Ngày đăng :
17/12/2011 - 1:20 AM
Sự căng thẳng của quan chức chính phủ Pháp bắt nguồn từ việc Bộ trưởng Tài chính Anh từng so sánh tình trạng của Pháp hiện nay giống như Hy Lạp.
Ông François Baroin, Bộ trưởng Tài chính Pháp, trong ngày thứ Sáu tuyên bố kinh tế Pháp thực chất tốt hơn kinh tế Anh, bất chấp số liệu mới nhất cho thấy kinh tế Pháp thực chất đã rơi vào suy thoái và sẽ chỉ hồi phục yếu vào năm 2012.
Nói đến cuộc khẩu chiến về nền kinh tế, ông Baroin nói: “Trên thực tế, tình hình kinh tế tại Anh hiện rất đáng lo và người ta sẽ muốn làm người Pháp hơn người Anh ở thời điểm hiện tại, xét trên phương diện kinh tế.”
Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi Insee, cơ quan thống kê quốc gia của Pháp, dự báo kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng âm 0,2% trong quý hiện tại và thêm âm 0,1% trong quý 1/2012 và sau đó đến quý 2/2011 mới tăng trưởng được 0,1%.
Tính toán trên cho thấy kinh tế Pháp sẽ không thể tăng trưởng được 1% theo mục tiêu của năm 2012, chính phủ của Tổng thống Nicolas Sarkozy đã tính toán để giảm được thâm hụt ngân sách xuống mức tương đương 5,7% GDP năm 2011 và 4,6% GDP năm 2012.
Nhiều tổ chức xếp hạng tín dụng đã đe dọa hạ xếp hạng tín dụng AAA của Pháp bởi lo lắng về khả năng liệu Pháp có thực hiện được mục tiêu thâm hụt ngân sách và giảm nợ.
Các quan chức chính phủ Pháp đang phàn nàn về việc xếp hạng tín dụng AAA của Pháp bị đe dọa hạ trong khi xếp hạng của Anh không chịu bất kỳ rủi ro nào dù thâm hụt ngân sách của Anh cao hơn, tỷ lệ nợ tương đương, lạm phát cao và kinh tế trì trệ. Sự căng thẳng của quan chức chính phủ Pháp bắt nguồn từ việc Bộ trưởng Tài chính Anh từng so sánh tình trạng của Pháp hiện nay giống như Hy Lạp.
Bộ trưởng Tài chính Pháp nói: “Chúng tôi không cần ai dậy phải làm gì và cũng không dậy ai làm gì.”
Ngày thứ Năm, Christian Noyer, thống đốc vốn trầm tính của Ngân hàng Trung ương Pháp, khẳng định tính trên các yếu tố vĩ mô căn bản, lẽ ra các tổ chức xếp hạng tín dụng cần bắt đầu bằng việc hạ xếp hạng tín dụng của Anh chứ không phải Pháp.
Theo Ngọc Diệp
TTVN
|
Ngày đăng :
16/12/2011 - 11:34 AM
Vinashin mới chuyển nhượng, sáp nhập, giải thể và chuyển giao 54 doanh nghiệp trong số hơn 200 doanh nghiệp mà tập đoàn không giữ lại sau khi tái cơ cấu.
Theo báo cáo về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được gửi đến ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương tuần qua, việc thực hiện tái cơ cấu ở Vinashin còn rất chậm, chưa đạt tiến độ như mong muốn.
Tại 216 công ty mà Vinashin không giữ lại trong mô hình tập đoàn sau khi tái cơ cấu, đến nay Tập đoàn chỉ chuyển nhượng, sáp nhập, giải thể, chuyển về đơn vị khác 54 doanh nghiệp. Trong số này có 16 doanh nghiệp bị giải thể.
