rất cần đẩy nhanh tiến độ CPH để cạnh tranh được sòng phẳng”, ông Giang khẳng định. Ông cho biết để có thể phát triển, các doanh nghiệp dệt may đã phải tự tham gia đấu thầu các đơn hàng trên mạng từ lâu, bất kể là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, vốn nhà nước ở đó còn nhiều hay ít, CPH mới đây hay đã lâu.
Mười năm trước, CPH còn là mệnh lệnh thì nay đã trở thành nhu cầu thực tế của nhiều doanh nghiệp dệt may. Bất chấp những khó khăn trên thị trường vốn suốt thời gian qua, họ muốn “thoát ly” khỏi sự sở hữu (cho dù có mức độ) của Nhà nước, để không bị các đối tác nước ngoài nghi ngại và ép giá các đơn hàng ở mức thấp (do e ngại Nhà nước có trợ cấp hay trợ giá).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi sơ kết việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) hôm 9-12, cũng thừa nhận CPH doanh nghiệp hay thành lập tập đoàn những năm qua chủ yếu theo phương thức hành chính, nhất là những TĐKTNN được thực hiện theo phương thức gom và cơ cấu lại từ một số tổng công ty nhà nước hoạt động trong cùng lĩnh vực. Mô hình tổ chức như vậy khiến cho hoạt động của các tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa công ty mẹ với các công ty con vốn là các tổng công ty có nhiều kinh nghiệm và đã có thương hiệu trên thị trường.
Cái khó này thể hiện ở các hình thức liên kết khá đơn điệu. Ví như các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn mang tiếng là liên kết theo thỏa thuận ở các mức độ và phạm vi khác nhau nhưng hầu hết các thỏa thuận này chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực sản xuất kinh doanh như trao đổi hàng hóa lẫn nhau, sử dụng thương hiệu thông qua công ty mẹ... thay cho những thỏa thuận mang tính thị trường, thúc đẩy sự phát triển dài hạn và ổn định hơn.
Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Nguyễn Đăng Nam than rằng dù là TĐKTNN nhưng quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu ở đây được phân cho ba bộ nên khi tập đoàn trình các vấn đề thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu phải chờ ý kiến của ba nơi (như chuyện phê duyệt tăng vốn điều lệ), kéo dài đến sáu tháng làm chậm tiến độ sản xuất kinh doanh, làm mất đi tính tự chủ. Do vậy việc thành lập tập đoàn nhằm mục đích sản xuất kinh doanh nhưng phải chịu sự chi phối của các quyết định hành chính rất cần phải cải tiến thì tập đoàn hay các doanh nghiệp thuộc tập đoàn mới không lỡ cơ hội.
Chính phủ cũng đang thay đổi tư duy
Không chỉ vì các doanh nghiệp hay TĐKTNN thấy việc CPH, tái cấu trúc là nhu cầu tồn tại thực tế mà còn vì hiệu quả quản lý, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày một giảm khiến Chính phủ buộc phải tính toán lại. Ngoài ra, sự thiếu vắng hay chồng chéo của rất nhiều quy định liên quan đến TĐKTNN, mức độ rủi ro về tài sản (do hình thành phần lớn từ vốn vay), hệ số an toàn vốn thấp ở các tập đoàn cũng là nguyên nhân buộc phải thay đổi.
Những chuyển biến về tư duy và hành động cụ thể đã được công bố tại hai cuộc họp tổng kết về CPH doanh nghiệp nhà nước và thí điểm thành lập các TĐKTNN diễn ra vào cuối tuần qua tại Hà Nội.
Nếu như mấy năm trước, tư tưởng nhà nước giữ độc quyền trong một số ngành sản xuất, kinh doanh thiết yếu như điện lực, dầu khí, khoáng sản... vẫn còn chi phối các quyết định liên quan thì nay Chính phủ đã tuyên bố chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2015-2020 sẽ CPH 27 tập đoàn, tổng công ty (cho dù Nhà nước vẫn giữ lại cổ phần chi phối trên 65% hoặc trên 75% vốn điều lệ ở một số tập đoàn). Trong số này, người ta thấy có tên các tập đoàn: Dầu khí, Công nghiệp Than và Khoáng sản, Điện lực, Cao su, Hóa chất và Tổng công ty Hàng hải. Nhà nước cũng không giữ cổ phần chi phối ở 16 tổng công ty khác.