Trong số 67 doanh nghiệp mà Vinashin góp vốn bằng thương hiệu (thường ở mức 30% vốn điều lệ công ty), mới rút lại thương hiệu ở 22 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp còn lại, Vinashin đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Sở kế hoạch và đầu tư các địa phương đẩy nhanh thủ tục đăng ký lại, rút vốn thương hiệu Vinashin tại các công ty.
Về các công ty Vinashin góp vốn bằng tiền và tài sản, lộ trình thoái vốn còn khó khăn hơn do các công ty này hoạt động không hiệu quả. Tập đoàn đang đề nghị Chính phủ cho phép hạch toán giảm vốn (từng trường hợp cụ thể) khi tiến hành thoái vốn tại các công ty đã góp bằng tiền hay tài sản của tập đoàn.
Theo TBKTSG
|
Ngày đăng :
16/12/2011 - 11:30 AM
Kinh tế Việt Nam rất nhạy cảm với “thời tiết” kinh tế của thế giới, song lại có sức hấp dẫn ở lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, y tế, cơ sở hạ tầng, bất động sản.
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ vừa công bố 9 dự báo về kinh tế toàn cầu trong năm 2012 và 2013. Đây là những nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế các khu vực, lĩnh vực chứng khoán, hàng hóa, tỷ giá, chính sách của các ngân hàng trung ương.
Trong đó, bức tranh dự báo kém tươi sáng, cho thấy kinh tế thế giới có sự giảm tốc xa hơn do ảnh hưởng bất lợi từ các biện pháp cắt giảm chi tiêu của Mỹ và châu Âu, doanh nghiệp hạn chế đầu tư và tiếp tục sa thải nhân lực của khu vực tài chính. Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục thể hiện sự vững vàng trước các thách thức trong 2 năm tới, trong đó, thị trường chứng khoán châu Á sẽ “vượt bão” tốt hơn so với các khu vực khác.
Theo đó, nền kinh tế Việt Nam rất nhạy cảm với “thời tiết” kinh tế của thế giới do đang có độ mở theo lộ trình hội nhập. Trong khi đó, tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn phải đối mặt với lạm phát, tiền tệ suy yếu và thâm hụt thương mại vẫn ở mức cao.
Trước biến động và dự báo trên, Hội thảo Thế giới & Việt Nam - Dự báo 2012 được tổ chức ngày 17/12 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Vietnam CEO Corp tổ chức sẽõ đi sâu phân tích xu hướng và đưa ra giải pháp cho 3 lĩnh vực sống còn của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2012, gồm đầu ra cho hàng hóa và thị trường bán lẻ; bài toán vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn thắt chặt tài chính, tiền tệ và tái cấu trúc để tồn tại.
Về đầu ra cho hàng xuất khẩu, mặc dù, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ hai đối tác thương mại lớn nhất là EU và Mỹ. Song Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội, bởi chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu như nông sản, thủy sản, hàng dệt may, giày dép. Đặc biệt, Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội trong lúc tình hình sản xuất của Thái Lan còn khó khăn do hậu quả nghiêm trọng của lũ lụt để tăng mạnh các sản phẩm xuất khẩu tương tự Thái Lan, nhất là 6 tháng đầu năm 2012.
Khó khăn phải đối mặt cũng là cơ hội buộc các doanh nghiệp tái cấu trúc để nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài việc rà soát lại kế hoạch kinh doanh gắn với kế hoạch tài chính và sự vận động của dòng tiền, các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường nội địa, tìm mọi khả năng tăng xuất khẩu các mặt hàng có thể thay thế Thái Lan, thâm nhập thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường châu Phi, Mỹ La tinh.
Đối với thị trường nội địa, ngành hàng bán lẻ nói chung cần nhắm vào nhóm sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, vì năm 2011 khó khăn, nhưng nhóm ngành này vẫn có tốc độ tăng trưởng từ 15 đến 20% (trong khi ngành hàng xa xỉ giảm tới 30%). Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Siêu thị Big C, chia sẻ: “Nối tiếp thành công năm 2011, Big C sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược ra nhãn hàng riêng cho dòng sản phẩm mỳ gói, dầu ăn, giấy, dầu xả và giảm giá thành sản phẩm từ 10 đến 20% so với sản phẩm cùng loại của các nhà sản xuất khác”.
Theo ông Dũng, đây là hình thức tiết kiệm chi phí vận chuyển, tiếp thị, chi phí lưu kho. Thêm vào đó, thị trường bất động sản trầm lắng lại là cơ hội cho các nhà bán lẻ kinh doanh theo chuỗi có được vị trí thuê mặt bằng với chi phí thấp hơn so với mọi năm.
Liên quan đến bài toán giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn thắt chặt tài chính và tiền tệ, ông Peter R.Ryder, Giám đốc điều hành Indochina Capital cho rằng, quan trọng là Chính phủ Việt Nam làm tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và ưu tiên vốn cho khu vực tư nhân.
Về phía doanh nghiệp, vẫn phải tự thay đổi mình để khai thác cơ hội triệt để. Bởi nền kinh tế vĩ mô nhạy cảm sẽ có thêm nhiều sự thay đổi, sẽ có thêm nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Thực tế, các tập đoàn đa quốc gia vẫn tiếp tục cân nhắc mua lại cổ phần các công ty Việt Nam có vị trí thống lĩnh thị trường như một cách để gia tăng sự thâm nhập của họ vào thị trường Việt Nam, trong đó có bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, y tế, cơ sở hạ tầng, bất động sản. “Điều này chứng tỏ, sức hấp dẫn tại thị trường Việt Nam thể hiện trên rất nhiều lĩnh vực và đó là cơ hội để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài”, ông Peter R.Ryder cho biết.
Theo Anh Hoa
Bao Đầu Tư
|
Ngày đăng :
16/12/2011 - 11:27 AM
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang vào “tầm ngắm” của cơ quan thuế trong cuộc chiến chống chuyển giá, song không dễ xác định và đấu tranh với hiện tượng này.
Công ty EVERBEST Việt Nam là doanh nghiệp (DN) 100% vốn đầu tư của Hồng Kông - Trung Quốc, chuyên gia công giày các loại tại Quảng Ninh. Theo Cục Thuế Quảng Ninh, từ khi thành lập đến nay (từ năm 2003), Công ty này liên tục thua lỗ.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra với Công ty TNHH Ngọc Trai Phương Đông, DN 100% vốn đầu tư của Nhật Bản. Hoạt động trong lĩnh vực nuôi ngọc trai, sản phẩm sản xuất ra thường được bán cho một công ty ở nước ngoài, song từ khi thành lập (năm 2000) đến nay, DN này liên tục báo cáo lỗ.
Cả hai DN trên đều đang vào “tầm ngắm” của Cục Thuế Quảng Ninh. Cơ quan này đang thu thập thông tin để xác định xem, các giao dịch của 2 công ty trên có thuộc giao dịch liên kết không và cả 2 đều thuộc diện bị thanh tra chống chuyển giá trong 2 năm 2011, 2012.
Trên thực tế, đây không phải là những trường hợp cá biệt và cũng không phải chỉ diễn ra ở Quảng Ninh. Báo cáo từ các cục thuế địa phương cho thấy, vẫn tiếp tục có những cái tên “rất đáng nghi ngờ”.
Chẳng hạn, ở Đồng Nai, có Công ty Dệt Hualon (100% vốn của Đài Loan). DN này cũng báo lỗ liên tục và cuối năm 2010, đã được Cục Thuế Đồng Nai thanh tra, với số lỗ lũy kế đến thời điểm thanh tra lên tới trên 1.000 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra cho thấy, Hualon có dấu hiệu rõ ràng về giao dịch với các DN liên kết ở nước ngoài trong việc mua nguyên vật liệu chính để sản xuất. Tuy nhiên, do chưa có đủ thông tin, nên Cục Thuế Đồng Nai đành tạm thời chưa có kết luận nội dung này và đã chuyển toàn bộ tài liệu về Tổng cục Thuế nhờ hỗ trợ.