Không chỉ vậy, Chính phủ cam kết đến năm 2020 chỉ còn 17 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ và 200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mang tính độc quyền nhà nước, an ninh, quốc phòng và công ích. Và Nhà nước chỉ giữ độc quyền mang tính thương mại ở một số ít doanh nghiệp như: tập đoàn Viettel, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Đường sắt, ba tổng công ty hàng không hay hai tổng công ty đảm bảo hàng hải... Ở các địa phương, chỉ còn lại các doanh nghiệp hoạt động công ích, xổ số kiến thiết, môi trường đô thị, thoát nước, các công ty nông lâm nghiệp.
Có lẽ xuất phát từ sự thay đổi quan điểm này mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ tạm dừng việc thí điểm thành lập mới các TĐKTNN để hoàn thiện khung pháp lý và tái cấu trúc số tập đoàn hiện có.
Theo Kinh tế Sài gòn Online
|
Ngày đăng :
15/12/2011 - 5:40 PM
Đối với kinh tế Trung Quốc và phần lớn các nước châu Á, cuộc khủng hoảng đang hiển hiện rõ ràng hơn.
Thành phố Hải Ninh gần Thượng Hải miền Đông Trung Quốc nổi tiếng với sản phẩm tất xuất khẩu thế nhưng những tháng gần đây, nhà máy tại thành phố dường như tê liệt khi khủng hoảng châu Âu ngày một tệ hại hơn.
Ông Zuo Yefen, người đứng đầu Hiệp hội sản xuất tất ở Hải Ninh, nhận xét: “Các công ty sản xuất và kinh doanh tất đang phải đối đầu với thực tế tăng xuất khẩu của họ sang Liên minh châu Âu giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2010, mức hạ sâu nhất vào tháng 9/2011.”
Đối với kinh tế Trung Quốc và phần lớn các nước châu Á, cuộc khủng hoảng đang hiển hiện rõ ràng hơn, thị trường sợ hãi về khả năng việc nhu cầu từ các nước châu Âu sụt giảm một lần nữa sẽ lại tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế, giống như thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008.,
Nhiều công ty sản xuất hàng hóa đang cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ra khỏi thị trường phương Tây đầy biến động và bán hàng sang nhóm thị trường đang phát triển.
Số liệu công bố gần đây cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu đang giảm trong khi đó xuất khẩu của Hàn Quốc, Nhật và nhiều nước khác trong khu vực cũng trong tình trạng tương tự.
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu đến tháng 11/2011 chỉ còn 5% từ mức 7,5% của tháng 10/2011 và 18,1% của quý 3/2011.
Phần lớn các chuyên gia phân tích tin rằng xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu sẽ sụt giảm trong tháng 12/2011 và tháng 1/2012. Số lượng đơn hàng xuất khẩu tháng 11/2011 thực chất đã giảm.
Ông Wang Tao, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng UBS, nhận xét: “Trong trường hợp kinh tế châu Âu và kinh tế toàn cầu suy thoái, xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm khoảng từ 10 đến 12%. Hiện nay, chúng tôi cho rằng xuất khẩu Trung Quốc có thể không tăng trưởng trong năm 2012 và sẽ tác động mạnh lên nền kinh tế.”
Kinh tế Hàn Quốc hiện đã chịu tác động nặng nề, xuất khẩu sang châu Âu nói chung hạ khoảng 13,8% trong tháng 11/2011. Xuất khẩu tầu biển giảm 72% còn xuất khẩu các sản phẩm viễn thông giảm 53% so với cùng kỳ.
Ông Lee Eun-mi, quan chức tại Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc, chỉ ra: “Nhu cầu hàng hóa Hàn Quốc của châu Âu đang giảm nhanh. Tình hình này sẽ tồi tệ hơn trừ khi khủng hoảng nợ châu Âu được giải quyết.”