Đồng tình với nhận định của Cục Thuế Đồng Nai, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo thu thập thêm thông tin để nghiên cứu hỗ trợ điều tra chống chuyển giá.
Dù là ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Hải Phòng…, các cơ quan thuế địa phương đều rất dễ chỉ ra một số lượng không nhỏ các DN FDI thuộc diện lỗ triền miên, trong khi vẫn không ngừng mở rộng sản xuất - kinh doanh. Tất nhiên, lỗ chỉ là một dấu hiệu. Nhưng dựa trên kinh nghiệm của mình, ông Phan Phùng Hưng, Phòng Thanh tra số 1, Cục Thuế TP.HCM cho biết, nếu DN nào lỗ kéo dài, mà lại vẫn phát triển sản xuất - kinh doanh, vẫn xây dựng thêm nhà máy và hoạt động bình thường, thì đấy là có dấu hiệu chuyển giá.
Vấn đề là, giữa dấu hiệu và thực tế lại là một câu chuyện rất khác. Làm sao để xác định và đấu tranh được với DN rằng đó là hành vi chuyển giá?
Trong điều tra chống chuyển giá, một trong những nguyên tắc hàng đầu là phải xác định được giá độc lập. Song để làm được điều này, lại không hề đơn giản. Trường hợp của 2 công ty TNHH Pagoda và Chế biến trà Jun Chow ở tỉnh Đắk Nông là ví dụ điển hình. Cục Thuế tỉnh Đắk Nông cách đây chưa lâu đã phải “cầu viện” từ Tổng cục Thuế về nghiệp vụ xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết của 2 công ty này.
Theo Cục Thuế Đắk Nông, Pagoda được thành lập năm 2006, là DN 100% vốn của Malaysia, có hoạt động chế biến đậu phộng (lạc) sấy giòn; thành phẩm sản xuất ra chủ yếu được bán cho bên có quan hệ liên kết (Thong Thye Groundnut Factory Sdn. Bhd tại Malaysia). Sau 5 năm hoạt động, Công ty liên tục báo cáo lỗ và số lỗ luỹ kế tính đến ngày 31/12/2010 là 44,525 tỷ đồng, vượt quá cả số vốn đầu tư của chủ sở hữu là 42,147 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty TNHH Chế biến Trà Jun Chow, cũng là DN 100% vốn nước ngoài, lại chuyên sản xuất trà olong. Công ty mua nguyên liệu đầu vào từ bên độc lập trên thị trường nội địa, sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu cho bên liên kết tại Đài Loan. Công ty này cũng liên tục báo cáo lỗ, với số lỗ luỹ kế tính đến ngày 31/12/2010 là 23,903 tỷ đồng.
Nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra hoạt động của hai công ty này. Tuy nhiên, với cả hai DN, đoàn thanh tra đều chưa đủ thông tin để xác định giá thị trường đối với sản phẩm bán cho bên liên kết.
Tất nhiên, với sự hỗ trợ của cơ quan thuế cấp trên, kết quả cuối cùng đã có. Theo đó, trong 3 năm (2007- 2009), doanh thu của Jun Chow đã tăng thêm trên 11 tỷ đồng; còn Pagoda, chỉ trong năm 2009, đã tăng tổng doanh thu xuất khẩu sản phẩm cho bên liên kết lên trên 14,3 tỷ đồng. “Xác định được giá giao dịch độc lập là vô cùng khó khăn. Vấn đề không chỉ nằm ở năng lực của cán bộ thuế, mà còn ở việc thiếu những thông tin cơ bản để xác định giá trong các giao dịch liên kết với các giao dịch khác”, ông Hưng thừa nhận.