Nhật, Hàn Quốc và phẩn lớn các nước châu Á xuất lượng lớn hàng sang Trung Quốc, Trung Quốc xử lý lại và sau đó xuất sang các thị trường phương Tây, vì vậy xuất khẩu của Trung Quốc có tác động trực tiếp lên khắp khu vực.
Tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế nhìn chung vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu thế nhưng từ xuất khẩu, tuy nhiên từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều công ty sản xuất đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào phương Tây, bán nhiều hàng hơn tại thị trường nội địa và nhóm thị trường mới nổi. Và khi kinh tế châu Âu tiến gần hơn đến khả năng suy thoái, xu thế này đang dâng cao hơn.
Cho đến nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường mới nổi nhìn chung vẫn ở mức khá, xuất khẩu sang nhóm nước Đông Nam Á tháng 11/2011 tăng 21,5% so với cùng kỳ, xuất khẩu sang Braxin tăng 26,4% còn xuất khẩu sang Nga tăng 20,6%.
Ông Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế tại Nomura Holdings, nhận xét: “Nhu cầu từ bên ngoài sụt giảm tiềm ẩn rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên nỗ lực đa dạng hóa thị trường của các công ty Trung Quốc trong những năm qua sẽ phát huy tác dụng phần nào.”
Theo Minh Ngọc
Theo TTVN
|
Ngày đăng :
15/12/2011 - 8:57 AM
Năm 2012, nguồn vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ dự kiến chỉ đáp ứng chưa đầy hai phần ba nhu cầu của ngành giao thông vận tải nên Bộ Giao thông Vận tải phải huy động từ bên ngoài 20.000 tỉ đồng.
Theo kế hoạch phân bổ vốn năm 2012 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã được trình Chính phủ thì ngành giao thông cần tới 54.000 tỉ đồng. Trong đó, 15.000 tỉ đồng vốn ngân sách cho 87 dự án, trong đó có 41 dự án sử dụng vốn ODA.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ bố trí 20.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho 120 dự án. Khoảng 20.000 tỉ đồng còn lại sẽ được Bộ GTVT huy động từ các nguồn vốn bên ngoài để đầu tư cho 40 dự án thực hiện dưới hình thức xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT) và hợp tác công – tư (PPP).
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ kế hoạch đầu tư Bộ GTVT cho biết, kế hoạch vốn năm 2012 mà bộ đề nghị, vốn ngân sách tăng 2,5 lần, vốn trái phiếu chính phủ tăng 2 lần so với nguồn vốn bố trí thực tế năm 2011.
Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo không bố trí vốn cho nhiều dự án đã được duyệt theo chỉ thị 1792 của Chính Phủ, thì Bộ GTVT chỉ cấp vốn cho những dự án hoàn thành vào năm 2012.
Ngoài ra, chỉ cấp phép cho những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có tính chất quan trọng như dự án phục vụ cho cả một vùng kinh tế, những dự án manh mún sẽ không được cấp phép, ông Hoằng cho biết.
Hiện nay, Bộ GTVT đã cho phép chuẩn bị đầu tư 139 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 610.000 tỉ đồng. Trong số này, có 46 dự án đã được phê duyệt đầu tư, đủ điều kiện khởi công nhưng chưa được bố trí vốn.
Theo Lê Anh
TBKTSG
|
Ngày đăng :
14/12/2011 - 10:54 PM
Các tính toán từ các mô hình Leontief và ARIMA đưa NDHMoney đến dự báo, CPI tháng 12 có thể tăng khoảng 0,6% so với tháng trước.
Chu kỳ cuối năm tạo sức ép lên mặt bằng giá chung, khi các hoạt động kinh tế đều tăng tốc, cộng hưởng với xu hướng gia tốc từ trước. Nhưng biên độ tăng thấp hai tháng gần đây là cơ sở cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này khó tạo đột biến.
Các tính toán từ các mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt có điều chỉnh yếu tố mùa vụ đưa NDHMoney đến dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng này có thể tăng khoảng 0,6% so với tháng trước.