Một cán bộ của Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, các cơ quan chức năng hầu như chưa xây dựng được một cơ sở dữ liệu về giá cả của các loại hàng hóa được giao dịch giữa công ty độc lập và công ty liên kết với nhau. “Vì vậy, khi một hoạt động nghiệp vụ mua bán nội bộ xảy ra, giữa các công ty có giao dịch liên kết, công ty cùng tập đoàn xảy ra thì cơ quan thuế rất khó khăn trong việc tìm kiếm một nghiệp vụ mua bán tương đương để so sánh xem nghiệp vụ mua bán nội bộ này của doanh nghiệp có đảm bảo tuân thủ theo nguyên tắc giá thị trường hay không”, vị này nói.
Câu chuyện đã từng được Báo Đầu tư nhắc tới, đó là Lâm Đồng thành công trong chống chuyển giá nhờ biện pháp hành chính, chứ không phải bằng biện pháp thị trường. Đây cũng có thể coi là một ví dụ điển hình cho sự gian nan của cuộc chiến chống chuyển giá.
Theo Nguyên Đức
Báo Đầu Tư
|
Ngày đăng :
15/12/2011 - 6:03 PM
Mười năm trước, cổ phần hóa còn là mệnh lệnh hành chính thì nay đã trở thành nhu cầu thực tế của nhiều doanh nghiệp nhà nước trong ngành dệt may. Họ muốn “thoát ly” khỏi sự sở hữu (cho dù có mức độ) của Nhà nước để không bị các đối tác nước ngoài nghi ngại và ép giá trong khi đàm phán làm ăn.
Mệnh lệnh là tấm áo chật
“Cách đây hơn một tháng, tập đoàn Dệt may (Vinatex) vẫn nhận được văn bản từ phía Mỹ nói là các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước, nghĩa là được Nhà nước trợ cấp và trợ giá, kể cả doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ sở hữu dưới 51% vốn điều lệ, nên việc đàm phán giá khó hơn”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex, nói với Thủ tướng hôm 8-12. Và ông đề nghị đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa (CPH), giảm bớt sự chi phối của Nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp có đủ vị thế cạnh tranh hơn nữa.
Từ năm 2007 đến nay, quá trình CPH bị chậm lại, chỉ thực hiện được một phần ba yêu cầu đặt ra, nhất là nhóm các doanh nghiệp dệt may, vốn không hấp dẫn các nhà đầu tư bằng các doanh nghiệp năng lượng, khoáng sản hay ngân hàng. “Nhưng nhu cầu tự thân của chúng tôi rất cần đẩy nhanh tiến độ CPH để cạnh tranh được sòng phẳng”, ông Giang khẳng định. Ông cho biết để có thể phát triển, các doanh nghiệp dệt may đã phải tự tham gia đấu thầu các đơn hàng trên mạng từ lâu, bất kể là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, vốn nhà nước ở đó còn nhiều hay ít, CPH mới đây hay đã lâu.
Mười năm trước, CPH còn là mệnh lệnh thì nay đã trở thành nhu cầu thực tế của nhiều doanh nghiệp dệt may. Bất chấp những khó khăn trên thị trường vốn suốt thời gian qua, họ muốn “thoát ly” khỏi sự sở hữu (cho dù có mức độ) của Nhà nước, để không bị các đối tác nước ngoài nghi ngại và ép giá các đơn hàng ở mức thấp (do e ngại Nhà nước có trợ cấp hay trợ giá).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi sơ kết việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) hôm 9-12, cũng thừa nhận CPH doanh nghiệp hay thành lập tập đoàn những năm qua chủ yếu theo phương thức hành chính, nhất là những TĐKTNN được thực hiện theo phương thức gom và cơ cấu lại từ một số tổng công ty nhà nước hoạt động trong cùng lĩnh vực. Mô hình tổ chức như vậy khiến cho hoạt động của các tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa công ty mẹ với các công ty con vốn là các tổng công ty có nhiều kinh nghiệm và đã có thương hiệu trên thị trường.