Nếu kịch bản này hiện thực, chỉ số giá tiêu dùng sẽ có tháng thứ 2 liên tiếp tăng tốc so với tháng trước đó. Tuy nhiên, biên độ thay đổi không lớn là khác biệt so với những năm có lạm phát biến động mạnh.
Cũng với kịch bản CPI tháng 12/2011 tăng khoảng 0,6%, so với cùng kỳ của khoảng 15 năm trở lại đây, mức tăng của tháng này là khá thấp, khi có khoảng 10 năm mức tăng tháng tương ứng cao hơn và rất ít năm có mức tăng thấp hơn.
Theo tính toán của NDHMoney, với độ vênh rất lớn so với tháng 12 năm trước (CPI tháng 12/2010 tăng 1,98%), nên lạm phát theo năm sẽ điều chỉnh lớn. So với cùng kỳ năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng từ mức tăng 19,83% trong tháng trước, ước chỉ còn tăng khoảng 18,2% tại tháng này.
Như vậy, lạm phát năm nay chắc chắn sẽ ở mức tăng thấp hơn kỷ lục của năm 2008 (cả năm tăng 19,89%), nhưng vẫn là năm có lạm phát rất cao trong khoảng 15 năm gần đây.
Sự điều chỉnh thấp của chỉ số giá tháng này, như đã đề cập ở phần đầu, có nguyên nhân từ yếu tố mùa vụ cuối năm. Các chỉ tiêu tiền tệ và tài khóa quan trọng, căn cứ vào thông tin công bố chính thức của các cơ quan Chính phủ, đều có điều chỉnh nới hơn.
Với chính sách tiền tệ, theo thông tin mới đây từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán trong năm nay ước khoảng 12-13% so với cuối năm ngoái.
Cũng liên quan đến những biến động trên thị trường tiền tệ, dữ liệu của NDHMoney cho thấy, lượng tiền bơm ròng trên thị trường mở (OMO) của Ngân hàng Nhà nước trong chu kỳ tính giá này đã cao hơn trước, đi kèm vẫn là những xáo trộn lãi suất liên ngân hàng, được cho là chịu tác động từ thiếu hụt thanh khoản tạm thời của một số tổ chức tín dụng nhỏ.
Nhưng trong khi chính sách tiền tệ thường có độ trễ nhất định, theo lý thuyết chính sách tài khóa tác động đến lạm phát gần như tức thì, do ảnh hưởng lập tức đến lượng tiền có khả năng thanh toán.
Thông tin đáng quan tâm là từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ trong cuộc họp hồi đầu tháng này. Theo bộ chi ngân sách nhà nước đến giữa tháng 11 ước khoảng 639 nghìn tỷ đồng, nhưng ước cả năm khoảng 796 nghìn tỷ đồng, tức là tăng thêm khoảng 157 nghìn tỷ đồng trong hơn 1 tháng cuối năm.
Số chi ngân sách năm nay khoảng 796 nghìn tỷ đồng, so với dự toán được Quốc hội thông qua tăng khoảng 13,4%; và so với thực hiện năm 2010 tăng khoảng 20,6%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán như đã đề cập ở trên.
Trong khi đó, cầu tiêu thụ ngoại cũng có chu kỳ tăng trong khoảng 3 tháng gần đây. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng 10 và 11 đều cao hơn tháng trước đó khoảng 500 triệu USD.
Lực hút đối với hàng hóa từ các thị trường ngoại, cùng với giá cả tăng trong các hợp đồng bán sản phẩm, tiếp tục tạo sức ép lên mặt bằng giá trong nước.
Trong khi đó, cầu tiêu dùng nội địa vẫn duy trì xu hướng tăng hàng tháng, dù chưa có đột biến như mọi năm nhưng với Tết Nguyên đán năm nay đến sớm đã ảnh hưởng nhất định đến tiêu dùng ngay trong tháng này.
Với từng nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, trong tháng này NDHMoney đặc biệt lưu ý đến các nhóm lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình; may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; nhà ở và vật liệu xây dựng (chịu ảnh hưởng bởi giá gas)…
Theo NDHMoney
|