Cái khó này thể hiện ở các hình thức liên kết khá đơn điệu. Ví như các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn mang tiếng là liên kết theo thỏa thuận ở các mức độ và phạm vi khác nhau nhưng hầu hết các thỏa thuận này chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực sản xuất kinh doanh như trao đổi hàng hóa lẫn nhau, sử dụng thương hiệu thông qua công ty mẹ... thay cho những thỏa thuận mang tính thị trường, thúc đẩy sự phát triển dài hạn và ổn định hơn.
Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Nguyễn Đăng Nam than rằng dù là TĐKTNN nhưng quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu ở đây được phân cho ba bộ nên khi tập đoàn trình các vấn đề thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu phải chờ ý kiến của ba nơi (như chuyện phê duyệt tăng vốn điều lệ), kéo dài đến sáu tháng làm chậm tiến độ sản xuất kinh doanh, làm mất đi tính tự chủ. Do vậy việc thành lập tập đoàn nhằm mục đích sản xuất kinh doanh nhưng phải chịu sự chi phối của các quyết định hành chính rất cần phải cải tiến thì tập đoàn hay các doanh nghiệp thuộc tập đoàn mới không lỡ cơ hội.
Chính phủ cũng đang thay đổi tư duy
Không chỉ vì các doanh nghiệp hay TĐKTNN thấy việc CPH, tái cấu trúc là nhu cầu tồn tại thực tế mà còn vì hiệu quả quản lý, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày một giảm khiến Chính phủ buộc phải tính toán lại. Ngoài ra, sự thiếu vắng hay chồng chéo của rất nhiều quy định liên quan đến TĐKTNN, mức độ rủi ro về tài sản (do hình thành phần lớn từ vốn vay), hệ số an toàn vốn thấp ở các tập đoàn cũng là nguyên nhân buộc phải thay đổi.
Những chuyển biến về tư duy và hành động cụ thể đã được công bố tại hai cuộc họp tổng kết về CPH doanh nghiệp nhà nước và thí điểm thành lập các TĐKTNN diễn ra vào cuối tuần qua tại Hà Nội.
Nếu như mấy năm trước, tư tưởng nhà nước giữ độc quyền trong một số ngành sản xuất, kinh doanh thiết yếu như điện lực, dầu khí, khoáng sản... vẫn còn chi phối các quyết định liên quan thì nay Chính phủ đã tuyên bố chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2015-2020 sẽ CPH 27 tập đoàn, tổng công ty (cho dù Nhà nước vẫn giữ lại cổ phần chi phối trên 65% hoặc trên 75% vốn điều lệ ở một số tập đoàn). Trong số này, người ta thấy có tên các tập đoàn: Dầu khí, Công nghiệp Than và Khoáng sản, Điện lực, Cao su, Hóa chất và Tổng công ty Hàng hải. Nhà nước cũng không giữ cổ phần chi phối ở 16 tổng công ty khác.
Không chỉ vậy, Chính phủ cam kết đến năm 2020 chỉ còn 17 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ và 200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mang tính độc quyền nhà nước, an ninh, quốc phòng và công ích. Và Nhà nước chỉ giữ độc quyền mang tính thương mại ở một số ít doanh nghiệp như: tập đoàn Viettel, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Đường sắt, ba tổng công ty hàng không hay hai tổng công ty đảm bảo hàng hải... Ở các địa phương, chỉ còn lại các doanh nghiệp hoạt động công ích, xổ số kiến thiết, môi trường đô thị, thoát nước, các công ty nông lâm nghiệp.
Có lẽ xuất phát từ sự thay đổi quan điểm này mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ tạm dừng việc thí điểm thành lập mới các TĐKTNN để hoàn thiện khung pháp lý và tái cấu trúc số tập đoàn hiện có.
Theo Kinh tế Sài gòn Online
|